AoMong.jpg
Cả lớp đứng lên khi Thành lọc cọc chống nạng đi vào. Anh tươi tỉnh vẫy tay ra hiệu cho học sinh ngồi xuống. Cẩn thận xếp đôi nạng ra bên mép bàn, ngồi xuống ghế anh tự giới thiệu.
-Tôi là Thành, người sẽ phụ trách lớp các em cho đến khi các em đi thi. Bây giờ chúng ta làm quen với nhau đã nhé. Nào mời em ngồi bàn đầu. Em hãy tự giới thiệu về mình.
Từ trên bục cao nhìn xuống, thành thấy bọn học sinh bắt đầu xì xầm với nhau. Anh biết chúng đang nhìn anh với cặp mắt thất vọng. Cũng đúng thôi! Với đôi nạng, hình ảnh người thầy đã giảm đi một nửa sự thuyết phục. Cậu bé ngồi bàn đầu đứng dậy.
-Thưa thầy! Em là Dũng học sinh lớp mười hai chuyên toán tin trường chuyên Lê hồng Phong ở Nam định ạ.
Cứ thế lần lượt bảy cô, cậu học sinh đứng lên tự giới thiệu về mình. Đến cô bé cuối cùng, người thứ tám đứng dậy, mặt Thành bỗng tái nhợt như người bị trúng gió. Anh buột mồm thốt lên.
-Diệu Anh!
Cô bé tròn mắt ngạc nhiên
-Thưa thầy! Thầy biết mẹ em ạ?
Thành lúng túng một thoáng nhưng rất nhanh anh lấy lại được sự điềm tĩnh
-À không! Thầy nhầm. Nào em nói đi
Thưa thầy em là Quỳnh Anh học lớp mười một trường Am của Hà nội
-Cám ơn em. Em ngồi xuống đi—Thành nhìn cả lớp một lượt. Tám khuôn mặt thơ trẻ đang chăm chú nhìn anh. Anh biết, muốn thành công, anh phải lấy được lòng tin nơi bọn trẻ và phải làm cho bọn trẻ tin ở chính bản thân chúng—Các em là những học sinh giỏi nhất đã vượt qua hàng nghìn học sinh khác để tập trung ở đây chuẩn bị cho cuộc thi quốc tế về tin học. Bây giờ chúng ta phải vượt một cửa ải nữa đó là phải vượt qua hàng triệu học sinh trên toàn thế giới để giành lấy vinh quang cho đất nước mình. Tôi sẽ giúp các em vượt qua cửa ải này, -Thành dừng lại một chút quan sát những thay đổi trên gương mặt bọn trẻ. Anh thấy chúng nhìn nhau với ánh mắt nghi hoặc. “Chưa thuyết phục lắm” Anh thầm nghĩ. Anh quyết định thay đổi chiến thuật—Bây giờ tôi xin tự giới thiệu về mình. Tôi là Trần Thành, tiến sĩ toán tin.—Anh nghe thấy một tiếng “ồ” nhỏ phát ra từ phía bọn trẻ--Tôi lấy bằng tiến sĩ tại đại học Harvard Hoa kì và được mời làm giáo sư giảng dạy tại đấy nhưng tôi đã từ chối và về đây để dạy các em.
Anh lại nghe thấy một tiêng “Ồ” nữa của bọn trẻ. Ánh mắt của bọn chúng nhìn anh sáng rực, đầy ngưỡng mộ. Anh biết mình đã thắng trong hiệp một. Anh cầm lấy viên phấn, vịn bàn đứng lên, nhảy lò cò một bước đến bên bảng.
-Bây giờ chúng ta sẽ học bài đầu tiên “Ma trận”.
Đến cuối buổi chiều, khi tiếng chuông hết giờ vang lên,anh để cho học sinh về hết còn mình ngồi lại nhìn qua cửa sổ ra phía cổng trường. Giờ này sinh viên chưa tan lớp, chỉ có tám học sinh luyện thi của bộ ở cổng trường. Cô bé Quỳnh Anh đứng ngóng về phía cuối phố chắc đang đợi mẹ đến đón. Một chiếc xe máy xịch đến. Con tim Thành bỗng loạn đi một nhịp. Anh thấy cô bé đang láu táu kể điều gì đấy cho mẹ. Thành nhìn theo cho đến khi cái dáng hình thân quen khuất hẳn. Anh thở dài, nặng nề đứng dậy trở về nhà.

°
°
Cả nhà ngồi quanh mâm cơm. Bữa cơm tối thật vui vẻ và đầm ấm. Đang ăn, đột nhiên nhớ ra, Thành bảo với bố
-Bố này, con gái của Diệu Anh đang học ở lớp của con đấy.
Nghe cái tên “Diệu Anh” mặt mẹ Thành cau lại. Bà dằn mạnh bát cơm
-Con còn nhắc cái tên con người bạc bẽo ấy làm gì?
Hai bố con nhìn nhau. Bố Thành hơi lắc đầu.
-Thôi mà mẹ.—Thành năn nỉ --Có phải lỗi tại cô ấy đâu. Tại mình đấy chứ.
-Tại mình?Đồ vô ơn
Mắt bà quắc lên. Bữa cơm đang vui vẻ bỗng trở thành tẻ ngắt. Miếng cơm bã ra trong miệng. Thành buông bát đũa lẳng lặng đi về phòng mình. Trước khi cánh cửa khép lại, anh còn nghe thấy tiếng bố bảo với mẹ
-Bà lại làm cho nó buồn rồi.
-Tôi nói nó vô ơn không đúng sao? Tiếng bà cự lại chồng—Không có con trai mình thì liệu nó có còn sống để có chồng với con không?
Thành ngồi xuống ghế. Không hề có chủ ý, tay anh cầm lên khung ảnh vẫn đang để trên bàn đăm đăm nhìn cô gái trong ảnh, một cảm giác buồn buồn nhè nhẹ dâng lên tràn ngập trong hồn. Thời gian đã quá lâu, nỗi đau không còn là một nỗi đau cào xé nhưng thời gian tuy dài thế nhưng vẫn chưa đủ làm lành hẳn vết thương lòng. Vết thương đã kín miệng nhưng chưa kéo da non thỉnh thoảng nó vẫn rỉ chút nước vàng âm ỉ. Con người lạ thế. Tình yêu lạ thế. Có đôi khi một chút buồn mênh mang lại làm ta thêm yêu quý cuộc đời.
Cái ngày xưa  của mười mấy năm về trước chợt ùa về.
Đấy là một mùa hè của năm cuối đại học,Thành phải vào bệnh viện để chăm sóc mẹ đang nằm ở phòng cấp cứu. Anh ngồi đầu giường cầm cái quạt nan phe phẩy quạt cho mẹ mắt thì lơ đãng nhìn ra ngoài hành lang bênh viện. Anh thấy một chiếc băng ca đang được đẩy dọc theo hành lang về phía phòng mổ. Đi theo sau băng ca là một bà cụ đầu tóc rối bù, ánh mắt thất thần. Cửa phòng mổ đóng lại, bà lão ngồi trên chiếc ghế ngoài hành lang chờ đợi mà khóc rưng rức. Lòng cảm thấy bất nhẫn, Thành chống nạng đi đến chỗ bà cụ định an ủi bà mấy câu. Anh chưa kịp nói gì thì cửa phòng mổ mở ra. Bà lão chạy bổ về phía cánh cửa. Cô y tá phòng mổ bước ra nói với bà cụ
-Bà về huy động người nhà đến bệnh viên ngay. Nhóm máu của cháu bà là loại Rh âm, một nhóm máu cực hiếm.Bệnh viện không có loại máu này. Mà cần nhiều đấy
Bà lão  gần như khụy xuống, mếu máo sau khi nghe cô y tá nói
-Giời ơi! Tôi biết làm sao bây giờ? Bố mẹ nó thì đi công tác xa. Mà họ hàng chúng tôi có ai ở Hà nội đâu
-Rh âm hả chị?
Thành hỏi lại cô ytá. Cô gái nhìn anh.
-Anh Rh âm à? Thế nhóm máu gì?
-O
-Thế thì tốt quá rồi.
Cô ytá reo lên rồi quay sang bà lão
-Chắc anh đây muốn bán máu. Cụ bàn với anh ấy về giá cả đi để cho chúng tôi còn lấy máu. Mà nhiều đấy
Tai thành đỏ bừng. Anh nhìn cô ytá lắc đầu.
-Bán chác gì hả chị. Tôi thấy người gặp nạn thì cứu giúp thôi.
-Hiến máu nhân đạo?
Cô ytá trợn tròn mắt nhìn Thành rồi đưa mắt nhìn xuống chiếc chân bị tật nguyền của anh và đôi nạng. Bà cụ túm chặt lấy tay anh van vỉ
-Cháu ơi cháu giúp bà với. Trời phật sẽ phù hộ cháu.
Mười lăm phút sau, người ta đẩy anh ra bằng một chiếc băng ca. Anh đã phải cho gần hai đơn vị máu mới có thể cứu sống được cô bé. Nhìn mặt Thành tái nhợt nằm bất động trên chiếc băng ca, bà cụ nắm chặt lấy tay anh nước mắt trào ra vì cảm động.
-Cháu ơi! Nếu cháu bà mà được cứu sống, nhất định bà sẽ gả nó cho cháu để đền cái ơn này.
Môi thành nở một nụ cười nhợt nhạt
-Bà ơi! Bà đừng nói như thế. Ai người ta lấy cháu hả bà.
Nói rồi anh buồn bã nhìn xuống cái chân tật nguyền của mình.
Thành phải nằm ở nhà mất hai hôm. Hôm thứ ba anh đến bệnh viện thì đã thấy cô gái được chuyển xuống nằm ở chiếc giường ngay cạnh giường mẹ mình. Không hiểu do định mệnh hay như bà của cô gái đã nói “Trời phật sẽ phù hộ cho cháu”. Thấy Thành bà cụ cuống quýt giắt anh đến bên giường của cô cháu gái
-Này cháu! Đây là người đã cho cháu mạng sống.
Nghe bà cụ nói Thành lại đỏ mặt
-Bà bạn nói quá lên đấy.
Cô gái nhìn anh nói giọng cảm động.
-Không phải là bà em nói quá đâu mà đúng là như thế đấy.Em đã hỏi chuyện các bác sỹ, em biết rằng  bình thường không được phép lấy quá một đơn vị máu thế mà vì cứu em anh đã cho em gần hai đơn vị máu của mình. Em rất biết ơn anh.
Nghe cô gái nói, Thành lại càng lúng túng hơn. Đã sắp tốt nghiệp đại học nhưng vì mặc cảm với đôi chân tật nguyền của mình nên chưa một lần anh ngồi nói chuyện với một cô gái. Một sự rung cảm của tuổi trẻ đột ngột trào lên trong anh. Thu hết can đảm, anh nhìn thẳng vào mặt cô gái. Đôi mắt của họ gặp nhau. Chỉ một thoáng thôi, Không chịu nổi ánh mắt mạnh bạo đầy ngưỡng mộ của cô gái, anh cụp ngay mắt xuống và bắt gặp chiếc chân tật nguyền của mình. Một tiếng thở dài cứ chực buột ra. Cô gái chìa tay cho anh.
-Chúng mình kết bạn nhé. Em là Diệu Anh sinh viên sư phạm. Còn anh?.
Anh rụt rè nắm lấy tay cô gái. Một luồng điện từ bàn tay cô gái truyền lan đi khắp cơ thể Thành. Anh cảm thấy chơi vơi. Một cảm giác kì diệu lắm mà không một ngôn từ nào có thể diễn tả được. Một cảm giác mà về sau, suốt cả cuộc đời mình dù trải qua trăm nghìn cay đắng, trải qua trăm nghìn vui sướng anh vẫn không làm sao quên được.
-Mình là Trần Thành sinh viên Bách khoa.
Thành cứ thế ngồi lặng trước bàn miên man với những hồi tưởng. Cửa phòng mở, bố anh bước vào. Ông dừng lại trước cửa phòng đau sót nhìn đứa con trai đang thẫn thờ ngắm bức ảnh. Thời gian! Ai bảo nó là liều thuốc nhiệm màu với mọi vết thương lòng?Một cảm giác có lỗi lại trào lên trong lòng ông. Tại mình. Mình đã không thể cho con một thân thể trọn vẹn. Ông cảm thấy rất giận bản thân mình. Ông đi lại phía con trai, đặt tay lên vai anh khẽ hỏi
-Con vẫn không quên được phải không?
Thành giật mình nhìn lên bắt gặp ánh mắt đầy thương cảm của bố,mọi cái cứng rắn đàn ông trong anh tan biến. Anh úp mặt vào lòng bố khe khẽ gật đầu. Anh đã cố quên và có nhiều khi anh đã tưởng rằng mình đã quên được nhưng không phải. Gặp đứa con người yêu cũ, cái tình yêu mà anh đã dùng toàn bộ lí trí và niềm kiêu hãnh  đàn ông của mình để dìm nó xuống tận đáy lòng lại trỗi dậy tuy mong manh nhưng mãnh liệt.
-Con bé học hành thế nào?
-Con bé thông minh lắm bố ạ. Chỉ tiếc là nó mới học lớp mười một nên khối lượng kiến thức còn hơi ít so với các em học sinh khác.
-Thế con định thế nào?
Thành đắn đo một lúc rồi rụt rè hỏi bố.
-Con định bồi dưỡng thêm cho nó ở nhà nhưng con lại sợ mẹ sẽ làm tổn thương con bé.
-Ừ, Con nghĩ thế là phải đấy.—Ông khe khẽ lắc đầu và thở dài nhè nhẹ.—Mẹ sẽ còn căm giận cô ta cho đến khi nào con còn chưa chịu lấy vợ. Mà không phải là….
Nói đến đây,ông đột nhiên dừng lại. Thành im lặng đợi ông nói tiếp nhưng không thấy ông nói gì nữa. Anh ngẩng lên nhìn bố và thấy ông đang chăm chú nhìn mình. Trong con mắt ông, thành đọc thấy có một điều gì đó ông muốn hỏi mà không dám hỏi.
-Bố muốn hỏi điều gì phải không?
-Ừ.—Ông gật đầu –Bố muốn hỏi con là không phải con định dùng cách này để trả thù mẹ con bé đấy chứ?
-Sao bố lại nghĩ thế? –Thành kêu lên –Con yêu Diệu Anh. Kể cả bây giờ con vẫn yêu Diệu Anh. Chưa bao giờ con căm giận cô ta cả
-Thế thì tốt. Thù hận và trả thù  không bao giờ mang lại cho ta hạnh phúc đâu con ạ.—Ông vỗ vỗ vai con trai—Vả lại con bé cũng chịu quá nhiều những dằn vặt rồi
- Con biết mà bố.
Anh ôm chặt lấy bố, tin cậy nép đầu vào lòng bố. Gần bốn mươi tuổi đầu anh vẫn thấy mình cần bố biết bao
°
°
Cũng như mọi bận, về đến nhà là Quỳnh Anh lại láu táu kể cho mẹ nghe mọi chuyện ở lớp. Từ chuyện bạn Dũng mải chơi game không chịu làm bài tập bị thầy mắng cho một trận đến bạn Thúy bị kẻ trộm vào nhà lấy mất hết đồ đạc, Nhưng người nó kể nhiều nhất là thầy giáo của nó. Qua cái giọng điệu của con gái, Diệu Anh biết anh ta đã trở thành thần tượng của con bé
-Thế thầy giáo của con có nói gì về con không?
Diệu Anh hỏi con bé. Mắt nó sáng rực.
-Thầy quý con nhất lớp mẹ ạ.Thầy khen con thông minh có những cách giải độc đáo. Thầy bảo chỉ tiếc rằng con mới học lớp mười một nên khối lượng kiến thức hơi ít hơn các bạn. À con quên mất. Thầy bảo từ tuần sau, mỗi tuần thầy sẽ bồi dướng thêm cho con hai buổi để con đuổi kịp trình độ của các bạn.
Diệu Anh băn khoăn. Cô biết tiền dạy thêm của những giáo viên luyện thi đại học đã rất cao rồi. Đằng này lại là luyện thi quốc tế
-Thế thầy giáo của con có bảo bao nhiêu tiền một buổi dạy thêm không?
Quỳnh Anh tức đỏ cả mặt. Nó cảm thấy mẹ đã xúc phạm vào thần tượng của nó. Con bé vùng vằng
-Mẹ với bà cái gì cũng quy ra tiền. Thầy con mà vì tiền thì thầy đã ở lại làm giáo sư của trường Harverd rồi. Trên đời này có những thứ không thể mua được bằng tiền.
Một mũi dùi nóng bỏng xuyên suốt qua con tim Diệu Anh. Mặt mày xa xẩm,cô choáng váng ngồi vội xuống chiếc ghế.
-Mẹ! mẹ làm sao thế?
Con bé hoảng hốt kêu lên. Nó chạy vội về phía mẹ.
-Không! Mẹ không sao. Mẹ chỉ hơi chóng mặt một chút. Con đi lấy cho mẹ cốc nước.
“Trên đời này có những thứ không thể mua được bằng tiền”. Anh! Chính anh đã nói câu này khi mà mẹ cô quật hai tập tiển trước mặt anh.
-Đây là mười triệu. Số tiền này đủ mua toàn bộ số máu trong người cậu.Cậu hãy cầm lấy. Từ nay, chúng tôi và cậu không nợ nần gì nhau cả. Còn định làm con rể tôi thì cậu đừng có mơ. –Nói xong bà quay sang Diệu Anh. –Về ngay.
Bà túm lấy tay cô,lôi cô đi.
-Khoan đã thưa bác.—Anh từ từ ngẩng lên. Nhìn anh, cô hoảng sợ. Vẻ mặt anh sắt đanh. Đôi mắt mở to dữ dội—Cháu không định bán máu kiếm tiền càng không có ý định đổi tình yêu bằng máu. Lẽ ra cháu không nhận tiền nhưng làm như vậy thì cả đời Diệu Anh sẽ áy náy. Cháu sẽ nhận số tiền bằng đúng giá máu cháu bán cho bệnh viện.—Nói rồi anh rút mấy tờ trong tập tiền, còn lại anh đưa trả cho mẹ cô. –Bác cầm lấy. Từ nay chúng ta không nợ nần gì nhau cả nhưng cháu muốn nói với bác điều này. Trên đời này có những thứ không thể mua được bằng tiền. Đó là sinh mạng và danh dự.
Đấy là lần cuối cùng cô gặp anh. Một tháng sau, anh nhận được một học bổng du học bên Mỹ. Thời gian trôi cuồn cuộn, chớp mắt mà mười mấy năm trời đã trôi qua. Anh đang ở đâu?Em đã nợ anh một mạng sống mà ở kiếp này em không sao trả nợ được. Có kiếp sau không?Để cho em dùng tình yêu của mình trả nợ cuộc đời anh.
Khi con bé Quỳnh anh cầm cốc nước quay lại phòng, nó thấy mẹ nó đang nhìn như đóng đinh vào một điểm vô hình trên tường vẻ mặt đờ dẫn.Nó vào trong phòng rồi mà mẹ nó vẫn không nhìn thấy nó. Hoảng sợ con bé lay lay mẹ
-Mẹ! Mẹ làm sao thế?.
Diệu Anh choàng tỉnh. Cô cầm lấy cốc nước nhấp một ngụm rồi nói với con gái.
-Mẹ xin lỗi. Mẹ không có ý nghĩ xấu về thầy giáo của con đâu. Con thưa với thầy là mẹ xin gặp thầy một buổi được không?
-Không được. –Con bé nói ngay –Để mẹ gặp thầy rồi mẹ lại nói về chuyện tiền nong làm xấu mặt con à.
Ôi! Con mình mới ngây thơ và trong trắng biết bao. Nó y như mình của mười mấy năm về trước. Mình đã xấu hổ đến mức chỉ muốn tìm một lỗ nẻ nào đó để chui xuống đất khi mẹ nói chuyện trả tiền cho máu của anh. Và anh ơi! Khi anh rút mấy tờ tiền trong cái tập tiền dày cộp kia và nói rằng để cho em khỏi áy náy thì anh có biết không? Chính hành động đó của anh đã hành hạ em suốt mười mấy năm trời.
-Mẹ thề với con là mẹ sẽ không nói đến chuyện tiền nong. Nhưng mẹ phải gặp để cám ơn thầy giáo của con mới phải đạo chứ. Đúng thế không nào?
Con bé cắn cắn môi nhìn mẹ nghi ngại
-Mẹ nói thật chứ? Thôi được, mẹ để mai con thử hỏi thầy xem sao.
Hôm sau cô thực sự sửng sốt khi nghe con gái nói.
-Mẹ ạ.! Con hỏi thầy rồi nhưng thầy bảo thầy bận lắm không có thời gian để tiếp mẹ đâu. Thầy bảo là thày xin lỗi mẹ nhưng mẹ không cần phải đến để cám ơn thầy.
Lại một người nữa có tính giống anh. Cô thầm nghĩ. Ngày xưa em gặp anh thì được cứu sống còn bây giờ con em gặp được một người tính giống anh thì việc gì sẽ xảy ra đây? Một cái gì đó rất mơ hồ vương vào tâm trí của cô nhưng cô chắc chắn một điều đó không phải là nỗi lo lắng. Những người có tính cách giống anh sẽ không bao giờ làm điều gì xấu xa với mọi người. Và rồi một ngày cô bé Quỳnh Anh xô cửa vào nhà reo to.
-Mẹ! Con đã chính thức lọt vào đội tuyển đi thi quốc tế rồi. Nửa tháng nữa chúng con sẽ đi Anh. Mà mẹ biết không? Thầy giáo của con là trưởng đoàn việt nam còn nằm trong ban giám khảo và ra đề thi nữa đấy.
Con bé khoe với mẹ về thầy giáo của nó  với một giọng nói đầy tự hào
-Thế thì tối nay hai mẹ con mình phải đến nhà thầy để chúc mừng và cám ơn thầy mới được
-Thầy đi Anh sáng nay rồi. Thầy trong ban ra đề thi nên phải đi trước.
Rồi con bé đi Anh. Cả nhà phấp phỏng chờ đợi. Rồi niềm vi vỡ òa khi conbé gọi điện từ Anh về
-Con được huy chương bạc. Chiều thứ bảy này chúng con về nước. Mẹ ra sân bay đón con nhé.
Chiều thứ bảy, Diệu Anh thuê một chuyến taxi đi Nội Bài đón con. Sân bay bố trí cho đoàn đi thi quốc tế ra một cửa riêng. Ở cửa này chỉ có gia đình của các học sinh đi dự thi và đám phóng viên tay lăm lăm máy ảnh chờ đợi. Cửa mở. Đoàn dự thi Tin học quốc tế xuất hiện.
-Anh!
Diệu Anh thốt kêu lên. Cô loạng choạng  vịn vội vào một cái cột cho khỏi ngã. Thành cùng bốn em học sinh của mình tươi cười vẫy chào mọi người đến đón. Ánh đèn Plash chớp nhoang nhoáng. Mọi người ùa đến cánh cửa. Những cuộc phỏng vấn ngắn gọn. Những bó hoa. Những lời chúc mừng và những giọt nước mắt hạnh phúc. Hai hàng ước mắt của Diệu anh cũng từ từ ứa ra. Trong những giọt nước mắt ấy, giọt nào là giọt nước mắt vui mừng, giọt nào là giọt nước mắt đau đớn?
Cô bé Quỳnh Anh rẽ đám đông chạy về phía mẹ. Nó nắm tay lôi mẹ về phía đoàn của mình
-Mẹ lại đây, con giớ thiệu thầy con với mẹ
Đang mải trả lời phỏng vấn và những lời chúc mừng của mọi người, đến khi quay lại, Thành sững người khi thấy Diệu Anh ở ngay bên cạnh
-Diệu Anh!
Thành thốt kêu lên. Con bé ngạc nhiên
-Thầy với mẹ biết nhau ạ?
Thành lúng túng một giây lát rồi rất nhanh chóng anh lấy lại được vẻ thản nhiên.
-Ừ! Thầy với mẹ em biết nhau hồi học đại học, --Nói rồi anh chìa tay cho cô –Chúc mừng em. Con bé đoạt hai giải,một huy chương bạc và một giải người có cách giải độc đáo.
Diệu Anh chìa tay ra cho anh. Một luồng điện từ bàn tay anh truyền lan đi khắp cơ thể cô. Cô cảm thấy chơi vơi. Một cảm giác kỳ diệu lắm mà không một ngôn từ nào có thể diễn tả được. Một cảm giác mà cô chưa bao giờ được biết đến dù cho con đã lớn.
-Đấy là công của anh. –Cô nói nhỏ, giọng nghèn nghẹn—Cuộc đời em nợ anh nhiều quá.
°
°
Phải suy nghĩ mất mấy ngày Diệu Anh mới dám đến nhà Thành..
Cô gõ cửa. Mẹ Thành ra mở, thấy cô, bà không nói gì, sập ngay cánh cửa lại. Tiếng Thành trong nhà hỏi.
-Ai đấy hả mẹ?
Không nghe thấy tiếng bà trả lời. Một lát sau Thành ra mở cửa. Thấy cô anh sượng sùng
-Xin lỗi em. Mẹ anh…..
Cô vội vã ngắt lời anh bằng một giọng buồn buồn
-Không sao đâu anh. Em đáng bị như thế
-Vào nhà đi em.
Họ vào trong nhà. Thành lo ngại nhìn vẻ mặt lầm lì của mẹ. Anh đưa mắt về phía bố cầu cứu. Ông đứng lên tươi cười
-Diệu Anh đấy à. Lâu lắm rồi mới gặp. Ngồi đi cháu. –Ông quay sang vợ --Bà gặp cô Liên chưa?Sáng nay cô Liên cho người đến báo bà cụ vừa bị ngã.
Mẹ Thành hoảng hốt đứng dậy
-Sao ông không nói sớm. Tôi phải sang ngay bên ấy đây. Ông đưa tôi đi nhé.
Ông đứng lên bảo với Diệu Anh
-Cháu ngồi nói chuyện với Thành bác phải đưa bác gái đi có việc.
Hai ông bà đi rồi.Diệu Anh mới bảo thành.
-Ta vào phòng của anh. Em muốn xem phòng của anh như thế nào.
Họ vào phòng Thành. Nhìn thấy tấm ảnh của mình để trên bàn làm việc,lòng cô nhói buốt. Gần hai mươi năm rồi anh vẫn không quên được mình. Làm sao để anh quên được mình đây? Một cảm giác tội lỗi tràn ngập trong tâm hồn cô. Họ cứ im lặng ngồi bên nhau. Có quá nhiều điều muốn nói mà không thể nói.
-Em sống thế nào? Hạnh phúc chứ?
Cô gái nhìn anh. Ánh mắt u buồn như một lời trách móc. Hạnh phúc? Thế nào là hạnh phúc? Một ngôi nhà đầy đủ tiện nghi,một cuộc sống không phải lo về tiền bạc. Một đứa con ngoan ngoãn giỏi giang. Đủ chưa?Chưa đủ! Còn thiếu một thứ. Tình yêu! Một thứ không hình, không bóng, hư vô hơn cả những gì hư vô nhất, nhưng thiếu nó tất cả đều sẽ chết. Thiếu nó, ngôi nhà to đẹp sẽ biến thành nhà mồ,bữa ăn ngon sẽ biến thành vô vị, nhạt nhẽo. Từ khi có đứa con, em tưởng lấy tình yêu con để thay thế cho tình yêu của anh. Nhưng không được. Tình Yêu! Một tình cảm không có một thứ gì có thể thay thế. Em thiếu nó. Vậy em có hạnh phúc không?
Nhìn ánh mắt của Diệu Anh, Thành bỗng thấy ân hận. “Tại sao mình lại đi hỏi em câu đó?” Mình với em ai hạnh phúc hơn? Chắc chắn là mình rồi. Mình có thể sống với tình yêu của mình, với nỗi nhớ của mình mà không phải che dấu. Còn em? Em có dám sống với tình yêu của em, nỗi nhớ của em không?Hay em phải che dấu đi tình cảm ấy trước chồng và con của mình. Em ơi! sao em khổ thế?
Họ cứ thế nói chuyện với nhau bằng một thứ ngôn ngữ không lời. Cả hai đều kìm nén. Cả hai đều muốn nhận về mình những thiệt thòi. Đều muốn dấu đi những đau đớn của mình cho người kia yên dạ. Tình yêu lạ thế chỉ muốn cho đi mà không muốn nhận về.
Diệu  Anh nhìn lên trên giá sách. Bất chợt cô nhìn thấy  một tờ giấy. Người cô run bắn lên trong một nỗi đau đớn đến cùng cực. Cô cầm tờ giấy ấy xuống, giở ra. Tờ giấy chứng nhận hiến máu nhân đạo và mấy tờ tiền. Tất cả đã ố vàng theo năm tháng. Cô cắn chặt môi cố gắng ngăn dòng nước mắt cứ chực trào ra
-Anh cho em xin những thứ này.
-Đừng! –Thành hoảng hốt. –Em đừng giữ nó. Để anh đốt nó đi..
Anh cố gắng giằng lại tờ giấy và những đồng tiền trong tay Diệu Anh nhưng cô đã giấu nó ra đằng sau lưng.
-Không! Em phải giữ những thứ này.
Cô kiên quyết. Thành nhìn cô phân trần :
-Anh cứ nghĩ anh sẽ không bao giờ gặp lại em nữa nên anh mới giữ lại vật này. Nếu anh biết sẽ gặp lại em thì anh đã đốt nó đi rồi.
Cô nhìn anh. Đau đáu một nỗi đau. Thăm thẳm một nỗi buồn. Cô nói nhỏ như là đang nói với chính mình
-Anh có thể đốt chính trái tim mình được không?—Rồi không thể kìm nén nổi mình, cô gục vào ngực anh. Nước mắt lặng lẽ chảy—Anh ơi! Lúc anh rút máu ra cứu sống cuộc đời em thì cũng là lúc em giết chết cuộc đời anh. Em biết lấy gì để chuộc tội với anh đây?
Thành nâng đầu Diệu Anh lên. Cái mạnh mẽ đàn ông đã trở lại
-Em muốn chuộc tội với anh bằng những dòng nước mắt sao?—Thành cười, lắc lắc cái đầu. –. Thôi, Ta đừng nói đến chuyện cũ nữa. Mà con bé có biết về quan hệ của chúng ta không?
-Không! Con bé chưa biết.
-Ừ. Đừng nên cho nó biết về quan hệ của chúng ta.
°
°
Họ đã cố gắng dấu con bé nhưng không được. Một buổi tối, Diệu Anh đang ngồi chấm bài thì con bé mở cửa  bước vào. Nhìn con gái, cô hoảng sợ. Mặt nó bừng bừng tức giận.
-Có việc gì đấy con?
Cô hỏi. Nó không trả lời mà đặt mạnh trước mặt cô cuốn nhật ký của mình. Cô giật mình.
-Sao con dám đọc trộm nhật kí của mẹ?
-Mẹ! –Con bé kêu lên. –Con thất vọng về mẹ.
Nói rồi nó òa khóc và bỏ chạy. Cô vội vàng đuổi theo kéo nó lại.
-Mẹ thề với con là mẹ chưa bao giờ làm điều gì có lỗi với bố và con.
Con bé ngẩng lên nhìn mẹ với cặp mắt mọng nước mắt
-Thầy con mà có thể làm điều gì có lỗi với mẹ sao? Chỉ có mẹ có lỗi với thầy thôi.
Rồi nó không nói gì nữa. nhưng từ đấy nó bắt đầu đổi khác.
Cái dễ nhìn thấy nhất là nó không nói chuyện với mẹ nữa. Ngày trước mỗi lần đi học về là nó láu táu kể cho mẹ nghe đủ mọi thứ chuyện ở lớp. Nó có thể tâm sự với mẹ mọi thứ nhưng bây giờ thì nó tránh nói chuyện với mẹ. Đi học về là nó vào phòng của mình đóng cửa lại và đặc biệt là không bao giờ nó sang nhà bà ngoại nữa. Diệu Anh đau đớn nhìn đữa con gái đang tuột dần ra khỏi vòng tay mình mà cô không thể làm gì được. Cô biết, ở cái lứa tuổi chưa phải là người lớn nhưng cũng không còn là trẻ con của nó, nó nhìn cuộc đời bằng một cặp mắt nghiêm khắc. Trong nó chỉ có hai từ Đúng và Sai và thật là đau đớn cho cô và cũng là điều đau đớn cho nó từ Sai lại thuộc về cô, mẹ của chính nó. Biết nói gì với con đây? Vì chính cô, cô cũng không biết nói gì về chính mình. Cô quyết định đốt cuốn nhật ký. Buổi chiều hôm đó, cô đang ngồi đốt cuốn nhật ký của mình ở ngoài sân thì con bé về. Nó nhìn cô không nói gì. Nó vào phòng cô, một lúc sau mang ra cho cô tờ giấy chứng nhận hiến máu nhân đạo và những tờ tiền.
-Sao mẹ không đốt nốt tờ giấy này và những tờ tiền độc ác của bà ngoại. Đốt hết cả đi cho lòng được thanh thản.
Diệu Anh ngã ngồi xuống sân. Trời ơi! Nó học đâu được giọng nói cay độc ấy? Không thể chịu đựng nổi và bất lực cô đành đến tìm gặp Thành. Cô kể lại cho anh nghe hết mọi chuyện rồi nói.
-Bây giờ chỉ có anh mới cứu được em thôi.
Thành thở dài.
-Thôi được. Để anh nói chuyện với nó.
Tối hôm sau, lúc cả nhà đang ngồi ăn cơm thì có chuông điện thoai. Diệu anh đứng lên nhấc máy rồi quay sang con gái.
-Thầy Thành muốn nói chuyện với con.
-Thế ạ.
Con bé mắt sáng rực. Nó bỏ vội bát cơm xuống chạy đến cầm máy. Diệu Anh ăn cơm nhưng cố lắng tai nghe xem con bé nói gì. Chỉ thấy nó “Vâng” liên tục rồi cô nghe thấy nó nói.
-Tám giờ tối nay ạ? Vâng. Phải xin phép mẹ ạ? Có cần phải thế không hả thầy?
Lắng đi một lúc  rồi cô thấy nó “Vâng” một tiếng ỉu xìu. Cơm xong, nó vội vàng đi rửa bát đũa. Thỉnh thoảng cô lại thấy nó liếc nhìn lên chiếc đồng hồ. Gần tám giờ, Cô thấy nó tần ngần rồi lần lần đến gần mình. Cô cười thầm nhưng cứ lờ đi.
-Mẹ!
Lâu lắm rồi cô mới lại được nghe tiếng “Mẹ” từ miệng con. Người cô rung lên vì cảm xúc.
-Gì thế con?
-Thầy giáo con hẹn con đến nhà.  Mẹ cho phép chứ ạ?
-Ừ con đi đi.
Nó chỉ đợi có thế là lao vội ra ngoài cửa.
Không biết anh đã nói với nó những gì nhưng hôm sau với mẹ nó bắt đầu thay đổi. Không thể nói là giống như ngày xưa nhưng khoảng cách giữa hai mẹ con đã thu hẹp rất nhiều. “Em lại mắc nợ anh lần nữa” Cô cay đắng thầm nghĩ.
Sau khi thi quốc tế về,lớp luyện thi giải tán, Thành không còn dạy con bé nữa nhưng thỉnh thoảng nó vẫn đến nhà anh hỏi bài.
Thời gian trôi đi vùn vụt, Chẳng mấy chốc mà lớp mười hai qua đi. Một buổi sáng Thành gọi điện đến nhà cô báo tin
-Con bé nhận được một xuất học bổng của chính phủ Mỹ. Nó sẽ học tại trường đại học Harvard.
Cô lặng đi vì sung sướng và cảm động. Cô biết, suất học bổng này không phải chỉ bằng tài năng của con gái mình là có thể nhận được. Em lại mắc nợ anh rồi. Đến tối, vào giữa bữa ăn, cô thông báo tin này với cả nhà. Mọi người reo lên sung sướng nhưng con bé thì mặt tỉnh nhưng không. Nó tuyên bố giọng ráo hoảnh:
-Con không đi Mỹ. Con sẽ vào học khoa tin trường đại học Tổng hợp.
Diệu Anh choáng váng. Bây giờ thì cô  hiểu cái gì đã xảy ra bên trong con bé. Khoa tin trường đại học tổng hợp là khoa mà chính anh làm trưởng khoa. Đến tối khi mọi người đi ngủ cả cô vào phòng con bé. Hình như nó biết là cô sẽ vào. Nó nhìn cô chờ đợi với một vẻ mặt căng thẳng. Cô ngồi xuống giường nhẹ nhàng hỏi con.
-Con quyết định vào học trường đại học tổng hợp thật đấy à?
-Vâng.
Con bé trả lời cô với vẻ mặt kiên quyết.
-Có phải là vì….
Đến đây, cô ngập ngừng không biết mình nên nói thế nào nhưng con bé nói ngay.
-Vâng! –Rồi nó nhìn cô chăm chú và hỏi lại—Mẹ phản đối sao?
Diệu Anh ngồi ngây người ra không biết trả lời con như thế nào. Cô biết, ở lứa tuổi của nó mọi thứ đều mong manh rất dễ đổ vỡ. Mọi suy nghĩ và tình cảm của con bé đều được xây dựng trên một mầu hồng rực rỡ của cổ tích và huyền thoại. Nếu không cẩn thận để cho niềm tin của nó sụp đổ thì rất có thể con cô sẽ trở thành một kẻ tàn phế về tâm hồn. Nhưng là một người mẹ, cô hiểu những gì sẽ chờ đợi con bé ở phía trước. Đợi mãi không thấy mẹ trả lời, con bé hỏi tiếp.
-Chẳng lẽ mẹ lại giống bà ngoại sao?
Cô thoáng rùng mình. Có một cái gì đó không ổn ở đây. Cô túm chặt lấy vai con bé hỏi nét mặt nghiêm nghị.
-Mẹ muốn hỏi con: Con làm điều ấy là vì con yêu thầy hay vì…
Cô chưa kịp nói thì con bé đã trả lời ngay.
-Vì cả hai. Con yêu thầy và con cũng muốn thay mẹ trả nợ cho thầy.
Diệu Anh ôm chặt lấy con. Nước mắt cô chảy dài. Một lúc sau, cô nặng nề đứng dậy.
-Nếu vì con yêu thầy thì mẹ đồng ý. Nhưng nếu vì con muốn thay mẹ trả nợ cho thầy thì mẹ không cần con làm điều này và thầy con càng không cần.
Đến lượt con bé sững sờ. Nó không ngờ mẹ lại đồng ý. Nó ôm chăt lấy mẹ
-Mẹ!
Nó kêu lên một tiếng nho nhỏ.
°
°
-Em điên à? Sao em lại đồng ý.
Thành quát lên. Diệu Anh lúng túng.
-Nhưng em biết nói gì với con bé đây? Liệu em có thể nói “Không được” với nó không trong lúc anh tốt như vậy và em mắc nợ anh nhiều như vây?
-Thế em định dùng con bé để gán nợ cho anh sao?.
Câu hỏi của Thành sắc như một lưỡi dao làm cô rợn hết cả người.
-Không! Em….
Thành cắt ngang lời cô.
-Anh không cần em thương hại. Anh không lấy vợ là vì anh chưa muốn lấy vợ chứ không phải là anh không thể lấy được vợ. Em gọi nó đến đây. Anh sẽ nói chuyện với nó.
Anh đưa di động cho cô. Cô bấm máy. Khi tiếng con bé vang lên trong điện thoại thì anh giằng lấy máy.
-Alô Quỳnh Anh hả? Thầy Thành đây. Em có bận không? Bây giờ em có thể đến nhà thầy được không? Đến ngay nhé. Thầy đợi.
Thành tắt máy xong quay lại bảo với cô.
-Tị nữa con bé đến đây anh có hỏi gì thì em cứ sự thật mà nói nhé.
Con bé đến. Nó sững người khi nhìn thấy mẹ. Thành tươi cười chỉ vào cái ghế.
-Ngồi xuống đây cô trò. Thầy nghe mẹ em nói em yêu thầy. Có đúng vậy không?
Con bé lườm mẹ một cái đầy thù hận. Mặt nó đanh lại.
-Vâng!
-Và mẹ em cũng đã đồng ý?
-Vâng!
Thành im lặng một lúc. Đột nhiên anh quay sang hỏi Diệu Anh.
-Trước mặt con gái em, em hãy nói cho anh biết em có còn yêu anh không?
Con bé nắm lấy mép bàn. Những ngón tay của nó bấu vào mép bàn khiến nó trở thành trắng bệch. Nét mặt nó căng thẳng. Nó chăm chăm nhìn mẹ đợi một câu trả lời. Diệu anh cúi đầu nói như ngạt thở.
-Có! Em vẫn yêu anh.
Anh quay sang con bé
-Em nghe rõ chưa? Mẹ em yêu thầy. Nếu em cũng yêu thầy thì liệu em có dám san sẻ tình yêu của em với mẹ không?
Con bé im lặng suy nghĩ một lúc rồi nó gật đầu quyết liệt.
-Có!
Thành cười kéo con bé vào lòng.
-Con ơi! Thế thì đấy không phải là tình yêu rồi mà chỉ là một thứ tương tự tình yêu thôi con ạ. Con biết vì sao không? Vì tình yêu là thứ duy nhất không thể san sẻ cho dù là hai mẹ con.
Con bé bặm môi suy nghĩ một lúc. Mặt nó dần dần đỏ bừng. Nó gỡ tay Thành ra rồi vùng bỏ chạy.
-Quỳnh Anh
Diệu anh gọi với theo. Cô định đuổi theo con bé nhưng Thành ngăn lại.
-Em cứ kệ nó. Nó nghĩ ra rồi đấy và nó đang xấu hổ
-Em lại mắc nợ anh rồi.
Cô nói nhỏ. Thành cười nhìn xoáy vào mặt cô
-Bây giờ thì anh định đòi nợ em đây.
Cô rùng mình sợ hãi
-Anh định đòi nợ bằng cách nào?
Thành im lặng. Trống ngực cô nện liên hồi.
-Bằng một nụ cười. Chẳng lẽ em lại không biết là chỉ khi nào em cảm thấy hạnh phúc thì anh mới thấy mình thanh thản sao. Nào bây giờ em hãy nhìn anh và cười lên.
Cô nhìn anh và nở một nụ cười. Tuy nhợt nhạt nhưng là một nụ cười.
Hà nội 21-6-2009

Xem Tiếp: ----