ẻo Mây là tên của một cái xóm nằm dọc theo một bờ sông lớn ở miền Tây. Người dân ở đây không làm ruộng như những vùng lân cận mà chuyên về làm vườn trái cây. Nhờ vào địa thế được phù sa bồi đắp vùng này nổi tiếng với nhiều loại trái cây ngon được thương lái ưa chuộng.
Ở xóm này hỏi nhà bác Tám Tàng thì ai cũng biết, người ta biết đến bác vì nhiều thứ lắm. Đầu tiên là chuyện  làm vườn, cũng giống cây như nhau phân bón và đất đai như nhau nhưng vườn trái cây nhà bác luôn trĩu cành và trái luôn lớn hơn.
Chẳng những vậy bác còn biết theo kịp thị trường vì luôn trồng những giống mới lạ. Điều thứ hai là căn nhà cổ do ông bà truyền lại có tuổi thọ trên cả trăm năm bây giờ dù có bạc tỷ cũng không thể xây cất được. Ngoài ra sở thích của bác là cây kiểng, bon sai và hoa mai. Bác có hơn trăm gốc mai bày đầy trước sân giá mỗi gốc rẻ rẻ cũng chục triệu. Nhiều người khắp nơi tìm đến để mua bán hoặc trao đổi kinh nghiệm. Có khi là nhờ bác nhận chăm sóc bảo dưỡng những cây mai của họ, thuận theo tự nhiên bác giàu nhất nhì ở cái xóm này. Bà con xóm giềng ai cũng quý mến kính trọng bác bởi bác đối xử chan hòa thân ái với tất cả mọi người trừ một người là bác Ba Hữu nhà bên xóm Cù Lao ngay trước mặt đi ghe chừng mười lăm phút là tới.
Theo lời người lớn kể lại hồi lúc trước ở trên xóm chợ có tiệm vải  Hải Hưng. Ông chủ tiệm người Hoa có cô con gái tên ba Hương, lai giữa hai dòng máu nên cô xinh đẹp nổi bật hơn nhiều cô gái khác. Cô thường ra sạp trái cây ngoài chợ của mẹ bác Tám để mua và gặp bác ở đó. Theo lời bác cô ba Hương thương bác vì tính hiền lành chịu khó, họ cũng hò hẹn được đôi ba lần.
Chuyện tình đang tiến triển tốt đẹp thì bác ba Hữu xuất hiện. Bác Ba là dân Sài Gòn con nhà giàu ăn học đầy mình về thăm ông bà nội của mình cách nhà cô ba Hương không xa. Thời con nít những lúc bãi trường bác Ba đều về quê chơi với ông bà nội, hai bác từng chơi chung những trò chơi con nít với nhau. Không lâu sau cô ba Hương lơ là với bác Tám khi bác tra hỏi cô bảo ba cô muốn gả cô cho bác ba Hữu vì có tương lai hơn sau này, ba Hữu cũng rất yêu thích cô. Giận thằng bạn đã biết mình thích ba Hương mà con nhảy vô giành giật, bác Tám hẹn bác Ba ra nói chuyện, nói qua nói lại kiểu gì rồi đánh nhau một trận. Kẻ sặc máu mũi người phun máu đầu, may mà lối xóm kịp can ngăn.
Không bao lâu cô ba Hương đi lấy chồng nhưng không phải lấy một trong hai bác mà lấy ông bác sĩ ở Mỹ Tho.Trước khi đi lấy chồng cô còn bỏ lại câu giải thích là không muốn sứt mẻ tình bạn của hai người nên lấy chồng gấp và không yêu thương. Năm 1975 cô cùng gia đình chồng di tản sang Mỹ và không một lần trở về thăm chốn cũ.
Sau 1975 gia đình bác Tám không  thay đổi gì nhiều bác vẫn dựa vào đất mà sống, chỉ khác là bác có vợ cùng ba đứa con và ngày càng giàu hơn. Bác Ba Hữu không được như vậy, gia sản bị tịch biên bác trở về nương nhờ vào vườn đất hương hỏa của ông bà. Khổ nổi dân phố thị như bác biết gì về trồng trọt, nghe đâu bác lấy một cô thôn nữ trong xóm sinh được ba người con, một trai hai gái. Cuộc sống cũng tạm gọi là hạnh phúc đầm ấm. Hơn chục năm trước vợ bác mất đột ngột vì tai nạn giao thông khiến bác phẫn chí suốt ngày vùi đầu vô rượu, cách đây không lâu sau một lần trúng gió mém chết bác mới chịu bỏ rượu. Nhà cửa do anh con trai lớn tên Hai Đực lo toan gánh vác, học vừa xong cấp hai anh phải nghĩ học để  lo cho hai cô em gái nhỏ. Nhờ anh khéo xoay sở nên cuộc sống cũng đủ ăn đủ mặc không thiếu thốn. Công việc chính của anh ngày hai buổi làm tài công lái chiếc đò chở khách từ cù lao sang xóm chợ và ngược lại. Thời gian còn lại vun bồi trồng trọt cây trái.
Bác Tám Tàng chẳng những nóng tính mà còn giận dai vô kể, bao nhiêu năm đã qua nhưng bác không quên mối hận xưa chỗ nào có mặt bác Ba Hữu là không có bác. Lâu dần xóm giềng ai cũng biết nên hễ nhà nào có đám cưới thì họ mời hai bác khác giờ. Cúng đình thì người đi buổi sáng người đi buổi trưa. Đang ngồi ăn hủ tiếu mà thấy bác Ba Hữu ghé vô thì bác để tiền lên bàn giũ áo cái rẹt đứng lên bỏ đi liền.Trên đường làng mà gặp thì bác rẽ lối khác mà đi.Tuy nhiên bác lại phân biệt rất rõ oan có đầu nợ có chủ, ghét bác Ba là ghét nhưng anh Hai Đực thì bác coi như bao cậu con trai khác. Anh chơi khá thân với người con trai thứ hai của bác, tới lui như con cháu trong nhà
Hận ngày xưa mình bị lép về vì cái sự dốt, bác nung nấu ý định cho con cái ăn học thành tài mới chịu. Chắc trời không chìu lòng người hai anh con trai lớn của bác đi học toàn đội sổ, ở lại lớp ba bốn lần thi chuyển lên cấp ba rớt như sung rụng. Dù không muốn bác cũng ngậm ngùi để họ theo nghề làm vườn như mình. Nhưng cô con gái út của bác tên Út Nhung thì khác, cùng một mẹ một cha sinh ra mà cô xinh đẹp ngộ nghĩnh từ nhỏ. Con gái ở quê mà da cô trắng hồng tướng tá đẹp không thua mấy cô người mẫu hay hoa hậu trên tivi. Chẳng những như thế cô học rất giỏi nhất nhì trường chớ chẳng chơi, khỏi nói bác Tám cưng cô nhất nhà.
Những lúc trà dư tửu hậu bác thường nói với mấy ông bạn mình rằng cái khiến bác nổi tiếng nhất chính là có cô con gái út ấy. Chuyện đó thì hẳn nhiên rồi xứ này có cô nào bằng Út Nhung nhà bác về sắc lẫn tài. Chả thế mà bác bước ra đường thì thanh niên từ xóm chợ tới xóm vườn gặp bác là cúi chào rất lễ phép, bác biết đám thanh niên ấy muốn ghi điểm trong mắt bác. Bác vẫn thường dặn con gái mình lấy lễ nghĩa khiêm tốn làm đầu cũng như bảo ''con thương đâu gả đó'' nhưng thật bụng thì sức mấy bác gả cho đám thanh niên xứ này. Huống hồ chi nhà bác dư dả giàu có thì đâu lo không môn đăng hộ đối với ai.
Học hết cấp ba Út Nhung lên Sài Gòn học tiếp Đại Học chuyên ngành du lịch cô chăm chỉ học hành không trai gái yêu đương. Nhằm dịp nghĩ lễ cô về thăm nhà như thường lệ, đúng ngày đó có chiếc xe hơi biển số Sài Gòn chở vài người đàn ông ghé nhà cô để xem và mua một gốc mai quý. Trong nhóm họ có một người  tên Quang độ ba mấy tuổi nhìn rất phong độ trí thức. Nhất là cặp kính trắng của anh ta đeo khiến cho anh ta giống y chang mấy diễn viên Hàn quốc mà mấy bà nội trợ thường xem. Trí thức là đúng rồi anh ta hiện là giảng viên của một trường đại học ngoài ra còn là tiến sĩ từng du học ở Mỹ hẳn hoi.
 Lúc Út Nhung bưng mâm trà ra mời khách như thông lệ anh ta hỏi thăm cô học ở đâu, khi cô lên Sài Gòn anh ta tìm tới. Hẹn hò cách nào và tìm hiểu ra sao không ai biết? Chỉ biết vài tháng sau  nhà anh ta nhờ mai mốt đến ngỏ lời. Đám hỏi được tổ chức cách đó không lâu, đám cưới thì chờ khi Út Nhung ra trường sẽ cử hành.
Ba tháng sau ngày đám hỏi bác Tám bỏ tiền ra mua liền một căn nhà trị giá mấy tỷ bạc ở Sài Gòn để dành sau này làm của hồi môn cho con gái. Mọi chuyện đang tốt đẹp bỗng một buổi chiều trên đường từ nhà vị hôn phu trở về nhà mình Út Nhung không làm chủ được tốc độ lao chiếc xe máy lên lề đường rồi đâm vào một bức tường. May mắn là tay chân không bị tật nguyền hay chấn thương gì nghiêm trọng nhưng khi tỉnh dậy Út Nhung trở nên ngớ ngẩn và chẳng nhận ra bất cứ ai. Ban đầu ngỡ cô bị hoảng loạn sau hai ba ngày sẽ hết nhưng chẳng những cô không hết mà còn nghiêm trọng hơn.
Đưa cô qua bên viện tâm thần khám nghiệm họ chụp hình rồi làm đủ thứ xét nghiệm kiểm tra cuối cùng vẫn không biết nguyên nhân, hồ sơ bệnh án tất cả đều khoẻ mạnh bình thường. Gần nửa năm trời chạy tây y không hết gia đình cô định chuyển sang chạy đông y. Mọi chuyện càng rối hơn khi dì chín Nhành ở gần nhà Út Nhung nói với ba má cô rằng có khi nào cô bị người cõi âm quấy phá không? Bằng chứng là cô tuy ngớ ngẩn nhưng không làm gì hại ai cô chỉ ngồi lảm nhảm khóc cười với cái bóng của mình, hành xử ngô nghê như trẻ con lên tám lên mười. Lời dì Chín nói không phải là không có lý nơi cua quẹo cô bị tai nạn trước đó từng có nhiều người chết vì tai nạn giao thông. Biết đâu có con ma vu hồn nào đó nhân lúc cô té xuống rồi nương dựa vào thân xác. Bác Tám xưa nay không tin những chuyện dị đoan nhưng có bệnh thì vái tứ phương, cách nào cũng thử miễn sao cho Út Nhung nhanh chóng khoẻ mạnh là được.
Lúc trước vị hôn phu của cô còn năng tới lui thăm viếng nhưng một lần ngồi ăn cơm lúc bác Tám gái sơ ý quay lưng đi Út Nhung bèn bưng cả nồi canh cùng mẻ cá kho đổ hết vô nồi cơm rồi thò tay quậy lên như cháo heo. Trong khi bác Tám gái la trời ơi đất hỡi thì cô vẫn vô tư đưa bàn tay  bốc ăn ngon lành, từ lần đó vị hôn phu của cô lợt lạt hẳn đi. Nhiều lúc bác Tám tự hỏi con gái nhờ đức cha, bác sống ngay thẳng không gạt gẫm ai không trai gái đàng điếm. Tại sao trời không thương bác gieo chi cái bệnh điên khùng xuống đứa con gái mà bác hết lòng kỳ vọng yêu thương bởi vậy bác Tám nóng lòng từng ngày chuyện trị bệnh cho con mình.
Ngay thời điểm đó con dâu lớn của bác có mang đứa con đầu lòng, cái thai yếu nên cô xin về nhà cha mẹ ruột dưỡng thai, chồng cô dĩ nhiên là ở bên cạnh để chăm sóc vợ. Anh con trai thứ hai thật thà xưa nay không lường được những thói đời hiểm sâu. Sức người có hạng một mình bác Tám không thể lo hết chuyện nhà chuyện cửa và chuyện đưa con đi trị bệnh. Bác muốn con mình thử trị bệnh ở bất kỳ phương pháp nào nhưng bác cũng thừa biết có nhiều kẻ núp danh đồng bóng hay trị bệnh để lợi dụng những con bệnh là đàn bà con gái. Đúng lúc đó  anh hai Đực xin thưa chuyện cùng bác, anh nói:
-  Xin bác giao Út Nhung cho con, con thương em ấy như em út trong nhà mình, con chạy ghe bao năm quen biết nhiều người con hỏi một tiếng thầy bà gì người ta cũng chỉ giúp. Đường xá gì con cũng rành rẽ nhanh nhẹn hơn Ba Tài (anh trai Út Nhung). Người xấu tốt con nhìn được, con hứa với bác là con không để Út Nhung xảy ra bất cứ chuyện gì. Bác không cần e ngại gì hết chừng nào Út Nhung hết bệnh bác thưởng tiền thưởng đất cho con cũng chưa muộn.
Hai Đực bắt đầu tháng ngày chạy chữa bệnh cho Út Nhung. Nghe đồn nơi nào thầy hay bà giỏi, am miễu linh thiêng hay thuốc nam thuốc bắc gia truyền gì anh cũng lặn lội dẫn Út Nhung tới. Đáp lại nổ lực của anh bệnh tình cô vẫn không khá lên.
 Sáu tháng sau vị hôn phu của cô chính thức từ hôn.
 Bác Tám tuy hiểu lỗi con mình bệnh hoạn không trách được người ta nhưng mà bác buồn, không phải buồn vì anh ta từ hôn mà buồn về lòng người. Mới hôm nào khi Út Nhung vừa bị tai nạn anh ta vật vã tự trách mình là nếu hôm ấy mình đưa Út Nhung về thì đâu xảy ra cớ sự. Cũng chính miệng anh ta bảo dù cô thế nào vẫn bỏ rơi cô và không thay đổi ý định cưới cô làm vợ. Vậy mà vừa mới đúng một năm tính từ ngày Út Nhung gặp tai nạn thì anh ta từ hôn.
Mặc kệ chuyện Út Nhung bị từ hôn cùng những lời xầm xì của những kẻ rảnh rỗi rằng bệnh cô không thể trị hết, do cái hồn đã bị bắt đi chỉ còn cái xác vật vờ. Hai Đực vẫn kiên nhẫn ngược xuôi tìm thầy tìm thuốc và dẫn Út Nhung đi chữa bệnh mà không hề có chút nản lòng.
Một ngày bác Tám nhờ Hai Đực qua ngủ trông nhà giúp ba ngày, bác và anh trai Út Nhung đi dự tiệc cưới của cháu ruột bên miệt Cần Thơ. Buổi tối Hai Đực giăng mùng ngay hàng hiên trước sân để ngủ tiện thể trông luôn đám cây kiểng trước sân. Đêm đầu tiên mọi chuyện đều bình thường, tới đêm thứ hai khi anh đang ngon giấc chợt có đôi bàn tay đẩy mạnh anh vào phía trong. Mắt nhắm mắt mở chưa tỉnh ngủ anh đã nghe cái giọng quen thuộc của Út Nhung:
- Anh Hai xích vô cho Út nằm với...
Hai Đực lồm cồm ngồi dậy vơ vội cái áo thun treo mé đầu giường tròng vô người. Sau đó anh nhảy ào ra khỏi mùng, đưa tay cuốn vội cái mùng lên giọng anh hốt hoảng:
- Đừng.... đừng Út, Út không ngủ ở đây được Út vô nhà nhanh đi Út lỡ ai mà trông thấy thì ảnh hưởng danh tiết của Út hết. Sao Út không ngủ mà đi ra đây?
Út Nhung ngước đôi mắt vô hồn nhìn anh hỏi lại câu cũng vô nghĩa như đôi mắt ấy:
- Danh tiết là gì vậy có ăn được hông, ngon hông? Út ngủ hổng được, Út muốn ra đây đếm sao, má Út dạy ngủ không được đếm hết sao trên trời là sẽ ngủ được. Nhà Út, Út muốn ngủ ở đâu thì Út ngủ mắc mớ gì anh Hai đuổi Út anh Hai xấu lắm Út ghét anh Hai, Út không chơi với anh Hai nữa...
Vừa dứt câu thì Út Nhung nhổm dậy dùng dằng bỏ chạy ra cái ngõ phía trước nhà, Hai Đực xỏ chân nhanh vô đôi dép rượt theo cô, theo hướng chạy của cô Hai Đực đoán Út Nhung chạy ra mảnh vườn nhà cặp mé sông. Khi anh chạy ra tới đã thấy Út Nhung đang đứng trên cây cầu xi măng bắt ra sông, cô nhìn chăm chú xuống nước và hình như đang muốn nhảy xuống. Hai Đực chạy nhanh tới xốc ngang eo và cố kéo cô lại Út Nhung quay lại cào cấu lên người Hai Đực liên hồi miệng lảm nhảm:
- Buông Út ra để Út xuống tắm với bạn Út tụi nó đang đợi Út kìa buông Út ra nhanh lên
Lúc kéo được Út Nhung lên hướng bờ thì Hai Đựa lại một phen đỏ mặt tía tai nguyên hàng cúc áo trước Út Nhung đã mở ra hết từ khi nào. Dưới ánh trăng những mảnh da thịt và phần ngực trần trở nên đẹp một cách ma mị quyến rũ. Hai Đực ấn Út Nhung ngồi xuống, anh xoay mặt ngang đi tránh nhìn vào người cô, đôi bàn tay run rẩy khi cố cài lại từng cúc áo cho cô, giọng anh nài nỉ:
- Út ngoan nghe lời anh vô nhà ngủ đi mai anh đi mua kẹo bông gòn cho Út ăn, Út không được xuống sông tắm một mình biết chưa nguy hiểm lắm. Dù Út lội giỏi cở nào cũng có thể bị đuối mùa này nước đổ về rất mạnh
Út Nhung ngồi phụng phịu như đứa con nít rồi rưng rức khóc dỗi hờn:
- Anh hổng thương Út anh ghét Út hổng cho Út xuống tắm với bạn còn bắt Út uống thuốc đắng còn dẫn Út đi cho người ta đánh. Bữa kia bà thầy ở Xóm Miễu dùng roi đánh Út ở đây nè đau lắm, anh đừng có dẫn Út đi gặp họ nữa được không?
Anh Hai Đực cầm cánh tay chỗ Út Nhung chỉ bị bà thầy dùng roi trừ tà đánh khẽ xoa xoa nhẹ. Anh đưa tay vén mái tóc của cô gọn gàng qua một bên, tiếng anh nhẹ như gió thoảng:
- Sao mà không thương Út, anh thương Út từ hồi Út mới mặc áo dài đi học ngoài trường cấp ba kìa nhưng anh không có dám nói, anh biết Út hổng bao giờ để ý tới anh. Út đẹp Út giỏi nhất xứ này bác Tám coi Út như ngọc như ngà, anh cái gì cũng tầm thường thì làm gì có chuyện bác gả Út cho anh. Huống hồ chi ai cũng biết  ba anh với bác Tám bao năm nay  như kẻ thù, anh mà để lộ ra thì bác sẽ cấm cửa không cho anh tới lui mà Út cũng sẽ xa lánh anh. Không sao hết Út hạnh phúc là anh vui rồi, anh đâu có muốn bắt Út uống thuốc đắng, đâu có muốn lôi Út đi đầu này xóm nọ trị bệnh để Út phải chịu cực. Anh muốn Út hết bệnh, nghe người ta gọi Út bằng Út Khùng anh đau lòng lắm.
 Anh muốn Út khoẻ mạnh như xưa lấy tấm chồng xứng đáng rồi sống hạnh phúc như bao người, dù Út thế nào thì trong mắt anh Út vẫn không thay đổi. Anh sợ ba Út nghi ngờ không chịu cho anh dẫn Út đi trị bệnh nên anh phải nói đở là ham tiền thưởng, Út ngoan nghĩ công anh, Út chịu khó uống thuốc cho mau hết bệnh là được.
Nước mắt vẫn đọng quanh mi nhưng Út Nhung lại bật cười khanh khách như đứa trẻ thơ. Cô ngã người ra sau đầu dựa vào vai Hai Đực, hai cánh tay mát rượi vòng quanh cổ anh như đứa trẻ cô tỉ tê:
- Út bệnh gì vậy rồi lỡ Út hổng hết bệnh luôn thì sao? Anh Hai nuôi Út luôn được hông? Lâu lâu là Út nghe mấy đứa bạn rủ Út ra đây tắm Út nhớ anh Hai có dặn không được như vậy nhưng tụi nó rủ hoài hà. Út hổng đi thì nó nhéo Út đánh Út, Út sợ lắm hay anh Hai ở cạnh Út hoài đi tụi nó sợ anh Hai có anh Hai tụi nó không dám ăn hiếp Út.
Mất cả tiếng đồng hồ trì kéo dỗ dành lẫn dọa nạt Út Nhung mới chịu nghe lời Hai Đực đứng lên đi vô nhà ngủ. Nhìn bóng cô khuất sau cách cửa Hai Đực mới thở phào nhẹ nhõm mà trở lại chỗ ngủ của mình nhưng mà anh có ngủ được gì đâu, anh gác tay lên trán nhìn ra khoảng không trước mặt hình như suy nghĩ chuyện gì quan trọng lắm.
------
Một tháng sau....
Đầu đêm hồi hôm bác Hai Ánh ghé qua nhà bác Tám Tàng, uống non ly trà bác Hai tằng hắng nói tin động trời. Bác được ba Hữu nhờ cậy làm mai mối hỏi Út Nhung cho Hai Đực.
Trong khi bác Tám gái mặt mày xanh mét lo ông chồng nóng tính của mình sẽ làm ầm lên và tống cổ ông khách kia về thì bác Tám trai chỉ im lặng cầm thật chặt cái uốngly trà như muốn bóp vụn nó ra vậy. Bác Hai Ánh nhỏ nhẹ:
- Chú biết tính anh xưa giờ không nhúng tay vô ba cái chuyện mà thiên hạ gọi '' bốn cái ngu''. Nhất là ai cũng biết ân oán giữa chú với Ba Hữu nhưng anh vẫn nhận lời làm ông mai.
Anh vì hai đứa nhỏ Hai Đực là đứa không tệ, nhà ai có chuyện khó khăn nó đều xông xáo nhảy vào giúp đở nhiệt tình, chú biết rõ mà phải không?
Giao Út Nhung cho nó thì không lo nó bạc đãi con nhỏ, chuyện hồi xưa  đừng có trút lên đầu tụi nhỏ. Anh đánh tiếng dùm thôi chú không cần trả lời anh chú cứ suy nghĩ kỷ trước đã. Sáng mai Ba Hữu nó qua đây, gả hay không hai chú cứ nói với nhau. Lúc đó chú có đổi ý cũng chưa muộn.
Trời chưa sáng bác Tám đã trở dậy và ra cái võng bên hông nhà nằm đong đưa. Cả đêm bác có ngủ được đâu, đầu bác rối rắm với những  suy nghĩ đan xen không phải vì lời khuyên của vợ bác đâu dù bác cũng công nhận vợ mình có lý. Bác Tám gái nói:
- Dù mình thương con mình bao nhiêu đi nữa cũng không bằng chồng nó thương nó. Mình cũng đâu bao bọc nó suốt đời được bây giờ không gả nó sau này tui với ông già ai chăm sóc con mình. Lúc đó có muốn gả nhưng không ai cưới thì làm sao?
Nó hết bệnh thì mình được con rễ ở gần lỡ nó không hết bệnh mình cũng nhìn ngó được con mình, ví dụ thằng Hai nó bạc đãi con Út thì mình bắt con mình lại. Tui tin Hai Đực không phải đứa như vậy, ông thấy đó nó chẳng là gì của mình mà cả năm trời nay nó chạy đôn chạy đáo vì con Út Nhung mà nó có than thở tiếng nào đâu. Trong khi chồng chưa cưới của nó còn không làm được như vậy. Con mình gả cho Hai Đực nhà mình cũng không mất mặt gì hết, gia đình bên ấy cũng danh giá bao đời tại thời thế mà sa sút....
Bác Tám không để ý những lời vợ nói bác chẳng lo không nuôi nổi con gái dù cho cả đời nó không hết bệnh đi chăng nữa. Bác cũng không quan tâm tính cách Hai Đực cây cối vô tri mà bác còn nhìn ra loại nào tốt xấu huống hồ chi bác thấy Hai Đực từ nhỏ tới lớn. Cái bác quan tâm là bác Ba Hữu, sáng nay liệu Ba Hữu có qua không? Nếu Ba Hữu qua thì bác nhận lời gả Út Nhung hay không gả? Ba Hữu qua tức là xuống nước rồi lẽ nào bác cứng cổ làm cao? Liệu Ba Hữu qua hỏi cưới Út Nhung cho Hai Đực là thiệt lòng hay cố ý lấy cớ để chế nhạo bác có đứa con gái khùng điên? Bác luẩn quẩn với suy nghĩ của mình mà trời sáng bét lúc nào không hay. Tới chừng nghe con chó Mực sủa inh ỏi ngoài ngõ và anh con trai vào thưa ''Có bác Ba với Hai Đực ghé ba ơi!'' thì bác như choàng tỉnh, bác lật đật bước xuống võng và bảo:
- Lẹ lẹ ra mời bác lên nhà trên, nói chờ ba rửa mặt thay cái áo ba ra liền. Kêu má mày châm bình trà nóng với lấy hộp bánh trong tủ ra đãi khách.
Sau vài ly trà cũng như vài câu thăm hỏi nhau thì bác ba Hữu vào đề chính chuyện muốn hỏi cưới Út Nhung cho Hai Đực. Bác Tám thở dài thườn thượt đưa mắt nhìn sang hướng Út Nhung đang ngồi bệt dưới sàn nhà. Hôm nay dù được mẹ mình buộc tóc cho gọn gàng cũng như khi nghe mẹ bảo chào bác Ba đi con thì cô cũng chào y vậy. Xong đâu đó cô ngồi bệt xuống góc nhà lảm nhảm nói chuyện cười giỡn với lũ kiến, bác Tám nói:
- Nó giờ vậy đó, coi như không mong gì làm dâu làm con hay nấu nước nấu cơm. Ngược lại còn phải canh chừng nó nữa anh à. Nhà anh đơn chiếc tui sợ là tui giao gánh nặng cho nhà anh, anh với cháu nghĩ kỷ lại lần nữa đi, còn tui đã nói là giữ lời con  thương đâu tui gả đó hổng đòi hỏi gì hết.
Bác Ba Hữu nhìn Út Nhung và đáp giọng chắc nịch:
- Thằng Hai nhà tui khỏi cần hỏi nữa rồi Út Nhung bệnh tình ra sao tui cũng hiểu rõ. Anh cũng biết tui với anh như mặt trời, mặt trăng bao năm. Tính tui là không có đầu lụy ai bao giờ nhưng thằng Hai nhà tui nó thương con Út thật lòng, nó năn nỉ tui cả tháng nay nên tự ái gì tui cũng dẹp bỏ được hết. Anh không lo vụ làm dâu, hai đứa con gái tui ở bển tụi nó giỏi quán xuyến bếp núc nào giờ nên con Út không biết làm gì cũng không sao.
Ở bển yên tịnh hơn bên này biết đâu bệnh con Út nó bớt đi, tui nói có đình thần xứ này làm chứng tui chỉ đi cưới vợ cho thằng Hai nhà tui duy nhất một lần mà thôi. Sau này mà nó đổ đốn hay ruồng bỏ con Út, con anh anh dẫn về và lôi đầu thằng Hai ra mà cạo mà chém gì tui cũng không nửa lời can thiệp. Tui nói mà tui không giữ được lời tui bỏ xứ này tui đi.
Bác Tám gọi Út Nhung lại và hỏi là có chịu lấy Hai Đực không? Cô ngơ ngơ ngác ngác đứng cười hì hì tới chừng má cô  giải thích ''lấy chồng'' tức là về ở chung nhà với Hai Đực thì cô nhảy cẳng lên như đứa con nít được kẹo gật đầu lia lịa ra vẻ hân hoan lắm.
 Sau khi bàn tính thêm vài chuyện tuổi tác để coi ngày giờ tốt thì nắng đã lên cao, bác Ba cáo từ ra về cho kịp con nước bác Tám đi cùng để tiễn khách. Bác len lén nhìn người bạn thời niên thiếu cũng từng là kẻ bác thù  ghét mấy chục năm. Trước mắt bác chẳng còn chút gì hình ảnh của anh công tử con nhà giàu ngày xưa. Cái áo đang bận tuy mới nhưng nhìn vẫn biết thiếu bàn tay phụ nữ chăm sóc, mái tóc phía trước đã hói một ít dáng người khô khan già trước tuổi. Gà trống nuôi con hẳn là không dễ dàng gì rồi xét cho cùng bao năm qua bác vẫn là người có phúc hơn, vợ bác hiền lành đảm đang. Ví dụ như hồi xưa bác có lấy cô ba Hương thì cũng chưa chắc được mái ấm hạnh phúc như bây giờ, bác  lên tiếng phá tan không khí im lặng:
- Tui nghe Hai Đực nó bảo bên anh đang trồng nhãn xuồng phải không? Chút xế chiều tui lôi mấy bao phân ra trộn, mai tui kêu thằng Hai chở về bển hai bao cho anh. Anh chờ nhãn nó ra bông thì anh bẻ bớt đi chừa những nhánh bông lớn thôi. Đợi chừng hai ngày anh bón phân vô mỗi góc chừng ly uống trà thôi nhe anh. Tới chừng ra trái, trái nó lớn lắm mà sai nữa mình đở tốn công nhiều mà khi thu hoạch năng suất lại cao hơn
Hình như bác Ba mãi lo dáo dác nhìn ngó chung quanh mà không hề để ý đến những gì bác Tám nói. Ra tới câu cầu đang có chiếc ghe máy buộc đó, nhìn quanh không có ai bác Ba Hữu nói vội:
- Tui còn chuyện này muốn nói với anh mà kẹt nỗi chị Tám đứng cạnh một bên hoài nên tui không nói được. Anh cần nghe hay không, anh tin hay không thì tui vẫn nói.
Hồi xưa tui từng nói với anh là tui không có tình ý hay thích gì cô ba Hương hết nhưng mà anh hổng có tin tui, bây giờ tui vẫn nói lại y như vậy. Anh biết tui thương nhất là ba đứa con của tui, tui lấy mạng cả nhà tui ra mà thề với anh, tui có gian dối nửa lời thì hà bá sông này lôi cả nhà tui xuống cho cá rỉa thây đi.
Cô ba Hương hay lân la qua nhà nội tui chơi, có lần tui hỏi cô là quen anh hả? Cô nói hổng có, anh để ý cô hay không cô không biết nhưng mà cô không thích anh gì hết. Lúc đầu nhìn cô đẹp tui cũng ưng mắt nhưng sau đó thấy cô bạo dạn quá thái nên tui không thích. Tính tui ưa thùy mị đàng hoàng chớ lẳng lơ dễ dãi ở Sài Gòn đâu có thiếu cần gì về tận quê.
Bà con bên vợ tui ở gần bên em chồng của cô dưới Mỹ Tho. Hồi xưa khi còn sống vợ tui cố ý dọ hỏi thì biết chồng là do cô ưng chứ có ai bắt ép gì đâu. Lúc đầu ba cô không chịu gả do ông bác sĩ ông nhiều tuổi và đã từng có đời vợ cùng con riêng. Chính cô dọa không gả sẽ thắt cổ tự vận chết, qua tới bển không bao lâu cô bỏ chồng và lấy ông chồng khác người Mỹ chính gốc. Cô về Việt Nam nhiều lần nhưng cô chê xứ mình bùn lầy nước đọng không về thăm chỉ ở trên Sài Gòn thôi.
Sở dĩ tôi biết đầy đủ như vậy là do con gái riêng của ông chồng cô ba Hương bây giờ là con dâu của anh bạn học chung trường với tui hồi xưa, tui và mấy ông bạn cũ vẫn liên lạc thư từ thường xuyên.  Hồi trước tui ghét tính anh nóng nảy không tin tui nên tui im luôn cho anh ôm tình si chơi nhưng bây giờ tụi mình già hết rồi lại sắp làm sui gia, tui hổng sân si như xưa nữa tui phải nói để tháo gở gút mắc giữa tụi mình.
Chiếc ghe máy của bác ba ra tới giữa sông bác Tám mới quay vô nhà. Vừa tới sân bác gặp vợ mình đang đứng nhìn ra với ánh mắt lo lắng, bác Tám gái hỏi dồn:
- Vụ gì mà ông với anh Ba xầm xì ngoài đó vậy lâu vậy? Gì từ từ nói rồi thương lượng với nhau đừng ào ào như hồi xưa nhe ông, con cái lớn hết rồi. Ảnh về rồi tui mới dám yên tâm sáng giờ tui hồi hộp muốn chết luôn. Tui dặn thằng ba phụ tui luôn đứng gần ông, lỡ hai người nói gì hổng hạp cãi nhai thì phụ tui kéo ra, may mà gì cũng tốt đẹp hết
Bác Tám trai khẽ nạt vợ nhưng miệng lại cười, bác nói:
- Bà cứ cái tật lo xa đâu đâu làm như tui người không biết lý lẽ, có ba mặt con mà bà chẳng có chút tin tưởng chồng bà gì hết vậy? Ừ, mai bà quởn đi chợ cắt vải may thêm hai cái áo dài đi bà, may ở tiệm Út Phận đó, may giống cái hôm trước bà bận đi đám cưới nhà Tư On. Bà bận kiểu đó nhìn sang và đẹp, còn tụi thằng hai thằng ba lớn rồi để tự tụi nó lo...
Dứt lời bác Tám đi te te vô nhà mất dạng mà bác Tám gái còn đứng ngơ ngác giữa sân như chưa hiểu chuyện gì xảy ra, bác lẩm bẩm:
- Bữa nay ổng sao vậy trời, lấy nhau gần bốn chục năm có bao giờ nghe ổng khen gì vợ đâu. Út Nhung nó bệnh chớ ổng đâu có bệnh, hổng lẽ ổng uống lộn thuốc.
Ba tháng sau đi đâu cũng nghe người ta bàn tán chuyện đám cưới Hai Đực với Út Nhung. Người tốt thì mừng dùm  họ bảo lù khù có ông cù độ mạng Hai Đực sống tử tế trời khiến lấy được cô gái đẹp nhất giỏi nhất xứ này. Có người bảo tại Út Nhung sống chan hòa không kênh kiệu nên dù khùng vẫn lấy được anh chồng tốt mà nhiều đứa khoẻ mạnh bình thường chưa chắc lấy được. Những kẻ ganh ăn tức ở thì nhỏ to xem thử đám cưới cô dâu khùng sẽ làm sao, hổng chừng nhảy cà tưng cà tưng hay lảm nhảm la khóc lúc đó đám cưới thành đám cười mấy hồi. Tám Tàng với Ba Hữu mà mần sui với nhau chuyện gì sẽ xảy ra đây? Biết đâu chẳng có lúc lôi ra đánh nhau một trận như hồi xưa.
Bỏ mặc ngoài tai những lời bàn tán, hai bên nhà trai nhà gái vẫn tổ chức đám cưới linh đình đúng theo những phong tục cần có.
Trong ngày đám cưới tuy Út Nhung vẫn còn bệnh nhưng hôm đó cô đặc biệt ngoan ngoãn không có hành vi gì ra vẻ điên khùng. Hai Đực kêu nói gì thì cô nói y vậy ngoài ra chỉ đứng mỉm cười thôi. Nhìn bề ngoài cô không hề có dấu hiệu gì bị bệnh thần kinh, áo dài thướt tha xinh đẹp rực rỡ cô bước xuống ghe sang sông về làm dâu xóm Cù Lao trong những lời chúc phúc của bà con lối xóm.
Ba ngày sau đám cưới, sáng sớm Hai Đực đang xách cái giỏ đựng cặp vịt xuống ghe cùng mớ bánh trong mâm qủa. Anh chuẩn bị dẫn Út Nhung về nhà vợ làm lễ phản bái, nghe tiếng động ở phía trên cầu anh nhìn lên thấy Út Nhung ôm cái thùng nước ngọt ra và đứng đó. Anh nhảy vội lên đở lấy và khẽ la cô:
- Anh đã nói để anh lên lấy được rồi nặng lắm. Đưa đây anh, Út ngồi đây chờ nghe chưa đừng có tự xuống ghe lỡ Út té xuống sông thì khổ, mùa này buổi sáng nước lạnh lắm. Ngồi đây nghe chưa anh lên lấy cái này rồi anh xuống liền.
Anh quay đi vài phút sau quay trở ra nhưng không xách gì cả ngoài chén thuốc bắc trên tay. Anh đưa cho Út Nhung và nói:
- Mấy nay lu bu đám tiệc Út không có uống thuốc đúng giờ gì hết. Anh thấy thuốc ông thầy này coi bộ hạp à thấy Út bớt nhiều. Không có đắng đâu Út, anh có mua thêm bịch đường phèn, nãy anh có bỏ vô đó cho nó tan. Út uống đi, còn ấm uống đở ngán rồi tranh thủ về bển để trễ.
Út Nhung đưa tay bưng chén thuốc cô nhìn vào chén thuốc rồi nhìn vào mặt chồng mình nhưng không nghe lời Hai Đực ngoan ngoãn uống như mọi khi.Trong khi Hai Đực còn đang cố dỗ dành chút nữa mua kẹo bông gòn thì cô chợt bật cười và nghiêng tay đổ chén thuốc xuống sông cái ào.Hai Đựa ngơ ngác lẫn bất ngờ trước phản ứng kỳ lạ của cô thì cô cười tỉnh queo và nói bằng cái giọng rõ ràng liền mạch:
- Em có bị bệnh bao giờ đâu mà uống thuốc, anh ở cạnh em hơn cả năm mà anh còn không nhìn ra chả trách chi đầu trên xóm dưới ai cũng tin em khùng hết. Lúc trước khi em gặp Quang thú thật vẻ bề ngoài cùng cách ăn nói khéo léo của anh ta khiến em xiêu lòng nên em nhận lời tiến tới hôn nhân.
Nhưng sau đám hỏi em phát hiện ra đằng sau cái vỏ bọc trí thức học cao hiểu rộng ấy là một tâm hồn rỗng mục và toan tính. Anh ta chọn em vì nghĩ em ở quê chắc sẽ ngu ngơ để bị anh ta làm chủ, anh ta nhìn ra tiềm năng kinh tế của nhà em và biết ba rất thương em. Căn nhà trên Sài Gòn mà ba em mua do chính anh ta khôn khéo tác động là sợ em làm dâu cực khổ.
Chiều ngày em bị té xe là em tình cờ qua nhà anh ta và bắt gặp anh ta cùng một cô gái khác. Em buồn em chạy xe nhanh nên em bị té nhưng em không hề bị điên khùng gì hết. Lúc chập chờn tỉnh dậy em nghe bác sĩ bảo cần theo dõi xem có sao không vì em đập đầu xuống đường, em bèn nương vào đó giả khùng giả điên.
Em không muốn lấy con người đó nhưng em biết em nói kiểu gì thì ba em cũng không chịu hủy hôn, ba em trọng chữ Tín như mạng sống tính ông lại cố chấp xưa giờ. Thêm vào ba em rất hài lòng về anh ta về hình thức cũng như học vị, ngay cả chuyện anh ta  lang chạ ở ngoài cũng sẽ được bào chữa do hiểu lầm hoặc do cô gái ấy quyến rũ. Em không thể nói lại con người hoạt ngôn ấy. Bản thân em cũng thấy mệt mỏi nên định lợi dụng khoảng thời gian đó mà nghĩ ngơi cho tâm hồn tĩnh lặng lại nhưng anh ta là con cáo già anh ta không buông em ra trong vài tháng nhanh chóng như em nghĩ mà kéo nhùng nhằng ra cả năm.
Ngày xưa anh lúc nào cũng che giấu bảo coi em như em út trong nhà, em thật sự không biết anh thương em. Những tháng ngày anh đưa em đi trị bệnh lo lắng trong ngoài em nghĩ anh thương em nhưng em vẫn không chắc nên em vẫn giả khùng tiếp biết đâu anh vì lý do gì khác. Chuyện đêm trăng là em cố ý hết, em muốn làm phép thử xem anh tốt với em vì mục đích gì và rồi thì em có câu trả lời.
 Kế tiếp thì ba bên này qua hỏi cưới em cho anh càng khiến em bất ngờ hơn. Anh không ngại chăm sóc con khùng như em suốt đời anh tốt như vậy thương em như vậy thì tại sao em hổng ưng anh. Trước đám cưới em tính giả bộ tỉnh khùng nhưng em vẫn sợ lỡ có gì thay đổi vào phút chót thì sao, thành ra em im luôn chờ ván đóng thuyền rồi nói cũng chưa muộn.
Anh nhớ không được nói chuyện này cho ai biết nhe anh, nhất là ba em mắc công ba giận khi biết em gạt ba khiến ba lo lắng nhưng em thiệt hết cách. Cứ để tự nhiên xem như em uống hạp thuốc nên hết bệnh.
Câu chuyện Út Nhung kể kết thúc mà anh Hai Đực còn ngồi ngơ ngác như mới rớt từ cung trăng xuống. Út Nhung cười cười và đứng dậy, cô đưa ngón tay xỉ nhẹ giữa trán anh và nói:
- Đi thôi anh, nắng lên rồi còn ngồi đó làm gì nữa hay là không dám ngồi gần em. Mèn ơi, có người tưởng em khùng thiệt tối ngủ không dám ôm em kìa, sợ bị em cắn chết phải không?
Anh Hai Đực giật mạnh chiếc ghe máy hướng ra phía sông. Út Nhung xõa mái tóc vừa gội ban sáng để gió hong khô còn bàn tay khẽ vọc vọc dưới nước, cô ngồi giữa lòng ghe khuôn mặt nghiêng nghiêng với chồng mình.
Tự nhiên chưa bao giờ Hai Đực thấy vợ mình đẹp lạ lùng tới như vậy, không riêng gì cô, sông nước, đám lục bình trôi ngang anh cũng thấy chúng đẹp hơn ngày thường rất nhiều dù ngày nào mà anh chẳng thấy.
Chuyện đám cưới Út Nhung vừa mới lắng xuống xóm giềng lại một phen bàn tán tiếp, sau đám cưới một tháng cô xách gói lên Sài Gòn đi học. Học cái gì cũng chả ai biết, đó giờ mới nghe đàn bà có chồng đi học ở xứ này, hình như những chuyện xung quanh Út Nhung luôn trở nên kỳ bí. Như chuyện sau đám cưới cô hết khùng một cách nhanh chóng kỳ lạ, thiên hạ đồn đãi ''ông'' ở đình thần thương xót nên ban phép lạ. Còn mấy cha thầy bùa và mấy bà đồng  bóng thì đua nhau tranh công là nhờ mình trục ma giỏi hoặc thuốc gia truyền hay. Vài kẻ ra vẻ hiểu biết thì bảo do cô đi lấy chồng khiến con ma vu hồn ấy biết hết cơ hội, đành ôm khối tình tuyệt vọng đi đầu thai  không theo ám ảnh hành hạ cô nữa.
Chồng cô cũng lạ ai đời vợ mới cưới  đầu hôm sớm mai lại chịu cho  đi xa mình. Ai bóng gió gì cũng mặc chỉ thấy cứ vài tuần một tháng thì anh Hai Đực xách giỏ lớn giỏ nhỏ lên Sài Gòn thăm vợ, có lúc thì Út Nhung về thăm chồng. Vợ chồng họ quấn quých như đôi chim câu trong tràn đầy yêu thương hạnh phúc.
Hơn năm sau nhà bác Tám lại mở tiệc ăn mừng chuyện Út Nhung đậu đại học.
 Bác Tám là người vui nhất, ước nguyện của bác coi như làm được. Con bác ăn học tới nơi tới chốn như ai, bác thương Út Nhung nhiều hơn hết không sai mà. Đứa con gái của bác học hành giỏi giang chọn chồng cũng giỏi. Kế tiếp thì người ta thấy bác kêu thợ lại nâng cấp cái sân trồng kiểng dọn dẹp lại nhà cửa, bác kêu bác gái đem mớ chén kiểu xưa và đồ vật gia dụng của ông bà để lại ra chưng dọn. Bên nhà bác Ba thì thầy thợ cũng xây dựng không ngơi tay, họ cất những cái chòi trên mấy cái đìa lớn bên miếng đất ở cù lao của bác. Phía dưới dìa thì thả cá mé bên kia nhốt vịt nuôi gà, bên nọ trồng rau tưng bừng cả lên. Sau đó là đóng một chiếc ghe thiệt đẹp có ghế ngồi hai bên, máy ghe thì chọn loại tốt loại mạnh.
Đầu trên xóm dưới lại bàn tán không biết Ba Hữu với Tám Tàng ủ mưu làm gì lớn lắm đây. Tới chừng một buổi sáng nọ có chiếc xe dạng bus bự chảng mà thiệt đẹp thắng cái két ngay bến đò. Trên xe bước xuống toàn mấy ông bà tóc vàng mắt xanh cao lớn, trong khi Út Nhung mỉm cười Welcome to... thì anh Hai Đực đã ngồi ngay ngắn ở vị trí tài công. Lúc đó thiên hạ mới té ngửa ra là hai vợ chồng anh đã tính toán chu đáo từ trước, gì chớ cù lao này anh thuộc như lòng bàn tay. Anh biết rõ mé nào có lũ cò vạc tụ tập mé nào có lũ chim dòng dọc làm tổ treo lủng lẳng dọc theo đám bần.
Buổi trưa những vị khách dùng bữa ngay mảnh đất nhà anh. Người nhà quê chuyện câu cá hay ăn cá lóc nướng trui  là chuyện nhàm chán không có gì lạ nhưng nó lại là thứ mới lạ của mấy ông tây bà đầm. Điểm cuối cùng họ đến chính là ngôi nhà cổ và vườn kiểng của bác Tám. Thôi thì cả nhóm họ rối rít hẳn lên chụp hình lia lịa chỉ trỏ hỏi han ra vẻ thích thú lắm.
Trong lúc bác Tám giải thích cây mai đó bao năm, cái đèn dầu kia từ thời Pháp thuộc do ông cố nội mình để lại thì bác Ba Hữu làm người phiên dịch bằng vốn ngoại ngữ còn sót lại sau bao năm của mình.
Bác Tám bây giờ cũng học từ anh sui mình rất nhiều câu bác cũng hiểu tại sao gọi là very good hay gặp mặt mình là họ cứ How are you? Bác cũng biết lịch thiệp nói Thank you hoặc good bye hay see you again  như ai chứ bộ. Bấy nhiêu cũng khiến mấy ông bạn láng giềng mở to mắt vì thán phục. Lối xóm cũng vui lây trước những vị khách xa lạ đi thơ thẩn ngắm nghía phong cảnh trên đường làng, chỉ khổ là mỗi lần muốn nói gì phải  múa tay múa chân hơi mệt thôi. Phải mà biết nói lưu loát như Út Nhung vợ Hai Đực thì hay biết mấy.
Cứ cách vài ngày là có một đợt khách như vậy từ Sài Gòn xuống càng ngày càng nhiều hơn, đông hơn. Không ai biết rõ những điều khoản trong hợp đồng của Út Nhung ký kết với công ty du lịch trên Sài Gòn. Chỉ biết khi đứa con trai đầu lòng của Út Nhung vào mẫu giáo thì hai vợ chồng cô đã cất xong căn nhà một lầu một trệt xinh xắn ngay bến đò. Ghe du lịch bây giờ cũng đã có ba, bốn chiếc toàn bộ đất bên cù lao của bác Ba Hữu trở thành quán ăn đồng quê xinh xắn do hai cô con gái coi sóc quản lý. Nghe đâu hai vợ chồng Út Nhung còn định xây khách sạn mini trong tương lai nữa.
Phần bác Ba Hữu ở cùng vợ chồng anh Hai Đực. Sau buổi chiều cơm nước xong bác chạy xe xuống nhà anh sui của mình, hai người họ có khi ngồi đánh cờ tướng với nhau. Có khi lại lôi những chuyện kiểu '' Mấy thằng cầm quyền Trung Quốc nó ngang ngược quá anh, cứ dòm ngó mấy hòn đảo của Việt Nam mình hoài. Xưa bị vua mình đánh chạy thiếu điều muốn tuột quần mà chưa tởn hay sao đó''. Cũng có lúc lại lôi mấy tấm ảnh của những vị khách thăm viếng chụp rồi sau đó họ gửi qua email mà Út Nhung đem rửa ra. Hai ông bàn luận cười nói kiểu vui vẻ rất tâm đắc, bảy giờ tối khi chuông nhà thờ đổ thì bác lại đạp xe trở về nhà. Không thấy bác vào chừng một hai ngày là bác Tám lại xách xe chạy xuống thăm coi có bệnh hoạn gì không.
 
 
Nếu một ngày nào đó bạn đến vùng cù lao sông nước thuộc địa phận Tiền Giang. Bạn thấy chiếc ghe dạng du lịch chở  những ông tây bà đầm chạy chầm chậm vòng quanh chợ Nổi. Trong ghe có một người đàn bà còn khá trẻ, tóc đen nhánh búi thành một búi to trên gáy khuôn mặt ưa nhìn đang giới thiệu với họ những nét đẹp riêng của quê mình. Cách đó không xa có người đàn ông dong dỏng cao, nụ cười thân thiện dễ mến ngồi điều khiển chiếc ghe thì chính là vợ chồng Hai Đực và Út Nhung mà tôi vừa kể.
Song Nhi
Jan 20, 2015

Xem Tiếp: ----