áng nay dậy hơi muộn không như mọi ngày, bởi từ nay tôi không còn phải lệ thuộc tám giờ vàng ngọc nữa rồi, từ nay tôi tha hồ ngủ nướng và không còn cái cảnh thứ hai đầu tuần phải tất bật đến sở làm, và nhất là không phải gặp mặt mấy sếp nhăn nhó khi công việc kinh doanh không thuận lợi, mỗi khi công ty gặp sóng gió trên thương trường mấy sếp quạu đeo hẳn lên, trong các buổi họp để giải quyết  công việc thì sẽ không khác chi bãi chiến trường vì phòng này đỗ thừa cho phòng nọ nên công việc không trôi chảy kéo theo lợi nhuận thấp thì đồng nghĩa chúng tôi bị sếp nạo te tua như cái mền rách.

  Chuyện gì đến sẽ đến, cái dự đoán của mấy anh em " Lính lác" chúng tôi thường đoán già đón non tình hình ngân sách của công ty ngày càng bị thâm hụt, một phần do cạnh tranh phá giá với nhau, một phần bị đối tác làm ăn qua mặt nên dần hồi công ty đến hồi phá sản, ngày cầm quyết định trên tay với những phần trợ cấp chúng tôi vô cùng đau xót, ngần bao nhiêu năm trời anh em chung tay xuôi nam ngược bắc, lên rừng xuống biển để thu mua và chế biến nông hải sản xuất cảng, bao nhiêu mồ hôi công sức bỏ ra để gầy dựng đơn vị ngày càng tốt hơn vậy mà thực tế phủ phàng khiến chúng tôi đành chia tay trong nước mắt.
 
Phàm ở đời thì được cái này thì mất cái kia, với tôi thì mất việc nhưng bù lại được tự do không còn gò bó phải đúng giờ đi làm, phải bận bịu họp hành, phải vắt óc ra toan tính hơn thiệt trong công việc thì cũng hạnh phúc lắm rồi, chuỗi ngày trước mắt không còn thu nhập rủng rỉnh nên chuyện "Thắt lưng buộc bụng" là điều đương nhiên, thôi thì tạm sống qua ngày với tiền hưu non còm cõi hàng tháng chắc cũng không đến nỗi nào, miễn sao tinh thần được sảng khoái là điều tốt lắm rồi, vì nếu có nhiều tiền mà lúc nào cũng phải toan tính, đối phó mọi vấn đề trong cuộc sống thì chẳng mấy chốc đầu ta bạc sớm, lo lắng không đâu như trộm cướp, để rồi một sớm nào đó, khi nhìn lại ta sẽ tiếc nuối,sao không buông bỏ sớm những cái vặt vãnh này, thì cuộc đời mình cũng sắp xanh rêu rồi còn gì.

Cái cảm giác thư thái trong tâm hồn sau ngày về Hưu non nó bắt đầu lung lay, cuộc sống thực tế không là thơ là nhạc nên tôi bắt đầu đối diện với mâu thuẩn với chính mình bởi cuộc sống phía trước cần phải có tiền để trang trải nhu cầu hàng ngày nên buộc lòng tôi lại phải quay lại việc kiếm tiền nuôi thân và giúp gia đình.
La cà với đám bạn cũ, có thằng rủ rê tôi đi buôn bán đường dài, ngồi xe lửa cùng nó ra các tỉnh biên giới mua hàng về bán, vì hàng hóa vùng biên ải này có giá thành rất rẻ, nếu chịu khó luồn lách miễn sao đem hàng trót lọt qua biên giới thì xem như tiền đã chảy vào túi rồi sợ gì mà không có tiền xoay xở, Hàng hóa mà chúng tôi dự định mua bán thì đủ thứ, thượng vàng hạ cám, từ cây kim may đến xe tải muốn mua bán hàng nào cũng được, cứ mang qua biên giới là xong, về giá cả vốn liếng thằng bạn tôi nó đứng ra lo hết, nó biết tôi đang là hiện thân của "Trần Minh khố chuối" ngày xưa nên nó cũng không yêu cầu tôi hùn hạp, nói thật nếu nó có kêu tôi hùn ít vốn vô chắc tôi sẽ ú ớ với nó vì là dân "Bảy nghề" lấy tiền đâu mà hùn với hạp, nghe tiền ai lại không ham  bởi lẽ thằng bạn nó "vẽ " cho tôi xem một bức tranh đầy màu Hồng, nó kết luận công việc của tôi sẽ làm như sau:
-  Ông Dũng nè, nót thật ông là thằng bạn thân chí cốt với tớ tớ mới gọi ông vào" hội" cho vui, chỉ cần ông thật lòng pha tí gan dạ vào thì ta đánh "vài quả" thì tha hồ ông đổi đời nhé, ra ngoài ấy ông mặc tình ăn uống phủ phê, cái Loan em tớ nó lo tất tần tật, ông chỉ việc lo hàng họ đem về thôi.
Nghe thì thật êm tai, nhưng thật lòng mà nói tôi không phải người có cái tánh đa nghi như thừa tướng "Tào tháo" trong bộ truyện tàu mà tôi có dịp xem qua, nhưng trực giác cho tôi biết thằng Duân bạn tôi qua lời nói và cử chỉ của nó có điều gì khuất tất phía sau nên tôi dùng kế "Hoãn binh", bởi ông bà xưa kia có nói "Giục tốc bất đạt" một khi ta chưa rõ ngọn nguồn chuyện gì thì khoan quyết định, mà phải tìm hiểu cặn kẽ rồi hãy bắt tay vô làm, bằng không có thể sẽ hối hận mà không kịp, tôi nói với thằng Duân:
  -  Tui cảm ơn ông trước nghe, vụ này hấp dẫn lắm nhưng có điều tui phải về bàn lại với vợ con, gì thì gì  cũng phải hỏi qua bà xã một tiếng, không khéo bả giận bả " Cắt cơm" là tui "Lúa vàng" luôn ông ơi.
Nghe tôi nói, thằng Duân cười khanh khách, rồi bằng giọng như kẻ cả nó nói với tôi:
-  Ông Dũng này, thời đại thế kỷ hai mươi rồi, mà tui thấy ông đang có cái tư tưởng "lạc hậu" thế kia, ông còn theo đạo "Thờ bà" ấy à, phải tôi tôi quyết tất chẳng vợ con gì va vào đây cho nó mệt, phải không phải tôi tống cho một phát thì xong, biến về nhà ngay có thế mới được, ông để mấy bà cầm trịch mãi thế kia thì tiêu rồi, ấy thế mà ông tên Dũng mới kinh chứ.
  Nghe câu nói thằng Duân tôi hơi quê với nó, tôi thầm nghĩ thằng quỷ này nó đang làm ra tiền, mà nó kiếm tiền một cách dễ dàng cho nên cách nói, cách suy nghĩ của nó có phần gia trưởng, nghĩ lại mình cũng chưa phải ăn bám vào vợ nhưng tôi không còn lo toan các chi phí tài chánh cho gia đình như mọi lần, nên "lép vế" với vợ thì cũng chẳng chết ai bao giờ, tôi "Nịnh và hơi móc lò nó một câu:
  -  Công nhận ông hay thiệt nha, chắc bà xã ông "Cơm bưng nước rót" cho ông kỹ lắm hả, ông giỏi thiệt đó, được như ông là nhứt xứ rồi còn gì.
  Được trớn, nó tưởng tôi khen thật, hắn còn dạy đời thêm cho tôi một cách để sống:
  - Các nhà hiền triết dạy rồi, chẳng qua ông chẳng để ý hoặc ông không có điều kiện áp dụng thôi, nếu thế thì phí của giời đấy, đại để câu như vầy:
- Ở đời người ta hay lấy vàng thử đàn bà, lấy đàn bà thử đàn ông, tôi nói thật đúng trăm phần trăm chẳng có sai số bao giờ ông tin tôi đi, con vợ tôi này cứ mỗi chuyến đánh hàng xong về tôi vất cho nó vài" Cây bốn số chín" là xong ngay, tôi mặc tình gái gú nhậu nhẹt bả chẳng màng ghen tuông chi cho phí sức, tiền là tất cả ông ơi, tiền là tiên là phật, là sức bật của tuổi trẻ, là sức khỏe của tuổi già....
  Sau câu nói này thằng Duân cất tiếng cười khanh khách, nó chưa buông tha nó đế thêm cho tui một câu nữa:
  - Đấy tôi bảo rồi đấy ông chỉ cần theo tôi dăm ba chuyến, ông sẽ có khối tiền vợ nào dám sai vặt như ông bây giờ.
  Tôi chỉ biết cười trừ sau câu nói của thằng bạn lắm tiền của mà cách sống không phù hợp với tôi chút nào, hơn nữa hắn ăn nói thật ba hoa khoe khoang khiến tôi lùng bùng lỗ tai và cố nhịn không thèm nổi sân si với nó cho qua chuyện, nói thật tôi cũng không tài thánh gì mà cố nhẫn nhịn trước những lời thiếu tế nhị của thằng Duân, nhưng từ khi được thằng em ở Florida nó gửi về cho gia đình một số kinh sách của pháp môn Tịnh độ, băng giảng của Pháp sư Tịnh không, rồi lên Youtube tôi nghe được các thầy thuyết giảng về buông xả, về thị phi, về mặt trái của cuộc đời, về Nhân quả  và nhất là kềm chế cơn giận, các bài giảng rất hay.
Tôi vốn  không phải là phật tử, cũng chẳng là con chiên của Chúa nên tôn giáo nào với tôi nó đều dạy cho ta lành lành lánh dữ, tu thân tích đức, ngoại trừ các tôn giáo quá khích và cực đoan là tôi không tìm hiểu, qua cái tính cách của thằng Duân tôi bắt đầu sợ sợ mỗi khi tiếp xúc, tuy nó muốn tôi làm việc chung để có cuộc sống tốt hơn nhưng tôi đành từ chối trong lần gặp lại sau, vì tôi có nhận định hình như công việc mà tôi làm cho nó có cái gì mờ ám trong đó, thế là tôi phải tiếp tục "Mèo lại hoàn mèo".

  Trời không phụ lòng kẻ khó, rồi thì tôi cũng có được việc làm sau bao ngày cà nhỏng long bong, công việc cũng chẳng nặng nhọc gì, chỉ lựa chọn tôm cá phân loại để chủ cơ sở sơ chế rồi bán đi các nơi, gian nhà tole ẩm thấp được cất tạm trên bờ con rạch, nơi có nước thủy triều lên xuống ra vô mỗi ngày, nếu công việc cứ bình thường như mọi khi thì không có gì phàn nàn, vì đang làm một nơi tương đối rộng rãi. Bổng một hôm bà chủ lùa chúng tôi về làm một góc cuối căn nhà, rồi bà cho đóng lại thành những căn phòng nhỏ khác, bên trong gắn điều hòa không khí mát mẻ vô cùng, tưởng bà chủ thấy công nhân làm cực khổ nên ban bố cho chút "không khí mát mẻ" để tăng năng suất, đâu chỉ một số người tay chân thân tín của bà được vô căn phòng VIP này làm thôi, còn chúng tôi vẫn quần quật làm nơi chật chội nóng bức.
  Đến kỳ phát tiền, vô tình biết được những người trong phòng vip nọ lảnh lương hơn đám công nhân quèn phía bên ngoài, cuộc sống của đám người này cũng dần khá theo cái khá của bà chủ kia. Một hôm vô tình nghe được cây chuyện của hai cô công nhân VIP cãi cọ trong phòng vệ sinh kế bên:
- Tao bơm cả chục kg Tôm mà ông Tám quản lý cân còn có chín ký lô thôi, tổ bà nó cha quỷ này tối ngày cứ ăn chận hoài, chuyến này làm quá tao quậy cho banh chành hết, ai biểu ăn hiếp tao chi.
  Tiếng cô gái khác:
- Thôi đi bà, kệ chả đi có chút đỉnh nhằm nhò gì, bà quậy lên thúi rùm hết là bà đập bể nồi cơm mấy chị em hết đó.
- Chả đưa Rau câu, với đinh kêu chích vô tôm vô cá, buôn bán lời quá trời, ăn gian của bạn hàng đủ rồi còn quơ luôn của công nhân nữa chịu đời cho thấu.
  Nghe câu chuyện của hai cô gái này, tôi sợ xám hồn vì sợ làm ở đây thế nào cũng có một ngày gặp rắc rối với pháp luật, nên vài hôm sau tìm cách tôi xin nghỉ và hai chữ thất nghiệp cứ ám ảnh tôi hoài.

Thời gian trôi đi tôi cũng trôi theo thời gian cũng như đám lục bình trôi sông, sau những lần thất nghiệp rồi tôi cũng tìm được nơi "Dựng võ" tiếp tục, lần này thì hai chữ thất nghiệp sẽ không còn quấy nhiễu được tôi nữa rồi, vì tôi có cơ hội làm thầy giáo ở một trường nọ, từ nay tôi khỏi phải "tháo giầy" cất vô tủ vì thất nghiệp, bẳng đi một thời gian dài tôi dần quên hết những chuyện đã qua, một hôm vào thăm đồng nghiệp nằm trong bệnh viện vì căn bệnh ung thư quái ác, cũng may cho anh chỉ là giai đoạn đầu và được can thiệp kịp thời nên tử thần chưa kịp dẫn anh theo, biết mình tai qua nạn khỏi, ngồi trên giường bệnh anh cười thật tươi và nói với tôi:
  - Thầy Dũng ơi, có vô đây nằm mới thấy cái ác nó trả giá tức thì, bây giờ tui thấy luật nhân quả không sai, gieo nhân gì gặt quả đó, thầy ngồi ghế tui kể thầy nghe.
  Ngồi đối diện với thầy Nhân, anh ta bắt đầu nói và lấy tay chỉ về phía cái giường gần đó:
  - Thầy Dũng biết không, cái cậu con trai đó nhà giàu lắm nghe, sinh viên đó thầy, tội nghiệp trẻ vậy mà ung thư mới đau đó chứ, nhà cậu ta làm bún bán khắp các nơi, khách hàng ra vô nườm nượp, vì bún nhà cậu vừa dẻo dai vừa trắng tươi thật bắt mắt, mèn ơi họ bỏ chất huỳnh quang gì đó vô bún cho bắt mắt, chất này ăn vô một thời gian gây ung thư biết bao nhiêu người.
  Thầy Nhân ngừng một chút nén xúc động rồi thầy tiếp:
- Lò bún bây giờ giàu sụ họ bất chấp sức khỏe của người khác, không ngờ cái quả nó trổ liền vô thằng con của họ, cậu sinh viên hiền lành kia kìa.
  Tôi liếc nhìn cậu thanh niên thật hiền, gương mặt em thật dễ nhìn sau đôi kính cận, thật thương cho em phải mang cái đầu trơ trọi tóc.
Thầy Nhân cắt dòng suy nghĩ của tôi:
- Cậu sinh viên này thường xuyên uống cà phê vào buổi sáng với bạn bè, cứ tưởng cà phê xịn ai dè đâu họ mua ba cái hóa chất độc hại nghe nói éc xăng cà phê gì đó, chỉ cho một giọt nhỏ thơm cả lít cà phê dỏm, uống kiểu đó bao tử nào chịu cho nỗi hả thầy.
Nghe thầy Nhân nói tôi mừng thầm trong bụng, cũng may từ lâu tôi nghi ngờ mấy quán cóc cà phê nên khi vào quán mang tiếng đi uống cà phê mà tôi kêu toàn trà đá chanh đường khiến bạn bè đồng nghiệp hay ghẹo:
- Cái ông Dũng này cũng quái chiêu lắm nghe, vô quán cà phê mà chẳng bao giờ rớ đến cà phê, ổng tối ngày cứ " Bất hiếu" làm tới.( Bất hiếu=đánh cha=đá Chanh=Bất hiếu).
Rồi thầy Nhân lại ngắt ngang suy nghĩ của tôi bằng câu nói:
-  Thầy Dũng thấy không, lò bún cho khách mình ăn hóa chất, rồi người khác cho con lò bún uống hóa chất lại, cứ xoay tua với nhau như vậy bây giờ nhìn lại chính đồng bào mình vì cái lợi trước mắt nên cố tình giết nhau làm suy thoái giống nòi, thiệt là bất lương, nhân quả rõ ràng biết mà cứ làm khổ thiệt.

Thỉnh thoảng tôi vào chùa nơi để các hủ cốt của những người thân quá cố nhằm  thăm và đốt nhang cầu nguyện cho họ, đang săm soi từng người thân quá vãng của mình, những kỷ niệm thời sinh tiền của họ hiện ra trong tâm trí tôi tôi cứ ngỡ như một giấc mơ.
  Tôi lấy khăn nâng niu lau chùi các hủ cốt như thể sợ mạnh tay sẽ làm đau xương cốt của người thân, đang mãi mê làm việc bổng bên tai tôi tiếng của ai đó nghe rất quen gọi tên mình khiến tôi sởn tóc gáy vì sợ ma, số là sáng sớm chỉ có tôi với thầy quản lý ngôi tháp ngoài ra chẳng có nguời thứ ba vậy mà có người kêu ngay cái tên cúng cơm của mình thử hỏi hoàn cảnh như vậy ai mà không sợ, tôi giật mình quay phắt người lại, trong ánh sáng lờ mờ ngôi bảo tháp, trong làn khói mong manh của khói nhanh trầm nhẹ nhẹ bay tôi ngỡ ngàng nhìn gương mặt thẩn thờ của thằng Duân bạn tôi, tôi hỏi ngay:
  - Cái ông này tự nhiên ở đâu như ma hiện, suýt chút nữa ông làm tui đứng tim rồi đó, đi đâu đây cha nội?
Duân cắm cây nhanh vào bát nhang, di ảnh của người thân của Duân  cạnh hủ cốt người thân của tôi, thật là sự trùng hợp ngẫu nhiên, Duân đáp:
  - Tôi vào thăm bố mẹ tôi đây, thế người thân ông cũng gửi vào đây à.
  Tôi gật đầu rồi kéo vội tay Duân cùng nhau ra khỏi bảo tháp để hưởng cái không khí trong lành, tôi hỏi Duân:
- Lúc này làm ăn khá không, lâu quá lu bu anh em mình không gặp.
Duân nói với cái giọng buồn buồn:
- Mất tất cả rồi ông ạ, cuộc đời lên voi thì cũng có ngày xuống chó, mấy thầy nói cuộc đời này là vô thường, giờ ngẫm lại tôi thấy trúng phóc.
Lấy tay bẻ một cái hoa sứ mọc thấp lè tè trên nhánh cây, Duân đưa lên mũi ngữi rồi nói:
- Mình bị chúng nó lừa một vố mất cả chài lẫn chì, giờ mình chẳng còn gì, kể cả con vợ của mình nó cũng ôm hết tiền theo giai rồi, cuộc đời đáng chán thật.
  Một chút thương cảm trong lòng, tôi an ủi thằng Duân:
- Phải chi lúc trước kha khá rồi ông ngưng lại tìm cách khác làm ăn nhỉ thôi, miễn sao gia đạo bình an là được, ông ham làm giàu chi giờ mới khổ, thôi ông ơi số phần hết thôi, thua keo này bày bày keo khác, đứng lên làm lại từ đầu.
  Không biết Duân còn đủ sức để làm lại từ đầu hay không, tôi thấy nó gật gù và chúng tôi lại chia tay trong bùi ngùi vô kể.

  Sáng nọ trên các tờ báo đăng tin cơ sở thu mua chế biến tôm xuất cảng mà tôi từng làm việc bị đóng cửa, chủ cơ sở bị bắt vì buôn gian bán lận, công nhân Vip bị cảnh cáo kèm theo phạt tiền vì tiếp tay chủ làm ăn gian dối, thế là thêm một nơi phải gánh lấy hậu quả của mình làm, tài sản bị kê biên, phạt vạ thậm chí vướng vòng lao lý.
  Qua các sự kiện trên, tôi đã cho mình một bài học để sống, thôi thì trời cho mình cái gì thì mình hưởng cái đó, đừng cố quơ quàu làm điều trái với lương tâm, tiền của có đó rồi cũng qua tay người khác, biết dừng lại khi mình thấy đủ là đủ, mở lòng ra cứu giúp người khác khi họ gặp hoàn cảnh thắt ngặt.
Và nhất là hãy buông xả những hỷ nộ ái ố cho tâm hồn thanh tịnh các bạn của tôi ơi.
  Viết xong 24.3.2016

Xem Tiếp: ----