Trong gian phòng hơi tối, hùng chăm chú nhìn mấy con số thâu xuất trong quyển số “công nho” làng Tây Yên:
- Đinh Văn Mão đóng thuế điền 2 đồng, biên lai số 00217.
- Quách Yến đóng thuế thủy lợi Kinh Dài 65 đồng, biên lai số 00218.
- Tu bổ trường làng ngày 21-1-1937, xuất 6 đồng 8 cắc 6 xu...
Chàng buông viết xuống, đi nhanh đến vách để tìm cái bàn toán. Từ hồi nhận chức vụ biện làng, làm việc tại nhà ông Tư đến nay chàng mới sáng mắt: người Trung Hoa bày ra cái bàn toán thật tiện lợi, để sử dụng, khi lắc mấy con toán, âm thanh vang lên đều đều, vui vui.
Cái bàn toán treo hơi cao, kế bên tấm lịch. Chàng vói tay lên chợt rùng mình vì từ trong phòng, một bàn tay trắng muốt đưa ra, nắm chặt bàn tay chàng. Chàng suýt kêu to vì ngạc nhiên, vì sợ hãi:
- Ai... vậy?
Người chủ của cái bàn toán ngà vẫn chưa chịu xuất hiện. Nàng nói lanh lảnh:
- Anh này giả ngộ hoài! Hổm rày tôi biết... anh mê tôi lắm nhưng anh sợ, anh không dám nói ra. Phải vậy không?
Hùng định thần, tìm cách gỡ rối. Cô Huệ, người vợ mơn mởn của ông xã Tư đang trêu ghẹo, thử thách chàng. Huệ là người ở cùng xóm. Năm mười bảy tuổi, hồi năm ngoái, nàng vâng lịnh cha mẹ để làm lễ vu qui, làm vợ ông xã Tư. Ông xã tuổi hơn năm mươi, lớn hơn nàng những bốn chục cái xuân xanh, và ông ta cũng giàu có hơn gia đình nàng gấp trăm lần! Hùng lẩm bẩm:
- Trời! Tội nghiệp tôi, bà ơi.
Huệ cười giòn, lú mặt ra, bàn tay nàng vẫn bám chặt cổ tay Hùng:
- Hễ anh kêu tôi bằng bà thì nắm chặt như vầy hoài.
Hùng lắc đầu, mấy giọt mồ hôi tươm ra như sương trên vầng trán đau khổ:
- Rủi ông xã về thình lình, chắc ông giết tôi quá!
- Bây giờ anh muốn chết hay muốn sống?
- Dạ, muốn sống.
Mấy ngón tay Huệ như bắt đầu mở vòng vây.
Nàng nói:
- Sống để làm gì?
- Dạ, sống để... làm biện làng, giúp việc cho ông xã.
Huệ buông tay xuống cười khanh khách rồi tát yêu vào má Hùng:
- Anh này nói dóc quá. Tôi nói cho anh mừng, sáng nay nhà tôi đi hầu quan chủ quận, tới chiều mới về. Trong nhà, chẳng còn ai. Con nhỏ ở dưới bếp là đứa thân tín.
Dứt lời, Huệ bước ra khỏi phòng. Hùng cầm cái bàn toán, đặt trên bàn rồi ngồi ghế giả bộ như say sưa làm việc. Ngoài hiên, cơn gió nhẹ thổi qua, vô tình đẩy cánh cửa khép lại he hé. Ấm áp quá. Nhưng Hùng vẫn chưa yên tâm. Mấy năm trước, chàng gặp Huệ nhiều lần qua mấy dịp cúng đình làng, hai người cùng nhau trao đồi những cái liếc tình tứ. Thế thôi. Rồi nàng ngoan ngoãn vâng lịnh cha mẹ, làm vợ lão xã Tư. Xã Tư vốn nổi danh gian ác, giết người không gớm tay. Cuộc hôn nhân trái cựa ấy khiến dân làng bàn tán không ngớt. Đa số cho rằng Huệ ham tiền, muốn chiếm đoạt gia tài ông xã Tư trong mai hậu. Nhưng lại còn giả thuyết:
- Ông xã Tư có bùa, có ngải, Huệ đã uống nhằm bùa của lão ta chuộc từ núi Tà Lơn huyền bí.
Huệ đứng dậy, bước khoan thai đến bàn giữa, rót tách nước đem lại dâng cho Hùng với dáng điệu trịnh trọng:
- Mời anh... Anh nhát quá.
Bấy giờ, Hùng bắt đầu tỉnh táo. Bao nhiêu khí phách bừng sôi mạnh trong huyết quản của chàng trai yêu đời. Huệ là gái có chồng, đang sống trong vòng áp bức của ông chồng già, nghiêm khắc mà nàng còn đủ can đảm huống chi chàng... Nếu ông xã đuổi, chàng đi tìm sanh kế nơi khác và rủ Huệ trốn theo.
Chàng nâng tách nước uống một hơi. Nàng cười:
- Thủng thẳng mà uống. Coi chừng phỏng miệng.
Chàng đáp:
- Chết cũng không sợ, miễn là...
Rồi hai người tha hồ trò chuyện, kể lể cho nhau bao nỗi nhớ nhung uất hận. Nàng an ủi Hùng:
- Em nói với ba má gả Lan cho anh.
Lan là em gái của Huệ, siêng năng hơn Huệ nhưng kém lộng lẫy hơn. Hùng cau mày:
- Anh chỉ yêu Huệ mà thôi.
Huệ đáp:
- Anh này bướng quá, lì quá. Em hiểu lòng anh từ mấy tháng nay. Nhưng từ rày về sau, anh nên cẩn thận. Hôm trước, anh vô tình vẽ lại mái tóc của em trên tấm giấy chậm. Chồng em đã chú ý rồi đó...
Từ đó về sau, mỗi dịp ông xã Tư đi hầu quan chủ quận “mỗi tháng hai lần, để nạp thuế”, hai người tha hồ ân ái. Hùng đánh bạo, vào phòng của Huệ, nằm trên chiếc gối thêu rồng thêu phụng bấy lâu chỉ dành cho ông xã Tư.
Huệ càng đẹp, càng xinh thêm.
Hùng thỉnh thoảng ca vọng cổ trước mặt ông xã Tư. Ông xã cười gằn, liếc lên vách, nhìn cái bàn toán treo sát cửa phòng. Và cách cái bàn toán chừng vài tấc là thanh đoản đao bén ngót, mua từ miền cao nguyên.
Hôm ấy, sau khi rảnh việc, Hùng về nhà trọ ở xóm vàm. Chàng đang sờ vào túi, đếm thử mấy đồng bạc chợt nghe tiếng gọi to, phía sau:
- Chú biện!
Đó là ông xã Tư. Ông ta gọi lần nữa, giọng rắn rỏi hơn:
- Hùng! Mày đứng lại.
Nghĩ rằng xã Tư là kẻ đa mưu, chẳng lẽ ông ta dám giết mình lúc ban ngày, gần xóm đông đúc nên Hùng mạnh dạn đứng lại:
- Thưa ông...
- Mày đi đâu vậy?
- Dạ về nhà.
- Tao hỏi mày đi về... âm phủ hay muốn ở lại dương gian. Mày nghe rõ chưa?
Hai người bước chậm rãi bên cạnh nhau. Hùng chú ý một điều: ông xã không mang khí giới... gương mặt cau có chứng tỏ ông ta ghen bóng ghen gió chứ chưa nắm được bằng cớ nào cụ thể. Để tỏ rằng ta đây là... anh hùng, chàng nói thẳng:
- Tôi đã nói chuyện riêng với... bà nhiều lần, lúc ông vắng mặt.
- Tại sao mày không nói lúc tao có mặt? Chuyện riêng là chuyện gì? Nói thật đi, tao tha tội cho. Tao biết mày quen với gia đình bên vợ tao, từ lâu...
Mấy tiếng “gia đình bên vợ” giúp Hùng tỉnh táo, sáng trí. Chàng xoay sang vấn đề khác:
- Thưa ông, tôi quen với gia đình bên ông... Xóm giềng ai cũng biết...
Rồi chàng cố tình ngưng câu nói, chờ ông xã Tư thúc hối:
- Mày muốn làm rể hả? Tao cưới con Huệ, mày tức hả?
Thấy ông xã Tư đã lọt vào quỉ kế của mình. Hùng nói:
- Xin ông đừng nóng giận. Tôi muốn làm rể và khi ông cưới cô Huệ, tôi tức giận thiệt đó...
Rồi chàng dang xa vài bước, thủ thế:
- Nhưng... tôi muốn cưới Lan, em cô Huệ. Tôi tức giận vì mình nghèo túng. Phải chi tôi có chức phận làm được hương thân, hương hào thì đâu đến nỗi thất vọng vì tình.
Ông xã Tư gật đầu từng chập, bán tín bán nghi. Có lẽ thằng Hùng thổ lộ tâm tình chân thành của nó vì Huệ còn đứa em gái khá đẹp mà ông xã toan đem về làm... tỳ thiếp trong mai hậu. Tuy nhiên, câu trả lời của Hùng vẫn chưa đánh tan sự ghen tương:
- Mày nói với vợ tao chuyện gì? Nói mấy lần? Nói tại đâu?
- Dạ, nói nhiều lần. Tôi nhờ cô Huệ trình bày hoàn cảnh tôi với ba má cổ. Tôi muốn nhờ ông giúp giùm, nói vô vài tiếng ngặt tôi chưa dám.
- Ờ... Để tao coi lại.
Đến xóm trên, ông xã Tư ghé vào quán, uống rượu liên miên, tìm cách ứng phó. Hùng nhanh trí, bơi xuồng thẳng về phía Kinh Dài, nơi trú ngụ của gia đình Huệ. Chàng thuật đầu đuôi tai nạn đã xảy ra rồi quì xuống lạy.
Ông hương kiểm Lưu, cha của Huệ ban đầu tức giận nhưng ông nghĩ đến tương lai Huệ, thở dài. Hùng nài nỉ thống thiết:
- Ông xã Tư đa mưu túc trí, dám giết tôi để trả thù, giết cách này hoặc cách khác... Xin bác bình tĩnh giúp đỡ cháu. Cháu hiểu phận mình chưa xứng đáng làm con rể trong gia đình.
Ông Hương kiểm Lưu bỗng giật mình:
- Xã Tư bây giờ ở đâu?
- Dạ, ổng uống rượu ở quán, tại xóm vàm.
- Nguy lắm. Lan ơi!
Lan bước tới, khép nép cúi chào Hùng. Ông hương kiểm day lại Hùng:
- Mày đi cho khuất, kẻo thiên hạ sanh nghi.
Hùng trố mắt, bước ra về, nghe ông hương kiểm căn dặn Lan:
- Con tới nhà chị Huệ, nói như vầy, như vầy... kẻo người nói một đàng, người cung khai một nẻo. Đi cho gấp kẻo.... xã Tư về trước. À! Đem nải chuối cau này, gọi là mượn cớ thăm viếng.
Năm ba hôm sau, Hùng cúi đầu làm việc, chẳng dám nhìn Huệ hoặc ông xã Tư. Thái độ ông ta thật khó hiểu, thỉnh thoảng vào phòng nói chuyện rù rì với Huệ rồi trở ra. Hùng mừng thầm hy vọng tai qua nạn khỏi vì chàng đã đánh lạc hướng xã Tư một cách khéo léo.
Xã Tư mở tủ, trao cho Hùng mười đồng bạc. Hùng trố mắt:
- Thưa ông, chưa tới ngày lãnh lương.
- Tao cho mày mượn.
- Dạ, làm sao tôi có tiền trả lại.
Xã Tư nói:
- Tao biểu điều gì, mày đừng cãi. Ngày mốt, mày cưới vợ.
- Dạ, cưới ai?
Câu hỏi vặn ngược khiến ông Tư càng nghi ngờ. Tại sao biện Hùng thú thật rằng nó yêu Lan nhưng nó lại không biết... cưới ai làm vợ? Ông ta nói:
- Cưới con Lan. Tao nói với con Lan rồi. Ông hương kiểm Lưu đồng ý. Mày cầm số tiền này may sắm quần áo. Ngày mốt ông hương kiểm Lưu làm đám nói cho mày có thể xuống nhà ổng ăn cơm, ở tại đó để làm rể. Hàng ngày, mày được quyền nói chuyện tình với con Lan. Ban đêm mày... tự do ra vào phòng của nó.
Quả thật ông xã Tư là đối thủ lợi hại. Ông ta xuất ra số tiền ấy để làm kế ly gián khiến cô vợ trẻ nghi ngờ mối tình son sắt của Hùng. Hùng đau xót nhưng chẳng biết nói sao... Đôi mắt chàng long lanh ngấn lệ:
- Tôi chưa muốn cưới vợ.
Xã Tư cười, đắc chí:
- Thằng này lạ quá. Muốn cưới vợ lại không muốn. Mày giỡn với tao hả? Người ta cưới vợ rồi cười, mày lại khóc hận. Mua sắm quần áo đi. Từ giờ phút này, tao cấm mày nói chuyện riêng với vợ tao, hiểu chưa. Nếu bắt gặp, tao giết mày. Xứ này, thiên hạ nghe oai danh tao quá nhiều. Tao giết bất cứ ai, nếu tao muốn. Tao không sợ ở tù đâu... Và hễ giết kẻ gian thì lương tâm tao không bao giờ ăn năn hối hận gì ráo.
Hùng ngoan ngoãn cúi đầu. Bơ vơ quá. Bỗng dưng, chàng yêu Huệ hơn bao giờ hết. Ngày mốt, chàng làm lễ hỏi Lan. Vô lý quá. Chẳng biết khi hay tin này, thái độ của Huệ ra sao? Xã Tư độc ác thật. Hắn ghen tương, trả thù, bày kế ly gián để giết lần giết mòn cuộc đời Hùng và Huệ.
Nhưng khối óc non nớt của Hùng chưa suy luận, tiên đoán nổi những chuyện sắp xảy tới.
Ngày mười lăm dương lịch, xã Tư đi hầu quan chủ quận như thường lệ. Huệ nằm rũ rượi trong phòng. Từ khi làm lễ hỏi Lan tới giờ, xã Tư bắt buộc Hùng nghỉ việc mười hôm. Ông ta bảo với vợ:
- Em đừng hiểu lầm. Anh cho thằng Hùng nghỉ tạm để vợ chồng nó hưởng tuần trăng mật. Sau đó, nó về đây làm sổ sách như trước.
Huệ ngơ ngác:
- Mình nói sao? Hùng hưởng tuần trăng mật?
- Nó ngủ chung một phòng với con Lan.
Huệ đập tay xuống bàn, giận dữ. Xã Tư liếc thấy sự ghen tương đang hiện rõ trên mặt vợ. Huệ còn yêu Hùng. Huệ không muốn Hùng... nhập phòng với Lan.
Ông ta cười gằn:
- Em giận ai?
Huệ lanh trí, tìm được câu trả lời:
- Em giận tất cả mọi người. Mới làm đám hỏi mà nhập phòng à? Tục lệ nào cho phép chuyện bất lương đó?
Ông ta đáp:
- Tôi muốn như vậy để thằng Hùng khỏi làm chuyện bất lương khác.
Nói xong, ông ta xuống ghe, ra lịnh cho mấy thằng trạo chèo đi dinh quan chủ quận ở tận chợ Gò Quao.
Gian nhà trống trải lạ thường. Hồi lâu, nàng thấy Hùng và Lan bước vào. Lan rưng rưng nước mắt khi gặp chị:
- Chị đừng hiểu lầm.
Huệ vội đóng cửa phòng:
- Về đi! Về hết đi! Tao muốn chết.
Hùng chạy tới, xô cửa phòng, nói nhanh:
- Huệ, em đừng dại dột. Hễ anh nói, chắc em không tin. Hôm nay, anh dẫn Lan tới đây. Lan sẽ trình bày cho em biết tất cả sự thật.
Bây giờ, Huệ mới bắt đầu yên tâm. Hai chị em Huệ và Lan ôm nhau khóc nức nở. Lan nói nghẹn ngào:
- Ông xã bắt buộc Hùng và em phải ngủ chung một phòng để gây dư luận xấu. Thiệt ra anh Hùng là người tốt. Đêm đó, anh Hùng ngủ dưới đất, em thì ngủ một mình trên giường.
Huệ nghiến răng:
- Khổ quá. Tại sao ba má không cản ngăn.
- Dạ, ông xã hăm he. Nếu ba má từ chối thì ông xã sẽ làm lớn chuyện, giết chị lập tức. Ông nói chị tư tình với anh Hùng...
- Chị hiểu rồi... Vợ chồng em về đi!
Hùng và Lan vô cùng bối rối. Cuộc thăm viếng này sẽ làm cho Huệ uất ức đến mức tự tử. Chàng nài nỉ Huệ:
- Lan đến thăm để nói sự thật. Huệ à, anh thề chung thủy, sống chết với Huệ. Anh chỉ sợ Huệ thay lòng đổi dạ thôi.
Rồi chàng lau nước mắt cho Huệ. Nàng nắm tay chàng:
- Anh nhớ giữ lời hứa. Em sợ rằng...
- Thôi, em đừng nói nhảm! Lan cứ về một mình. Anh ở lại đây làm sổ sách....
Khi xã Tư trở về nhà, Huệ và Hùng đều sợ sệt.
Mọi khi ông ta về vào khoảng bảy giờ tối. Phen này, mười hai giờ trưa, ông ta về để làm gì? Phải chăng Hùng và Huệ vừa sa vào cạm bẫy ông ta?
Hùng đứng dậy chào:
- Ủa! Ông không đi dinh quận sao?
Xã Tư vỗ vai Hùng:
- Đừng gọi tôi bằng ông! Hai đứa mình là bạn rể với nhau. Cứ gọi tôi bằng anh.
Rồi ông ta hạ giọng:
- Hay gọi thân mật... bằng thằng, thằng xã Tư cũng được.
Huệ đỡ lời:
- Mình nói khó nghe quá. Hay là bữa nay mình uống rượu nhiều?
- Mới uống rượu chút ít. Tôi mới mua được một con khỉ nên lật đật trở về làm tiệc. Mình ăn thịt khỉ chớ. Để Hùng xuống ghe, đem con khỉ lên.
Nói xong, ông xã Tư nắm tay, dắt vợ vào phòng.
Ngoài này, Hùng bước lững thững ra sân, xuống ghe với hai thằng trạo thân tín của ông xã. Chiếc ghe rời bến, vào mương nhỏ khuất lá um tùm.
Xã Tư đem cái ly to lớn để trên bàn nói rối rít với Huệ:
- Máu khỉ uống bổ lắm. Hổm rày, em xanh xao...
Huệ trợn mắt. Linh cảm như báo trước điềm không may:
- Ừ? Uống bổ lắm.
Cánh cửa hé mở. Một thằng trạo bước vào, nâng một tô rượu đỏ ngầu. Xã Tư cười hề hề:
- Em uống đi.
Huệ nâng tô rượu lên... Trong đáy tô rượu đỏ ngầu, tanh tanh, dường như ẩn hiện một dáng người... Nàng run rẩy, buông tay. Tô rượu đổ xuống bàn, văng vào áo ông xã.
Xã Tư hỏi:
- Em chóng mặt hả?
Huệ nói gắt:
- Em muốn mửa. Uống rượu như vầy, dã man quá! Dã man!
Xã Tư hiểu rằng Huệ đang chửi mắng mình. Ông ta nắm tay vợ:
- Em buồn mửa thì ra ngoài này... Mửa ở đây, dơ dáy nhà cửa.
Ông ta đưa Huệ đến cái mương sau vườn rồi dắt nàng xuống chiếc ghe, nơi Hùng nằm sóng sượt tắt thở trong vũng máu linh láng.
Huệ chạy trở vào nhà, rút thanh đoản đao - thanh đoản đao treo gần cái bàn toán, ngay cửa phòng. Nàng chờ đợi, đứng nép bên cửa.
Nàng đâm ngay bụng xã Tư rồi đâm vào ngực mình, ngã gục.
Từ đó về sau, thiên hạ đồn rằng Huệ trở thành ma quỉ linh thiêng, gọi là cô Huê, cô Huê ở cây dương đình làng Tây Yên. Huê chính là Huệ, nói theo giọng kỵ húy.
SƠN NAM

Xem Tiếp: ----