hững người hay đi vay nợ lãi ở vùng Huyện Lâm, chắc không ai là không biết tiếng ông Hàn Trái. Ông ta thật được như câu ngạn ngữ: «có gan làm giàu» cho nên trước kia bữa ăn không đủ mà trong mười năm trời nay, ông đã làm nên có đến hàng vạn. 
Hồi ấy ông còn là một người lái trâu kiết, cứ đến ngày buổi chợ ông ra chỗ chợ trâu, thấy ai mà cả mua trâu bò ông cũng nhẩy vào mồi chài mua tranh, nếu người kia có muốn mua con trâu ấy thì phải trả ông một hai đồng, ông buôn bán như thế tuy mỗi phiên chợ cũng kiếm được vài bốn đồng, nhưng lắm khi cũng phải đánh nhau chí mạng. 
Có người thấy ông có tính liều lĩnh và can đảm, mới thuê ông đi mang thuốc phiện lậu.
Trong ba năm trời trèo non lặn suối, ông mới kiếm được cái vốn non nghìn bạc. Rồi nhân một chuyến người ta giao cho ông mang hơn ba nghìn bạc thuốc ông bèn quịt phăng cả, bảo là bị nhà Đoan (douane) bắt mất, rồi tự đấy trở về nhà quê xây nhà và xoay làm nghề cho vay lãi. 
Ông cho vay một cách rất chắc chắn: bắt những người đi vay phải viết văn tự một gấp hai, và phải viết thế chấp nhà cửa hay ruộng nương. Nếu đến hạn mà chưa trả được thì ông đi trình mà cằm ngay lấy. Bởi vậy, ông cho vay nhiều mà không bị khê mất món nào. 
Trong tay đã sẵn đồng tiền mà chả lẽ ông cứ đeo mãi cái tên ông Lái, thì sợ cũng ê với đời, đã phú thì phải quí mới được chứ. Nghĩ vậy, ông bèn bỏ tiền ra mua quốc trái, quyên ngay được cái hàm Hàn Lâm, nên người ta mới gọi ông là ông Hàn Trái.
Tuy đã được đeo mẩu bài ngà, nhưng nghĩ đến món tiền bỏ ra ông xót ruột lắm, phải tìm cách cho vay nặng lãi nữa lên, để gỡ lại số tiền ấy.
Vừa kéo lại đủ số tiền mua Hàn Lâm thì lại gặp ngay cái hồi thóc gạo xụt giá, công nợ khó đòi, ông liền ghim ngay tiền lại, chờ cho bao giờ thóc gạo lên giá rồi mới dám bỏ ra cho vay. Nhưng đã không cho vay thì tất trong nhà ông phải ăn tiêu vào vốn. Thấy vốn mỗi ngày một cụt dần đi, ông sợ nếu cứ ăn tiêu như thế mãi mà không làm được lợi ra, thì cái gia tài của ông chả mấy lúc mà hết, ông liền phải thi hành ngay cái chính sách tiết kiệm, nào đuổi bớt người ở về, nào bắt vợ con phải bớt ăn, bớt mặc, có cậu cả đương học ở Hà Nội, chỉ còn năm rưỡi nữa thì ra thi bằng Cao đẳng tiểu học Pháp Việt, ông cũng bắt về, cho rằng đi học bây giờ dầu có đỗ đạt gì thì cũng chỉ nằm xó thôi, chứ có được bổ đi làm ngay như trước đâu mà cần, học cho phí tiền. Cậu cả nói với ông rằng đi học không phải chỉ cốt để kiếm việc làm, mà cần phải học cho biết đạo làm người. Nhưng ông không nghe bảo rằng đi học cốt để ra làm việc kiếm tiền, chứ học mà cốt để làm người thì cần gì phải học.
Thế là ông đã bớt được một món tiền về cậu cả, nhưng còn các món tiêu khác trong nhà, ông không còn làm cách gì mà bớt được nữa, chả lẽ lại bắt vợ con ăn ngày một bữa, không ăn tiêu thì không được mà ăn tiêu thì tốn, rồi ông sinh ra gắt gỏng, chửi vợ mắng con. Ròng rã hơn một năm trời, ông chưa tìm được cách gì khác để làm cho đồng tiền của ông có thể sinh sôi nẩy nở ra được, lấy làm lo lắm. Thì một hôm có người bạn cố tri trước kia vẫn buôn bán thuốc phiện lậu với ông đến chơi, ông liền đem ý muốn của mình nói với bạn cùng bàn lấy một kế mưu sinh chắc chắn.
Ông bạn nghe chuyện rồi nói:
- Tôi cũng định đến hiến quan bác một kế đây. Kế này thì lợi lắm, lợi một gấp hai, nhưng bác phải giữ bí mật lắm mới được. Tôi cũng vừa làm xong nhưng vì ít vốn nên vừa mới làm thì chỉ lợi được có ngót nghìn thôi.
Ông Hàn tưởng bạn nói đùa liền vừa cười vừa hỏi:
- Kế gì mà lợi lắm vậy? Hay bác đùa tôi?
- Không, tôi không đùa bác đâu, chả lẽ chỗ anh em trước kia có lợi ta cùng hưởng, mà bây giờ tôi không mách bác thì sao cho phải, nhưng bác cần phải giữ bí mật lắm mới được nhe.
- Bí mật bằng mang thuốc phiện lậu chứ gì?
- Không, việc này lại cần phải bí mật hơn kia.
- Vâng, bác cứ bảo cho, tôi xin giữ bí mật.
Ông bạn liếc mắt nhìn trước nhìn sau, đứng dậy đóng cái cửa xuống cầu thang gác lại rồi sẽ nói:
- Tôi có quen một bọn phù thủy rất giỏi, có phép làm được cho bạc đồng một đồng hóa hai, nếu bác có muốn làm tôi xin giới thiệu.
Ông Hàn mỉm cười:
- Làm gì lại có phép thế được.
Ông bạn nghiêm nét mặt nói:
- Nếu không thì tôi bảo bác làm gì.
Ông Hàn vui mừng nói:
- Nếu có thể làm được thì tôi cũng làm.
- Sao lại không có thể, miễn là mình có bạc thì họ làm được.
- Thế còn công của họ?
- Phải cho họ mười phần trăm.
- Vâng, xin bác bảo hộ đến đây làm giùm tôi, rồi tôi sẽ tạ ơn bác.
Ông bạn nhận lời rồi về. Hôm sau đưa đến nhà ông Hàn hai người phù thủy xách hai cái va li đến. Một người gọi là thầy Cả, một người gọi là thầy Hai. Ông bạn bảo ông Hàn dọn riêng cho họ một cái nhà và đưa bạc cho họ làm. Dặn dò chủ và bọn phù thủy ở đấy, ông bạn lại trở về.
Nửa đêm hôm ấy, ông Hàn đưa cho thầy Cả hai trăm bạc. Thầy Cả bảo ông xếp bạc vào nồi và chỉ chỗ bảo thầy Hai đào cái lỗ. Khi ông xếp bạc xong rồi, thầy bỏ mấy cái bùa vào nồi, đứng lẩm bẩm đọc thần chú và giậm chân bắt quyết rồi bảo thầy Hai bỏ nồi xuống lỗ lấp đất đi. Xong đâu đấy rồi thầy mở va li lấy ra mấy người môi bằng gỗ cho ông Hàn xem và bảo rằng đây là những binh tướng của thầy sai làm bạc đấy. Lại dặn ông rằng phải giữ gìn người nhà cho cẩn thận. Nếu đem hôm để ai nom nhòm vào thì không những việc tiết lộ mà bạc phải vía thì hỏng cả. Cho nên đến ông Hàn cũng tùy lúc họ cho vào xem mới được. 
Sáng hôm sau, họ bảo ông rằng xong rồi nhưng còn đôi ba ngày thì bạc mới đủ tuổi. 
Ba ngày hôm sau họ gọi ông vào, người thầy Cả lại đứng đọc mấy câu thần chú và lại giậm chân bắt quyết, rồi bảo ông đào lên, thì quả nhiên thấy có bốn trăm bạc, đồng nào cũng giống và kêu y như bạc thường dùng. Ông mừng quá, sai người nhà cầm bạc ấy đi mua hàng, sang cả nhà Đoan mua thuốc phiện xem có ai chê bai gì không, nhưng chẳng thấy ai bảo gì cả. Ông sướng quá bèn trả công cho họ bốn chục đồng và bảo họ về, nửa tháng nữa sẽ đến đúc cho ông một vạn. Rồi hai vợ chồng ông có bao nhiêu bạc giấy đem đổi hết lấy bạc đồng.
Y lời hẹn, nửa tháng sau hai người phù thủy ấy đưa đến ba người nữa và ba cái va li đồ. Ông Hàn vui vẻ hỏi thầy Cả rằng:
- Một vạn làm một đêm có xong không?
- Bẩm quan, bao nhiêu làm một đêm cũng xong. Nhưng quan lại phải giữ rất cẩn thận cho mới được.
- Vâng, tôi xin hết sức cẩn thận trông nom người nhà mà cả tôi cũng không dám nom nhòm đến chỗ ấy.
Đến nửa đêm, ông chuyển xuống đưa cho họ ngót một vạn bạc. Họ lại bảo ông cho vào nồi, làm phù phép như trước, và lại đào lỗ xuống chôn, rồi bảo ông ra để cho họ sai binh làm phép. 
Sáng hôm sau, bọn phù thủy bảo ông rằng xong cả rồi, ông khóa cửa cái nhà ấy lại rồi mời họ lên cả nhà gác đánh tổ tôm và ăn uống ở đấy, để đứa ở tiện hầu hạ mà không lai vãng đến chỗ nhà ấy được. 
Chiều hôm ấy, trong khi họ đương đánh tổ tôm ở trên gác, ông Hàn hốt hoảng chạy lên bảo ông thầy Cả rằng:
- Này ông ơi, tôi vừa thấy có một người trẻ tuổi cằm có cái xẹo cứ lờ vờ đi đi lại lại ở trước cửa nhà này, mà hai mắt cứ tròng trọc nhìn vào trong nhà, tôi hỏi hắn ta muốn hỏi gì, thì hắn bảo đi tìm người quen mà hắn kể hình dạng giống ông như lột. Lại hỏi thăm tôi xem có biết ông về chơi nhà ai ở đây không. 
Thầy Cả nghe nói liền xám ngắt mặt đi, hỏi ông Hàn: 
- Thế quan bảo nó làm sao?
- Tôi bảo không biết, thì nó đi ngay.
- Bẩm quan, người ấy chính là mật thám đấy. Họ biết tôi có phép hóa được bạc một thành hai, nên vẫn đi dò xem tôi ở đâu thì dình bắt đấy.
Ông Hàn cũng tái mặt đi, nói:
- Chết! Nếu họ biết ông ở đây thì làm thế nào.
Thầy Cả quả quyết nói:
- Quan không lo, để tôi liệu.
Ông Hàn vội hỏi:
- Ông làm thế nào bây giờ?
Thầy Cả vừa đứng dậy vừa chỉ tay vào hai người bạn vừa nói:
- Bây giờ tôi với thầy chú này phải đem môi gỗ và đồ phù phép đi ngay, kẻo ở đây nó biết thì khốn cả quan lẫn chúng tôi. Bấy giờ ba người chúng tôi tìm đến để đi qua trước mặt nó, cho nó biết rồi chúng tôi về Hà Nội, tất nó phải theo chúng tôi. Thế là ở đây không lo ngại gì nữa. Còn hai thầy này mới đi với chúng tôi nó không biết, thì ở lại đây lấy bạc lên hầu quan cho trọn công việc.
Nghe thầy Cả nói có lý, ông Hàn mới hoàn hồn và vui vẻ nói:
- Cũng có lẽ.
- Bẩm quan, ở đời phải lâu thế mới được, đã gian thì phải ngoan không thì nguy. Nhưng thưa quan, ngày kia bạc đúng tuổi, xin quan trông lại đến chúng tôi mà thưởng thêm cho thì quan cứ giao cho hai thầy này cũng như chúng tôi.
- Cái đó ông không phải nói, tôi xin chu tất.
Ba người chào ông Hàn rồi xách ba cái va li ra lên xe đi, để hai người bạn ở đấy đợi lấy tiền công.
Hai người ở lại đấy, lúc thì năm khoèo trên gác hút thuốc phiện, lúc thì đi ra chợ chơi, vì ông đã giữ thìa khóa cái nhà chôn bạc kia rồi nên không ngại gì họ. Vả còn món tiền công to tướng của họ, tự họ phải cần, nên ông mặc họ tự do muốn đi chơi bời đâu thì đi.
Chiều hôm sau là chiều hôm ngày thành công, cơm nước xong, hai người lại rủ nhau đi chơi, tối không thấy về để đào bạc lên. Giá không phải phù thủy gì thì ông cũng chẳng cần đến họ. Ông mong mãi không thấy họ về, nóng ruột quá phải sai người đi tìm, nhưng cũng chẳng thấy họ đâu cả. Ông mong suốt đêm không ngủ được. Sáng hôm sau cũng không thấy họ về, ông toan đào lên nhưng sợ bạc phải vía hỏng cả thì tuyệt nghiệp, đành cứ phải chờ. Tôi cũng không thấy họ về, bây giờ ông mới sinh nghi, một mình xuống hì hục đào đất lên thì thấy hai cái nồi to vẫn đậy vung để sát nhau, vội vàng mở vung hai cái nồi ra xem, bỗng giật mình ngã vật xuống đất mà thét lên một tiếng rất to: «Trời ơi!» Thì ra bạc đã biến đâu mất cả chỉ trơ có nồi không. 
Bà Hàn nghe tiếng chạy xuống, thấy ông nằm vật bất tỉnh nhân sự, bên hai cái nồi không, biết ngay là ông bị lừa, liền vực ông lên nhà soa dầu và gọi cho ông tỉnh lại. 
Sáng hôm sau, ông dậy sớm tìm đến chỗ ông bạn để bắt đền. Ông bạn hỏi chuyện đầu đuôi rồi bảo. Chỉ tại quan khờ quá, không trông nom cẩn thận để hai cái thằng ở lại ấy nó lấy đi đấy thôi. Chứ người ta làm có sai bao giờ đâu.
Ông bạn nói rồi thở dài, xót xa thương tiếc rồi lại trách ông Hàn khờ không trông nom hai cái thằng ở lại ấy cho cẩn thận. Ông Hàn bấy giờ cũng hiểu ý bạn, nhưng việc vô tang mà lại quan hệ đến pháp luật. Biết làm thế nào...
LÊ ĐỨC NHƯỢNG

Xem Tiếp: ----