"...Phan Lương xuôi bóng thuyền"...
(Văn Cao)
Đã khá lâu tôi mới có dịp trở lại vùng đất trung du với rừng cọ, rừng sơn, đồi chè trù phú này.
Xe càng gần sông Lô, những kỷ niệm vui buồn trong những năm dài kháng chiến chống Pháp càng thức dậy dồn dập trong tôi như những ngọn lửa nhỏ. Nhớ biết bao những nơi trú quân: Ao Châu - ấm Thượng - Thanh Cù... Nhớ biết mấy những bà mẹ ân cần, thuần phác. Nhớ cả những gia đình tản cư phiêu dạt, long đong bám dọc các trục lộ giao thông và dòng sông Lô hiền hòa, với các bến đò ngược xuôi quen thuộc: Phan Lương, Bến Then, Tràng São...
Xe càng gần dòng Lô, tôi càng nghĩ nhiều tới chị...

*

Cuối thu năm 1948, sau chiến dịch bọn Pháp đánh lên Việt Bắc được một năm, tôi có công tác lẻ, đi một mình qua đất Vĩnh Yên rồi lên Phú Thọ. Một bao gạo nhỏ quanh lưng, một cây sten tênh tênh trên vai và một đôi dép lốp đã bắt đầu vẹt mòn, tôi đi gần suốt một ngày trời, chiều thì tới Phan Lương. Một buổi chiều vàng ngây ngất trên dòng sông Lô êm đềm chảy giữa hai bờ lau sậy.
Khi con đò ngang xệt mũi trên bãi cát ướt, tôi nhảy lên, bước nhanh tới dãy phố nửa lá ẩn náu dưới những hàng cọ biếc xanh và một cây đa cổ thụ rườm rà. Ghé vào một quán nước uống từng hớp chè xanh, tôi lơ đãng ngắm nghía dãy phố nứa. Cũng giống như biết bao bến đò và những nẻo đường hậu phương những năm dài kháng chiến, ở đây, bên mấy quán chợ xiêu vẹo đã mọc lên khá nhiều những chiếc quán tản cư, còn nguyên mầu nứa lá mới, với một lối kiến trúc tuy rõ ràng là tạm bợ những cũng ít nhiều "hoa lá", và thật sạch sẽ, gọn gàng. Những chiếc quán hầu hết đều bán hàng giải khát mà khách phần đông là những chú bộ đội và những anh cán bộ qua đường. Dăm chiếc cốc thủy tinh, mấy cái lọc cà-phê, đôi khi thêm dăm thếp giấy học trò, mấy gói đá lửa, vài cuộn chỉ mầu... Tất cả cuộc sống của những người thị dân rời bỏ các thành phố dưới xuôi lên đây dường như chỉ trông vào những mặt hàng lèo tèo, nhỏ nhoi, nghèo khổ ấy. Họ, những người thị dân ấy, đã tới đây ngay từ ngày đầu kháng chiến hay mới đến? Tôi hiểu phần đông trong số họ đã phải long đong di chuyển khá nhiều, nay Vũ ẻn, mai Châu Mộng, kia Cầu Hai... ở đâu, máy bay địch bắn phá nhiều, họ lại dắt díu nhau ra đi. Họ trôi dạt trên hầu khắp các chân trời hậu phương. Thiếu thốn thì quá nhiều, tiền bạc, dấn vốn ăn hết dần, nhưng vẫn còn cố giữ lại được một cái: ấy là niềm tin: "Kháng chiến trường kỳ nhất định thắng lợi"...
Tôi đang nghĩ ngợi lan man, chợt có tiếng gọi trong trẻo và gần như giật giọng:
- Nam! Nam phải không?
Tôi quay lại: một người con gái từ cuối dãy "phố nấm" chạy lại, mái tóc đen như mun, óng ả bay dài sau lưng. Đôi chân chị để trần, hai gót đỏ hồng, thoăn thoắt.
- Ô kìa! Chị Bích! Sao chị lại ở đây?
Tôi không giấu nổi vẻ bàng hoàng. Đúng là chị. Sao có thể lầm được! Chị chạy tới giáp mặt tôi, thở hổn hển, hai tay cầm chặt lấy tay tôi. Tôi rưng rưng để hai bàn tay mình mãi trong tay chị và ngắm nhìn gương mặt nhỏ nhắn, dịu hiền với cặp mắt đen, cũng đen huyền như mái tóc, cặp mắt xiết bao dịu hiền và đầy xúc động. Chị Bích! Chị "Bích Chân Cầm" - Chị "Bích tóc mây"... Những ai đã ở Hà Nội vào những năm 1944-1946 hẳn ít nhiều đã được nghe những chàng trai ở khu vực Hàng Bông, Hàng Gai, Phủ Doãn, Chân Cầm, Quán Sứ Hà Nội... nhắc tới cái tên kép ấy một cách thật khát khao trìu mến. Đến như lũ học trò trung học chúng tôi lúc đó, cũng còn phải thì thầm với nhau khen chị Bích là đẹp, còn nói chi những anh sinh viên, những chàng trai đã lớn khác. Chị là chị ruột của Kính, bạn học tuy không cùng lớp nhưng cùng trường với tôi. Tôi vẫn thi thoảng tới chơi với Kính. Vì lẽ đó cả gia đình này đều biết tôi và yêu tôi như yêu Kính. Nhà rất thanh bạch nhưng cũng rất nền nếp. Ông cụ làm thư ký sở bưu điện Bờ Hồ. Ông đã hy sinh trong trận Pháp tấn công, chiếm nhà bưu điện đêm 19 tháng Chạp 1946. Người con cả của gia đình là anh Bang, sinh viên trường thuốc. Cách mạng Tháng Tám bùng nổ, anh gia nhập Vệ quốc đoàn và sau đó vài tháng xin đi Nam tiến. Nghe nói, chưa chính xác lắm, anh đã hy sinh ở mặt trận Buôn Mê Thuột. ở nhà chỉ còn chị Bích là lớn với năm em, trong đó có Kính. Những ngày tháng Chạp 1946 căng thẳng, tôi đã tới thăm bà Ký và gia đình. Nhưng tôi đứng ngẩn ngơ mãi trước căn nhà cũ kỹ, nhỏ bé ở cuối phố Chân Cầm ấy. Người ta cho biết: gia đình Kính đã sơ tán lên Phú Thọ. Kính đang đi tìm tôi. Hai đứa đều đã ghi tên ở lại. Hai hôm sau, tiếng súng kháng chiến toàn quốc bắt đầu bùng nổ. Tôi và Kính cùng gặp nhau trên chiến lũy đầu Hàng Bông. Kính hơi rớm lệ: "Tao cũng không hiểu là bà cụ và gia đình lên đó rồi sẽ ra sao. Không! Không có họ hàng gì trên đó cả. Theo lệnh tản cư, đi là đi thôi!"...
Vậy mà không ngờ hôm nay tôi đã được gặp chị ở đây, trên bến đò xa xôi này.
Chị dắt tôi về phía cuối dãy phố. Hai chị em cùng đi như chạy. Chúng tôi dừng lại trước một quán nhỏ đã đổ xiêu về một phía, được chống lại bằng hai cây gỗ nhỏ khá dài.
- Mẹ! Biết ai đây không? - Chị reo lên, từ ngoài cửa. Chị đã bỏ tiếng "mợ" xưa cũ, thay bằng tiếng "mẹ" giản dị hơn.
Bà Ký từ trong nhà lật đật chạy ra. Vẫn tấm áo dài mầu "nâu tây" cũ kỹ y như hồi còn ở Hà Nội. Vẫn khuôn mặt bao dung, nhẫn nại khi xưa. Nhưng bà đã gầy đi nhiều.
- Trời ơi! Thằng Nam, tưởng ai!
Bà mếu máo ôm chầm lấy tôi. Mắt tôi cũng ứa lệ. Tôi nhìn bao quát căn nhà. Gần như trống trơn. Hai chiếc giường tre, một chiếc bàn bằng nứa ghép, ghế là hai khúc gỗ đặt trên những chiếc chạc cây cắm xuống đất. Có lẽ tất cả dấu vết của Hà Nội còn lại chỉ là một tấm rèm vải hoa che ở cửa căn phòng nhỏ bên cạnh, và một cây đàn măng-đô-lin treo trên vách nứa, với một bình pha lê có cắm mấy bông hồng đặt trên bàn.
Cả gia đình quấn quýt lấy tôi, mừng rỡ và cảm động. Mọi người cho tôi biết gia đình đã bắt liên lạc được với Kính. Anh mới về có một lần, cách đây hơn ba tháng, ngủ nhà một đêm, hôm sau lại đi luôn. Mọi người nói: Kính gầy và ghẻ lở khắp người, tóc rụng lưa thưa, nhưng vui và lém hơn trước nhiều. Kính ôm cây súng, giả làm cây guitare hát mãi bài "Có một anh Vệ còm". Sau đó lại đội ngang chiếc mũ ca lô để hai mỏm vểnh ra như hai tai mèo, múa hát bài "Con mèo mà trèo cây cau" và bài " Ta ca lý rằng có hai ông cọp hay nhai kẹo sìu" làm cho không riêng mấy em nhỏ mà cả mẹ, cả chị Bích cười đến nôn ruột. Khi ra đi, chị Bích nói, bấy giờ tinh lắm mới nhận thấy Kính buồn. Kính dặn riêng chị, dặn đi dặn lại mãi "Bây giờ em không biết nói sao với chị. Nhiệm vụ em là phải tiếp tục đi chiến đấu, mọi việc ở nhà, trông nhờ cả ở chị thôi. Em rất thương mẹ..." Kính cũng có nhắc tới tôi. Từ sau khi rút ra khỏi Hà Nội, tôi vẫn ở trung đoàn Thủ Đô, còn Kính được điều về một đơn vị trực thuộc Bộ Tổng chỉ huy, rất ít khi hai đứa gặp nhau.
Cuối thu, ở trung du trời mau tối. Chị Bích ra sau nhà, tươi cười vác vào ba khúc cây khá to và nhóm lửa. Chị khoe: chị bây giờ không "vai thờ" nữa. Đêm ấy, cả gia đình quây quần bên bếp lửa, nướng sắn cho tôi ăn. Những củ sắn Phú Thọ sao mà thơm, sao mà bùi! Tôi vừa ăn vừa bắt chước Kính nói chuyện, pha trò huyên thuyên với mấy đứa em. Chúng đều gầy và đen đi trông thấy. Chỉ riêng chị Bích vẫn đẹp và thật lạ lùng, dường như chị còn đẹp hơn cả hồi ở Hà Nội. Đôi má chị hồng hào. Mái tóc chị óng ả. Vì ngồi gần lửa, hay vì cuộc sống lao động mới mẻ? Hay còn vì trăm ngàn yếu tố tâm lý, khí hậu, thiên nhiên... khác? Chị âu yếm nói với em này một câu, em khác một lời. Chị trìu mến bẻ từng mẩu sắn tiếp cho bà mẹ. Đôi lúc, nhìn chị qua những ngọn lửa ấm áp, nhảy nhót, tôi bỗng ngờ ngợ và cảm thấy ở đây, trong gia đình này, bây giờ chị là mẹ chứ không phải bà Ký. Bà đã có tuổi, luôn luôn phiền muộn. Chốc chốc bà lại thở dài hỏi tôi: "Nói thật đi, thế độ bao giờ thì độc lập hở con?". Những lúc bà hỏi như vậy, chị mỉm cười, nhìn tôi như muốn bảo: "Nam coi, mẹ bây giờ như thế đấy!". Rồi chị tìm ngay được một câu chuyện vui, xóa luôn cái không khí trầm lặng. Hết củ sắn này, chị đưa tôi củ khác, vỏ giòn tan, ruột bở tơi, thơm lựng. "Ăn nữa đi Nam! Sắn ở đây ngon không? Chị đang xin đất. Rồi chị cũng sẽ trồng! Lần sau em về, tha hồ mà ăn! Bây giờ, nhà mới trồng được có ít chuối! Sáng mai em ra xem vườn chuối của chị. Em sẽ phải lác mắt!". Chị vui quá. Chị vui vì gặp lại tôi cũng như gặp lại Kính, hay còn vì một lẽ gì khác. Và có phải đây thực ra mới chỉ là những niềm vui cố gắng? Mãi tới khuya mọi người mới đồng ý đi ngủ. Chị Bích mau mắn đứng dậy, tự tay rũ chiếu, dọn chiếc chõng tre ở góp phòng cho tôi nằm: "Đây! Hôm Kính về, Kính cũng ngủ ở chõng này".
Tôi vừa đặt mình nằm, bỗng nhiên trong cái yên tĩnh sâu lắng của đêm trung du, vọng tới một tiếng đàn bầu. Thoạt tiên, tiếng đàn vừa vuốt lên, tôi đã muốn trỗi ngay dậy. Nhưng rồi tôi thất vọng, ngón đàn của người nào đó dở quá. Người chơi đàn có lẽ chưa hiểu hết những kỹ xảo thông thường, mà nghe ra anh cũng chẳng phải là người có tâm hồn. Tiếng đàn dai dẳng mãi làm tôi khó chịu, không sao ngủ được ngay.
Sớm hôm sau, khi vừa thức giấc, tôi bỗng chú ý tới những tiếng động khác, tiếng gì quèn quẹt. Liền đó là tiếng chị Bích thì thào với một cô em nhỏ: "Khẽ chứ em! Vét gì mà vét to thế! Khẽ chứ em!".
Tôi đã hiểu. Ruột tôi muốn thắt lại. Tôi vờ say ngủ, nằm im không cựa quậy. Một lúc sau có tiếng chân nhẹ nhàng, rồi tiếng chị Bích âu yếm "Dậy thôi Nam! Sáng rồi. Dậy rửa mặt đi em, chị đã nấu nước nóng sẵn cho em rồi đấy! Rồi ta ăn cơm. ở đây, quen ăn sáng rồi em ạ. Dạo này tàu bay nó hay lên sớm lắm...".
Bữa cơm nghèo, quá nghèo: một bát canh rau cải, một đĩa cá vụn kho mặn. Nhưng không phải vì thế mà tôi nuốt không sao trôi. Khi ăn, đầu óc tôi vẫn luôn chỉ nghĩ tới cái thùng gạo đã sạch trơn của gia đình. Tuy vậy rồi tôi vẫn phải gắng làm vui. Tôi nhắc lại cái tiếng đàn "bật bông" đêm qua. Lũ trẻ cười ran. Bà mẹ cũng cười, và cho biết đó là tiếng đàn của anh phó may ở cách đây dăm nhà. Anh này là người khá giả ở trong xóm, mới ra làm hàng ở ngoài phố được ít lâu. Chưa vợ con, với chiếc máy may, anh ta sống khá an nhàn, sung túc, lại tỏ ra có "máu" văn nghệ, đêm nào khoái lại chong đèn lên, gảy đàn một mình rất khuya. Gia đình này có quen anh ta, nhưng không phải vì mê tiếng đàn "bật bông" ấy, mà chỉ nhiều khi cơ nhỡ - bà mẹ không giấu tôi - đã buộc phải sang vay mượn anh ta. Được cái anh ta cũng tỏ ra là người đứng đắn và rộng rãi.
Cơm nước xong, vẫn còn nhớ lời khoe đêm trước, chị Bích nhất định bắt tôi phải đi xem vườn chuối của chị. Chuối bên sông bao giờ cũng đẹp thực. Mới trồng mà đã xanh um, lá to, thân chắc. Hai chị em cùng giẫm trên những đống lá khô, đi sâu vào trong vườn. Chị vẫn đi chân đất. Bấy giờ tôi mới biết chị thích đi chân đất, nhất là những lúc chị vui vẻ, muốn chạy nhảy. Chị vừa đi vừa nói cho tôi nghe về chuối tiêu, chuối mật, chuối lá... về cả ngô, cả chè... tất cả những gì mà chị mới nghe, được biết trên mảnh đất này. Chị tỏ ra rất hy vọng ở vườn chuối. Chị cũng nhắc cả đến vườn sắn nay mai của chị. "Nam ạ, Kính nó bảo phải tăng gia, tăng gia em ạ!".
Khi chia tay, cả nhà đều bịn rịn. Tôi muốn nói một lời nào đó mà cứ bối rối mãi không biết nói sao. Chị lại cầm lấy hai bàn tay tôi như chiều hôm trước, khi mới gặp. Lúc này tôi mới nhận thấy chị không cười vui như suốt cả buổi tối đầm ấm quanh bếp lửa. "Nhớ có dịp, ghé về nhà nhé! Thôi, em không phải nói nhiều. Chị hiểu em rất thương cảnh nghèo túng của nhà. Nhưng em đừng lo. Kính cũng như em. Mẹ và chị ở nhà sẽ cố chứ! Bây giờ phải sống khác, em ạ. Chị hiểu rồi!". Ôi, chị Bích! Chị "Bích Chân Cầm", chị "Bích tóc mây" ngày trước chỉ biết có quyển sách, rồi sau đó ở nhà chỉ biết có mấy chiếc kim đan để kiếm tiền đỡ mẹ, trong đầu óc có lẽ không có gì hơn ngoài những giấc mơ vơ vẩn và những lời giáo huấn cổ xưa của mẹ...
Thế rồi tôi ra đi. Trong thâm tâm tôi thầm tự hứa: bằng giờ sang năm sẽ cố tìm cơ hội về đây lần nữa.
Nhưng thật không ngờ, lần ấy ra đi, tôi đã đi biền biệt cùng đơn vị, nay Tây Bắc, mai Đông Bắc, lặn lội suốt một dải biên giới trùng trùng, rồi sau đó sang Lào tham gia quân tình nguyện. Cuối năm 1954, lên Điện Biên Phủ. Thắng xong Điện Biên Phủ một mạch cùng "đại quân" rầm rập về xuôi, tiến vào tiếp quản Hà Nội. Sáu năm liền, tôi vẫn chưa có dịp trở lại Phan Lương...

*

Công việc tiếp quản Hà Nội quá bận rộn. Tuy nhiên tôi đã gặp lại Kính. Anh đã trở thành một tiểu đoàn trưởng xung kích lừng danh của sư đoàn 308. Kính đưa tôi trở về Chân Cầm, phố cũ của anh. Anh cho tôi biết: gia đình anh mới hồi cư. Vẫn ngôi nhà cũ. Tôi mừng đến mức gần như run rẩy khi nhận ra chiếc cột đèn quen thuột và bước lên bậc thềm cũ gạch đã mòn lõm từng viên. Bà mẹ vẫn còn sống, nhưng đã già đi khá nhiều, tóc úa bạc gần hết. Lũ trẻ thì nhớn phổng, gần như lạ hẳn. Nhưng tôi đứng sững. Thiếu mất một người: Chị Bích. Lòng tôi se lại.
Bà mẹ kéo tôi ngồi xuống một bên, Kính một bên. Mắt bà đã kém lắm. Bà lấy khăn chấm mãi ở hai đuôi mắt.
- Con ạ! Chị con... lấy chồng rồi! Chị con ở lại trên ấy với chồng, không về nữa!
... Lát sau, Kính đưa tôi ra một quán cà-phê ở đầu phố, để có thể trò chuyện được nhiều hơn. Với một giọng trầm trầm, không ra buồn cũng không ra vui, Kính thong thả kể cho tôi nghe khá tỉ mỉ về tất cả những gì đã xảy ra trong gia đình anh trên bến đò xa xôi ấy.
Kính cho tôi biết: cuối năm ấy - năm tôi ghé qua nhà Kính - trời bỗng rét ngọt, rồi có sương muối. Sương muối đã đốt cháy hết các vườn rau của dân xóm, trong đó có cả vườn chuối của chị Bích. Chị ngồi trong vườn, giữa những cây chuối bị rét bóp quắt lại, khô đen, ứa nhựa, chết đứng, khóc ròng mấy buổi liền. Tiếp đó, máy bay bọn Pháp lên bắn phá. Cả dãy "phố nấm" gần như bị tiêu hủy, trong đó có cả căn nhà đã xiêu vẹo của gia đình Kính. Dân tản cư bàng hoàng. Một vài nhà tan rã hết tinh thần, bồng bế nhau chạy vào vùng địch tạm chiến. Những nhà khác gồng gánh dắt díu nhau phiêu bạt kiếm sống. Riêng gia đình Kính và một vài nhà khác ở lại.
Không còn đủ sức để đi nữa. Mà đi đâu? Bà mẹ hóa ra người ngơ ngẩn. Từ đó, tất cả việc nhà hoàn toàn chuyển qua tay chị Bích. Dân trong xóm, ngoài phố, ai thấy cảnh ngộ cũng thương. Nhưng cũng lạ, từ đó, chị Bích cũng bỗng nhiên như trở thành một người khác. Không ai còn thấy nụ cười luôn luôn trên đôi môi chị. Mái tóc mây dài, óng ả ngày trước đã được búi gọn lên sau gáy. Chị đã bán hết quần áo đẹp của chị, kể cả đôi hoa tai vàng mà bà Ký đã cho từ Hà Nội để làm của hồi môn khi lấy chồng. Chị bán cả ly, cốc, lọc cà-phê... bán hết. Chị mua tre nứa về nhờ bà con trong xóm dựng lại cho căn nhà mới. Nhưng lần này là một căn nhà nhỏ xinh, để ở, chứ không phải để bán hàng. Chị đã xin được đất. Chị quyết quay sang việc "tăng gia". Chị tập gánh, tập cuốc, tập cào... Chị làm quần quật suốt từ sớm sáng tới tối đất. Chị trồng sắn, chị trồng ngô. Rồi chị trồng cả mấy sào lúa nữa. Người trong làng giúp chị. Tuy nhiên, thật ra không thể nào trong một chốc mà cô gái Hà Nội đã có thể xoay chuyển được tình cảnh của gia đình. Cái túng, cái đói vẫn luôn luôn rình rập. Thảm hại hơn, khi sắn chưa được ăn, ngô chưa có bắp, thì bà mẹ lăn ra ốm liệt giường liệt chiếu. Còn bao nhiêu đồng dành dụm, chị vét voi ra bằng hết mà vẫn không đủ thuốc thang, cơm cháo cho mẹ. Lũ trẻ nhiều hôm phải ăn chuối xanh luộc thay cơm. Ăn nhiều quá phát sợ, chúng nôn mửa, không sao nuốt nổi nữa. Lẽ cố nhiên bà con trong làng kẻ ít người nhiều đã chạy tới cứu trợ. Nhưng mọi sự đùm bọc ấy làm sao thay thế được tất cả? Giữa những ngày đen tối ấy, một "hiệp sĩ" đã xuất hiện. Không phải ai khác, chính là anh phó may với cây đàn bầu tửng tưng mà tôi đã được nghe đêm nào. Cũng khỏi phải nói nhiều về tất cả những gì mà anh đã giúp đỡ cho gia đình Kính qua khỏi bước hiểm nghèo. Chỉ cần biết, sau khi bà cụ khỏi bệnh, anh phó may nghiễm nhiên trở thành một người thân, hơn thế nữa: một ân nhân của gia đình này. Và sau đó ít lâu, một buổi anh phó may đột ngột thưa chuyện với bà cụ xin cưới chị Bích làm vợ.
Chị Bích sững sờ. Rồi chị òa khóc nức nở.
Bà mẹ cũng khóc.
Lũ em cũng khóc.
Cả gia đình như có đám tang.
Nhưng anh phó may vẫn kiên trì đi lại. Anh tỏ ra khá biết điều, không bao giờ dám tỏ ra là kẻ ỷ của. Còn thực tế hơn nữa, anh nói thẳng: anh biết chị Bích không bao giờ có tình ý với anh, nhưng anh vẫn rất quý mến chị. Anh tin và hứa là nếu chị bằng lòng, anh sẽ có thể sống với chị rất tốt và sẽ không làm điều gì để chị phải ân hận hoặc phiền lòng.
Con vẫn khóc. Mẹ vẫn khóc. Tuy nhiên, cái gì phải đến vẫn đến. Sau nhiều đêm than thở, bàn bạc, cuối cùng không phải bà mẹ, mà chính chị Bích gạt nước mắt nói trước: "Thôi được! Con xin nhận lời người ta. Dẫu sao, con hiểu: nhà ta vẫn cần phải có nơi nương tựa trong những năm khó khăn này. Biết đến bao giờ mới độc lập? Mà, nhất là nhà ta lại không bao giờ nghĩ đến chuyện về tề cả!".
Năm ấy là năm 1953, cách ngày thắng lợi Điện Biên Phủ và hòa bình lần thứ nhất được lập lại chỉ đúng có một năm trời...
Cả xóm, cả bến đò xôn xao về đám cưới của anh phó may. Người mừng cho "cô gái Hà Nội" là đã vớ được anh chồng khá giả. Người thở dài "dẫu sao, thế là cô ấy cũng đã cứu cho gia đình khỏi phải trở về vùng địch tạm chiếm! Chỉ tiếc một chút là lẽ ra cô ấy có thể lấy được người hơn anh phó may nhiều lắm". Riêng mấy thầy giáo trong xóm thuộc "giới trí thức hương thôn" thì bình luận: "Một cuộc hôn nhân không bắt đầu bằng tình yêu chân chính, rồi đây sẽ ra sao?".
Nhưng mặc mọi lời khen chê, đám cưới vẫn được tiến hành bình thường như mọi đám cưới bình thường, tử tế khác. Mọi người chung quanh đều chăm chú dõi xem cuộc sống của đôi vợ chồng mới. Một tháng, rồi hai tháng, rồi nửa năm người ta ngạc nhiên thấy "cô gái Hà Nội" vẫn sống được bên anh phó may như tất cả mọi người vợ khác bên chồng. Không có gì đặc biệt, ngoài một điều: chị Bích vẫn làm vườn và làm cả ruộng, mặc dầu anh phó chỉ muốn chị ngồi nhà cho nhàn. Đôi khi hết việc đồng áng, vườn tược, chị cũng ngồi nhà thùa khuy đơm cúc, hơn thế nữa còn cặm cụi quét dọn, sửa sang nhà cửa. Chị đã xé bỏ tất cả tờ tranh xanh đỏ linh tinh mà anh phó kiếm đâu về treo đầy nhà như trẻ con chơi đình, chơi chùa. Chị cũng đã cùng anh trổ thêm mấy cửa sổ cho căn nhà sáng sủa; dựng cả một dàn hoa lý để lấy bóng mát và hương thơm... Bà con trong xóm đều cảm thấy một điều: căn nhà này từ khi có bàn tay chị Bích dường như đã trở nên ấm sáng hơn. Tới tháng thứ mười, sau lễ cưới, trong gia đình này, không phải chỉ có tiếng máy may cà khổ kêu sòng sọc, tiếng cây đàn bầu tửng tưng đêm khuya... mà đã bắt đầu có tiếng trẻ sơ sinh oa oa làm rộn hẳn cả căn nhà.
Nhưng cũng sau đó ít lâu, hòa bình lần thứ nhất được lập lại. Tin quân ta tiến về giải phóng thủ đô bay đến bến đò này làm cho tất cả mọi gia đình đều reo mừng. Riêng những gia đình tản cư thì khóc khóc, cười cười, nhảy nhót như điên. Ngay hôm ấy người ta đã tính tới việc hồi cư. Gia đình Kính cũng vậy. Trong niềm vui tràn ngập có điều đau buồn, lo nghĩ mới. Chị Bích về hay ở? Anh phó vẫn luôn luôn tỏ ra người biết điều. Anh để cho chị được hoàn toàn chọn lựa. Thậm chí, anh đã thành thực nói một cách đau khổ: nếu chị muốn về một mình, anh cũng xin vui lòng để chị về cùng với gia đình mà không có ý kiến gì khác...!
Ba ngày liền, gia đình nhà chị hết sức căng thẳng, lúc đó các gia đình chung quanh ăn uống nhộn nhịp để từ biệt bà con địa phương, xuôi thuyền trở về Hà Nội. Cuối cùng, cũng như mọi khi, người lên tiếng trước vẫn là chị Bích. Chị xin với mẹ cho chị ở lại.
Bà mẹ khóc ròng "Hay là... con tủi phận?... Con ơi đừng có nghĩ thế!". "Thưa mẹ, không ạ, con không bao giờ nghĩ thế!" "Hay là con đưa cả nhà con về, mẹ sẽ lo cho vợ chồng con cái nhà, mở cửa hiệu" - "Thưa mẹ, nhà con có ý không muốn về. Con thấy anh ấy nghĩ thế cũng phải. Mà con sống ở đây cũng đã quen biết bà con, quen thung, quen thổ rồi, lại còn ruộng đường trồng trọt, chăn nuôi..." " Con ơi, con nghĩ kỹ chưa thế? Khi dắt díu nhau ra đi, có mẹ có con, giờ cả nhà ra về lẽ nào để con ở lại trên này. Như thế sao đành". "Mẹ ạ, bây giờ độc lập rồi, con nghĩ ở đâu có lẽ cũng vậy thôi. Con sẽ về thăm nhà luôn, mẹ ạ...".

*

Tôi ngồi lắng nghe Kính, không ngắt lời anh một lần nào. Trong lòng tôi như có tiếng sóng. Tôi nhắm mắt lại, cố hình dung ra chị đứng trên bến nhìn theo con thuyền xuôi, mang đi tất cả những người thân yêu, ruột thịt của chị. Con thuyền xa dần để trở về với kinh thành đầy ánh sáng. Nơi ấy là nơi chị đã sinh ra, đã có cả một thời ấu thơ đầm ấm và cả một thời nữ sinh đầy mộng đẹp... Tôi nhắm mắt lại. Tôi vẫn không sao hiểu nổi trong giây phút đó chị đã nghĩ gì?
"Tháng sau có lẽ mình sẽ lên thăm chị" - Kính nói. Tôi vội yêu cầu anh nhớ gọi tôi cùng đi. Tôi cũng muốn được lên gặp chị.
Thế nhưng rồi cũng lại như lần trước, công việc đã cuốn tôi đi, mãi tới năm 1962 tôi mới có dịp trở lại sông Lô.
Bước xuống con đò ngang, tôi hỏi ngay bác lái:
- Bác có biết gia đình bác phó Sinh không ạ?
- Bác phó may có vợ người thủ đô ấy phải không?
Tôi hồi hộp:
- Dạ, thưa phải. Vâng bây giờ nhà vẫn ở chỗ cũ chứ ạ?
- Không! Các bác ấy dọn vào trong làng rồi. Bây giờ nhà ấy làm nông nghiệp là chính. Bác gái ở trong ban quản trị hợp tác xã chúng tôi...
Tôi không khỏi ngạc nhiên, muốn la lên một tiếng nho nhỏ.
Đò đã tới bến, như mười mấy năm về trước, tôi nhảy nhanh lên bãi cát ướt.
Quanh co mấy lối nhỏ cát mịn, tôi tới trước căn nhà gạch ba gian nhỏ xinh được xây cất theo kiểu mới, thoáng mát với hàng hiên rộng, nhiều cửa sổ, có giàn hoa lý thơm ngát phía trước. Đằng sau nhà là vườn cây ăn quả xanh um như một khu rừng. Một cô bé trạc chín tuổi ăn vận rất sạch sẽ, kiểu trẻ con thành phố, nhanh nhảu chạy ra, chào rất lễ phép:
- Thưa chú, chú cần gặp ai ạ?
"Con mẹ Bích! Chao ôi, con gái của mẹ Bích đây rồi". Lẫn làm sao được cặp mắt đen huyền, lẫn làm sao được khuôn mặt nhỏ nhắn xinh xắn. Lẫn làm sao được mái tóc mềm mại, óng mượt này...
- Bố mẹ cháu có nhà không! - Lòng tôi tràn ngập một nỗi mừng vui, xúc động khó tả.
- Thưa chú, bố cháu lên huyện họp ban liên hiệp thủ công. Còn mẹ cháu cũng đi họp ban quản trị ạ! Thưa chú, mời chú vào trong nhà!
- Vậy ở nhà chỉ còn có mình cháu hay sao?
- Vâng ạ! Em Hoàn Kiếm cháu đi chơi bên bà nội cháu!
- à, Hoàn Kiếm! Vậy còn cháu tên gì?
- Thưa chú, Chân Cầm ạ!
Ôi! Chị Bích! Thì ra chị đã lấy toàn tên phố cũ của quê hương xưa để đặt cho con mình như thế đấy.
Cô bé săn đón, niềm nở, thân thiết với tôi y như mẹ nó ngày trước, mời bằng được tôi vào trong nhà. Cô bé lấy nước, pha trà, rồi mở tủ lấy thuốc lá... không khác gì một người lớn.
Tôi ngắm nhìn ba gian nhà sáng sủa cao ráo, giường tủ đầy đủ, liên tưởng tới căn nhà nứa lá xiêu vẹo của những năm tản cư đã qua rồi. Chén trà ấm trong bàn tay, lòng tôi cũng ấm lại. Nhìn đứa trẻ xinh xắn, tươi tắn, nhìn cơ ngơi này tôi thầm hỏi: phải chăng chị đã thực sự được yên ổn và sống tốt đẹp ở nơi đây?
Một bóng người xuất hiện ở ngoài bức mành. Tôi đứng bật dậy. Ngỡ là chị đã về. Nhưng không phải. Một bà xã viên tới tìm chị để giải quyết một việc gì đó. Thấy chị vắng nhà, bà xã viên quày quả định quay ra, nhưng Chân Cầm níu tay bà lại, líu ríu:
- Bá! Bá ở lại xơi chén nước đã ạ! Bá về ngay, mẹ cháu lại mắng cháu đấy!
Bà xã viên bật cười:
- Cha mẹ cái con cún này! Chú ạ, trẻ nhỏ nhà này đứa nào cũng y như thế cả. Mẹ Bích nó thật khéo dạy con cái.
Rồi bà ngồi ghé xuống chiếc ghế bên bàn. Vừa uống nước, bà vừa kể lể, dường như bà muốn khoe cả với tôi về "mẹ Bích" của bà. Bà nói khá nhiều, xởi lởi và thành thực, hết chuyện nọ sang chuyện kia.
- Chú ạ! Thế mới biết người Hà Nội không phải chỉ có ăn trắng mặc trơn. Thì ra, nếu như con người ta...
Một lần nữa tôi ngỡ ngàng. Cái gì vậy? Điều gì đã giữ được chị ở lại đây mãi mãi? Và điều gì đã làm cho chị sống được yên ổn và chắc chắn là không thiếu cả phần tốt đẹp trên mảnh đất này? Phải chăng chỉ riêng tấm lòng hy sinh cũng đã có thể tạo cho chị một thứ hạnh phúc khác? Hoặc còn vì dòng sông trong mát với dải đất ngọt mềm và những người dân quá đỗi hồn hậu như những bà con xã viên này đã nhen dậy trong lòng chị ngọn lửa của một tình yêu mới?
Hoặc ý thức của một con người khi đã hiểu được trách nhiệm chung và riêng đã tiếp cho chị một nguồn nghị lực và cả một đầu óc minh mẫn trong công cuộc kiếm tìm và xây dựng cuộc sống mới?
Có tiếng trẻ bi bô ngoài cổng. Hoàn Kiếm đã về. Chú bé bụ bẫm và kháu khỉnh làm sao! Nhưng lạ hơn nữa, tuy là trai mà nó giống mẹ như tạc:
- Hoàn Kiếm! Hoàn Kiếm! Vào đây mau! Có chú Nam ở Hà Nội lên chơi đây này! Chú nói là em của mẹ đấy!
Tôi chạy bay ra, ôm lấy hai đứa trẻ trong vòng tay mình, như ôm cả một mảnh hồn Hà Nội lẫn một mảnh đất trung du ngọt bùi, trung hậu...

*

Xe tôi đã tới gần bờ sông Lô.
Hôm nay tôi trở về Phan Lương lần nữa. Trước hôm ra đi tôi có ghé qua nhà Kính. Chị Bích mới về thăm nhà hôm đầu năm. Chị có đem cả Chân Cầm và Hoàn Kiếm về chơi. Nhưng đặc biệt, theo lời bà mẹ, lần này khác tất cả mọi lần trước, khi lên ngược chị còn dắt theo cả gia đình hai người em họ chuyên buôn bán linh tinh trên các đường phố. Không rõ chị đã nói những gì, hứa hẹn những gì với họ. Chỉ biết hai cô em đó đã thu xếp khá chóng vánh, để theo chị. Họ cũng sẽ tới cái bến sông xa ấy, bến Phan Lương bên dòng sông Lô với biết bao kỷ niệm không sao quên từ những ngày kháng Pháp.
Xe càng tới gần sông Lô, tôi càng nghĩ nhiều tới chị, chị "Bích tóc mây", "Bích Chân Cầm", ngày trước và hôm nay.
hồ phương

Xem Tiếp: ----