Phượng đẹp và sắc sảo như một bông hoa, một bông hoa nở sớm vào những ngày đầu hè. Thẫm đỏ trong ánh bình minh và chói chang, gay gắt dưới ánh mặt trời. Mắt Phượng to, tròn, trong veo như hai hạt ngọc. Tóc Phượng dài mượt mà, đen nhánh, da Phượng trắng hồng... Bởi vậy, Phượng có biết bao nhiêu là “đuôi” nhưng Phượng thì chẳng để ý đến một cái đuôi nào cả. “Phượng kiêu lắm!” - Nghe bọn con trai bảo thế tôi nhe răng ra cười: “Kiêu gì đâu?”. Bọn chúng nhúng vai rồi nói với tôi: “Phượng dễ thương nhưng khó gần vì Phượng sắc sảo như chính cái tên của Phượng vậy!” Tôi chợt hiểu khi đi bên Phượng, tôi chỉ là một con số không tròn trĩnh, một con số không “ăn theo” nhưng chẳng sao cả!
Tôi với Phượng ở chung trong cùng một khu phố, nhà tôi với nhà Phượng chỉ cách nhau có mấy căn. Nhà tôi bán quán nên buổi sáng Phượng hay sang ăn sáng với tôi rồi hai đứa cùng đi học. Bố mẹ tôi với gia đình Phượng cũng thân nhau lắm nên bọn tôi chơi với nhau cũng không gặp trở ngại gì. Thường thì bọn tôi học bài chung, cùng làm bài tập hay thảo luận những chuyện vặt vãnh gì đó. Phượng không thông minh hơn tôi nhưng được cái Phượng rất siêng. Tôi với Phượng chơi với nhau cũng khá lâu và bọn tôi cũng đã thân nhau lắm, bằng chứng là hai đứa chẳng cãi nhau bao giờ.
Phượng là lớp phó học tập của lớp - Chức vị đó rất xứng đáng với Phượng vì điểm số của Phượng luôn dẫn đầu. Với tôi, Phượng chỉ là một người bình thường như bao người bình thường khác, nhưng với cả lớp thì Phượng rất đáng nể phục: Phượng vừa đẹp, lại vừa học giỏi, điều đó đáng kiêu hãnh lắm chứ! Ðôi lần, tôi thử đặt cái trọng trách của Phượng lên vai mình (trong tưởng tượng) và thấy sao nặng nhọc quá! Còn Phượng thì nói ngược lại: “Có gì đâu, ngoài việc đăng ký thi đua, phổ biến thời khoá biểu mới (nếu có), còn nếu ai có thắc mắc gì chuyện học hành thì mình hướng dẫn cho họ... Khỏe re hà!” Tôi hỏi lại: “Thế mày đã hướng dẫn cho ai lần nào chưa?” Phượng nói như dỗi: “Có ai hỏi đầu mà hướng dẫn”. Quay sang hỏi mấy đứa học yếu trong lớp thì tôi được tụi nó trả lời bằng một lời nhận xét cũ xì: “Phượng kiêu thí mồ!” Ðứng ở cửa giữa, tôi chẳng biết mình nhìn nhận cái chuyện này như thế nào?!
Trong giờ học, Phượng rất ngoan, chăm chú nghe thầy cô giảng chứ không quay ngang quay dọc như tôi, thầy cô hay mắng tôi cũng vì thế... nhưng không sao. Tôi thì hay nghĩ vẩn vơ, mơ mộng chuyện này chuyện nọ nhưng Phượng thì không, Phượng lúc nào cũng nghiêm túc, dường như chẳng thích bất cứ một điều gì cũng như không có một niềm say mê mãnh liệt nào. Ðôi lần tôi hỏi Phượng về chuyện đó, so sánh phân biệt giữa hai đứa rõ ràng cho nó thấy nhưng lần nào Phượng cũng bướng bỉnh bảo:
- Mày khác, tao khác. Chẳng có ai trên thế gian này mà giống nhau từ trên xuống dưới hết được cả.
Tôi bắt đầu nổi giận:
- Khác hở? Khác chỗ nào, mày giỏi nói tao nghe xem! Tao khác mày vậy tao là gì hở?
Phượng cười nói tếu:
- Mày là con... bạn trai của tao, được chưa?
Phượng lại cười, nụ cười của Phượng rất đẹp, ít bao giờ tôi thấy Phượng cười như thế lắm. Tôi bỗng ngẩn ngơ quên hết những điều mình đang định nói. Thật lòng mà nói, nếu là con trai chắc tôi cũng yêu Phượng khi thấy Phượng cười với tôi như thế rồi.
Giận hờn bao nhiêu bây giờ cũng tan biến hết, tôi chợt thấy Phượng đáng yêu và duyên dáng như một đóa hoa, đóa hoa Phượng đầu hè.
Tôi thích sống thoải mái, thích được tự do bay nhảy khắp nơi nên có lẽ vì thế mà tôi chọn sẽ thi vào đaị học hàng không, tôi mơ ước sau này mình sẽ thành một tiếp viên hàng không để được đi nước này nước khác cho thoả thích. Còn Phượng thì đang phân vân chưa biêt phải thi vào trường nào. Tôi trêu phượng:
- Mày đừng thi, ở nhà lấy chồng sướng hơn. Tao biết số mày sẽ lấy được chồng giàu. Ðừng thèm học, đừng thèm làm gì hết, để chồng nó nuôi, khỏe thân hơn.
Phượng đưa tay cốc vào đầu tôi:
- Nói bậy đi, con quỉ. Tao mà ế chồng là tao bắt đền mày đó, biết không. Lúc đó tao sẽ nguyền rủa mày suốt đời.
Tôi cười hích hích ra vẻ khoái chí lắm, còn Phượng thì bỗng dưng chợt đăm chiêu...
Ăn tết xong thì mùa thi cũng đã tới gần rồi. Tôi và Phượng bắt đầu vắt chân lên cổ mà học.
Trong khu phố của tôi có một gã con trai tên Huy, cũng bằng tuổi tôi và Phượng. Thuở nhỏ, tôi và Huy thường chơi chung với nhau và rất hay... đánh nhau, bởi vậy Huy thân với tôi hơn là thân với Phượng. Huy năm nay cũng lớp 12 nhưng học bên trường chuyên X. Lũ bạn cùng lớp thường nói với tôi “Dân chuyên là dân siêu lắm!”
Thấy tôi và Phượng học chung, Huy cũng xin học ké cho... vui. Tôi thì đồng ý liền nhưng sợ Phượng không thích nên bàn với Phượng thêm: “Nó học bên trường chuyên, nghĩa là nó giỏi lắm đó. Mình học chung với nó sẽ nhờ nó được khối việc cho mà xem!”
Tôi thuyết phục một hồi, cuối cùng thì Phượng cũng đồng ý.
Buổi học đầu tiên, bọn tôi thảo luận với nhau nhiều chuyện lắm. Hình như ở cái lớp học nhóm này, Huy không phải là một thành viên mà Huy có vai trò như một gia sư vậy. Tôi hỏi Huy đủ điều nhưng điều nào Huy cũng trả lời vanh vách. Ðúng là dân chuyên có khác thật! Quay sang nhìn Phượng, tôi thấy nó cứ lặng im, im lặng như lúc ở trường vậy. Thì ra Phượng vẫn tỏ ra kiêu sa và sắc sảo như ngày nào. Tôi đâm bực...
Buổi học thứ hai không khí có vẻ dễ thở hơn. Phượng đã bắt đầu chịu hỏi, chịu thắc mắc nhưng số lượng cũng còn rất...nhỏ giọt. Huy cũng tỏ ra hài lòng nhưng tôi thì thấy còn bực bực... Nhưng dầu sao, như thế cũng đã khá hơn rồi.
Rồi những buổi học tiếp theo, ba đứa tụi tôi trao đổi với nhau đã cởi mở hơn. Phượng cũng tỏ ra mến Huy lắm vì kết quả học tập rất đạt chất lượng. Tôi cũng thấy Phượng thay đổi nhiều, nó cởi mở và hoạt bát hơn trước nhiều lắm. Huy cũng rất mến Phượng cho nên những lúc Phượng và Huy trao đổi bài vở, tự dưng tôi lại thoáng thấy lo sợ mơ hồ... Tôi cũng chẳng biết mình bắt đầu biết ích kỷ tự bao giờ.
Ở lớp, so với trước đây Phượng cũng đã đổi khác khá nhiều, Phượng chẳng còn thờ ơ lạnh nhạt với bạn bè nữa, Phượng hay cười nói hơn, Phượng quan tâm đến các học sinh yếu và hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình. Mấy gã con trai lúc này được Phượng cười chào cứ ngây người ra như chưa tỉnh mộng.
Càng ở gần Phượng, tôi thấy mình như xa Phượng hơn, những cuộc săn đón của đám con trai đã tách Phượng và tôi ra thành hai ngả riêng biệt.
Nhưng Phượng thì không quên tôi, bằng chứng là mỗi sáng Phượng vẫn sang rủ tôi đi học. Dạo này tôi thấy Phượng lúc nào cũng vui, lúc thì thấy Phượng toe toét cười, mà không biết là cười với ai, chẳng để lọt vào tai mình một lời nào cả, lúc thì thấy Phượng nghêu ngao hát một mình và việc học của nó xem chừng đã bắt đầu chểnh mãng rồi, nó chẳng còn chăm chú nghe thầy cô giảng như trước đây nữa. Ngồi trong lớp Phượng cứ ngẩn ngơ như người bị mộng du. Phượng còn làm thơ nữa, trời ạ!
Phượng đã thật sự thay đổi, nguyên nhân của sự thay đổi này chính là Huy chứ không phải là ai khác. Tôi dám chắc chắn như thế.
Tám tháng ba, Phượng được tặng biết bao nhiêu là hoa. Nhìn những đóa hoa trong tay Phượng, không đứa con gái nào mà không khỏi ganh tị thầm (tôi dám chắc chắn như vậy vì chính tôi cũng đang ganh tị với Phượng đấy!) Có những đứa con trai mà tôi và Phượng chưa hề gặp mặt cũng đến tặng hoa cho Phượng. Phượng mặc chiếc áo dài trắng, đứng trước lớp, tay ôm một bó hoa lớn, miệng cười và cứ rối rít cám ơn luôn, đứa nào đi ngang Phượng cũng xuýt xoa:
- Phượng khả ái quá!
Chuông vừa reo ra chơi, tôi đã thấy Huy đứng trước cửa lớp rồi. Tim tôi muốn nghẹt thở khi tôi thấy Huy tiến lại chỗ hai đứa đang ngồi. Huy im lặng rất lâu và tim tôi như muốn vỡ tung ra. Một lát, rút từ trong ngực ra hai đóa hoa hồng BB, Huy trao cho Phượng và tôi cùng giọng nói hãy còn run và hồi hộp lắm:
- Chúc mừng nhân ngày 8-3!
Cả lớp như muốn vỡ tung ra vì tiếng vỗ tay la hét rầm trời. Tôi ngượng nghịu nói lời cám ơn Huy rồi đứng dậy tiễn Huy ra cửa. Lúc ấy tôi thấy đời thật đẹp và thật lãng mạn. Nhưng khi thấy Phượng rạng rỡ với đóa hồng trên tay, nhìn hai đóa hồng của mình, không dưng tôi lại nghi ngờ: “Có đến hàng trăm ngàn đàn ông trên thế giới này phải cầu viện đến hoa hồng “. Ai đó đã nói như thế, nhưng sao lại là hoa hồng mà không phải là một loại hoa nào khác?
Tôi và Phượng im lặng trên suốt quãng đường đi về, có lẽ vì hạnh phúc quá nên chẳng nói được gì. Chia tay nhau, chúng tôi chỉ có nụ cười thay lời tạm biệt.

*

... Hạ đến thật nhanh, cả tôi, cả Phượng, cả Huy dường như chẳng có ai còn tâm trí đâu để nghĩ đến những chuyện vẫn vơ nữa. Bài vở thi tốt nghiệp chẳng để bọn tôi thảnh thơi được một phút nào.
Rồi mọi lo lắng ban đầu của chúng tôi cũng trôi qua. Kết quả là Phượng và tôi đều đậu khá trong kỳ thi tốt nghiệp và bọn tôi đang sắp sửa đối đầu với một cuộc thi mới: Ðại học!
Chiều, Phượng xách xe chở tôi vòng vòng qua phố và bảo với tôi: Sau mấy ngày thi mệt mỏi, phải bồi dưởng mình mới được! Dĩ nhiên là tôi đồng ý ngay.
Hai đứa vừa định ghé vào một quán kem bên đường, tim tôi chợt thắt lại, thật lâu khi nghe một tiếng gọi quen thuộc từ phía sau lưng vọng lại: “Phượng ơi! Phượng ơi!...”

Phan Thanh Nhã


Xem Tiếp: ----