ài này chỉ nói cái hình thế đại khái thôi, và khi đi tôi không định làm, lúc đi đường lại vội vàng, không đủ thì giờ xem xét, cho nên không khỏi có chỗ không đúng chăng.
Hôm mồng 3 tháng 8 ta trước tôi nhân về Hà Nội, gặp ông L., ông rủ tôi đến mồng 6 cùng đi Sài Gòn, vì ông đi ô tô một mình, muốn giữ tôi đi cho có bạn, tuy ngặt ngày và đồ hành lý thiếu thốn, tôi cũng nhận lời ngay, vì cuộc đi chơi đường bộ vào Huế và Sài Gòn là một cái mộng tuởng của tôi đã lâu.
5 giờ sáng hôm mồng 6 tháng 8 ta ở Hà Nội khởi hành, sương sớm lờ mờ, rạng đông mới hé, xe chạy vù vù, hình như cuốn con đường cái trắng sóa, lúc ấy nào Hoành Sơn, nào Hương Giang, nào Hải Vân Quan, đều tưởng tượng bày ra từng cảnh ở trong trí não.
Trưa đến Thanh Hoá. Thanh Hoá buôn bán bình thường, vì không tiện đường thủy, nhà máy sợi, máy diêm, cũng đều ở bờ sông Hàm Rồng, cách thành phố 3, 4 cây; về miền nhà quê lắm chỗ cũng đẹp, cánh đồng xanh mướt, núi đá nhấp nhô, tỉnh Thanh sơn thủy thanh thú, dân cư trù phú, có khi vào hạng nhất nhì trong Trung kỳ.
Ăn cơm sáng xong, ở Thanh Hóa ra đi, tự đấy là bước dần dần vào cảnh đồng chua nước mặn.
Chiều đến Vịnh (Nghệ An). Vịnh là đầu đường xe hỏa ra Bắc Kỳ, lại tiện đường thủy, phố sá buôn bán sầm uất lắm, chúng tôi ngủ ở Vịnh một tối.
Sáng hôm mồng 7 ở Vịnh đi ra Bến Thủy, trời còn tối, nhưng đứng ở dưới phà trông lên, nhà máy điện, nhà máy cưa và phố sá ở trên bờ, có chiều vui vẻ lắm; đi một lúc đến cánh đồng tỉnh Hà Tĩnh, ruộng nương có vẻ tươi tốt hơn tỉnh Nghệ. Nhưng ở đấy không biết có kiểu đất gì mà khắp cánh đồng lô nhô những mộ. Có khi không có đám ruộng nào là không có đến mấy cái mộ, làm cho mất cả cảnh sinh hoạt của cánh đồng tốt đẹp ấy đi: tục phong thủy của ta cũng là bắt chước của Tàu, mà ta mê tín đến nỗi có câu tục ngữ: «Sống về mồ về mả, chả sống về cả bát cơm». Tuy rằng những sự mê tín độc hại ấy sẽ theo cái trình độ tân học mà tiêu tán dần, nhưng tôi cũng mong những nhà cựu học có kiến thức, hồi tỉnh lại sớm được chút nào hay chút ấy. Vì cái sự mê tín độc hại này, không những làm hại về đường vật chất, như là ngăn trở sự làm ăn, sự công tác, mà lại hại cả đến đường luân lý và tinh thần nữa, là động làm gì chả nên, cũng đổ tại mồ mả, thậm chí có nhà đào mả ông cha lên không biết bao nhiêu lần để cầu phú quí, và khiến cho người ta mất cả cái lòng tự tin, tự lập, tự cường. Cái tệ này có thể nói là ở nhà cựu học mà ra cả. Nay dẫu rằng những mồ đã an táng rồi, chưa thể di dịch được, nhưng cũng nên cổ động cho hoặc một làng, hoặc một họ lập lấy một cái nghĩa địa để từ nay chôn tất cả vào một nơi.
Thành phố Hà Tĩnh buôn bán không được sầm uất. Đi lúc nữa đến núi Hoành Sơn, là một chi núi nhỏ ở núi Tràng Sơn (Chaîne annamitique) chạy rẽ ngang ra bể, như hình chữ nhất, không cao, độ trăm thước tây thôi, đường ô tô đi có một chữ «chi» thì lên đến đỉnh đèo. Ở đỉnh đèo có hai cái cổng xây gạch, một cái nhỏ ở sườn núi và một cái lớn ở giữa đỉnh. Hai bên cổng có bức tường bằng đá và gạch, chạy theo chiều dài đỉnh đèo, thực là một cái giới hạn nam–bắc thiên nhiên vậy.
Khi qua đèo này tôi có tức cảnh bốn câu:
Đường mây dạo tới ngọn đèo Ngang,
Nghiệp bá đồ vương nhộn chiến tràng,
Khí mạnh ba quân còn phảng phất,
Sóng xô mặt bể gió reo ngàn.
Qua đèo Hoành Sơn, lối y phục đã khác, đàn bà bới tóc, khăn vành giây, áo cài khuy cổ, quần trắng, tức là lối ăn vận Huế vậy.
Trưa đến Đồng Hới là tỉnh Quảng Bình, là đầu đường xe hỏa ra Vinh cũng sắp khánh thành, (nay đã chạy rồi), buôn bán không được đông đúc, có nhà khách sạn «Nhật Tân» của người Bắc Kỳ ta mới mở, tuy bé nhỏ mà sạch sẽ, cách tiếp đãi cũng chu tất, cơm tây cơm ta đều có, tiện cho người mình lắm. Đi đến 2 giờ trông về phía nam thấy những giải núi nhấp nhô như là báo cho khách bộ hành biết trước đấy là Thần kinh Đế khuyết.
Chiều 6 giờ đến Huế, khi đi khi về, đều vội cả, tôi tiếc không được ở lại vài ngày, để xem cung điện, lăng tẩm, nhưng cái này thuộc về mĩ thuật, không phải là chủ đích cuộc đi chơi, cho nên cũng không cần lắm. 
Khi đến Huế cái nhiệt độ cảm tình tôi lên rất cao, chả kém gì khi đi đến Vịnh.
Ở Huế đẹp nhất là con sông Hương Giang, nước sông trong mà thường đầy, khúc trên thì cây cối um tùm, xóm gianh ẩn ước, đò ngang dịu dàng, ra bức tranh sơn thủy cổ; khúc dưới thì cầu sắt ngổn ngang, thuyền bè phấp phới; bên tả ngạn thì thành hào nhà vua, và phố sá buôn bán sầm uất, bên hữu ngạn thì lâu đài quan dân Đại Pháp nguy nga; lấy con mắt cũ mà xem thì Kỳ đài Ngọ môn, trang nghiêm vô hạn, mà lấy con mắt mới mà xem thì cái vẻ trang nghiêm này cơ hồ bị cái vẻ tráng lệ lâu dài tối tân ngập lụt đi mất cả.
Trước mặt Huế là phía nam núi Ngự Bình và giải núi Ải Vân Quan làm bình chướng, tức là cái tay hổ của kinh đô vươn ra làm cái tiền án. Còn tay long thì là một giải đất khuỳnh ra cửa Thuận An, đứng trong Huế trông ra hình như cái lông mày con ngài nằm ngang trên mặt bể vậy.
Nói tóm lại, kinh đô Huế là nơi phong cảnh xinh đẹp, êm đềm, u nhã, chứ không bát ngát, lưu thông, hoạt động như Hà Nội.
Tôi có đi qua cái kỷ niệm dài của chiến sĩ trận vong ở hữu ngạn sông Hương, đối xế ngang kỳ đài, là một cái mĩ thuật kiến trúc mới của kinh đô, lấy ý riêng tôi, thì cái kỷ niệm đài này, dáng dấp nặng nề, kiểu đắp rặm rạp và mùi thuốc vẽ sặc sỡ quá. Mĩ thuật tức là văn chương có hình, không ở lắm chữ mà ở ý vị cao xa, không ở nắn gọt mà ở giọng văn thanh thoát, các nước Thái Tây chấn hưng mĩ thuật đã mấy ngàn năm, không trách trình độ mĩ thuật người ta cao đến cực điểm. Còn nước mình cho là một nước không có mĩ thuật, cũng không phải là nói quá, vì người nước ta bị có cái tính cẩu thả, mà chỉ mê chuộng về nghề văn chương, cho các nghề khác là mạt nghệ, lấy câu «Xảo vi chuyết gia nô» (người khéo làm đầy tớ cho người vụng) làm cách ngôn, thành ra cái lương năng về mĩ thuật bị đè nén cho đến ngày nay mà ngày nay lại ở vào buổi giao thời, mĩ thuật cũng bị làn sóng giao thời, mà sinh ra lắm vẻ lố lăng. Xem những vật kiến trúc và đồ chế tạo ngay ở Hà Nội cũng thế. Nhưng theo lời ông Ẩm-Băng nói, thì những người làm là đứng vào địa vị được, còn những người không làm thì bao giờ cũng đứng vào địa vị thua; vậy mĩ thuật ngày nay dẫu rằng lố lăng, nhưng cũng không phải là không có ích, là để về sau xem đấy mà biết chỗ được chỗ hỏng vậy.
Kỷ niệm đài các nước đều do các tay chuyên môn về nghề nặn gọt và thường làm hoặc bằng đá, hoặc bằng loài kim, dẫu nhỏ cũng còn hơn vôi gạch.
Sáng hôm mồng 8 từ biệt Huế, đường qua phía tả núi Ngự Bình và vài ba giải núi thấp, rồi đến bến đò Mĩ Lộc, gần đấy có hành cung nghỉ mát. Qua phà xong thì bắt đầu lên Ải Vân Quan, Ải Vân Quan này cũng là một chi núi ở giải Tràng Sơn chạy ngang ra bể, làm bình chướng cho mặt nam kinh đô, cũng như núi Hoành Sơn làm bình chướng cho mạn bắc, duy Ải Vân Quan thì cao hơn, hiểm hơn Hoành Sơn nhiều.
Đỉnh đèo Ải Vân cao độ 150 thước, giữa đỉnh cũng có một cái cửa và một bức tường chắn ngang, nhưng to lớn hơn bức tường ở Hoành Sơn, mà lỗ châu mai lại quay về bắc; thế mới biết xưa nay thường là mạn bắc xâm xuống mạn nam. 
Từ Hoành Sơn đi vào đến Ải Vân này, trừ hai cái đèo này ra thì không có chỗ nào hiểm trở nữa...
Người ta có hai cái Col des Nuages (đèo mây), một cái là Ải Vân Quan này, còn một cái ở vào Lao Kay đi Phong Thô và Lai Châu, ta gọi là «Rừng Cấm». Ải Vân Quang này chỉ trên ngọn núi cao thỉnh thoảng còn có mây, còn chỗ đỉnh đèo lối người đi thì chả mấy khi có mây; đến như Rừng Cấm thì cao lắm, tôi cũng đã được đi qua chỗ đỉnh đèo, lối người đi dễ cao hơn 1.000 thước tây, bao giờ cũng có mây mà rét lắm. Suốt đèo toàn là rừng cả, cây nào cũng rêu bám kín mít, giống rêu ở chỗ rét này, khác giống rêu ở dưới thấp, hình như từng miếng đăng-tên (dentelle) xanh ở thân cây rủ xuống, coi thực là đẹp. Người ta nói rằng phong cảnh rừng cây ở đây giống như ở bên Tây.
Cứ theo rìa để đi một lúc thì đến Tourane. Tourane là một cái vịnh, rất tốt cho tầu bè, vả lại gần trung tâm điểm nước ta bấy giờ là Huế, cho nên khi nước Đại Pháp mới sang lấy Tourane là nơi căn cứ. Tourane này là một cái thành phố nhỏ, trên bến dưới sông, thuyền đánh cá như lá tre, chợ búa phố sá, nhà máy gạo, buôn bán cũng vui. Ở đấy có nhiều người Mọi ra chợ. Rồi qua Quảng Nam, Quảng Ngãi, hai thành phố này là thành phố cổ, Quảng Ngãi buôn bán sầm uất hơn Quảng Nam.
Giải đất Trung kỳ đến tỉnh Quảng Ngãi hơi mở rộng, cánh đồng đã to, có chỗ tốt lắm, giồng nhiều mía, cho nên tỉnh này xuất sản nhiều đường cát. Hết tỉnh Quảng Ngãi thì vào địa phận hạt phủ Mỹ, phủ Cát, thuộc tỉnh Bình Định; địa thế mấy phủ này hình như một cái thung lũng lớn. Phía trong thì giải núi Tràng Sơn, phía ngoài giáp bể cũng có một giải núi lớn bao bọc ruộng nương tươi tốt, và giồng dừa sầm uất, đẹp lắm, dân cư trù mật, ở rải rác cả hai bên đường, vui vẻ lắm. Nhà làm cũng chỉnh tề lắm, lợp bằng rơm rất dầy mà cắt sửa rất vuông vắn. Từ Hoành Sơn vào đến đấy về vùng nhà quê, không thấy cái nhà ngói nào cả. Trừ các tỉnh nghèo không kể, tỉnh Bình Định này chắc có nhiều người làm được nhà ngói, cứ người ta nói thì vẫn là cái tục cổ của nước nhà, vì làm nhà ngói thì sợ quân cướp vao quấy nhiễu.
Hai bên vệ đường giồng toàn cây mù u mát mẻ lắm; thứ cây này bắt đầu trồng từ khỏi Huế; thứ nhất ở gần Quảng Ngãi, lá thì rợp, quả thì ép làm dầu thắp, có cây đã cổ thụ, thì biết rằng con đường quan lộ này làm đã lâu, chắc từ trước đời vua Gia Long.
Khi chửa đến tỉnh Bình Định, tôi nghĩ tỉnh này nghèo, cho nên Tây Sơn khởi sự dễ, thành ra không phải, tỉnh này lại là tỉnh trù phú hơn cả trong Trung kỳ. Tỉnh này nghề võ và nghề hát tuồng có tiếng, chắc cũng là cái di phong thượng võ hào hiệp của nhà Tây Sơn còn lại chăng? Tôi tiếc không được đến thăm miếu Tây Sơn.
Đường thì đi qua ngoài thành phố Bình Định, không trông thấy nhà cửa, thành này tức là tích «tượng kỳ khí sa». Qua Bình Định một lát thì đến Qui Nhơn. Qui Nhơn là một cái thành phố ở bờ bể. Sau lưng và ở giữa bể đằng trước mặt đều có núi, phong cảnh cũng đẹp; phố sá buôn bán cũng vui, có nhiều hiệu khách to, họ thu yến sào và vây cá. Nhiều chú lấy vợ người Bình Định, cũng ngồi bán hàng. Ở Bình Định và Qui Nhơn đã bắt đầu có những tháp của người Hời còn di tích lại. Người Hời là dân cũ Chiêm Thành bị nước ta duyệt mất, nay còn một số ít người, rút vào miền Phan Rang và Phan Rí (thuộc tỉnh Bình Thuận). Chúng tôi ngủ ở Qui Nhơn một tối.
Sớm mồng 9 ở Qui Nhơn ra đi, độ 20 cây thì qua đèo Cù Mông, cao độ 100 thước tây, rồi qua tỉnh Phú Yên, qua phà sông Ba, cái phà này dài lắm, ở bờ bên bắc mà qua sang bờ bên nam phải đi ngược nước, lại càng lâu, ít ra là 1 giờ rưỡi. Đi một lúc nữa thì đến Đèo Cả (Col Varella). Cái đèo này cũng chìa ra bể như đèo Ải Vân, nhưng cao hơn, giốc hơn, lại quanh co nhiều hơn. Những chỗ chìa ra bể nguy hiểm đã có xây gò cao. Cái đèo này đã phải một chiếc ô tô hàng chở khách lăn xuống bể hại mất hai ba mươi người, đâu vì người cầm máy vô ý, khúc đường này ô tô hàng hay đi về đêm, vì mặt trời và không phải tránh những xe khác. Đèo này đẹp lắm, bên ngoài thì bể mùi lục, rộng mông mênh, sâu hoay hoáy, bên trong thì núi mùi tràm, cao chót vót, đứng chênh vênh; con đường uốn quanh ngay lưng chừng sườn núi, trông xuống bể như xe đi lưng chừng trời vậy. Lại đi qua một cái đèo thấp nữa thì đến Nha Trang.
Khi đến bờ sông Nha Trang, bóng chiều đã xế, phong cảnh đẹp lắm. Bờ sông bên trái, có một hòn núi nho nhỏ, trên đỉnh dựng hai ngọn tháp Hời (tháp Hời bao giờ cũng xây hai cái, một cái lớn, một cái nhỏ, tục truyền tháp ông, tháp bà), bóng xế chiều hôm làm cho cái sắc gạch đỏ lại thêm tươi. Ở dưới sông, thuyền đánh cá cuốn buồm đậu chen nhau xan xát, bên ngoài là bể có một dẫy cù lao, ở bờ sông bên phải thì ở đầu bãi một dẫy nhà lá đen sì, rồi đến một giải phố sá lâu đài trắng sóa. Ở đàng sau thì chạy lại mấy dẫy núi cao ngất trời, mùi xanh biến thành mùi tràm sẫm. Ấy là bức «phông» làm cho cả một tòa thành phố nổi hẳn ra, thực là một bức tranh sơn thủy lâu đài tuyệt tác, gồm cả phong cảnh kim và cổ vậy.
Ngắm xem cái tháp Hời, phố sá người ta, và lâu đài người quí quốc, dễ khiến cho khách đi đường sinh lòng cảm khái, nhân tức cảnh bốn câu:
Ngọn tháp Hời xưa bóng ác chiều,
Lâu đài non nước cảnh như thêu;

Cái tháp Hời xây bằng gạch đỏ, hòn nọ xát liền với hòn kia, không thấy mạch vôi, khéo lắm, trên các góc tháp có hình như con kỳ lân bằng đá, hình tháp dưới nhỏ trên to, lối kiến trúc giống lối Ấn Độ và Đế Thiên, Đế Thích, hàng năm đến ngày lễ người Hời vẫn kéo đến lễ, chuông trống nhộn cả lên. 
Lịch sử người Hời tôi chưa được khảo cứu, không biết cái nguyên nhân một nước thế nào. Nhưng nay cứ lấy cái tình hình trông thấy, thì có lẽ phải ba điều: một là không có địa lợi, đất nghèo dân ít, lại không có hiểm yếu. Như đã nói ở trên chỗ Ải Vân Quan, tuy vào miền trong này có nhiều núi hơn, nhưng cũng giống như địa thế từ Hoành Sơn đến Ải Vân Quan cả... Dẫu về phía tây có giải núi Tràng Sơn, nhưng giốc quá không có dân cư, vả lại người Hời cũng như người An Nam ta không có tính chất ở núi, cho nên không lợi dụng được. Hai là sự mê tín đạo Phật, sự mê tín ấy làm cho nhân dân sinh ra nhu nhược... Ba là khí trời không tốt, nóng nực luôn luôn, làm cho sức lực và tinh thần người ta yếu đi. Vả lại giống người ta ở miền bắc xâm xuống miền nam tự hồ như một lẽ tự nhiên.
Xem sự diệt vong người Hời, mà cái lẽ vật cạnh thiên trạch, mạnh được yếu thua, và lời Khổng Phu Tử nói là: Tài giả bồi chi, khuynh giả phúc chi, lại càng rõ rệt lắm.
Cái văn minh của người Hời chắc cũng chỉ giỏi về bên hình thức đạo Phật mà thôi, tức như là sự kiến trúc các tháp, chứ xem cách y phục cư xử của người Hời thì dã man bẩn thỉu lắm, mà biết rằng cái trình độ của họ kém ta nhiều lắm.
Nha Trang là một cái bãi bể, nơi nghỉ mát, và là đầu đường xe hỏa vào Nam kỳ. Thành phố mới lập, đẹp đẽ vui vẻ. Có sở thí nghiệm việc đánh cá, có một chiếc tầu và một người Tây làm nghề ấy. 
Chúng tôi trọ ở Bun ga lô (bungalow). Bun ga lô là cái nhà khách sạn của Nhà nước làm ra cho người Tây mở hàng cơm, để tiện hành khách đi lại trú ngụ. Từ Đồng Hới trở vào, tỉnh to đều có. Cái Bun ga lô ở Nha Trang này to và đẹp lắm.
Những khách sạn Trung Nam kỳ phần nhiều dùng người khách làm bồi, coi bộ chững chạc đứng đắn lắm. Người mình ở lẫn với người Tây nửa thế kỷ rồi, mà làm bồi cũng kém người Tàu là thứ người không trông thấy người Tây mấy khi, thì cũng chán thực!
Lại nói đến khách sạn cũng đã có nhiều người mình mở, có cái nhà cửa cũng to, đồ đạc cũng tốt, nhưng mà sự bày biện, sự trông nom của chủ, sự hầu hạ của bồi, và sự sạch sẽ còn kém người Tây quá. Hay là những nghề này cũng phải bọn du học về làm mới nổi?
Sớm mồng 10 ở Nha Trang ra đi, đi hết cánh đồng thì đến cái đồn điền cao su, rồi qua một giải đồi thấp, toàn rừng, rộng lắm, dễ còn có thể khai phá trồng trọt được, sau cứ qua hoặc bãi hoang, hoặc ruộng, trưa thì đến Phan Rang. Con đường này đi đêm gặp nhiều thỏ rừng lắm, nhưng không thấy cọp, mà xưa có câu tục ngữ rằng: Cọp Khánh Hòa (Nha Trang), ma Bình Thuận (Phan Thiết).
Phan Rang, phố sá buôn bán cũng vui lắm, là đầu chi đường xe hỏa lên Dalat. Mỗi ngày gửi cá lên Dalat từ 3 đến 5 trăm đồng, bán cho người Tây, người ta và người Mọi. Chợ cũng đông, ở đấy thường có người Hời gánh củi ra chợ bán. Gần Phan Rang có một cái tháp Hời còn nguyên lành hơn các tháp khác.
Từ Qui Nhơn về đến Phan Rang này, các chi núi ở giải núi Tràng Sơn đổ ra bể, hình như một đoàn long xà trong núi tổ đua nhau chạy ra, ngóc đầu lên mà chồm ra phía nam bờ bể Thái Bình vậy. 
Ăn cơm sáng xong, ở Phan Rang ra đi, từ đấy đến Phan Thiết, thì đi theo con đường thuộc địa số 11 và 14, nghĩa là đi vòng lên miền Dalat, chứ không theo con đường thuộc địa số 1 nữa, vì khúc đường này chưa làm cho xe ô tô đi được. Đi hết đồng ruộng, đến một cái đồn điền trồng giứa dại, sau đi vào giải đồi, toàn rừng rậm, rồi bắt đầu lên đèo, lên độ non 1000 thước tây thì đến chỗ Bellevue. Ở đấy trông xuống, bên phải và bên trái, hai chi núi ở Dalat chạy xuống, như hai cái tay ngai, ở dưới mở thành một cái thung lũng lớn, rừng cây bát ngát, gỗ núi chen đua, hình như cái bể mùi tràm đang khi sóng lớn vậy. Ở đàng xa thì ruộng nương nhà cửa và bể thực là đẹp. Từ Bellevue cho đến chân đèo bên kia, phần nhiều là rừng thông, có nhiều ngọn núi toàn là một giống thông, đẹp quá. Đi một ít nữa đến Dran, là chỗ bắt đầu có nhà nghỉ mát, và là gare cuối cùng con đường xe hỏa Phan Rang lên, hiện còn đang làm nối thêm, cho chạy lên đến tận Dalat. Lối xe hỏa lên dốc này khác lối xe hỏa đi dưới đồng bằng, lối này toa máy có một cái bánh xe răng cưa ăn với cái nẹp sát ở giữa đường sắt, đi chậm lắm. Chỗ Dran này đã rộng rãi đẹp đẽ lắm; từ Dran lên Dalat còn non 30 cây nữa. Khi trở ra tôi đi với ông N... mới lên Dalat, để sẽ nói sau.
Từ Dran đến cao nguyên D'jirind là những thùng lũng của người Mọi ở, ruộng nương rộng rãi phẳng phiu, như đồng bằng dưới ta, rất là đẹp, tôi xem còn có nhiều chỗ có thể khai làm ruộng nương hoặc chăn nuôi được. Hiện đã có nhiều nhà đồn điền Tây đang khai khẩn trồng cà phê, như ở cao nguyên D'jirind. Từ Dran cho đến D'jirind có một con suối rất to, sinh ra nhiều cái thác đẹp lắm, dễ có thể cho chạy các thứ máy được. Ở Trung kỳ và Nam kỳ, có lẽ ở đây là tốt đẹp nhất, khí hậu lại mát mẻ, tôi xem không chán. Người Mọi xem ra sức lực lắm, ngực và chân tay đều nở, chứ không lẳng khẳng như người ở dưới đồng bằng từ Huế vào đến Sài Gòn. Thế mới biết người mình không có cái tính ở rừng núi, bị thiệt hại chả biết là chừng nào.
Đi hết cái cao nguyên D'jirind là xuống dốc, hết cả các đèo từ ngoài bắc vào đều không dốc bằng đường lên Tâm đảo, duy quanh co nhiều lắm, cái đèo Dalat này thì cao hơn hết cả các đèo khác, hết cái đèo này thì là đồng bằng cho đến Sài Gòn. 
Xuống hết đèo lại theo lối trong đồi rừng rậm đi, rồi ra cánh đồng, đến Phan Thiết. Phan Thiết buôn bán có lẽ kém Phan Rang, chúng tôi ngủ ở đây một đêm. Cũng có người Bắc mở khách sạn tính ra thì các tỉnh ở vào độ dường, đều có khách sạn của người Bắc cả.
Sáng 11 ở Phan Thiết ra đi, đi độ 30 cây hết cánh đồng ruộng, rồi bắt đầu đi vào giải đồi thấp cũng toàn là rừng rậm, trừ khúc đầu đồi, hiện đã có các nhà đồn điền đang khai phá, những chỗ đã phá rừng rồi, chỉ để loáng thoáng từng cây xem ra rộng rãi phẳng phiu lắm, trông hút con mắt đẹp lắm. Đi độ 30 cây nữa, nghĩa là cách Phan Thiết 60 cây, thì đến địa giới Nam kỳ, lại cứ đi trong đồi ấy độ 40 cây nữa, nghĩa là giải đồi này dài 70 cây, biết bao nhiêu là đất hoang, thì đến Xuân Lộc là các đồn điền cao su, to lắm, trồng thành hàng lối, trông vào giữa khe như là cái ngõ sâu vô để. Hết đồn điền cao su lại đi vào đồi hoang chừng 20, 30 cây nữa, thì ra đồng ruộng, rồi đến thành phố Biên Hòa; từ đấy là bắt đầu vào xứ rất trù phú vậy.
Thành phố Biên Hòa tuy nhỏ mà đông đúc vui vẻ lắm. Hàng cao lâu của các chú rất là náo nhiệt, xe ô tô tư, xe ô tô hàng đi lại rầm rập, xe ngựa cho thuê đứng đầy một khu đất cạnh chợ. Con sông ở cạnh thành phố to mà đẹp lắm, nước sông đầy ăm ắp, hai bên bờ thì dân cư cây cối, có nhiều dừa, sầm uất lắm. Trưa thì đến Sài Gòn.
Người Tây gọi Sài Gòn là hòn ngọc ở Đông Dương; nhưng dễ nói về vài ba mươi năm về trước, chứ bây giờ thì ở Hà Nội cũng không kém gì Sài Gòn, như là nhà hát tây, các trường học, cầu Doumer, các lâu đài tư gia, đều tráng lệ hơn Sài Gòn cả. 
Sài Gòn là thành phố mới cho nên phố sá đều rộng rãi, sự vui vẻ thì dồn lại ở phố tây và ở chỗ chợ, chung quanh chợ có ba dẫy phố ngoảnh mặt vào chợ rất rộng rãi (ba dẫy phố này người ta nói là của người khách tên là Hỏa, người khách này có đến một phần chia ba đất ở thành phố Sài Gòn), mà nhất náo nhiệt là các hàng cao lâu. Cao lâu và hàng cơm nhiều lắm, tôi tưởng ở trong này máy gạo là đầu việc buôn bán to mà cao lâu là đầu việc buôn bán nhỏ vậy.
Vào hàng cao lâu người khách, thấy những tiếng nào khạc nhổ, nào quát nói, chẳng kiêng nể ai, thực là chán cho xã hội Trung Hoa quá.
Chợ Lớn lại càng vui hơn Sài Gòn, thứ nhất là về buổi tối, đèn điện ở Sài Gòn thắp đã nhiều, mà ở Chợ Lớn lại nhiều hơn, cứ như ngày hội. Nhưng họ thắp toàn đèn nhỏ, và không khéo như người Tây, cho nên chỉ rực rỡ chứ không được đẹp.
Một buổi chiều tối đứng chờ xe hỏa ở ga Chợ Lớn, có hai vợ chồng sẩm cải lương, réo rắt ngậm ngùi, như than như khóc. Ở trong đám hàng hóa như núi, tầu bè như rừng, việc buôn bán của người Tàu như mắc cửi, mà bỗng nghe thấy cái giọng hát «hậu đình hoa», há chẳng đáng thương tâm lắm thay! Âm nhạc ca xướng là để di dưỡng tinh thần, cảm lòng người ta không phải không sâu...
Còn nhớ mấy năm trước đây, một hôm tôi ở Hà Nội nhân dịp học trò Cao đẳng Nam kỳ hát cải lương lấy tiền quyên vào một việc nghĩa gì đấy. Thấy người Hà thành nói hát cải lương hay, tôi mới đi xem, vở hát là một ông nhà giàu chê cậu rể nghèo, đem con gái gả cho một cậu nhà giàu, cô con gái tự tử, còn cậu rể nghèo sau thi đỗ; ý nghĩa vở tuồng đã cổ, đã kém, giọng hát lại chỉ là một giọng chìm và buồn, thực là chán quá! Ta chả nghe bài quốc ca Đại Pháp ư, hùng cường biết là chừng nào!
Người Nam kỳ đã thấy lác đác buôn bán. Người Bắc kỳ vào làm ăn cũng nhiều. Nghe nói những chỗ đó hồi nhỏ, cũng có người Bắc cả. Tôi ở Sài Gòn có sáu ngày, và không có ai đưa đi chơi, cho nên không biết được mấy.
Không nói thì ai cũng biết rằng sự buôn bán trong Nam kỳ, người Trung Hoa đã nắm cái chuôi. Nhưng dẫu thế mặc dầu, cái máy gạo của họ cũng phải nhờ hạt thóc của người mình mới chạy được, chỉ bao giờ họ lấy mất ruộng thì mới sợ; hiện nay người Nam kỳ đã lưu tâm vào việc buôn bán, người Bắc cũng đưa nhau vào đông. Chắc sự buôn chẳng bao lâu sẽ phát đạt đến đấy...
Nhân đây lại nói đến sự ăn mặc ở trong Sài Gòn này: đàn bà sang trọng thì quần áo và khăn quang đều là nhiễu hoa trắng. Người làm ăn thì quần áo toàn là vải đen, trên đầu vắt một cái khăn vải trắng, dòng dọc đen, dài độ ba bốn vuông. Áo toàn là hai ống tay chật nít lại và gài khuy cổ cả. Từ Ải Vân Quan vào đến Sài Gòn đều lối ăn mặc này cả, trông lẳng khẳng đen sì, không được đẹp mắt. Về lối ăn mặc của đàn bà ta, tôi tưởng không gì bằng lối ăn mặc của nhà quê Bắc kỳ. Ta thử xem cách ăn mặc các nước văn minh Thái Tây chú trọng nhất là chỗ ngực, đều để lộ cái áo «sô mi» ở ngực ra cho tôn lên. Vậy cái yếm của đàn bà mình thực là đẹp, mà lại hợp vệ sinh, là giữ được kín bụng, là giữ được vú khỏi sa. Và đàng lưng hở lại mát, vì mình ở xứ nóng. Nếu ở ngực có đeo đồ trang sức, được cái yếm lại tôn đẹp thêm lên. Cái yếm thực là một cái đồ ăn mặc đẹp đặc biệt của đàn bà nước mình, nên giữ lấy, duy chỉ sửa lại ít nhiều, hoặc tô điểm thêm vào đôi chút mà thôi. Như là bỏ cái giải đi, mà gài khuy, hoặc thêu hoa và dính «đăng tên» (dentelle), «ru băng» (ruban) thêm vào. Áo cũng nên theo lối áo bốn thân của đàn bà nhà quê ngoài Bắc, vì lối áo bốn thân để hở ngực ra mới đẹp, và lối áo bốn thân dễ biến hóa, nghĩa là dễ thay đổi ra các kiểu; duy cũng phải sửa lại, đại khái cổ áo thì nên theo các lối cổ áo đàn bà Tây, chỗ ngang thắt lưng nên may thắt dây vào, mà làm cái dải gài khuy, chứ không nên thắt lưng một đống ở giữa bụng khó coi lắm. Áo nên may túi để đựng đồ vặt, cho khỏi gài hay buộc vào thắt lưng cũng khó coi lắm. Nên chế thứ áo dài, thứ áo ngắn, cho tiện mùa rét mùa nực, hay là khi đi ra ngoài, khi làm ăn ở trong nhà. Ngắm kỹ ra thì đàn bà sang trọng nước mình, bỏ lối ăn mặc đàn bà mà bắc chước lối ăn mặt của đàn ông. Vậy thì tất phải bắc chước giống lối váy của đàn bà Tây. Sắc ăn mặc của đàn bà nên dùng các thứ mùi sáng sủa tươi đẹp, chứ mùi thâm và mùi nâu xấu lắm. Người Tây thường kêu mùi nâu buồn và bẩn, mà họ khen mùi tràm của người Thổ mặc là đẹp. Giầy thì cũng phải đi giầy tây, mới cứng cáp và gọn gàng. Tóc thì tất phải bới, chứ rẽ đường ngoi như ta, trông trơ lắm, mà bới tóc cũng nên từa tựa như đàn bà Tây, để tóc rủ xuống che bớt cái trán đi mới đẹp; chứ bới tóc của người Trung Nam kỳ phơi cái trán lơ lớ ra, lại càng trơ nữa. Nón cũng phải chế ra như các thứ mũ của đàn bà Tây mới tiện, chứ cái nón ta sùm sụp, không được đẹp và không tiện. Còn đàn ông thì nên ăn mặc theo lối Tây, cho tiện làm việc, duy chỉ sửa lại một đôi chút, cho hợp với xứ nóng mà thôi. 
Người đàn ông Nam kỳ ăn mặc lối ta áo dài chít khăn không có mấy nữa (vào chơi Nam kỳ nên ăn mặc tây, chứ mặc ta thành ra lạ mặt người ta, mà mình cũng tự ngượng). Trừ một phần ít ăn mặc tây, còn thì ăn mặc sềnh soàng lắm, chỉ khăn xéo, áo cánh trắng, quần thâm.
Sự ăn mặc cũng cần lắm, ta thử xem ngày nay nước nào văn minh hơn, thì sự ăn mặc lại phiền phức, chỉnh tề và sạch sẽ hơn, bởi vì có cái văn mình tinh thần, thì tất phải có cái văn minh hình thức. Ta lại thử xem như người Tây, dẫu khi ngồi ở trong nhà bán hàng, mà cũng ăn mặc tử tế, không kể chi lúc ra ngoài. Đức Khổng Phu Tử cũng nói rằng: «Xuất môn như kiến đại tân»; vậy đồ ăn mặc và phép ăn mặc ta cũng phải chú ý lắm.
Trong Nam kỳ không có cái tục ăn thuốc lào, mà hút thuốc lá lại càng nhiều, còn sự ăn trầu có lẽ lại hơn ngoài Bắc kỳ. Tục ăn trầu và hút thuốc lào, người các nước lấy làm bẩn lắm. Vậy các cậu các cô thiếu niên tân tiến nước ta cũng nên trừ bỏ dần đi.
Nói tóm lại, cái hình thể thành phố Sài Gòn là cái cửa bể, là cái đô hội miền nhiệt đới, là cái phong cảnh nhân tạo, cho nên phần náo nhiệt bề ngoài thì hơn Hà Nội, mà phần tôn nghiêm lặng lẽ bề trong của Hà Nội thì cơ hồ không có.
Cái đại thế xứ Nam kỳ là một cái kho thóc để giúp đỡ cho nhiều dân tộc ở bến Đông bờ bể Thái Bình; là một cái quán hàng ở cạnh con đường các nước Âu Châu cần phải sang bên Cực đông, là láng giềng với nước Xiêm, mấy năm nay đã chỉnh bị riết về quân sự, và các nước Nam Dương quần đảo cũng đang tân tiến. Cái đại thế Nam kỳ ngày nay quan hệ như thế, vậy cái lịch sử Nam kỳ sau này há chẳng phải là một cái lịch sử quan trọng lắm thay.
Sáng ngày 17 tháng 8 ta, tôi từ biệt Sài Gòn mà lại theo đường bộ ra Bắc. Ăn cơm sáng ở Phan Thiết, rồi lên thẳng Dalat. Đang ở Sài Gòn là nơi náo nhiệt nóng nực, đến Dalat bỗng nhiên lạnh lẽo tịch mịch, phong cảnh khí trời trái hẳn nhau, tôi thấy trong mình cũng tựa như hai người vậy.
Dran lên Dalat, cao độ bốn trăm thước tây, nghĩa là cả thẩy cao độ 1.400 thước tây. Thành phố Dalat ở trên đỉnh núi, địa thế Dalat là nhiều ngọn núi liền lại nhau dắt díu miên man, mở thành một khu vũ rất rộng, đến mấy chục cây lô mét. Xứ này tên là Lâm Viên hay Lang Biang, nguyên của người Mọi, nay Nhà nước kinh doanh to tát lắm, như nhà Hôtel thì to mà đẹp lắm, mà chỉ mát quan Toàn quyền, quan Thống đốc Nam kỳ đều có cả, người tây buôn lên mở đồn điền cũng to tát lắm. Tôi có đến một cái đồn điền nuôi bò làm «bơ» và trồng rau, hiện đang xây máy nước, xẻ hào đào ao, tổn phí lắm.
Phong cảnh Dalat đẹp lắm. Thứ nhất là những cái thác nước, có một cái to nhưng ở xa xôi không đi đến xem được. Nhà nước có ngăn một con suối làm cái đầm ở giữa thành phố cũng đẹp. Khí hậu mát lắm; người ta nói mùa hè không nực mà mùa đông cũng không rét, thế thì chả giống như trong sách tàu nói chỗ tiên ở khí trời thường như tháng hai tháng ba hay sao?
Tôi lên Dalat mà trong lòng sinh ra nửa mừng nửa lo. Lại sao mà lo, là những cao nguyên ở Đông Dương này, như Chapa, như Taphinh (thuộc Lao Kay), như Kontum (Ai Lao), như Dalat (Trung kỳ), nếu ví Đông Dương là một hình người, thì những cao nguyên này không khác gì là cái chỏm, nếu cái chỏm mình không nhìn đến, không đến ở cho đông thì cái thân chắc là không mạnh được mấy nữa. Trong Sử ký cũng đã nói, vì cái thế mạnh ở trên cao đánh xuống dưới thấp không khác gì như vò nước ở trên nóc nhà đổ xuống, cho nên nước ta đã bị bao phen chống chọi với người Tàu họ cũng được cái thế ở cao, hao tổn biết là chừng nào. Nay ta lại ngắm những dân tộc ở gần ta đây, đã có dân tộc nào đã bị cái vạ người đầy chưa, nếu có thì ta há chẳng đáng lo lắm ư?
Tại sao mà mừng? Là địa thế nước ta quá nửa ở vào nhiệt đới, nay có những cái cao nguyên ấy, khí trời mát mẻ, đất cát tốt đẹp, bù lại cho ta, để có nơi nuôi cho ta cái tinh thần nhọc mệt, hoặc thiếu thốn, như tinh thần hoạt bát, mạo hiểm, vân vân, cung cấp cho ta những vật chất ở trên đời ta không có, vả lại làm những cái kim thành ở mặt sau cho ta, thử xem đến ngày nay mà những dân Mọi cũng chưa qui phục hết, thì biết hiểm yếu là dường nào, vậy nếu ta biết mà lợi dụng được thì há chả đáng mừng lắm ư?
Nay thiết tưởng có hai cách để khuếch trương cái thế lực dân tộc ta lên những mạn cao nguyên ấy.
Một là di dân lên, hai là dạy cho những giống người Mọi, người Mán ở các cao nguyên ấy đồng hóa với ta, nhưng hai cách trên này, đều phải có sức Chính phủ mới được, vậy ta hãy để ra một bên, mà ta hẵng làm cách sau này vậy: là những nhà có trí thức, tài lực, lên các cao nguyên ấy làm nhà nghỉ mát cho thuê, lập những đồn điền nho nhỏ để chơi, bây giờ cũng đã có nhiều người giàu có làm nhà nghỉ mát, nhưng phần nhiều là làm ở các nơi bờ bể cả, chứ chưa có mấy người làm ở trên núi cao, là cái tính người mình vẫn cứ sợ đường sá xa xôi hiểm trở (tôi chưa từng nghe thấy người Tây nào nói lên Tam đảo khó, mà người mình thì có nhiều người lên một lần, rồi sợ không dám lên nữa), và chưa biết cái thú tịch mịch ở núi: thứ nhất là làm được trường học hay là nhà nghỉ mát cho học trò, để dạy lấy cái tính ở núi thì lại hay lắm.
Nay có những nhà đồn điền người Đại Pháp cũng là một cái hay cho ta lắm, vì một người Pháp mở một cái đồn điền tất phải đem đến một vài trăm người ta lên làm phu, thì cũng chả khác gì di dân ta lên vậy.
Nói tóm lại, khi nào dân tộc ta có lên ở các cao nguyên và các mạn rừng núi, thì bấy giờ mới là người hoàn toàn ở bán đảo Ấn Độ Chi Na này vậy. Ta thử xem đã có các quan Toàn quyền định lấy Dalat làm thủ phủ Đông Pháp, thì đủ biết nơi cao nguyên quan hệ là dường nào vậy. 
MẪU SƠN MỤC N.X.H.

Xem Tiếp: ----