hop thời trang của Nhã nằm cách nhà thờ một quãng, vừa đủ gần để nghe rõ tiếng chuông, lại vừa đủ xa để tránh được những ồn ào náo nhiệt không cần thiết mỗi dịp bên đạo có lễ, rước. Nhưng tất nhiên, với một dịp lễ lớn và được cả những người không theo đạo cũng chào đón như Giáng sinh, khoảng cách “vừa đủ” kia sẽ không còn thật lý tưởng nữa.
Tối 24, tất cả mọi ngả đường dẫn vào nhà thờ, và cũng là đường đến shop, đều tắc. Thấy loạt hàng mới nhập đã vãn nhiều, nhóm khách quen cũng đã đến điểm danh gần hết, Nhã cho nhân viên về sớm đi chơi, treo biển tạm nghỉ ra ngoài cửa, bắt đầu ngồi kiểm kê sổ sách. Đúng lúc Nhã đang cau mày bóp trán nghĩ cách giải quyết mấy món nợ khó đòi, cửa kính của shop bỗng bật mở mang theo gió rét, hơi xăng và những âm thanh huyên náo như chợ vỡ bên ngoài. Nhã ngẩng lên, cố không lườm hai vị khách bất lịch sự vừa xộc vào, nói nhanh bằng một giọng đanh và lạnh:
- Shop nghỉ rồi anh nhé!
- Tôi biết rồi, nhưng có việc. – Vị khách thứ nhất lên tiếng.
Anh ta không phải quá cao nhưng vì rất gầy nên thoạt nhìn có vẻ lênh khênh đặc biệt. Bộ quần áo bết dầu mỡ cùng những đường nét khắc khổ trên khuôn mặt anh ta đang tuyên bố một sự thật hiển nhiên: đây không phải là đối tượng khách hàng của shop. Nhã tạm ngừng đánh giá anh ta để chuyển sang vị khách thứ hai, một thằng bé choai choai đang cúi gằm mặt đứng gần cửa. Nó mặc áo khoác đồng phục của một trường cấp 2 danh tiếng trong quận nhưng lại đi một đôi giày vải màu xanh công nhân rẻ tiền vốn chỉ được mấy bà lao động ngoại tỉnh ưa chuộng. Chẳng rõ vì áo không đủ ấm hay vì sợ mà nó hơi run run. Nhã còn đang tự hỏi nó có quan hệ thế nào với kẻ cục cằn đứng gần quầy thì đã giật mình vì một tiếng quát xẵng:
- Vào đây mau lên! Mày còn đứng đấy làm gì?
Thằng bé vẫn cúi gằm mặt, rón rén đi vào. Lúc này Nhã mới để ý là hai tay nó thu ra sau lưng, như đang giấu vật gì. Thằng bé còn đang chần chừ chưa nhúc nhích tay, người đi cùng đã túm nó lại, giằng cái hộp có bọc giấy hoa và thắt nơ nhưng đã bẹp rúm trong tay nó, đặt lên quầy. Rõ ràng anh ta đã cố nhẹ tay, nhưng Nhã vẫn cảm thấy chiếc hộp bẹp thêm một chút.
- Em tôi nó lấy cái này của hàng cô, tôi đem nó qua trả lại và xin lỗi. – Anh ta nói nhanh, sự ngập ngừng và quẫn bách hiện rõ trong đôi mắt vằn đỏ.
Nhã mở chiếc hộp, thấy một chiếc khăn lụa chấm bi của hãng G., món đồ mà cách đây ít hôm shop bị mất. Nhã cầm chiếc khăn, vừa muốn khóc vừa muốn chửi một câu thật ác. Chiếc khăn hàng hiệu có giá tiền bằng cả tháng lương nhân viên của shop Nhã đã bị cắt mác, bị vò nhàu nhĩ, lại còn dính mấy vết dầu mỡ, như miếng giẻ lau xe.
- Ba triệu! – Nhã gằn giọng.
Ánh mắt của hai vị khách không được chào đón cùng đổ dồn vào Nhã.
- Khăn này giá ba triệu! Giờ nó nát tươm thế này, các người nghĩ còn ai mua nữa?
- Đúng là nó có bị nhàu và bẩn – người anh cố gắng nói bằng giọng nhũn nhặn nhất – tôi xin trả hết tiền giặt là.
- Anh nghĩ chỉ cần vò xà phòng ấn bàn là một cái rồi treo lên là xong chuyện à? Thế còn cái mác bị cắt thì sao? Có ai thần kinh đi mua cái khăn mất mác với giá ba triệu không, hả? – Nhã hỏi dồn.
- Thế mua khăn còn mác với giá ba triệu thì không thần kinh chắc?! – Anh ta vặc lại – Ai mà biết cô có quát đúng giá hay không…
Nhã suýt nữa thì nhảy dựng lên vì lý luận ngang như cua của anh ta. Nhã vồ ngay lấy chiếc laptop vẫn bật trên mặt quầy, gõ vội mấy địa chỉ quen. Chưa đầy hai phút sau, một loạt trang web bán hàng hiệu trong và ngoài nước đã xác nhận lời của Nhã. Chiếc khăn lụa chấm bi hiệu G. bán online rẻ nhất cũng 139 đô. Người anh nhìn chằm chằm vào màn hình một lát rồi quay sang bảo thằng bé:
- Mày ở đây, tí anh quay lại.
- Này! – Nhã gọi với theo khi thấy anh ta đi về phía cửa.
- Đừng lo, nó còn ở đây, tôi không trốn đâu! – Anh ta ngoái lại nhìn Nhã đầy bối rối rồi mở cửa lao ra ngoài.
Gió rét, hơi xăng và âm thanh huyên náo lại lọt vào, quanh quẩn trong không gian ấm áp thoang thoảng mùi thơm xa xỉ của những món hàng xách tay. Nhã thoáng nhăn mặt, nghĩ ngợi vài giây rồi quyết định để mặc mấy sheet xuất nhập thu chi trên Excel, đến bên thằng bé. Nãy giờ nó vẫn không ngẩng lên, cũng không hề nói câu nào.
- Cầm lấy này! – Nhã chìa cho nó mảnh giấy ướt.
Thằng bé ngước nhìn Nhã, đôi môi sưng vều với mấy vết máu đã khô vẫn mím chặt. Nó ngập ngừng cầm lấy mảnh giấy ướt, lau mặt. Nhã thò chân khều hai chiếc ghế nhỏ, đẩy một cái về phía nó, vừa ngồi xuống vừa hỏi tiếp:
- Học sinh trường T. à?
- Vâng. – Thằng bé gật đầu rất nhẹ, đáp cụt ngủn.
- Lớp mấy?
- Tám ạ.
- Lấy khăn của shop chị tặng bạn gái à?
Thằng bé gật rồi lại lắc, mãi sau mới lí nhí:
- Nó bảo em mà lấy được một món trong này cho nó, nó sẽ làm bạn gái em.
- Thế sao lại lấy khăn mà không lấy món khác?
- Em nghĩ cái khăn bé thế, chắc rẻ nhất.
- Rồi nó có chịu làm bạn gái em không?
- Không, nó trả lại quà, bảo khăn già quá, nó không thích.
Nhã bật cười. Nhã cũng đoán kết cục chỉ có vậy hoặc tệ hơn. Cái con nhóc hẳn là nhà giàu và đỏng đảnh đấy thật giỏi, mới tí tuổi đã biết cách bắt tội kẻ theo đuổi mình!
- Anh kia là anh trai em à?
- Vâng. Anh ý là anh cả, em còn một anh nữa đang học dưới Hải Phòng.
- Đại học Hàng Hải à?
- Vâng, sao chị biết?
- Chị đoán. Vừa rồi em bị anh em đánh?
- Vâng, nhưng cũng không đau lắm.
- Anh em làm gì?
- Anh em làm ở xưởng xe gần nhà.
- Nhà ở đâu?
- Nhà em ở ngoài đê, số… ngách… ngõ… phố C. ạ.
- Bố mẹ thì làm gì?
- Bố mẹ em… đều mất cả rồi ạ.
- Ừ.
Nhã chẳng biết phải hỏi hay nói gì thêm, đành để mặc thằng bé ở đó, quay lại quầy làm sổ sách. Thằng bé ngồi yên, chăm chú nhìn ra ngoài. Đường phố vẫn đông đặc những người là người. Tiếng chuông nhà thờ ngân từng tiếng nhẩn nha…
Lại có người mở cửa, không phải anh thằng bé mà là nhân viên đưa bánh của một nhà hàng pizza gần đó. Nhã cầm hộp bánh còn nóng sực, vừa trả tiền vừa kín đáo liếc về phía thằng bé. Nó đang cúi gục hẳn xuống vờ ngủ.
- Ăn này em! – Nhã ngồi xuống bên thằng bé, mở hộp bánh. Mùi thơm của pho mát dậy lên béo ngậy.
Thằng bé ngẩng lên nhìn Nhã rồi nhìn chiếc pizza một lát rồi lắc đầu quả quyết. Nhã thở dài, nhấc một góc pizza ấn vào tay nó:
- Anh em đi xoay tiền còn lâu mới quay lại, cứ ăn đi rồi chờ tiếp!
- Sao chị biết anh em đi xoay tiền?
- Chứ không lẽ là đi chơi Noel à?
Thằng bé bật cười làm máu ở môi lại bật ra. Nó chấm chấm mẩu giấy ướt, nói nhỏ:
- Chắc anh ấy đi đặt xe.
- Xe gì?
- Dream ạ. Xe đấy cũ nhưng anh em sửa lại ngon lắm.
Nhã thở dài, nhìn ánh sáng lấp lánh của dây đèn trang trí trên cây thông bày ở góc shop phản chiếu trong đôi mắt phảng phất cái gì đó như sự tự hào của thằng bé. Một chiếc Dream cũ đem cầm vào tối muộn thế này thì được bao nhiêu đâu… Thằng bé không đọc được suy nghĩ của Nhã. Nó cầm miếng pizza, ăn từng miếng dè sẻn như sợ làm đau từng mẩu cà chua và thịt băm trên bánh. Nhã nhìn thêm một lúc, rồi đóng hộp bánh lại, ấn vào tay thằng bé.
- Để chị gọi xe ôm cho em về!
- Nhưng mà…
- Chị có việc phải về bây giờ, không chờ anh em được.
- Vâng, nhưng…
- Em về bảo anh em là mai qua đây tìm chị rồi tính.
Mười lăm phút sau, Nhã khoá cửa shop, đi bộ ngược với dòng người xe đang háo hức đổ dồn về phía nhà thờ xem lễ. Trong vạt áo dạ của Nhã có một chiếc túi giấy nhẹ bẫng. Trong túi có một thứ bẹp rúm vốn từng là chiếc hộp bọc giấy hoa và gắn nơ, cũng nhẹ bẫng. Trong “hộp” có một chiếc khăn lụa chấm bi của hãng G. và một tấm thiệp màu đỏ thắm với dòng chữ viết tay nắn nót: Wishing you a Christmas full of love.
Trời vẫn rét. Đường vẫn đông. Tiếng chuông Giáng sinh vẫn ngân từng hồi nhẩn nha, nhẩn nha.
Truyện đã đăng trên Thế Giới Phụ Nữ số 49, tháng 12/2011 (tên truyện được đổi thành “Khăn lụa giá 3 triệu″)

HẾT


Xem Tiếp: ----