Dịch giả: Lê Xuân Hoài

Tôi nhìn lại người khách của mình một lần nữa. Mi mắt hắn nhắm nghiền. Hắn có thể chết bất cứ lúc nào. Tôi muốn thử liều một phen và mở mạnh cái nút kim loại.
1
Snookle được đưa đến vào một buổi sáng cùng với mấy chai sữa. Bốn chai nửa lít để trước cửa, ba chai có sữa còn trong chai thứ tư là Snookle. Nó nhìn tôi xuyên qua nhà tù bằng thủy tinh với đôi mắt buồn rười rượi. Tôi có thể nhận biết nó đang sống, mặc dù nó hoàn toàn không thể hiện ra điều ấy và nó cũng không động đậy gì cả. Nó làm tôi chợt nhớ tới một con chó bị xích có thể làm cho gia chủ phải động lòng trắc ẩn bằng đôi mắt buồn bã của mình. Snookle muốn ra khỏi chai sữa nhưng nó không tính đến chuyện tự tìm cách thoát thân... Nó không nói lấy một câu, chỉ nhìn tôi chằm chằm với con mắt câm lặng.
Tôi cất ba chai sữa vào tủ lạnh và để Snookle với chỗ ở chật chội của nó lên bàn. Sau đó tôi ngồi trước cái chai và chăm chú ngắm nhìn nó. Tôi không thấy cái gì hơn là những con mắt to tướng với cái nhìn tối tăm. Nó cũng phải có thân thể chứ nhỉ, nhưng sao không thấy đâu cả. Hai con mắt bay lơ lửng trong không khí cách đáy chai khoảng 15cm.
Bố mẹ tôi đi làm. Tôi không thể trông chờ gì vào sự giúp đỡ của bố mẹ được. Tôi lắc cái chai, bỗng hai con mắt nhảy tớn lên như những quả bóng cao su. Vẻ buồn bã lúc nãy bỗng trở nên vội vã, hai con mắt nhấp nháy mấy lần rồi lại trở về vị trí cũ.
Tôi nói với nó:
- Xin lỗi, mình không muốn làm cậu đau.
Không có tiếng trả lời, chỉ có cái nhìn đầy trách móc.
Tôi lại hỏi:
- Cậu là loài sinh vật gì? Từ đâu tới? Cậu làm thế nào để đến đấy? Tên cậu là gì?
Tôi không nhận được câu trả lời. Sự thực là những con mắt đó từ từ nhắm lại rồi ngủ thiếp đi.
Tôi chợt có một ý nghĩ ghê rợn. Điều gì sẽ xảy ra nếu nó bị chết? Không khí trong chai sữa nào có nhiều nhặn gì. Nếu nó là một loài sinh vật biết hô hấp thì nó sẽ chết ngạt. Tôi lại nghĩ hay là mở nút chai cho nó ra. Nhưng nếu làm thế tôi có thể gặp nhiều chuyện phiền toái. Biết đâu nó sẽ không chịu chui vào trong chai nữa và nhỡ nó là một loài vật nguy hiểm thì sao. Nó có thể cắn tôi, có thể truyền cho tôi một căn bệnh cực kỳ nguy hiểm và căn bệnh đó có thể tiêu diệt tất cả loài người. Nó có thể trốn đi và gieo tai họa chết chóc khắp mọi nơi.
Tôi đi ra phía cửa sổ và nhìn ra ngoài. May ra có ai đó trên đường tới trường đi qua đây. Dù sao thì có hai cái đầu cùng suy nghĩ vẫn hơn là một, nhất là phòng khi cái của ấy thoát ra khỏi chai và tấn công tôi... Bỗng tôi nhớ ra hôm nay là ngày hội đồng nhà trường họp tổng kết và chẳng ai đi học cả. Người duy nhất đang đi ngoài đường là bà cụ McKee tội nghiệp. Bà đang lò dò từng bước trên bậc thang trước cửa nhà để đi lấy sữa. Chả thể nhờ cậy gì ở cụ McKee được cả. Cụ bị tê thấp, cụ chỉ có thể cầm một chai sữa và dò dẫm từng bước từ cổng tới cửa nhà, thế mà cụ đi cũng phải tới nửa tiếng đồng hồ.
Thường vào những ngày cuối tuần tôi sang giúp cụ vì tay cụ yếu lắm, chẳng làm được cái gì cả. Vườn nhà cụ ngợp cỏ dại, còn cửa sổ thì đầy bụi bậm. Tường nhà cụ bị lở từng mảng. Một lần tôi nghe mẹ nói, cụ McKee sắp phải chuyển tới nhà nuôi dưỡng người già vì tay cụ yếu lắm, không vận động được nữa. Không, dứt khoát cụ McKee không thể làm gì giúp tôi nếu như hai con mắt thoát ra khỏi cái chai và trở nên nguy hiểm.
2
Tôi nhìn lại người khách của mình một lần nữa. Mi mắt hắn nhắm nghiền. Hắn có thể chết bất cứ lúc nào. Tôi muốn thử liều một phen và mở mạnh cái nút kim loại.
Ánh mắt hắn thay đổi, dường như nó sung sướng lắm. Sau đó hai con mắt từ từ nhích lên phía miệng chai. Tôi không nhìn thấy thân thể nó nhưng tôi tin rằng sinh vật bé bỏng này đang tìm cách nhoài người lên miệng chai. Hai con mắt vươn lên miệng chai rồi trườn ra ngoài. Nó ngồi ngay ngắn trên miệng chai và nhìn tôi rất khoái chí. Tôi không nhìn thấy miệng nó và cũng không thấy khuôn mặt nó nhưng tôi đoán chắc rằng nó đang cười.
Tôi hỏi nó:
- Này cậu tên là gì?
Kể cũng lẩm cẩm, ai lại chuyện trò với một sinh vật mà mình chưa biết bao giờ, cứ làm như nó biết trả lời không bằng. Nhưng quả thật tôi cảm thấy nó hiểu tôi. Thế mà tôi vẫn giật bắn mình khi sinh vật bé bỏng đó bỗng nhiên trả lời tôi. Nó không dùng từ, cũng không nói. Nhưng tôi nghe rõ câu trả lời của nó trong đầu mình. Từ Snookle bỗng hiện ra trong óc tôi.
Tôi hỏi:
- Này, cậu Snookle, cậu là ai, cậu muốn gì?
Nó lại trả lời tôi mà không nói lấy một tiếng. Câu trả lời của nó ngấm vào suy nghĩ của tôi:
- Tôi là kẻ tôi tớ của ông chủ. Mọi mong muốn của ông chủ là mệnh lệnh đối với tôi.
Thực ra thì nó không nói đúng từng từ như vậy, bởi vì nó có dùng từ để nói đâu. Nhưng ít nhiều thì tôi cũng có thể hiểu nó muốn gì. Nhất là khi nó nói những mong muốn của tôi là mệnh lệnh đối với nó. Sau đó tôi phát hiện ra một điều là nó có thể đọc được những suy nghĩ của tôi. Nó biết tôi muốn gì mà không cần tôi phải nói lấy một lời.
3
Bỗng bụng tôi sôi ùng ục. Tôi thấy đói cồn cào. Hai con mắt liếc chéo qua chiếc bàn hướng về phía kho thực phẩm. Snookle biết bay. Sau đó tôi trông thấy một gói bỏng bim bim và một cái bát bay ra, sát theo sau là đôi mắt. Cửa tủ lạnh bật mở và chai sữa cũng lướt ra ngoài như cách trên. Bỏng bim bim và sữa được đổ vào bát rồi trộn thêm đường. Liều lượng và cách pha đúng như ý muốn của tôi. Tuyệt thật. Nó biết tôi muốn ăn sáng và nó tự động lấy những thứ mà tôi thích, chẳng cần tôi phải nói lấy một lời. Tôi chờ một lúc để cho món bỏng ngấm sữa và mềm ra.
Tôi muốn thử khả năng của Snookle. Tôi muốn lấy mấy tờ báo ở thùng thư. Snookle lướt ra cửa, nó mở cửa, rồi đứng sững giữa lưng chừng giời. Tôi bảo nó:
- Tiếp tục đi, ra ngoài!
Hai con mắt đảo đi đảo lại, hết quay sang bên này lại ngoảnh sang bên kia. Nó lắc đầu. Tôi nhìn ra cửa và thấy một người đàn ông đi xe đạp tới. Khi người đó phóng xe qua, Snookle lao như bay tới thùng thư và lấy báo.
Tôi hiểu ra rằng nó không muốn ai nhìn thấy, trừ ông chủ của mình. Tôi là ông chủ của nó vì tôi đã giải phóng nó ra khỏi cái chai. Nó chỉ xuất hiện trước mặt tôi.
Snookle đi theo tôi vào buồng. Tầm bay lý tưởng của nó là ở độ cao hai mét. Hôm nay không phải đi học nên tôi quyết định mặc áo bò. Đúng lúc tôi đang nghĩ như vậy thì Snookle bay tới tủ quần áo. Bằng đường không, tôi nhận được bộ quần áo bò, áo ba lỗ và đồ lót. Mọi thứ được để ngăn nắp ở trên giường.
Chuyện sau đây quả có làm cho tôi ngạc nhiên. Snookle cởi bộ quần áo ngủ mà tôi đang mặc và bắt đầu mặc quần áo cho tôi. Tôi cảm thấy ngường ngượng, nó làm như mình còn bé lắm và phải để mẹ mặc quần áo cho. Tôi cảm thấy những ngón tay thon dài, lành lạnh lướt trên thân thể mình.
Tôi bảo nó:
- Thôi đi, Snookle, cậu không phải mặc quần áo cho tôi đâu.
Nhưng nó không chịu nghe. Thế là tôi hiểu Snookle làm mọi việc, bất chấp người ta muốn hay không.
Tôi cảm thấy buồn buồn trong mũi và sắp sửa hắt xì hơi, nhanh như chớp Snookle lấy khăn lau trong túi quần tôi và để ngay trước mũi. Tôi hắt xì hơi vào chiếc khăn và nói:
- Cám ơn cậu, để tôi tự làm cũng được mà!
Sau đó tôi đi vào bếp và ăn sáng. Snookle vớ vội cái thìa. Tôi tìm cách giật lại nhưng nó đã vục thìa vào cốc sữa có bỏng bim bim và đẩy thìa vào mồm tôi. Tôi ngậm chặt miệng lại vì không muốn nó làm những trò vớ vẩn đó. Nhưng với bàn tay lạnh giá, vô hình nó bóp chặt vào má và đẩy cái thìa đầy ú thức ăn vào mồm tôi. Cứ thế nó bón cho tôi hết cả bát sữa, làm như tôi là trẻ sơ sinh vậy.
Bây giờ thì tôi hy vọng các bạn có thể thông cảm với tôi về chuyện sau đây. Thực ra thì tôi không thuộc loại người hay ngoáy mũi. Nhưng thỉnh thoảng khi thấy buồn buồn, ngưa ngứa thì tôi cũng phải ngoáy mũi. Mà tôi cũng chỉ ngoáy một chút, không lâu hơn các bạn đâu. Nhưng tôi chưa kịp làm gì thì những ngón tay dài thon lạnh giá đã ngoáy mũi tôi.
Snookle ngoáy trong mũi tôi. Xuýt nữa thì tôi nổi đóa. Tôi hét tướng lên và tìm cách đẩy nó ra ngoài nhưng nó rất khoẻ.
Càng về sau, mọi chuyện càng phức tạp, khó chịu hơn. Snookle không chịu để cho tôi làm bất cứ việc gì, tôi không tài nào cựa quậy được chân tay.
4
Tôi lại đi vào trong bếp và ngồi xuống. Không thể cứ tiếp tục mãi như thế này được. Tôi nghĩ tới tương lai cùng với Snookle, nó sẽ làm mọi thứ cho tôi. Làm tất tần tật. Không được. Phải tống nó đi, càng nhanh càng tốt. Tôi thả mấy hạt bỏng vào vỏ chai sữa và nghĩ cách lấy những hạt bỏng đó ra. Snookle lao ngay tới và chui tọt vào trong chai để lấy bỏng ra cho tôi. Nhanh như cắt tôi ấn chặt cái nút chai trước khi Snookle có thể hiểu chuyện gì đã xảy ra với nó. Nó bị nhốt nhưng không tìm cách để thoát ra ngoài. Nó buồn bã, đau khổ nhìn tôi.
Giờ thì tôi không biết phải làm gì nữa. Tôi không muốn nhốt Snookle trong cái chai này suốt cả cuộc đời còn lại của nó, nhưng tôi cũng không muốn nó như một cái dây leo suốt đời bám lấy tôi, thậm chí còn ngoáy mũi cho tôi. Tôi nhìn ra ngoài cửa sổ. Tôi thấy bà cụ già McKee tốt bụng đã chuyển hết két sữa từ cổng vào trong nhà. Nhất định cụ sẽ lại quay trở ra để lại chậm rãi, nặng nề đi ra phía thùng thư.
Tôi mang theo Snookle và đi sang bên kia đường. Sau đó tôi để cái chai trước cửa nhà cụ McKee. Một tay tôi cầm cái chai đầy sữa, tay kia tôi vẫy chào Snookle. Nó nín lặng buồn bã giương mắt nhìn tôi trừng trừng. Đấy là lần cuối cùng tôi nhìn thấy Snookle.
Những ngày sau đó bên nhà cụ bà McKee diễn ra những thay đổi lạ thường. Bãi cỏ được cắt thẳng băng, mấy luống hoa sạch không còn một cây cỏ. Cửa sổ được lau chùi sạch bong và có ai đó đang quét sơn bức tường nhà cụ. Những người đi đường ai cũng lấy làm lạ vì họ không thấy có người làm việc ở đấy gì cả.
Khoảng một tuần sau, tôi sang thăm cụ McKee. Cụ tỏ ra rất sung sướng. Thật vậy, cụ rất sung sướng.
Lê Xuân Hoài dịch

Xem Tiếp: ----