Dịch giả: Trọng Khiêm
Lời toà soạn

    
húng tôi xin gửi đến quý bạn, toàn bộ bản dịch quyển “Man Without A Face” của Markus Wolf, trùm gián điệp của Cộng hoà Dân chủ Đức. Các hoạt động gián điệp của ông rất là tinh vi và lan toả khắp thế giới, nhưng chung quy ông phục vụ cho quyền lợi của Liên Xô nhiều hơn là cho đất nước ông. Ông Wolf tin vào hệ thống xã hội chủ nghĩa và từ đó tin vào người anh cả Xô viết đã cưu mang gia đình ông. Nhưng khi bức tường Berlin sụp đổ, ông đã không được người anh cả Liên Xô giúp đỡ, trái lại chỉ muốn xua đuổi ông cho rảnh nợ. Bao nhiêu thông tin gom góp với bao nhiêu hy sinh để cuối cùng chẳng giúp cho nước CHDC Đức tồn tại. Tất cả chỉ vì hệ thống chính trị xã hội chủ nghĩa đã hư hỏng từ trong nội tạng, dẫn đến sự sụp đổ hoàn toàn của toàn khối xã hội chủ nghĩa Liên Xô và khối Đông Âu. Xin mời quý bạn theo dõi nhật ký của Markus Wolf để thấy rõ nội tình và cách tổ chức tình báo của ông.
 
Lời mở đầu
Trong vòng ba mươi bốn năm tôi đã giữ chức vụ giám đốc cơ quan tình báo hải ngoại của Bộ Công an của nước Cộng hoà Dân chủ Đức. Ngay cả những kẻ thù gay gắt nhất của tôi cũng công nhận đây có lẽ là cơ quan năng lực và hiệu dụng nhất lục địa châu Âu. Chúng tôi thu thập nhiều bí mật chiến lược và kỹ thuật của những đội binh uy lực bày binh bố trận để đánh chúng tôi và chuyển chúng, nhờ tay của tình báo Xô viết, đến các bộ tư lệnh của Hiệp ước Warsaw tại Moscow. Có rất nhiều người nghĩ rằng tôi biết nhiều về những bí mật của Cộng hoà Liên bang Đức hơn cả Thủ tướng tại Bonn. Thực ra, chúng tôi cài đặt điệp viên trong văn phòng riêng của hai vị thủ tướng, trong số khoảng một ngàn văn phòng mà chúng tôi đã xâm nhập vào trong tất cả mọi ngành của sinh hoạt chính trị Tây Đức, kinh doanh và các lãnh vực khác của xã hội. Nhiều người trong số những điệp viên này là công dân Tây Đức, họ phục vụ cho chúng tôi hoàn toàn vì lý tưởng.
Tôi nhìn lại quãng đời cá nhân và nghề nghiệp của tôi như vòng cung lớn khởi sự từ cái gọi là lý tưởng cao đẹp theo tiêu chuẩn khách quan. Chúng tôi, những người Đông Đức theo đuổi xã hội chủ nghĩa, cố gắng xây dựng nên một loại xã hội trong đó những tội ác của nước Đức cũ sẽ không bao giờ có cơ hội lập lại. Trên hết mọi sự, chúng tôi quyết tâm không muốn chiến tranh tái diễn trên nước Đức.
Những tội lỗi và những sai lầm của chúng tôi cũng là những tội lỗi và sai lầm của tất cả mọi cơ quan tình báo. Nếu chúng tôi có khuyết điểm, và chắc chắn chúng tôi có, đó là những khuyết điểm của tính chất nghề nghiệp quá đam mê không được tôi luyện bởi đường chỉ không viền của cuộc sống bình thường. Giống như hầu hết mọi người Đức, chúng tôi tuân thủ kỷ luật đến độ sai lầm. Phương pháp của chúng tôi quá hữu hiệu nên chúng tôi đã vô tình phá hỏng sự nghiệp của một nhà chính trị có tầm nhìn xa nhất của nước Đức hiện đại, ông Willy Brandt. Việc sát nhập cơ quan tình báo vào trong Bộ Công an có nghĩa là cơ quan này và tôi gánh trách nhiệm về những cuộc đàn áp trong nội bộ nước Cộng hoà Dân chủ Đức và hợp tác với bọn khủng bố quốc tế.
Thực không dễ kể chuyện về cuộc chiến tình báo từ khía cạnh của kẻ thua cuộc đứng ở bên này Bức Màn Sắt để cho những người sông bên kia hiểu được trọn vẹn. Kể lại câu chuyện của tôi về cuộc chiến độc nhất vô nhị thời Chiến tranh Lạnh, tôi không có mục đích van xin để được tha lỗi trong vị thế của một kẻ thua cuộc. Phía chúng tôi tranh đấu chống lại sự hồi phục của chủ nghĩa phát-xít. Chúng tôi tranh đấu cho một mẫu mực xã hội chủ nghĩa phối hợp với tự do, một mục tiêu cao cả nhưng đã hoàn toàn thất bại, nhưng tôi vẫn tin là vẫn có thể thực hiện được. Tôi vẫn giữ nguyên niềm tin của tôi, mặc dù ngày nay niềm tin này đã bị kiềm hãm vì thời gian và trải nghiệm. Nhưng tôi không phải là kẻ đào ngũ, và hồi ký này không phải là một lời thú tội để xin được chuộc lại lỗi lầm.

Từ khi tôi tiếp quản cơ quan tình báo hải ngoại Đông Đức vào những thập niên 1950 cho đến khi hình ảnh của tôi bị lén chụp năm 1979 và bị một kẻ đào thoát nhận dạng, phương Tây không hề biết mặt mũi của tôi ra sao. Họ gọi tôi là “người không chân dung”, một biệt hiệu đã hầu như biến những sinh hoạt điệp báo của chúng tôi và cuộc chiến tình báo giữa Đông và Tây thành ra lãng mạn. Nhưng nó chẳng lãng mạn tí nào cả. Người người đau khổ. Đời sống chật vật. Tha thứ hay nhân nhượng không có chỗ đứng trong cuộc chiến giữa hai ý thức hệ. Cuộc chiến này đã bao trùm phần nửa thế kỷ của chúng ta và một cách nghịch lý đã cho phép châu Âu có được một thời kỳ hoà bình lâu dài nhất kể từ khi đế quốc La Mã sụp đổ. Đôi bên đều phạm những tội ác trong cuộc chiến toàn cầu này. Giống như đa số những người trên thế giới, tôi cảm thấy hối hận.

Trong quyển hồi ký này, tôi cố gắng kể lại dưới nhãn quan của tôi toàn bộ những sự kiện mà tôi được biết. Những độc giả, những nhà phê bình và các chuyên gia có thể xem xét chúng, tin chúng và kiểm chứng chúng. Nhưng tôi phản bác những lời tố cáo của một vài đông hương của tôi là tôi không có quyền kể lại và xem xét trong từng chi tiết những thành công và những thất bại trong suốt cuộc đời nghề nghiệp của tôi. Tại Đức đã có những nỗ lực, bằng phương tiện toà án hoặc phương tiện khác, nhằm đưa ra quyết định chỉ có một phương hướng duy nhất giải thích lịch sử được phổ biến. Tôi không đi tìm biện luận đạo đức để tự bào chữa và cũng không đi tìm tha thứ, nhưng sau một thời gian tranh đấu khốc liệt đây là thời gian để cả đôi bên suy gẫm.
Bất cứ lịch sử nào đích thực có danh xưng là lịch sử không thể chỉ do kẻ thắng trận viết ra.