Lời dẫn

     hoảng hai nghìn năm trăm năm trước đây, tại nước Lỗ* xa xưa, xuất hiện một người thợ mộc kì tài, tên gọi Lỗ Ban. Ông tinh thông kiến trúc, được tôn là ông tổ của nghề mộc, sau này đã trở thành một trong những người đầu tiên được tôn sùng lên vị trí của thần linh. Thế nhưng rất ít người biết rằng, sau khi qua đời, ông đã để lại cho hậu thế một trước tác, đó là cuốn kì thư “Sách Lỗ Ban” (Lỗ Ban thư). Tương truyền, nội dung cuốn sách không viết về kiến trúc xây dựng, mà là cấu tứ của nhiều loại vũ khí, ám khí, cơ quan kì lạ, cùng thuật điều khiển trùng độc. Kì lạ hơn nữa, cuốn sách không hề chỉ ra phương pháp chế tạo cụ thể, mặt khác, tương truyền đi kèm với cuốn kì thư này là một lời nguyền đáng sợ: “Muốn học sách này, hoặc phải góa bụa, hoặc phải cô độc, hoặc phải tàn tật”…
* Nước Lỗ: Là một nước nhỏ tại Trung Quốc trong thời kì Xuân Thu Chiến Quốc, được thành lập vào khoảng năm 1043 tr. CN, là dòng dõi của vua nhà Chu. Đây chính là quê hương của Khổng Tử. Địa phận nước Lỗ chủ yếu nằm ở khu vực trung tâm và phía tây nam của tinh Sơn Đông, và một phần các tỉnh An Huy, Hà Nam, Giang Tô của Trung Quốc ngày nay.
Vào thời Xuân Thu Chiến Quốc, khi Sở Vương chinh phạt nước Tống, Lỗ Ban đã vâng lệnh Sở Vương, chế tạo ra chín loại vũ khí dùng để đánh thành. Nhưng sau đó, đã bị Mặc Địch – thủy tổ của Mặc gia, được phái tới giảng hòa – lần lượt vạch ra những khiếm khuyết trong đó. Về sau, Lỗ Ban lại sáng tạo nên chín loại biến hóa cho chín vũ khí công thành, khiến Mặc Địch đành phải bó tay không có cách nào phá giải. Song Lỗ Ban lại nói với ông rằng: “Trong cuộc so tài này, tôi xin chịu thua, vì chín biến hóa này đều do người khác chỉ điểm. Xin ông hãy theo tôi đến một nơi…”
Người mà Lỗ Ban vừa nhắc tới chính là một đạo sĩ có khả năng thấu hiểu thiên cơ, thường đi theo Lỗ Ban, tay cầm cây bút liên tục viết vẽ trong không trung, nhưng không bao giờ mở miệng nói một lời, dáng vẻ vô cùng kì quặc. Lỗ Ban vốn dĩ không quen biết đạo sĩ, nhưng vẫn đối đãi cung kính, thường mời đạo sĩ cùng tham dự những yến tiệc mừng công do gia chủ tổ chức. Đạo sĩ đã đi theo Lỗ Ban suốt ba năm, chúng đệ tử gọi ông là Bút Đạo Nhân.
Bút Đạo Nhân thấy hai người Lỗ, Mặc đã đến, bèn mời họ cùng ngồi trên một tảng đá lớn màu đen tuyền, rồi bắt đầu hé lộ với họ một thiên cơ…
Thì ra xưa kia, khi Đại Vũ* phân chia chín châu, xác định cương giới, do trong thiên hạ có tám huyệt nhãn cực hung**, phá vỡ phong thủy “Nhất nguyên đại thống,” dẫn đến chiến loạn liên miên, nhân dân đồ thán. Nếu muôn hóa giải hung cục phong thủy lớn nhất thiên cổ này, cần phải sử dụng tám cổ vật thần kì được truyền lại từ thời thượng cổ, tức bát bảo Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ, Thiên, Địa, Nhân, lần lượt trấn áp tại tám huyệt nhãn. Trước mắt, bên cạnh các hung huyệt tạm thời vẫn có các bảo địa phong thủy kiềm chế, chưa đến nỗi gây ra đại họa. Thế nhưng đến khi số Bát cực đã mãn***, nếu hung huyệt chưa được phong lại, thiên hạ sẽ gặp phải kiếp nạn cực lớn.
* Đại Vũ hay Vũ, Hạ Vũ là vị vua đầu tiên của nhà Hạ, triều đại phong kiến đầu tiên trong lịch sử Trung Quốc. Theo “Kinh Thư,” ông đã chia đất nước Trung Hoa thành chín châu.
** Tức là những vị trí đứt gãy xung yếu xuất hiện từ khi trời đất hình thành, tích tụ khí cực hung cực ác của thế gian, tạo thành cục thế hung hiểm cho toàn bộ lãnh thổ.
*** Những cổ vật mang linh khí thường là “trăm năm hưng, trăm năm bình, trăm năm ẩn,” ba trăm năm là một vòng luân hồi. Số Bát cực mãn là hai nghìn bốn trăm năm.
Thiên mệnh đã định, hai người Lỗ, Mặc cần phải đưa tám bảo vật trấn giữ tại những bảo địa phong thủy cực dương ở gần tám hung huyệt, để chúng hấp thu tinh hoa của đất trời, đợi đến hai nghìn bốn trăm năm sau, sẽ phải đem chúng thả xuống tám hung huyệt. Trước thời điểm đó, để tránh cho bảo vật bị mất mát, hai người Lỗ, Mặc cần phải vận dụng mọi kì công dị thuật để bố trí Kì môn Độn giáp*, cơ quan cạm bẫy** bảo vệ xung quanh tám bảo địa. Hậu duệ của họ phải đời đời kiếp kiếp tận tụy chức trách, và đảm bảo giữ bí mật tuyệt đối.
* Kì môn Độn giáp: Một trong những thuật số của người xưa, nếu giải thích một cách cụ thể, đây là một loạt những phương pháp bố trí trận pháp, cách cục, phối hợp với thiên thời, địa lợi, nhân hòa, lợi dụng những phản ứng tâm lí và sai lệch thị giác, khiến con người nhầm đường lạc lối, không xác định được phương hướng.
** Cơ quan cũng là một bộ phận tổ thành của Kì môn Độn giáp, tức là những cỗ máy, công cụ hay cạm bẫy tinh xảo do con người chế tạo ra, dùng để bắt giữ, kìm chân hoặc sát hại đối thủ. Chúng có hình thức rất đa dạng, ví dụ như xét về cơ chế hoạt động, có các loại điều khiển bằng sức người, bằng lẫy giẫm, lẫy cài, hẹn giờ…
Lỗ Ban, Mặc Địch đã tiếp nhận một sứ mệnh hết sức nặng nề và cơ mật, cũng có nghĩa là họ phải tiếp nhận một lời nguyền thiên cổ đeo đẳng hai gia tộc suốt mấy nghìn năm.
Hai nghìn bốn trăm năm sau, đã đến đầu thời Dân Quốc*. Hậu duệ đích tông duy nhất của dòng họ Lỗ là Lỗ Nhất Khí đã liên kết với các hậu duệ khác của hai dòng họ Lỗ – Mặc đang phân tán khắp nơi, bắt đầu cuộc hành trình phong huyệt. Và Lỗ Nhất Khí đã lần lần phát hiện ra rằng, kẻ thù nguy hiểm nhất của họ chính là một gia tộc hoàng gia, hậu duệ của Chu Nguyên Chương**. Thì ra xưa kia, khi Mặc gia tiến hành chôn giấu báu vật cuối cùng là Hỏa bảo, do nhân lực không đủ, đành phải nhờ người nhà họ Chu – một dòng họ đã có thành tích chém rồng lừng lẫy – giúp sức. Thế nhưng, do lòng tham trỗi dậy, người nhà họ Chu đã không chôn giấu bảo vật tại vị trí mà Mặc gia chỉ định, mà lén lút chiếm làm của riêng, về sau, chính nhờ báu vật đó mà họ Chu đã chiếm được thiên hạ.
* Dân Quốc: Tức chính quyền Trung Hoa Dân Quốc, thành lập năm 1912, thay thế triều đại phong kiến cuối cùng của Trung Quốc là triều Thanh.
** Chu Nguyên Chương (1328 – 1398) là vi vua khai quốc của triều Minh trong lịch sử Trung Quốc, còn gọi là Hồng Vũ Đế.
Ba trăm năm sau, thần lực của Hỏa bảo đã tận, họ Chu cũng trở thành kẻ thù chung của hai nhà Lỗ, Mặc. Cay cú vì không chiếm hữu được bảy bảo vật còn lại, họ Chu đã dùng vũ lực chiếm đoạt nhà tổ của họ Lỗ, những mong tìm kiêm được manh mối từ trong đó. Đồng thời, bọn họ còn bố trí người mai phục, theo dõi hành tung của Lỗ Nhất Khí, hi vọng mượn tay người nhà họ Lỗ để đoạt lấy bảo vật. Trong những trận đấu trí, đấu lực quyết liệt và cam go, ba dòng họ Lỗ, Mặc, Chu đều đã dốc hết sở trường của mình: họ Lỗ giỏi vận dụng cơ quan phòng thủ, họ Mặc giỏi binh pháp công chiến, họ Chu giỏi thuật điều khiển trùng độc, ma quỷ…
Một cuộc chiến thiên cổ đã nổ ra sau hơn hai nghìn năm nhen nhóm, tuy diễn ra âm thầm trong bóng tối, nhưng khốc liệt khôn lường…