Tháng sáu. Nắng chưa gắt, giông bão đổ về thành phố cũng chưa nhiều, nhưng phải ra biển. Lần này là biển ở một vùng sát biên giới, cực đông của Tổ quốc. Lại sẵn một lời mời: "Bất cứ khi nào em muốn, tôi sẽ đợi...".  Xin nghỉ phép một tuần. Không điện thoại, máy ảnh, ghi âm, hoàn toàn tách khỏi những ràng buộc của cuộc sống thường ngày.
10 giờ đêm. Bến xe thị xã chỉ còn mở một cánh cổng. Xe ôm nhảy phóc lên ngồi sát bên cạnh: "Về đâu em?". Hạ ngơ ngác, nhớ ra mình không biết địa chỉ nhà Tùng, vậy mà hai ngày sau, khi quen hết đường ngang ngõ tắt của cái thị xã nhỏ này, Hạ chỉ cần nói "Shop Tùng béo" là bất cứ gã xe ôm nào cũng có thể đưa đến tận cửa. Vừa xách túi xuống, chiếc xe phân khối lớn của Tùng ào đến: "Đi đường mệt không, người đẹp?".
Ở nhà tắm ra đã thấy trên bàn một tô cháo Quảng Đông bốc hơi nghi ngút. Ăn xong, Hạ lên tầng hai, phòng ngủ có cửa sổ rất rộng treo ba lớp rèm với các gam màu chuyển đổi, từ nóng, qua trung gian rồi đến lạnh. Tùng chỉ tay sang phòng đối diện: "Tôi ở bên kia, cửa không chốt... Bất cứ khi nào em muốn...". Nói, rồi cười. Nếu là một gương mặt khác, chỉ cần thêm chút ria mép phía trên, đôi môi sẽ là điểm nhấn đầy sức hút. Hạ bật cười với ý nghĩ của mình. "Chúc ngủ ngon". "Uhm. Ngủ ngon".
Hạ thức dậy lúc trời đang mưa. Những giọt nước gõ vào cửa kính lúc thưa lúc nhặt như trò ú tim. Tùng đẩy cửa, áo phông vàng chóe, tóc bóng đẫm gel Hàn Quốc: "Đi ăn trưa luôn". Từ dưới vọng lên âm thanh những bản rock sôi động. Đêm qua Hạ không kịp để ý, tầng một là shop quần áo - phụ kiện dành cho đàn ông. Thứ gì đàn ông cần thì có, và không thiếu những thứ đàn bà muốn đàn ông phải có. Hai thằng bé giúp việc cong lưng đẩy chiếc xe cồng kềnh ra vỉa hè, lễ phép đưa chìa khóa tận tay Tùng. Chúng nhệch miệng cười chào Hạ rồi rút ngay vào sau quầy tính tiền. Tùng mở cửa hàng chỉ để thỏa mãn đam mê giúp đàn ông đẹp lên, một phần để tạo việc làm cho mấy đứa trẻ phụ việc kiếm tiền mua sách. Tiền công không trả từng tháng mà tính theo chi phí của năm học.
Nhà hàng dành cho dân du lịch, nội thất pha trộn phong cách đông tây nam bắc nhưng món ăn thì vẫn giữ được nét đặc trưng. Bên dưới là vườn hoa thị xã, trồng hoa vải nhập từ bên kia biên giới, sặc sỡ đủ màu, tươi tốt quanh năm. Xa một chút là chợ trung tâm, bãi đỗ xe ken dày ô tô phủ bạt kín mít, nhìn từ trên xuống như lũ bọ hung nối đuôi nhau bò theo một lối đã được quy ước. "Ăn đi, đừng sợ. Mập hết cỡ cũng chỉ bằng tôi". Tùng giục, rồi hào hứng cầm đũa. Hạ nhìn những đĩa thức ăn đầy tú hụ, bỗng thấy ngần ngại. "Hai thằng nhỏ ăn gì?". "Đồ ăn đầy trong tủ. Tuần nào cũng sang siêu thị bên kia xách về, rẻ mà tiện hơn chợ bên mình". Hạ uể oải nhai, không khác mấy so với những món dưới kia người ta vẫn đãi đằng nhau. Mình lên tận đây đâu phải để gặp lại những thứ đã phát ngán này.
12 giờ. Tùng bấm điện thoại: "Nhà hàng Newway, tầng bốn". Mùi nước hoa thơm hắc sực lên cùng sự xuất hiện của một gã trai. Áo phông đỏ sậm, lủng lẳng trước ngực sợi xích vàng, gã đặt một gói vuông vức lên bàn rồi đi ngay. Bữa trưa kết thúc. Tùng mở yên xe đưa mũ cho Hạ rồi quẳng cục tiền vào đó. "Em muốn ra biển không?". Hạ bảo: "Quay về lấy đồ bơi đã". "Đi mua bộ mới nhanh hơn".
Nắng lên, trời cao và sáng. Hai bên đường lấp xấp, không rõ nước mưa hay nước biển. Đám cỏ mọc trong nước lợ chĩa những chiếc lá nhọn hoắt ra tứ phía, vẻ đầy cảnh giác. Dọc đường, thỉnh thoảng thấy cắm một tấm biển Khu vực biên giới. Chưa bao giờ biên giới lại cụ thể và cũng trừu tượng thế này. Vẫn là núi đó, sông đó, trời đất đó mà giữa con người lại có sự phân định rạch ròi, xưa nay mọi sự xâm phạm hay nhầm lẫn đều phải trả giá. Có lẽ vì thế mà cuộc đời sẽ bình yên khi người ta biết dừng lại ở ranh giới của mình.
Mới mưa nên nước biển ngầu lên toàn cát. Chỉ vài người xuống tắm. Lũ trẻ con thành phố dè dặt đưa tay vốc nước, thè lưỡi nếm xem nước biển có mặn như muối không. Nếu sau này đưa con ra biển, Hạ sẽ giải thích rằng hàm lượng muối trong nước biển không mặn như con tưởng, muốn có muối, người ta phải làm khô nước biển dưới ánh nắng mặt trời. Muối mặn là vì còn cả những giọt mồ hôi...
"Hạ, thay đồ này". Tùng vẫy vẫy cái túi in mác nhập ngoại: "Size S, cỡ của em". Bỗng dưng, Hạ nóng bừng cả người. Chưa có người đàn ông nào biết chính xác số đo của Hạ, kể cả Vĩnh.
Tùng gọi một chai rượu. "Em xuống tắm đi, chán thì lên đây". Lâu nay, Hạ vẫn giấu kín mong ước: lần đầu chạm vào biển sẽ là cùng với người đàn ông mình yêu thương nhất. Nhưng chưa lần nào thực hiện được. Không ai tin Hạ chưa tắm biển bao giờ, dù năm nào cô cũng vài lần đi công tác ở các vùng duyên hải.
Hạ đi dọc mép sóng, đến một nơi vắng vẻ, nằm xuống cát nhắm mắt, mặc cho những ý nghĩ bồng bềnh... Bất chợt Hạ dừng lại ở Vĩnh. Anh không đoán được những điều Hạ nghĩ nên không thể ngờ cô người yêu bé nhỏ của mình lại tự ý bỏ đi xa đến thế. Yêu anh, Hạ có niềm hạnh phúc của cô thôn nữ hồn nhiên, mang tất cả trứng đặt vào giỏ, tung tăng xách đi khoe với thiên hạ. Có người trầm trồ, có kẻ dè bỉu. Phần lớn thắc mắc: Sao Hạ lại yêu người đó. Ngay cả bạn thân của Vĩnh cũng kêu: Ông có gì hơn tôi mà Hạ mê được nhỉ. Người đó cùng cơ quan Vĩnh, về sau nhưng chức vụ cao hơn, sắp bảo vệ luận án tiến sĩ. Và còn độc thân. Trong khi Vĩnh...
Ừ, Vĩnh thì có gì chứ. Ngay cả nỗi đau tận cùng cũng không dám mang đến cho Hạ. Chỉ cần một lần tận cùng đó thôi, để có thể dứt áo. Còn hơn là cứ dai dẳng âm thầm ăn mòn sinh lực, tâm trí nhau. Rồi hình thành một nỗi sợ hãi. Sợ vuột mất tình yêu. Sợ đối diện với sự thật. Dù từ giờ đến lúc có cuộc đối diện ấy còn lâu hơn cả một đời công chức...
Hôm qua, Hạ đã hất tung tấm chăn trùm kín đầu suốt cả buổi chiều, hét lên: "Em không chịu nổi nữa. Lúc nào cũng lo người ta thấy mình. Anh không phải em, làm sao hiểu được kiểu ngạt thở trong chăn đó!". Vĩnh không đáp, lặng lẽ ra ngoài hút thuốc, quay vào chỉ thấy trên bàn còn một bông hồng gãy gục trong chiếc lọ thủy tinh. Bó hoa Hạ vừa cắm lúc sáng, chắc trong cơn tức giận, cô đã rút ném vào thùng rác mà không để ý vẫn còn sót một bông.
Đã có nhiều cuộc đối thoại bất thành, chỉ có thêm đau đớn mà vẫn không tìm được cách giải quyết. Vĩnh yêu Hạ, nhưng anh không thể chối bỏ trách nhiệm và lòng thương. Rất khó khăn Hạ mới nói được câu: "Em sẵn sàng nuôi con anh, cả hai đứa. Nhưng anh phải cho em một cái gì chính thức". Vừa nói xong, Hạ đã tự nguyền rủa mình. Lẽ nào sự hy sinh lại được mang ra làm điều kiện cho tình yêu? Người phụ nữ, mẹ của các con anh, dù đầy rẫy khiếm khuyết vẫn không ai có thể thay thế được tình mẫu tử từ cô ta. Mà anh lại quá thương con, không đủ nhẫn tâm để gây ra dù điều nhỏ nhặt nhất.
Một lần ăn tối, anh háo hức nói đến dự định trồng cây, xây nhà, đào ao, thả cá, để khi thằng lớn vào đại học đã có nơi ở đàng hoàng. Hạ nuốt nghẹn, cố lấy một giọng điệu quan tâm: "Vậy còn thằng nhỏ lúc đó vừa lên cấp 2, thì anh tính sao?". Anh hào hứng: "Phải đưa cả hai đứa xuống đây chứ".
Vậy là rõ. Hạ cay đắng nhận ra mình cùng cũng chỉ là mảnh chăn cho người ta qua được mùa đông, là thứ gia vị trong bữa nhạt hằng ngày, là tấm vé trên chặng đường người ta tới đích... Anh đủ nhạy cảm để dừng niềm vui của mình lại, tiễn Hạ về với một tin nhắn: "Mình sẽ nói chuyện này sau". Rồi sau đó những dịu nhẹ săn sóc của anh lại tràn lên, lấp kín khoảng hụt hẫng trong lòng Hạ...
"Em có nằm đấy đến già cũng không có tên thủy thủ nào mắc cạn đâu". Tùng bắc tay hét lớn. Hạ quay về quán lá. Mấy món chế biến từ sam biển bày kín bàn, có thêm hai người mới. Cuộc rượu ồn ào, những câu đối thoại trôi tuột qua nhau rất nhanh. Họ không quan tâm đang ngồi với ai, chỉ cần biết rượu ngon, đồ ăn hợp khẩu vị là cứ thế ào ào cụng ly. Hạ xin một tô cháo trắng với ca la thầu.
Uống đến gần nửa đêm, Tùng bảo: "Giờ này về lạnh lắm. Em vào chỗ Dương nghỉ tạm". Hạ ngẩng phắt lên, định nói một câu gay gắt, chợt bắt gặp ánh mắt Dương ấm áp: "Chị đừng ngại. Nhà em gần đây, phía sau hàng phi lao kia thôi". Nhà Dương là một khách sạn nhỏ, không nhiều phòng và chỉ phục vụ khách quen. Dương mang lên một cốc trà nóng tỏa mùi hương là lạ, uống xong đầu óc nhẹ bỗng, chìm ngay vào giấc ngủ.
Bến sông Ka Long náo nhiệt ngay sau nửa đêm. Không đèn đóm, nhưng không chủ tàu nào nhầm hàng của khách, cứ như toàn dùng mũi để đánh hơi. Những câu trao đổi ngắn gọn, tiếng Quảng Đông ồ à chen lẫn tiếng Việt ngọng líu. Giá cả được ra hiệu bằng ngón tay, nếu lắc đầu, xòe thêm ngón nữa, gật. Hàng chuyển lên bờ trên vai cửu vạn, chuyển về kho bằng xe ôm. Thời gian tính từng giây, chạy đua cùng mặt trời trước khi trời sáng hẳn. Chuyến hàng về suôn sẻ. Chỉ chờ hàng đi trót lọt là có thể yên tâm vui chơi giữa khu giải trí liên hoàn có đủ ngón độc phục vụ các đại gia coi tiền như rác này.
Tàu than của Tùng đêm nay gặp sự cố máy móc, chậm hơn một tiếng. Khách hàng bên kia liên tục gọi điện, yêu cầu đích thân Tùng giao số hàng đã đặt tiền trước. Từng giây trôi qua làm tăng nhiệt trong máu, mắt lồi ra muốn đứt cả thần kinh. Mẹ kiếp, làm ăn thế này không rũ tù thì cũng húp cám... Tiếng động cơ ì ì tiến lại gần, ám hiệu nhá máy hai lần ngắn một lần dài trong điện thoại. Tùng khoát tay ra hiệu cho người chèo thuyền áp sát mạn tàu, bám vào sợi dây thừng đu người sang, gằn giọng: "Nhanh lên. Bọn cớm sờ được thì toi cả bây giờ". Con tàu di chuyển trong nước mà ì ạch như kẹt giữa đầm lầy.
4 giờ sáng. Tàu cập điểm hẹn. Gã người Tàu dí vào mặt Tùng chiếc đồng hồ mạ vàng, giọng gay gắt: "Mộn quá. Ngộ phải tền hợp tồng. Nị cũng pị phạt à". Hắn rút cặp côn trong túi, vung một đường. Bốp! Tùng ôm đầu, ngã vật xuống sàn tàu nhem nhuốc bụi than...
Hạ choàng thức giấc. Kim đồng hồ chỉ số 4. Mồ hôi túa ra đầm đìa. Gọi cho Tùng, chỉ những âm thanh tút dài vô vọng. Điện thoại bàn réo vang, giọng Dương: "Chị vừa mơ thấy gì à? Không phải lo. Ông anh em tài lắm. Không đứa nào dám rút dây để động rừng đâu". Hạ buông máy, vào nhà tắm xả nước nóng đầy bồn, ngụp sâu xuống đám bọt sữa hồi lâu.
Lại mưa. Nước giăng mờ mặt biển. Tiếng mưa xối xả chặn đứng mọi âm thanh, vây bủa con người bằng thứ nhịp điệu sốt ruột. Căn phòng thừa thãi tiện nghi nhưng không có tấm lịch nào. Hạ không nhớ nổi hôm nay là ngày mấy. Giờ này hằng ngày, mình vẫn đang quay cuồng với đống dữ liệu hay ngồi ngán ngẩm nhìn màn hình xanh lét một màu vô cảm.
"Hôm nay cho em vượt biên giới một lần cho biết". Xe đời mới êm ru lướt đi trong màn mưa, cây gạt nước lia những vòng bán nguyệt trên mặt kính. Hạ vẫn thích nhìn mưa kiểu này, một cảm giác rất đặc biệt khi ngoài kia gió mưa gầm gào còn mình lại khô ráo ấm áp.
Gần đến cửa khẩu, trời ngớt mưa. Hạ kêu lên: "Em chưa làm giấy thông hành". "Tôi là giấy thông hành", Tùng đáp. Qua biên giới, Tùng chạy thẳng đến xưởng may gia công ở một làng nhỏ hẻo lánh. Năm trăm công nhân làm hai ca, đều là người địa phương. Họ không dừng tay khi ông chủ đến, chỉ ngẩng lên ríu ran: "Ní hảo, ní hảo ma". Nhìn Hạ, mấy em gái toét miệng cười: "Mẩy ly, mấy ly a".
Hạ cầm một mẫu áo lên xem, kinh ngạc thấy không khác gì "hàng xách tay" ở các shop quen của dân sành điệu trên phố Hàng Bông, Quán Thánh. Mấy đứa trẻ đang thoăn thoắt đính những hạt giả pha lê lên áo, váy, quần... Tùng trao đổi công việc với lão đốc công mắt ti hí, chốc chốc lại "hấn hảo hấn hảo", vẻ rất hài lòng.
Về lại Đông Hưng. Thị xã nhỏ nhưng khá sầm uất. Tùng gọi cho ai đó rồi kéo Hạ vào thang máy của siêu thị trung tâm, vút lên tầng 17. Cửa mở, một khoảng sân vườn hiện ra trước mắt. Hạ sững người. Chủ nhà phục phịch bước ra sau mấy luống hoa lạ, bộ đồ lụa màu tía khiến gương mặt người đàn ông rất khó đoán tuổi. Y nói tiếng Việt khá sõi. Tiệc được bày giữa vườn, dưới tán cây mai chiếu thủy lác đác hoa trắng, phảng phất mùi hương thanh khiết.
Chủ nhà Gia Minh khoe đây là cây mai mang về từ vườn một nghệ nhân Nam Định, ra hoa vào mùa xuân, nhưng khi chủ nhân sắp có hỉ sự thì cây sẽ trổ hoa báo trước. "Hỉ sự của ngộ là được nị ghé thăm đó". Minh xây dựng khu siêu thị đồ sộ này trong một nghìn ngày nhưng phải mất gấp đôi thời gian đó để hoàn thiện khu vườn.
Hạ không thể tìm được cảm giác thăng bằng khi cứ bị ám ảnh rằng đang lơ lửng ở độ cao sáu mươi mét. Mùi hoa cỏ bỗng nồng lên hư hoặc, cơn chóng mặt ập đến, mọi thứ chao đảo mờ nhòe. Giọng Tùng thảng thốt giữa bầu trời đang chuyển ráng chiều...
"Em làm tôi hút chết. Lúc qua cửa khẩu hải quan thấy em ngủ li bì trong xe, họ bắt dừng lại tra hỏi đủ điều". Tùng làu nhàu ngay khi Hạ vừa hé mắt. "Vậy làm thế nào anh qua được?". "Tôi bảo: Hàng mang sang bên kia bị mấy anh già chê nên phải đưa về, đã nộp phạt rồi. Nếu phạt nữa là tôi bỏ lại luôn". Hạ cười phá lên, đỏ mặt nghĩ không biết bằng cách nào mình về được tới căn phòng này.
Nửa đêm. Ánh trăng huyền hoặc phủ lớp bạc mỏng trong suốt. Không có đến một tiếng côn trùng. Dường như mọi vật đều bị chìm trong bí mật. Có tiếng gõ cửa dè dặt, rồi tiếng Tùng: "Đi uống bia".
Quán cạnh sông, chăng sơ sài mấy tấm bạt cũ. Lò than rừng rực, thịt để từng khay riêng, đám phục vụ xiên vào que tre nướng trên than hoa. Mùi mỡ xèo xèo bốc lên thơm ngậy. Đám thực khách ăn uống mạnh bạo nhưng không hề có tiếng cười nói ồn ã thường thấy ở quán nhậu. Bia được lên men từ hoa quả, nâng lên là "can pây", uống trăm phần trăm mà không ai say.
Tùng kiếm được cái thùng gỗ, kéo Hạ lên ngồi. "Em sắp giống người ở đây rồi, ngày ngủ, đêm ăn nhậu". Hạ ngửa cổ tu bia từ chai. "Họ làm việc lúc sập tối, nửa đêm mới được nghỉ. Ban ngày ngủ. Cứ thế quanh năm. Tết đến lĩnh tiền công ra chợ mua toàn đồ bị loại đem về thăm vợ con. Không ai thích ăn được ăn, muốn ngủ được ngủ như cô nương đâu". Tùng thêm: "Bọn tôi thì lúc nào cũng phải đón đầu thị trường, hàng thu đông làm từ đầu hè. Giữa tháng mười âm phải chuyển hết hàng Tết về nước để bỏ mối. Sau thời điểm đó mà vẫn còn hàng thì phải bán theo cân. Hàng đó bán đầy vỉa hè trong khi vào shop giá cao gấp vài lần". "Anh thiết kế mẫu cho người ta à?". Tùng cười nhạt: "Phải săn lùng ở các hãng thời trang trong nước, hoặc sang Thái, Sing, Hàn... mua. Rồi đặt vải, phụ liệu nhái y như thật, đưa về xưởng làm. Cũng mẫu hàng đó, theo đúng chuẩn thì giá cao hơn nhiều. Ra chợ, cũng kiểu dáng màu sắc đó mà giá lại rẻ, tại sao lại không dùng. Ít tiền mà vẫn được mặc đồ hiệu". "Sao thấy trong nhà anh chỉ toàn xài đồ Nhật, đồ Hàn?". "Vòng luẩn quẩn thôi mà. Kiếm được tiền thì lại có kẻ moi tiền của mình".
Hạ nhảy phắt xuống đất. Ngụm bia trong miệng đắng nghét. Mình đang ăn, đang chơi bằng tiền của kẻ buôn gian bán lận. "Vậy anh đang buôn qua biên giới, bóp nghẹt hàng trong nước. Đúng là đồ tồi". Tùng ném mạnh vỏ chai rỗng xuống sông: "Kẻ xấu cần tiền, người tốt có cần không? Tôi xấu vì kiếm được nhiều tiền quá chứ gì? Nhưng chắc chắn tôi không phải bạn tồi".
Hạ đòi về ngay sáng đó, bất kể trời lại mưa và bão cấp 10. Tùng cho âm thanh ti vi ở mức to nhất, gào lên: "Núi lở, đất sạt xuống đường 8 rồi. Muốn chết thì cứ đi đi". Hạ bật khóc. Đúng lúc không muốn ở thêm phút nào nữa thì bị chặn hết mọi lối về.
Mưa bão, không có khách, hai thằng bé giúp việc được nghỉ. Mấy con ma-nơ-canh chưa có quần áo, trần trụi cẳng tay cẳng chân, ngơ ngáo đáng thương. Tùng lúi húi trong bếp, chỉ nghe toàn tiếng dao thớt. Món ăn vừa chín tới, mùi vị thân thuộc ấm lành. Hạ thấy đói cồn cào. Từ hôm lên đây, chưa hề được ăn bữa cơm bình thường.
Hai ly cà phê thơm bốc hơi bên thành cửa sổ. Hạ quay lưng về phía mưa, im lặng đầy chất chứa. Tùng nhấp một ngụm cà phê, kéo Hạ lại gần. Một cảm giác yên bình kỳ lạ, như những khi gục đầu vào vai đứa bạn gái thân nhất mà nức nở. "Không giận nữa nhé. Tôi là cô bạn biết hút thuốc của em. Tôi không hấp dẫn được đàn bà nên cũng chẳng mang được đau khổ đến cho họ. Em phải hiểu những thứ tôi làm, những trò tôi dùng tiền tiêu khiển. Cuộc sống tôi thừa mứa nhưng lại thiếu những thứ mà người ta vứt đi. Hết mưa tôi sẽ để em về. Khi nào buồn lại lên đây".
Hạ có thói quen dọn nhà cho anh và cắm hoa vào sáng chủ nhật. Giấc trưa là thời điểm tuyệt vời nhất. Nhà cửa sạch boong, hoa trong bình tỏa hương, nhạc không lời da diết. Và những nụ hôn nóng bỏng. Anh luôn thể hiện anh cần tình yêu của Hạ như một lẽ sống, gia đình con cái địa vị công danh đều trở nên vô nghĩa. Hạ tin, và tan chảy...
Đúng lúc đó, nhịp gõ quen thuộc của sếp nhỏ vang lên ngoài cửa. Anh kéo chăn phủ trùm lên Hạ, thì thào: "Nằm im nhé. Anh sẽ tìm cách tống cổ lão đi ngay". Cuộc tung hứng của những kẻ kỳ thị nhau kéo dài sang cả hiệp phụ. Hạ không dám nhúc nhích, không dám thở mạnh, nằm im đến tê liệt cả ý thức.
Đến khi cửa vừa sập lại cũng là lúc Hạ hất chăn xuống đất, hét lên bằng tất cả nỗi bức bối...
Xe dừng lại giữa cầu Bãi Cháy. Tùng vòng sang mở cửa. Gió biển hào phóng thổi tung tóc Hạ. Cô vươn cổ ra ngoài thành cầu, cơn choáng váng lại ập đến. Phía dưới, một màu xanh hun hút cuồn cuộn đổ về hướng đông. Tùng nắm tay Hạ: "Đừng nhìn xuống dưới, trông ra xa kia kìa". Thấp thoáng những cánh buồm căng phồng như vạt áo thiếu nữ trong buổi chiều cả gió bờ đê. Mặt biển vồng lên, không gian như mở ra đến vô tận...
Hồi bé, Hạ cứ nghĩ mênh mông nhất trên đời là biển, không ranh giới, không điểm dừng. Nhưng thực ra, trái đất hình cầu nên mặt biển tự che khuất giới hạn của đất liền và nước... "Để em tự đi tiếp, cũng được nửa đường rồi". Giọng Hạ chùng lại. "Mấy ngày vừa qua em đã đi quá nhiều. Em biết phải dừng lại ở đâu. Cảm ơn người bạn tốt".
Cửa phòng khóa, bụi phủ dày trên tấm thảm phía ngoài. Lại một chuyến công tác dài ngày của anh. Một mảnh giấy gài ở bụi tầm xuân "Mừng em trở về. Hãy bắt đầu những điều em muốn. Mong em bình yên"...
Hạ ra bưu điện, cẩn thận xem kỹ địa chỉ người nhận trên phiếu gửi hàng, và dòng chữ ở ô lời nhắn: "Đọc những cuốn sách này để biết yêu thương và chia sẻ".
Chọn một chiếc ghế bên hồ Hoàn Kiếm, Hạ giở cuốn sổ nhỏ, xóa một danh mục ghi bằng mực đỏ: Sách cho H-N.
Anh luôn mang trong lòng nỗi hoài cố, vì thế tên các con anh chính là tên làng quê anh. Anh còn bảo, sau này sẽ về sống ở quê. Rồi anh ôm Hạ vào lòng: "Mình sẽ được sống với nhau mà không sợ gì nữa"...
Bất giác Hạ mỉm cười. Đến lúc về hưu, anh mới cởi bỏ được những nguyên tắc vẫn khoác lên mình. Mà Hạ có đủ kiên nhẫn để chờ hai mươi năm nữa? Chẳng phải chữ Hưu trong chữ Hán hình thành bởi chữ Nhân và chữ Mộc hay sao? Sáu mươi tuổi, người ta còn cần gì hơn là nghỉ ngơi bên một cội cây?
Hai mươi năm, bao nhiêu là biến động. Chỉ mới vài ngày ra đi, Hạ đã là một người khác...
Hôm nay đã là một ngày khác rồi.

Xem Tiếp: ----