Dịch giả: Thương Chi

Nguyên tác Pháp ngữ «L'Annam d'autrefois»

     ỳ trước nhân bàn về bộ tiểu thuyết «Từ đồng bằng lên mạn ngược», tôi có phàn nàn rằng trong những sách của người Đại Pháp viết về dân An Nam ta, ít được quyển nào thật là có giá trị, không phải là giá trị về văn chương - vì nhiều quyển vẫn hay lắm, - nhưng giá trị về sự thực. Song tuy phần nhiều như vậy, mà tựu trung cũng được răm ba quyển thật hay, không những hay cho người quí quốc nhờ đó mà biết được tính tình phong phú dân ta, lại hay cả cho người nước ta, xem đấy biết được cái hay cái dở của mình, vì có nhiều sự người ngoài trông thấy mà tự mình không nhận được. Vào số đó thời có sách «Cổ Nam-Việt» (L'Annam d'autrefois) của quan Pasquier, là một bậc thượng quan có rất danh giá ở Đông-Pháp ta, mới được Chánh phủ bổ chức Khâm sứ Trung kỳ, sắp sang phó lỵ. Quan Pasquier không những là một nhà chánh trị giỏi, lại là một tay văn sĩ tài. Sách này ngài soạn từ năm 1906, hồi Đấu xảo Marseille, tức là gồm mười hai bài diễn thuyết của ngài ở hội Thương nghiệp và hội Địa dư học thành Marseille. Bài thứ nhất nói về gia tộc An Nam; bài thứ nhì về làng xã; bài thứ ba về Triều đình; bài thứ tư về các tỉnh; bài thứ năm về quan chế và phép dụng binh của nước ta đời xưa; bài thứ sáu về quản chế và phép giáo dục; bài thứ bảy về luật lệ; bài thứ tám về thủ tục các việc án và chế độ về điền thổ; bài thứ chín về thuế đinh; bài thứ mười về thuế điền và các hạng thuế khác; bài thứ mười một về các công trình lớn, như đê, đường, cầu, cống; bài thứ mười hai về các lời thi ca. Gồm lại thành một thiên đại luận về các chế độ cổ của nước Việt Nam ta từ trước khi Đại Pháp sang bảo hộ, khác
nào như một bộ «Lịch triều hiến chương toát yếu» của một nhà tây nho có lòng yêu mến đất nước này mà đã dụng công quan sát về sự sinh hoạt của quốc dân ta từ trước khi bắt đầu theo về phong trào mới.
Trong bài tựa tác giả có nói rằng: «Hoặc có người đọc sách này mà trách tôi rằng có bụng thiên quá yêu người An Nam thời tôi xin dẫn lời ông Montesquieu làm chứng, ông có câu nói rằng: «Khi tôi đi du lịch các nước phương xa, thời tôi cũng yêu mến các nước ấy chẳng khác gì nước tôi, hình như tôi cũng có phần trong cuộc thịnh suy của các nước ấy, và tôi mong ước ao làm sao cho các nước ấy được thái bình thịnh trị.» Tục ngữ An Nam lại có câu rằng: «Nhập giang tùy khúc, nhập gia tùy tục.» Bởi thế nên tôi mới làm ra sách này...»(2) Coi đó thời đủ biết cái cảm tình của tác giả đối với dân An Nam ta thành thực và thâm thiết là dường nào.
Nay muốn giới thiệu sách này cho quốc dân được biết, xin tóm lược đại ý các thiên như sau này.
Đầu sách có bài tựa của quan Bác sĩ Heckel, giám đốc nhà «Thuộc địa Học viện» (Institut colonial) thành Marseille. Bài tựa này ý nghĩa cũng cao thâm lắm. Đại khái nói rằng phàm đã gọi là một dân một nước thời phải có một thể chế riêng. Thể chế là gồm những phép tắc lớn thống nhiếp sự sinh hoạt của người dân trong một nước. Nhưng trong thể chế một nước có thể chia ra hai phần: một phần là cái «thể chế tự nhiên» (constitution naturelle), một phần là cái «thể chế ước định» (constitution conventionnelle). Lấy một cái cây mà tỉ dụ thời thể chế tự nhiên là gốc là rễ; thể chế ước định là lá là cành. Xét xã hội nước Nam thời những chế độ về gia tộc, về xã thôn, về châu quận, về quan chức, là thuộc về thể chế tự nhiên, vì là gốc ở thiên nhiên mà ra, không phải một người ta gây dựng lên được; phần này là nền là gốc của xã hội; hễ xâm phạm đến thời trật tự xã hội tất phải đảo điên. Đến như luật lệ, thuế ngạch, công trình, văn thơ, là tự người ta gây dựng ra, tức là thuộc về thể chế ước định, đã ước định thời không phải là nhất định, phải thay đổi luôn cho thích hợp, cho nên phần này có thể tùy trình độ mà cải lương dần được, khác nào như cái cây tuy gốc không dám xâm phạm đến mà ngọn có thể sửa sang được. Song tuy là ước định mà sở dĩ làm sao lại ước định ra như thế, không ước định ra cách khác, thời lẽ cũng là thuộc về tự nhiên, không phải là ở cả cái ý muốn nhất thời của người ta. Cho nên không những cái thể chế tự nhiên không nên xâm phạm đến, mà cái thể chế uoc định muốn sửa đổi cũng phải cẩn thận lắm, kẻo phương hại đến cuộc sinh hoạt trong quốc dân. Đại Pháp sang cai trị xứ này, phải lấy sự tôn trọng cái thể chế mấy nghìn năm của người bản thổ làm phương châm, làm chính sách. Chắc rằng nghĩa vụ của Đại Pháp là phải đưa giắt dân này lên cõi văn minh mới, nhưng văn minh mới ấy chỉ nên bổ vào những sự thiếu thốn, không được phá mất cái nền nếp cũ của dân tộc này. Những người mà Đại Pháp sai sang đây để cai trị dân phải là «những tay nông phố giỏi» (faire oeuvre d’habiles agriculteurs humains), mới biết tài bồi cho cái cây cổ thụ đất Việt Nam, khéo sửa sang trên lá ngọn, mà không xâm phạm đến gốc rễ. - «Sách quan Pasquier sở dĩ có giá trị là bởi từ đầu chí cuối đều biểu một lòng tôn trọng cái thể chế cũ của nước Nam. Bởi thế nên đáng làm một pho sách thường khóa cho những viên quan cai trị mới sang chức bên An Nam, cần phải định phương châm chính sách thế nào cho hợp với cái chính khoan dung đại độ của nước Pháp, xưa nay đến cắm cờ ở đất nước nào cũng vẫn theo một chủ nghĩa ấy.»(4)
Lời lẽ cao thượng thay! Bài tựa ấy thật là xứng đáng với quyển sách này.
Dưới bài tựa đền bài tự ngôn của người làm sách nói qua về giống người và thổ địa nước ta, vì trước khi khảo về chế độ một nước phải biết người nước ấy ở đâu mà lại, dân nước ấy sinh trưởng nơi nào. Giống Giao Chỉ ta là một chi phái của giống Mông Cổ, tự lưu vực sông Dương Tử, qua các cao nguyên nước Tàu, tràn xuống đồng bằng xứ Bắc Kỳ, sinh cơ lập nghiệp ở đấy, rồi chiếm lần hết các bình nguyên trong suốt cõi bán đảo Đông Dương này, gặp người thổ dân thời khu trục vào miền rừng núi, duy có dân Chiêm Thành thuộc về giống Mã Lai là mạnh hơn nhất, cùng với ta xung đột trong mấy thế kỷ, đến sau cùng bị ta tiêu diệt hết. Giống ta chỉ ưa những đất đồng bằng, trước mắt phải có «cái tấm thảm xanh mênh mông bát ngát những ruộng lúa cùng ruộng mạ chỗ đậm chỗ nhạt, giữa lại lốm đốm những đốm xanh dì là bụi tre các làng, giọc ngang những vết trắng xóa là các đường sông ngòi.» (trang 19). Còn thượng du thời ma thiêng nước độc, riêng để cho những giống Mán Mường. Giống ta là giống sinh trưởng ở đồng bằng, nên theo lời Bác sĩ Heckel, ta ít có chí khí độc lập khoán trương mà chỉ ham cái lạc cảnh làm ăn yên ổn(2); đó cũng là một đặc tính của giống Việt Nam ta.
Lời lẽ cao thượng thay! Bài tựa ấy thật là xứng đáng với quyển sách này.
Dưới bài tựa đền bài tự ngôn của người làm sách nói qua về giống người và thổ địa nước ta, vì trước khi khảo về chế độ một nước phải biết người nước ấy ở đâu mà lại, dân nước ấy sinh trưởng nơi nào. Giống Giao Chỉ ta là một chi phái của giống Mông Cổ, tự lưu vực sông Dương Tử, qua các cao nguyên nước Tàu, tràn xuống đồng bằng xứ Bắc Kỳ, sinh cơ lập nghiệp ở đấy, rồi chiếm lần hết các bình nguyên trong suốt cõi bán đảo Đông Dương này, gặp người thổ dân thời khu trục vào miền rừng núi, duy có dân Chiêm Thành thuộc về giống Mã Lai là mạnh hơn nhất, cùng với ta xung đột trong mấy thế kỷ, đến sau cùng bị ta tiêu diệt hết. Giống ta chỉ ưa những đất đồng bằng, trước mắt phải có «cái tấm thảm xanh mênh mông bát ngát những ruộng lúa cùng ruộng mạ chỗ đậm chỗ nhạt, giữa lại lốm đốm những đốm xanh dì là bụi tre các làng, giọc ngang những vết trắng xóa là các đường sông ngòi.» (trang 19). Còn thượng du thời ma thiêng nước độc, riêng để cho những giống Mán Mường. Giống ta là giống sinh trưởng ở đồng bằng, nên theo lời Bác sĩ Heckel, ta ít có chí khí độc lập khoán trương mà chỉ ham cái lạc cảnh làm ăn yên ổn(4); đó cũng là một đặc tính của giống Việt Nam ta.
Thiên thứ nhất nói về gia tộc, về quyền phụ huynh trong nhà, về địa vị người đàn bà, về các lễ quan hôn tang tế, về sự phụng sự tổ tiên. Xét ra cái gia tộc chế độ của ta không khác gì gia tộc chế độ của La Mã đời xưa. Thiên này kết luận rằng: Gia tộc chế độ ở nước Nam lấy quyền nhất thống của kẻ phụ huynh làm trụ cột, đại để không có để cho quan quyền can thiệp đến bao giờ; lại nhận vì sự phụng sự tổ tiên bật buộc mà thành ra có cái giây liên lạc bền chặt, nghiễm nhiên thành một đoàn thể thống nhất, không có lề thói riêng, dưới quyền người trưởng tộc vừa là ông chúa tể, ông giáo chủ, ông quan án ở trong nhà. Sức mạnh của gia tộc là ở sự thống nhất ấy, ngoài thời nghiễm nhiên độc lập đối với quân quyền, mà trong thời hết thảy phục tòng một người trưởng tộc.» (trang 39).
Thiên thứ hai nói về chế độ các xã thôn. Xã thôn ở nước Nam là một đoàn thể địa phương tự trị đối với quyền trung ương của Nhà nước, ngoài việc sưu thuế không có can thiệp gì với quốc gia mà quốc gia cũng không can thiệp gì đến, thật là khác hẳn với xã thôn các nước. Những người đương nhiệt thành về việc cải lương hương chính nên ngẫm nghĩ mấy câu phán đoán như sau này: «Nước Nam là một nước quân chủ chuyên chế, vua quan có quyền tuyệt đối, vậy mà các xã thôn là tự do độc lập, được những đặc quyền đặc lợi đối với quyền chuyên chế của nhà vua. Xã thôn An Nam là một cái cơ quan hành động rất hay, cách kết cấu có phiền phức mà rất bình đẳng, trong làng không có kẻ kỳ hào nào được thiện tiện chuyên quyền; cái cơ quan ấy lại di truyền từ đời thượng cổ đến giờ, như vậy thời đủ rõ rằng không nên xâm phạm đến, kẻo làm điên đảo mất trật tự trong nước. Khác nào như một cái đồ dùng tuy đã cũ mà vẫn tốt, hợp với tính cách của người dân.» (trang 63).
Thiên thứ ba nói về Hoàng Đế và Triều Đình. Nước Nam là một nước quân chủ chuyên chế, vậy thời Hoàng Đế là chúa tể tuyệt đích, trên mình chỉ có Trời, còn ngoài không có gì hạn chế được quyền tuyệt đối. Nhưng theo học thuyết cũ thời Hoàng Đế là con Trời mà lại là cha mẹ dân, trong cách trị dân phải thuận mệnh Trời mà phủ dục cho lũ lê thứ là đàn con mình. Vua nhờ thần quyền mà có quyền tuyệt đối, nhưng cũng vì thần quyền mà phải có nghĩa vụ với dân. Gặp phải ông vua hôn dung hay bạo ngược thời dân tất mượn thần quyền mà nổi công phẫn, phản đối lại vị vua đã trái mệnh Trời. Ấy các triều kế thế nhau thường thường là vì lẽ đó. «Thành ra tiếng là quân chủ chuyên chế mà tựu trung cũng có ngụ cái ý dân chủ tự do ở đó, hình như quân dân thông đồng hòa hợp với nhau ở nơi thần quyền vậy.» (trang 68). Bởi vua tôi nhờ có cái lý thuyết thần quyền không đến nỗi gián cách nhau như thế, nên các đế vương lịch triều thật đã có công to với nước Nam lắm lắm. «Vua triều nào cũng vậy, hết thảy đều theo đuổi một mục đích, là gây dựng cho nước Nam được thống nhất, mở mang cho nước Nam được to rộng.» (trang 72).
«Cái chính thể quân chủ ở nước Nam, tương lai này ra thế nào, nay chưa thể đoán biết được, nhưng chắc không bao giờ còn được khởi sắc như xưa nữa. Nhà hoài cổ cảm giác cái khi vị thanh thú êm đềm những chốn đền đài lăng tẩm ở Kinh đô, cái văn vẻ sán lạn rực rỡ những khi triều tế yến ẩm trong cung điện, không thể không ngậm ngùi thương tiếc rằng ở đời này sự cách tàn với sự tồn cổ không thể điều hòa được mà lại tất phải phản trái với nhau.» (trang 92).
Thiên thứ tư nói về cách cai trị trong một tỉnh, trên từ quan Thượng, quan Bố, quan Án, quan Đề, quan Lãnh, dưới đến các quan phủ huyện huấn giáo, dưới nữa đến lính trạm lính lệ. Đại khái khen rằng cách cai trí ấy theo chủ nghĩa trung ương tập quyền, thật là khôn khéo lắm, khác nào như cái máy các bộ phận đều xu hướng cả về một nơi khu nữu là quan Tổng đốc đầu tỉnh, các tỉnh lại đều xu hướng cả về Triều đình là nơi chủ động hết thảy. Thuộc về các quan Tổng đốc hồi xưa, có câu rằng: «Các quan Tổng đốc là những bậc trọng thần, thường thường là những tây kinh luân, tài trí. Có một vài ông thật là có cái khí tiết trung thành ái quốc, như ông tổng đốc kia một hôm tiếp ông sứ sang thương thuyết một việc hơi trái với luật pháp Triều đình, khái nhiên đáp lại rằng: «Quan lớn không thể bắt tôi bán nước tôi được»; đủ biết người khảng khái là dường nào.» (trang 107). Tác giả lại được biết cụ cố Văn minh Nguyễn Trọng Hiệp, có mấy câu nói về cụ rất là cảm động, nói rằng: «Tướng công có cái thái độ ứng dụng cao thượng, lại thêm cái vẻ thái nhiên mà buồn rầu vô hạn, khiến cho người ta đến gần không thể không đem lòng kính trọng».  (trang 78; lại trang 325). Ôi! Một vị quí quan mà biết trọng cái vô cùng sâu của một kẻ lão thần nước Nam, thật là hiếm có thay và đủ tỏ ra một người bụng dạ khoát đạt, tư cách thanh cao biết dường nào!
Thiên thứ năm nói về cái quân chế cũ của nước Nam ta, về các khoa thi võ đời xưa, về cách dụng binh của ta, về các cơ, đội, thập, ngũ, v.v. Khen các vua chúa ta biết dùng binh để mở mang bờ cõi, khai khẩn ruộng đất, không phải chỉ chuyên dụng về việc chiến tranh phòng bị mà thôi. Nói về cách lập «đồn điền» của ta ngày xưa, cũng giống với La Mã, mà lại có tứt rước La Mã, có câu rằng: «Như vậy thời không những La Mã đời xưa biết dùng binh để làm ruộng mà nước Nam đã biết từ trước vậy.» (L'Annam a connu le soldat laboureur avant la Rome antique.) Nhân bàn về quân chế, tác giả xét đến cái vấn đề người An Nam có tư cách về nghề binh không, có tinh thần thượng võ không? Cỏi bề ngoài thời tưởng dân An Nam là một dân hiền lành, chỉ biết làm ruộng, không ưa nghề binh. Nhưng xét lịch sử thời dân này không phải là không có cái thượng võ tinh thần, xem như mấy mươi phen đánh quân Tàu không xâm chiếm được, lấn Chiêm Thành sau đến mất nước, thời đủ biết. Chỉ vì cách giáo dục văn nhược theo Khổng giáo nên cái tinh thần cố hữu ấy không thường xuất lộ ra được, nhưng có dịp gì quan trọng thời cũng trình bày ra một cách rực rỡ, như về đầu Bản Triều các võ thần lập công nghiệp hiển hách biết bao nhiêu, vì bấy giờ phải đánh đông dẹp bắc nhiều (trang 107). Bấy giờ nếu Chính phủ Bảo hộ biết khéo lợi dụng thời có ngày việc quân phòng ở Đông Pháp này dùng thuần bằng lính An Nam cũng đủ (trang 149). 
Thiên thứ sáu nói về các văn quan và việc giáo dục thi cử ở nước ta ngày xưa. Quan trường ở nước ta không phải là một giai cấp riêng hay là một phái quí tộc trong xã hội. Quan trường chẳng qua là gồm những người có quan chức, mà những người ấy lại là người có thi đỗ mới được làm quan, cách kén chọn nhân tài thật là bình đẳng và hợp lẽ lắm. Nay quan là những người thay quyền vua mà trị dân, quyền vua đã tuyệt đích thời quyền quan trừ đối với vua có trách nhiệm, còn dữ với dân là tuyệt đối, song không sợ lạm quyền chuyên chế, vì «nước Nam là một nước theo văn hóa Tàu, mà những nước theo văn hóa Tàu thời có cái quan niệm rất phân minh về sự lợi ích chung, dù chính thể thay đổi, bao giờ cũng không sai được cái quan niệm ấy. Trong luật Tàu, luật An Nam thường khuyên các quan phải chăm nom sự lợi ích cho dân, có lẽ lời khuyên đó chẳng qua cũng là một câu nói mà thôi, nhưng sở dĩ có câu nói ấy cũng đã là hay lắm rồi. Huống xét các chế độ luật pháp của nước Nam thấy sự công ích tư lợi thật là phân biệt rõ ràng lắm!...» (trang 154). - Quan kén chọn bằng cách thi cử. Sự thi cử ở nước Nam không phải là một việc riêng trong học giới, chính là một phép chung về chính trị (non pas une simple solennité universitaire, mais une véritable institution politique), vì những người thi đỗ ra là sau này sẽ được cầm quyền để kinh bang tế thế. Thiên này có một đoạn kết luận rất hay, nói rằng: «Ta đừng có xét lầm, cách thi cử để kén người như thế coi có ý thật thà một chút mà những người thi đỗ ở đấy ra sau này chính là những tay chính trị giỏi, ngoại giao tài, hoặc ra cai trị một tỉnh lớn hay một huyện nhỏ, hoặc ra cầm quyền tư pháp trong dân gian, cũng là xứng đáng, chẳng kém chi ai. Phần nhiều là những người sành cái thuật trị dân cả. Gặp khi quốc biến hay gặp hồi nhiễu loạn, thời chính những người ấy xông pha nơi nguy hiểm, cầm quân đánh giặc, đắp lũy xây thành, những thành những lũy ấy dẫu các quân quan võ tướng ta cũng chửa dám khinh thường. - Coi đó thời biết rằng muốn cảm phục được dân này phải có tài trí, có công đức, và cách ăn ở phải xứng đáng lắm mới được. Oai võ lực, sức súng ống, không đủ cầm được một dân văn hóa như dân này, có tính hay xét nhận những thói ác liệt của người ngoài rất sành, và nếu mình không giữ gìn thời bị họ chê cười nhạo báng mà làm mất cái oai quyền thế lực của mình như chơi; vì lẽ thường ở đâu cũng vậy, tinh thần đối với võ lực, kẻ yếu đối với người mạnh, hay lấy cái trí tinh nhuệ tế nhận những thói xấu của người làm khí giới vậy (trang 179-180). Mấy lời đó thật là một bài học hay cho sự giao thiệp người quí quốc với dân ta, nhiều ông Tây nên nhớ lấy chớ quên.
Thiên thứ bảy nói về luật lệ An Nam, có dịch cả bài tựa của Đức Gia Long trên đầu bộ Hoàng Việt luật lệ, khen rằng các cổ đế vương nước Nam đặt ra luật lệ thật là chí ý lắm, không những để giữ trị an trong xã hội, lại định mưu hạnh phúc cho quốc dân. Luật lệ mỗi nước phải thích hợp với tính tình dân nước ấy, người Tây xét luật lệ An Nam chớ nên thấy nhiều điều trái với tư tưởng phong tục mình mà vội cho là dã man. Nếu xét kỹ đến cái thâm ý trong luật lệ ấy thời mới biết rằng cái lý tưởng nó cũng cao thâm lắm, có điều vị tất các nước Thái Tây đã theo kịp. Tỉ như cái lý thuyết về sự hình phạt (la théorie đe la peine); người An Nam cho hình phạt là một cách chuộc tội, chịu rồi thời sạch tội, người Tây cho là một cái vết ô nhục, dẫu chịu rồi cũng không bao giờ rửa sạch được; thử so sánh hai đằng, đằng nào có ý cao thượng, hồn hậu hơn? (trang 192-194).
Thiên thứ tám nói về thủ tục các việc án ở nha môn các quan, và chế độ riêng về điền thổ. Đại khái nói rằng cách xử án ở các nha môn An Nam có lẽ giản hơn ở các tòa án Tây, và thật là hợp với tính tình người dân. Còn cái chủ ý các luật lệ về điền thổ là khiến cho người dân biết lợi dụng được hết các ruộng đất trong nước, vì ở nước Nam cái tài nguyên đệ nhất là ruộng đất.
Thiên thứ chín và thứ mười là nói về thuế đinh thuế điền và các thuế ngạch khác. «Sưu thuế ở nước Nam tựa hồ như không phải là cái phần góp của mỗi người dân giúp vào việc chi tiêu chung trong nước, mà là cái tiền cống của các xã thôn phải nộp cho nhà vua.» (L'impôt apparaît plus comme une redevance, un tribut payé par la commune au souverain, que la quote-part de chaque individu dans les dépenses générales de l'État (page 241). Bởi thế nên từ xưa đến nay trong việc bổ thuế, Nhà nước chỉ biết các làng, không biết đến từng người dân. Cũng bởi thế nên cái nghị mới của Chính phủ Bảo hộ Bắc kỳ đặt ra thuế thân nhất luật cho mọi người, dân nhà quê ta không lấy làm hoan nghênh lắm.
Thiên thứ mười một nói về các công trình lớn như đê, đường, cầu, cống, v.v. Trong những công trình ấy thời vĩ đại nhất là các đê đắp để giữ nước sông lên. Thống kê xứ Bắc kỳ có tới 2400 cây-lô-mét đê, dung tích là 156 triệu thước vuông đất (156.000.000 m3). Suốt trong thế giới tưởng không có nước nào xây đắp đến nhiều như thế. Bên Âu Châu có người Hòa Lan cũng phải đắp đê lớn để ngăn nước bể, nhưng vị tất đã có công phu bằng người An Nam. Sau này vạn nhất mà dân An Nam vì một cớ gì phải tiêu diệt đi mất, thời những đê trên bờ sông còn đó cũng đủ chứng cho đời sau biết là một dân có nghị lực phi thường, như các đường quan lộ của Lạ Mã đế quốc đời xưa, hiện nay vẫn còn dấu tích (trang 289-290).
Thiên thứ mười hai là thiên cuối cùng nói về thi cả cùng những phong dao tục ngữ của ta, có trích mấy đoạn truyện Kiều và mấy bài thơ trong tập «Như Tây nhật trình» của cụ Nguyễn Trọng Hiệp. Đại khái nói rằng thơ văn An Nam cũng có đặc sắc, Chánh phủ Bảo hộ nên chú ý bảo tồn lấy, đừng để cho mai một đi mất, hoài của.

 

Ấy đại khái nội dung sách «Cổ Nam Việt» của quan Khâm sứ Pasquier như thế. Cuối cùng có một bài tổng kết, thật là một áng văn chương đại đoạn, lời lẽ hùng hồn quảng đại, đủ rõ là một người có tư tưởng cao, có chính kiến rộng; xin trích dịch mấy câu như sau, nhân làm kết cho bài này.
Tổng kết rằng: «Tôi là một người rất yêu mến dân tộc này, yêu mến những lề thói xưa, phong tục cổ của đất nước này, tôi thiết nghĩ rằng vì lẽ thay đổi tự nhiên mà ta tình cờ được sang cầm quyền bảo hộ dân xứ này, ta nên nghiên cứu việc đời trước, cho biết đường lối sau này thế nào.
«Hễ biết nhau thời tự khắc thành ra yêu nhau.
«Ta chớ nên phá đổ cái nhà cổ nước Việt Nam. Chữ nho kia là cái vỏ tư tưởng của dân tộc này, ta phải biết tôn trọng. Ta phải khéo điều hòa mà chớ nên phá hoại. Chớ nên để cho trăm năm về sau Đại Pháp phải mang cái cữu rằng vì tập quyền khắt khe quá mà tiêu diệt mất cái quốc túy của một nước phương xa. 
«Ta tới đây cũng như vào trong một cái hoa viên: trong vườn có hoa quả gì ta phải để nguyên như vậy...
«Đại Pháp vẫn có tiếng là khoan dung đại độ; nếu sang cai trị bên Đông Pháp này lại biết tôn trọng cái tinh thần cũ của giống Việt Nam, giúp cho dân trí phát minh, ân cần mà quyến cố đến nhà nho học, chớ khinh rẻ mà rộng bụng biết dung nạp những sự mở mang về trí thức của người dân, thời chắc là càng ngày càng được người bản xứ yêu mến bội phần vậy...»
Quốc dân ta cũng nên nói lời ước ao như vậy, và nên cám ơn quan Pasquier đã soạn được một quyển sách quí hóa cho dân tộc chúng ta như thế. Ta lại mong rằng người Pháp nào trước khi đáp tàu sang An Nam, dù sang cai trị, sang buôn bán hay là sang du lịch, cũng nên có một quyển sách này trên tay, đọc đi đọc lại, làm một bộ sách «thường khóa» như lời khuyên của quan Bác sĩ Heckel; như vậy thời sự giao tế của người Pháp người Nam chắc sẽ được thân mật thêm lên, và cái chủ nghĩa Pháp Việt đề huề có lẽ có ngày thực hành được hoàn toàn vậy. 
THƯỢNG CHI
Chú thích:
(1) Pierre Pasquier - L'Annam d'autrefois, Essai sur la constitution de l'Annam avant l'intervention française - Paris, A. Challamel, éditeur, 1907. - 340 pages.
(2) «Si, au cours de ces pages, on est tenté de m'accuser «d'annamitophilie», je dirai pour mon excuse avec Montesquieu: «Quand j'ai voyagé dans les pays étrangers, je m'y suis attaché comme au mien propre, j'ai pris part à leur fortune, et j'aurais souhaité qu'ils fussent dans un état florissant.» - Un proverbe annamite dit: «Entrant dans un fleuve, il faut en suivre les méandres, entrant dans une maison, il faut en suivre les habitudes.» (pages 15-16).
(3) «C'est par cette préoccupation du respect de la constitution annamite que cet ouvrage arrive son heure. Il pourra servir de livre de chevet à tous les jeunes administrateurs qui, au début de leur carrière, ont à orienter leurs procédés vers les meilleures méthodes en s'inspirant de la politique libérale de la France, partout où flotte son drapeau.» (page12).
(4) «Ici, l'esprit d'indépendance et d'expansion extérieure de la race semble s'être éteint sous le souffle puissant (qui anime toutes les institutions) de la liberté intérieure dans la paix.» (page 9).

Xem Tiếp: ----