ẹ Xã Hiếng chết. Hẳn phen này dân làng Đại Trản được mẻ rất no say vì hắn giàu.
Làng Đại Trản, tuy quan đã bắt cải lương, tỉnh giảm cái lệ khẩu trái nặng nề, chiết can lấy tiền sung quỹ để làm những việc công ích cho làng. Nhưng thân ôi! Nói cải lương là chỉ cải lương lấy lệ đó mà thôi, chứ thật ra thì lệ ngạch lại nặng hơn trước nhiều, vì những người bất hạnh có cha hay mẹ chết thì vừa phải làm cỗ trả nợ miệng dân, lại vừa phải nộp tiền vào quỹ theo lệ tiền mà hội đồng đã kê với nhà nước. Nếu người nào bướng ngạnh không chịu làm cỗ trả nợ miệng dân thì họ nói xỉ vả cho đến đê nhục, và lại mang tiếng là bất hiếu nữa. Ai cũng biết lệ đó là nặng, là ác phong tục, trói buộc nhau mà không sao bỏ được. Vì đàn anh trước đã giở đám ra đãi làng rồi, tội gì mà chẳng đòi người khác phải làm cỗ trả nợ miệng cho mình. Bởi vậy có lắm người lo ma cho bố hay mẹ xong rồi mà hết cả cơ nghiệp, không thì cũng phải bớt chắt, nhịn ăn nhịn mặt đến suốt đời mới đủ, có người mới bị sa sút nghèo quá phải đưa bố mẹ, vợ, con đi phương khác làm ăn, có khá thì mới dám về, để lo trả lệ làng, bằng nghèo mãi thì đành bỏ làng vậy.
Ấy cũng chỉ vì những cái lệ ăn uống nặng nề ấy mà suốt làng Đại Trản bây giờ không còn có ai là người giàu có được như khi trước, chỉ còn có xã Hiếng là người hơi có máu mặt mà thôi. Nhưng anh ta họ bé, lại thủa nhỏ hàn vi hay mới khá nên hà tiện, từ bé đến nay chưa từng có ma to giỗ lớn gì mời làng bao giờ, người làng họ vẫn ghét, thường hay nói xỉ vả vào mặt anh ta là «sãi không biết ngõ». Anh ta cũng cứ làm ngơ. Nhưng anh ta đã định bụng rằng hễ mẹ anh ta mà chết thì anh sẽ đãi làng một bữa cỗ «đại ba» thịt trâu rõ béo, để cho những kẻ hay nói xấu anh ta phải thẹn. Trước một tháng nay, mẹ anh ốm nặng, anh đã dự bị đủ đồ, nào trâu nào lợn, nào các đồ nấu, chẳng thiếu thức gì.
Hôm ấy, một ngày về tháng sau, trong nhà xã Hiếng tiếng trống tiếng kèn inh ỏi, tiếng khóc than rầu rĩ hòa lẫn với tiếng giã giò bôm bốp cùng tiếng chặt xương trâu chan chát.
Trong nhà ngoài rạp, hai bên dân làng, từ ông lão móm cho đến cậu bé con mới biết cầm đũa ngồi đông nghìn nghịt, chỉ chờ cỗ bưng lên, mặt trời đã đứng bóng vừa bữa rồi.
Hôm ấy tế thành phục được sớm, nhưng lại vì các cụ quan viên cãi nhau về việc phần biếu hơn kém, hội đồng đòi tiền lệ ma, rồi ông nào cũng muốn cầm món tiền lệ ma ấy nên thành ra muộn chưa bưng được cỗ. Lúc ấy, các cụ đàn anh quan viên ai nấy đều say thuốc phiện và nói nhiều nên đều đã đói bụng cả. Giai em thì vì uống nước chè tàu đặc, nhai trầu nhiều nên não cả ruột. Lại nhiều người vì vội đến sớm để tỏ lòng ân cần với nhà đám, không kịp ăn cơm nhà nên đối nhoài, mệt lử cả người.
Vừa im tiếng cãi nhau thì các cụ truyền bưng cỗ. Người nhà dạ ran lên một lượt, rồi cỗ bưng tới tấp lên, bày khắp trong nhà ra đến ngoài rạp, mâm nào mâm ấy, đầy ngun ngút những thịt trâu, nhất là những bát vừa sào nấu xong thơm ngào thơm ngát.
Xã Hiếng cùng hai người em đầu đội mũ rơm, mình mặc áo thụng trắng vải sô, lưng thắt cái dấy chuối, một tay bưng mồm, một tay chống cái gậy trúc đi mời từ mâm trên đến mâm dưới, hết dẫy bên nọ đến dẫy bên kia. Mà đến mâm nào cũng gật đầu cúi rạp xuống rồi nói một câu sáo cũ rằng: «Thưa lạy các cụ, quan viên, mẹ chúng tôi bất hạnh về già, chúng tôi gọi là kiếm chén rượu nhạt kính dâng, xin các cụ, quan viên chiếu lệ cho, có điều gì sơ xuất, xin các cụ, quan viên miễn chấp cho».
Đối với mâm nào anh ta cũng phải mời chào một cách rất là kính cẩn, khúm núm như thế cả. Vì theo thói làng, lệ làng thì nặng mà tính người làng lại khoảnh, nhà đám hơi có điều gì phật ý làng thì làng không ăn cỗ cho, làng mà không ăn cỗ cho thì nhà chủ sẽ mang tiếng là người bất hiếu và thiếu nợ làng, nhục đến vạn đại.
Anh xã đi mời xong, rồi kế đến tiếng dân làng mời nhau, các cụ ngồi bên này mời các cụ ngồi bên kia, mâm dưới mời mâm trên, ồn ào lên một lúc rồi các cụ mới so đũa rót rượu uống.
Một cụ ngồi mâm trên trông thấy những miếng thịt tái đỏ hon hỏn cứ thỉnh thoảng lại giật nẩy lên một hai cái, thì chỉ vào đĩa mà bảo các cụ cùng ngồi cùng mâm rằng: 
- Thịt tái giật thế này là trâu khỏe lắm đấy. Tôi ăn tái trâu đã nhiều, nhưng chưa được ăn thịt con trâu nào khỏe như thế này!
Một cụ nữa nói:
- Ừ, bác Xã khéo tậu trâu!
- Bác ấy thực là người tử tế nên cỗ bàn làm trung hậu như thế này, chớ không đơn bạc như ông Lý Cửu. Năm ngoái, ông ta lo ma mẹ làm cỗ cho dân ăn như cho chó ăn. Thế mà dân cũng cứ cắm đầu, cắm cổ hùng hục mà ăn, chẳng ai dám há họng ra nói câu gì.
- Thôi chả lẽ trong làng với nhau, nói ra thì lại mang tiếng là tham ăn.
Ông chánh hội nghe tiếng, cũng nói:
- Phải, ta cũng nên thiệp liệp đi mới phải, «bỉ nhất thời, thử nhất thời». Bây giờ là cái thời buổi văn minh, và làng đã cải lương rồi, mình nói ra thì người ngoài người ta cười chết.
Ông Chánh hội nói đoạn, thì dân làng đều ra đũa. Bác Trương Cựu ngồi ở bàn nhì, tính hay vui đùa thấy những miếng thịt tái cứ giật nẩy lên thì cầm đũa gắp một miếng lên xem, thấy miếng thịt vẫn còn cứ giật, bèn chỉ tay vào mà nói đùa rằng: «Á à! Nhẩy à! Chạy chăng? Chạy mà khỏi không vào bụng à!» Rồi bác bỏ tọt miếng thịt tái ấy vào mồm, nhai và nuốt đến ực một cái mà nói: «Ngon!»
Mọi người đều xơi món tái ai cũng khen con trâu này thịt tái ngon.
Thịt tái ngon, các cụ cứ tì tì chén mãi, hết chai rượu này lại gọi lấy chai rượu khác, hết đĩa tái nọ lại gọi lấy đĩa tái kia. Năm bảy người đứng hầu chỉ những tiếp tái mà mệt!
Các cụ uống rượu đã hơn một giờ đồng hồ mà chưa gọi cơm. Rượu ngà ngà say, bấy giờ các cụ mới nói chuyện. Hết chuyện đám ma đến chuyện vào đám, hết chuyện làng đến chuyện nhà, hết khen người này lại chê người kia. Người này nói người kia nói, người nào cũng nói, ồn ào như chợ vỡ.
Cụ Tiên nhai miếng thịt tái bỗng cau mặt lại, thò tay vào bụng như có ý ngẫm nghĩ một lúc rồi rỉ tai hỏi cụ Thứ ngồi bên cạnh:
- Cụ... cụ có giắt dầu bạc hà đi đấy không?
- Không, tôi không giắt. 
Cụ Tiên lại cau mặt ngẫm nghĩ một lúc rồi vừa đứng dậy vừa nói:
- Vô phép các cụ, tôi chạy ra ngoài này một tí.
Nói chưa rứt lời cụ liền đi ra sân.
Cụ vừa ra đến đầu sân thì gặp ngay Xã Hiếng. Anh ta tưởng nhà đám có điều gì sơ xuất nên cụ giận mà bỏ dở cỗ ra về, thì liền nắm tay cụ mà van vỉ nói:
- Lạy cụ, nếu nhà cháu có điều gì sơ xuất xin cụ hãy tạm ngồi lại để nhà cháu có lời tạ cụ. Nếu cụ về bây giờ thì nhà cháu cực lòng quá. Tình xóm làng, sân gần hơn ngõ, xin cụ nghĩ lại cho.
Cụ Tiên vừa giằng tay ra vừa nói:
- Thực quả tôi không có điều gì giận bác cả, bác để cho tôi ra ngoài này có chút việc cần.
- Lạy cụ, việc gì thì xin cụ hãy để đến chốc nữa.
Anh xã còn đương dùng dằng lôi kéo cụ Tiên thì năm bảy cụ nữa cũng chạy ra. Anh ta vội gọi các em cùng người nhà ra mời các cụ vào.
Hai người em anh Xã cùng người nhà chưa kịp chạy ra mời các cụ, thì lại thấy chín mười người nữa đang uống rượu cũng bỏ đũa bỏ chén chạy ra, rồi lại một lũ nữa cả trai em lẫn trẻ con cũng chạy ồ cả ra sân ra cổng. Hai em và người nhà anh Xã giữ được người này thì người kia lại chạy mất, sau thấy ra nhiều quá không thể ngăn lại được nữa phải bó tay đứng nhìn. 
Anh Xã cứ vẫn tưởng nhà mình có điều gì làm phật ý dân nên dân bỏ dỡ cổ mà về, anh lại vừa chạy theo vừa van lạy mời các cụ dân làng lại, nhưng các cụ chẳng thèm giả lời cứ chạy ồ cả ra vườn ra cổng rồi vấy vá bừa ra đấy. Bấy giờ anh ta mới hiểu rằng các cụ không phải vì giận anh ta mà về, mà là các cụ đi tháo dạ. Có cụ mới chạy ra đến đầu sân thì đã «bĩnh» ra quần. Lại có người không kịp chạy «bĩnh» ngay ra chỗ chiếu ngồi. Có người chạy ra đến vườn rồi ngã gục xuống đấy, không sao dậy được. Cả nhà anh Xã biết là cỗ có cái gì độc. Anh ta sợ chết điếng người đi, không biết làm thế nào được, phải cố thét người nhà và người làm giúp, người thì vội bưng cỗ xuống đổ đi, người thì đi thay chiếu, người thì đi ra vườn vực các cụ vào. Rồi một mặt thì cho người đi hỏi thầy tìm thuốc để về sắc mà cấp cứu cho các cụ dân làng. Một mặt thì bảo nhau hãy mật cái tin ấy đi đừng lộ ra ngoài cho ai biết sợ vợ con các cụ biết mà vỡ lở đến tai quan thì lại còn khốn to. Xã Hiếng vừa khóc mếu vừa bảo vợ: «Một cái án mạng bị vạ lây mà còn gông mang tù trói và hết cả cơ nghiệp, nữa là từng đấy con người, nếu có mịnh nào cả, thì nhà ta khổ sở đến thế nào! Quan tài mẹ thì còn đó, khốn khổ quá!» Vợ anh thì mặt tái mét đi, chân tay run như cầy sấy, miệng xít xoa kêu trời khấn Phật.
Nhưng cũng phúc bảy mươi đời cho nhà Xã Hiếng, sau khi vực các cụ dân làng vào trong nhà và đổ thuốc cho thì đến chiều tối các cụ dần dần tỉnh lại và qua nạn cả, chứ không cụ nào đến nỗi thiệt mạng. 
Hai hôm sau mẹ Xã Hiếng cũng cất ra đồng được tử tế, nhưng đám đưa giản dị thôi.
Sau người làng họ cứ ngờ cho Xã Hiếng đánh phản làng, nhưng xét ra mới biết rõ là con trâu có bệnh.
LÊ ĐỨC NHƯỢNG

Xem Tiếp: ----