êm hôm ấy là một đêm thu mát mẻ, có trăng, lại nhằm đêm thứ bảy, nên cảnh tượng xóm bình khang ở thành Nam thật là vui vẻ. Suốt hai dẫy phố Cổng hậu, nhà nào nhà ấy đèn điện thắp sáng như ban ngày. Ngoài đường, dưới bóng trăng sáng tỏ, dịu dàng, người và xe cộ qua lại tấp nập. Chỗ này vài cô đào óng ả đang lả lơi mời khách; chỗ kia mấy chàng công tử đang khoác tay nhau lững thững giong chơi.
Trống bên huyện Mỹ đã điểm canh ba rồi mà những tiếng đàn, tiếng hát, tiếng trống, tiếng sênh vẫn chưa ngớt. 
Nhà số 10 đêm ấy không có khách hát. Các cô đào đi chơi đâu vắng cả, chỉ còn mình Mai ở nhà. Nàng ngồi trên một cái ghế sích đu, gần cửa sổ trông ra đường. Giữa phòng khách, dưới ngọn đèn điện trăm nếu ngoài phủ chiếc «a-ba-dua» (abat-jour) lụa xanh, bày một bộ sa lông mây sơn mầu hồ thủy; trên bàn dăm bông hoa huệ vàng úa, đứng ủ rũ trong chiếc lọ thủy tinh. Trong cùng, dựa vào tường, một chiếc tủ trè gụ khảm nặng nề nằm trên đôi niễng khẳng khiu. Trang hoàng cho cái phòng khách sơ sài ấy còn có một bộ ghế ngựa quang đầu trên giải chiếc chiếu cạp điều bạc phếch và một cái gương đứng khung gụ bày đối diện với cái ghế sích đu.
Chủ nhà ấy là ai? Chính là Mai, một cô đào hát hay có tiếng ở phố Cổng hậu. Nàng tuổi chạc hai mươi bốn, hai mươi nhăm, vẻ người xinh xắn, tính nết hiền hậu, đứng đắn. Cái thanh, cái sắc của nàng đã từng làm say đắm nhiều khách làng chơi.
Mai đi hát từ năm mươi bốn tuổi, sau khi nhiều sự tai biến đã xẩy ra ở nhà nàng. Cha nàng, một bậc lão thành cựu học, thốt nhiên bị bệnh mà chết. Cùng năm ấy, nhà nàng bị cháy, mẹ nàng ốm đau. Từng ấy cái tai nạn đã bắt nàng phải bước chân ra đi, phải xa cách nơi quê cha đất tổ, xa cách những người thân yêu nhất trên đời nàng. Cái kiếp giang hồ là kiếp sầu thảm, nhuốc nhơ, nàng biết thế, biết từ ngày nàng hãy còn thơ, nhưng làm thế nào mà tránh được? Mẹ nàng quằn quại trên giường bệnh không có thuốc uống, các em nàng đêm ngày kêu khóc chẳng có cơm ăn. Ở trong cái hoàn cảnh thảm thương ấy nàng há đành khoanh tay ngồi đợi chết sao! Hồi tưởng đến quãng đời cùng khổ ấy thì nàng buồn. Đã mười năm nay, bị đày trong cái thế giới cầm ca, nàng phải sống chung với nhiều hạng người bỉ tiện. Những lúc đêm trường canh vắng, nghĩ đến cái đời lưu lạc của mình, nàng thường sa lệ. Cái tiếng đàn êm ái, giọng hát du dương mà người đời dùng làm phương thuốc tiêu sầu, đối với nàng chỉ là những thanh âm buồn thảm nó bắt nàng phải nghĩ luôn đến cái tình cảnh hiện tại của mình.
Nàng đưa mắt nhìn chung quanh mình chẳng thấy một vật gì yêu quí, ngoài mấy bông hoa hồng cắm trong chiếc lọ con để trên mặt tủ trè. Mấy bông hoa ấy là của Ngọc gửi tặng nàng từ hai hôm trước; nó vãn hồi trong tâm trí nàng biết bao kỷ niệm buồn vui.
Ngọc là ai? Có phải là người tình của Mai không? Không, Ngọc chỉ là một người bạn của Mai, đối với nàng giàu lòng trắc ẩn. Ngọc không mấy khi gần Mai vì chàng đã có vợ. Cái tình Ngọc yêu Mai chỉ là một cái tình âm thầm, kín đáo, giãi bày trong nét bút câu văn.
Đã hơn một tháng, Mai không được gặp Ngọc. Nàng nhớ lắm, nên đêm ấy vẩn vơ suốt năm canh không sao ngủ được. Nàng yêu Ngọc lắm, vì Ngọc đã hiểu thấu tâm sự của nàng và thương nàng một cách thành thực. Nàng chăm chú nhìn mấy bông hoa gần tàn, ở trong ngụ biết bao niềm ân ái. Nhìn hoa, nàng càng vơ vẩn nghĩ đến sự ngắn ngủi của đời người. Đời nàng khác gì đời hoa, hôm qua còn tươi tốt, ngày nay cánh nhị đã rã rời. Cất một giọng trong trẻo, nàng ngâm mấy câu thơ mà Ngọc đã gửi cho nàng cùng với mấy bông hoa:
Tặng em mấy đóa hoa hồng,
Gọi là giãi tỏ chút lòng anh thương.
Lòng anh trăm mối tơ vương,
Hỏi em có thấu đoạn trường này không.
Phương trời thăm thẳm nhớ mong,
Gần nhau mà tưởng nghìn trùng cách xa. 
Người đời dễ biết tình ta,
Bể lòng ai đã biết là nông sâu.
Đường phố bây giờ vắng vẻ. Ngoài tiếng nói chuyện xì xào của mấy anh phu xe ngồi đợi khách, người ta không còn nghe thấy một tiếng động gì khác. Sự yên lặng của ban đêm làm cho tiếng hát của Mai thêm ai oán, não nùng.
Đôi mắt mơ màng, đẫm lệ, nàng đăm đăm nhìn bóng trăng chênh chếch đang chiếu vào mặt nàng, như muốn giãi tỏ nỗi lòng u uất cùng chị Hằng lơ lửng trên khoảng trời xanh. Mặt nàng xanh và gầy, dưới ánh trăng trông càng xanh và gầy hơn.
Tiếng gà gáy báo trời gần sáng. Nàng nhắm mắt muốn ngủ đi mà không sao ngủ được. Nàng bèn vào phòng ngủ lấy thư của Ngọc ra xem lại. Mỗi bức thư xem xong, nàng lại đưa lên môi hôn, rồi nhẹ nhàng xếp vào một cái hộp con xinh xắn trước khi xem đến cái khác:
«5 giờ sáng, giữa khoảng trời đất bao la, tịch mịch, vẳng nghe chỉ thấy tiếng gà gáy, chim kêu, tiếng côn trùng rỉ rích, một mình, một quyển sách với một mảnh hồn thanh khiết, anh ngồi hóng gió trên con đê Phụ Long. Giở bức thư của em viết hôm qua ra đọc lại anh tưởng như có em ngồi bên mình nỉ non trò chuyện. Cảnh vật đã im lặng lại im lặng thêm, như cũng cùng anh lắng tai nghe cái giọng nói êm đềm của em.
Hôm qua mưa gió sập sùi, lòng anh vẩn vơ nhiều lắm. Mỗi giọt mưa rơi, mỗi cơn gió thổi càng khêu gợi nỗi nhớ mong.
«Em yêu anh thì đừng suy nghĩ cái địa vị anh ở xã hội, cái thân thế anh ở gia đình. Em chỉ biết anh là một người bạn hết lòng thương em. Còn anh, anh cũng chỉ biết em là một người thân yêu đã làm cho tơ lòng anh nhiều phen rung động... Anh chẳng nhớ lại cái quãng đời trước của em làm gì, mà có nhớ chăng nữa, cũng chỉ là để gây thêm cái mối tình thương trong lòng. Nghĩa vụ anh đối với gia đình, xã hội; anh vẫn phải làm đầy đủ, nhưng nếu sống ở đời, chỉ có một mục đích là để gánh vác những nghĩa vụ ấy thì đời còn có thú vị gì nữa...
«Em đi Cỗ lễ có vui không? Vui lắm thì phải... Em can đảm lắm, đi mà không nhớ anh à? Giá có ai dủ anh đi chơi Cỗ lễ thì anh không đi mà trả lời rằng: «Chùa đẹp lắm, cảnh vui lắm, nước non hoa cỏ chẳng thiếu chi. Nhưng chùa ấy, cảnh ấy, nước non ấy, cỏ hoa ấy còn thiếu một thứ khiến tôi chẳng muốn đến đấy làm gì. Thứ ấy là bóng dáng người tình của tôi...
«Anh nhớ có một lần đọc câu cổ thi sau này: «Mạc sầu tiền lộ vô tri kỷ, thiên hạ thùy nhân bất thức quàn». Câu cổ thi ấy anh chép ra đây để an ủi lòng em. Em đối với cuộc đời ngày nay như chẳng muốn có duyên nợ gì nữa. Nhưng em ơi! Cái mớ lửa lòng của em nó gần tàn, anh há vô tình để nó tàn hẳn đi chăng! Không, anh yêu em, anh thương em, anh muốn em còn luyến ái với đời. Anh khuyên em cứ vui mà sống, gặp cảnh biến cũng đừng chán nản buồn rầu. Tinh thần em đã bị tê liệt, anh sẽ tìm phương cứu chữa cho nó mạnh mẽ, vui vẻ hơn lên, chỉ vì trời đất không công, cùng với người cướp hết hạnh phúc đời em nên anh thương em mà đem một mối tình thân thiết để đền bù cho em...»
Cái giọng văn thành thực, đầy thi vị của Ngọc đã cám dỗ Mai, nàng cảm phục lắm. 
Cứ những lúc buồn, ngồi một mình nhớ đến Ngọc, Mai lại đem những bức thư ấy ra xem. Nàng đã xem đi xem lại nhiều lần mà vẫn không chán. Mỗi lần xem thư bạn, nàng cảm thấy lòng nàng sung sướng như được gần Ngọc. Mỗi lời Ngọc nói trong thư là một lời an ủi, một mối thâm tình.
Từ ngày Mai bước chân vào chốn ca trường, nàng chưa từng yêu ai một cách đắm say như yêu Ngọc; tuy nàng biết Ngọc đã có vợ, không thể cùng nàng kết nghĩa trăm năm. Nàng không bao giờ mơ ước làm vợ Ngọc, vì nàng cho mơ ước như thế là vô lý, tầm thường. Nàng chỉ lo sửa mình sao cho xứng đáng là một người bạn tâm giao của Ngọc để đền đáp cái ơn tri ngộ của chàng.
Đã mấy tháng nay, Mai tỏ ra chán nản với cái nghề ca hát, cái nghề đã giam hãm nàng trong vòng trụy lạc xấu xa. Nàng không thể sống mãi với cái nghề ấy được. Các em nàng đã trưởng thành, nàng sẽ trông cậy để phụng dưỡng mẹ già. Ở đời có cái tuổi xuân là quí thì nàng đã hi sinh để cứu sống mẹ nàng và các em nàng rồi. Đời nàng ngày nay chỉ còn là một cái đời bỏ đi, một cái đời vô vị.
Nàng là một kỹ nữ, người đời chỉ biết thế thôi. Người ta có yêu nàng cũng chỉ yêu trong chốc lát, yêu trong tiệc rượu, cung đàn, chứ có ai thương đến cảnh ngộ của nàng đâu. Nghĩ đến cái tình nghĩa giả dối, ngắn ngủi ấy thì nàng buồn, nàng tiếc nhớ cái quãng đời niên thiếu nó đã vụt qua. Nàng cần phải mau xa lánh cái cuộc đời huyên náo, xa lánh những tiếng đàn, tiếng hát, tiếng trống, tiếng sênh hàng ngày nó đập vào tai óc nàng.

 

Một buổi sáng mùa đông, gió lạnh, sương mù, trời đất một mầu ảm đạm, Mai từ biệt thành Nam. Nhìn về phía nhà Ngọc ở, nàng như mong đợi người bạn thân yêu đến tống biệt. Nghĩ đến phải xa cách Ngọc thì nàng buồn, không sao cầm được giọt lệ. Nhưng nàng lại khuây ngay, vì nàng chợt nhớ đến lời khuyên của Ngọc: «Lúc nào em cũng phải yêu đời, phải vui mà sống, không nên hờn giận thù oán ai». Nàng đi, đi để tìm sự yên ủi, đi để tìm một cuộc đời yên lặng nơi cảnh lạ trời xa.

 

Cách thành phố Bắc Ninh năm cây số, thuộc huyện Võ Giang, có một ngôi chùa cổ dựng ở chân núi Kinh Bắc. Chùa làm từ đời Hậu Lê, chữ đặt là Bảo Huyền Tự. Đàng sau chùa, một cái rừng thông rộng đến hơn ba mươi mẫu bao phủ cả một phần tư quả núi. Giữa rừng, một ngọn suối chảy róc rách từ đỉnh núi xuống, nước trong và mát đủ cho nhà chùa dùng quanh năm. Trước mặt chùa, con sông Nguyệt Đức uốn khúc quanh co càng tô điểm thêm cho cảnh trí của Bảo Huyền Tự. Muốn đi vào chùa ta phải lần theo một con đường nhỏ hẹp, hai bên trồng toàn dương liễu. Chùa ở vào một nơi thanh vắng, xa cách làng xóm. Xóm Doanh Cầu gần nhất thì cũng cách chùa đến năm trăm thước. Khách thập phương đến vãng cảnh hoặc lễ bái rất ít.
Sau khi từ biệt thanh Nam, Mai đã đến đây nương nhờ cửa Phật. Nhờ có bà sư trưởng là người đồng hương với nàng hết lòng dạy dỗ, chẳng bao lâu Mai đã thông thuộc kinh kệ. Nàng đã làm quen với những bữa cơm dưa muối với bộ quần áo nâu sồng và những tiếng mõ, tiếng chuông.
Ngày qua, tháng qua, thời gian đã dần dần hàn gắn những vết thương lòng của nàng. Trong lòng nàng chỉ còn phảng phất một chút tình xưa, tình yêu Ngọc. Cái tình ấy đã in sâu vào tâm não, ngày tháng không thể làm cho nàng quên đi được.
Những lúc nhớ nhà, nhớ bạn, nàng thường trèo lên non ngồi mơ mộng một mình. Nàng cầu nguyện Trời Phật phù hộ cho những người thân yêu của nàng ở xa được yên vui. Rồi nàng lắng tai nghe những tiếng thông reo, suối chảy, gió thổi, chim kêu, nó ru hồn nàng và đem đến cho nàng những cảm giác khoái lạc, dịu dàng. 
NGÔ NGỌC KHA

Xem Tiếp: ----