ành lang dài, vắng lặng, chỉ có ánh đèn mờ trên các góc tường. Cuối góc khuất hành lang, là phòng phẫu thuật, cánh cửa đóng kín. Chị nằm yên trên băng ca, lặng lẽ nhìn tôi. Tôi cúi xuống hỏi nhỏ “ Có sợ không? “ Đôi mắt mỏi mệt ấy vẫn ánh nét hóm hỉnh. Chị cười mà giọng đã nhẹ như tơ “Chuyện nhỏ thôi ”. Chiếc băng ca vẫn lăn, trong đêm yên lặng, nghe rõ tiếng bánh xe rít đều nhẹ trên sàn hành lang chập chờn ánh sáng, cánh cửa phòng mổ mở ra, loáng thoáng bác sĩ và người phụ mổ, khẩu trang xanh che kín mặt đang lúi cúi bên khay dụng cụ. Tôi nhìn chị lần nữa, đôi mắt khép hờ, cái vẻ phủi tay nhẹ rũ, trông bình thản lạ. Rồi cánh cửa phòng đóng lại. Chị đã ở một nửa thế giới bên trong kia, còn tôi đứng lại nửa ngoài thế giới bên này
Khi nãy ở phòng cấp cứu, hai chị em vẫn ríu rít đùa cợt. Chị đau cả ngày nay, tôi không hề biết, chỉ đến khi
chợp tối, gọi điện rủ đi uống café, bất ngờ nghe chị bảo “ đang trên đường về nhà, để lấy đồ đạc ra bệnh viện ngay bây giờ, chuẩn bị mổ”. Ngẩn ngơ nhìn cái điện thoại trên tay, tôi không tin vào tai mình nữa. Người gì mà tính tình cứ vẫn thế, thinh lặng mọi điều.
Đêm xuống hẳn rồi. Phóng xe qua bệnh viện Ninh Hòa, đứng ngay phòng cấp cứu chờ. Hai mươi phút sau, chiếc taxi đỗ lại. Tôi chạy đến, chị vẫn vững vàng mở cánh cửa xe bước xuống, cười toe nhìn tôi, và một chút đùa cợt “ Giỏi quá vậy, đáng ban thưởng ”. Thằng bé con chị và một cậu thanh niên hàng xóm theo … áp tải cũng vừa tới trên chiếc xe gắn máy.
Sau mấy thủ tục lỉnh kỉnh, chị bảo cậu hàng xóm chở giùm con trai về, nhắc thằng bé nhớ cho mẹ con mấy con chó nhỏ ở nhà ăn uống đầy đủ “ Tội nghiệp, nó đang cho con bú, nên cần ăn uống cho no “. Tôi càu nhàu “ Giờ này còn lo mấy con chó “. Lúc còn lại hai chị em, nhìn chị nằm im buồn hiu trên giường, tôi cười, mắng mỏ:
- Bà phải lấy chồng gấp đi. Bây giờ sáng mắt ra chưa, lúc này mới biết không có ai một bên, thật đáng sợ.
- Thì còn Nhã đó.
Tôi hét chói lói:
- Trời ơi, một lần thôi, chẳng lẽ cứ phải theo lo suốt đời?
- Bậy rồi, mổ xẻ là tình huống đột xuất. Không vì mấy cái đột xuất lộn xộn này mà è ra vác một người đàn ông trên lưng cả đời!..
- Nói kiểu như chị, hóa ra đàn ông giảm giá quá.
- Ừ, không thể lặp lại cái công thức cũ rích muôn thuở “vì mê một nụ cười mà phải cưới nguyên cả cô gái ”!
Rồi chị nhìn tôi, cười tủm tỉm làm tôi cũng phải cười theo.
Theo hướng dẫn của cô y tá, tôi dẫn chị đến phòng xét nghiệm máu. Đêm bệnh viện vắng lặng. Nếu có ồn ào sôi động thì chắc chỉ ở khoa sản là đông vui 24 trên 24 thôi. Có tiếng điện thoại reo, chị dừng lại nói chuyện với ai đó, tôi chỉ nghe thoáng giọng chị run lên, nhẹ nhàng “ dạ, đang chuẩn bị mổ, có Nhã theo lo ”. Nhìn cái xê-ranh máu chạy dài một khúc, chị nhăn mặt, tôi thấy mà ớn da gà. Rồi hai chị em về lại phòng cấp cứu chờ lấy kết quả. Tôi hỏi “ Có đau lắm không? “, vẫn cái bình thản “ Chịu được, chịu được.”
Ừ, cái chịu được ấy là nỗi đau trần thế hiếm hoi mấy người hiểu được. Thiên hạ gặp chuyện như chị đã từng phải sống, một chút thôi, hẳn rền rĩ kêu vang om trời.
Chị nằm ở giường, nhợt nhạt, xám mét. Chuông điện thoại lại reo. Con gái nhỏ của chị ở xa gọi về, chị nói mấy câu cho con an lòng. Lại điện thoại reo nữa, đứa em gái ở Nha Trang gọi đến. Tiếng chị dặn dò “ Đừng nói cho Tiến biết, chỉ làm nó lo thêm, không nên.” Rồi chuyển số điện thoại của tôi cho cô em út, dặn “Đêm nay có liên lạc thì nói chuyện với Nhã ”.
Người phụ trách siêu âm đến, nội tạng ruột gan con người bị lục tung rối mù trên cái máy siêu âm. Tôi nhìn mà chẳng hiểu gì mấy. Vài ca cấp cứu tiếp tục đưa tới. Một cô gái có thân hình thật đẹp, nằm dài trên giường sơ cứu, mặt toàn máu là máu, hai nhân viên y tế đang cẩn thận gắp từng cái răng ra bỏ trên khay. Té ngã vì chạy xe nhanh. Tôi nhìn thân hình trẻ trung bất động, quần jean xanh, áo sơ mi vàng cam, và từng cái răng lần lượt moi ra trên khuôn mặt đầy máu! Thật hết biết cảm giác của mình. Sau một hồi quần đảo với lục phủ ngũ tạng của chị, cái máy siêu âm đã đi xa. Cô y tá trực đêm gọi to “ Người nhà của NTL đâu? ”, tôi chạy đến, ký vào giấy đồng ý phẫu thuật.
Hai chị em lại tiếp tục chờ. Chị nhìn tôi, nhìn từng giọt nước trong veo đang thong thả rơi trên ống dẫn của sợi dây truyền dịch, rồi chợt bật cười, tiếng cười nghe vui tai lạ:
- Chà, trước ca mỗ mà chẳng có một pha lãng mạn nào như mấy cái phim Hồng Kông, Hàn Quốc!
Tôi liên tưởng đến những cảnh cấp cứu trong phim, bước chân hối hả tìm nhau, bàn tay người vừa đến hốt hoảng nắm chặt tay người nằm trên băng ca. Nào là những giọt nước mắt, lời thổn thức, những bàn tay chắp lại cầu nguyện, cánh cửa phòng mổ sẽ đóng sập với âm thanh kinh hoàng, nỗi đau đớn điên cuồng trên khuôn mặt của một diễn viên đẹp trai! Thế là phải cười rũ ra “ Trời ơi, sợ bà luôn, lúc này mà còn giỡn.”
- Nên lắm, không thấy Nhã đang cười đến nôn ruột đó sao?. Rồi chị lại đố tôi:
- Trên đời này, có hai nơi đáng kinh hãi nhất cho con người, là nơi nào, Nhã biết không?
Tôi vẫn còn đang cười “ Nghĩa địa là trước nhất rồi …“
Chị ngắt lời:
- Không phải. Nghĩa trang là nơi tuyệt vời. Kinh hãi nhất là bệnh viện và tòa án.
Chị càu nhàu “ Vậy mà sao mình cứ dính líu tới đó hoài, đúng là số con rệp”.
Có một chút nín lặng bất chợt, tôi muốn nắm lấy mấy ngón tay khô chai của chị mà siết chặt trong tay mình. Lại tiếng điện thoại reo ở giường bên cạnh. Chị liếc nhìn sang, cất giọng hài hước:
- Nhớ Romeo và Juliet không? Như người ta từng nói nếu lúc đó có điện thoại, thì bi kịch chắc chắn không thể xảy ra cho đôi tình nhân đẹp đẽ ấy.
Tôi chặc lưỡi:
- Ừ nhỉ, bây giờ mà muốn tạo những thảm kịch với cái lý do không liên lạc được thì khó tin quá. Đơn giản vậy mà lại gây khó khăn lớn cho mấy ông đạo diễn.
Chị lại cười:
-Vì thế, Nhã thấy không, phải có cái cảnh mấy cô gái đẹp, ráng nhăn nhúm mặt vì những đấu tranh nội tâm dữ dội, đứng trước biển sóng hay dòng sông nào đó, nước mắt dàn dụa vì tiếng điện thoại vẫn reo vang, dồn dập, thúc hối. Rồi sau mấy phút vật vã giằng xé, cô quyết định quăng tùm cái điện thoại xuống nước. Thế là xong, liên lạc đã bị cắt đứt một cách bí hiểm, bi kịch sẽ có cơ hội phát triển..
Tôi lại ngã người ra cười, nhưng không dám cười to lúc này. Chị cũng vậy, hai chị em cứ ngẫm nghĩ rồi cười khúc khích. Vừa đúng, người hộ lý đẩy chiếc băng ca đến. Lúc đó, chị mới rời chiếc điện thoại nhỏ của mình, giao cho tôi: “ Nhớ giữ cẩn thận dùm, liên lạc mà đứt đoạn là bi kịch xuất hiện đó ”...
Nơi khu phẫu thuật, đêm vẫn trôi dài. Không nghe một tiếng động nào từ căn phòng của chị đang nằm. Gió đêm lạnh và đàn muỗi vo ve. Mân mê chiếc điện thoại của chị trên tay. Chiếc điện thoại nhỏ nhắn màu nâu, chạm hình một con rồng vàng đẹp thanh tú với những nét uốn lượn kiêu kỳ. Có bao nhiêu thế giới sống được cất giữ trong chiếc điện thoại nhỏ này? Nhớ có lần chị nói với tôi mà mắt sáng long lanh “ Cuộc đời mỗi con người, nếu ví như là con đường dài mà ta phải vượt qua, thì thế giới bí mật riêng tư nhất nếu có, sẽ giống như những góc hành lang khuất. Và cái góc khuất hành lang quyến rũ đó, có thể làm xoay chuyển mọi định hướng cả con đường. Đã vậy, trong tốc độ của nhịp sống số như bây giờ, hành lang khuất ấy thường nằm im trong những cái điện thoại nhỏ nhoi. Vì thế, với một vài người, đó không là vật sử dụng nữa, mà là cả thế giới sống. Bởi nó kết nối một con người lặng thầm với thế giới rộng lớn bên ngoài, và còn bao điều huyền nhiệm diệu kỳ không phải ai cũng có được. Câu trả lời về giá trị và chất lượng cuộc sống nó nằm ở nơi nào vẫn cứ là một bí ẩn tận cùng … “
Có thể bây giờ tôi mới lờ mờ cảm nhận một chút về bao nhiêu trái tim đang đặt trên bàn phím số trong chiếc điện thoại nhỏ này, ví như trái tim của con gái chị đang ở nơi xa, hẳn con bé cũng đang không ngủ mà cũng không dám gọi tiếp nữa, vì biết ca mỗ đang tiến hành, hay nhịp thở của cô em gái út của chị đang đi tới đi lui trong đêm mong trời mau chuyển sáng để kịp chạy xe về - và có thể còn có ngón tay nào cứ ngập ngừng trước bàn phím số, muốn đánh thức tiếng chuông reo nơi cái điện thoại nhỏ nhắn này?
Tôi biết vì cuộc thoại bất ngờ của tôi nên chị đành nói rõ tình trạng của mình. Nếu lúc đó, tôi không gọi đến, chị cũng sẽ chẳng nhờ đến tôi đâu. Khi nãy, tôi làm một cú trắc nghiệm “ nếu không có em, thì chị gọi ai? “, có một chút im lặng, sau đó, giọng tỉnh bơ “ Đi một mình”!.
Hốt nhiên, trong đêm dài, đối mặt trước căn phòng phẫu thuật, hình dung chị nằm đó, thinh lặng và không có tôi, không một ai biết để đến trong đêm nay? Hình như tôi chưa hiểu được chút nào về chị, về cuộc đời mà chị hằng sống, như đã từng nghĩ rằng mình có hiểu!
Trời càng chuyển khuya, càng lạnh, và cảm giác như đêm không thở nữa. Nhìn góc khuất cuối hành lang, tự dựng tôi thấy bùng lên nỗi lo lắng mơ hồ. Trong nỗi chờ đợi lặng câm, chiếc điện thoại trong tay bật rung lên! Tiếng chuông reo trong đêm vắng nghe rõ mồn một từng giọt âm thanh náo nức. Là điện thoại của tôi! Mấy ngón tay chợt nóng ran lạ kỳ khi nhấc lên chiếc máy nhỏ như trái tim mình. Tiếng nói ấm áp từ xa nghe thật vỗ về “ Em đang ở đâu? ” Tôi trả lời mà giọng run lên vì nghẹn ngào “ Vẫn đang trước phòng phẫu thuật.” “ Có sợ không? mệt không?”. Tự dưng tôi muốn khóc òa lên “ Em không mệt, không sợ nữa.”- “ Thức suốt đêm thì phải kiếm cái gì ăn cho đỡ đói chứ ”.
Ăn cái gì bây giờ, quả thật là không thể ăn nổi nữa rồi, tôi cố pha trò “ Em không ăn, chị ấy có an ủi là chỉ cần em thức một đêm, là thân hình sẽ thon thả hơn”.Tiếng anh cười nhẹ hiền từ “ Cũng có lý đó. Đừng sợ nữa, mình nói chuyện nhé.” Và anh kể về việc làm ngày hôm qua của anh, những bông hoa tuyết vẫn bay trắng trên đường đi. Bữa cơm chung với đám bạn người Mỹ rất vui nhộn, rồi nhớ những chuyện vui trong đời, nỗi lo cho tôi. Đêm cứ trôi, chúng tôi ngồi đó, nói chuyện thì thầm. Và mơ hồ như anh đã đến, ngồi xuống bên tôi, đưa bàn tay lên chắn giữ cho tôi những ngọn gió trở mình. Hành lang dài trong khuya vẫn vắng lặng, chỉ thỉnh thoảng có ngọn gió đêm nào chợt lẻ bầy, loạng choạng chạy ngang qua đem đến chút hơi lạnh lướt thướt. Tôi tự hỏi, phải chăng trong chiếc điện thoại nhỏ nhoi này, tôi cũng đã cất giữ cho mình một góc hành lang khuất, mà như chị đã nói “nó, những góc khuất riêng tư ấy, đôi khi làm xoay chuyển mọi định hướng cả con đường” …
Thời gian như ngưng đọng lại nơi góc cuối hành lang.
Đêm nay có hai người-đàn-bà-một-mình, chung nhau chia mỗi nửa thế giới. Hai chiếc điện thoại nhỏ của họ, cùng khẽ rung lên nhịp tim mang hình ảnh một của nước mắt và một của nụ cười.
Độ Ngạn

Xem Tiếp: ----