“Kính tặng các bạn chiến đấu tình nguyện quân anh dũng”
CHƯƠNG 1

    
rời xanh trong, xanh ngắt không một thoáng mây. Lửa từ vòm xanh ấy tỏa xuống đốt rừng. Không gian bị úp trong một cái chảo gang nung đến cực độ.
Rừng Lào hé dần bức rèm cây từng quãng ngắn trước mắt người.
Rừng già cây to hai ba người ôm, lá khô rải thành tám thảm nâu đỏ. Rừng non bịt bùng những bụi gai rặng tre vầu. Rẫy cũ cũng biến thành rừng, bồ xít mọc cao quá đầu, hoa rụng đều đều từng chấm trắng lơ lửng. Người đi giữa rừng như quay tròn trong giếng khơi, ngửng lên chỉ thấy một mảng trời chật hẹp đánh đai giữa khung cành lá.
Một đôi công bay vụt lên toang toác, nắng điểm vội những mát lửa vàng trên đuôi.
Trên con đường hẹp chi chít lỗ chân voi sâu hoắm, đơn vị tình nguyện quân kéo dài cự ly, đi về phía Tây. Bụi cuốn theo chân, tỏa mù trên những mấu đá ong nhọn sắc. Mắt hoa chờn vờn chi nhìn thấy làn bụi và những quầng vàng nhảy lui tới. Mồ hôi chảy nối giọt theo quai mũ. Nóng kinh khủng.
Người đi đầu đưa tay lật chiếc mũ cao bồi, quạt hai lần sau gáy. Ám hiệu chuyền về phía sau: gặp dân. Bộ đội tạt nhanh vào rừng, nấp sau bụi rậm. Mé trước có tiếng cười nói bi bô. Hai anh con trai vác súng kíp đi qua, khiêng một con vượn bằng đứa trẻ lên ba.
Bước ra đường đại đội phó Sơn-Linh vuốt mồ hôi trán càu nhàu:
- Nắng lửa mưa dầu! Ngày chết nắng, tối chết rét. Cái xứ kỳ khôi... Tiến đâu?
Trung đội phó Tiến đang phủi những mảnh lá khô lọt vào cổ áo ngứa điên, vội chạy lên. Thắt lưng đạn nhảy lọc sọc, cái ca nhôm vật trên ống lương khô. Thân hình tầm thước, gầy và chắc, vọt thoăn thoắt tránh đá ong và hố chân voi.
- Cậu đi với tớ, gặp dân hỏi tình hình. Này, nghỉ mười phút!
Tiến dựng khẩu tom-xông, tu ống nước lã ừng ực.
Nước bốc mùi tre ngâm nồng mũi. Ngồi thở quạt một lúc, Tiến sực nhớ ra:
- Anh Linh không biết tiếng Lào à?
- Thèm vào học cái của nợ ấy!
- À... mấy năm nay anh ở chủ lực luôn, thích quá nhỉ.
- Chúng nó định bắt tớ đi xây dựng cơ sở, bắt học tiếng học chữ. Tớ bảo: “Thằng này đánh giặc đến hói đầu rồi, đừng hòng nhét cái thứ chữ kho, khỏ, co, no ấy vào. Thế là chúng nó đẩy tớ về khu bộ. Chó thật!
Linh gãi mớ râu quai nón trên khuôn mặt sần sùi mụn cá, cười khẩy một tiếng.
Trung đội độc lập này mới thành lập cách mười hôm, gồm những bộ phận công tác dân vận trong khu căn cứ Hạ Lào, ghép lại được non bốn mươi người. Hầu hết bộ đội tình nguyện đều phân tán đi giúp cán bộ Lào xây dựng cơ sở chính trị, phát động chiến tranh du kích. Đến khi phong trào đã vững chắc, họ giao cơ sở lại cho cán bộ Neo-Lào-Ít-xa-la (Mặt trận giải phóng Lào) độc lập phụ trách, đế chuyển sang xây dựng một vùng mới, hoặc rút về bộ đội tập trung.
Sơn-Linh vừa được cử về trung đội 8 phụ trách trung đội trưởng, Tiến làm phó. Đơn vị đang hành quân về huyện Xây-thả-von nhận nhiệm vụ mới, chưa rõ là tập trung hay phân tán.
Rừng đứng gió, nóng như lò than. Tiến quạt chán lại lau mồ hôi, má đỏ ửng. Linh ngồi tựa gốc cây, nheo mắt nhìn “cô vợ” hai mươi hai tuổi cấp trên xe cho anh, bên mép nhếch một nụ cười nửa trêu cợt, nửa che chở.
Tiến đặc biệt kính nể Sơn-Linh, kính nể đến mức tôn sùng. Ở chung đại đội từ Khánh Hòa đến Bắc Tây Nguyên rồi lên Lào, Tiến từ chú bé liên lạc lên đến tiểu đội trưởng dưới quyền chỉ huy của Linh. Anh lại hơn Tiến ngót chục tuổi, và nổi danh gan lì, táo tợn. Địch hậu Khánh Hòa, ngụy binh nghe nhắc tên anh đều dớn dác. Một huyền sử gồm những chuyện độn thổ, kỳ tập, một kiếm cướp xe khét tiếng được thêu dệt chung quanh cái tên Sơn-Linh. Có người quả quyết đã chính mắt thấy Linh luyện gồng và đọc phù chủ tiếng Thổ, nhưng chưa rõ sai đúng.
- Cậu xinh trai đấy. Con gái Lào khối đứa chết dở...
Tiến càng đỏ mặt. Linh bật cười ha hả. Bộ đội quay lại xuỵt, anh không để ý, vẫn cười. Thằng Tiến nó chóng lớn thật, nhưng nét mặt dáng người vẫn trẻ con như ngày làm liên lạc đại đội. Vẫn nụ cười toét miệng hồn nhiên, lộ hàm răng nhỏ đều như con gái, nhưng không còn hai đồng tiền xoáy tròn trên má. Môi thâm sốt rét, tóc rám nắng ngả màu nâu cành cạch, xoắn tít lại như lò xo. Giá bớt phơi nắng, ăn no hơn và khỏi sốt rét, hẳn nó đẹp người ra dáng, câu gái tha hồ.
Linh bỗng cau mày, vẻ khó chịu:
- Sao lại dùi thủng tai thế kia?
Tiến bẽn lẽn phân trần:
- Dân vận vùng thiểu số anh ạ. Ba năm nay xỏ tai, bới tóc đóng khố... Tôi xin về bộ đội tập trung mãi không được. Không sợ khổ đâu, nhưng thèm đánh ghê lắm.
- Các cậu dễ bảo quá. Phải căng như thằng này mới ăn tiền. Chuyến này thoát kiếp “lính cơ sở” nhé. Về Xây-thả-von, tớ với thằng Mạc bí thư liên chi ở đấy là cánh hẩu. Chém chết tớ cũng không cho phân tán bộ đội nữa. Giữa năm 1952 rồi, ngoài Bắc đánh hàng đại đoàn, Liên khu 5 hàng trung đoàn, ở đây chỉ lèo tèo một trung đội cũng đòi xé vụn nốt! Thế là phá hoại bộ đội! Cần cán bộ dân vận sao không mộ ở Việt Nam gửi lên giúp Lào, lại bắt con nhà lính đi gây cơ sở là cái thá gì?
Nghỉ mười phút đã kéo ra ngót nửa giờ, Linh mới cho tiếp tục hành quân.
Một cơn gió lốc đột ngột cuộn xoáy, dựng bụi và lá khô thành cột. Mây xô đẩy nhau tỏa kín trời. Rồi mưa giông quất lộp bộp trên vành mũ, những hạt nặng đầu tiên của mùa mưa dài sáu bảy tháng trên đất Lào.
Đường quanh co xuống dốc, trơn nhầy nhụa dưới mưa lớn.
Hai giờ sau, trung đội đến bờ sông Xê-liên, đi vòng một quãng xa tránh bến đò của nhân dân. Lệnh trên qui định phải tuyệt đối không để lộ hướng tiến quân. Trời lại tạnh, hửng nắng. Sông dâng cao trông thấy, nước đỏ ngàu bò nhanh lên bãi sỏi. Linh gắt một mình:
- Sớm một tý đã tránh được nước lũ. Tao biết cái Xê-liên hay giở chúng mà... Tiểu đội một căng dây qua sông, mỗi tiểu đội làm một bè!
Bộ đội tản dọc bãi, tháo gói áo quần ướt sũng ra hong. Gia tài gói tròn trong chiếc khăn Lào dài thắt ngang lưng, để trên nịt đạn: bộ xi ta liên khu 5 nằm kho đã bở mục trước khi đến tay, tấm võng vải bổ hoặc vải gai dệt, cái phạ-xà-lùng1  dệt ô vuông xanh đỏ để cải trang đi dân vận. Các thứ của nả linh tinh nhét cả vào bao đạn, vì mỗi khẩu súng nhiều nhất chỉ được dăm viên đạn, cả thối lẫn tốt.
Trên ngọn đồi bên bờ sông dựng đứng, một tảng đá đen nhô cao, nhọn hình sừng trâu. Sắp xếp xong công việc, Tiến tò mò trèo lên tảng đá. Nhìn sang bờ sông thoai thoải bên kia, anh ngạc nhiên thấy đồng bằng Xây-thả-von trải rộng trước mặt.
Rừng càng ra xa càng thưa, long loáng mặt ao hồ và những vệt trắng mốc ruộng khô. Vùng đất trũng trên bùn dưới đá này trông khác hẳn cảnh rừng núi chập trùng của căn cứ địa. Một vệt óng như dải lụa ngoài xa tít tắp: sông Nậm-khoỏng (Mê-kông). Cuối chân trời hằn nổi mầu xanh tím không rõ nét của rặng núi biên giới Thái Lan. Mặt trời ngạt sương sau cơn mưa tỏa ánh ảm đạm trên chiếc sa bàn dưới chân Tiến.
Anh sẽ về chiến đấu ở đấy với trung đội 8. Thêm một đàn kiến trong sa bàn...
Tự nhiên Tiến có một cảm giác gai gai khó chịu không rõ rệt, vừa nao nức. Vừa lo lắng, khi sắp tiến vào một vùng xa lạ với một nhiệm vụ chưa định rõ. Cảm giác khắc khoải của con người trước cái chưa biết.
Nhưng rồi Tiến nghĩ đến Sơn-Linh, người chi huy lão luyện và kiên quyết. Linh đã chiến đấu ở Xây-thả- von ngót một năm, khi mới đưa bộ đội lên Lào. Linh với ông Mạc nào đó ở Xây-thả-von là “cánh hẩu”. Bên cạnh Linh, Tiến sẽ học chỉ huy bộ đội tập trung đúng như nguyện vọng ấp ủ suốt mấy năm đi xây dựng cơ sở. Nhất định Linh sẽ không để phân tán bộ đội... Đúng rồi, phải cứng như Linh mới được!
Tủm tỉm cười một mình, vui phơi phới, Tiến trèo xuống bờ sông cùng buộc mảng với anh em.
Sông Xê-liên mỗi lúc một lên to, chảy xiết. Mé dưới chỗ qua sông, thác Đầu-sấu ào ào gầm rít. Mô ghềnh lởm chởm xếp thành hai dãy như hai hàm răng con cá sấu ngoác miệng, bóp dòng nước ứ vọt lên, bụi nước tung thành mây mù phía đuôi thác.
Một tổ súng máy kéo sau lưng những sợi mây song bằng ngón chân cái, từ trong rừng chui ra.
- Ai bơi qua buộc dây nào?
Mọi người lo lắng nhìn sang bên kia, rồi nhìn nhau. Sông rộng chỉ độ năm mươi thước, nhưng... người có thể trôi xuống đến Mê-kông nếu lọt hàm cá sấu.
Tiến cởi áo quần, lội thử ra đến cổ. Nước tống anh ngã dúi, phải bơi vào. “Không sao, tớ lên thật xa, bảo đảm không bị trôi”. Nhưng trong lúc ấy Mộc đã lặng lẽ buộc một sợi mây con quanh bụng, nối đầu kia vào mây song. Nhìn thân hình Mộc gầy gò, đếm rõ xương sườn anh em lo ngại can:
- Mi qua nổi không rứa?
- Hay mày để tao! Tao mạnh hơn.
Mộc chỉ lắc đầu. Con nhà chài lưới, Mộc không ngại con nước lớn. Bởi tính lầm lỳ và bụng báng số 4 nên anh em quen gọi là Mộc cóc. Trong tiểu đội súng máy, Mộc là chiến sĩ tiếp đạn đã bốn năm nay không thay đổi.
Kéo lê sợi dây sau lưng, Mộc đi ngược bờ sông vài chục thước rỏi lấy hết sức phóng người ra. Dòng nước cuộn thân hình đen trũi trôi băng băng. Sợi mây song thun thút chui xuống nước vặn vẹo như con rắn vội đuổi theo mồi. Anh em nín thở. Một câu nói run rẩy: “Dưới thác có cá sấu...”.
Nửa sông rồi. Hai phần ba. Nước chảy vèo vèo trông đến chóng mặt. Bỗng tiếng rú thét nổi lên hỗn loạn trên bờ: một thân cây tươi lao đến, ấn Mộc chìm ngụp trong đống cành lá sum suê, lôi xuống thác.
Tiến chạy vút lên xa, nhoài xuống nước. Cành gãy, củi khô thúc vào sườn đau điếng. Đến gần bờ bên kia, nước xoáy tròn giữ Tiến lại, rút xuống đáy. Tiến cố vùng nhoi lên, túm được một ngọn tre sà chấm mặt nước. Run lẩy bẩy, hai cánh tay mỏi rụng rời, anh trèo lên mỏm đất đưa mắt tìm quanh.
Mộc bị trôi đến họng thác, kịp bíu tay vào một mấu ghềnh, đầu ngóc trên mặt nước nhưng đuối sức không trèo lên được. Bò bốn chân qua từng mỏm đá ra đến giữa thác, Tiến lôi được Mộc lên một tảng đá phẳng. Hai người nằm xoài bên nhau thở như thụt bễ, mặc cho nước tung bọt rào rào trên mặt.
Một giờ sau, bộ đội sang sông gần hết. Vẫn không thấy Linh đâu. Tiến trở lại chỗ nghỉ, gọi ầm rừng. Tiếng đáp lè nhè trong bụi rậm. Thì ra Linh và cậu liên lạc của trung đội kéo nhau tìm chỗ kín làm một giấc. Linh vừa ngáp vừa cười với Tiến:
- Hoài của, tìm cậu mãi chả thấy. Mát trời ngủ thích gớm.
Lần đầu tiên, Tiến có một ấn tượng khó chịu đối với con người lâu nay mình mến phục. Nhưng anh vội xua nó ngay, và lặng lẽ kéo bè cho Linh qua sông. “Xưa nay có tài là có lật, ông cán bộ nào chả thế. Mình còn ở với Linh về lâu về dài...”
*
Về đến vùng căn cứ du kích Xây-thả-von, trung đội 8 rộn rịp che tán trong khu rừng vầu, gần làng Pha- luông cũ. Một làng trù phú bậc nhất vùng, nay chỉ còn chơ chỏng mấy thân cột cháy nham nhở nhô giữa bồ xít ken dày.
Vừa đúng dịp hội nghị toàn huyện. Các bộ phận Tình nguyện quân lẻ tẻ từ các xã lần lượt kéo về, gặp trung đội 8. Đêm đến, rừng vầu sống lên với ánh lửa vui và những cuộc gặp gỡ không hẹn.
- Tưởng mày chết rồi, khỉ ạ!
- Căn cứ địa hết ăn măng chưa? Tây-Nam ăn cá bỏ đầu Miền-Đông lên thấy xách xâu đem về! Ha ha ha!
- Còn thằng Sức mô? Thằng Sức lên Lào năm 1949 ở đại 61...
Đủ các giọng nói Bắc Trung Nam, pha trộn rất nhiều tiếng Lào quen miệng, quen đến nỗi đang nói tiếng mẹ đẻ có người bỗng chen vào một tràng tiếng Lào mà không ai để ý.
Anh em hỏi thăm nhau mới biết chết đã khá nhiều từ ngày bộ đội phân tán đi gây cơ sở. Có cả những thằng bạn nối khố bị xẻo tai chặt đầu, lạc rừng không thấy về, bị sốt rét biến chứng đi đứt, bị hổ vồ, cá sấu đớp. Tội nghiệp chúng nó, chết oan chết ức. Phải như đánh trận mà chết cũng cam... Theo đà những kỷ niệm xưa, một giọt nước mắt ứa trong khoé mắt đỏ ngầu hoặc vàng vỏ thị.
Chiều hôm sau Tiến gặp Điềm, ông bạn chí thiết cùng công tác ở căn cứ địa năm ngoái. Ôm nhau xoắn xuýt hỏi lấy được. Rồi Điềm vẫy vẫy cánh tay áo rỗng:
- Tao bị phục kích ở Na-bua. Mày lên vùng Hàng- rào liệu hồn, bọn vũ trang xông xáo dữ lắm. Hàng-rào, tức là Vùng giằng co ấy mà. Địch giằng mất đã hai năm, ta chưa co lại được.
- Không, chúng tao ở tập trung. Sao mày bị... không viết thư tao biết?
Thấy mắt Tiến thương thương, Điềm cố ý cười to nhưng không tự nhiên:
- Muốn tập trung à? Tưởng bở! Tao ở chi ủy còn lạ gì. Chịu khó đi xây dựng cơ sở vài năm nữa đã. Còn tao mai xuất phát về Việt Nam, gây cơ sở cá nhân, chỉ huy tổ hai người.
Rồi Điềm soạn ba-lô, chia bớt của nả cho Tiến:
- Cho mày thước ni-lông quàng tạm. Lấy cái phạ- xà-lùng tơ này. Ông cụ còn ở chỗ cũ hả? Ờ, để tao đến thăm mời ăn cưới.
- Phải đấy, về lấy vợ đi thôi Điềm ạ. Ngót ba mươi còn gì.
- Đùa thôi. Tao đã nói: Nhàn cư vi bất thiện tao mới lấy vợ. Con bé Bồng Sơn vẫn gửi thư cho tao mới kỳ khôi chứ. Ảnh nó đây, đen như cơm cháy. Nhưng bây giờ tao què cụt, chó nó lấy!
- Bi thế cơ à?
- Trò đời còn lạ gì cái ngữ con gái!
Một liên lạc viên đến gọi Linh và Tiến đi họp với liên chi ủy. Điềm mắc võng nằm đợi, rồi ngủ thiếp.
 
Một giọng nói hậm hực đánh thức anh dậy. Đêm đã khuya. Tiến ngồi buồn thiu trên võng. Sơn-Linh tay đút túi quần đang đi đi lại lại trước mặt Tiến. Cây cà-boong (đuốc dầu rái) cháy phần phật, soi rõ đôi lông mày sâu róm nhíu lại gần thành một đường ngang trên trán Linh.
- Tưởng cậu dễ bảo, lại hóa ra cậu khéo nịnh cấp trên!
Tiến ngẩng đầu uất ức: “Yêu cầu anh nhé!” rồi không biết nói gì thêm.
Cái mộng lớn nhất của Tiến đã vỡ tan.
Trong cuộc họp, đồng chí bí thư liên chi báo cáo nghị quyết của liên chi ủy: Tình hình Xây-thả-von cơ sở chính trị còn yếu và quá hẹp, cần phân tán B.8 đi giành dân. Linh choáng người, cãi lấy được. Tiến hỏi thêm mấy câu rồi ngồi lặng cả, trong đầu như có cái chong chóng quay tít. Sự thật sờ sờ trước mắt không chối cãi được. Với tình hình hiện nay, không thể giữ B.8 tập trung nữa. Bởi thế Tiến không lên tiếng phản đối tuy Linh mấy lần đưa mắt ra hiệu, một lúc một thêm cáu kỉnh. Rời hội nghị ra về, Linh không tiếc lời nhiếc móc Tiến.
Ngọn cà-boong cháy leo lét sắp lụi. Tiến nhặt que gạt tàn, đấu dịu với Linh:
- Anh Linh ạ, tình hình như thế phải phân tán trung đội chứ. Tập trung ai không muốn, nhưng...
- Nghe chúng nó nói thì đằng nào chả xuôi. Đ... mẹ! Muốn xé bộ đội thì bảo cơ sở non. Hứng tình muốn tập trung thì bảo cơ sở vững. Cậu cứ cúi đầu vâng dạ... Hừ, có thế mới chóng đề bạt!
Tức run người, Tiến đứng phắt dậy, hai tay nắm như búa tạ:
- Im ngay! Im!
Một bàn tay kéo Tiến lại. Điềm lặng lẽ nhìn Linh từ đầu đến chân, buông một câu mỉa mai xóc đến xương:
- Anh Sơn-Linh chỉ biết đánh giặc, chứ có làm nhiệm vụ quốc tế đâu mà mày cãi!
Cánh tay cụt ấn trên vai Tiến, bắt ngồi xuống võng:
- Thôi ngủ đi chú em. Thì ra mày xỏ tai bới tóc, tao mất tay khi đi cơ sở, là bởi chúng mình khéo nịnh cấp trên cả đấy!
Sơn Linh đứng sững, tắc họng không biết nói gì thêm.
... Sau năm ngày học tập nhiệm vụ mới, trung đội 8 chia thành từng tổ hai ba người, tiến lên các làng vùng Hàng-rào. Mặt trận It-xa-la huyện phái sang một số cán bộ và bộ đội Lào, phối hợp với tình nguyện quân trong công tác giành dân.
Tiến và Linh lại làm lành với nhau. Tuy chưa thật hết xung khắc với đồng chí đại đội phó, nhưng Tiến xử nhũn, đến nhận lỗi trước. Giữa cán bộ hục hặc nhau, anh em chiến sĩ người ta khinh. Vả lại Tiến rất sợ cái cảnh giữ miếng giữa hai người cộng tác với nhau. Ở chung với bất cứ một ai, Tiến cũng cần cởi mở tâm sự, chia xẻ vui buồn, cần trước hết một tình bạn chân thật và thắm thiết. Anh vui vẻ nhận sự phân công của Linh về gây cơ sở làng Na-bua, cùng đi với ông cụ Phun, phó chủ nhiệm It-xa-la huyện. Đúng cái làng đã bắn Điềm gẫy tay.
Trong nửa tháng, Tiến gửi về liên tiếp ba báo cáo khó khăn dồn dập. Bọn vũ trang vẫn canh gác, lùng rừng chung quanh Na-bua. Rơi vào ổ phục kích một lần, chúng bắn xuýt vỡ sọ. Nhân dân thấy hút cán bộ là bỏ chạy, nên chưa bắt được mối. Đề nghị cho một ít thuốc sốt.
Đọc báo cáo, Sơn-Linh nhếch cười một bên mép: “Đã ngửi mùi phân tán chưa?” Linh nằm dài trong trại bí mật của trung đội bộ, ngày ngày vác súng đi bắn công. Chán anh lại sai Rạng, liên lạc trung đội, ra làng mua gà lợn về làm thịt và đánh tiết canh. Tổ trinh sát mua giúp hàng tút thuốc lá cô-táp. Thỉnh thoảng Linh chỉ viết một báo cáo gửi về huyện, và xem như hết trách nhiệm.
Tiền túi vơi rất chóng. Linh hùn vốn với Rạng, gửi mua pa-lu-dờ-rin bên Thái-lan, về bán lẻ lãi gấp đôi. Anh còn gửi riêng nhân dân nuôi hộ bốn con lợn giống, nói là của bộ đội nuôi ăn thịt. Rạng giúp anh rất đắc lực trong những việc làm tiền ấy.
 
Chú thích:
 
(1)  Loại quầy, quần một ống của đàn ông Lào.