Chương thứ nhất, nhì, ba
Quí-phi gia thế và xuất thân

     ừ xưa đến nay, phàm kẻ gọi là kẻ mĩ nhân, phần nhiều thân nhẹ như chim yến, lưng nhỏ như lá liễu, như nàng Phi-Yến, gã Tây-Thi, một hạng nhân vật ấy, đều được đấng đế vương yêu quí, truyền tiếng đẹp về đời sau. Vì rằng đàn bà yểu điệu nhỏ nhắn, rất dễ được người ta thương yêu. Song le, trời sinh ra chất đẹp, vốn không có lẽ thường nhất định. Kẻ mĩ nhân xinh sắn yếu ớt kia, là sự thường của trời đất, mà kẻ mĩ nhân thân thể phương phi béo tốt này lại là sự lạ của thế gian. Vì cái chất phong hậu nùng diễm mà trứ danh là mĩ nhân, như nàng Dương Quí-phi đó, há chẳng xứng đáng ví với cái hoa hải đường mà tuyệt đối thiên cổ dư! Ngày nay phàm người trên đời, hễ nói đến nàng Dương Quí-phi, chẳng ai chẳng biết là một vị tuyệt thế giai nhân. Duy Quí-phi gia thế thế nào, xuất thân thế nào, dường như chưa tất ai ai đã hiểu biết. Ôi! Muốn biết cái lịch sử khuynh quốc khuynh thành của Quí-phi, trước hết phải xét cái gia thế Quí-phi và cái lịch sử xuất thân của Quí-phi vậy.
Quí-phi họ Dương tên là Ngọc-Hoàn, sinh ra ở đất Thục, là con gái ngươi Dương Nguyên-Đàm. Nhà Nguyên-Đàm nguyên không phải là nhà quí tộc, nhưng cũng không đến nỗi là nhà hàn vi cho lắm. Duy con gái họ Dương sinh ra, người thì đẹp vừa, người thì đẹp lắm, toàn là người đẹp cả, đó là một điều đặc sắc của họ Dương trong đất Thục. Quí-phi khi sắp sửa sinh ra, vợ chồng Nguyên-Đàm có cùng chiêm bao thấy một giải cầu vồng từ trên trời kéo xuống, quấn liền vào cột giường nằm, bảy sắc rực rỡ. Chợt lại hóa làm vị sao sa, rơi thẳng xuống đất, có tiếng như tiếng sấm. Vợ chồng Nguyên-Đàm đều kinh hãi thức dậy, liền sinh ra Quí-phi. Người vợ Nguyên-Đàm cho là cái điềm quái gở, toan đem bỏ đi chẳng nuôi nữa, và nhân nghĩ bụng rằng cái điềm gớm ghê ấy, nếu sinh ra con trai, còn có lẽ mong quang đại được môn hộ, nay lại sinh ra con gái, thì cái mộng ấy tất là cái điềm chẳng hay. Cho nên trong tâm thường lấy làm buồn bã chẳng vui, chỉ muốn đem ra sông đánh đắm cho chết đi. Nguyên-Đàm biết ý cố ngăn lại, và bảo vợ rằng: «Sinh con trai chửa tất đã làm bậc công hầu, sinh con gái há chẳng đủ làm bậc quí nhân hoàng hậu đó ư?» Kịp lúc Quí-phi lớn lên, những kẻ biết có điềm ấy, đều đã gọi sẵn là quí nhân.
Hàng chị em gái trong họ Dương khi ấy, chẳng ai là chẳng nhan sắc tuyệt luân, mà Quí-phi lại là đệ nhất. Quí-phi thể chất phong mãn, tóc tốt và dài, nước da sánh nhuận như ngọc; vả lại trong khoảng thớ da thời thường có khí thơm, tự chỗ chân lông bay ra, sực nức như mùi lan xạ, cho nên lại có nhã hiệu là Hương-Ngọc.
Năm Khai nguyên thứ hai mươi đời vua Minh-hoàng nhà Đường, mùa đông, Quí-phi được sách phong làm vợ tước Thọ-vương, nhưng bấy giờ cha đã chết rồi. Trước kia Quí-phi còn ở nhà, thường theo các hàng anh em đọc sách, tính tình thông tuệ, sách kinh sách sử, sách chư tử bách gia, hễ qua mắt là thuộc ngay. Nhưng không thích đọc sách, chỉ thích về một môn âm nhạc, hàng ngày nghiên tinh kiệt tứ, khảo cứu âm luật, cùng cực kỳ diệu. Quí-phi lại chế ra được lối từ khúc mới, hễ chế ra được khúc nào, thì chốn lư lý gần xa truyền tụng ngay. Ngày sau đem được khúc nghê thường vũ y, làm mê hoặc lòng vua, gây nên một phen nghiêng nước nghiêng thành, kinh thiên động địa, không phải là ngẫu nhiên vậy. Như nàng Quí-phi thực là một kẻ tài mạo song toàn, là một cái vật lạ của trời sinh ra, dẫu muốn nép ở trong chốn hương lý, há có thể được sao?
Quí-phi lại có tính xảo quyệt gớm ghê, nhưng đối với các hàng anh em chị em lại rất có tình hòa thuận yêu giấu. Ngày thường vẫn thề riêng với nhau rằng: «Nếu được phú quí chớ có quên nhau». Nghiễm nhiên có cái khí khái chim hồng hộc muôn dặm bay cao.

Chương thứ hai

Quí-phi sách phong làm vợ tước Thọ-vương

Tước Thọ-vương là con bé vua Minh-hoàng, nàng Vũ Huệ-phi sinh ra. Khi ấy nàng Huệ-phi được vua yêu nhất, quyền thế khuynh đảo trong đám hậu cung, ngầm có cái chí cướp ngôi thái tử của con cả. Kịp khi Thọ-vương đến tuổi sắp sửa lấy vợ, Huệ-phi hỏi khắp quần thần, muốn được người con gái tài đức kiêm bị để làm vợ Thọ-vương, khiến ngày sau xứng đáng là ngôi quốc mẫu. Huệ-phi khi ấy chuyên cậy một người để làm tâm phúc với mình là Lý Lâm-Phủ. Lâm-Phủ khi ấy làm chức Tể tướng, đương được vua Minh-hoàng tin dùng.
Lâm-Phủ vốn là một kẻ tiểu nhân, gian giảo tuyệt luân, khéo dò biết ý tứ người để làm kế đưa đón. Lâm-Phủ biết rằng vua Minh-hoàng làm vua đã lâu năm, hơi có ý chán mỏi, muốn khiến cho vua mê hoặc về sự gì mà không hỏi đến việc thiên hạ, thì mình sẽ được chuyên quyền. Và biết rằng Huệ-phi muốn thừa cơ chuyên chính, mới dua nịnh phụng sự Huệ-phi, để trong ngoài cùng giao kết.
Đến khi ấy Huệ-phi hỏi với Lâm-Phủ rằng: «Nay ta muốn kén vợ cho Thọ-vương, vậy có ai là người khá không?» Lâm-Phủ tức khắc cử họ Dương để tiến đối. Vì Dương Nguyên-Đàm khi còn sống, vẫn cùng với Lâm-Phủ quen thân, từng đón Lâm-Phủ đến nhà, đem khắp cả con gái ra phô với Lâm-Phủ. Lâm-Phủ vãng lai đã lâu ngày, quen thuộc như người nhà, thấy Quí-phi đẹp, vẫn lấy làm kinh dị. Nay nhân dịp Huệ-phi hỏi đến, cho nên tức khắc tiến cử họ Dương. Huệ-phi nói rằng: «Ta vẫn nghe con gái họ Dương có nhiều kẻ tài giỏi, chưa biết kẻ nào là nên hợp tuyển. Lâm-Phủ thưa rằng: «Chẳng ai bằng một người tên là Ngọc-Hoàn, thực là bậc quốc sắc vậy». Huệ-phi mừng lắm, tức khắc tâu với vua Minh-hoàng. Vua Minh-hoàng vốn là bậc thông minh tức khắc gạt đi rằng: «Thọ-vương tuổi còn đồng ấu, lấy vợ thì nên lấy con gái những nhà huân cựu thế gia, ngõ hầu am hiểu lễ pháp, sau này có thể khuông chinh được điều lỗi cho chồng. Chứ họ Dương kia môn hộ cô hàn, cuộc tuyển ấy không phải là xứng đáng». Huệ-phi nói rằng: «Không phải lẽ thế, bệ hạ làm đấng thiên tử, cho ai sang thì người ấy được sang, bắt ai hèn thì người ấy phải hèn, có kể gì môn hộ; bệ hạ cho là nên, thì nên đấy thôi. Vả lại Thọ-vương thường nói với tôi rằng: May mà được sinh ra làm con đấng đế vương chỉ nguyện lấy vợ đẹp như nàng Tây-tử gã Vương Tường. Thà rằng con nhà bách tinh mà đẹp còn hơn con nhà phú quí mà xấu. Tôi không nỡ trái ý nó, nay tôi đã xét được kỹ càng, gái họ Dương kia thực là một bậc thiên tiên giáng thế, không nên bỏ vậy».
Vua Minh-hoàng khi ấy vẫn hiềm rằng môn hộ họ Dương hàn vi đơn bạc, không đủ có gia pháp, ngần ngừ chẳng nghe. Huệ-phi sợ rằng sự ấy chẳng hài, mới dặn dò Lý Lâm-Phủ thừa cơ nói với vua Minh-hoàng. Khi ấy vua Minh-hoàng bề trong bị mê hoặc về nàng sủng phi, bề ngoài bị khi trá về kẻ nịnh thần, mới truyền mệnh sách phong Ngọc-Hoàn làm Thọ-vương-phi.
Họ Dương được tin báo, cả nhà mừng rỡ, chẳng ai là chẳng cám cái ơn của Lâm-Phủ ngọc thành cho, chỉ một Quí-phi trong tâm uất ức buồn bã, cho rằng nay nhà vua đã có thái tử rồi, Thọ-vương không có cái hi vọng làm thái tử nữa, chỉ làm Vương-phi mà thôi, chẳng đủ lấy làm vinh sủng. Lâm-Phủ biết ý Quí-phi thừa cơ đến hiểu cho rằng: «Thọ-vương là Huệ-phi sinh ra, Huệ-phi quyền thế khuynh đảo hậu cung, ai là chẳng biết. Gần đây đường mưu tranh ngôi thái tử, ý vua đã chuyển, lũ chúng ta vì Thọ-vương giúp sức, lo gì chẳng thành. Nàng cứ yên tâm, ngày nay làm vương phi, ngày khác tức khắc làm quốc mẫu. Chỉ nguyện rằng ngày khác mà đắc chi thì chớ quên lũ chúng ta mà thôi». Quí-phi cười nói rằng: «Nếu thực như lời nói nhà ngươi, thì sao dám chẳng nghe lời».
Chửa bao lâu, nhà vua đem lục lễ đến nghinh hôn, Quí-phi mới lìa cửa lìa nhà về cung Thọ-vương.
Khi ấy Quí-phi tuổi mới 16, vàng tô ngọc chuốt, diễm lệ như tiên, khác nào một đóa danh hoa từ chốn hang sâu dời lên vườn ngự vậy. 

Chương thứ ba

Quí-phi được vua Minh-hoàng triệu kiến

Quí-phi từ khi về cung Thọ-vương, đêm đêm hàn thực ngày ngày nguyên tiêu. Nếu làm bạn với Thọ-vương để suốt đời, há chửa phải là một sự nhất sinh hạnh phúc? Nhưng trời đã sinh ra tuyệt thế giai nhân ấy, trời chẳng muốn khiến cho mai một đi mà không ai biết. Rồi thì cái kẻ yêu quí trùm lợp trong lục cung là Vũ Huệ-phi hốt nhiên mắc bệnh mà chết. Trước kia Huệ-phi chuyên sủng ở trong cung, gìn giữ nghiêm nhặt, cho nên vua Minh-hoàng đối với sự nữ sắc, cũng đạm bạc quên đi cả rồi. Kịp sau khi Huệ-phi mất, kẻ nội sủng thiếu người, mà vua lại chẳng muốn tìm tòi mĩ nữ ở dân gian, để khiến cho thiên hạ dị nghị. Vì thế vua tâm tình uất ức không thể đối với ai mà nói được, dần dần đến nỗi cử động thì vô định, hỉ nộ thì thất thường. Thường đương lúc thịnh nộ hay đánh đập các hoạn quan, thậm chí có người bị trọng thương mà chết.
Khi ấy trong bọn hoạn quan có Cao Lực-Sĩ là chuyên sủng, nói gì vua cũng nghe. Các kẻ hoạn quan vì cớ vua Minh-hoàng thưởng phạt bất đáng, đều có lòng sợ hãi, rủ nhau đi tiếp kiến Cao Lực-Sĩ để mưu cái kế vãn cứu. Lực-Sĩ cau trán nói rằng: «Sự ấy không thể lấy miệng lưỡi can ngàn được, các ngươi hãng chút yên tĩnh, đừng có táo bạo, để đợi tim kế từ đồ».
Một hôm Lý Lâm-Phủ bị triệu vào điện đối sự, đối sự xong đi ra, cùng với Lực-Sĩ gặp nhau ở ngoài chỗ điện môn. Lực-Sĩ nói rằng: «Xem ý chúa thượng chỉ vì sau lúc Huệ-phi đã chết, chốn nội đình không có người xửng ý, mà lại chẳng muốn trương hoàng rộng tìm quốc sắc, để tránh tiếng với thiên hạ. Tục ngữ có câu: «Tâm bệnh lại phải chữa bằng tâm dược». Nay trong ý tướng công xét những nhà quí thích cận thần, có từng thấy người nào là quí sắc không?» Lâm-Phủ ngẫm nghĩ hồi lâu, rồi nói rằng: «Có kẻ quốc sắc vô song là Dương Ngọc-Hoàn, hiện ở trong cung Thọ-vương. Nay làm cái kế sách cho các ngươi, chỉ có dò xét cái ý chúa thượng thế nào, mà đem người con gái ấy để tiến ngự, thì lũ ngươi có thể cao gối mà nằm yên được. Nhưng lũ chúng ta là kẻ ngoại thần, không thể nói đến việc ấy được, người hãng cứ thừa cơ mà nói thì nên đấy». Lực-Sĩ tán khen là phải.
Cách vài ngày, Lực-Sĩ hầu cơm vua trong tâm cung, vua Minh-hoàng ăn chửa hết bát cơm, ném đũa xuống mà ngậm ngùi thở dài. Lực-Sĩ nhân quì tâu rằng: «Cổ ngữ có câu: «Vua có lo thì bầy tôi phải nhục». Nay chúa thượng bỏ ăn than thở, tiểu thần này xin đương tội chết; chúa thượng sao chẳng đem tâm sự bảo với tiểu thần, nếu sự gì có thể giải được cái lo ấy, thì dẫu dẵm vào nước sôi, nhảy vào đống lửa, tiểu thần cũng không dám chối từ». Vua Minh-hoàng nổi giận mắng rằng: «Lũ chúng bay nô lệ biết gì, lại dám bép xép». Lực-Sĩ lại tâu rằng: «Nay bốn bề thái bình, muôn cơ nhàn hạ, chúa thượng hết thẩy nên kịp thời làm vui. Nếu khéo kén được những người lương gia nữ tử để sung vào chốn hậu cung, thì tưởng cũng có thể giải trừ được phiền muộn, chửa biết thánh ý như thế nào?» Vua Minh-hoàng sắc mặt đã hơi động, nhưng lại than rằng: «Giai nhân nan đắc, những kẻ son thường phấn tục, sao có đủ để mắt». Lực-Sĩ đứng dậy, tiến lại gần trước mặt vua mà se sẽ tâu rằng: «Khuynh thành nữ sắc vẫn ở trước mắt, chúa thượng há lại chửa trông thấy đấy dư?» Vua Minh-hoàng vừa kinh ngạc vừa hậu hỉ hỏi rằng: «Kẻ nào đó? Ngươi thử nói xem». Lực-Sĩ tâu rằng: «Chúa thượng có từng nghe Dương Ngọc-Hoàn đấy không? Kể về bề mạo, thì nàng Tây chẳng đủ ví; kể về bề tài thì nàng Ban chẳng đủ so. Người ấy hiện ở trong cung cấm». Vua Minh-hoàng lại nổi giận mà rằng: «Ả Dương đã chẳng phải là vợ Thọ-vương rồi đấy dư, ngươi sao được nói càn».
Vua Minh-hoàng nói xong liền trỏ vào thanh bảo kiếm mà rằng: «Chúng bay còn nói đến Dương Ngọc-Hoàn, thì trông vào thanh bảo kiếm ấy». Lực-Sĩ quì xuống tâu rằng: «Tiểu thần thực là một dạ yêu vua».
Ngày khác, Lực-Sĩ thường thường ở trước mặt vua tán khen cái đẹp của Dương Ngọc-Hoàn, là cái đẹp quốc sắc vô song. Vua Minh-hoàng thở dài than rằng: «Danh phận đã định, nay biết làm thế nào!» Lực-Sĩ tâu rằng: «Xưa nay giai nhân nan tái đắc, chúa thượng hẵng cho tạm triệu Dương Ngọc-Hoàn vào cung, để trông thấy mặt một chút, tưởng cũng không hại gì». Vua Minh-hoàng ngẫm nghĩ hồi lâu, rồi nói rằng: «Đem Ngọc-Hoàn sung vào hậu cung, sự ấy quyết là chẳng nên, nay ngươi đi truyền mệnh triệu Ngọc-Hoàn vào cung, để trẫm một phen trông thấy trạng mạo, có quả xứng đáng gọi là mĩ nhân hay không, thì nguyện vọng trẫm như thế cũng là đủ vậy». Lực-Sĩ mỉm cười phụng mệnh, tức khắc cùng với vài kẻ hoạn quan ngự xe thanh loan ruổi đi đến cung Thọ-vương.
Than ôi! Hãm vua về đường bất nghĩa để lấy phú quí, như Cao Lực-Sĩ, Lý Lâm-Phủ, hai kẻ tiểu nhân ấy, mấy muôn đời cho hết tội đó thay!