PHẦN THỨ NHẤT
VÊ RÔ NÍCH
CHƯƠNG 1
TÚP LỀU BỎ HOANG

     ột buổi sáng tháng năm, làng Phaouê, cái làng đẹp như tranh vẽ nằm chính giữa miền Brơtanhơ, có một người đàn bà đi xe ngựa vào làng. Bộ xiêm áo rộng lòa xòa màu xám xịt, tấm khăn voan gấp lại che mặt vẫn không giấu được cử chỉ duyên dáng tuyệt vời và vẻ đẹp lộng lẫy của nàng.
Bà ta vào quán ăn lớn trong làng ăn vội bữa sáng. Sau đó gửi hành lý cho chủ quán, hỏi thăm một vài điều, rồi xuyên qua làng đi sâu vào cánh đồng. Lúc đó vào khoảng giữa trưa.
Chẳng mấy chốc con đường trước mặt chia thành hai ngả, một ngả đi Kimpeclê, ngả kia đi Kanhpê. Người đàn bà chọn ngả này, đi xuống thung lũng rồi leo lên phía bên kia và nhìn thấy phía tay phải chỗ bắt đầu con đường làng, một cái cột mang tấm biển đề: “Lôcơrip - 3 kilômét”.
- Đây rồi! - Người đàn bà nói một mình.
Tuy nhiên sau khi đưa mắt quan sát một lượt xung quanh, nét mặt người đàn bà bỗng trở nên lúng túng, có lẽ vì bà ta không trông thấy cái mình định tìm hoặc giả do đã quên mất những điều người ta chỉ dẫn?
Quanh đây không một bóng người. Ở miền đồng quê xứ Brơtanhơ khó nhìn thấy cái gì xa một tí về phía chân trời, sau những đồng cỏ rộng bạt ngàn viền cây cối và những mỏm đồi chập chùng nhấp nhô như sóng biển. Một ngọn tháp nhà thờ y như vừa chợt nhô lên giữa màu xanh chớm nở của mùa xuân, mặt trước nhô ra một mảng màu xám với các cửa sổ khép kín cách làng không xa. Tiếng chuông đọc kinh nhật tụng buổi trưa ngân nga giữa không gian vắng vẻ. Rồi tất cả lại chìm trong im lặng và thanh bình.
Người đàn bà ngồi lên đám cỏ dại bên sườn đồi lấy những trang thư trong túi ra đọc.
Trên trang đầu bức thư là một cái tên pháp lý: “Hãng Đuy Tơrâyli - Văn phòng cung cấp ý kiến tham khảo và tin mật”.
Dưới đề địa chỉ người nhận: “Gửi bà Vêrôních ở Mốt, Bơđăngxông”.
Người đàn bà đọc khẽ.
“Thưa bà,
Bà sẽ không thể tin được lại có một niềm khích lệ nào đó thúc đẩy tôi cùng lúc hoàn tất cả hai trọng trách mà bà vui lòng giao phó cho tôi trong bức quí thư hồi tháng năm năm 1917. Tôi không bao giờ quên những điều kiện, nhờ đó suốt mười bốn năm qua tôi đã có thể hợp tác hiệu quả với bà giữa lúc các sự kiện nặng nề đang làm cuộc đời bà trở thành đen tối. Thật vậy, chỉ tôi là người có thể cung cấp cho bà những tin tức đáng tin cậy về vụ tai nạn đã dẫn đến cái chết của ông Ang toan Đecgơmông, người cha thân thiết đáng kính và Phơrđngxoa, cậu con trai rất đỗi yêu thương của bà. Thành công ban đầu trong nghề nghiệp tất sẽ dẫn đến nhiều thắng lợi huy hoàng khác nữa.
Cũng chính tôi, xin bà chớ quên, người làm theo yêu cầu của bà, đã nhận rõ lợi ích to lớn của việc kéo bà ra khỏi mối thù hận và cũng có thể nói, ra khỏi mối tình cuồng si của chồng bà bằng cách xúc tiến những việc vận động cần thiết để đưa bà vào tu viện Cácmêlit. Cuối cùng khi cuộc sống ẩn dật trong tu viện đã chứng minh nó hoàn toàn đối nghịch với tính cách của bà, cũng chính tôi đã tìm cho bà chỗ đứng tầm thường ấy, làm một nhân viên bán mũ phụ nữ ở Bơđăngxông, cốt tránh xa các thành thị nơi đã cuốn trôi những năm tháng thơ ấu cùng với những tuần trăng mật của bà. Bà là một người có nhãn quan với cuộc sống, đã thấy sự cần thiết phải làm việc, làm việc để sống và để khỏi phải tư lự. Bà sẽ toại nguyện và sự thực bà đã toại nguyện.
Bây giờ nói đến công việc. Hai việc chúng ta đang tiến hành. Trước hết hãy nói đến kẻ trong cơn bão táp trở thành chồng bà.
“Alêxi Voócki. Theo giấy tờ, ông ta sinh ở Ba Lan. Theo lời của chính ông, đó là con vua! về chuyện này tôi chỉ nói một câu vắn tắt: Ám muội và bí ẩn! Ngay hồi đầu chiến tranh, từ một trại tập trung gần Cácpăngtơra ngài Voócki đã vượt ngục sang Thụy Sĩ. Khi trở về Pháp, ông ta cầm chắc án tử hình, một lần nữa, Voócki lại trốn khỏi nhà giam và biến mất trong vùng rừng rậm Phôngtenơbơlô. Tuy nhiên ông ta vẫn không thoát. Có kẻ nào đó đã giết chết ông ta”.
“Thưa bà, tôi vừa thuật lại câu chuyện một cách khá sống sượng, dù biết bà vốn khinh miệt kẻ đã phản bội bà một cách bỉ ổi và qua các báo chí, bà đã nắm phần lớn câu chuyện mà chẳng ai có thể thẩm tra sự chính xác tuyệt đối của nó. Nhưng tôi lại có chứng cớ do chính mắt mình trông thấy Alêxi Voócki nhất định đã bị chôn vùi trong rừng rậm Phôngtenơbơlô. Điều đó không còn gì đáng ngờ nữa.
“Bỗng nhiên tôi thấy cần lưu ý bà về cái chết kỳ lạ của Voócki. Bà thử nhớ lại lời tiên đoán lạ lùng có lần bà đã nói với tôi về ngài Voócki. Ngài Voócki có bộ óc thông minh bị hủy hoại vì mê muội ngu xuẩn, có nghị lực phi thường làm mồi cho ảo giác và khiếp vợ. Voócki luôn luôn lo sợ một lời tiên đoán vu vơ nào cũng đè nặng lên cuộc đời ông ta, lời tiên đoán của những nhân vật “thành thạo khoa thần bí”: “Voócki con vua sẽ chết bởi bàn tay của bạn bè, vợ Voócki sẽ bị đóng đinh trên cây thập giá”.
“Thưa bà, tôi đã cười một mình trong lúc viết những dòng chữ này. Đưa lên thập giá! Đóng đinh câu rút? Xin lỗi. Đó là một thứ cực hình man rợ và lỗi thời! Về phần bà, tôi thấy yên tâm. Tuy nhiên chúng ta cũng không khỏi suy nghĩ đôi chút việc ngài Voócki đã phải nhận một mũi dao nhọn y như đó là mệnh lệnh của số phận đã ban bố! Nhưng thôi, không nên nghĩ ngợi nhiều. Bây giờ..". Vêrôních buông thỏng cánh tay cầm lá thư trên đùi. Những dòng chữ kiểu cách, những lời lẽ bỡn cợt quen thuộc của Đuytơrâyli làm một con người tinh tế như nàng bị tổn thương và rồi hình ảnh bi thảm của Alêxi Voócki cứ hiện ra lởn vởn trong óc. Nghĩ đến những kỷ niệm khủng khiếp về con người ấy, nàng rùng mình lo âu.
Cố kiềm chế cảm xúc của mình, nàng đọc tiếp: “Bây giờ, thưa bà, còn một nhiệm vụ nữa theo bà là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, bởi vì ngoài nó ra mọi thứ còn lại chỉ là những chuyện dĩ vãng.
Chúng ta hãy minh định lại các sự việc. Cách đây ba tuần lễ, trong một dịp hiếm có, bà bằng lòng xua tan không khí buồn tẻ khá phù hợp với cuộc sống của bà lúc đó. Một chiều thứ năm bà đưa những nhân viên của mình đến rạp chiếu bóng. Bộ phim hôm ấy có một chi tiết thật sự khó hiểu làm bà sửng sốt. Bộ phim chính nhan đề: “Câu chuyện hoang đường xứ Brơtanhơ” thể hiện một cảnh hành hương ở ven đường, bên túp lều nhỏ bỏ hoang. Túp lều thực ra chẳng có ý nghĩa gì. Nó được đưa vào bộ phim chắc chỉ là tình cờ. Nhưng có cái gì thật sự không bình thường đã thu hút sự chú ý của bà. Trên các tấm ván cũ sơn hắc ín dùng làm cánh cửa có ba chữ viết tay: V.d’H. Ba chữ rõ ràng và cũng đơn giản. Chính là chữ ký quen thuộc của bà lúc còn là thiếu nữ. Hồi đó bà thường ký trong các bức thư gửi người thân. Kiểu chữ ký ấy bà không dùng nữa kể từ mười bốn năm nay. Đúng chữ Vêrôních Đecgơmông viết tắt, không thể nhầm lẫn. Hai chữ viết hoa, chữ d viết thường ở giữa có dấu phẩy nét gạch ngang của chữ H kéo ngoặt xuống dưới cả ba chữ. Lối ký tắt đích thị cách thức của bà hồi ấy.
“Thưa bà, nỗi kinh hoàng trước một sự việc trùng hợp đến kỳ lạ đã thúc đẩy bà tìm đến sự cộng tác của tôi. Lời cầu mong của bà đã nhanh chóng được đáp ứng và ngay từ đầu hẳn bà đã thấy nó có kết quả.
“Đúng như dự đoán của bà, tôi đã thành công. Và còn điều này nữa, tôi xin nói vắn tắt theo thói quen của tôi. Sáng ngày kia bà hãy lên chuyến tàu nhanh Pari-Kimpeclê khởi hành ban đêm. Từ đấy bà thuê xe ngựa đến làng Phaouê. Trước hoặc sau bữa ăn sáng, nếu có thì giờ bà nên vào tham quan một nhà thờ nhỏ rất hấp dẫn, nhà thờ Xanh Bác, một công trình nổi bật giữa phong cảnh kỳ thú nhất. Nó là nguồn gốc bộ phim “Câu chuyện hoangđường xứ Brơtanhơ”. Sau đó bà theo đường đi Canhpe, hết cái dốc thứ nhất gần chỗ rẽ vào con đường làng đi Lôcpiơp, bà sẽ nhìn thấy một khu đất nhỏ hình bán nguyệt có cây cối bao phủ. Túp lều nhỏ mang chữ ký của bà nằm trong đó. Túp lều chẳng có gì đặc biệt. Bên trong hoàn toàn trống rỗng. Sàn không có ván lót. Một tấm ván mục kê làm ghế. Mái lều lợp bằng gỗ mọt không che nổi nắng mưa. Một lần nữa có thể khẳng định việc người ta đưa nó lên màn ảnh chỉ là tình cờ. Để kết thúc tôi xin nói thêm bộ phim “Câu chuyện hoang đường xứ Brơtanhơ” được xây dựng từ tháng chín năm ngoái, và ít ra tám tháng sau người ta mới dựng xong.
“Thưa bà, hai nhiệm vụ tôi đã hoàn tất. Tôi sẽ không tiết lộ với bà những cố gắng tôi đã vượt qua, những phương cách khôn khéo tôi đã dùng, nếu không bà sẽ thấy hơi lố bịch về cái khoản tiền năm trăm đồng tôi đặt giới hạn cho sự can thiệp của tôi vào việc riêng của bà. Xin bà vui lòng”.
Vêrôních gập bức thư. Nàng ngồi lặng đi vài phút vì những cảm xúc do bức thư mang lại. Những cảm xúc đau đớn và tất cả những gì tương tự đang khơi dậy những ngày khủng khiếp của cuộc hôn nhân giữa nàng với Voócki. Ấn tượng dai dẳng sâu sắc nhất là việc nàng phải dấn thân vào bóng tối tu viện để lẩn trốn. Ấn tượng đó mang tính xác thực như chính những đau khổ đang đè nặng tâm hồn nàng. Nàng yêu Voócki và đã phạm một sailầm dẫn đến cái chết của cha và con trai mình. Thật vậy, nàng đã cố cưỡng lại mối tình của người đàn ông ấy. Việc nàng lấy anh ta chỉ là gượng ép vô vọng cốt xóa bỏ mối thù hận giữa anh ta với cha nàng. Tuy nhiên, hình như Vêrôních cũng yêu Voócki. Nếu không tại sao mặt nàng lại tái nhợt khi bắt gặp ánh mắt của anh ta? Nghĩ đến thái độ mà giờ đây nàng cho là hèn nhát và không thể tha thứ đó, nàng cảm thấy hối hận, một nỗi hối hận thời gian cũng không thể làm cho lắng dịu.
- Sao thế này? Vêrôních thì thầm - Ta đến đây đâu phải để than khóc? Thôi, thôi không nghĩ lan man nữa!
Lòng mong mỏi tìm đến sự thật đã kéo Vêrôních ra khỏi cơn thoái trí và một lần nữa làm nàng phấn chấn. Nàng đứng lên quả quyết hành động.
Cách con đường làng đi Lôcơrip độ một quãng có một lùm cây hình bán nguyệt... Thư của Đuytơrâyli viết như vậy. Nàng đã đi quá chỗ đó và vội quay lại. Lập tức Vêrôních nhìn thấy lùm cây ngay phía bên phải. Nàng lại gần và đã nhìn rõ túp lều. Trông nó như cái cũi chó béc giê hay cái lán của phu làm đường điêu tàn đổ nát vì mưa gió hủy hoại. Vêrôních đến sát tận nơi. Mưa nắng đã làm phai mờ những chữ trên cánh cửa không còn rõ như trong phim nữa. Tuy nhiên nàng vẫn đọc được cả ba chữ. Ngoài ra dưới chữ ký tắt còn có những dấu hiệu Đuytơrâyli không nói rõ trong thư: một mũi tên và số 9.
Vêrôních mỗi lúc càng thêm hồi hộp. Dù cho rằng không ai có thể bắt chước chữ của nàng thì đây rõ ràng vẫn là chữ ký của chính nàng. Nhưng kẻ nào viết nó lên đây, lên túp lều bỏ hoang tận miền Brơtanhơ, một nơi nàng chưa đặt chân tới bao giờ. Đã lâu lắm nàng không còn quan hệ thân thiết với một ai trên đời này. Nhưng cảnh ngộ éo le cứ nối tiếp nhau như một chuỗi dài ảm đạm. Toàn bộ dĩ vãng thời con gái của nàng với cái chết của những người thân và những người nàng quen biết. Vậy thì chút kỷ niệm chữ ký nhỏ nhoi kia làm sao có thể từ bản thân nàng hay từ những người đã chết lọt ra ngoài? Nhất là lại xuất hiện ở đây, ở vùng này? Tại sao?
Vêrôních xem xét quanh túp lều. Nàng không thấy dấu hiệu gì khác kể cả các cây cối xung quanh. Đuytơrâyli nói trong lều không có gì. Nàng muốn xem có đúng thế không.
Cánh cửa gài bằng một then gỗ đơn giản xoay quanh chiếc đanh vít. Sau khi xoay cái then, Vêrôních bỗng cảm thấy một mãnh lực vô hình khiến nàng phải ngừng tay rụt rè không dám kéo cánh cửa ra. Một việc đơn giản mà lạ thay không hiểu sao tự nhiên nàng cảm thấy phải dùng hết sức lực, không chỉ sức cơ bắp mà phải cả tinh thần và lý trí nàng mới có thể mở được cánh cửa. Hình như chỉ cần khẽ cử động cánh tay, nàng sẽ rơi ngay vào một thế giới đầy rẫy biến cố mà nàng không thể tưởng tượng nổi.
- Ô hay, có gì ngăn cản ta đâu! - Vêrôních tự trấn an. Nàng đột ngột kéo cánh cửa và từ trong lồng ngực bật lên một tiếng kêu sợ hãi. Trong lều có người! Cùng lúc khẳng định đó là xác chết, Vêrôních còn nhận ra thêm một dấu hiệu đặc biệt quái đản nữa: xác chết cụt một bàn tay!
Đó là một ông già với bộ râu rậm xòe ra hai bên cằm như cái quạt. Mớ tóc bạc phơ rủ xuống lòa xòa quanh cái cổ. Đôi môi đen xạm, nước da sưng phù của người chết gợi cho Vêrôních trường hợp ông già này bị đầu độc. Hơn nữa trên người ông ta không có thương tích gì ngoài bàn tay cụt bởi một nhát chặt rất gọn trên cổ tay và việc đó chắc chắn phải xảy ra cách đây vài ngày. Người chết mặc quần áo kiểu nông dân vùng Brơtanhơ, cũ nhưng rất sạch sẽ. Xác chết ngồi phệt dưới đất đầu tựa vào chiếc ghế dài hai chân co. Vêrôních nhận thức được chừng ấy điều gần như máy móc theo bản năng, và chỉ sau đó nàng mới trở lại với ý thức của mình bởi vì từ nãy đến giờ nàng cứ đứng sững, toàn thân run rẩy, mắt mở trân trân miệng lắp bắp: “Xác chết! Xác chết!”.
Nàng cúi người xuống và chợt nghĩ ông già này có thể đang ngủ say. Nhưng khi ngón tay chạm vào trán người đàn ông, nàng rùng mình thấy nó lạnh toát. Dù sao cử chỉ ấy cũng giúp nàng bạo dạn hơn và nàng quyết định hành động. Quanh đây không có người qua lại, nàng sẽ phải trở lại làng Phaouê để báo tin cho nhà chức trách! Trước khi làm việc đó, Vê rô ních thấy cần xem lại xem xác chết là ai. Các túi đều rỗng. Quần áo không đính nhãn hiệu. Trong lúc mải miết, nàng vô ý để đầu ông già ngật xuống ngực kéo theo cả nửa người đổ gập lên đôi chân, lộ ra khoảng trống bên dưới cái ghế. Nàng thấy một cuộn giấy, vội nhặt lên xem. Đó là mảnh giấy hội họa rất mỏng, nhầu nát. Chưa mở hết tờ giấy, tay nàng đã run run, miệng lắp bắp: “Ôi!... Ôi!...”.
Vê rô ních thu hết nghị lực cố trân tĩnh. Nàng muốn nhìn sự vật bằng đôi mắt sáng suốt, muốn đánh giá sự vật bằng bộ óc minh mẫn của mình. Nhưng rốt cuộc nàng cũng không làm được gì hơn là cứ đứng lặng trong nhiều giây đồng hồ, và trong những giây phút ấy, trước mắt nàng như có một đám mây mù mỗi lúc thêm dày đặc, khiến nàng chỉ có thể nhận ra lờ mờ một bức tranh màu đỏ vẽ bốn người đàn bà bị buộc vào bốn gốc cây. Lớp thứ nhất của bức tranh, ngay chính giữa là hình người đàn bà thứ nhất thi thể cứng đờ trong tấm khăn trùm, nét mặt kinh hoàng, đau đớn cực độ nhưng vẫn nhận ra đó là nét mặt nàng, phải, giống hệt nét mặt nàng, không còn nghi ngờ nữa. Ngoài ra trên cột hành hình theo tục lệ thời trung cổ, người ta vẽ hình một chiếc vỏ đạn với nét vẽ nhấn mạnh và ba chữ V.cTH.!
Vêroních rùng mình. Một cái gì đang quằn quại bò từ dưới chân lên đỉnh đầu. Nàng đứng bật dậy xoay người như cái chong chóng ra khỏi lều, ngã xuống bãi cỏ ngất đi...
Vêrôních vốn rất khỏe. Nàng có thân hình cường tráng với vẻ đẹp cân đối. Xưa nay mọi thử thách chưa bao giờ vượt quá sức mạnh lý trí và sự hài hòa tuyệt diệu của thể chất nàng. Phải là trường hợp rất đặc biệt, rất bất ngờ mới khiến nàng mất thăng bằng như vậy. Tuy nhiên chưa đầy ba phút Vêrôních đã tỉnh. Tinh thần lại tỉnh táo, mạnh bạo. Nàng đứng dậy vào lều nhặt mảnh giấy, dĩ nhiên trong đầu còn phảng phất đôi chút lo sợ khó tả, nhưng lần này mắt sáng suốt, óc minh mẫn hơn, nàng xem lại bức tranh.
Thoạt nhìn các chi tiết trong bức tranh hầu như vô nghĩa hay ít ra do nàng chưa hiểu hết ý nghĩ của nó, bên trái có một khoảng lề hẹp dài độ mươi lăm dòng viết chi chít những chữ không thành câu, những nét sổ xuống cùng một kiểu giống nhau, chắc chỉ có mục đích lấp chỗ trống. Tuy nhiên ở một vài chỗ, Vêrôních vẫn đọc được những câu: “Bốn người đàn bà trên cây thập giá”, xa hơn một chút, câu “Ba mươi chiếc quan tài...” và để chấm dứt toàn bộ dòng cuối, câu: “Tảng đá thần cho cái chết và sự sống”.
Tất cả được đóng khung bằng hai vạch song song rất đều, một vạch đen, một vạch đỏ. Phía trên khung trình bày hai cái hái buộc chéo nhau bằng một cành tầm gửi, dưới vẽ hình chiếc quan tài. Tất cả đều màu đỏ.
Phần bên phải bức tranh là phần quan trọng nhất, tập trung những hình ảnh đẫm máu, choán hết mặt tờ giấy với cột chú thích kề bên. Nhìn bề ngoài là những hình vẽ vụng về hay nói đúng hơn là một bản sao lấy ra từ một vài loại sách lớn vẽ tranh thời cổ, đề tài được thể hiện bằng bút pháp thô sơ, hoàn toàn không biết đến một quy tắc hội họa nào.
Đó là hình vẽ bốn người đàn bà trên cây thập giá. Ba người được vẽ lùi dần về đường chân trời mặc quần áo kiểu Brơtanhơ, tóc cũng tết kiểu Brơtanhơ, kiểu tết tóc rất độc đáo của địa phương, đặc trưng ở cách thắt nơ bằng vải thâm hai cánh nơ rất to xòe rộng ra như nơ của phụ nữ xứ Andát. Và giữa trang giấy có một hình ảnh dễ sợ khiến Vêrôních cứ dán mắt vào đấy. Đó là cây thập giá chính, một thân cây trơ trụi bị róc hết các cành thấp, hai cánh tay người đàn bà buông thõng, chân tay không bị đóng đinh nhưng cả thân hình bị buộc vào thân cây bằng dây thừng từ chân đến tận bả vai. Thay vì quần áo kiểu Brơtanhơ, người đàn bà được quấn trong một mảnh vải liệm rộng xòa xuống sát đất làm cho cái thân hình gầy guộc kia dường như dài thêm ra. Nét mặt người đàn bà thiểu não đau đớn và cam chịu đượm vẻ buồn bã khoan dung hệt như nét mặt Vêrôních ở tuổi hai mươi. Hồi ấy những lúc gặp chuyện không vui nàng thường đứng trước gương ngắm nét mặt buồn tủi của mình, đôi mắt vô vọng đẫm lệ. Đây đúng là mớ tóc dài gợn sóng xõa xuống tận thắt lưng. Và đây chữ V.cTH ở trên. Vêrôních lặng lẽ suy nghĩ rất lâu. Nàng ôn lại dĩ vãng, tìm cách ghép nối những sự việc hiện tại với bóng dáng những kỷ niệm thời son trẻ. Nhưng lúc này óc nàng không hé được chút gì dù chỉ là một đốm sáng lờ mờ. Những dòng chữ vừa đọc, những hình vẽ vừa nghiền ngẫm, nàng thấy chẳng có mảy may ý nghĩa và cũng chẳng tìm được cách giải thích nào cho phù hợp. Vêrôních cầm bức tranh ngắm nghía hồi lâu, đầu óc vẫn chưa rứt ra khỏi các hình vẽ, rồi chậm rãi xé vụn ném cho gió thổi. Khi gió cuốn đi mẩu giấy cuối cùng Vêrôních đã có một quyết định. Nàng dựng xác chết lên như cũ, khép cửa lều, rồi vội vã đi vào làng.
Một giờ sau, nàng trở lại túp lều cùng với viên xã trưởng, viên trưởng tuần và cả một đám đông tò mò kéo đến vì cái tin loan báo. Nhưng lạ thay, khi đến nơi chỉ thấy túp lều trống rỗng. Xác chết không còn nữa. Vêrôních hiểu quá rõ trong lúc đầu óc rối bời, nàng không thể trả lời gãy gọn tất cả những câu hỏi người ta chất vấn. Nàng cũng không thể xua tan những mối ngờ vực của dân làng, thậm chí đối với cả sự có mặt của nàng ở đây và những lời lẽ của nàng nữa. Tốt nhất nàng nên rời khỏi đây. Người chủ quán cũng đứng trong đám đông. Nàng hỏi thăm ông ta xem đường cái dẫn đến làng nào và có thể đến một nhà ga để đi tầu về Pari được không? Vêrôních nhớ trong óc hai cái địa danh Xcaiê và Rôtpoócđen, thuê chiếc xe ngựa, bảo người đánh xe đến quán ăn lấy vali cho nàng, rồi cứ thế theo đường cái đi thẳng. Việc đó không ai gây trở ngại vì mọi người thấy nàng đẹp lộng lẫy, cử chỉ nàng dịu dàng lịch sự.
Vêrôních cắm cúi đi, có thể nói là một chuyến đi liều lĩnh. Con đường phía trước dài dằng dặc, dặm này qua dặm khác. Mặc, nàng cứ đi, đi hối hả. Tựa hồ phải đi như thế nàng mới trở về với yên tĩnh và quên lãng. Nàng chẳng hề nghĩ làm như vậy là phung phí sức lực, trong khi chiếc xe ngựa nàng thuê vẫn lẽo đẽo theo sau.
Vêrôních vượt qua những mỏm đồi, băng qua những thung lũng. Nàng cố không nghĩ ngợi gì nữa, cố gạt bỏ tất cả những câu hỏi bí ẩn đang nhảy nhót trong đầu những câu hỏi như những con rắn độc từ đáy sâu dĩ vãng chỉ chực ngoi lên khuấy đục bề mặt cuộc đời nàng. Nàng thấy sợ, thấy ghê tởm dĩ vãng đó. Nó vươn dài như những vòi bạch tuộc từ dạo nàng bị Voócki bắt cóc đến lúc bố và con trai nàng chết... Nàng chỉ muốn nghĩ đến cái thực tại nhỏ bé nàng đã tạo dựng được ở Bơđăngxông. Ở đây không có buồn phiền, không có mơ mộng, không có cả kỷ niệm. Thế mà giữa những thói quen vụn vặt chế ngự cuộc sống hằng ngày, một mái lều tầm thường do chính nàng lựa chọn lại gieo vào tâm hồn nàng những hình ảnh không thể xóa nhòa: túp lều bỏ hoang, cái xác cụt tay và bức tranh khủng khiếp bí hiểm với chữ ký V. d’H...
Đến gần thị xã Xcaiê, một thị trấn lớn, Vêrôních thoáng nghe tiếng vó ngựa phía sau. Đến chỗ đường rẽ đi Rôpoócđen có một mảng tường của ngôi nhà đổ nát, trên mặt tường có chữ V.d’H, mũi tên và số 10 viết bằng phấn.