ơn mưa mỗi lúc một nặng hạt hơn. Chiếc gạt nước ở kính xe trước quay liên tục nhưng vẫn không làm cho con đường cũng như hình ảnh trước mặt được rõ hơn. Cả ngày hôm nay lúc nào trời cũng như sắp tối, thời gian dường như ngưng đọng ở một điểm cố định và những chiếc đồng hồ hình như cũng đã đứng lại, không nhích lên thêm  chút nào. Trên đường, thỉnh thoảng một vài chiếc xe vượt ngang bắn nước trắng xóa rồi sau đó để lại trước mặt hai chấm đèn đỏ mỗi lúc một xa dần.
Thấp thoáng hai bên đường bắt đầu thấy vài tấm bảng quảng cáo và chỉ đường quen thuộc. Kiêm nói với Rudy:
“Mình sẽ vào exit gần nhất và gọi điện thoại xem có gì trục trặc không cũng như báo cho họ biết mình sắp đến nơi.”
“OK!”
Đây là lần đầu tiên Rudy đi cùng với Kiêm. Anh chàng đang tập sự nên cũng cần học hỏi nhiều. Kiêm chỉ rất cặn kẽ từng chi tiết nhỏ nhặt và chàng luôn luôn  nhấn mạnh công việc này đòi hỏi phải tranh đua với thời gian. Phải nghiên cứu trên bản đồ quãng đường nào an toàn và ngắn nhất để đến nơi. Kiêm muốn cho Rudy thấy được tầm mức quan trọng của công việc vì nó gắn liền với mạng sống của người bệnh đang chờ đợi.
Ở những thành phố lớn, việc di chuyển bằng máy bay từ bệnh viện này đến bệnh viện kia vừa nhanh chóng lại tiện lợi. Nhưng, có rất nhiều trường hợp, nhiều nơi không thể dùng phương tiện đó mà phải dùng đường bộ, vừa lâu hơn lại vừa bất tiện hơn. Và công việc của Kiêm từ 6, 7 năm nay là lái xe mang những cơ phận trong thân thể con người từ những thành  phố nhỏ đến những bệnh viện lớn đang có người bệnh chờ một phép nhiệm mầu nào đó để có thể hồi sinh, có thể tiếp tục cuộc sống với sự thay thế cơ phận.
Thoạt tiên, đây chỉ là một công việc kiếm sống, công việc của một người tài xế không hơn không kém. Nhưng rồi mỗi chuyến đi, bất kể thời tiết nào, cho Kiêm thấy đây là một cuộc chiến sinh tử, chỉ khác là cuộc sinh tử của một ai đó, không phải của mình. Và chàng đã dự một phần quan trọng không nhỏ trong cuộc chiến ấy. Có ai để ý đến thời gian nếu không là những kẻ chờ đợi? Một tích tắc của thời gian, một chớp mắt ngắn ngủi đó mà lại có thể thay đổi cả một con người, thay đổi cả một cuộc đời không phải chỉ cho một cá nhân mà còn cho cả những người liên hệ chung quanh.
Thời gian đối với Kiêm đã không mang một ý  nghĩa gì từ khi chàng đặt chân lên đất Mỹ  với tất cả những gì thân yêu nhất đã bị tước đoạt. Công việc này đã làm chàng thay đổi cái nhìn về nhiều thứ. Chưa bao giờ chàng thấy mình sống gần với cái chết cũng như sự sống đến như thế. Với đồng lương cũng không là bao nhưng Kiêm vẫn tiếp tục làm công việc này hàng bao năm nay vì ít nhất chàng tìm được một ý nghĩa nào đó trong việc làm. Cái ý nghĩa mà chàng chỉ tự chiêm nghiệm cho chính mình để có thể có một cái nhìn khác hơn về cuộc đời và con người, chứ mặc nhiên không thể san xẻ cho ai khác. Ngày hôm nay, trên đoạn đường mưa gió, chàng ước gì người bạn trẻ bên cạnh, Rudy, có thể hiểu được những điều đó.
Rudy gợi chuyện:
“Anh làm công việc này bao lâu rồi vậy?”
“Sáu, bẩy năm gì đó!”
Kiêm vẫn chăm chú lái xe nhưng chàng biết câu trả lời của mình chắc chắn làm Rudy sửng sốt.
Rudy hỏi lại:
“Sáu, bẩy năm? Anh không hề nghĩ đến chuyện đổi việc à?”
“Không!”
“Anh còn trẻ mà?”
Làm thế nào để giải thích cho Rudy hiểu bây giờ nhỉ? Nếu chàng nói ra những điều mình nghĩ có lẽ anh ta sẽ nghĩ là Kiêm gàn dở! Không ai có cái nhìn về một sự việc giống ai. Mà mình cũng không thể bắt người khác nghĩ như mình được. Đã từ lâu cái mốc thời gian đối với chàng là một điểm mù mờ mông lung. Tuổi trẻ đã qua từ bao  giờ!”
Kiêm hững hờ trả lời:
“Chẳng còn trẻ nữa đâu!”
“Làm mãi một công việc ngày này qua ngày khác, không chịu nổi!”
Chừng đó đủ cho Kiêm thấy mình không thể chia sẻ gì thêm với người bạn đồng hành này. Chàng chăm chú lái xe. Đến exit đầu tiên, thoáng thấy cột cao để bảng Shell. Kiêm rẽ vào trạm xăng. Quay sang Rudy, Kiêm đưa mẩu giấy nhỏ có ghi số điện thoại của nhà thương.
“Anh gọi xem có gì trục trặc không và báo cho họ biết mình sẽ có mặt chừng 20 phút nữa! Điện thoại trong xe không bắt nổi xa như vậy đâu, mình phải dùng diện thoại công cộng.”
Đã có những lần sau khi gọi điện thoại, Kiêm hăng hái tiếp tục lên đường để hoàn tất sứ mạng  được giao phó, nhưng cũng có khi Kiêm lại phải quay đầu xe trở về với một tâm  trạng  buồn bã ray rứt như thể mình vừa đánh mất một cái gì quý báu! Để rồi lại nhớ đến những mất mát của chính mình. Cuộc đời với lẽ được, thua! Cứ thế, dai dẳng đến vài ngày sau rồi Kiêm mới quên! Cũng có lúc Kiêm tự hỏi: “Phải chăng chàng đang sống trong một ảo tưởng về sự phấn đấu sinh tử không phải cho mình mà cho người khác, hay là cho chính chàng để níu lại quá khứ?”
Ruby mở vội cửa. Những hạt mưa trắng xóa dưới ánh đèn tạt vào xe. Anh ta thở hổn hển:
“Tốt! Vẫn đang chờ!”
“OK! Tiếp tục!”
Chiếc xe lại lao đi trong đêm tối dưới cơn mưa tầm tã. Rudy với tay vặn nhạc. Kiêm chặn lại:
“Đừng bao giờ nghe  nhạc trong lúc này!”
“Tại sao?” Giọng Rudy không dấu được  vẻ  khó chịu.
“Anh sẽ không còn chuyên tâm trên con đường và dễ có thể bị tai nạn hay chậm trễ. Đừng quên, trong công việc này thời gian đóng vai trò rất quan trọng!”
Rudy thở dài!
“Có lẽ người bạn trẻ này không làm công việc này lâu đâu.” Kiêm nghĩ.
“Anh còn quá trẻ nên chưa thấy.. đời sống là quý giá!”
“Có chứ!” Rudy cãi.
“Phải thấy cái chết nhiều, phải.. mất mát nhiều.. mới cảm nghiệm được!”
“Anh như vậy ư?”
Kiêm gật đầu, và chàng cũng không muốn nói gì thêm về những mất mát của mình. Nỗi mất mát luôn nằm đó, dằn vặt, và chàng trăn trở trong niềm đau, niềm đau thật dịu dàng!
Cả hai đều yên lặng suốt trên đoạn đường còn lại. Ngoài tiếng máy xe, tiếng mưa rơi vỗ đều đặn trên mặt kính, tiếng quạt nước, và trong sự đều đặn đó, tiếng thời gian cũng khẽ khàng trôi qua.
Lác đác những ánh đèn, xe cộ. đã vào thành phố. Kiêm nhắc Rudy:
“Mình sẽ vào exit Murphy Boulevard. Tôi đã từng đến đây 5, 6 lần. Đến nhà thương, đậu ngay ở phòng cấp cứu và làm thủ tục chuyển giao.”
Mầu đỏ của hàng chữ đèn “Emergency” như ở mọi nhà thương là điểm chốt cuối cùng trong sứ mạng này. Kiêm và Rudy vội vàng đi vào phòng cấp cứu của bệnh viện Kingsley. Tên chàng đã được phát âm là “Kim” vì không ai có thể đọc đúng họ Nguyễn cũng như tên Kiêm của chàng. Bà thư ký trực  ca nhì  vẫn còn nhớ mặt Kiêm, đon đả:
“Hôm nay anh có thêm bạn đi cùng?”
Quay sang Rudy, Kiêm giới thiệu:
“Rudy, làm việc chung với tôi. Còn đây là bà..” Kiêm nhìn bảng tên của bà.. “Janet Devane”.
Hai bên nói qua lại vài câu xã giao trong lúc  Kiêm phải ký giấy tờ và trao chiếc hộp đựng cơ phận cho người phụ trách đêm đó. Anh ta nhìn bảng tên của Kiêm rồi chợt nói:
“Anh có bà con gì với người bệnh này không vậy? Cùng họ Nguyễn!”
Kiêm giải thích:
“Người Việt Nam chúng tôi mang tên họ giống nhau nhiều lắm nhưng không có nghĩa là bà con thân thuộc vì trùng họ. Cũng giống như tên Smith hay Brown của người Hoa Kỳ vậy đó.”
Anh ta nhe răng cười. Hàm răng trắng nuốt trên làn da đen bóng nhưng hiền hòa. Lần đầu tiên Kiêm biết người bệnh đang chờ tên họ gì vì thông thường chẳng ai nói mà Kiêm cũng không được hỏi. Có một chút gì xao động trong chàng khi thấy người  đang chờ đợi một phép lạ do Kiêm mang đến lại là người đồng chủng tộc, và lại cùng họ Nguyễn. Không  biết đây là đàn ông hay đàn bà? Nhưng dù sao đây là một bất ngờ trong suốt 6, 7 năm làm công việc này. Tự dưng Kiêm thấy vui hẳn lên và chàng cầu mong mọi sự sẽ êm xuôi cho người mang cùng họ Nguyễn với mình.
Trở  lại tìm Rudy. Anh ta đang ăn nhồm nhoàm một chiếc sandwich thật bự. Rudy vừa nhai vừa hỏi:
“Xong chưa? Anh không đói ư? Ăn không?”
“Không!” Kiêm lắc đầu và nói tiếp, “Tôi không thấy đói!”
“Có cần đi luôn chưa?”
“Anh cứ ăn xong đi! Bây giờ chỉ còn trở về thôi, không vội gì đâu!”
Nhìn Ruby ăn, Kiêm tự hỏi: “Có lẽ người bạn trẻ này chẳng nhìn thấy tầm quan trọng của công việc vừa hoàn tất?”
Suốt từ lúc Rudy được xếp đặt thành  toán đi cùng với Kiêm bây giờ chàng mới nhìn kỹ. Có lẽ Rudy chỉ chừng 25, 26 là cùng. Khuôn mặt vuông, cổ to, cầm bạnh, trông anh ta ra vẻ một thể tháo gia nhiều hơn. Vai rộng, cắp mắt linh hoạt, một vẻ hồn nhiên cởi mở và đầy sức sống toát ra từ toàn thể con người anh. Đây là một cái cây đang độ tràn trề sinh lực. Sức sống toát ra mãnh liệt từ những cử động nhai, nuốt ngon lành. Từ những nhấp nhô lên xuống ở cần cổ Rudy đến những mảnh vụn của bánh còn đọng lại ở bên mép được anh ta thè lưỡi liếm trọn ngon lành. Rồi làn da rám hồng, đến râu tóc xum xuê. Sự sống là đây chứ gì nữa? Là những nhiệt thành từ trong mọi cử động bình thường chứ không nói gì đến những suy tưởng riêng tư. Nhiệt thành trong việc ăn ngủ, đi lại, cử động! Và bỗng dưng Kiêm nghĩ đến người bệnh họ Nguyễn nằm đâu đó trong bệnh viện này và không khỏi so sánh, thắc mắc rằng người này già hay trẻ, đàn ông hay đàn bà, hay con trẻ mà sự sống đang còn tùy thuộc vào  quá nhiều điều kiện, mà chuyến đi vừa rồi của Kiêm và Rudy là một trong những điều tiên quyết đó. Để mang sự sống đến cho người khác, có lẽ Kiêm cũng phải bắt chước anh bạn Ruby đây mà tạo cho chính mình một sinh lực nào đó, một hăng hái cho chính mình một sinh lực nào đó, một hăng hái cho  chính mình như chàng đã tranh đua với thời gian đi đến đây.
Kiêm ngồi dựa trên ghế ở phòng đợi và duỗi thẳng chân. Cứ sau mỗi chuyến đi tranh đua với thời gian làm như mọi năng lực chàng đã đổ dồn hết vào lúc đó và nay như cạn kiệt, trống  rỗng! Như mọi lần, Kiêm chỉ muốn trở về căn gác trọ của mình, ăn một chút gì cho cái bao tử khỏi làm loạn rồi nằm nghe nhạc và thiếp ngủ lúc nào không hay khi những âm thanh vẫn còn bồng bềnh trôi nổi để buông thả, sống thật với mình!
*
Kiêm lục trong tủ lạnh làm một cái sandwich và nhớ đến hình ảnh Rudy. Ăn được vài miếng chàng đành bỏ dở. Vị béo ngậy của mayonaise trong chiếc bánh mì kẹp thịt làm chàng ngấy đến tận cổ. Chàng không thể làm như Ruby được!
Đổ nước sôi vào ly mì. Chờ  năm phút. Bỏ vào ít cọng hành lá, vài miếng ớt đỏ. Kiêm trở lại với món ăn  quen thuộc, nhanh chóng của mình và thấy ngon lành hơn mọi khi. Có lẽ nếu ai đó nhìn thấy chàng trong lúc này cũng có thể thấy được phần nào hình ảnh anh bạn trẻ Rudy. Chàng bật cười một mình trước sự so sánh kỳ quặc này! Tại sao mình phải sống, phải suy tưởng như người khác nhỉ? Vô lý!
Sau bữa ăn tối đơn giản, Kiêm bỗng dưng không muốn theo những quy củ về thời khắc như bao năm qua. Những bản nhạc chàng thường ưa thích nay không muốn nghe lại. Giấc ngủ quen thuộc cũng không chịu đến! Một ngày không giống như mọi ngày! Bên cạnh những hoang vắng bỗng dưng có mầm trồi sinh? Vì người bạn trẻ Rudy? Hay vì một cái tên Nguyễn nào đó trong thành phố mà người đồng hương sao vắng vẻ? Có lẽ lâu nay Kiêm không hề để ý đến sự có mặt của những người chung quanh chàng, có hay không có chàng cũng chẳng cần biết! Chàng chỉ quanh quẩn với chính mình và ôm ấp một cái dĩ vãng đau buồn!
Mình có cảm thấy sự cần thiết về mối liên hệ với những người chung quanh không nhỉ? Chưa bao giờ Kiêm tự đặt câu hỏi như vậy! Và ngày hôm nay câu hỏi này chợt đến như một gián tiếp trả lời rằng chàng cũng cần một sự giao tiếp nào đó ngoài những giao tiếp thông thường trong công việc hàng ngày. Một chút nắng bất chợt hay một cơn mưa rào để thay đổi đi sự trống trải đã trở thành quen thuộc trong nhịp sống. Nó chỉ như một hình tượng lờ mờ, không rõ nét, mà chính Kiêm cũng không hiểu rõ.
Tại sao Kiêm không đến thăm người bệnh họ Nguyễn, để thấy được tận mắt sự hồi sinh thực sự mà chàng đã góp một phần khiêm tốn nhỉ? Và Kiêm đã trằn trọc cả đêm chỉ vì một thoáng xôn xao không đâu về sự chờ đợi gặp gỡ người không quen biết! Ước muốn vươn mình tới một người nào đó để có thể chia sẽ phần nào nỗi cô quạnh như một nhành cây con vùn vụt  bứt tung lên khỏi mặt đất cằn cỗi làm Kiêm bàng hoàng. Ngay sự bàng hoàng bất chợt  này cũng làm chàng thao thức! Giòng máu trong người Kiêm hình như chảy mạnh hơn. Từng phần da thịt chàng như có chút ánh mặt trời sưởi ấm. Toàn thể con người chàng như căn nhà khép kín lâu nay bỗng dưng hé mở để đón nhận chút khí trời, để thấy rằng ngoài kia vẫn còn nhiều sinh động và mạch đời vẫn cuồn cuộn chảy.
Sau 2 ngày bận rộn với công việc, hôm nay là ngày nghỉ và Kiêm nhất định ghé thăm người bệnh họ Nguyễn. Chàng sẽ phải tự giới thiệu mình ra sao? Chẳng phải là một người quen hay thân thương mà người bệnh họ Ngyễn mong chờ? Chàng có nên mang hoa như người ta thường làm khi đi thăm người bệnh? Rồi chàng sẽ nói chuyện gì? Trông chờ gì ở sự gặp gỡ một người không quen biết? Kiêm cũng không biết nữa? Tại sao không để mọi điều tự nhiên xảy đến như sau bao năm làm công việc này, bỗng một ngày có người bệnh mang họ Nguyễn đến đây? Ừ, tại sao nhỉ?
Đi ngang tiệm bán hoa và tặng vật phẩm ở tầng dưới, Kiêm tần ngần nhìn vào trong, phân vân, nửa muốn vào mua một cái gì, nửa không. Cô bán hàng có đôi mắt xanh lục không hiểu là tự nhiên hay vì đeo contact-lens ngẩng lên nhìn Kiêm rồi mỉm cười. Nụ cười trên gương mặt xinh đẹp lôi kéo Kiêm vào trong.
Cô ta vui vẻ chào khách:
“Ông cần gì ạ?”
Kiêm lúng túng đáp:
“À.. tôi.. định mua một cái gì đó thăm người bệnh..”
“Cho người thân của ông?”
Chàng lắc đầu bối rối:
“Cũng không hẳn..”
“Ông định chọn thứ gì làm quà?”
“Tôi cũng.. không biết nữa..!”
“Tôi hơi tò mò.. ông mua quà cho đàn ông hay đàn bà?”
Câu hỏi này càng làm cho chàng khó trả lời hơn nữa vì chính Kiêm cũng không biết:
“Cô chọn dùm một món quà gì mà phái nam hay nữ đều thích hợp được cả.”
Nói xong, Kiêm rất hài lòng vì sự nhanh trí của mình mà cũng đúng nữa vì chàng đâu biết người bệnh họ Nguyễn là nam hay nữ?
“Ông mua hoa là tiện nhất. Màu vàng là màu có thể dùng chung cho cả hai phái. Ông muốn hoa trong bình hay bó hoa?”
Kiêm nghĩ thầm: hoa nào thì cũng thế và rồi chàng để tùy cô bán hàng chọn hộ. Cầm bình hoa xinh xắn mà chàng thấy nôn nao! Chẳng bao giờ cầm bình hoa, trông Kiêm có vẻ giống như một người giao hoa cho khách hàng nhiều hơn là đi thăm bệnh nhân! Nhưng làm sao biết người bệnh này nằm đâu nhỉ? Chàng chỉ biết họ Nguyễn. May ra ở thành phố ít người Việt Nam này, nếu có trùng họ thì trong nhà thương cũng chỉ có dăm người. Rồi sẽ phải hỏi từng nơi về người bệnh mới được thay thận hôm ấy. Mới có 5 ngày, chắc chắn người bệnh còn nằm đây?
Ông Mỹ già ngồi trước computer lục tìm tên cho Kiêm. Ông ta chép miệng:
“Có hai người họ Nguyễn. Ông muốn tìm người nào? Tên là gì?”
“Ông cho xin số phòng của cả hai người.”
Ông ta kéo kính xuống nhìn Kiêm như nhìn một sinh vật gì lạ kỳ vừa xuất hiện:
“Ông muốn cả hai?”
“Dạ phải!”
“Một ở lầu hai, phòng số 234. Người kia ở lầu 8, khu đặïc biệt C có y tá trực trông coi 24 giờ, không phải phòng mà là giường số 6.”
“Cám ơn ông nhiều.”
Kiêm nghĩ ngay đến người bệnh nằm ở lầu 8. Vì thay thận chắc chắn cần theo dõi thường trực.
Kiêm đi ngang những dãy hàng lang trắng xóa, ngoằn ngoèo, mãi rồi mới đến khu đặc biệt. Đến trước cửa chính có hàng chữ: Intensive Care Unit, Kiêm ngừng lại, chàng nhìn xuống bình hoa hồng mầu vàng rồi phân vân. Có nên vào hay không nên vào? Đi thăm  một người không quen biết  có sao không? Đã đến đây mà không vào ư?
Vừa lúc đó, cửa mở toang. Mấy người y tá từ trong đi ra. Thấy Kiêm, họ đều chào hỏi như thói quen của những người bản xứ. Như một cái máy, Kiêm đi vào trong. Trước mặt chàng hàng loạt những  những màn ảnh như màn hình computer với những đường dây màu xanh tím, lên xuống. Kiêm nhìn quanh. Khu này có tất cả 8 ô. Có lẽ mỗi ô là một giường bệnh. Chàng tìm ô số 6. Người y tá trực nhìn Kiêm và bình hoa trong tay chàng không nói gì. Bên ngoài mỗi ô đều có cửa nhưng không đóng mà chỉ khép hờ. Chàng đến gần và nhìn bảng tên người bệnh: Nguyen, Bao Ngoc Chau.
Như bị một cú đấm dữ dội, mạnh bạo và ngay giữa mặt, Kiêm thấy choáng váng! Cái tên của dĩ vãng! Của niềm đau dịu dàng! Của những phút ngút ngàn ray rứt! Nguyễn Châu Bảo Ngọc! Nguyễn Châu Bảo Ngọc! Có ai trùng tên? Biết đâu là một sự trùng hợp! Nguyễn Châu Bảo Ngọc của chàng đã nằm yên dưới lòng biển cả như những lời người thân cho Kiêm biết khi chàng trở về nhà sau 7 năm bị giam giữ trong những trại cải tạo. Nguyễn Châu Bảo Ngọc! Cái tên như những tiếng khánh nhẹ nhàng va chạm trong gió ở một vườn xưa. Cái tên khơi dậy những cảm giác nóng bỏng si mê đốt cháy một thời gian. Nguyễn Châu Bảo Ngọc sau 25 năm không trở về bằng gót nhỏ, môi mềm.. Nguyễn Châu Bảo Ngọc lung linh như một mời gọi man dại.
Khoảng cách nho nhỏ mở hé của cánh cửa trước mặt như chờ đợi bàn tay Kiêm mở rộng, nhưng Kiêm không làm một cử động nào nổi. Mắt chàng cứ dính chặt vào bảng tên ở ngoài cửa phòng. Sau lần cửa ấy là dĩ vãng đã ám ảnh chàng cả một đời hay là một tương lai vô vọng mịt mù nào đây hay chỉ là một cái tên giống người xưa?
“Em thấy đỡ mệt không Bảo  Ngọc?” Không phải tiếng Kiêm mà một ai đó trong phòng.
“Em  chưa bỏ anh đi được thấy không?”
Giọng nói yếu ớt nhưng trong như ngọc, dịu dàng mà thắm thiết quen thuộc đó là một nhát dao bổ đôi lồng ngựïc Kiêm. Chàng muốn cất tiếng gọi tên nàng, muốn được nắm đôi bàn tay  nhỏ nhắn mềm như lụa, muốn ôm xiết Bảo Ngọc vào lòng để thấy hơi ấm quen thuộc, mùi hương thoang thoảng của những đêm một thời đã qua, muốn hôn lên bờ môi mọng hay hờn giận. Muốn hít từng hơi thở nàng, muốn vuốt ve lên bờ mi, muốn đến độ dường như cả châu thân chàng nhức nhối, đến độ cay xé, đến.. độ tan nát! Cái ước muốn ngùn ngụt bốc lửa như muốn moi quả tim sau bờ ngực kia để hỏi: “Em thuộc về ai? Em đã thuộc về ai?” Hình như tất cả mọi thứ đều rơi xuống chân chàng. Cả căn phòng này, cả cuộc đời đã rơi xuống và chỉ riêng mình Kiêm bên ngoài là tượng gỗ mà bên trong với hồn thiêu đốt, đốt hết mọi hình ảnh đẹp nhất mà chàng hằng ôm ấp.
Tất cả đã trở thành thiên thu!
Người y tá lay cánh tay chàng và Kiêm mơ hồ nghe có người hỏi:
“Ông có sao không? Vỡ bình hoa mất rồi!”
Đôi tai lùng bùng. Kiêm nhìn người nữ y tá. Mãi chàng mới trả lời được:
“Cám.. ơn cô.  Tôi không sao.”
Và chàng quay lưng bỏ đi. Mặc những cành hoa hồng vàng, những lá xanh tươi, những mảnh vỡ của bình hoa, những khoảng nước chảy tràn dưới đất. Những đổ vỡ phải nằm đó, trước khung cửa dĩ vãng!
Người y tá định gọi với theo những nghĩ sao, cô ta lắc đầu rồi cúi xuống thu dọn.
Kiêm lái xe vòng quanh khắp thành phố. Chàng không biết mình đi đâu, làm gì! Cũng vẫn những phố phường quen thuộc, những dòng người ngang dọc, cũng nắng, cũng bụi bậm, cũng náo nhiệt, mà sao lòng chàng hoang phế! Kiêm cứ ngỡ chàng sẽ tìm thấy chút rơi rớt sinh khí cuộc đời, chút mầm sống cho đời ấm lại trong buổi sáng nay! Và  Kiêm đã mở lòng chào đón một cái gì đó. Để rồi chút mầm hy vọng chợt chớm lên chưa nhìn thấy ánh mặt trời đã lại tàn lụi!
Chiếc xe lao vùn vụt theo chân ga nhấn mạnh mà Kiêm cũng không để ý. Chàng đang muốn đi nhanh hơn thời gian hiện tại để thu ngắn bớt quãng đường còn lại hay chỉ vì nhìn quanh mình chỉ thấy toàn bóng đêm?
Rồi bỗng dưng Kiêm thấy mình trở lại chỗ cũ nơi chàng vừa rời bỏ. Trở lại để nhặt nốt những mảnh hồn đã vỡ tan hay trở lại để làm gì? Để nhìn lại một lần cuối gương mặt của người xưa hay để đòi lại quả thận mà chàng đã mang đến cho nàng cách đây vài hôm? Cái ý tưởng “đòi lại sự sống” càng lúc càng bùng dậy mãnh liệt trong đầu Kiêm. Nhưng tự bản chất, chàng chẳng phải là một người cho đi rồi đòi lấy lại! Chàng nhìn vào mặt kính xe trước mặt mà mỗi lúc thấy cảnh vật thêm mờ ảo. Quả tim nguội lạnh của chàng đang thổn thức. Hóa ra chàng cũng đang sống lại, sự sống mà chàng chẳng hề mơ ước. Hãy trả lại cho Kiêm về vùng trời tối đen mà chàng đã sống bao năm qua.  Hãy trả lại cho Kiêm mảnh trời của ngày hôm qua dù chỉ là một chút bình yên trong bóng tối!
Vẫn công việc đều đặn, nay đến chỗ này, mai chỗ kia. Người bạn trẻ Rudy nay đã được thay thế bằng những khuôn mặt mới. Thời gian có trôi qua hay không Kiêm cũng chẳng quan tâm. Nụ cười trên mặt chàng đã biến mất từ bao giờ. Dĩ vãng hiện tại, tương lai là những mốc điểm bồng bềnh trong sương mù dầy đặc của trí nhớ chàng. Kiêm trở thành một người chết hàng ngày mang sự sống đến cho những kẻ xa lạ.
*
Một buổi chiều sau khi hoàn tất công tác, Kiêm chậm rãi trở ra xe. Xe chàng đậu ở trước cửa khu cấp cứu. Người bạn mới đồng hành của chàng hôm nay vắng mặt không biết vì đau ốm hay vì muốn nghỉ việc? Chàng cúi đầu đếm bước và vô tình suýt đụng  vào một người đi vào. Kiêm giật mình nhìn lên nói lời xin lỗi. Cô ta có khuôn mặt quen quen mà Kiêm đã gặp một lần ở đâu? Cô gái trong bộ y phục chuyên môn của ngành điều dưỡng nhìn Kiêm rồi hơi nhếch mép cười:
“.. Tôi gặp ông ở đâu rồi thì phải?”
Kiêm cũng ngờ ngợ đáp:
“Tôi cũng thấy vậy!”
Cô gái chợt nhíu mày:
“À! Tôi nhớ ra rồi! Ông là người làm vỡ bình hoa!”
Câu nói làm Kiêm nhớ ngay. Từng chữ một mà cô gái vừa thốt ra ghép lại thành vết thương mãi vẫn không lành trong chàng. Chàng chỉ biết gật đầu mà không nói được lời nào. Cô gái vẫn vô tình nói tiếp:
”Hôm đó ông đi thăm người quen nhưng sao không thấy vào?”
Kiêm đáp cụt ngủn:
“Tôi nhầm!”
Cô gái nhún vai:
“Hèn gì! Cũng tội nghiệp cô đó! Chỉ sống được có vài hôm là chết!”
Những lời của cô  ta như một tảng băng dội vào cục đá vô tri, Kiêm gật đầu chào cô gái rồi quay bước đi.
Nàng đã không còn trên cõi đời này thật rồi. Lâu nay Kiêm chỉ nhớ và chỉ muốn dùng chữ “nàng”. Chàng không muốn nhớ đến cái tên vì nó đi đôi với hình tượng. Kiêm đón nhận tin này.. mà lòng hoang vắng. Mình đâu còn đón nhận gì nữa nhỉ?
Nguyễn Châu Bảo Ngọc! Cuối cùng, nàng vẫn là niềm đau dịu dàng triền miên đi theo Kiêm như nhập cùng với cái bóng chàng đang đổ xuống mặt nhựa hãy còn nóng bỏng của một ngày Hè.
Mặc Bích

Xem Tiếp: ----