Dịch giả: Mai Ninh
Truyện

     ỗi quân cờ là một bước đi xuống linh hồn. Tôi yêu cờ gô vì những mê lộ của nó.
Vị trí của một con cờ tiến thoái tuy theo người ta dời chỗ các con khác. Sự liên quan giữa chúng càng lúc càng phức tạp, biến chuyển và không bao giờ theo đúng dự đoán. Cờ gô không thèm đếm xỉa đến tính toán, nó lăng nhục sự tưởng tượng. Không báo trước như những đám mây tan hợp. Mỗi kết cấu mới là một phản bội. Chẳng bao giờ ngơi nghỉ, lúc nào cũng sôi sục, luôn luôn phải nhanh hơn, đi đến sự khôn khéo và thoải mái nhất nhưng cũng lạnh lùng, chính xác và giết người nhất. Cờ gô là một trò chơi của lừa dối. Người ta vây khốn kẻ thù của những ảo tưởng để đạt được sự thật duy nhất này: cái chết.
Thay vì đi về nhà có mẹ đang đợi để đưa tôi đến thầy thuốc, tôi đã quyết định mặc kệ uy quyền của bà.
Tôi đang ngồi đây, trước bàn cờ và người đàn ông xa lạ vô danh.
Với tấm áo không mấy hợp thời trang, cái mũ và cặp kính, ông ta mang dáng vẻ một người bình thường. Tuy nhiên, có một điều gì khác lạ. Gương mặt dù cạo râu nhẵn nhụi, vẫn còn lớp chân lông dầy rợn xanh trên gò má rạm nắng. Hai viên kim cương nháy sáng giữa hàng mi đen rậm. Quầng tím kéo dài dưới mắt. Tôi lại nhớ Minh cũng có cặp mắt đậm dấu như thế sau khi anh chàng thỏa lạc trong tôi.
Ngượng ngùng, tôi quay nhìn nơi khác. Chẳng còn ai ở mấy chiếc bàn trên quảng trường Ngàn Gió, những người chơi cờ đã về nhà. Không biết bao nhiêu ván cờ trở về trong trí nhớ. Những bộ mặt xa lạ lẫn lộn sau cái mặt nạ của người đàn ông đối thủ ngồi đây. Nó mang tính chất quý phái của những người ưa chuộng sự ngoắt ngoéo của linh hồn hơn là cái thô lỗ của đời sống.
Ra đi với Thanh là giao phó cho anh ta cuộc sống mới của mình. Nhưng Thanh không còn sức quyến rũ tôi nữa. Khi xưa, khuôn mặt u tối ấy đã làm trí tưởng tượng của tôi xao xuyến. Sự ghen tuông của anh ta khiến tôi ngây ngất. Tôi đã giữ trên đầu ngón tay cảm giác làn da săn chắc và mịn màng của ngày Thanh đèo tôi trên xe đạp. Hôm nay, anh ta chỉ còn là một gã hành khất đi theo quấy rầy tôi không ngừng.
Nỗi hân hoan khuất khúc nối liền Minh, Thanh và tôi với nhau đã tiêu tan. Tôi đã bị mê hoặc bởi một thứ người hùng nhân hai. Thanh chẳng là gì khi không còn Minh. Và Minh cũng chẳng đáng gì nếu không có Thanh. Tình yêu cho một trong hai người sống sót ấy sẽ đè tôi ngạt thở. Làm sao giải thích cho Thanh hiểu là giữa chúng tôi, còn chăng, chỉ là nỗi hoài nhớ về một hạnh phúc đã vỡ tan và lòng thương cảm.
Tuy thế, nếu tôi không trốn đi nội trong hôm nay, mẹ sẽ lôi tôi đến thầy thuốc. Họ sẽ khám phá ra bí mật của tôi, vì sao tôi khó ở. Con bạn Hương đã chọn lựa sự hiến thân. Tôi không muốn ở lại nhìn Hương trong áo quần sang trọng, đeo thêm một nụ cười lịch thiệp. Minh đã chết và Thanh bị chôn vùi vĩnh viễn. Thành phố này là một nghĩa trang. Tại sao ở lại đây? Ai níu giữ tôi?
Người đàn ông đối thủ trước mặt nghiêng người và nói nhỏ:
‘‘Xin lỗi, tôi phải đi. Chúng ta gặp lại ngày mai?’’
Câu nói thật bình thường ấy làm tôi bấn trí. Cờ gô đã giúp tôi khống chế được nỗi đau. Quân cờ này tới quân cờ kia, tôi trở về với sự sống. Bỏ cuộc bây giờ là phụ rẫy người đàn ông duy nhất chung thủy với mình.
Ðêm xuống, nhắc tôi về trại lính và cái hẹn với Đại úy Nakamura. Thiếu nữ Trung Hoa vẫn tiếp tục chơi cờ trong bóng tối. Tôi đã bị trễ. Nhưng viễn ảnh một mình với cô gái dưới bầu trời đầy sao khiến tôi thấy thư thái. Tiếc lắm, đại úy, ông chờ chút.
Cuối cùng, ý thức kỷ luật giúp tôi quyết định ra về. Cô gái giữ lại: ‘‘ Xin đợi’’. Từ từ, nàng cúi mắt. Hai bờ mi rung nhẹ. Theo nhịp thở, những nốt ruồi của nàng, các con bướm đêm, dường đang vẫy cánh. Nàng nói:
‘‘Bây giờ một mình chúng ta ở đây, không ai nghe được, họa chăng là gió. Tôi nhắm mắt lại, tôi đang ngồi với ông, trong đêm. Nên tôi mới dám hỏi ông một câu mà nếu mở mắt tôi sẽ chẳng bao giờ hỏi được. Hãy cho tôi biết, ông là ai?’’.
Câu hỏi của cô gái làm căng máu hai bên thái dương. Dường như tôi chờ sự ‘‘giải thoát’’ này từ muôn kiếp. Nàng đã khám phá điều bí mật của tôi? Hay nàng chỉ muốn biết tên và hiểu tôi là ai? Quá xúc cảm, tôi tìm không ra lời. Cô gái tiếp:
‘‘Tôi chưa bao giờ tự hỏi đối thủ mình là ai. Những người đàn ông đã ngồi ở đây, ở chỗ của ông, họ lẫn lộn vào nhau, và chỉ có các quân cờ gô của họ mới khác biệt mà thôi. Hôm qua, lần đầu tiên tôi thấy ông trên ngọn đồi này. Qua mắt ông, tôi nhìn ra xứ sở của ông: trên vùng đất phủ tuyết vạn niên, những thân cây cháy đen và ngọn lửa bùng loang trong gió. Nhiệt tâm của tuyết và lửa đã hun đúc ông trở thành một nhà ảo thuật phiêu bạt. Ông chữa lành bệnh cho người khác bằng cách bóp chặt tay họ trong tay mình. Làm họ quên đi cái lạnh, cái đói, bệnh tật và chiến tranh’’.
Tôi nhắm mắt lại. Tôi đang lận trong thân thể cô gái mà lại xa cách nàng vô cùng. Một nỗi buồn nhói tim. Tôi không xứng đáng với tình yêu. Tôi là một tên gián điệp, một gã sát nhân.
Nàng không nói. Trăng nhô lên trong miền thinh lặng. Tôi nghe những thân cây rên rỉ và giọng mình băng giá:
‘‘Cô nhầm, tôi chỉ là một kẻ qua đường bị quyến rũ bởi sự thông minh của cô. Giống như tất cả bọn đàn ông đã đến trình diện trước bàn cờ để một ngày biến mất. Xin thứ lỗi nếu tôi đã thả mình trong buổi chiều hôm qua. Tôi hứa với cô, đấy là lần đầu và cũng là lần cuối. Tôi kính trọng cô. Hãy quên đi những gì cô vừa nói. Cô còn quá trẻ để phán đoán về những người chưa quen biết.’’
Tiếng cười chế giễu của cô gái làm tôi giật thót:
‘‘Thời chúng ta bắt đầu chơi cờ, bàn tay ông trên những con cờ thật xa lạ với tôi. Nó kích thích mạnh mẽ đến nỗi tôi quyết định đi sâu vào trong ý nghĩ của ông. Tôi đã gian lận với tờ giấy tôi ghi điểm cuộc cờ. Trên xe kéo đưa về nhà, tôi đọc đi đọc lại. Chẳng phải để tìm cách thắng ông đâu, tôi muốn khám phá ông thôi. Tôi đã vào thăm viếng linh hồn ông, lần rờ những góc kín mà ông không hay biết, tôi biến thành ông và tôi hiểu rằng ông đã không hẳn là chính mình.’’
Tôi thở dài. Ðã mấy hôm nay, tôi đoán được điều cô ấy vừa thú nhận. Từ lúc đó, ăn hay thua chẳng còn quan trọng. Cuộc cờ chỉ là một cái cớ để mà gặp đối thủ, một lời nói dối để bào chữa sự xiêu lòng. Cô gái có lý, tôi không có khả năng dám là mình. Tôi mang những mặt nạ.
Nàng nói:
‘‘Bây giờ, đã biết thói xấu của tôi, ông có thể ngừng chơi cờ. Ông có thể khinh thường, không gặp tôi nữa. Ông cũng có thể thách đố một cuộc mới. Tùy ông quyết định.’’
 ‘‘Tôi ư?’’
‘‘Tôi sẽ làm điều gì ông muốn’’
Sửng sốt, tôi mở to mắt. Cô gái chơi cờ gô nhìn tôi đằm đằm và lòng mắt lo âu khiến tôi nhớ đến ánh mắt cô nàng tên Chiêu Dương.
Hơi nóng khiến tôi ngột ngạt, khó thở:
‘‘Tôi sắp đi Hoa lục, cô không thể trông cậy vào tôi’’
Giọng nàng run rẩy:
‘‘Tôi cũng vậy, phải rời khỏi thành phố. Tôi muốn đi Bắc Kinh. Hãy giúp tôi’’.
Tôi phải lấy quyết định. Nàng đòi hỏi một điều bất khả. Mặc dù chỉ cần đôi cử chỉ đơn giản. Chỉ cần tôi giơ tay lên, nắm lấy tay nàng và kéo về phía mình. Chúng tôi ra đi với nhau, về nơi nào đó.
Không biết bao nhiêu thời gian trôi qua, tôi ngồi lì trên chiếc ghế, tê liệt. Ðêm thật tối đến nỗi tôi trở thành mù lòa. Sự tăm tối này xoá bỏ hổ thẹn và khơi dậy cuồng mê. Thế mà tôi chẳng đủ can đảm để bước qua số mệnh.
Tôi nghe mình nói. Giọng cứng và khàn. Mỗi một âm làm vỡ toang lồng ngực.
‘‘Xin tha lỗi. Tôi không thể’’
Thật lâu sau đó, tiếng áo sột soạt: nàng đứng dậy và ra đi.

*

Thực lạ lùng khi xem xét lại căn phòng và tự hỏi đâu là những vật dụng quý giá nhất của đời mình. Ở tuổi mười sáu, tôi đã có những cây bút lông, giấy viết, thỏi mực với phẩm chất hiếm có, quà tặng của bà tôi. Mỗi năm, song thân may cho bốn chiếc áo. Tôi có măng-tô, áo khoác, bao tay, giầy thêu, giầy da đánh vẹc-ni, vòng tay, hoa tai, trâm cài và vòng đeo cổ. Tôi có những bộ đồng phục, quần áo thể thao, hộp bút chì, bút máy, những cục tẩy. Ðồ chơi, con rối, hình bóng, những thú vật bằng sứ đã từng làm tôi khóc khi để chúng thất lạc, những cuốn sách mà tôi muốn đem theo vào mộ phần.
Có những đồ đạc quý báu, khảm xà cừ, bình phong bằng lụa thêu, một chiếc giường cũ phủ màn, chậu kiểng nhỏ, quà của người anh họ tên Lục. Rồi gương, hộp dụng cụ, các thức trang điểm, lọ cổ, bút thiếp của tổ tiên. Nào kim, chỉ màu, hộp trà, ly cốc đã in dấu môi tôi, những tấm chăn đẫm mùi hương, các chiếc gối từng ôm ấp những suy tư. Có bệ cửa sổ tôi tì dựa, những thân cây trong vườn tôi đã nhìn âu yếm.
Nguyệt Châu vừa vào bảo cơm đã dọn. Chị gầy sút đi. Khuôn mặt mất cả nét biểu lộ. Tôi mời chị ở lại trong phòng lâu thêm nữa. Chẳng một lời, chị ngồi trước bàn trang điểm, và những giọt lệ bắt đầu tuôn chảy.
Bữa ăn tối cuối cùng là một bữa ăn báo điềm buồn bã. Mọi người câm lặng. Cha mẹ tôi ngồi ăn mà không nhìn nhau. Tình trạng của Nguyệt Châu làm ông bà thấy mình tội lỗi. Chị bếp lúng túng, để rơi đôi đũa. Tiếng động đánh thức những tiếng khóc đang thiu ngủ trong chị tôi. Chị nức lên. Tôi tưởng tượng ra thực dễ dàng những buổi tối sau khi tôi đi rồi: người ta vẫn bày chén bát cho tôi nơi chiếc bàn ăn ảm đạm, nghe nói rằng như thế gọi kẻ vắng mặt trở về, các món ăn không ai động đũa; cha mẹ im lìm và chị ngập chìm trong nước mắt.
Tôi dồn vào xách tay vài thứ nữ trang để sau này bán đi, hai chiếc áo, bông băng để thấm máu vẫn chảy giữa hai chân. Ðặt lên bàn hai lọ quân cờ. Tôi muốn đem theo một hòn trắng, một hòn đen. Nhưng rồi tôi quyết định không nên để mủi lòng bởi những kỷ niệm.

*

Tôi không trở lại quảng trường Ngàn Gió. Cũng không ăn uống gì mấy nữa. Tôi bắt thân xác mình tuân theo một tập luyện gian khổ nhất; vậy mà nó cũng chống cự nổi sự kiệt lực. Không một giọt mưa từ bao ngày và mặt trời đồng cháy làm rạn nứt đầu óc.
Một buổi sáng, không tìm được nguôi ngoai, tôi đến quảng trường Ngàn Gió trong quân phục. Lúc ấy năm giờ. Gió mạnh rung chuyển khiến cây cối thì thào. Như thể nghìn luồng gió đã hẹn nhau ở đây để đợi ngày lên.
Người chơi cờ đầu tiên xuất hiện, tay xách một lồng chim. Trong khi ông ta chùi bàn và bày những lọ đựng quân cờ, một người khác tiến đến ngồi trước mặt. Tim tôi se lại. Tôi lang thang trên đường phố với hy vọng bất ngờ gặp lại nàng. Thành phố nhỏ xíu này trở nên quá bao la.
Bình minh lên. Một ngày khác bắt đầu, giống những ngày trước. Tôi đánh thức tên bắn súng đang ngủ gật. Hắn đưa tôi lên chân đồi Thất Phế Tích. Trên ấy, cái thân cây phủ choàng những tia sáng tím mà dưới đó nàng đã nằm, vẫn thủy chung với trí nhớ. Ngoài ra, những phong cảnh còn lại đã mất cả chất thơ. Giữa khu rừng thưa, cỏ quá cao bắt đầu khô héo.
Trong trại lính, tôi không còn biết hò hét đám quân lính, không biết cả đứng ngồi. Trí óc ở nơi khác, chốn vô định.
Ðêm ấy, những tiếng còi rít tai đánh thức. Tôi mở mắt. Giờ của giải thoát đã đến.
Trên sân ga, đầu máy xe lửa phun từng cột hơi nước. Xô đẩy đám lính, tôi hét họ phải gấp rút. Tôi leo lên và kéo cánh cửa tàu sau lưng. Bất giác, tôi nhận ra đã quên chào vĩnh biệt Đại úy Nakamura.

*

Bắc Kinh, thành phố của bụi bặm.
Thanh vừa về với những tờ báo cặp nách. Khuôn mặt anh ta mỗi ngày một u tối. Việc thương lượng với quân đội Nhật đã thất bại. Chiến tranh gần kề. Chính quyền trung ương của Tưởng Giới Thạch kêu gọi dân chúng Trung Hoa chống ngoại xâm.
Cuộc di tản bắt đầu trên đường phố. Hàng ngàn người Bắc Kinh, bị túi trên lưng, ùa về phương Nam.
Từ lúc chúng tôi đến đây, Thanh đã cấm tôi không được rời khỏi khách sạn. Khi hắn có đó, tôi không thèm ngồi dậy. Thanh tự kết tội đã lôi tôi vào chỗ chết, mặc cảm phạm tội này khiến hắn càng cáu kỉnh, trở nên ghê tởm. Mỗi ngày một xấu xí, tóc dài thậm thượt. Hắn gặm móng tay. Ăn uống bẩn thỉu.
Quấn quanh mình một tấm ra trắng như tấm vải liệm, tôi cãi nhau với hắn vì một điều chẳng đáng: một bát mì quá nóng, một tách trà quá đắng, mấy con muỗi. Tiết đầu hè nóng bức làm tôi trút lên hắn những kêu ca không ngừng. Trong phần lớn thời gian, hắn trả lời bằng một sự câm nín khinh miệt. Ðôi khi hắn bực tức. Trong cơn thịnh nộ, mặt đỏ lừ, thân thể rung lên, hắn xông vào và chực bóp cổ tôi.
Tôi gào lên:
‘‘Bóp đi, giết tôi đi. Như mày đã từng giết những đứa bạn thân’’
Một cái nhếch mép kéo xệch gương mặt hắn. Trong cặp mắt, tôi thấy bóng ma của Minh lướt qua.
Cuối cùng tôi đã đưa cho hắn địa chỉ người anh họ và nhờ đi kiếm về cho tôi. Mới đầu, Thanh tức giận. Ðến khi biết Lục đã có vợ, hắn vui vẻ đi tìm.
Lúc hắn đi khỏi, tôi mới thở nổi.
Không có Thanh, căn phòng chúng tôi trở nên rộng rãi và sáng sủa. Tôi ngồi dậy, rửa mặt, rồi chải tóc gần khung cửa mở.
Khách sạn chúng tôi ở Bắc Kinh là một căn nhà trệt, các căn phòng vây chung quanh một sân vuông, chính giữa trồng một cây táo ta. Bên kia tường, trong đường phố, những đứa trẻ nói chuyện với nhau bằng tiếng Quan Thoại thuần túy. Tôi truy lùng trong giọng chúng các âm điệu của người đàn ông chơi cờ gô. Thay vì uốn những chữ ‘‘r’’, ông ta dùng môi. Tôi thấy lại hình ảnh trên ngọn đồi Thất Phế Tích mà ông ấy đã canh chừng giấc ngủ cho tôi. Ở quảng trường Ngàn Gió, đôi lần ông mở xòe chiếc quạt. Không phải để quạt mát cho mình. Ông cố làm sao cho làn gió nhẹ hắt dịu dàng trên gương mặt tôi. Kỷ niệm làm tim tôi se thắt. Tôi vẫn chưa hiểu vì sao ông ta từ chối. Tại sao những người đã nhận biết đâu là hạnh phúc của mình, lại muốn chạy trốn nó?
Những chiếc phi cơ bay ngang trời, rồi tôi nghe các tiếng gầm mơ hồ. Trên đường phố, thiên hạ kêu nhau rằng người Nhật đe dọa tiêu diệt cả đô thị này.
Không khí Bắc Kinh khô hơn những tỉnh ở Mãn Châu. Dưới một mặt trời trắng dã, tất cả chiếu sáng, rung động, vỡ toang, rồi biến mất trong một thứ tro xám.
Vừa mới dậy, tôi đã buồn ngủ. Bắc Kinh, đô thị của tổ tiên tôi là một giấc chiêm bao mà tôi không thức tỉnh nổi.
Trở vào giường, tôi mơ mơ màng màng. Khuôn mặt cha mẹ hiện ra làm hồn tôi nặng trĩu. Rồi dần dần tôi trở về quảng trường Ngàn Gió, về với bàn cờ. Ôi tôi sung sướng biết bao được nắm lấy những quân cờ lạnh buốt giữa các ngón tay. Người khách lạ trước mặt, một bức tượng tĩnh lặng. Cuộc chơi của chúng tôi tiếp tục. Nó biến dần thành một con đường khúc khuỷu dẫn đến miền Ðất Tinh Khiết.
Trong đêm, Thanh rình chờ những giáp chiến hỗn loạn. Dựa lưng vào tường, hắn thiếp đi. Rồi bất thình lình tiếng kêu khủng khiếp của hắn bứt tôi khỏi giấc ngủ. Tay quơ múa trên đầu, hắn giãy giụa như bị quỷ ám. Tôi bò ra khỏi giường và ôm hắn trong tay. Làm sao bỏ rơi hắn được?
Thanh lay tôi dậy lúc rạng đông. Hắn đã quyết định, chẳng thà liều chết dưới bom đạn và đi xuống miền Nam hơn là đợi chờ cuộc tàn sát. Tôi ân hận đã nghe theo những xúc động của mình. Tôi muốn ôm lấy tự do, thế mà tôi lại trở thành tù nhân của Thanh.
‘‘Tôi phải nói chuyện với anh họ tôi đã. Anh ta là người thân duy nhất ở đây. Anh hãy tiếp tục kiếm anh ấy. Chúng mình phải tìm ra. Rồi cùng đi với nhau.’’
Cái nhìn của Thanh sa sầm:
‘‘Hồi nãy, tôi nói dối em là anh ta đã dọn nhà. Tôi có gặp vợ anh ấy. Cô nàng gần như điên khùng. Lục đã bỏ rơi cô ta, vào lính rồi. Giờ này có thể đã chết.’’
‘‘Anh nói láo! Trả lại tôi địa chỉ của anh ấy’’
‘‘Ðây này, cầm đi, em sẽ tự thấy.’’
Biết Thanh nói thật, tuyệt vọng, tôi gào:
‘‘Tôi muốn trở về Mãn Châu. Con đường chúng ta chia hai từ đây. Tôi trở về nhà, tôi sẽ lại chơi cờ gô’’
‘‘Quá muộn. Không còn phương tiện chuyên chở nào nữa. Tất cả các tàu hỏa đã bị quân đội Nhật trưng dụng. Em không còn lựa chọn nào khác. Phải theo anh.’’
‘‘Anh ghen với Minh. Anh lôi tôi rời xa thành phố để xóa đi hình ảnh anh ta trong trí nhớ tôi’’
‘‘Minh ngủ với em để chơi đùa. Ðừng quên rằng, chính Ðường mới là người yêu, là thầy và là vợ hắn.’’
Thanh tưởng rằng như thế làm tổn thương được tôi, nhưng tôi phá lên cười:
‘‘Anh nhầm. Minh ư, đã chấm dứt! Tôi đã đào huyệt trong tim và chôn vùi hắn. Mà nữa, tôi chưa từng yêu thương hắn. Hai đứa tôi đẹp đôi. Chính cái đẹp ấy mơn trớn tôi. Tôi khoái nhìn bọn anh ghen tương lẫn nhau. Bây giờ tôi hiểu đó chỉ là tự đắc. Anh nghe chứ, đó chính là sự khoe khoang được trở thành đàn bà.’’
Mặt Thanh sạm đen. Hắn cắm trên tôi một cái nhìn sắc lạnh:
‘‘Em đã chơi đùa với tình cảm của tôi, tôi tha thứ cho em. Thân xác em đã nhơ bẩn và không còn ai chịu cưới một đứa con gái mất trinh. Trong trần gian bao la này, chỉ có tôi yêu em và chịu lấy người vợ bị ô uế bởi thằng bạn thân nhất của mình. Em chỉ có tôi. Em thuộc về tôi! ’’
Minh đã bảo rằng thân xác tôi thuộc về hắn. Hắn đòi độc quyền nó trong khi lại yêu một người đàn bà khác. Dĩ nhiên rồi, Thanh giống hệt hắn. Quá xúc động, nước mắt dâng lên.
‘‘Có một người khác thương yêu tôi, và tôi cũng vừa hiểu được mình yêu người ấy mà không hay. Tôi trở về Ngàn Gió vì anh ấy. Anh ấy đợi tôi.’’
‘Bịa đặt. Hắn là ai? Hắn ở đâu ra? Tôi biết tên hắn được không? Nói đi!’’
Tôi chợt nhận ra rằng cả tên ông ta mình cũng không biết. Tôi chẳng biết gì, ngoài linh hồn ông ấy.
Thấy tôi ngập ngừng, Thanh dịu lại. Hắn ôm tôi. Tôi tát vào mặt nhưng hắn vẫn đặt được đôi môi lên trán.
‘‘Ði với anh. Ðừng giở trò con nít. Về Nam Kinh chúng ta sẽ bắt đầu cuộc sống mới.’’

*

Ruồi bay dầy đặc.
Những trái phá đào lỗ sâu trên cánh đồng. Những mảng ruộng bị tàn phá. Xác người khắp nơi. Có xác còn giữ khuôn mặt bóng sáp, miệng há hốc. Có thây chỉ còn là một mớ thịt trộn lẫn với bùn.
Ðội quân chúng tôi chầm chậm băng qua cái nghĩa địa thênh thang này. Tôi được biết là những người lính bị rơi vào bẫy của quân địch đã kháng cự đến người cuối cùng. Mặt trời làm tôi buồn nôn. Thoáng chốc tôi hiểu rằng cuộc chiến đấu trước kia ở Mãn Châu chống lại bọn khủng bố chỉ là một trò chơi đi trốn đi tìm. Cho đến giờ, tôi đã được sểnh thoát ra ngoài cái lớn lao và khốc liệt của chiến tranh.
Chúng tôi rơi vào một cơn nổ hoảng loạn, ngay giữa một ngôi làng hoang trống. Tôi nằm rạp xuống. Trận mưa đạn nã vào mặt đất trắng bệch bởi hạn hán. Sau những tràng bắn trả đũa, chúng tôi nhận ra toán lính đột kích chỉ gồm chừng vài người đã cả gan ở lại để ngăn bước tiến của chúng tôi. Kèn thổi hiệu lệnh tấn công. Lính Trung Hoa dàn hàng như lũ thỏ làm bia cho một cuộc thi bắn. Nhắm vào một tên chạy nhanh nhất, gần tới một bìa rừng, tôi siết cò. Hắn ta gục xuống dưới một gốc cây.
Ðến trưa, một đợt tấn công mãnh liệt mới. Lính Trung Hoa điên cuồng tuyệt vọng trở thành hung hãn. Tôi nằm trên một con dốc. Mặt đất bỏng cháy. Tôi ngửi thấy một mùi hương dìu dịu nhắc nhở cô gái chơi cờ gô. Trước mặt tôi, một tên lính trúng đạn sau lưng vừa lăn tròn trên mặt đất vừa rú. Tôi nhận ra đó là một trong những người lính của mình, đứa mà tôi thân thiết nhất. Chúng tôi vừa kỷ niệm sinh nhật mười chín của anh ta.
Tôi muốn chôn cất chàng thanh niên sau trận này. Nhưng lệnh tiến quân đã ban và tôi phải để lại tử thi hắn cho đoàn quân kế tiếp. Sự bất bình đẳng theo đuổi chúng tôi cả sau cái chết. Những người hạnh phúc nhất được cháy thiêu ngay trên chiến trường, kẻ khác bị ném vào hố. Còn những người không may mắn nhất thì bị quân Trung Hoa bắt giữ cắt đầu rồi cắm vào giáo rong đi.
Ngày đầu tiên của trận chiến này là một cơn mê dài. Không có gì khiến tôi xúc động, không cả sự tàn bạo của các cuộc chiến đấu, không cả những bước chân kiệt lực, không cả sự ra đi của binh sĩ của mình. Tôi nhởn nhơ trong một thế giới lót bông, ở đó đối với tôi, sống và chết đều đáng khinh miệt. Ðây là lần đầu tiên cuộc phiêu lưu quân sự đã không còn chất kích thích: chúng tôi gặp lại số mệnh của mình như những con cá hồi lội ngược dòng sông. Chẳng có gì đẹp đẽ, rộng lớn trong hành động này cả.
Buổi tối, thấy tôi nhăn nhó và nghĩ ngợi, y sĩ trưởng chẩn bệnh tôi bị cảm nắng. Ðể cho bọn lính phủ lên trán mình chiếc khăn lạnh, nằm trên một mớ rơm, tôi nhìn sững mái trần u tối của căn nhà tranh đã trưng dụng. Tôi ghê tởm chính mình.
Những tiếng rít chiu chíu và nổ đùng đùng đánh thức chúng tôi lúc trời mờ sáng. Chúng tôi bắn trả ngay bằng phóng lựu. Súng liên thanh tiếp theo. Bất chợt trong hỗn loạn ấy, chúng tôi nhận ra hồi kèn xung phong. Hóa ra đơn vị đối địch cũng thuộc phe Nhật Hoàng. Sự nhầm lẫn này đã làm thiệt hại nhiều binh sĩ.

*

Lửa trại nổ lách tách.
Thanh ngáy.
Chung quanh tôi, hằng trăm dân tị nạn cũng thiu ngủ. Trong cuộc di tản, con người giống như đàn hươu chạy trốn hạn hán. Họ gầy gò, bệnh tật. Giấc ngủ nặng nề không kém nỗi lo âu.
Tôi lấy trong giỏ một cái kéo và cắt xoẹt mái tóc mình thật ngắn với cả sức lực của cánh tay. Ðể lại hai bím tóc cột vào nhau bằng một dải băng bên cạnh Thanh, bước qua chừng một chục thân người, tôi ném mình vào đêm khuya.
Vào tới rừng, tôi vứt bỏ cái áo và tròng bộ quần áo lấy cắp của Thanh.
Sau rặng cây, bình minh nhạt loãng sáng trên cánh đồng Bắc Kinh. Tôi đi ngược lại dòng người di tản đã lên đường từ tinh sương. Những người đàn bà nặng nề bị túi, một tay kéo lê trẻ nhỏ, tay kia lôi mấy con dê. Con nít mới sinh kêu khóc. Ðám đàn ông này cõng người già trên lưng, đám khác may mắn hơn có xe đẩy để kéo. Một bà cụ già gần trăm tuổi ôm chặt con gà trong cánh tay. Cụ thất thểu từng bước với đôi bàn chân bị bó.
Từ buổi bỏ trốn Bắc Kinh, những cảnh tượng này, mỗi ngày, làm tan nát tim tôi. Tôi không hối tiếc đã đi theo Thanh trong thống khổ. Nhờ anh ta, tôi biết được sức mạnh của một dân tộc bị đuổi khỏi mảnh đất quê hương. Sự kiên trì của cuộc di tản về phương Nam là một phản kháng câm lặng đối với cái chết. Những người đàn ông đàn bà ấy hợp thành làn sóng lẫn lộn căm thù và hy vọng. Từ nay, nỗi đau điên cuồng này sẽ theo tôi đi đến tận cùng của cô đơn.
Giống họ, tôi ước ao sự sống. Tôi muốn trở về Mãn Châu, tìm lại ngôi nhà, bàn cờ. Tôi sẽ đợi người đàn ông vô danh chơi cờ gô ở quảng trường Ngàn Gió. Ông ta sẽ đến với tôi, một buổi chiều nào đó, như lần đầu.
Ðến trưa, ngồi dưới tán cây bên bờ đường, tôi ăn từng miếng nhỏ một chiếc bánh mì cũ đã ba ngày. Tiếng máy bay kêu vù vù, tiếng nổ xa xa tương phản với sự im lặng của đám đông đang bước đi. Những người lính Trung Hoa đầu tiên xuất hiện trong dòng người. Binh phục lấm máu, mặt ám khói, họ làm tôi nhớ đến đám lính đã xâm chiếm nhà tôi năm 31, sau khi chạy trốn quân đội Nhật: mắt họ thể hiện sự kiệt lực và phũ phàng của những con người đã bỏ mặc đồng đội trong cuộc chém giết.
‘‘Bắc Kinh đã thất thủ. Chạy trốn nhanh lên.’’
‘‘Quân Nhật đã tới. Quỷ dữ đã tới.’’
Tiếng gào khóc vang rân. Bất chợt, tôi thoáng thấy Thanh chạy khập khiễng ngược chiều với đám dân di tản. Tôi trốn sau một thân cây. Anh ta đi ngang qua và hỏi một người đàn bà có thấy một cô gái trẻ, nhỏ người và nhợt nhạt, tóc cắt ngắn, mặc đồ con trai. Giọng anh ta vỡ nát. Cầm bím tóc của tôi trong tay, Thanh khạc xuống đất và vừa gọi tên tôi vừa nguyền rủa. Những tiếng gào ấy xé toạc tôi ra: ‘‘Mày thật độc ác đã làm tao đau khổ. Tao, kẻ từ địa ngục trở về.’’
Rồi cuối cùng Thanh cũng bỏ đi.
Một chiếc phi cơ đã quay vòng vòng trên đầu chúng tôi nãy giờ chợt nhả xuống một trái bom, rồi trái thứ nhì. Những tiếng nổ vật ngã tôi trên mặt đất, bất tỉnh. Khi tỉnh dậy, đám đông đang chạy tán loạn như một đàn kiến bị chân người phá đám. Tôi ngồi lên, cánh tay chảy máu. Trên trời tiếng động cơ gầm rú càng lúc càng cấp bách. Những máy bay khác đang đến! Tôi nhào vào một đồng cỏ.
Con đường đang bị quân Nhật dội bom. Tôi quanh quẩn trong đồng ruộng, không biết trốn ở đâu. Ðầu óc quay mòng mòng, cánh tay nặng trĩu. Ðến bao giờ tôi được thoát khỏi ác mộng này?
Trước khi đêm xuống, tôi nhận ra một ngôi làng ở chân trời. Vội vã đi tới. Một sự im lặng lạ lùng ngự trị nơi đây. Những cánh cửa mở trong bóng tối, đồ vật vỡ tung ngổn ngang trên đường. Xa hơn, tôi phát giác ra những tử thi: bốn người dân quê bị lưỡi lê xuyên suốt. Trong các ngôi nhà không còn súc vật nào sống sót, không một hạt gạo, không rơm trong bếp. Sau cuộc tàn sát, quân Nhật đã hốt đi tất cả.
Không còn hơi sức để tiếp tục hành trình, tôi chui vào một chòi tranh bỏ trống. Nhớ tới một phương cách cũ xưa mẹ đã bảo, tôi phủ tro nguội lên vết thương và xé áo lấy mảnh vải quấn chung quanh. Tôi thu mình cạnh bếp lò đã tắt ngấm, và oà khóc nức nở.
Một huyên náo dữ dội đánh thức tôi vào buổi sáng. Tôi nghe tiếng đàn ông hò hét trong một ngôn ngữ không hiểu nổi. Mở bừng mắt. Những người lính chĩa súng vào tôi.

*

Ðã chinh phục được Bắc Kinh.
Chúng tôi nhận lệnh đánh xuống vùng quê để tìm những tên gián điệp và quân lính Trung Hoa bị thương. Tất cả đều phải bị xử tử.
Sáng nay, lính của tôi đã phát giác ra một tên đáng nghi. Họ cột tay hắn sau lưng và kéo về giữa làng. Ðấy là một tên gián điệp trẻ với mái tóc bù xù, bị thương ở cánh tay. Bộ quần áo sinh viên quá rộng, thùng thình trên thân thể. Hắn ngoan cố cúi gằm và giữ một im lặng xấc xược.
Mấy tên lính nạp đạn.
Trung úy Hayashi, người cùng tôi chỉ huy cuộc tác chiến, ra hiệu ngừng lại. Anh ta rút kiếm và nói với tôi:
‘‘Anh luôn luôn khoe rằng kiếm báu gia đình anh thuộc thế kỷ thứ mười sáu. Còn kiếm của tôi được rèn một trăm năm muộn hơn. Nhưng thời đó người ta gọi nó là ‘‘lưỡi chém đầu’’. Tôi sẽ biểu diễn cho anh xem’’.
Kích thích bởi màn biểu diễn sắp xảy ra, những người lính chặc lưỡi, xôn xao.
Trong bộ điệu một võ sĩ đạo mà anh ta học từ những bức tranh cổ, chân dạng, đầu gối gập, Hayashi đưa kiếm lên đầu.
Tên tù binh từ từ ngước mắt.
Tôi thất thần choáng váng.
‘‘Khoan đã!’’
Tôi lao tới chàng trai và chùi ngay khuôn mặt trét đen bùn và khói. Nhận ra những nốt ruồi hình giọt lệ.
‘‘Ðừng đụng đến tôi.’’ Nàng hét.
Một con đàn bà.’’ Hayashi vừa thục kiếm vào bao vừa kêu lên.
Hắn xô tôi, đẩy ngửa và thò tay vào trong quần tù nhân. Tim tôi đông cứng. Chính là cô ấy! Nàng làm gì ở đây, trong làng này? Nàng đã rời Mãn Châu từ bao giờ?
Hayashi phấn khích, xác định:
‘‘Ðúng là một con đàn bà.’’
Cô gái trẻ kháng cự, rít lên những tiếng kêu. Tên trung úy tát hai cái, tuột giầy và lột quần cô. Hắn tháo thắt lưng của mình. Những tên lính bị hớp hồn, bao quanh hắn.
‘‘Tránh ra. Mỗi đứa luân phiên.’’ Hắn ra lệnh.
‘‘Ðồ ngu.’’
Tôi nhào vào tên trung úy. Hắn quay lại với một vẻ mặt giận dữ. Nhận ra mũi súng của tôi đã gí vào trán, hắn bật cười:
‘‘Ðồng ý, cho anh làm trước tiên. Dù sao, đây là khám phá của anh.’’
Tôi không đáp. Hắn tin rằng mình hiểu đúng và thầm thì vào tai tôi:
‘‘Lần đầu phải không? Nếu thấy ngại trước công chúng thì đấy, hãy vô cái đền kia, tôi gác cửa cho.’’
Hayashi lôi tôi vào cái đền trước mặt. Hai tên lính xách cô gái theo và ném xuống mặt đất. Họ vừa đóng cửa vừa lục bục làu bàu.
Cả thân thể nàng run rẩy. Tôi cởi áo khoác phủ lên hai cánh chân trần. Tôi nói với nàng bằng tiếng Trung Hoa:
‘‘Ðừng sợ’’
Giọng nói tôi làm nàng bấn loạn. Mở to mắt giám sát tôi. Một nỗi đau vô bờ biến dạng nét mặt. Bất thần, nàng khạc vào tôi và khóc nấc lên rồi lăn lộn trên mặt đất.
‘‘Giết tôi. Giết tôi đi’’
Hayashi gõ cửa, hắn chế nhạo:
‘‘Trung úy ơi. Mau lên. Tụi lính của tôi không chịu nổi nữa’’
Tôi ghì cô gái Trung Hoa của mình trong tay. Nàng cắn vai tôi. Mặc đau đớn, tôi áp má vào má nàng. Những giọt nước mắt ùa ra, tôi thì thầm:
‘‘Hãy tha thứ, tha thứ cho tôi…’’
Nàng đáp lại bằng những tiếng gào kinh loạn:
‘‘Giết tôi đi, tôi van ông. Giết tôi đi, đừng để tôi sống’’
Ngoài cửa, Hayashi lại kêu:
‘‘Trung úy, ông lâu la quá. Làm mau lên. Ðừng ích kỷ.’’
Tối nắm khẩu súng và ấn vào màng tang cô gái Trung Hoa đang ngửng đầu lên. Nỗi lo sợ trong mắt nàng đã biến mất. Nàng nhìn tôi bây giờ bằng sự dửng dưng mà nàng vẫn có với một người lạ.
Tôi rùng mình và ấn súng hơn chút nữa.
‘‘Cô nhận ra tôi phải không?’’
Nàng khép mắt lại.
‘‘Tôi biết cô căm ghét tôi, tôi biết cô sẽ không tha thứ. Bây giờ, tôi chẳng cần biết đến sự khinh bỉ này nữa. Tôi sẽ giết cô và tự sát sau đó. Vì cô, tôi chối từ cuộc chiến này, tôi phản bội tổ quốc. Vì cô, tôi là một đứa con tàn tệ, làm lu mờ dòng dõi. Tên tôi sẽ chẳng bao giờ được ghi trong đền thờ các vị anh hùng. Nó sẽ bị nguyền rủa.’’
Tôi phủ lên cô gái những chiếc hôn. Lệ trào trên má, nàng để tôi hôn không kháng cự.
Những cú gậy đập làm rung động mặt đất.
‘‘Trung úy, xong chưa? Tôi sẽ đếm tới ba và tôi xông vào. Một! ’’
Tôi không còn thời gian để hỏi nàng tại sao đã rời xứ sở, tại sao nàng cắt bỏ mái tóc tuyệt đẹp. Tôi có ngàn câu muốn hỏi nhưng không thốt được câu nào. Tôi chưa biết nói với nàng một lời yêu thương.
‘‘Hai’’
Tôi nhủ thầm vào tai nàng:
‘‘Ðừng lo lắng. Tôi sẽ đi theo. Tôi sẽ bảo bọc em nơi cõi âm u ấy.’’
Nàng mở mắt và nhìn sững tôi:
‘‘Em tên Dạ Khúc’’
Nhưng tôi đã bóp cò. Hai đồng tử đen thẳm rung động, con ngươi dãn ra. Máu phụt từ thái dương. Mắt nàng nhướng to, đầu rơi trên gáy.
Cánh cửa bật tung. Tiếng chân sau lưng. Tôi tuyệt vọng nhận ra mình không có cả thời giờ mổ bụng như một võ sĩ đạo xứng đáng. Tôi cho đầu súng đẫm máu nàng vào miệng.
Một tiếng nổ bật ra, một cơn động đất.
Tôi ngã xuống bên cô gái chơi cờ gô. Gương mặt nàng hồng hơn lúc nãy. Nàng mỉm cười. Tôi biết hai chúng tôi sẽ tiếp tục ván cờ, trên ấy.
Ðể chiêm ngưỡng người mình yêu, tôi cố gắng mở trừng trừng mắt.
Mai Ninh chuyển ngữ.

Xem Tiếp: ----