Phiên dịch: Lý Quốc Sỉnh
Giới thiệu
Nhà văn Heinrich Böll
Nobel 1972

    
einrich Böll là nhà văn Tây Đức được trao tặng giải thưởng Nobel về văn chương năm 1972. Ông sinh năm 1917 tại vùng Cologne trong một gia đình lao động, cha làm thợ chạm và đóng tủ. Bị gọi nhập ngũ dưới thời Quốc xã, ông chiến đấu ở mặt trận miền Đông trong Thế chiến II với cấp bậc hạ sĩ và bị thương bốn lần. Sau 1945 ông về nối lại nghiệp nhà, nhưng rồi chuyển sang việc viết truyện. Tính đến nay ông đã có bốn mươi cuốn sách xuất bản, vừa tuyển tập truyện ngắn vừa tiểu thuyết.
Theo đúng truyền thống của Giáo hội La Mã (Thư của Phao Lô gửi người La Mã - Roma: I3: I-2) là tôn trọng thế quyền vì đó là sự sắp đặt của Chúa và ai chống sẽ bị đọa đầy, tác giả ngoan ngoãn gia nhập guồng máy chiến tranh khi vừa hai mươi tuổi. Bộ mặt ghê tởm của chế độ độc tài cuồng tín Hitler nhúm cả thế hệ thanh niên vào lò lửa để thỏa mãn tham vọng đế quốc, và sát hại trên sáu triệu người Do Thái vô tội, là một vết ô nhục lớn của nước Đức. Kinh nghiệm chiến tranh cũng như việc sống gần gũi với đám dân đen nạn nhân đã khiến cho tác giả mở mắt ra và xét lại lập trường của mình. Không thể chấp nhận lời phán dạy phản động của Phao Lô, ông trở thành một nhà trí thức Thiên chúa giáo tả phái trổi bật để đứng về phía những người nghèo khó, bị áp bức; ông từ chối đóng thuế cưỡng bách cho Giáo hội và thách thức cha chánh địa phận Cologne trục xuất ông khỏi hàng ngũ con chiên.
Văn nghiệp qua trên một phần tư thế kỷ của ông là một lời xưng tội thống thiết của nước Đức. Dù muốn dù không, dân Đức không thể trút hết tội lên một mình Hitler hay đám bộ hạ cuồng tín của hắn. Chính đa số những thanh niên quá ngoan ngoãn, quá kỷ luật như Heinrich Böll năm 1938, đã thi hành những gì con người điên cuồng kia sai bảo, mà không một lời tự vấn lương tâm. Heinrich Böll trở thành lương tâm của cả nước Đức.
Qua hai lần gây chiến với cả Châu Âu và hai lần bại trận nhục nhã, dân Đức như vừa trải qua một cơn ác mộng kinh hoàng. Đa số tìm cách đổ vấy trách nhiệm lên đầu một cá nhân hay một tập thể nhỏ, để lương tâm yên ổn mà sống, mà hùng hục sản xuất tạo ra một “phép lạ kinh tế” thời hậu chiến. Nhưng những nhà nghệ sĩ không thể làm ngơ và chạy trốn trước một kinh nghiệm đau thương như thế. Tiếng nói trung thực của dân tộc Đức tìm thấy những đại diện chân chính qua  các nhà văn lớn như Erich Maria Remarque với các tác phẩm: “Mặt trận miền tây vẫn yên tĩnh”, “Một thời để yêu, một thời để chết”, “Ba người bạn”, “Bừng tia sống”; như Hermann Hesse với các tác phẩm: “Đường về nội tâm”, “Câu chuyện của dòng sông”, “Tuồng ảo ảnh”; như Gunter Grass với các tác phẩm như: “Chiến thùng thiếc” và “Những năm chó má”.
Heinrich Böll là một khuôn mặt lớn nằm trong trào lưu đó. Tiểu thuyết của ông chịu ảnh hưởng kỹ thuật của nhà văn Ái Nhĩ Lan James Joyce với mỗi nhân vật là một chủ chỉ đạo đức gợi lên trong đồng loại sự cam kết và tình bác ái trước thử thách lớn lao. Trong các nhà văn xã hội của Đức ông có uy thế hơn cả, các tác phẩm chính của ông là:
- 1950: Người ở đâu về (Wo warst du, Adam) mô tả sự giác ngộ của một kiến trúc sư về bản chất của Quốc xã, nhất là nguồn máy chiến tranh của nó, qua mối tình với một thiếu phụ Hung Gia Lợi gốc Do Thái.
- 1954: Từ độ xa người (Haus ohne Huter) mô tả những gia đình thiếu bóng người chồng, người cha sau chiến tranh. Được giải truyện ngoại quốc hay nhất của Pháp năm 1955.
- 1959: Bida lúc chín rưỡi (Billiard um, halb zehn) mô tả một gia đình theo thể ký sự trong đó ông tổ xây một nhà thờ nổi tiếng, để rồi đứa con là một đặc công khi chiến tranh gần kết liễu lại cho nổ tung vì bực bội sao Giáo hội lại khoan dung với bọn Quốc xã, và nhiều người lo bảo vệ một thắng tích hơn là săn sóc cho các nạn nhân chiến tranh.
Kinh nghiệm của Việt Nam, sau ba mươi năm làm bãi chiến trường cho các đế quốc đã có biết bao thế hệ thanh niên bị biến thành kiếp thiêu thân, chắc chắn sẽ là một đề tài lớn trong những ngày hòa bình sắp tới. Tác phẩm của Heinrich Böll là sự phản tỉnh của một dân tộc thời hậu chiến có nhiều vấn đề, nhiều trình tự tương ứng với hoàn cảnh nước ta ngày nay.
Một tai họa toàn cầu có thể dùng cho nhiều mục đích. Cũng có thể là cớ nại ra để gỡ tội. Hồi ấy, anh ở đâu hở, Adam? - “Hồi ấy tôi đang dự đại chiến”
TH. Haecker.
Xưa kia, tôi đã sống nhiều cuộc phiêu lưu: nào là vụ đặt đường bưu điện, nào là vụ Sahara ly khai, nào là vụ Nam Mỹ - nhưng chiến tranh không phải là một cuộc phiêu lưu thực sự, nó chỉ là một thứ tạm thể cho phiêu lưu. Chiến tranh là một bệnh tật. Như bệnh chấy rận vậy.
A. De Saint-Exupéry.