ột ngày kia, tôi cùng người bạn là ông Kính Trai đi chuyến tàu Phi Long từ Hà Nội về, đến bến Tân Đệ, đồng hồ vừa đúng 11 giờ, anh em dắt tay lên bến tìm chỗ trú chân. Chợt thấy ở trong hàng chạy ra một người, bã lả chào mời, chúng tôi bỡ ngỡ chưa biết là ai, hỏi ra mới biết là vợ ông Vân Nham là cựu quán chủ nhân của chúng tôi đó. Một hai khi chúng tôi đi lại, thường vào nhà nghỉ ngơi, nên hôm ấy bà ta nghe tiếng ra mời. Anh em vào quán nghỉ chân, quán trọ làm quay mặt ra sông, rộng rãi và mát mẻ lắm; ngồi trước cửa sổ trông ra ngoài sông, mấy chòi dương liễu xanh um, làn sóng mông mênh in những bóng trăng lóng lánh, hình như trăm nghìn con kim xà ngoi trên mặt nước, trông thật là ngoạn mục. Bấy giờ tuy đêm đã khuya rồi, nhưng mà đối cảnh sinh tình, muốn ngủ không sao nhắm mắt đặng, liền bảo pha chè uống; chung quanh lặng ngắt như tờ, chỉ nghe những tiếng sóng vỗ ỳ ùm, cùng tiếng lá kêu lắc tắc, nỗi cố hương như chan chứa bên lòng, hai anh em ngồi lặng ngắt nhìn nhau, mỗi người cùng có một cái tâm sự riêng, không gì buồn cho bằng hai người cùng một tâm sự mà ngồi đối nhau trong một cái cảnh lữ khách đêm thanh, bút nào mà tả ra cho hết...
Đang lúc ấy, bỗng nghe có tiếng trống hát xa xa, tôi cùng ông Kính Trai đều có hứng đi hát, bèn gọi chủ quán ra hỏi: «Gần đây nghe văng vẳng có tiếng trống chầu, hẳn là có nơi vũ quán ca trường chi đó? Nhờ chủ nhân ông dẫn duyến cho, gọi là khiển hứng trong lúc khách huống vô liêu».
Chủ nhân vừa nghe đoạn, lắc đầu quầy quậy mà bảo chúng tôi rằng:
- Dám thưa hai vị tiên sinh, chẳng hay các ngài còn lạ chi những phường liễu ngõ hoa tường, đem màu son phấn đánh lừa còn đen, rồi mai hương phai phấn lạt, thì lầu xanh lại bỏ ra phường lầu xanh, thôi những con người ấy thì tiên sinh còn cầu làm chi. 
Tôi hỏi: - Chẳng hay chủ nhân ông có thù gì với bạn hồng lâu, mà đem lòng quá khắc như vậy?
Chủ nhân: - Thưa tiên sinh, nào có phải tôi ghét gì nghề đi hát đâu, chính tôi đây là người tốt nghiệp ở khoa đi hát ra mà nhà tôi đây (vợ chủ nhân) cũng là một vị hoa khôi ở trong đám rừng hoa bể phấn ngày xưa. Tôi xin hiến tiên sinh câu chuyện sau này, chính là cái hoa nguyệt sử của chúng tôi trong lúc thanh niên, xin tiên sinh chớ cười. 
Nói đoạn gọi vợ đưa ra một hồ rượu cùng các thức ăn, bấy giờ chúng tôi cùng chủ nhân cùng uống rượu. 
Bà chủ tôi, tuy người đã nửa mạc, mà cách điệu hãy còn phong nhã, ăn nói hãy còn dịu dàng lắm, trông người rất có thi vị, chắc rằng cái nghề quyến anh rủ yến, bà cũng đã vào bậc cội tột trong đám hồng lâu vậy.
Chủ nhân thiên tính rất là phóng đạt, rót rượu mời khách rồi cất cốc mà nói rằng:
- Tiên sinh nghe câu chuyện của bỉ nhân sau này, chắc có lẽ hãy còn đầm thấm gấp trăm gấp nghìn câu hát nhảm ngâm nga vô vị của các ả hồng lâu.
Tôi nguyên là con nhà gia thế, cũng mạch thư hương, ngày còn bé học hành thông sớm lắm, ông thân tôi tuy bấy giờ chẳng lấy gì làm giàu, song kể cũng vào bậc trung phú. Năm tôi 16 tuổi, cho ra học ở tỉnh, tôi cũng nhờ có giáo dục gia đình, cho nên tính nết thuần cẩn, ai cũng khen là người học trò chín chắn, chỉ ngày đêm làm bạn với ngọn đèn quyển sách, những nơi hoa nguyệt, chưa hề để gót đến bao giờ. Cách hai năm nữa, tôi vừa 18 tuổi, khoa thi hương tới nơi. 
Ba thu gặp hội mây rồng, nam nhi trắng nợ tang bồng là đây. Cũng tưởng rằng bằng bay côn nhẩy, rộng bước đường mây, chắc nay mai rạng vẻ đèn trời, cũng nhấp nhổm ông cống ông đồ chi đó; ai ngờ đâu học tài thi phận, bảng người thì bốn tên mình có ba, thế mới thực là chán! Ôi! Công đăng hỏa mười năm!
Bấy giờ tôi nghĩ chán quá, cái thói cảm khái của nhà nho như thế là thường, cảm sinh sầu, sầu sinh đãng. Thôi, học chẳng học thì chớ, đỗ chẳng đỗ thì đừng, ngày xuân thấm thoắt, chơi bao nhiêu là lãi bấy nhiêu, tội gì đem cái phù vân phú quí bận lòng làm chi, cứ ngày ngày năm ba anh em, tìm thú mua vui, tửu địa ca trường, không chỗ nào là không có cái gót chân phong lưu công tử. Ai ngờ đâu con nhà nề nếp, nhất đán bị cái ma hoa nguyệt nó run rủi đến như thế! Ông thân tôi tính nết rất là nghiêm ngặt, nhiều phen đánh mắng tàn tệ, cấm cửa không cho về đến nhà, song bấy giờ tôi đã biết nghĩ gì đâu, chỉ ham mê những sự chơi bời, thánh nhân đã dạy: «nhân dục thắng thiên lý vong», cái nhân cách của tôi bấy giờ so với mấy năm trước thành ra khác hẳn.
Bấy giờ ở tỉnh Nam Định có một cô đầu tên gọi đầu Phương, danh giá nhất tỉnh Nam, thực là nổi danh tài sắc một thì xôn xao ngoài cửa thiếu gì yến oanh, tôi nhất định lần mò đến chơi cho được cái phường ma đói thấy hơi hương chỗ nào là tìm đến được ngay, ấy các cậu thiếu niên công tử đối với cái mồi nguyệt hoa, tình cảnh cũng như vậy.
Tôi bắt đầu vào chơi trong viện, thì được lòng bà mĩ nhân yêu mến ngay. Chao ôi! Tiền thì ai bà ấy chả yêu, yêu đâu yêu lạ yêu lùng, yêu đến nỗi cùng giường cùng chiếu, cùng bát cùng mâm, cho đến nỗi trong túi tôi có đồng xu nhỏ nào, bà ấy cũng yêu đương kỳ cho tiệt sạch. 
Nguyệt hoa hoa nguyệt não nùng, 
Đêm xuân ai dễ cầm lòng được chăng.
Lạ chi thanh khí lẽ hằng, 
Một giây một buộc ai dằng cho ra?
Khi rượu sớm, lúc chè trưa, mệt mê trong cuộc truy hoan, nhiều phen thề thốt nặng lời, nàng chỉ quyết cùng tôi một lòng vàng đá.
Yêu nhau qua đỗi nên mê, mình thì trẻ người non dạ, thực bụng tin người, nó coi mình như con nít, nó bảo thế nào mình cũng phải nghe, không hề dám ngang trái. Than ôi! Ái tình là một vị thần rất anh linh.
Sớm đào tối mận, lẩn quẩn đi về, cùng nàng dan díu, hơn một năm trời. Các ngài tưởng giá có rừng tiền bể bạc rồi cũng phải hết, huống chi nhà tôi của cải có là bao, mà ông thân tôi thì nhất diện không có nhìn mặt, thì còn có tài gì làm cho nẩy tiền, mà đút vào cái hang không đáy cho đầy được.
Này họ xin cái này, mai họ xin cái khác, đeo cái huy hiệu công tử mà đến nỗi không có tí gì để tặng cho tình nhân, thì đi lại lắm nó cũng mặt dạn mày dầy. Sự này biết tính thế nào, đành phải tìm một chỗ đổ trường nào để mà «dậy hóa», nhưng làm gì có vốn bây giờ, đi vay nợ chăng? Thôi thì một vốn bốn lãi, cũng nhắm mắt vay liều, nợ đời trả trả vay vay!
Bấy giờ đã có tiền rồi, nộp nhau năm bảy anh em, chè chè rượu rượu, rủ nhau đi hót của phù vân; ngờ đâu thói đời giáo giở, họ thấy mình non mặt, chưa sõi nghề chơi, trăm tên nhằm một đụn, thành ra mình chỉ thua đầu thua đuôi hết cả!
Tiền lưng đã hết, nhân ngãi cũng phú la căng (fous le camp), tình cảnh cô Phương đối với tôi bấy giờ cũng thấy mỗi ngày một lạt. Một hôm nàng bảo tôi rằng: - Chàng ơi, thực vì chàng mà thiếp phải thiếu thốn trăm đường, chàng phải biết cho lòng thiếp ở với tri âm như thế là chí tình vậy, nhưng chàng phải làm thế nào mới được chứ, riêng về phần thiếp thì...
Tôi hỏi: - Về phần nàng thì làm sao? - Về phần thiếp thì thiếp chỉ một lòng yêu mến chàng...
Đó là một câu nàng nói chữa, chứ thực thì tôi đã biết đến ruột rồi. Bây giờ tôi không biết nói thế nào, chỉ thở ngắn than dài, rồi kết cục lại một câu: «Lo gì sự ấy, một canh bạc phát tài giăm bảy trăm thì tiêu chán chứ gì, đã yêu nhau thì quản gì sự túng bấn nhất thì ấy?»
Mình thực là không trải việc đời quá, mới vỡ lòng học cái nghề chơi, mà đã toan tập tễnh đi đánh bạc để làm giàu thì xuẩn quá! Chơi gái mà không tiền còn mong cho người ta yêu sao được, người ta chỉ yêu vì tiền, ngoại giả còn yêu cái gì nữa?
Từ đấy trở đi, cứ thấy lạt dần, một khi lại chơi, thấy bà chủ viện bảo tôi rằng: - Thưa công tử, xin công tử biết cho rằng nhà tôi là nhà bán hàng, chỉ người nào có tiền, mới được cái quyền lợi ở trong nhà hàng mà thôi, nếu công tử không mua bán gì, xin đừng đi lại thêm phiền.
Gớm! Mình nghĩ mới bực làm sao, khi mình có tiền trăm bạc nghìn vào chơi, giá bà ấy cũng bảo như thế thì thực phúc bảy mươi đời, đến bây giờ rận khố chẳng còn, giở ngay cái mặt con đĩ già ra được. Nhưng cũng không lẽ nói thế nào được, đành phải nuốt cay ngậm đắng mà ra. Thôi, từ bấy giờ không còn bén mảng đến phố Bình Khang nữa. Thế mới thực mất tiền mà dại, về nhà không mặt nào trông thấy nghiêm phụ, ra ngoài không mặt nào trông thấy anh em, ngồi nghĩ cách sinh nhai thật là dở dang quá, tôi tính ngay một kế là tìm chỗ ngồi tư lương dạy trẻ, nương náu đợi thì, nhưng mà chẳng ma nào nó nuôi, đi quanh đi quẩn, lên đến Hà Nội, tư tết đến nơi, định đi viết thuê. Muốn cho đắt hàng, thì chỉ vào những cho phấn trang lâu, họa chăng cái chữ nghĩa của ông hàn nho mới có giá trị. Một hôm tôi hỏi thăm vào nhà một cô đào kia là người danh giá nhất Hà Thành, tên gọi Ái Kiều (ấy chính là nhà tôi bây giờ), mình vào đấy bấy giờ không phải là ông du khách tôn nghiêm như ngày trước nữa. Quần nâu áo vải ra hình hàn nho, cả tụi thanh lâu trông thấy mình đều khúc khích cười thầm. Tôi thẹn quá, nhưng cũng phải đánh bạo mà thưa lại rằng: «Các cô lọ là còn phải cười cợt nhau chi, tôi đây cũng là người trong tụi yên hoa, đã trải cảnh tàn hoa bại liễu, cười người đã nhiều mà khóc người cũng đã lắm, áo xanh quần thẩm, một phường thiên nhai; thưa cô, cô cũng như tôi, chẳng thương thì chớ nỡ cười nhau ru!»
May sao Ái Kiều cũng là người phong nhã, thấy tôi nói vậy, liền rủ lòng thương, mời ngồi nói chuyện, rồi nhờ viết mấy cái câu đối. Tôi còn nhớ mấy câu đối như sau này:
1 - Khúc hát Tầm dương, gặp gỡ chan chan người bốn bể
- Cung đàn Thúy dịch, đi về dan díu nợ ba xuân.
2 - Trời đất cũng đa tình, xui bác xuân công, cứ phố yên hoa đi lại mãi;
- Phấn son càng tủi phận, hỏi ông nguyệt lão, cùng phường khăn yếm ghét ghen chi.
3 - Xuân cũng chiều người, sân lý mưa lồng man mát bóng;
- Hoa còn đợi khách, cành lê trắng điểm một vài bông.
4 - Xuân đến nhắn cùng hoa cỏ biết;
- Tình riêng giải với gió trăng thâu;
5 - Duyên nợ những sao đây, một giấc hãy còn vơ vẩn bướm;
- Hẹn hò ai đó tá, ba xuân chớ để phụ phàng hoa.
Đoạn rồi Ái Kiều đưa tặng tôi một nén bạc. Tôi được tiền ấy, mới ra sắm sửa quần áo, sửa túi hồi trang, định về mượn một người bạn tâm giao đến nói với ông thân tôi rằng: Từ rầy tôi đã biết hối quá, xin thân phụ tôi rộng thương cho về tu chỉ học hành. Ông thân tôi thấy tôi đã biết hồi đầu, cũng rộng lòng thương. Từ đấy, tôi về nhà chú ý về việc sinh nhai, tôi muốn chuyên về nghề thực dụng, bèn tìm một ông thầy thuốc để học thuốc, không bao lâu tôi đã thành ra một người danh y. Cách ba năm về sau, tôi đi làm thuốc, tình cờ lại gặp Ái Kiều! Chợt trông tôi lấy làm ngạc nhiên quá, tay cắp cái thúng con, đi lẽo đẽo một mình, ăn mặc tồi tàn quá!
Xưa sao phong gấm rủ là?
Giờ sao tan tác như hoa giữa đường?
Cùng xuống với tôi một chuyến đò đọc, chừng là quên tôi, tôi hỏi rồi mới nhận ra:
Càng trông mặt càng ngẩn ngơ,
Người quen năm trước bây giờ là đây.
Xuống thuyền rồi nàng kể cho tôi nghe cái trạng huống của nàng từ đấy đến nay. Trong truyện Kiều có câu rằng:
Xụt xùi giở nỗi đoạn tràng,
Giọt châu tầm tã đượm tràng áo xanh.
Thực là đúng cái cảnh trạng của chúng tôi trong đêm hôm ấy.
Nàng kể cho tôi nghe như sau này:
- Nguyên em từ thủa nhỏ, gặp cơn gia biến, lỡ chân bước phải lối phồn hoa đeo mang lấy chữ tài tình, chìm đắm trong nơi hoa nguyệt, đang lúc má phấn môi son, xuân xanh mơn mởn, nào tưởng hoa tàn liễu úa, phận bạc pha phôi, nghĩ đến thân thế bao giờ, thì lại đau lòng đứt đoạn. 
Cái khi mà em gặp tiên sinh, chính là cái hồi em làm ăn đang phát tài. Cách ít lâu có một ông huyện đến chơi, ông mới gặp em lần đầu, đã đem lòng quyến luyến ngay.
Lạ chi thanh khí lẽ hằng, 
Một giây một buộc ai dằng cho ra?
Sớm đào tối mận lân la,
Trước còn trăng gió sau ra đá vàng.
Ông quyết định cưới em về làm vợ hai. Nguyên ông mới được bổ làm Tri huyện, vợ cả ở nhà quê, nên ông muốn cần một người để làm bạn trong khi viễn hoạn. Ông cưới em về huyện được non một năm trời, ông coi em thật như bát nước đầy, vợ chồng hòa thuận. Không ngờ phải tay vợ cả phũ phàng, từ nghe vườn mới thêm hoa, thì lập tức lên huyện ngay, hằm hằm chẳng hỏi chẳng tra, đang tay dập hoa vùi liễu. Gớm cho cái giống Hà Đông sư tử, làm cho ông huyện tôi cũng phải bó tay. Mà tôi thì rúng chàm trót đã dại rồi, dẫu sao cũng ở tay người biết sao? Mày dày mặt dạn, cam phận tôi đòi, tôi ở đấy hơn một năm trời, cái cảnh ớt cây vôi nồng không thể nào chịu được, tôi đành xin với ông huyện liệu bài mở cửa cho ra. Ông cũng đành cắn răng bẻ một chữ đồng, gạt nước mắt mà đưa cho em năm nén bạc. Thôi, bấy giờ cao chạy xa bay, thế là thoát nợ. Nhưng, nào đã thoát đâu:
Chém cha cái số hoa đào,
Cởi ra rồi lại buộc vào như không!
Em ra khỏi huyện được vài ngày, tình cờ lại gặp một chàng thiếu niên, ăn mặc lịch sự coi ra phết phong lưu công tử lắm. Anh chàng thấy tôi lân la lại gạ chuyện. Tôi thấy con người tử tế, không nỡ mần thinh, đem cả nông nỗi của mình, kể cùng người khách qua đường. 
Đầu mày cuối mắt, sóng tình phiêu phiêu. Trước còn gió trăng, sau ra vàng đá. Tôi theo anh ta về nhà, tưởng rằng được chốn yên thân, ai ngờ cũng phường Bạc Sở.
Thân em đã xác như vờ,
Gặp chàng công tử như cờ lông công.
Lưng vốn em bấy giờ cũng được giăm bảy chục, giá thử ăn tiêu tần tiện, buôn bán lần hồi, thì cũng đủ dùng, nhưng mà khốn, cái ông chồng em nó chẳng ra gì, rượu chè cờ bạc nó thì chơi hoang, được mấy ngày thì sạch lau lau cả. Nay nhân tình này, mai nhân ngãi khác, làm cho em đau đớn đêm ngày, thậm chí thượng cẳng tay, hạ cẳng chân, không còn thiếu chi những trò phong nhã. Biết rằng đất xấu nặn chẳng nên nồi, thôi thì sớm liệu tìm đường cho xong. Em ở nhà hắn bước chân ra đến nay vừa được năm ngày.
Thưa tiên sinh, cái thảm sử của em từ đó đến nay, đầu đuôi như vậy, tiên sinh thử nghĩ xem trong bọn quần thoa có ai mà lại tồi tàn điêu đứng như em không, hử tiên sinh...?
Nàng vừa nói đến đó, thì sầm nét mặt lại, nức nở nói không ra lời.
Tôi rất lấy làm ái ngại cho tình cảnh nàng trong đêm hôm ấy, tìm lời khuyên giải, để cho khuây khỏa cái nỗi thương tâm của nàng.
Than ôi! Thân phận lạc loài, cùng nhau một lứa bên trời long đong. Cái tình cảnh của nàng khi ấy cùng với tôi trong mấy năm trước thực là cùng người một hội một thuyền. 
Đồng bệnh tương lân, là lẽ thường kim cổ; cái cuộc tình duyên của chúng tôi gặp gỡ nhau, thực là trải bao nhiêu nỗi đắng cay sầu khổ mà đến chỗ thanh thú êm đềm, có phần khác với cái cuộc giải cấu tầm thường của thiên hạ. Đoạn trường ai có qua cầu mới hay!
Chúng tôi cùng nhau kết duyên cầm sắt, đến nay đã ngoài mười năm trời, hồi tưởng đến chuyện cũ mà rùng mình, xiết bao si, tỉnh, vui, sầu, cái thân thế của mình thực cũng mơ màng như giấc mộng. 
Ấy cái sự chơi là thế, cái cuộc phong tình hoa nguyệt là như thế, đang lúc tâm trí mình hãy còn mê mệt vào sự đắm nguyệt say hoa, thì còn biết gì là hay là dở, là dại là khôn. Than ôi! Lúc trẻ không nghĩ, lúc khôn đã già...!

 

Chủ nhân kể đến đó, câu chuyện vừa hết, cuộc rượu vừa tàn. Nghe thôi khách những thẫn thờ, gà đã gáy sáng, trời vừa rạng đông. 
NGUYỄN NGỌC THIỀU

Xem Tiếp: ----