- 2 -
Chồng

     ăm tôi mười bốn tuổi, thầy đẻ tôi cho tôi đi ở riêng. Tôi làm dâu họ Hà, ở làng Rừng, thuộc tỉnh Hải Dương.
Từ bên quê tôi, tức là làng Phượng Vĩ, đến Rùng, đường đi thật là nhiêu khê.
Ngày cưới tôi, họ nhà trai phải sang ngủ ở nhà gái đêm hôm trước. Sáng tinh sương hôm sau quan viên hai họ dậy ăn cỗ để khỏi hanh. Đám cưới đi tắt cánh đồng Phượng ước năm cây số mới ra đến đường cái, chỗ hàng Cây Đề.
Mười lăm cái xe sắt đã đón sẵn. Đó là tất cả xe ở vùng ấy. Đoàn xe ì ạch đi bước một, xe thì hai người, xe thì ba người, chừng đến hai giờ chiều, tới ngã tư Ngô Tùng. Đến đây, đám cưới chia làm hai bọn. Bọn đàn ông khỏe mạnh thì đi bộ, theo lối tắt nhỏ. Bọn ông già bà cả và cô dâu thì xuống thuyền. Thuyền chở quanh co theo dòng lạch, chừng nám giờ chiều tới bến Đoan. Từ Đoan về Rừng còn hai cây số nữa. Cô dâu còn phải đi thong thả lấy dáng, nên tới nhà trai vừa tối mịt, nghĩa là đến sau bọn đi bộ hai giờ đồng hồ.
Không hiểu trời xe duyên thế nào mà tôi lấy chồng xa thế được. Các ông bác, bà cô tôi đi đưa dâu, đều lắc đầu lè lưỡi:
- Không ngờ mất vừa đúng một ngày! Thôi, dử thính cũng cạch, chả dám sang chơi nhà chị Thuyết lần thứ hai nữa.
Thuyết là tên nhà tôi. Ông Bá chỉ được mình nhà tôi là trai. Vì thầy tôi là bạn học với ông Bá, sau lại làm Đô lại tỉnh Hải Dương, nên hai ông thân nhau, mới gả tôi cho nhà tôi.
Thầy tôi chỉ thích có rể là học trò, con nhà thanh bạch.
Nhà tôi hơn tôi ba tuổi, còn đương đi học. Ở làng cũng có ông khóa ngồi bảo đến mười lăm đứa trẻ, nhưng ông Bá không cho con đi học gần, sợ con một, ở gần cha mẹ, được nuông chiều quá sinh hư, nên gửi sang ông đồ làng Vàng, ở luôn nhà thầy, tháng tháng cho người gánh gạo đến.
Mãi hôm cưới, tôi mới thoáng biết mặt nhà tôi. Ngày dạm và ngày hỏi, tôi trốn vào trong buồng, đóng chặt cửa lại. Mà giá hôm cưới, nhà tôi đi đường không luôn luôn mặc áo thụng lam, có lẽ tôi không phân biệt được là chú rể.
Vợ chồng tôi thẹn nhau mất đến sáu tháng. Cứ để nguyên, dễ còn đến hàng năm hai người mới dám quen nhau. Tại một hôm nhà tôi đương ở bên Vàng, bỗng tôi thấy tự nhiên về, lại đến nhà đúng vào lúc mọi người vừa ra đồng. Vì vắng vẻ tôi mới dám hỏi. Và khi ấy cô tôi đến chơi, bắt gặp ngay lúc tôi đương cười với nhà tôi. Cô tôi reo lên, nói:
- À, ông bắt được rồi, thẹn nhau mãi đi!
Cô tôi khoe rầm lên là vợ chồng tôi bạo lắm. Thế là từ đó tôi hết ngượng nghịu.
Nguyên sau ngày cưới, nhà tôi định không đi học nữa, bị thầy tôi mắng cho một trận nên thân. Thầy tôi bảo:
- Mày đã có vợ, không cố học, để vợ mày nó cười cho.
Nhưng đẻ tôi bênh, bảo:
- Nhà con một, lấy vợ sớm cho nó cốt có cháu để bế, thế mà cưới chưa được bao ngày, thầy nó đã đuổi đi quầy quầy.
Nhưng thầy tôi cương quyết không nghe. Trước kia nhà tôi một năm chỉ được phép về có những ngày Tết, và hai kỳ giỗ ông nội bà nội. Nay vì đã có vợ, nên được về thêm hai lần nữa là ngày giỗ ông bà ngoại.
Song, lần này, vì là ngày dưng, Tết chẳng phải, giỗ cũng không, nên thầy tôi cau mặt, mắng:
- Tao cho mày đi học, là muốn cho mày khá, nếu mày lười biếng sau chỉ khổ thân. Nhà đã chả có gì, tiền bạc ruộng mương chẳng bằng ai, thì mày phải kiếm dăm ba chữ, đỗ đạt được là nhất, nếu không, cũng ngồi bảo học hoặc cắt được chén thuốc rồi làm tổng lý như tao để người ta đỡ bắt nạt.
Nhưng nhà tôi khóc, nằng nặc không nghe, thầy tôi hỏi thế nào cũng không nói rõ cớ tại sao bỏ học.
Đến lúc đẻ tôi dỗ dành, nhà tôi mới phụng phịu:
- Tại các anh ấy cứ chế là có vợ.
Song, đó chỉ là một lối nói đổ lỗi cho cha mẹ để nhà tôi che đậy tội mình. Thực ra, câu nhà tôi nói với tôi mới là cớ chính.
- Gớm, người ta nhớ nhớ là, chẳng thiết học hành gì cả.
Tôi thở dài khuyên nhủ:
- Anh nên chăm chỉ, để ngày sau đỗ đạt, làm quan vợ con được nhờ. Nếu anh cứ ở nhà, thì tôi buồn lắm.
Nhà tôi không đáp. Tôi nói:
- Rồi thầy đánh cho nữa đấy.
Nhà tôi lắc đầu:
- Không cần, tôi đã có vợ, thầy cho là lớn, không đánh đâu. Vả đẻ bênh chứ!
- Lớn thì thầy bảo nên nghe mới phải.
Nhà tôi cười:
- Nghe thầy để phải buồn khổ ấy à?
- Bao nhiêu người lấy vợ sớm, chả vẫn đi học là gì.
- Kệ người ta, chả lẽ cả nước này, ai cũng phải đi làm quan cả ư? Nhà ta còn mươi mẫu ruộng, chả cần làm gì cũng đủ ăn chán.
Thấy lời tôi không công hiệu, tôi thút thít khóc.
Nhà tôi nhất định bỏ học thực. Thầy tôi vót cái roi, định cho một trận, nhưng đẻ tôi giấu biệt đi và xin hộ con. Sau hết, thầy đẻ tôi đều mắng tôi là có chồng không biết khuyên, ngày sau có khổ thì mặc kệ.
Cái cớ thực của nhà tôi bỏ học, mải một tháng sau thầy tôi mới biết, khi sang chơi ông đồ Vàng lấy quần áo cho nhà tôi về.
Thì ra sau ngày cưới, nhà tôi càng lười biếng hơn trước. Và lại hư nữa. Nhà tôi sinh sự cãi nhau với tất cả các bạn. Rồi sau hết, dám cãi nhau cả với bà Đồ. Nhà tôi chỉ cốt ông Đồ không chứa nữa, nhắn thầy tôi sang mà đưa về. Song, ông Đồ vốn nể thầy tôi, chỉ mắng đánh nhà tôi qua loa, chứ không đuổi. Thấy làm bao nhiêu cách không công hiệu, nhà tôi mới xin ông Đồ về, nói dối rằng đẻ tôi yếu, nhắn sang xin phép.
Qua năm tôi mười bảy, tôi lại bắt đầu đi chợ, bán hàng xén. Nghề này là nghề của u tôi bên nhà. Ngày chưa ở riêng, tôi vẫn theo u tôi đi các chợ, và đã có một gánh hàng con con, vốn liếng độ mười lăm đồng bạc. Tôi về bên này, u tôi lấy lại gánh hàng, cho tôi hai chục, bảo để đặt lãi hoặc đong bán. Nhưng từ ngày ấy đến nay, tôi chưa làm gì, vẫn gởi đẻ tôi số tiền ấy.
Nay vì việc đồng áng tôi không biết, thường bị đẻ tôi mắng mỏ luôn, thỉnh thoảng nhiếc móc tôi thậm tệ, nên tôi muốn để đẻ tôi biết tôi không phải đồ ăn hại. Vả lại nhà tôi thôi học, cả ngày, hết nằm lại ngồi, tôi những ra trông thấy chồng, vào trông thấy chồng mà sốt ruột. Mà quanh năm chẳng làm gì, nên tôi buồn, mới ngỏ ý muốn buôn với thầy đẻ tôi.
Thầy tôi bảo:
- Được, tùy chị tao không cấm.
Đẻ tôi bán thóc, trả tôi món tiền trước, lại cho thêm tôi ba chục nữa. Vì vậy, tôi đã có gánh hàng coi được, và tôi đi các chợ Đống, chợ Tuần, chợ Phương Lan.
Năm mười tám, tôi có mang, sinh con trai. Thầy đẻ tôi vui mừng lắm, mổ lợn ăn khao. Nhưng được ba tháng, tôi bỏ cháu.
Năm mười chín, tôi lại đẻ đứa nữa, cũng con trai. Lần này được có ba hôm.
Thầy đẻ tôi buồn và giận lắm, lấy chàm đổ vào mặt thằng bé để đánh dấu, cho nó khỏi lộn về. Nhất là đẻ tôi, thình thoảng lại đay nghiến tôi, bảo tôi ăn ở thất đức thế nào, nên không con nào nó chịu ở.
Tôi khổ tâm quá, chỉ dám khóc thầm. Mà ra đường trông thấy người ta có con có cái lại xấu hổ. Nhà tôi chẳng biết thương tôi, lại còn rầy nít và dọa:
- Nếu số hữu sinh vô dưỡng thế, thì tôi phải lấy vợ lẽ.
Đẻ tôi không cho tôi đi chợ nữa, đổ tại mệt nhọc. Thầy tôi mời thầy cúng, lập bàn thờ bắt tà.
Nám sau, tôi lại có mang, cả nhà bắt tôi phải gìn giử cẩn thận. Đến lúc nghe tin tôi xổ, mà lại con trai, thầy tôi nghiến răng:
- Vô phúc quá! Lại những đốt trước nó lộn về rồi!
Nhà tôi mặt đỏ ngầu, phăm phăm cầm con dao phay đập vào thành giường, toan chém chết thằng bé.
Đẻ tôi bốc đũa để lấy giờ, nói rằng cũng sạch.
Thầy tôi đến nhờ ông khóa bấm số tử vi cho cháu. Lúc về, thầy tôi có vẻ yên tâm, thì thào với nhà tôi:
- Số nó tốt ngang với số ông Lê Lợi.
Rồi đẻ tôi bắt cả nhà gọi cháu là cái đĩ, xâu lỗ tai cho cháu, và thân hành đi xin cái vạt áo the của cụ Nhất để may cho cháu cái quần thâm. Tôi xin đặt tên cho cháu, thầy tôi gạt đi:
- Không cần tên với tuổi vội, nhờ trời nó lớn, lúc nào đặt tên cũng được.
Nhưng ba tháng sau, thằng bé lên cơn sài rồi nó đi.
Tôi lại bị đay nghiến, bị rầy rựt và lần này, không phải tôi bị dọa nữa. Đẻ tôi bảo giữa mặt tôi:
- Thế nào nó cũng phải lấy vợ lẽ.
Tôi vừa buồn vừa lo, thôi thì làm đủ cấp. Tôi đi kêu hết các đền các phủ thiêng có tiếng. Tôi đội bát nhang ở đền Mẫu và đi cầu tự ở chùa Hương. Thầy tôi xem bói, thấy bảo động mộ ông tam đại, phải cất ngay đi, không từ giờ đến cuối năm còn có cái tang nữa.
Song tháng tám năm ấy, nhà tôi vẫn lấy vợ lẽ, một người ở làng dưới, hai mươi lăm tuổi, góa chồng, và đã sinh ba lượt đều nuôi được.
Đẻ tôi hả hê lắm:
- Nhà hiếm, phải kén người mắn thế mới phải.
Thầy đẻ tôi bắt tôi phải gọi người vợ lẽ là dì, xưng là chị, cấm không được ghen tuông, làm ầm cửa ầm nhà. Những nghe ý tứ câu nói, tôi không thể nào cầm được nước mắt.
- Nghĩa là số chị phải thế, nhà ai con độc chả mong được cháu đàn. Thế mà chị sinh đến ba lượt không nuôi được, thì tất chồng phải lấy vợ lẽ, chị nên chịu, chị đừng oán than ai. Nhà này từ nay có điều tiếng gì, là chỉ tại chị không khéo ăn khéo ở.
Vốn là con nhà đồng áng, nên gì Hai hợp với đẻ tôi quá. Có công việc gì, chỉ hai người bàn bạc với nhau. Thầy đẻ tôi chiều hắn quá... Hắn hơi nhức đầu xổ mũi, cũng chạy cuống lên tìm thầy hỏi thuốc. Thôi thì quý hóa hết sức, thầy đẻ tôi chả nói nặng hắn một câu nào.
Nhà tôi lại ăn ở rất thiên. Cái gì cũng bênh vợ lẽ và soi mói vợ cả.
Bị hắt hủi, tôi khổ tâm lắm, song, biết than thở với ai?
Đối với dì Hai, tôi ăn ở hết sức ra người kẻ cả. Tôi dung thứ các lỗi nhỏ nhặt. Có điều gì hắn không phải lắm, tôi mới ôn tồn khuyên bảo để bận sau mà tránh.
Trước mặt bố mẹ chồng và chồng, tôi vẫn che đậy cho hắn và khen hắn là ngoan ngoãn.
Vậy mà hắn xúc xiểm nhà tôi. Và một đôi khi hắn ghen cả với tôi.
Giá tôi không phải là người tốt nhịn, có lẽ nhiều phen đánh nhau to rồi.
Người làng thường mách tôi là hắn kể xấu tôi luôn. Có bà bảo:
- Chả phải tay tôi, tôi thì làm cho tan hoang. Mà bác trai, chả biết ăn phải bùa phải bả nó thế nào mà tin yêu nó thế!
Có bà xui:
- Cứ đánh tan xác nó ra sợ gì. Mình là vợ cái con cột kia mà, người ta bỏ làm sao được. Cứ nhịn thế, không trách tưởng hay, nó lên câu mãi.
Có bà cau mặt trách:
- Gớm, tôi nghe mà tức tức là, bác chả làm ra ngô ra khoai thì người ta cười cho là đần, nó làm gì cũng phải chịu.
Sự thực, tôi muốn gia đình êm ấm. Có êm ấm mới thịnh vượng. Vả vợ cả vợ lẽ có chuyện với nhau, chỉ khổ người chồng. Tôi thương nhà tôi, tôi muốn tránh cho nhà tôi khỏi khổ. Tôi chịu được khổ, nên dù có trút khổ sang nhà tôi, tôi chả được đỡ nào, lại còn làm thêm một người khổ.
Tôi lại được đi chợ, cả nhà không ai giữ, vì không trông mong gì tôi nuôi được con nữa.
Tôi âm thầm đau đớn, sổng như một người thừa.

 

Nhưng cuối năm sau, tôi lại sinh con trai.
Cả nhà chán nản không ai thèm hỏi han săn sóc đến thằng bé. Thầy tôi lắc đầu, thở dài:
- Tao tưởng thành tâm lễ bái thế là yên, ai ngờ giống ma quái nó lại lộn về.
Nhà tôi không thèm bước chân vào buồng, đứng bên kia vách, giao hẹn:
- Lần này mà chết, ông quyết lấy dao vằm mặt ra mới đem chôn.
Đẻ tôi khóc, bỏ nhà đi đến ba hôm. Tuy vậy, bà cũng đến đền Mẫu xin thẻ và xem số.
Nhưng mừng rỡ nhất nhà là dì Hai. Hắn hỏi thăm bà đỡ:
- Nó có giống thằng bé trước không, bà?
Bà đỡ gật. Nó hớn hở:
- Thôi, ngữ ấy bền ra được sáu tháng. Người như thế, có bao giờ đẻ mà nuôi được.
Một hôm, tôi bảo nhà tôi:
- Thầy nó đặt tên cho con đi.
Nhà tôi cau mặt:
- Tên với tuổi gì, sắm cho nó cái hòm, kẻo lúc nó giở chứng lại không kịp.
Đẻ tôi gắt:
- Tao đặt tên nó là thằng Mù, vì cả ngày nó nhắm nghiền hai mắt như xẩm.
Thấy mẹ chồng đặt cái tên chế giễu, dì Hai đắc chí, cố ý cho là thật, cứ gọi tên thằng bé là Mù.
Nghe chướng tai, có một lần tôi dặn:
- Dì gọi cháu là Mùi, đừng gọi là Mù mà tủi cháu, tủi tôi.
Hắn không đáp, vùng vằng ra ngoài:
- Đẻ gọi nó là Mù, thì tôi cũng gọi, chứ Mùi gì, biết là mùi thơm hay mùi thối.
Trong lúc máu non, tôi chịu nhịn, chỉ ôm con, thở dài.
Thằng Mùi hay ăn chóng lớn, bốn tháng biết lẫy, hơn tám tháng biết bò, rồi đầy tuổi tôi, biết chững.
Vậy mà thầy đẻ tôi và nhà tôi chưa tin nó. Thầy tôi gọi nó là “của nợ”, không mấy khi nhìn mặt nó. Nhà tôi chưa bế nó lần nào. Chỉ thỉnh thoảng đẻ tôi đùa với nó, nhưng không bao giờ gọi nó là cháu và xưng là bà.
Dì Hai hậm hực vì mãi không có mang.
Hắn hay dày vò nhà tôi lắm. Một hôm hắn cố ý nói to cho tôi nghe thấy:
- Anh không thực bụng yêu thương tôi, nên tôi chẳng đẻ đái gì. Chị cả chị ấy trẻ hơn tôi, đẹp hơn tôi, lại là con nhà gia giáo, nên bây giờ thấy thằng Mù lớn, anh ghẻ lạnh tôi. Tôi chỉ mong nó sống mãi để anh thương chị ấy mãi.
Lộn tiết, tôi mời thầy đẻ tôi lại, nhắc câu nói để phân bua, rồi hỏi:
- Này, dì Hai, có mặt ông bà và thầy nó đây, từ ngày dì về nhà này, tôi không hề xúc xiểm một câu nào về dì? Thế mà dì mong cho con tôi chết, dì tệ lắm!
Hắn sừng sộ:
- Cứ thế đấy!
Đẻ tôi quát:
- Cái Cả, im mồm đi!
- Bà đừng bênh dì ấy, bà thử nghĩ xem ai phải ai trái. Con đẻ ra thằng Mùi, nó là cháu ông cháu bà, thế mà dì ấy ăn nói càn như vậy.
Thầy tôi cau mặt:
- Thôi, cả hai đứa không được nói gì nữa.
Hắn đáp:
- Tức thì nói chơi đấy.
Nhà tôi kéo tay hắn ra ngoài cửa, hắn hất một cái, rồi xông vào tôi:
- Mày muốn giết bà thì mày cứ giết đi xem nào.
Tôi không thể nhịn, cũng xông vào. thầy tôi vặt đầu vặt tai, gọi:
- Thuyết, mày có can hai đứa đi không?
Đẻ tôi đay:
- Thôi, tôi lạy cả hai bà, làng nước người ta chửi vào mặt bây giờ.
Nhưng chúng tôi đã đánh nhau rồi. Tôi ôm ghì được hắn. Hắn dằn cánh tay và lôi tóc tôi. Tôi xé áo hắn, và dằn đầu hắn xuống. Hắn chửi tôi. Tôi giơ tay vả đánh bốp vào miệng.
Nhà tôi ôm lấy tôi. Đẻ tôi giằng hắn ra, và kêu rầm làng nước. Song, chúng tôi không bớt hung hăng. Tôi vật được hắn xuống. Hắn xé quần áo tôi soàn soạt.
Mãi đến khi đông người vào can, chúng tôi mới buông nhau ra. Nhưng hắn già mồm, cứ réo tên tôi lên mà chửi:
- Ghê gớm, sao mà lăng loàn thế.
Bà phó Tịnh trách hắn thế, hắn tru tréo lên:
- Không phải lăng loàn, đây không thèm lăng loàn với cái mặt ấy, đây chỉ đánh một trận cho biết tay thôi.
Nhiều người can ngăn hắn, hắn mới chịu im. Rồi hắn giả cách ốm để làm nũng. Hắn nằm rên vừa mười hôm.
Tôi nghĩ lại, lại hối. Thành thử thầy đẻ tôi rẻ rúng tôi hơn nữa. Và tôi với hắn, tuy hai người giận nhau, không ai nói với ai một lời, nhưng thỉnh thoảng hắn trông thấy tôi bế con, lại vùng vằng, đá thúng búng nia, nói cạnh nói khóe. Tôi giả ngây giả dại, mặc kệ.
Từ hôm trong gia đình xảy ra chuyện ấy, bữa nào đầy tớ cũng thổi ba nồi cơm riêng: muốn tỏ ý không thiên vị ai, thầy đẻ tôi ăn riêng một mâm; tôi riêng một mâm; hắn riêng một mâm với nhà tôi.
Nhà tôi bị hắn ton hót, nên ghét tôi lắm, nhiều lúc bỗng không mắng gắt tôi, chuyện bé xé ra to. Có lần nhà tôi đánh tôi, chỉ vì tôi để thằng Mùi khóc, làm hắn mất giấc ngủ.
Nhưng tôi cứ chịu nhịn hết.
Tôi lấy con làm vui, lấy buôn bán làm khuây khỏa.
Thầy tôi về năm trước, đẻ tôi về năm sau.
Muốn trong nhà có sự đầm ấm, tôi làm lành với dì Hai trước. Mấy vợ chồng con cái lại ăn chung một nồi.
Tôi ái ngại cho hắn lắm, vì ở cữ hai lần đều không nuôi được, lần trước con gái, lần sau con trai.
Nhưng hắn không hiểu bụng tốt của tôi. Hắn vản hằn học, và tuy bằng mặt mà chẳng bằng lòng.
Hắn ghét nhất thằng Mùi. Nó hơi lầm lỗi một tí, là hắn mách nhà tôi và xui đánh nó. Hắn bảo:
- Nếu không, chị ấy chiều nó, rồi thế nào ngày sau cũng hư.
Tôi rõ bụng thâm độc của hắn lắm. Bao giờ hắn cũng muốn trêu cho tôi tức. Nhưng càng thấy tôi như không, hắn càng căm. Vì vậy lúc nào hắn cũng hậm hực.
Người cư xử như thế, không bao giờ được vui.
Đã một lần, tôi nhủ hắn:
- Bây giờ trong nhà này, nhất thì thầy nó, nhì đến tôi, ba đến dì. Ta nên thực bụng cùng nhau, đừng nên ăn ở để người ngoài cười.
Hắn đáp:
- Nếu em có điều gì không nên không phải, chị cứ bảo thực.
- Không, là nói chuyện thế; tôi không muốn cho chị em phải giữ kẽ nhau, rồi những việc nhỏ nhặt cũng để bụng, ơ với nhau như thế, mất cả vui đi.
Song, bề ngoài nói thế, mà bề trong, hắn vẫn tai quái, soi mói tôi từng tí để kể với nhà tôi.
Cái gì hắn cũng làm trái tôi.
Mua mớ rau, con cá chẳng hạn, tôi khen rẻ, thì hắn chê đắt; mà tôi chê đắt, thì hắn khen rẻ. Việc to cũng thế. Sắp đến ngày giỗ, tôi ngỏ ý nên làm thế này, nhưng hắn bàn nên làm thế khác. Rút cuộc, nhà tôi lại nghe hắn, vì hắn ăn nói rất khôn ngoan. Nếu lỡ ra, theo hắn có việc hỏng, thì hắn đổ tại cớ nọ, cớ kia.
Tai hại nhất là thấy tôi can ngăn nhà tôi đừng đàn đúm với mấy người bạn nghiện và cờ bạc, hắn càng xui nhà tôi chơi bời. Hắn viện lý:
- Hút thuốc phiện, nay một điếu, mai một điếu, thì nghiện thế nào được.
Hoặc:
- Làm người đàn ông, cũng nên có bạn, biết chơi bời để giao thiệp với người nọ người kia.
Vì vậy nhà tôi bằng lòng hắn lắm, thường khen:
- Dì Hai nó biết điều hơn u thằng Mùi.
Cho nên nhà tôi đam mê, không ai can nổi, và vẫn lấy vợ bé về bè. Ông bà tôi mất đi, nhà tôi là chủ, nên không nể, không sợ ai hết.
Thấy một độ nhà tôi thua bạc nhiều quá, tôi hết lời can ngăn, thì nhà tôi tức, vùng vằng:
- Tao thua, tao đã ngửa tay xin mày chưa?
Tôi càng ôn tồn:
- Nhưng rồi thầy nó đâm nợ, hoặc cầm bán đi hết.
Nhà tôi bĩu môi:
- Đời nào, đây cũng khôn chán!
Nhưng chẳng bao lâu, năm sào ruộng về tay bà phó Tròn thật. Nhà tôi nói dối bán đi để tậu vườn, nhưng dù có tậu vườn cũng thừa ngót một trăm bạc. Vậy món tiền này chui vào lỗ nào.
Thấy cảnh đồi bại đến trước mắt, tôi khóc, van nhà tôi đừng chơi bời, không những nhà tôi không nghe, còn oán tôi và phàn nàn với người ngoài:
- Ruộng của ông bà tôi để lại, tôi có quyền bán, chứ tôi có tiêu vào vốn liếng nó đồng nào mà nó nói nổi.
Tôi chán ngán, bảo dì Hai hợp sức khuyên nhà tôi, nhưng hắn cứ ừ hữ.
Sau, có một việc làm tôi rõ tâm địa gian ác của hắn.
Buổi chiều hôm ấy, đi chợ về, tôi thấy váng vất, không muốn ăn cơm.
Hắn vào buồng thăm tôi, sờ trán tôi rồi chép miệng, than thở:
- Khổ, chợ với búa, đầu nóng đáo để đây mà. Tôi nấu cháo cho chị ăn, rồi trùm chăn kín cho ra mồ hôi nhé.
Thấy hắn tử tế, tôi vui vẻ, tuy không đói, nhưng chiều ý:
- Vâng, nể dì, tôi cô ăn cho dì bằng lòng, chứ bụng tôi đầy lắm.
Hắn dỗ thằng Mùi:
- Mùi ra ngoài mà chơi, để u nằm nghỉ, chốc nữa dì cho ăn cháo.
Tôi mỉm cười:
- Dì bảo, Mùi nghe dì, chóng ngoan.
Đầu trống hai, hắn vào buồng tôi, tay cầm đèn Hoa Kỳ, tay bưng khay, trên đặt hai bát cháo khói ngùn ngụt, một bát lớn, một bát bé. Hắn hỏi:
- Chị thức hay ngủ?
Tôi ngồi nhổm dậy:
- Đã xong cháo rồi à? Chóng nhỉ.
Và tuy trông không rõ, tôi cũng khen:
- Sánh đấy, trông ngon quá. Dì xơi với tôi một bát.
Hắn lắc đầu:
- Tôi vô phép, hãy còn no. Chị xơi bát to này, bát bé cho thằng Mùi.
Rồi hắn gọi:
- Mùi ơi!
Thằng Mùi đã ngủ ở nhà ngoài. Hắn nói:
- Để tôi gọi nó dậy.
Tôi sợ phiền hắn, vội vàng đáp:
- Thôi, nó ngủ đừng đánh thức nó nữa.
Nhưng hắn không nghe:
- Đã hẹn nó, nên cho nó ăn, kẻo tội nghiệp.
Thấy hắn săn sóc, tôi mừng thầm. Trong khi hắn ra ngoài gọi thằng Mùi, tôi ghé mắt nhìn hai bát cháo xem có thực ngon không. Tự nhiên, tôi thấy ở bát cháo nhỏ, xông lên một mùi hăng hăng. Tôi hơi ngợ, cô ngửi xem là mùi gì, rồi giơ gần đèn để soi, thấy trên mặt nước loang loáng như mờ. Tôi nghi, cố nhìn kỹ, thấy cháo hơi đen. Tôi giật mình, nghĩ ngay đến sự chẳng lành sẽ xảy ra cho thằng Mùi, nếu nó ăn phải.
Tôi run lên, gọi nhà tôi thất thanh.
Lúc ấy hắn biết cơ mưu bại lộ, vội vàng chạy vào, mặt hầm hầm, hắt cả hai bát cháo xuống đất, và sinh sự:
- Tôi hầu chị, tôi hầu con chị, là vì tôi tử tế với chị, chứ mặt chị sai nổi tôi phải không. Chị không thèm ăn, thì tôi đổ cho chó.
Tôi đáp:
- Tôi cảm ơn dì lắm, nhưng tại tôi thấy cháo hơi đen đen và có vẩn sao lên, nên tôi gọi thầy nó vào xem, chứ có hề gì.
- Thế là chị nghi tôi, tôi làm gì mà chị nghi tôi.
- Dì nóng nảy quá, tôi có nói gì đâu mà dì bảo tôi nghi.
Vừa dứt lời, tôi thấy mặt hắn xám xanh, vì hắn trông thấy con vện liếm hết sạch chỗ cháo đổ dưới đất.
Hắn tru tréo lên:
- Chị tai ngược lắm, chị định đổ tội gì cho tôi.
Tôi lắc đầu:
- Tôi mệt lắm, thôi dì nên chín bỏ làm mười. Thầy nó bảo dì Hai hộ tôi.
Nhà tôi vì ngái ngủ, muốn cho xong chuyện, lôi hắn ra ngoài:
- Thôi, tôi xin.
Hắn lăn lộn trên phản, nói tôi không còn thiếu một câu gì. Rồi hắn bảo nhà tôi:
- Tôi ăn ở đầy đặn, nhưng người ta không ăn ở đầy đặn lại, thì tôi ở đây làm gì. Người ta nghi tôi cho người ta ăn thuốc độc à? Thế thì chắc người ta định cho tôi ăn thuốc độc, nên mới suy bụng ta ra bụng người như thế chứ?
Tôi kệ hắn nói. Rồi mai, con chó nó thế nào, sẽ rõ bụng hẳn hoi của hắn.
Hắn khóc với chồng tôi:
- Thế này tôi không ở được đây lâu đâu. Rồi thế nào người ta cũng báo thù tôi.
Nhà tôi gắt:
- Việc gì mà báo thù?
- Đấy, rồi mà xem. Tôi khổ vì nỗi không con không cái. Người ta có con trai, người ta lại là cả, nên người ta dễ khinh tôi.
Rồi hắn khóc ông bà tôi, hắn thắp hương lễ ở bàn thờ, và sắm sửa thúng mủng đồ đạc:
- Tôi ở đây cũng khổ một đời, thà có đường có nẻo thì bước ngay từ giờ, hóa lại rảnh.
Nhà tôi can mãi không được. Hắn bảo:
- Có người ấy thì đừng có tôi, mà có tôi thì đừng có người ấy. Anh lấy tôi, vì tưởng người ấy không có con. Nay người ấy đã có con, anh cho tôi về nhà tôi.
Nói đoạn, hắn vùng vằng ra cửa. Nhà tôi giữ lại thế nào cũng không nổi.
Bực mình, nhà tôi vào giường tôi lôi tôi dậy, cà khịa với tôi, đổ tội cho tôi, rồi đánh tôi một trận.
Tôi bầm gan tím ruột, thổn thức khóc. Nhà tôi năm ngoài nhà, chửi tôi nham nhảm.
Ngay canh ba đêm ấy, tôi nghe thấy con chó rít lên, rồi hăng hặc ho. Tôi trở dậy, cầm đèn soi, thì ra nó muốn nôn không được. Tôi gọi nhà tôi dậy cho nhà tôi xem; rồi run cầm cập trỏ tay:
- Thì chả thuốc độc là gì. Thằng Mùi ăn có chết oan không.
Nhà tôi kinh hãi, xích con Vện lại. Đến đầu canh tư, nó rống lên một hồi rồi lăn đùng ra.
Hú vía! Thằng Mùi thoát chết. Đã ghê chưa? Ra hắn tàn ác đến nỗi lập tâm giết thằng bé!
Tôi bảo nhà tôi gọi lân bang sang để lấy chứng cớ, kêu quan làm tội hắn.
Từ đó đến sáng, tôi không dám ngủ nữa. Tôi giật mình thon thót. Tôi bàn bạc với nhà tôi việc đi kiện. Nhà tôi thở dài, ứa nước mắt ra.
Tôi biết nhà tôi thương hắn lắm. Tôi nói:
- Phải cho nó ngồi tù mới đáng tội ác của nó. Rồi nó còn phản tôi, phản con tôi.
Nhà tôi buồn rầu, đáp:
- Nó đi rồi, có đâu đây nữa, mà phản với ghế!
- Đấy nhé, thầy nó xem, thế mà nó còn nỏ mồm. Thầy nó tin nó vừa vừa chứ, kẻo có ngày tai hại về nó. Tôi biết nó còn thù tôi. Không khéo nó thuê người giết tôi.
Hôm sau, nhà tôi can tôi, nhất định không cho tôi đem nó lên quan.
Bất đắc dĩ tôi phải nghe, và muốn cho mẹ con sống yên ổn, tôi phải giữ mình. Tránh voi tôi không sợ xấu mặt.
Tôi với thằng Mùi về lánh ở Phượng Vĩ. Nhà tôi chắc là giận tôi, không sang đưa ma mẹ vợ.
Nhưng đến tháng hai năm sau, giỗ ông nội cháu bên Rừng, tôi cũng cứ về như thường.
Chồng giận thì vợ làm lành, tôi nghĩ vậy.
Nhưng nào tôi có được vào đến trong nhà. Thầy nó thấy tôi, phăm phăm cầm gậy đuổi mẹ con tôi đi, quát:
- Bước ngay, ông không cần đổ bạc bẽo!
Tôi sợ hãi, trống ngực thình thình. Thằng Mùi khóc lên. Trong khi ấy, thoáng tôi trông thấy con giết người ở dưới bếp.
Tôi hiểu ý. Nhà tôi đã gọi hắn về, và do thế, không muốn cho tôi giáp mặt hắn, sợ xảy ra việc lôi thôi.
Nhà tôi chửi tôi tàn nhẫn, rồi mở đẫy, vứt cả đồ lễ tôi mua xuống cống:
- Ông không nhận mày là người nhà này nữa. Bước về Phượng kia. Muốn bỏ ông, ông bỏ cho mà xem. Mẹ con mày còn đứng đấy, ông đánh sặc tiết!
Tôi khóc lóc, van lạy, cứ lăn xả vào. Nhà tôi du một cái, tôi ngã lăn xuống rãnh, rồi đóng ập cổng gài then.
Tôi ngồi dậy, đẩy cửa, và nằn nì:
- Nào tôi có tội lỗi gì, thầy nó nỡ tệ thế này.
Ở trong, nhà tôi nói ra:
- Mày lắm tội lắm, nghĩ ra thì biết.
- Tôi có biết gì đâu.
- Mày định vu oan cho nó. Mày tai ác lắm. Con bất nhân kia ạ. Suýt nữa nó vào tù, thì mày muốn cho nhà tao bại hoại đến mấy đời. Mày định giết hai mạng!
Tôi không hiểu nhà tôi muốn nói gì. Hẳn con kia đã phân trần khéo đến nỗi nhà tôi lại tin nó. Lạ thật, chính mắt trông thấy con chó trúng độc chết, thế mà bây giờ nhà tôi còn bênh nó để đuổi tôi!
Tôi xin:
- Thầy nó mở cửa cho tôi được vào lễ ông, rồi muốn đuổi tôi đi đâu, tôi đi ngay.
Nhưng không có tiếng đáp.
Bác Nhiêu Hiền đứng đó từ lâu, rõ câu chuyện, nhìn tôi, lắc đầu:
- Thôi, bác ngồi chờ đó vô ích. Bác Hai có mang, bác ấy cần gì đến bác.
Rồi bác Nhiêu kể:
- Bác về bên Phượng độ nửa tháng, thì bác ấy gọi bác Hai về. Mà bác ạ, không khéo thì hết. Ruộng bán nhiều lắm rồi. Cả hai người cùng cờ bạc, nên núi của cũng chẳng còn.
Tôi giật mình:
- Thế à!
Rồi rưng rức lên khóc:
- Bác có kế gì cho tôi vào nhà được không?
Bác Nhiêu lắc đầu:
- Vào thì vào được, nhưng tôi chỉ sợ bác ốm đòn. Bác nên về Phượng cứ yên tâm mà làm ăn. Lúc nào thong thả sang chơi, tôi khuyên bảo bác ấy cho.
- Vâng, nhờ bác can ngăn thế nào, chứ nhà tôi tin con kia, rồi có ngày đến sạch sành sanh mất.
- Tôi đã nói nhiều lần lắm rồi, bác ấy giận cả tôi, nhưng giận tôi thì làm gì! Này, giá không có nhiều người nói, dễ thường nghiện rồi đấy.
Tôi thở dài, buồn phiền đem con về Phượng.

*

Hai năm sau, một hôm vào tháng Sáu. Ở chợ về, tôi thấy thằng Mùi đứng đón từ đầu ngõ, vui vẻ mách:
- Thầy, u ạ.
Tôi ngạc nhiên hỏi:
- Thầy gì?
- Thầy nhà ta ấy mà, thầy đã sang.
Nghe tiếng tôi, nhà tôi chạy ra cửa, và vồn vã hỏi thăm tôi buôn bán thế nào.
Tôi lấy làm lạ, không biết vì sao bây giờ đối với tôi nhà tôi lại khác hẳn như thế. Thấy chồng làm lành, tôi vụt quên cả chuyện cũ, tươi cười như thường.
Cơm xong, tôi bảo nhà tôi đến chơi các chỗ họ hàng, kẻo nhiều người lâu không gặp, vẫn hỏi thăm luôn.
Đêm hôm ấy, nhà tôi đánh thức tôi dậy, nói thực rằng cần tiền ra thuế.
Tôi đưa ngay một chục bạc, đưa một cách vui vẻ, chớ không hỏi han lôi thôi xem tiền bạc thóc lúa ở nhà đâu. Bởi vì nhà tôi đã cất công sang đây, nào đường đi có gần gụi, để xin tôi, chắc là một việc bất đắc dĩ. Đằng nào tôi cũng phải đưa, không có thì đi vay, cho nên thà rằng vui vẻ còn hơn bắt nhà tôi tủi thân vì đồng tiền.
Nhưng nhà tôi cũng thú thực với tôi hết các tội lỗi về chơi bời, nói rằng chỉ còn ngót mẫu ruộng! Tôi không ngờ hết chóng đến thế, nhà tôi rơm rớm nước mắt, hối hận vì đã cả nghe vợ lẽ và ăn ở tệ bạc với tôi. Nhà tôi thác rằng sở dĩ ngày nọ đuổi tôi là do lúc ấy đang say rượu, vừa chửi vợ lẽ một trận, nên chẳng may tôi bị lây.
Tôi đành tin là thực. Tôi hỏi thăm dì Hai ở cữ bao giờ, nhà tôi buồn rầu, lắc đầu:
- Có mang tháng đếch nào mà ở cữ. Trước kia nó nói dối là to bụng, tôi cả tin, mới gọi nó về. Nhưng đẻ đái gì hạng bạc ác bất nhân ấy. Bây giờ tôi ghét như chó, muốn tống cổ nó đi.
Tôi lại đành tin là thực, cũng khuyên nhà tôi chớ làm thế mà mang tiếng. Rồi nhà tôi bảo:
- Thấy tôi sang đây, nó cũng nằng nặc đòi sang. Sau tôi gắt lên nó mới chịu ở lại. Nó biết hối lắm rồi, nên định sang để lễ sống u nó hai lễ. Tôi bảo: Mày mà sang Phượng, u thằng Mùi nó cấm cửa và chửi cho ủng mồ.
Tôi cười:
- Thế thì khá đấy, nhưng ai lại đánh kẻ chạy lại bao giờ!
Hôm sau, nhà tôi về, tôi đưa thêm nám đồng nữa:
- Tôi cho dì Hai, để dì ấy nuôi con lợn con gà làm vốn.
Tôi và thằng Mùi tiễn nhà tôi ra tận đầu làng. Nhà tôi bịn rịn mãi mới đi dứt.
Tháng Bảy, nhà tôi lại sang Phượng.
Lại chờ đến khuya, nhà tôi mới nói chuyện nhà cửa, phục tôi những là ăn ở khéo, biết chiều chồng, biết đứng đắn với vợ lẽ. Rồi kết cục, nhà tôi hỏi:
- U nó có tiền cho tôi mười đồng?
Thấy tôi nín lặng, nhà tôi nói:
- Nếu không có, tôi đến phải bán hết ruộng đi mất.
Tôi đáp:
- Tôi buôn bán, lời lãi ít, có tiền đâu mà thầy nó lấy luôn thế.
Nhà tôi dỗ:
- Thì đằng nào u nó chả phải nuôi tôi.
- Đành vậy, nhưng mỗi tháng hết từng ấy tiền à? Lần trước đã mười lăm đồng.
- Đã cho con Hai năm đồng, còn tôi án đường và ra thuê hết cả.
Tôi trợn mắt:
- Hết cả?
Nhà tôi bĩu môi, nhại:
- Hết cả! Lại không bằng hai từng ấy cũng vừa ấy à?
Tôi cau mặt:
- Thầy nó chỉ chết về cờ bạc. Tôi đã bảo chừa đi mà. Tôi tưởng cứ như lời tháng trước thầy nó nói với tôi thì ra vẻ hối hận lắm, tưởng không đời nào bước chân vào đám bạc.
Nhà tôi im. Tôi thở dài:
- Tôi khổ vì thầy nó.
Đoán rằng tôi không đưa tiền, nhà tôi vùng vằng:
- Thua thì phải gỡ, ai chả mong được, biết đâu lại thua vào.
Tôi khóc. Nhà tôi cau mặt, níu chặt cánh tay tôi mà lay:
- Thế u nó có tiền cho tôi hay không, cứ bảo thực.
- Tôi không có.
Tức thì nhà tôi nổi nóng, chửi ngay tôi, chửi khẽ, vì sợ người nọ người kia biết. Rồi nhà tôi đập tay xuống phản:
- Ông cũng khổ với mày, ông cũng biết làm thân đàn ông nhờ vợ là nhục. Ông không cần, ông về, ông bán quách nhà đi.
Tôi lau mắt:
- Thôi, tôi xin thầy nó, của ông bà để lại, thầy nó chỉ còn giữ được có thế, nếu thầy nó bán nốt, người ta cười cho thối óc.
- Đứa nào cười hở mười cái răng, đây túng thì đây bán. Đây bán rồi đây đi xiêu.
Bất đắc dĩ, tôi phải đưa nhà tôi bảy đồng. Chỉ thu xếp được có ngần ấy, tôi đưa cả. Tức thì nhà tôi vui vẻ ngay. Tôi bàn:
- Hay thầy nó sang bên này với tôi. Có một mình tôi ở nhà ngang, cậu mợ Cả đi vắng suốt ngày, nhiều lúc thấy vắng vẻ quá!
Nhà tôi lắc đầu:
- Ở dăm ba hôm thì được, chứ ở luôn coi sao tiện. Vả lại còn con Hai nữa.
- Sang cả đây. Tôi kiếm việc cho mà làm. Tôi giúp vốn đi chợ. Thầy nó làm cái vườn cái dược, rồi cấy rẽ ruộng của cậu mợ Cả.
Nghĩ một lát, nhà tôi đáp:
- Nhưng ở bên này buồn lắm.
- Ở đây vui đấy, rồi quen đi chứ. Họ hàng bên này đông, ở quây quần quanh đây, lúc nào rỗi thầy nó chạy đi chạy lại các nhà chơi cho vui.
Song, nhà tôi khăng khăng từ chối:
- Không, có nhà có cửa, có quê có hương, tôi ở đây sợ người ta nói.
Thế cũng phải. Sở dĩ tôi muốn nhà tôi ở bên này, là để xa lánh các bạn hữu tai hại, tập làm ăn chăm chỉ, và để tôi ngăn cản khỏi chơi bời. Có một điều tôi rất lấy làm lạ, là lần trước cũng như lần này, nhà tôi không hề bảo tôi về Rừng buôn bán. Hẳn ý không cho hai vợ ở chung với nhau mà nhà tôi không muốn rời vợ lẽ. Vợ cả đi xa, để mình được tự do ở với vợ lẽ, đàn ông nào không ước mong thế.
Đến tháng Chín, nhà tôi lại sang, nói rằng lần này định ở hẳn Phượng với tôi.
Tôi đoán đó là sự vạn bất đắc dĩ, hẳn nhà tôi đã điêu đứng thế nào đây.
Quả nhiên, ngót mẫu ruộng và sào vườn ở sau nhà đã về tay người khác rồi.
Tuy tôi ngao ngán, nhưng cũng mừng, vì từ nay, hẳn nhà tôi xa lánh được chỗ chơi dại.
Nửa tháng đầu, nhà tôi đi chơi chỗ họ hàng, rồi một hôm, sau vụ gặt, nhà tôi bảo tôi:
- Tôi chả làm gì thì buồn, nên muốn nói với cậu Cả để tôi mấy sào ruộng gần trồng khoai tây.
Tôi bằng lòng ngay, bèn thuê người làm đất. Và đến khi ruộng thành luống, nhà tôi nói:
- U nó đưa tôi mấy đồng mua khoai giống.
Tôi cởi túi, lấy ra hai tờ giấy bạc, dặn:
- Ở làng trên, nhà ông Phó Ý có khoai tốt lắm. Thầy nó hãy mua ngần ấy, rồi có muốn làm nữa sẽ lấy thêm.
Sáng hôm sau, tôi đi chợ, rất vui vẻ, nhà tôi lên Sủng mua khoai.
Độ đến trưa, bỗng tôi thấy thằng Mùi đi qua, ngơ ngác nhìn để tìm. Tôi chột dạ, gọi:
- Mùi!
Thằng bé quay lại mừng rỡ:
- U!
Tôi ôm lấy nó. Nó thấp, lại đội nón đàn bà, trông như cái nấm, đến buồn cười. Tôi hỏi:
- Mùi đi đâu?
- Mợ Cả bảo u có tiền, cho mợ giật ba đồng.
Tôi cau mặt:
- Gớm, mợ mày to gan thật, dám sai mày ra chợ một mình, ai đưa mày đi mà biết lối?
- Con đi một mình, mợ dặn đường.
- Thế mà không lạc cũng phúc thực.
- Mày cứ về, chiều tao đưa mợ cũng được.
- Mợ bảo u đưa ngay, mợ cần.
- Nhưng không biết mày mang về có được không đây, hay kẻ cắp nó giật mất.
Nó giơ thắt lưng ra:
- Mợ dặn u buộc vào đây, con nắm vào trong tay, không mất được.
Tôi mở dày lưng thằng Mùi, gói tiền vào, thắt nút lại, rồi cho vào trong quần thằng bé. Tôi đưa nó ra khỏi chợ, trỏ đường. Nó gật:
- Con nhớ rồi.
Nhưng mà tai ác quá, chẳng phải mợ cả mợ lẽ nào giật tiền của tôi, chính là thầy thằng Mùi nói dối và sai nó đi như thế. Mà sao nhà tôi liều, dám bắt thằng bé đi xa, đến một nơi nó chưa biết bao giờ. May tôi trông thấy, không thì nó lạc. Và cũng hú vía làm sao, không có đứa nó dỗ đi.
Tôi về đến nhà, thằng Mùi thích chí, cười để chế nhạo:
- U phải lừa rồi, ban nãy thầy bảo con đi lấy tiền, nói dối vay cho mợ Cả đấy chứ.
Tôi gắt nó rầm rĩ, đánh nó một trận. Nó khóc, nó van:
- Lạy u, vì thầy bảo nếu lấy không được, thầy đánh chết.
Tôi thương hại thằng bé bao nhiêu, lại giận nhà tôi bấy nhiêu.
Đến tối nhà tôi về; khoai cũng chẳng có, mà tiền cũng hết. Tôi hỏi, nhà tôi nhăn răng ra cười.
Tôi nghiến răng, tế cho một trận. Thế là nhà tôi giận, vớ ô, vớ áo, bỏ đi.
Cậu Cả nó sợ nhà tôi trách, sang tận Rừng tìm để mời về. Song không gặp.
Được mười hôm, nhà tôi lại trở về Phượng. Yừa bước chân vào nhà đã càu nhàu:
- Biết thế, hôm nọ được hai chục thì cứ ở nhà hóa khôn. Chỉ tại u nó làm tôi bực mình, nên mới lại đi như thế.
Rồi tiếc của, nhà tôi gắt tôi, gắt thằng Mùi, chán thì nằm thẳng cẳng trên giường, vắt tay lên trán, thở dài như người sắp chết. Rồi không hiểu đã thức bao nhiêu lâu, nhà tôi ngủ luôn một giấc vừa một ngày một đêm.
Thế là câu chuyện làm khoai xếp xó. Tôi không tin nhà tôi về tiền nong nữa.
Tán tỉnh không ăn thua, nhà tôi xoay tiền của tôi bằng cách khác.
Hơn một tháng trời, ngày nào tôi cũng thấy nhà tôi đi chơi. Mà không hiểu tiền ở đâu ra. Thỉnh thoảng nhà tôi ngủ, xu hào trong túi áo rơi vung vãi cả ra chiếu. Tôi chắc tiền trước còn thừa, nhà tôi giấu tôi. Tôi nhặt, giấu biệt đi, nhưng khi thức dậy, nhà tôi nhớ đúng không thiếu một đồng, đòi cho kỳ hết.
Thì vỡ chuyện ra, nhà tôi đã đi vay cào vay cấu vung vít lên, chỗ năm ba hào, chỗ một hai đồng. Mà hỏi, nhà tôi cũng bảo mượn cho tôi, lấy tiền buôn thêm.
Tôi tức quá, đập phá cả ấm chén. Tôi dọa:
- Mặc kệ, ai vay thì người ấy trả.
Nhà tôi hừ một tiếng, đáp:
- Vay cho ai thì người ấy trả. Người ta cứ đứa có tóc, chứ ai cứ thằng đầu trọc.
Tôi tru lên:
- Khổ thân tôi, tai hại thế đấy!
- Ai bảo không dặn trước, để người ta cứ tin tôi!
- Bây giờ người ta tin vạn!
- Bây giờ tôi chả thèm vay nữa!
Quả nhiên nhà tôi chẳng thèm vay thực. Nhà tôi lấy tiền của tôi bằng cách khác, mới hơn. Là lừa khi tôi ngủ say, nhà tôi lần túi tiền của tôi cấy ở đầu giường. Trước hết, tôi còn nghi đầy tớ. Rồi mất đến lần thứ hai, tôi đoán chắc chỉ nhà tôi.
Nhà tôi vùng vằng, trợn mắt mắng:
- Đừng láo, ông thèm ăn cắp à? Ông kiết thật, nhưng ông không đến nỗi chó má thế.
Rồi giơ tay tát tôi.
Tôi biết lỗi, van xin mãi nhà tôi mới nguôi giận.
Nhưng lần thứ ba, tôi bắt được quả tang cái tay đang móc xuống dưới chiếu. Tôi nắm lấy, kêu:
- Trộm! Trộm!
Nhà tôi bịt ngay miệng tôi lại, vội vàng nói thầm:
- Im! Tôi đây mà.
Thế là nhà tôi nín thin thít, nghe tôi đay nghiến, chỉ thở dài. Tôi bảo:
- Thôi, còn lời lãi nào vào cái bát cái đĩa cho kịp. Thế này thì tôi buôn bán làm gì, kiếm không đủ phá!
Nhà tôi dỗ:
- Thôi, đừng làm rầm lên, rồi cậu mợ Cả nghe tiếng, xấu chàng hổ ai.
Tôi khóc lóc:
- Tôi đến phải đi chỗ nào thì đi thôi. Tôi còn có đồng ra đồng vào, thầy nó còn hư, bất nhược tôi thu xếp hàng họ lại.
Nhà tôi lạy van tôi.
Nhưng chứng nào vẫn tật ấy. Thấy tôi giấu tiền kỹ quá, nhà tôi bèn lấy nồi, mâm đi cầm.
Đến khi trong nhà không còn gì đáng giá để đem đi làm tiền được, nhà tôi bắt đầu ăn cắp hàng của tôi.
Cũng như trước, nhà tôi đổ cho tôi mất ở ngoài chợ. Nhưng đến lần bắt được quả tang hai cỗ tổ tôm còn nguyên dây gói thu trong áo, tôi giận quá, không cần giữ sĩ diện, tôi làm rầm lên.
Nhà tôi xấu hổ, đánh tôi một trận để đỡ tức, mặc dầu tôi có mang sắp tới ngày ở cữ.
Từ hôm ấy, tôi phải đem gánh hàng lên buồng cậu mợ nó.
Thấy hết cách làm tiền, nhà tôi nằm khàn một dạo, và cứ sồn sồn đòi về Rừng.
Thấy tôi can ngăn, nhà tôi càng đòi:
- Ở đây mà không có tiền tiêu, thà về ở với vợ bé cũng thế.
Tôi mặc kệ, nhất định không đưa cho một xu.
Nhà tôi càng đòi về. Sau hết, bực mình, tôi đáp:
- Tùy thầy nó, tôi chả giữ nổi nữa thì thôi.
Từ đó nhà tôi không đòi đi đâu nữa.
Rồi cùng kế nhà tôi xoay đến họ hàng.
Trước hết, nhà tôi lấy chiếc độc bình thờ trên cậu Cả. Được cậu mợ nó tốt bụng, không kêu ca, lẳng lặng đi chuộc về.
Rồi đến nhà chú tư Toàn là em rể, mất cái ô mới.
Rồi đến nhà bác Cán mất cái áo the.
Rồi nhà tôi động đến chơi nhà ai, người ta mắt trước mắt sau, canh như canh trộm.
Sau hết, nhà thím Bút mất cái đồng hồ quả lắc. Thím ấy tai ngược, đến tận cổng réo, dọa không trả, sẽ chửi rong làng.
Nhà tôi sợ tôi biết, chạy ra van lạy xin đền.
Nhưng thím ta không để yên, vào kể chuyện cho tôi nghe.
Tôi mới ngã ngửa. Thì ra chồng tôi vẫn dùng những kế rất đê nhục để kiếm tiền.
Tôi đứt từng khúc ruột. Tôi đêm ngày khóc lóc, không dám vác mặt ra đến chợ nữa. Không thể chịu được nhục nhã, tôi thu hàng lại, trở về Rừng với thằng Mùi.
Mặc kệ nhà tôi muốn đi đâu thì đi.
Về đến quê chồng, thấy nhà xiêu vách nát mà tôi chán cảnh.
Tôi thuê người rào lại giậu, chữa chạy cửa nhà, rồi lại tính công cuộc làm ăn.
Nghề của tôi là nghề bán hàng xén, nên tôi không thể rời được đôi bồ. Cho nên nghỉ ngơi vài hôm, tôi bắt đầu đi chợ.
Vợ lẽ nhà tôi đã về ở nhà hắn từ năm nhà tôi sang Phượng. Tôi định đến chơi, nhưng hỏi thăm, thấy nó hư lắm. Nó nhân tình nhàn ngãi với bất cứ người nào có dăm ba hào, và hiện có mang không nhớ rằng với ai.
Năm hôm sau, nhà tôi cũng về Rừng.
Lần này thì tiều tụy quá. Chỉ còn cái quần cháo lòng, và không biết cái áo cánh nâu mượn của ai, mà vừa rách vừa ngắn cũn cỡn. Không hiểu giày, ô, áo the, khăn lượt, cùng quần áo thay đổi, nhà tôi đã đem đi xó nào rồi.
Trông thấy chồng, tôi đau lòng quá.
Việc đầu tiên của nhà tôi làm, là xuống thăm vợ lẽ. Nhưng chừng thấy nó có mang, nên chán rồi, về cứ nằm thở dài một mình.
Việc thứ hai là nã tiền của tôi. Tôi không đưa thì dỗ khéo. Dỗ khéo không được thì chửi, và đánh.
Việc thứ ba là đến chơi các bạn cũ để gạ gẫm. Nhưng không ai mắc. nên về lại đánh vợ chửi vợ.
Thì ra thân tôi là thân tội. Tôi sống để chịu khổ, chịu nhục. Tôi sống để khi người ta không lấy được tiền thì đào bới xới trộn ông bà ông vải tôi lên.
Thà tôi chết, chết đế được sung sướng.
Tôi vẫn nghe nói nhân ngôn là vị thuốc độc mạnh, bèn mua về. Nhung đến khi sắp uống, tôi nhác trông thấy thằng Mùi đang thui thủi đánh khăng một mình ở sân. Tôi chạnh thương nó, bỗng nước mắt ràn rụa. Tôi hắt chén thuốc độc đi, gọi nó vào, ôm lấy nó:
- Mùi ơi, tao còn khổ là vì còn có mày.
Thằng bé không hiểu, ngây nhìn tôi, và dòm dòm cái chén còn tí cặn. Nó hỏi:
- U làm gì thế?
Tôi lau mặt:
- Không, u thương con đấy mà.
Chiều hôm ấy, không biết nhà tôi đi uống rượu ở đâu về, mặt đỏ gay, hầm hầm chạy xuống bếp, xỉa xói tôi mà chửi.
Hẳn nhà tôi uất ức vì mấy lần liền nã tiền không được, nên nhân lúc say rượu hăng máu, mới báo thù.
Nhà tôi giở lý sự rất ngộ nghĩnh để nhiếc móc:
- Mày đừng hợm, mày tưởng mày làm giàu cho nhà này phải không? Mày phải biết cưới mày, bố mẹ tao tốn kém tiền trăm bạc chục. Rồi từ ngày có mày, nhà này hóa xúi quẩy, bao nhiêu ruộng nương phải cầm bán đi hết. Người ta nuôi con chó, con mèo, có khi phát tài về chó mèo, chứ lấy người để nhà lụn bại à?
Tôi chẳng nói chẳng rằng, hơi đâu cãi lại người mất trí. Thà nhịn cho êm cửa êm nhà, lỡ nói câu nào nhà tôi tức, lại thượng cẳng chân, hạ cẳng tay, chỉ thiệt thân. Tôi đã nếm đòn nhiều lắm rồi, nên rất sợ. Vả nhịn chồng, có xấu hổ gì. Người ta giận dữ, nếu để mãi trong lòng thì còn hậm hực. Được nói ra, thì hả, lại khoan khoái ngay. Cho nên tôi mặc nhà tôi, nói cho sướng miệng. Sao chả có lúc mệt.
Song, ngờ đâu, ý nhà tôi định thế khác. Nhà tôi muốn gây sự đánh tôi, nên chỉ mong tôi cãi. Thấy tôi không cãi, nhà tôi càng tức già:
- Tao nói mày không bắt lời, thói phép nhà ai thế?
Rồi xông ngay vào túm tóc tôi, giật tôi ngã sấp mặt xuống đất, và cứ mạng mỡ đạp mãi.
Tôi đau, nhưng nhất định không kêu. Tôi sợ hàng xóm đổ sang can, rồi tai tiếng rầm làng. Bởi thế, nhà tôi càng đánh, đánh nhiều đến nỗi tôi đau quá, lúc muốn kêu cũng không ra tiếng được. Thấy tôi như sắp tắt thở, nhà tôi mới ngừng tay.
Tôi nằm dưới đất, tưởng giá cứ thế mà được chết, thì sung sướng biết bao.
Nhưng nào có chết được. Không biết được bao lâu, tự nhiên tôi thấy văng vẳng bên tai có tiếng nhoe nhoe trẻ khóc. Mà tôi chỉ nghe thấy có tiếng ấy. Tôi bàng hoàng ngồi nhổm dậy. Thì ra trời đã tối. Thằng Mùi con khóc. Tôi mới sinh nó được ngót một tháng. Khốn nạn, nó đói, không biết nó đòi bú từ bao giờ. Tôi cô đứng dậy, lên nhà bê con. Được bú thằng bé hầm hập miệng vào vú, mút chùn chụt. Thương hại nó quá.
Tôi sực nhớ đến thằng Mùi. Không biết nó đâu, và có đói không, sao không thấy nó chơi quanh đây. Tôi gọi:
- Mùi ơi!
Không có tiếng trả lời. Tôi lo quá. Tôi đặt em nó đang bú dở xuống giường, ra nhà ngoài tìm. Hay nó đói quá nằm lả ra đâu ngủ rồi. Ban chiều, tôi ở chợ về, có mua được tấm chả rất ngon lành, định để vợ chồng con cái cùng ăn. Ngờ đâu, lúc đang thổi cơm, thì xảy ra chuyện. Thành cơm thổi bỏ dở. Thôi được, tôi nhịn đói đã đành, chứ thằng Mũi đã làm gì nên tội mà cũng phải chịu khổ với mẹ.
Thằng Mùi-con bú dở miệng, bị rứt vú ra, khóc thất thanh. Kệ nó, tôi đánh diêm châm đèn soi, nhưng không thấy con đâu. Mà nhà tôi lúc ấy đã lẩn đằng nào rồi.
Tôi chột dạ, tìm gánh hàng, thì mẹ ơi, một chục bánh xà phòng và một hòm lơ đã biến mất.
Còn có ai khổ hơn tôi nữa không. Tôi choáng cả người, vừa giận chồng, vừa lo không biết con đâu.
Trời thực độc địa! Làm sao có người ham sống thì bỗng lăn đùng ra chết, mà có người muốn chết như tôi, lại cứ phải sống mãi, hở trời!
Thôi, con đói mặc con, tôi lên giường nằm định cắn lười tự tử. Kệ cho bố con nó nuôi nhau. Nhưng nghe tiếng thằng bé khóc xa xả, tôi lại không cầm lòng đậu. Trời có cho tôi đi đâu. Số tôi phải sống, tôi đành chịu khổ vậy. Tôi ngồi dậy, đến bê thằng Mùi-con, ru nó ngủ.
May quá, vừa lúc đó, bóng thằng Mùi thấp thoáng ở ngoài bực cửa.
Tôi đỡ lo, hỏi:
- Mùi đấy à?
- Vâng.
- Có đói không?
- Không, con ăn cơm rồi.
- Ăn ở đâu?
- Bên bác nhiêu Hiền.
Tôi vẫy nó:
- Mùi vào đây u bảo.
Thằng Mùi trèo qua bực cửa, ngoan ngoãn đứng cạnh tôi. Tôi sờ bụng nó. Nó nắm lấy tay em nó, âu yếm hít một cái.
Trông thấy chúng nó, tôi bỗng quên hết mọi sự. Tôi ôm thằng Mùi vào lòng, hỏi:
- Mùi có yêu em bé không?
- Có.
- Mùi có yêu thầy không?
- Có.
- Mùi yêu thầy hơn hay yêu u hơn?
- Yêu bằng nhau.
Tôi mỉm cười, thở dài. Nó nhìn tôi, rồi trỏ vào trán tôi, cười khanh khách:
- U bôi hề đấy à? Than dính vào mặt u nhiều quá.
Tôi sờ lên trán thấy đau đau. Tôi lấy gương ra soi, thì ra trên mặt tôi, có ba bốn vết tím bầm. Thằng Mùi vản thích chí:
- U rửa mặt, không có người ta cười cho đấy.
Tôi lắc đầu:
- U không rửa, rửa không sạch.
Thằng bé kiễng chân lên, ghé mắt vào tận nơi. Tuy ánh đèn hoa kỳ không sáng lắm, nhưng nó cũng nom rõ:
- Sao mặt u sưng lên thế?
Tôi nắm tay nó:
- Thầy vừa đánh u đấy.
Thằng Mùi im lặng, nhìn tôi chòng chọc. Hai mắt ngây thơ của nó làm tôi dào dạt cả lòng. Tõỉ khóc. Nó cũng khóc.
Giữa lúc ấy, có tiếng xôn xao ngoài cổng và nhà tôi nói vào.
Tôi dơ không buồn nhìn ra.
Nhà tôi gọi một cách hách dịch:
- Mùi, bảo u mày đưa mấy hào đây, tao mua thuốc, không có lại khổ bây giờ.
Thằng Mùi ghé vào tai tôi, nói thầm:
- Thầy có khách, thầy mang bàn đèn vẻ, u ạ.
Tôi giận đầy hơi, trở dậy, lật hòn gạch, lấy cuộn giấy ba chục bạc giắt kỹ trong thắt lưng, rồi nói to:
- Tiền đâu mà có.
- Không có thì có đường có nẻo thì bước, bước! Đây ông không chứa.
Lấy nê có người nọ người kia, hễ nhà tôi hành hung với tôi, tất họ phải can, tôi cãi:
- Bước thì bước, càng đỡ khổ. Nhưng tôi không ăn tàn phá hại, không có phép đuổi tôi bước.
Bất đồ nhà tôi hung hăng, sấn vào tôi:
- Hễ không có tiền cho ông, ông đuổi bước cả ba mẹ con thật đấy.
Tôi vội bế thằng Mùi-con đứng dậy, chạy. Nhà tôi đuổi theo. Tôi ra sân. Thằng Mùi vừa khóc vừa van lạy thầy nó. Nhà tôi đuổi tôi. Tôi ra cổng. Thằng Mùi cũng theo. Khi ba mẹ con đến ngoài đường, nhà tôi đứng ở trong trỏ vào mặt tôi, nói:
- Có đường có nẻo thì bước, ông cấm cửa.
Đoạn đóng ập cổng lại.
Trong lúc bực chí, tôi quay gót, tay bồng, tay dắt, cứ thế ra đi. Tôi đi đâu?
Nào tôi đã định?
Tôi cứ biết chân bước đến đâu thì đi đến đấy.
Thoạt tiên, tôi tính vào nhà ông Phó Lược ngủ nhờ. Song, sợ ông bà ấy hỏi han, phải nói chuyện thêm phiền, tôi lại thôi.
Tôi đi thẳng, đến đầu làng lúc nào không biết.
- Mùi có mỏi chân không?
- Còn lâu.
- Tối thế này con có sợ không?
- Sợ gì đã có u mà.
Thế là tôi lại đi.
Trời tối đen như mực. Chỉ hơi rõ vệt lối đi trắng. Đom đóm lập lòe bay. Tôi không biết định đi đâu, và đến bao giờ. Tôi quên cảsợ. Gió hây hây làm tôi nhẹ nhõm. Tôi ước mong giá đời cứ được thế này, có lẽ sung sướng lắm.
Bỗng thằng Mùi, vấp một cái, suýt ngã.
Tôi dừng lại, giắt chặt món tiền, rồi cởi áo ra, lấy vạt cả buộc cái địu để đèo thằng Mùi-con sau lưng. Tôi nắm hai cánh tay thằng Mùi:
- U bê một tí cho đỡ mỏi.
- Không, con đi, thích cơ.
Được một lát, có hai cái bóng người đen đen cầm gậy tiến lại trước mặt tôi. Chắc là hai người đàn ông lực lưỡng. Tôi sợ rụng rời. Hai người nhìn tận mặt tôi, rồi một người hỏi:
- Mợ Thuyết đấy à?
Nhận ra tiếng anh Tín tuần làng, tôi mới yên tâm:
- Phải, hai anh đi rong đấy à?
- Đêm hôm, mợ đi đâu thế?
Tôi bối rối không đáp. Anh Tín cười:
- Chừng cậu ấy cho một trận, mợ giận thân chứ gì!
- Anh đừng nói với nhà tôi là gặp tôi nhé.
- Nhưng mợ đi đâu mới được chứ?
- Tôi đi đâu thì cũng mai mới về. Đường sá độ này có yên không anh?
- Làm gì mà chả yên.
- Vậy chào hai anh nhé.
Hai người tuần về phía làng, họ vừa đi vừa nói chuyện tôi. Tôi tò mò đứng nghe, rồi thở dài. Tôi nhìn bốn bên trời tối tăm mù mịt. Tôi đâm sợ. Trở về chăng? Không khi nào tôi chịu nhục ngay thế được. Bất nhược cứ nhắm mắt đưa chân, rồi nó muốn ra sao thì ra. Tôi kể chuyện Tấm Cám cho thằng Mùi nghe để nó quên mệt. Thấy thằng bé bị tôi lừa dối, tôi thương hại quá.
Một lát, tôi đến đường xe lửa. Tôi đứng dừng lại, đắn đo xem nên đi về phía Hà Nội hay về phía tỉnh? Tỉnh hay Hà Nội cũng thế thôi, tôi không có người quen. Âu là tôi cứ theo đường sắt, đến ga nào sẽ có nhà trọ ở ga ấy.
Bỗng một cơn dông ở đâu kéo đến. Chớp lòe loang loáng. Trời đã đen lại càng đen. Gió thổi bạt cả hơi. Tôi run lên. Rành hai đứa con phải chết về cảm mất. Tôi không biết ở đâu có chỗ trú mà tìm vào. Giá đi một mình, tôi đã cắm cổ chạy, song, khốn nỗi còn thằng Mùi.
Gió đã bắt đầu đổi ra lạnh. Tôi biết mưa sắp tới. Tôi ứa nước mắt, bế thằng Mùi để đi nhanh. Nhưng được một lát, thì chân tay mỏi rời. Thằng bé sợ chớp xanh lè, nép chặt vào vai tôi. Vài hạt mưa to đã rơi lộp độp xuống rồi mưa rào rào thì may làm sao tôi vừa tới một cái điếm gạch.
Mẹ con trú chân ở đó. Tôi cho thằng Mùi-con bú, và trải cái áo xuống đất cho thằng Mùi nằm. Nhưng nào có được năm yên. Mưa như trút nước. Trong điếm bị dột tứ tung. Ngồi chỗ nào cũng không tránh khỏi ướt. Mãi sau, nhờ ánh sáng chớp lòe, tôi thấy một góc đất khô, để mẹ con được yên. Thằng Mùi vừa nằm đã ngủ. Tôi ngồi tựa lưng vào tường, bóp chân bóp tay.
Mưa vẫn cứ rào rào. Mà nước mắt tôi ràn rụa. Tôi tưởng như nước mắt của tôi còn nhiều hơn nước mưa của trời.
Độ nửa giờ, bỗng một cái gì lù lù đen tiến đến trước điếm. Trống ngực tôi thình thình. Tôi nhịn thở. Chớp loáng, tôi hoàn hồn, vì đã nom rõ đó là một cái xe.
Người phu xe mở áo tơi cho người trong chạy ra. Tôi nép vào tường, không dám cựa. Nhận dáng điệu người đàn ông trong chỗ tối tăm, tôi càng không lên tiếng. Tôi đoán người đó là lương thiện, song không biết ai bắt mà đi trong lúc mưa gió này?
Hai người nói chuyện cùng nhau:
- Liệu có lỡ tàu không?
- May thì không lỡ, mọi khi sang canh hai lâu mới nghe thấy tiếng còi.
Rồi người ngồi xe phàn nàn:
- Giá nghe ông ấy, sáng mai mình hãy đi cho đỡ vất vả thì không.
- Vâng, thưa cụ sáng mai bảy giờ đã có một chuyến.
- Nhưng mà ở lâu thì nóng ruột, tưởng đi đêm cho mát mẻ, chứ ai ngờ.
Tôi đoán chắc hẳn người khách phải già.
Tự nhiên một tiếng sét, làm tôi giật nẩy mình. Thằng Mùi đang ngủ say, khóc thét lên, tôi vội đè chặt lấy ngực nó.
- Có người, mày ạ.
- Vâng, mọi khi vẫn có mẹ con đứa ăn xin ngủ ở đây.
Người đi xe quay lại phía tôi. Rồi nhân cái chớp lòe, hẳn đã trông rõ quần áo tôi, biết không phải đứa ăn xin, mới hỏi:
- Ai đó?
Tôi khẽ đáp:
- Tôi.
- Đi đâu mà đêm hôm mẹ con ngồi đây?
Tôi sợ hãi đáp:
- Thưa cụ, mẹ con cháu ra ga ạ.
Tôi nói liều vậy cho đỡ lúng túng. Thì người ấy bảo người phu xe:
- À, đi bộ, người ta còn trú ở đây kia mà.
- Vâng, thưa cụ, cháu đã trình cụ là cứ vào đây nghỉ một tí, thế nào cũng kịp tàu.
- Mẹ con nhà chị về đâu?
Đến câu này, thật tôi không biết đáp thế nào. Tôi có nhớ giờ này tàu về đâu đâu, song tôi cũng trả lời cho xuôi:
- Cháu lên vài ga trên ạ.
- À, thế cũng đi chuyến với tôi.
Trời ngớt mưa.
Người phu xe nói:
- Mời cụ đi thì vừa.
Người khách lên xe. Anh xe gài áo tơi, nhấc càng, rồi nói:
- Nào nhà chị kia có lên ga, thì cùng đứng dậy một thể, kẻo đàn bà đêm hôm đi thế nào được một mình.
Tôi từ chối:
- Còn hai thằng bé con ngủ, đánh thức thế nào được đây!
Người ngồi xe ái ngại:
- Rõ khổ. Hay là cho hai đứa lên cả đây, tôi giữ hộ cho.
- Đa tạ cụ, cháu chả dám phiền cụ.
Người phu xe mắng:
- Dở hơi vừa chứ, cụ thương cho phép thế, chả có mẹ con ngủ đêm giữa đồng này à!
Tôi sực nhớ ra. Hay là theo ông cụ lên ga vậy. Chẳng đi tàu thì ngủ trọ ở đó ai cấm, vả lỡ người phu xe biết tôi ở đây, rồi trở lại làm càn thì khốn.
Ông cụ giục lẩn nữa, tôi mới bế anh em thằng Mùi đưa ông cụ, rồi chạy theo xe.
Sức tôi yếu, chạy không quen, nên được một quãng thì mệt lử. Song tôi không dám đi chậm. Tôi sợ nếu đến ga muộn giờ tàu, ông cụ sẽ để hai con tôi ở đâu. Mà nếu ông cụ vì lúng túng có hai đứa, phải chịu lỡ tàu để giao trả tôi, thì tôi làm phiền ông.
Tôi đành ôm chặt bụng, nhăn mặt lại mà chạy.
Chẳng mấy chốc, tôi đã tới hàng rào găng, và mấy ngọn đèn đo đỏ các hàng nước đã hiện ra trước mặt. Sắp đến nơi rồi.
Tôi cố một mạch nữa thôi.
Xe đỗ ở thềm nhà ga. Tôi không phải chạy nữa. Song vừa đứng lại, tôi hoa cả mắt, chồn cả cẳng, tối tăm cả mặt mũi. Suýt tôi ngã. Tôi thở hổn hển và ho sù sụ. Ông cụ trao lại hai cháu và quay vào trong ga. Nhân ánh đèn buồng bán vé chiếu ra, tôi nhận thấy người ấy chưa già. Gọi là cụ khí quá. Mặt mũi ông ta ra dáng người tử tế. Trả tiền xe xong ông cũng nhìn tôi. Tôi vờ cúi mặt cho thằng Mùi-con bú. Nhưng thằng bé khóc ngặt nghẹo. Tôi day mãi vú, nhưng chỉ ra được một tí sữa.
Ông ta hỏi:
- Nhà chị đi tàu đến nơi rồi về đâu?
- Thưa cháu ở ngay phố ga ạ.
Thằng bé khóc xa xả, tôi dỗ mãi không nín. Thằng Mùi cũng khóc. Ông cụ - tôi gọi quen miệng - nhanh nhẩu, mở va-li lấy chiếc bánh đưa cho nó.
Thấy sự tử tế của ông cụ, tôi cảm động hết sức. Tôi tạ ơn, và nghĩ đến nỗi chồng, tôi ứa nước mắt. Bất đồ ông ta trông thấy hỏi:
- Quái, nhà chị có điều gì uất ức trong bụng hẳn?
Tôi không cầm lòng đậu, nức lên khóc to.
Ông ta hỏi vặn:
- Nhà chị ở đâu?
- Thưa, cháu ở Rừng.
- Chồng làm gì? Con cái nhà ai?
- Thưa, nhà cháu chả làm gì. Cháu là con dâu ông Bá Phiên.
Bỗng ông có ý ngợ:
- Con dâu ông bá Phiên ở Rừng, quái, thế thì quê nhà chị ở Phượng Vĩ à?
- Bẩm phải.
- Tôi hỏi khí không phải, có phải chị là con cụ Đô hay không?
- Vâng.
Ông cụ ra dáng mừng rỡ:
- Trời ơi! May làm sao!
Tôi nửa mừng nửa lo. Tôi gặp người quen hay người đi lừa? Ông cụ tiếp:
- Thế thì bà con cả đây. Ngày xưa ông nhạc tôi với cụ Đô nhà cùng làm việc ở Hải Dương. Chết chửa tôi xin lỗi bà, bà cũng đừng gọi tôi là cụ nữa.
Tôi sượng sùng hỏi:
- Thưa cụ bảo cụ nhạc nhà với thầy tôi làm việc ở đâu ạ?
- Ở dinh cụ Thượng Đông. Ông nhạc tôi là ông Bát Hướng đấy mà. Tôi là cả Sinh đây.
Ông Bát Hướng, tôi nhớ ra rồi. Đã có lần ông về nhà tôi chơi. Song bà Bát và tôi không quen nhau, vì cả ông Bát lẫn thầy tôi, khi còn sinh thời, làm việc tỉnh nào, không đem theo vợ con bao giờ.
- Thưa thế bà đi đâu? Hẳn bà có điều gì buồn bực?
Tự nhiên không biết có cái gì xui tôi, tôi nói thực cả chuyện gia đình cho ông cả Sinh nghe. Ông ngậm ngùi, hỏi:
- Thế là bà giận ông ấy, bà định đi, nhưng chưa biết đi đâu.
Tôi cười:
- Vâng.
- Thế thì chỗ bà con, tôi xin cứ thực thà thưa, mời bà về trong tôi, rồi sáng mai, tôi cho người đưa bà về Phượng Vĩ. Vợ chồng nhà nào chả có lúc giận nhau. Và nóng, thì bây giờ bà xử thế, nhưng khi nguôi giận bà hồi tâm ngay.
Tôi chưa đáp, thì trong buồng bán vé, người ký ga đã dập máy thình thình để gọi khách. Ông Cả Sinh nhanh nhẩu lấy hai cái vé.
Thế là tự nhiên tôi theo ông Cả Sinh.
Thật là ngượng hết sức. Ngờ đâu ông Cả Sinh góa vợ. Ông ở với mẹ già, và đứa con gái lên ba, tên là Điệp.
Ông đưa tôi đến chào bà cụ. Tôi thẹn thùng quá. Người nhà ông cứ nhìn tôi chòng chọc ra ý nghi ngờ. Họ không hiểu vì sao tôi đến đây.
Ông Cả nói rõ gia cảnh tôi với mẹ, và bà cụ hỏi thăm tử tế và phàn nàn cho tôi. Song, tôi không thể nào yên tâm. Tự nhiên, đương đêm mình còn trẻ trung, theo một người đàn ông góa vợ về nhà. Rồi sáng mai, người làng biết, họ sẽ đồn đại ra sao. Lỡ tiếng tăm đến làng tôi, thật là hổ thẹn. Tôi rửa sao được vết xấu bỏ chồng đi theo trai.
Đêm hôm ấy, tôi nằm với bà cụ. Hai con mệt, ngủ im thin thít.
Nhưng tôi có chợp mắt đâu. Nghĩ đến chồng lúc nào, tôi nghẹn ngào lúc ấy! Lại còn tôi, bước chân vào nhà này, thật tôi quá liều. Thỉnh thoảng, tôi lại rên lên.
Bà cụ nghe tiếng, lại cựa, lấy lời lẽ phải chăng khuyên giải tôi.
Thành thử bà cụ cũng mất ngủ:
- Thế bà định đi như thế này thì bao giờ về?
- Thưa cụ, con chẳng định bao giờ về cả. Dù con phải ăn mày để nuôi các cháu, con cũng bằng lòng. Vì nếu con ở nhà, rồi đến cũng không còn gì ăn, lại nỗi nay phải chửi mai phải đánh nữa.
- Ra bà quyết bỏ ông ấy à?
- Bỏ thì con chả bỏ, nhưng không thể ở được nhà.
Sáng hôm sau, khi đánh thức thằng Mùi dậy, tôi thấy đầu nó hơi nóng. Tôi cho thằng Mùi-con bú, thì sữa không ra được giọt nào. Tôi lo quá. Có lẽ vì nông nỗi hôm qua, tôi bị hết sữa.
Đợi lúc cơm chín, tôi nhai một nắm mớm cho thằng bé. Sữa tôi không có, nó phải ăn cơm cho quen.
Xong bửa, tôi xin phép bà cụ và ông Cả Sinh để đi. Nhưng vì thấy thằng Mùi có dáng mệt lắm, bà cụ và ông cả cố tình lưu tôi lại, nói rằng trẻ nóng, chớ nên bắt nó xông pha.
Giá biết đường lối tôi liều trốn đi ngay cho đỡ sốt ruột. Khốn nỗi hôm qua đến đây lúc đêm tối, tôi không nhận ra được đâu vào đâu, cả đến tên làng này là gì tôi cũng chưa rõ.
Bất đắc dĩ, tôi phải ở lại. Tôi rang cám đánh cảm cho thằng Mùi. May quá, đến chiều nó đỡ. Nhưng còn nỗi em nó khóc ra rả cả ngày vì đói. Nó nhịn hẳn sữa chưa được. Mà nó ăn cơm chưa chịu. Bà cụ bảo gọi bác Tụng đến cho nó bú chực. Tôi có ngờ đâu nông nỗi xảy ra thế này.
Hôm sau, bà cụ và ông Cả Sinh lại lưu tôi. Song tôi bồn chồn cả dạ. Tôi chỉ muốn đi, để xem đời mình còn xoay ra đến thế nào. Tôi nằng nặc không ở. Bà cụ mới lập kế, bế biệt thằng Mùi-con đến nhà bác Tụng và cấm người nhà không được dẫn tôi đi tìm.
Tôi khóc lóc, lạy van bà cụ. Thật tôi chưa thấy ai kiên gan như bà cụ với ông Cả Sinh. Mặc tôi làm gì thì làm, hai mẹ con chỉ cười, hình như lưu tôi được, thì lấy làm sung sướng. Mà tôi ở ngày nào hết phiền cái nọ, lại nhiêu cái kia, hết khóc, lại thở dài, chứ có làm cho ai ích lợi vẻ gì.
Đến sau, không còn cớ gì giữ nổi tôi, bà cụ phải nói:
- Thằng Mùi với con Điệp đang vui vẻ thân thiết, thì bà hãy ở nán lại cho chúng nó chơi với nhau hôm nữa. Mai tôi không dám giữ bà. Về nhà, bà không về, đi đâu, bà chửa định, thì bà nóng ruột nỗi gì?
Nhưng hôm sau, bà cụ lại kiếm một cớ khác:
- Mai nhà tôi có giỗ ông cụ đẻ ra tôi, mời bà hãy ở lại đến ngày kia.
Thằng Mùi-con còm lắm. Nó không hợp sữa, hay đói. Nghe nó khóc, tôi đứt cả ruột.
Nhưng biết làm thế nào?
Sau hôm giỗ tôi mới biết cớ tại sao bà cụ cứ lần khân lưu tôi.
Thì ra ông Cả Sinh muốn hỏi tôi làm kế. Bà cụ ngỏ thực với tôi như thế.
Cố nhiên tôi từ chối.
Bà cụ dỗ dành mãi, nhưng tôi không nghe. Thấy hai người trong bụng buồn thỉu buồn thiu, mà ngoài mặt vản phải vui gượng cho tôi bằng lòng, tôi ái ngại quá.
Giá tôi như người ta chỉ hời hợt lỗ miệng, thì tôi cứ hứa khéo, rồi sau từ chối cũng xong. Song tôi không nỡ, để người ta mong mỏi ở mình, rồi bắt người ta buồn, thì người ta đau đớn biết là ngần nào. Mình lại mang tiếng lừa lọc. Tôi đã đau đớn về chồng, nên tôi không muốn ai đau đớn về tôi.
Đêm hôm ấy, năm với bà cụ mà tôi lo lắm. Tôi sực nhớ đến chuyện một người con gái đến chơi nhà bạn đã có chồng. Hai vợ chồng nhà này hiếm hoi, muốn hỏi người con gái làm lẽ mà không được. Họ bèn lập tâm đánh lừa. Một tối đôi bạn gái ngủ với nhau một giường, rồi đến khuya, khi người bạn ngủ say, người vợ mới trở dậy nhường chồng vào chỗ mình để nằm với bạn.
Tôi lo, nên vẫn giữ mình, động cựa là choàng mắt dậy để nhìn. Song, tôi nghi oan. Đêm ấy, tôi được vô sự.
Sáng hôm sau, tôi xin đi. Nhưng bà cụ và ông Cả vản lưu lại, hẳn để tỏ rằng tuy tôi từ chối mà người ta vản tử tế. Vì vậy, tôi cũng ở lại, để tỏ rằng tôi không giận dỗi gì.
Ba hôm nữa, tôi đi hẳn.
Lúc từ biệt, cả bà cụ lẫn ông Cả Sinh đều ngậm ngùi. Tôi cũng không sao cầm được nước mắt.
Ông Cả cho người đưa tôi về Phượng, nhưng đến ga, tôi bảo người ấy trở lại, vì tôi định lên Tru.
Tôi mới có ý ấy từ hôm bà cụ nói chuyện ngày xưa đã buôn bán ở Tru. Tôi sực nhớ làng tôi, có hai người buôn bán trên ấy. Tôi chưa lên Tru bao giờ, nhưng tôi đã hỏi thăm biết lối đi.
Năm đầu ở Tru, tôi có hai việc đáng kể lại, một việc buồn và một việc vui.
Việc buồn là tôi bỏ thằng Mùi-con.
Việc vui, là tôi đã làm được tứp nhà lá.
Ngày mới đến Tru, tôi ở với bà hai Giản người làng. Vì không đủ vốn, tôi phải nhờ bà đưa đến các hiệu mua chịu ít hàng. Thế là tôi có nhiều mặt hàng, để bán các chợ, chợ Tru, chợ Đồn, chợ Phí, và chợ Sủi.
Tôi đi từ sáng đến tối. Thằng Mùi thay tôi giữ em. Ở đấy buôn bán dễ dãi, nên ngày nào tôi cũng kiếm được dăm sáu hào lãi.
Nghề thế, được đằng nọ, hỏng đằng kia. Thằng bé con không được mẹ trông nom săn sóc, nó lại còm sẵn, nên chỉ một cơn sài, là nó đi.
Tôi buồn, nghỉ chợ mất đến mười hôm. Các bà ấy khuyên tôi mãi. Lúc chán nản, tôi đã toan trở về Rừng với nhà tôi. Song tôi lại tiếc cái đời đương được bình tĩnh, về với chồng, tôi sẽ lâm vào cảnh đau khổ xưa.
Bà hai Giản cho tôi vay mười đồng để mua lại cái nhà tranh người ta bán rẻ. Nhân có miếng đất con cạnh nhà bà, là đất công, giáp ngay chân đồi, tôi bèn làm giấy xin phép quan làm nhà ở đấy. Tôi thuê người cuốc thêm đồi cho rộng chỗ, lấy đất đổ nền, rồi dựng nhà.
Được chỗ ở khác, tôi khuây khỏa dần, nên lại bắt đầu đi chợ.
Ở Tru, tôi bặt hẳn tin nhà tôi. Vì không phải lo nghĩ công to việc lớn, nên tôi vui vẻ lắm. Sự buôn bán lại đem cho tôi nhiều lời lãi. Tôi trả được nợ bà hai, rồi không phải lấy chịu hàng các hiệu, cho nên càng phát tài. Tôi cho thằng Mùi đi các chợ gần để nó học buôn bán.
Nếu được như thế, đến năm tôi già, tôi chết, thì tôi sung sướng biết ngần nào.
Nhưng một hôm, ở chợ về, tôi thấy ở cổng nhà một người đàn ông ngồi xổm, che ô khuất mặt.
Tôi không để ý, nhưng thằng Mùi bảo:
- Quái, ai như thầy ấy, u ạ.
Tôi hơi chột, nhưng đáp:
- Thầy có biết đâu u ở đây.
- Bây giờ thầy che ô lấp đi, ban nãy con trông rõ ràng là thầy.
Quả nhiên thằng bé trông không sai. Chính nhà tôi thực. Chắc thoạt thấy tôi, nhà tôi ngượng, nên lánh mặt.
Tôi đến nơi. Nhà tôi đứng dậy cười bằng cái cười rất gượng. Tôi hỏi:
- Thầy nó đến bao giờ?
Nhà tôi vừa xoa đầu thằng Mùi, vừa đáp:
- Đến từ sáng, nhưng hỏi thăm thấy bảo u con đi chợ, nên tôi ngồi chờ đây.
Tự nhiên, tôi thương hại. Nhất là tôi thấy nhà tôi thờ thẫn, ăn mặc tiều tụy, quần áo vừa rách vừa bẩn, đi đất, tóc thì xù ra, khăn vừa bạc vừa rách.
Tôi mở khóa cổng, bảo nhà tôi vào. Nhà tôi kêu đói, vì từ sáng chưa được ăn. Tôi sai thằng Mùi chạy mua hai tấm bánh nếp, trong khi tôi ở trong bếp thổi cơm.
Nhà tôi buồn rầu, cho tôi biết là đã trót chơi bời quá, nên còn cái nhà bán nốt rồi.
Tôi thở dài, nhưng không buồn, vì đã đoán trước cả như thế.
Nhà tôi bảo biết tôi ở Tru đã lâu, nhưng mấy lần toan đến, lại sợ ngượng.
Bây giờ nhà tôi ăn nói như một người lù rù. Ra khi không có tiền, ai cũng hết cả hống hách.
Thấy nhà tôi tỏ ý định ở Tru, tôi bằng lòng ngay. Ai có thể giận dữ một người đã biết hối hận, huống nữa người ấy lại là chồng, đã ăn ở với nhau, con sống có, con chết có.
Nhà tôi đổi khác cả tâm tính. Trước kia, mê chơi, thích lắm bạn, bây giờ tôi giục mấy lần sang chơi nhà ông Hai Giản và ông Cả Bính, nhưng nhất định nhà tôi không đi. Thật thế, nhà tôi không bước ra khỏi ngõ. Nhiều người nói chuyện với tôi thế, mà cửa nhà, tôi nhận thấy quang đãng, sạch sẽ hơn. Trước kia, tôi bận đi chợ cả ngày, nên để hàng rào cây mọc bừa bãi. Nhưng nay, những lúc rỗi, hoặc nhà tôi cầm dao đi phát lá hoặc đập lại chỗ nền nhà gồ ghề, hoặc buộc lại cái rui nhà long lạt. Tôi cho là hạnh phúc đã đến, vì tôi ở hiền nên gặp lành.
Tôi cũng tỏ ra là biết quý chồng. Thỉnh thoảng thấy nhà tôi nằm thừ vắt tay lên trán thở dài, tôi phải kiếm một vài câu chuyện vui làm quà, cho có tiếng cười, vui nhà, vui cửa.
Một hôm tôi hỏi nhà tôi đã bán nhà cho ai, bao nhiêu tiền, để nếu có thể tôi lo chuộc về. Vì tôi nghĩ chỗ quê cha đất tổ, còn mồ mả, còn bàn thờ, bỏ đi cả sao đành.
Cuối tháng ấy, tôi vay thêm ít tiền, về Rừng chuộc nhà, và gọi người cho ở nhờ. Người ta mách tôi rằng nhà tôi mới nghiện, nên giữ cẩn thận.
Tôi lên Tru ngay, vờ như không biết chuyện gì, vẫn vui vẻ như thường. Nhà tôi hỏi săn đớn xem ở quê gặp những ai, nhưng tôi bảo vì vội về phiên chợ Đồn, tôi không đến chơi ai cả.
Để cho nhà tôi yên tâm, tôi mới dễ dò xét.
Nếu nhà tôi nhất quyết nhịn được thuốc phiện, thì là nhất.
Nếu tôi làm ra biết nhà tôi nghiện, nhà tôi không cần giấu, tất hút lại ngay.
Một hôm, tôi nghĩ đến việc lo hiến tế cho nhà tôi vào kỳ xuân tế sang năm. Ở chỗ dân làng, không đủ lệ, cũng rầy rà. Tôi bàn với nhà tôi, thấy công việc tốn chừng hai trăm bạc.
Cả vốn liếng tôi hiện nay chưa đầy món tiền ấy, song, tôi có thể giật quanh, và lấy hàng chịu các hiệu cũng được.
Nhà tôi bảo:
- Nếu u nó định sang năm tôi hiến tế, thì mồng một này tôi phải về, để có coi trầu ra xin các cụ, kẻo các cụ gọi người khác.
Tuy không tin nhà tôi lắm, song tôi phải đưa đủ tiền và hành lý khứ hồi.
Tôi cho thằng Mùi đi theo, dặn nó giử thầy nó.
Ngờ đâu khi trở về Tru, thằng Mùi bị cảm. Tôi hỏi, mãi nó mới dám thú thực là thầy nó bắt nó đi bộ, để tiền hút thuốc phiện và cho vợ lẽ.
Tôi giận đầy hơi. Nhưng không nỡ nói nặng. Thấy tôi khóc lóc, vì chồng nghiện ngập, nhà tôi chỉ cười làm lành và xin lỗi, cùng thề sống thề chết từ nay nhất định chừa.
Nhưng nào nhà tôi có giữ lời thề. Hôm sau, nhà tôi tán khéo xin tiền để đi hút ngay. Tôi không nghe thì thấy mất chiếc đèn điện bấm trong gánh hàng.
Tôi hỏi nhà tôi. Cũng như ngày trước, chối bay, đổ cho tôi bị mất cắp ở chợ:
- Chứ người hay giống vật, mà nhản tâm thế.
Thấy chồng vật đầu vật tai, tôi đành im. Vả tôi phải giữ tiếng với hàng xóm.
Nhưng liền liền mấy hôm sau, tôi không mất thứ nọ thì mất thứ kia mà toàn thứ quý giá.
Tôi tức đến điên đầu, nói chắng nể lời. Tôi thề nhất định từ nay không làm ăn gì cả, cho cả gia đình chết đói, rồi tôi đập đầu vào cột. Nhà tôi giữ tôi lại và hối hận, rớt nước mắt. Tôi nức nở, sụp xuống đất lạy hai lạy, đưa con dao phay, vừa khóc vừa nói:
- Nếu thầy nó không chừa thì đây, thầy nó hãy cứ giết chết mẹ con tôi trước đi.
Nhà tôi đỡ tôi dậy, rạch dao xuống đất:
- Mai mà tôi còn đi hút, thì tôi chết thế này.
Quả nhiên lần này tôi thấy nhà tôi giữ lời hứa, vì tôi không mất hàng nữa.
Song tôi hơi nghi, vì nhà tôi bắt đầu hay đi chơi các nhà. Tôi biết nhà tôi hễ quen ai là cũng la cà vay mượn. Tôi phải đi dặn dò trước các nơi, rằng ai đưa nhà tôi tiền, tôi mặc kệ.
Một hôm ở chợ Phí về, tôi thấy người xúm đông xúm đỏ trước nhà. Tôi biết hẳn đã có việc gì lôi thôi đây.
Tôi vừa bước chân vào sân, bà Tư Tòng đã tay cầm kính đen, tay xỉa xói vào mặt tôi:
- Ông nhà bà tệ quá, bà tử tế, nhưng ông nhà bà tệ quá. Tôi tưởng chỗ bà với tôi là bạn bán hàng với nhau, nên để cho ông ấy đi lại với nhà tôi, thế mà không biết ông ấy rủ rê nhà tôi thế nào, bây giờ hóa nghiện dở. Ban nãy ông ấy vào chơi, khi ra, nhà tôi kêu mất cái kính, tôi nghi ngay, theo về đây, quả nhiên thấy kính trong túi ông ấy.
Tôi nhìn nhà tôi, nhà tôi trợn mắt trợn mũi, phân trần:
- Thì tôi cũng có cái kính, lúc ở chơi đằng ông Tư ra, tôi ngỡ kính của tôi, nên mới bỏ túi. Lúc về, tôi thấy lầm, toan mang trả, thì bà lại. Người hay ngợm mà nỡ xử tệ với anh em như thế. Tôi nghiện hút thật, nhưng nếu không có tiền, tôi bảo nhà tôi đưa, việc gì tôi phải thế!
Tôi thở dài, ôn tồn xin lỗi bà Tư:
- Nhà tôi lấy lầm kính thật đấy; thôi, bà đừng ngờ thế phải tội.
Tôi nhận liều thế, chứ thực nhà tôi có kính đâu. Còn cái gì thừa mà nhà tôi không cầm cố cho hết! Bà Tư nói:
- Nhưng tôi tức lắm kia! Ông ấy rủ rê để bây giờ nhà tôi đâm nghiện.
Nhà tôi cãi:
- Ông ấy nghiện bao giờ, ai bảo là tôi rủ rê?
- Chính ban nãy nhà tôi bảo, mọi khi nhà tôi vẫn giấu tôi.
- Ông ấy bảo mà bà tin à?
- Sao lại không tin. Bà ấy nhà ông không cho ông tiền, ông mới xui nhà tôi đi hút để hút ghẹ, ông cãi nữa đi.
Đến đấy, nhà tôi đuối lý, bèn cười nhạt:
- Thế đấy, để rồi tôi hỏi lại ông ấy cho ba mặt một lời.
Tôi can:
- Thôi, tôi xin bà, những việc ấy, bà nên dò xét cho đích xác, kẻo bà trách oan. Nhà tôi có nghiện thật, nhưng mấy tháng nay đã chừa rồi kia mà.
- Bà tưởng thế đấy, bà thử đi hỏi tất cả những nhà có bàn đèn ở Tru này xem có ngày nào ông ấy nhịn không?
Tôi thẹn quá. Nhà tôi cũng tịt không nói được nữa.
Tôi đành để bà Tư nhiếc móc mấy câu nữa cho hả giận, rồi lấy lời lẽ ôn tồn để xin lỗi.
Đêm hôm ấy, không lúc nào tôi ráo nước mắt.
Nhà tôi cứ kiên gan mà van lạy tôi.
Tôi bảo:
- Thôi, tôi lại đi, thà ăn mày chết đâu thì chết phen nữa cũng đành. Chứ cứ thế này, không thể nào tôi mọc mũi sủi tăm được.
Đến lúc tôi nguôi nguôi, nằm yên, nhà tôi mới dỗ dành tôi cho mang bàn đèn về nhà:
- Như thế tôi hút có ngữ, không phải bê tha nay nhà nọ mai nhà kia. Rồi túng, tôi phải đâm liều, như chuyện cái kính, mang tiếng chết.
- Không, thầy nó phải chừa, tôi thấy khối người nghiện đến mười lăm năm còn chừa nổi.
- Thế là u nó nghe người ta nói láo. Cái nghiệp thuốc phiện, đã bập vào nghiện là không tài nào gỡ ra được. Càng chừa càng sinh bệnh, đến khi phải hút lại, thì hút nặng hơn trước. Tôi biết sống nhờ vợ thế này là sống nhục, song đã trót biết làm thế nào.
Tôi thở dài. Nhà tôi lại tỉ tê tán tỉnh, không biết lúc ấy nghi thế nào, tôi cho nhà tôi sắm bàn đèn.
Thế là từ hôm sau, nhà tôi rước tĩnh về. Những trông thấy ông chồng nằm dài ra hút mà tôi chán ngán!
Rồi vỡ tung ra, nhà tôi còn nợ những người nghiện ở Tru tất cả hơn mười đồng bạc. Họ không thấy nhà tôi đến hút, bèn đòi.
Tôi phải cắn răng trang trải cho xong.
Tôi tính ra, từ ngày có nhà tôi đến, mỗi tháng vào miệng nhà tôi mất ngót mười lăm đồng. Còn buôn gì cho lại!
Tháng hai năm sau, nhà tôi và tôi cùng thằng Mùi về quê sửa hiến tế. Nhân tiện tôi mua quan viên cho thằng Mùi.
Lo được cho chồng có nơi ăn chốn ngồi trong làng, tôi mất vừa vặn hai trăm tư.
Tôi mắc nợ mất hơn trăm.
Song tôi rất hả hê. Kể cả lần chuộc nhà, thế là đến nay, đời tôi đã làm được hai việc lớn. Xong đám ở làng, tôi khuyên nhà tôi nên ở lại quê, trông nom nhà cửa, tháng tháng sẽ có tiền gởi về.
- Để tôi lên Tru, được yên tâm đi chợ kiếm chút lời lãi.
Nhà tôi bằng lòng ngay:
- Vả lại mới đang cai xong, được ra đình ăn nói, tội gì đi đâu vội.
Từ đó tôi buôn bán bạo tay hơn trước. Tôi vẫn đi chợ lại vay vốn đặt đay và đong thóc. May dịp ấy được lãi nhiều, tôi lại trả được một trăm bạc nợ.
Nhưng trong khi ấy, ngờ đâu nhà tôi ở Rừng lại phá một phen nữa hết sạch sành sanh.
Mãi đến khi nhà tôi tay trắng, lên Tru tôi mới biết.
Thoạt tiên, thấy nhà tôi đến, tôi ngạc nhiên. Nhưng nhà tôi nói rằng lên thăm tôi sắp đến tháng ở cữ, và lấy tiền về nộp sưu.
Nhưng nhà tôi lần chần mãi không vẻ quê. Tôi giục, nhưng cứ nay hẹn lại mai hẹn. Sau, bất đắc dĩ, nhà tôi mới đủng đỉnh nói:
- Còn nhà đếch đâu nữa mà ở.
Tôi vội vàng hỏi:
- Thế nào?
- Bán mẹ nó mất rồi còn gì.
Như bị tiếng sét, tôi hỏi dồn:
- Thế nào? Thầy nó lại bán nhà rồi à? Làm sao thế?
- Thua bạc chứ còn làm sao?
Tôi rú lên, đập hai tay xuống giường, lăn lộn khóc.
Nhà tôi nằm thẳng cẳng ở phản, vắt tay lên trán thỉnh thoảng lại chửi đổng:
- Mẹ kiếp, không cái dại nào giống cái dại nào. Lúc khôn thì già rồi! Bây giờ mới biết ông nghe con đĩ là dại.
- Lại rước con đĩ về!
Tôi thét lên như thế! Nhà tôi thở dài.
Thì ra nhà tôi lại gọi cô vợ lẽ quý về. Sau tôi gặng mãi nhà tôi mới phun ra rằng vì buồn, không có việc gì, mới đâm ra đánh bạc, mà những con bạc lại là mấy thằng nhân tình cũ của vợ lẽ.
- Nó dắt người đến lừa à?
Tôi dằn vặt thế. Nhà tôi đủng đỉnh:
- Chứ lại gì.
Rồi im một lát, nhà tôi tiếp:
- Lại hút nặng thêm nữa mới tức chứ!
- Khổ! Tôi đã bảo thầy nó giết chết tôi đi thì không, để tôi sống cực nhục mãi! Bán nhà cho ai?
- Cho ông chánh bá.
- Bao nhiêu tiền?
- Hỏi làm đếch gì, chuộc làm đếch gì nữa. Ở nhà ấy chỉ có hại. Ông thầy ông ấy bảo rồi còn chết chóc khối.
- Khổ thân tôi, thầy nó không biết thương tôi.
- Thương chứ sao lại chẳng thương, nhưng lỡ ra người ta mới trót thế, biết làm thế nào.
- Một lần trót, chứ mấy lần trót nữa. Đa mang con đĩ vào mãi.
- Tống cổ mẹ nó đi rồi, còn đâu mà đĩ với thõa.
- Trời đất ơi!
Tôi khóc, lăn lộn mà khóc.
Trong lúc bực mình, tôi quật phá đồ đạc tan tành.
Giá tôi có nhiều anh em, quyết khi ở cữ xong tôi nhờ mỗi người nuôi hộ một đứa, rồi thắt cổ chết quách cho nhẹ nợ.
Tôi nhất định từ hôm sau không đi chợ nữa. Tôi bảo:
- Tôi không cần gì cả, chẳng buôn bán thì đừng, còn gánh hàng này, còn cái nhà này đem bán đắt bán rẻ, ăn hết rồi cùng nhịn đói.
Thực thế, tôi còn chăm chỉ tằn tiện để mong gì. Một người làm, một người phá. Người làm chắt bóp từng trinh, quanh năm không dám ăn của ngon, mặc của đẹp, muốn mua thứ gì cần, còn năm lần bảy lữa mới dám bỏ tiền ra. Thế mà người phá thì vén tay áo sô đốt nhà táng giấy. Ra bấy lâu nay công cốc. Tôi khó nhọc cho người khác hưởng!
Cả ngày hôm sau, nhà tôi luôn mồm réo tên vợ lẽ mà chửi cho tôi bằng lòng. Nhưng tôi xua tay:
- Thôi đi, tôi không phải lừa nữa đâu. Tôi có dại chỉ dại một lần này thôi.
Rồi việc nọ chửa nguôi, việc kia đã đến, đêm hôm sau, tôi mất trộm cả gánh hàng hơn trăm bạc.
Thật phen này tôi cũng đến sạch sành sanh. Số kiếp đâu có số kiếp ăn mày thế!
Buổi sáng khi mở mắt, tôi thấy cửa buồng mọi khi khóa, mở phanh ra. Giật nảy mình, tôi vội chạy vào xem, thì thấy gánh hàng mất.
Tôi choáng người, mê lên. Tôi rú một tiếng, gọi nhà tôi, rồi ngã vật xuống đất.
Nhà tôi ôm tôi lên giường, gọi tôi. Tôi nghe tiếng, nhưng không tài nào thưa được. Như có cái gì nghẹn ở cổ vậy. Lúc ấy tôi oán nhà tôi lạ. Giá cứ lịm đi đến khi chết, tôi sung sướng biết ngần nào.
Khi tỉnh, tôi khóc lóc rầm rĩ.
Nhà tôi bảo:
- Thì đêm trước, u nó nói san sát suốt đêm, cả tôi cũng không ngủ được; chắc kẻ trộm nó biết thế, nên đoán rằng đêm qua hẳn hai người phải ngủ say, mới dám vào chứ gì.
Ngay lúc ấy, thằng Mùi ở dưới bếp, chạy lên mách:
- Con vàng phải bả, nằm chết ở kia, u ạ.
Tôi tru tréo, chửi rủa quân gian. Tôi giục nhà tôi khăn áo đi trình ông lý. Nhưng nhà tôi can:
- Hãy khoan, cứ yên để mình dò xem đứa nào hãy hay, chứ chưa chi đã trình, thì nó trốn mất.
Tôi không cho là phải, nhà tôi lại nói:
- Mà biết nhà ông lý ở đâu bây giờ.
Thấy nhà tôi trốn việc tôi bèn thân hành đi. Ông lý vốn mua hàng chịu của tôi, nên đối với tôi rất tử tế. Ông ái ngại cho tôi. Ông làm giấy hộ, và cam đoan thế nào cũng tìm cho ra gánh hàng. Ông nói:
- Mấy thằng trộm cướp vùng này tôi biết cả. Để tôi kêu quan bắt một thằng, đánh cho một trận là phun hết.
Tôi về nhà, nói chuyện công việc như thế, nhà tôi gật đầu:
- Ừ, thế thì may đấy.
Buổi trưa hôm ấy, nhà tôi bảo tôi đưa tiền để về quê nộp sưu, kẻo thuế má đến nơi, không chậm được.
Tôi phải vay bốn đồng bạc.
Khi nhà tôi đã đi, tôi lại đến ông lý, giục ông tất lực hộ, như ông đã lên huyện trình quan hộ tôi rồi.
Tối hôm sau, ông lý hót hơ hớt hải, đến mách tôi một tin ghê gớm:
- Này, chết chửa, thế nào mà ông nhà bà bị chúng khai là dắt chúng nó vào lấy trộm của bà đấy.
Tôi rụng rời, hỏi:
- Thật à?
- Phải, quan đang nã ông ấy đấy.
Tôi sực nghĩ ra. Thảo nào nhà tôi vội trốn đi. Ông lý bảo:
- Ra mưu mô ở ông ấy hết, ông ấy đánh bả chó, ông ấy mở cửa buồng, ông ấy trỏ cho chúng nó chỗ để gánh hàng.
Ruột tôi như thắt. Ông lý tiếp:
- Nhưng bà thật may, số chưa hết của, nên hai bồ hàng không suy suyển mấy. Chỉ mất ít nhiều là phần chúng nó phải chia tay cho ông ấy thì ông ấy lấy đi. Còn chúng nó chưa bán chác được thứ gì.
Thế này thì chồng tôi không còn chút tình gì nữa. Tôi hỏi:
- Việc này, ông bàn tôi nên thế nào?
- Nếu theo tôi, bà cứ để ông ấy vào tù một dạo cho chừa đi, may ra lại bỏ được thuốc phiện. Trong cái dở, biết đâu không có cái hay.
Tôi cho lời bàn rất hay. Song, đến đêm, tôi ngẫm nghĩ, dù chồng tệ bạc thế nào, mình cũng không nên tệ bạc lại. Hay gì cái tiếng chồng phải án ăn trộm ngồi tù. Ấy thế là tôi đổi ý kiến.
Hôm sau, tôi nhờ ông lý đưa lên kêu với quan.
Nhưng quan nhất định không tha. Quan bảo:
- Chồng dắt trộm vào lấy của vợ, tội ấy đáng ngồi tù nặng gấp ba. Mày còn thương thằng vô lương tâm ấy ư?
Tôi dập đầu lạy:
- Lạy quan lớn, đằng nào cũng là chồng. Xin quan lớn thương mà tha cho. Con không kiện chồng con.
- Mày không kiện nhưng tao kiện. Tao lấy quyền quan cai trị tao kiện. Thấy những việc như thế này, tao cứ thẳng tay tao làm. Hiện nay tao đang tư bắt chồng mày, chỉ mai kia là được, rồi tao sẽ làm án nặng.
- Lạy quan lớn đèn trời...
- Vô ích, mày lạy van vô ích. Tao không thể dung túng những đứa làm càn.
Thấy quan quả quyết quá, tôi đành chịu không dám kêu nài.
Tôi ở công đường ra, vừa đi vừa khóc mếu. Đến cổng, tôi gặp một người, người ấy hỏi chuyện đầu đuôi, rồi xui tôi một kế.
Lúc bấy giờ quả tôi như người sắp chết đuối, nên dù thấy cái bọt cũng giơ tay vớ liền. Cho nên ai bảo làm gì tôi cũng nghe.
Tôi về Tru, đi vay mượn và cầm nhà, để lấy đủ số trăm bạc chạy cho nhà tôi.
Thì quả nhiên, nhà tôi bị giam vẻn vẹn có một ngày đã được về.
Nhưng khốn khổ thân tôi, do việc đó, tôi phải chịu một vết thương suốt đời không thể hàn gắn được.
Nguyên nhà tôi được tha, chắc phần hối hận cũng có, phần thương vợ tử tế cũng có, phần xấu hổ với thiên hạ cũng có. Chiều hôm ấy, nhà tôi bảo tôi mổ gà làm một bữa rượu ăn mừng.
Không hiểu trời xui khiến thế nào, tôi chiều ý ngay. Chén say sưa xong, nhà tôi móc túi lấy đồng bạc, sai thằng Mùi mua thuốc phiện. Tôi can:
- Mua làm gì nhiều thế?
- Để hút dần.
- Tiền đâu mà có thế?
- Tôi chưa lấy thẻ.
Tôi gắt:
- Rồi lại nã tôi thì tiền đâu!
Nhà tôi chán nản, trả lời:
- Chà, cần gì!
Nhà tôi hể hả nằm tiêm thuốc, gọi thằng Mùi ngồi cạnh bàn đèn, tỉ tê nói chuyện với nó.
Tôi nằm ở giường vờ ngủ để nghe. Nhà tôi thú hết tội với nó, rồi thở dài:
- Tao lấy u mày, thật tao sung sướng mà không biết hưởng. Đời tao đã hư hỏng, thôi thì tao trông mong vào mày. Đừng có bắt chước bố mà khổ, con ạ.
Đến khuya, tôi vẫn thấy hai bố con thủ thỉ với nhau, tôi giục:
- Gớm, đi mà ngủ cho nó ngủ với chứ, hút nhiều lắm rồi.
- Ồ, vừa hút vừa nói chuyện mới lâu thế, chứ đã hết lượt sái nhất đâu.
Thì ra bữa rượu ấy là bữa rượu nhà tôi ly biệt vợ con, và những lời nói với thằng Mùi, là những lời nhà tôi trối trăng nó.
Lúc đêm, tôi sực dậy, thấy tắt hết đèn lửa, tôi yên chí hai bố con đã ngủ. Ngờ đâu, lừa cho lúc mọi người yên giấc, nhà tôi lén xuống bếp, lấy dây lưng treo cổ lên xà nhà.
Đau đớn cho tôi chưa!