Phần I

     gười bơi thuyền trên giòng sông xanh
Thấy trăng vàng dưới đáy long lanh
Đưa tay bắt vô tình chấn động
Trăng tan rồi sông cũng loanh quanh
 (thơ Thanh Hà )
Vừa đi chợ xách giỏ về đến nhà, đang tìm chìa khoá đã nghe tiếng điện thoại reo giục giã. Quýnh quáng tôi mở được cửa rồi quăng đại giỏ thức ăn vào góc, chạy lại bắt máy thì giọng nói ỏng ẹo cất lên:
-- Bồ làm cái chi mà ta gọi gần cháy máy luôn tới chừ mới trả lời vậy?
--  Ta đi chợ mới về đây, ai biết bồ gọi mà ở nhà chờ chứ. Lãng quá đi!
-- Từ sáng giờ cứ 30’ là ta gọi 1 lần, vị chi khoảng sáu lần rồi đó.
--Làm gì hôm nay gọi sớm thế? Bình thường bồ hay gọi vào buổi chiều hoặc tối. Có chuyện gì hả?
-- Ta gọi để kể bồ nghe là ta đã đặt vé đi Vietnam rồi. Hai tuần nữa là đi.
-- Vậy bồ nhất quyết đi, không thay đổi à?
-- Không!
-- Nghĩ kỹ chưa?
-- Kỹ rồi, đã nghĩ hàng ngàn lần rồi, không thay đổi nữa.

 

Đó là Dạ Quỳnh, cô bạn thân học cùng tôi từ năm lớp 6, cách đây hơn 40 năm rồi.
Con nhỏ người Huế, ba nó là dân nhà binh vào tận quê tôi đóng trong tiểu khu tỉnh nên đem vợ con theo. Còn tôi ngày ấy là một con nhóc nhút nhát đến bịnh hoạn, không bao giờ tự ý dám bắt chuyện với bất cứ ai. Vì vậy trong lớp tôi rất ít bạn, hồi còn học tiểu học, tôi có một chị bạn người Cam Bốt, lớn hơn tôi 3 hay 4 tuổi, rất hiền lành và yêu thương bảo vệ tôi hết mực nếu có bạn khác bắt nạt. Đáng buồn là hết lớp nhất (tức lớp 5) thì chị nghỉ học ở nhà chăm sóc em, thế là tôi lẽ loi.
Giờ ra chơi mọi người xúm nhau lại trò chuyện, hay đi dạo trong sân trường, còn tôi chỉ đứng ở một góc nào đó, lắng nghe mọi người líu lo chứ không hề dám xen vô câu nào hết. Vào trung học năm đầu tiên, được mặc áo dài tự cảm thấy mình lớn và quan trọng hẳn lên,nhưng cái tính nhút nhát thì không bớt đi chút nào. Trong lớp rất đông, sĩ số những 60 người. Có rất nhiều gương mặt lạ nên tôi càng thu người trong vỏ ốc của mình kỹ hơn nửa.
Khi Thầy, Cô điểm danh hoặc kêu trả bài, hể đến tên Dạ Quỳnh là hầu hết học sinh đều cười rộ lên, vì giọng xứ Huế của nó. Có đứa còn thử nhại lại rất chi là...bất lich sự. Những lúc đó Dạ Quỳnh xấu hổ mặt đỏ gấc, đầu cúi xuống, luống cuống đưa tay vén lọn tóc phủ một bên má rất tội nghiệp. Có lần tôi còn thấy nó lén đưa tay chùi giọt nước mắt chảy trên má nửa. Bị Thầy Cô trách mắng là không tử tế với bạn thì họ trêu ghẹo vào những lúc khác, kín đáo hơn.
Các bạn không ác ý, chỉ vì nghe lạ tai bởi thời ấy ít có dân ở miền khác đến sống nơi cái tỉnh gần tận cùng phía Nam lắm.
Tôi  rất bất bình nhưng không dám lên tiếng bênh vực, chỉ thỉnh thoảng nhìn Dạ Quỳnh bằng ánh mắt biểu lộ thông cảm mà thôi.

 

Một buổi ra chơi nọ, tôi đang đứng dựa vào cửa lớp nhìn mông lung ra sân trường thì nghe có tiếng thỏ thẻ bên tai:
 -- Chào bồ, phải bồ tên T.H không?
Quay qua, thì thấy “ cô Huế “ đứng cạnh bên, và hỏi mình.
Tôi lí nhí trả lời
-- Phải, tôi là T.H đây.
– Còn tôi là Dạ Quỳnh, xin được làm quen nha.
Tôi mừng rơn, gật đầu lia. Từ đó chúng tôi thân nhau.
Dạ Quỳnh kể rằng, vì thấy tôi ít nói, e thẹn, cách biệt, và mỗi khi bị các bạn khác chọc cái giọng Huế bỏ dấu nặng khó nghe thì tôi hay nhìn nó bằng ánh mắt tội nghiệp nên nó cũng để ý tôi từ đó, và muốn kết bạn. Thế là “hai kẻ lạc loài” cặp kè nhau không rời. Ngộ một điều, là với người trưởng thượng hay người lạ thì tôi không dám trò chuyện, nhưng với người nào tôi cảm nhận sự quan tâm đến mình thì tôi nói năng dễ dàng, thoải mái. Nên giữa hai đứa tôi, hầu như không có chuyện gì giấu nhau hết.
Dạ Quỳnh hay đến nhà tôi chơi, nhiều khi mùa thi còn ngủ đêm học bài cùng nhau. Gia đình tôi rất yêu quí nó. Ba mẹ nó cũng biết và yêu quí tôi lắm (lời nó kể lại ).Nhưng tôi chỉ đến thăm gia đình Dạ Quỳnh hai, ba lần gì đó. Vì ba nó là sĩ quan, làm việc trong tiểu khu tỉnh, nơi lính tráng đông đúc mà ba tôi thì khó như hầu hết các công chức thời xưa.  Ngoài giờ đi học ra, chỉ quanh quẩn trong nhà chơi với các chị,em. Ba tôi khó đến nổi dặn chị em tôi chỉ được nói chuyện với bạn học trai trong phạm vi trường lớp thôi, hể bước ra khỏi cổng trường thì dù có đụng mặt cũng làm như không quen biết gì hết! ( Chắc một phần do sự giáo dục quá nghiêm khắc ấy, cộng vào bản tính nhút nhát có sẳn nên càng khiến tôi trở thành con rùa rụt cổ thêm chứ gì?!)
Thời gian đầu, Dạ Quỳnh nói rặt giọng Huế. Tôi cứ thường xuyên yêu cầu nó lập lại nhiều lần. Giọng đã khó nghe mà danh từ lại càng lạ lẫm, nên thỉnh thoảng chúng tôi tức giận cãi nhau vì nó hiểu lầm tưởng tôi cố tình giễu cợt. Lúc giận, nó nói càng nhanh và càng rối rắm, tôi tròn mắt nhìn, đợi nó nói xong thì hỏi lại:
-- Ê, bồ vừa nói gì vậy?
Nó đỏ mặt tía tai, oà lên khóc. Tôi không hiểu gì hết, hỏi thêm:
--Ủa? Sao bồ khóc? Tui đâu có làm gì hay nói gì mà bồ lại giận?
Suy nghĩ lại, nó bật cười híc híc mà nước mắt nước mũi còn chảy tèm hem:
-- Ừ, tui quên là bồ không hiểu cái chữ tui vừa nói, xin lỗi nha.
Rồi nó giảng giải ý nghĩa của danh từ đó, lát sau tôi mới..ngộ ra được.  Dần dần, Dạ Quỳnh bắt chước sửa giọng nói lẫn dùng những danh từ miền Nam cho dễ nghe. Các bạn cũng không còn chọc ghẹo lối phát âm du dương, bỏ dấu nặng như điệu nhạc của nó nữa. Lâu lâu quên thì nó cũng chêm vào vài chữ Huế như: mô, tê, răng, rứa, ni, chừ,...thế thôi. Chúng tôi bớt cô lập, có thêm nhiều bạn. Ở nhà thì nó nói giọng Huế với ba mạ, các em.
*
Thời gian nhẹ trôi. Từ giai đoạn chúng tôi chỉ là mấy nhóc con tuy mặc áo dài đến trường, nhưng khi về nhà vẩn còn chơi bán hàng, chơi nhảy dây, cút bắt... cũng lớn dần theo năm tháng. Sau kỳ nghỉ hè, tựu trường năm đệ tứ, tức lớp 9 thì Dạ Quỳnh trổ mã thành thiếu nữ, biết làm duyên khi gặp người khác phái!
Mái tóc đen nhánh mượt mà buông dài tới tận eo, gương mặt hình ovale với đôi mắt long lanh như nước hồ, miệng làm duyên lúc thì mĩm nụ hoa hàm tiếu, lúc cười khoe hàm răng trắng đều. Thân thể cô cũng nẩy nở chứ không gầy guộc trẻ con như đa số chúng tôi nữa.
Trên đường đi học hể thấy bóng dáng thanh niên từ xa là cô ấy bắt đầu nghiêng nghiêng vành nón lá—chiếc nón bài thơ mạ cô ấy mang vào mỗi khi về thăm nhà --, nét mặt từ nhí nhảnh biến đổi sang mơ màng như thể đang được nghe ai tỏ tình ấy. Và bao lời liếng thoáng bỗng mất tăm để trở thành một thiếu nữ e ấp thuỳ mị. Tôi mang cảm giác như có hai Dạ Quỳnh trong một người.
Còn tôi tuy cũng bắt đầu hay buồn vu vơ, vỏ vẻ làm thơ tình và viết tiểu thuyết nhưng hình dáng bên ngoài vẩn chả thay đổi bao nhiêu ; cứ thẳng đuột cao như cây sậy ấy.
Tuổi 15, 16 thành thiếu nữ nên tập tành làm dáng chút chút. Chút- chút có nghĩa là khi mặc áo dài chuẩn bị đi học cũng nhìn vào gương để xem mình có tươm tất không ấy mà. Và cứ mỗi tuần thì thay quai nón lá: xanh ngọc, xanh da trời, xanh đại dương, hồng sen, tím nhạt, vàng mơ.... Chỉ đến thế thôi.
Ôi cái thời mới lớn saohồn nhiên, hoa mộng!Viết mấy dòng trên, tôi chạnh lòng bâng khuâng nhớ tiếc ngày xưa của mình quá
Thôi qua rồi em một thời thanh xuân.
Trí tuệ tài năng đua nhau nẩy mầm.
Đôi mắt nai vàng nhìn đời trong sáng.
Ai cũng thiên thần như chính bản thân.
( Thơ Thanh Hà )
Nhà chúng tôi chỉ cách trường hơn cây số nên chúng tôi đi bộ. Thỉnh thoảng có “cái đuôi” bám theo kiểu:
Em tan trường về, anh theo Ngọ về.
( Ngày xưa Hoàng Thị, Phạm Duy )
là tôi sợ bất chết. Sợ rủi người quen trông thấy về mách lại ba má, sợ bị Thầy, Cô, chúng bạn chê cười tưởng mình lăng nhăng...
Hai chúng tôi thường nhận được thư tình của bạn học cùng trường chuyển cho. Nhưng mỗi đứa phản ứng một cách khác nhau. Dạ Quỳnh thì bâng khuâng, mơ màng khi đọc thơ dù không đáp ứng lại tình cảm. Phần tôi thì vừa đọc vì tò mò vừa run sợ ( tính tôi còn con nít cơ mà ) rồi đưa cho Dạ Quỳnh nhờ đem về nhà cô ấy xé đi chứ tôi không dám mang về nhà, lỡ ba má thấy là bị phạt
Cô ấy la:
--  Trời cái con ni, sao mà khờ quá. Nhận thơ con trai mà làm như lên đoạn đầu đài ấy, cái mặt xanh lét tưởng bịnh đến nơi.
Tôi cứ ngạc nhiên tự hỏi sao Dạ Quỳnh chỉ lớn hơn tôi một tuổi mà cô ấy chín chắn quá, giờ đây chủ đề các buổi nhỏ to tâm sự không còn nói về chuyện làm bài tập, chuyện tối ngủ sợ ma, hay rủ tới nhà nấu chè ăn... Mà luôn thấp thoáng hình ảnh một chàng trai nào đó. Tôi lắng nghe rồi nghĩ thầm:
- Cái con nhỏ nầy không lo học hành cả ngày chỉ nghĩ có mỗi chuyện yêu với đương, con nít quỉ! 

 

Một hôm gần hết niên học đệ tứ, Dạ Quỳnh vào lớp ghé tai tôi nói nhỏ:
-- Ê T.H, giờ ra chơi mình đến góc phượng tuốt đầu sân kia, tui kể bồ nghe chuyện nầy hay lắm.
Cái chuyện mà cô ấy định kể là:
-- Mình gặp tiếng sét ái tình thật rồi.
Cô đổi cách xưng hô để nghe thanh tao hơn khi nói về chuyện tình của mình, nên tôi cũng tự động đổi theo luôn.
Tôi nhìn cô gái đối diện: đôi má hồng mơn mởn, cặp mắt rạng ngời toát lên hạnh phúc của người đang yêu, mái tóc đen huyền buông rủ tận vòng eo thon thả trông thật duyên dáng dễ thương làm sao ấy.
Tôi nói:
-- Bồ quyến rũ như thế có người yêu cũng phải thôi.
Cô khoe với tôi đó là anh chàng lớp trưởng đệ nhất ( lớp 12), cái tên cao cao ốm ốm, mái tóc bồng bềnh dáng nghệ sĩ, hồi lễ Tất Niên ôm guitar hát nhiều bài hát rất hay như Giọt Mưa Thu của Đặng Thế Phong, Hoài Cảm của Cung Tiến...nhưng chính bài Đạo Ca số 3 của Phạm Duy: Chàng Dũng Sĩ Và Con Ngựa Vàng mới chinh phục trái tim của Dạ Quỳnh:
Một chàng dũng sĩ trên thớt ngựa vàng rong ruỗi sa trường, một chàng dũng sĩ trên thớt ngựa vàng rong suốt thời gian
Một chàng dũng sĩ đôi mắt u buồn như ánh trăng vàng, lòng chàng nung nấu một mối u sầu tìm dấu người yêu...
Tôi hỏi:
-- Vì sao anh ta hát bài đó mà lại làm tim bồ xao xuyến? Nó cũng đâu có gì đặc biệt lắm.
 – Ôi bồ không biết đâu, lúc hát bài đó anh nhìn thẳng vào mình với đôi mắt rực sáng như thể muốn gởi gấm tâm sự của anh cho chỉ mình thôi. Mình như bị thôi miên không ngó đi đâu được hết, cái giây phút huyền dịu đó như thể thế giới chỉ có hai đứa. Trái tim mìnhrung động dữ dội, nhận ra anh chính là người trong mộng của mình, và mình đúng là người anh đi tìm kiếm như trong bài hát đó. Hai đứa mình sinh ra là thuộc về nhau mà.
 – Anh ta có thể đúng là người trong mộng của bồ, nhưng sao bồ biết bồ chính là người anh ta tìm kiếm?
– Linh cảm cho mình biết. Cái nầy không giải thích được đâu, chỉ những người cùng cảm nghĩ, cùng tần số thì mới nhận ra nhau giữa đám đông thôi.
Rồi cô ấy giảng giải thêm:
--Bồ không nhớ có lần mình đọc cuốn sách nói về con chim cánh cụt Hoàng Đế ở Nam Cực ( Emperor penguin), là giống chim rất chung thuỷ và tính xã hội cao. Mỗi năm đến mùa thu, đông là hằng trăm ngàn, hằng triệu con từ phương xa kéo nhau về miền băng giá để hội ngộ trống mái và sinh con đẻ cái. Nhờ tiếng kêu chúng vẩn nhận ra nhau giữa hàng triệu âm thanh, không bao giờ lẫn lộnvới những con khác, và không bao giờ “lăng nhăng, láng cháng”ngoại trừ bạn nó qua đời thì nó mới đi tìm bạn khác. Mình với anh cũng vậy đó. Mình chắc chắn là tìm ra một nửa của mình giữa thế giới mênh mông này rồi.
Cô ấy còn diễn thuyết cho tôi nghe nhiều nữa về cái chàng dũng sĩ của cô, giống như trong bài hát, đã rong ruỗi khắp nơi đi tìm người yêu tới nổi ngựa vàng thay đổi sắc lông, tới nổi chiếc áo tươi mầu đã nhạt phai mà vẫn chưa tìm ra. Không ngờ người yêu ở ngay bên cạnh, chính là con ngựa vàng mà chàng hằng cưỡi.
Ngựa vàng đã hoá thân hoá thân là người yêu muôn thuở
Ngựa vàng đã hoá thân hoá thân là người vẫn hằng mơ
Rồi cô ấy dựa người vào gốc cây phượng, hơi ngửa mặt lên trời  hát tiếp mấy câu cuối:
Rồi chàng dũng sĩ đôi mắt sáng ngời như ánh mặt trời
Cùng người yêu quí đi suốt cuộc đời tình ái nở hoa
Giây phút ấy hình ảnh Dạ Quỳnh bỗng thăng hoa, đẹp tựa thiên thần. Ghê gớm thay mãnh lực của tình yêu, tâm hồn trong sáng thánh thiện của tuổi trẻ mới tập tễnh bước chân vào đời, chưa qua lần vấp ngã nên nhìn đâu cũng thấy toàn điều tốt đẹp.
Tôi thành thật chúc mừng bạn, vui lây với niềm hạnh phúc đó.
 Qua cơn phấn khích, bỗng Dạ Quỳnh quay lại nhìn tôi:
 -- Còn bồ nửa, bao giờ mới chịu yêu hả? Cũng khối chàng trồng cây si,mà trong đó mình chấm dùm bồ vài chàng để bồ lựa mà sao chưa chịu hả?
 -- Trời, bồ nói như thể mình đi lựa táo lựa nho ấy.
Dạ Quỳnh nghe vậy lại hát tiếp: 
Ngày nào cho tôi biết, biết yêu em rồi, tôi biết tương tư
Ngày nào cánh thiên đường, đã mở hé tình yêu là trái táo thơm
Tôi ghé răng cắn vào miếng môi ngọt đắng...
( Bao giờ biết tương tư, Phạm Duy )
--Thì đấy – tôi nói – chính vì sợ cắn nhằm trái táo đắng mà mình không dám quen ai hết. Cứ đứng ngoài cổng thiên đường nhìn vào,giử khoảng cách như vậy để còn có cái mà mơ. Thực tế bao giờ cũng trần trụi lắm bồ ơi.
-- Bồ nói như thể mình đã kinh nghiệm vậy, bộ từng yêu mà giấu ta  hả?
-- Hồi nào đâu? Bồ gần gũi ta vậy mà không hiểu ta à? Ta đọc trong sách nói vậy và suy ngẫm thấy cũng có lý.
--Sách nào? Nói chi? Kể ta nghe coi.
--Thì đại khái nói rằng: Tình yêu giống như sương ban mai, ở xa trông lóng lánh ngỡ là hạt kim cương, đến khi lại gần chỉ là giọt nước mắt
Dạ Quỳnh cười ngặt nghẽo:
-- Thôi, cho xin mấy cuốn sách lãng mạn của bồ đi. Câu đó chắc là do cái bà hoặc cái ông nào bị thất tình viết ra đó, đừng tin.Bằng chứng là mình
đã tìm được tình yêu trong đời thực đây.
--Thì bồ cứ yêu đi, còn ta thích học thêm nhiều năm nữa.