Dịch giả: Trần Đan Hà

Nguyên tác: THE ROCKING HORSE WINNER (David Herbert Lawrence) (1885-1930)

     ời người dịch: Một thiếu phụ luôn quay quắt để duy trì nếp sống "sang cả", với người chồng được cho là "không may mắn", và những đứa trẻ trong một căn nhà dường như lúc nào cũng văng vẳng rền rĩ tiếng kêu rên "Cần phải có nhiều tiền hơn! Cần có nhiều tiền hơn nữa..." Câu chuyện đã được viết từ hơn một thế kỷ trước, đến nay xem ra vẫn không hề cũ.

*

Người phụ nữ ấy xinh đẹp vô cùng. Nàng đã bước vào đời với biết bao thuận lợi, ấy thế nhưng lại có vẻ không được may mắn cho lắm. Cuộc hôn nhân của nàng đã thực sự là do tình yêu, và tình yêu ấy cũng đã bay theo cát bụi trần đời. Nàng đã có những đứa con khỏe mạnh, thế nhưng nàng lại luôn cảm giác như chúng chỉ là gánh nặng khiến nàng không sao yêu thương chúng nổi. Chúng thường nhìn nàng lạnh lùng như thể đang săm soi tìm kiếm sai lầm của mẹ. Và thế là nàng cứ phải vội vã tìm cách che giấu lỗi lầm của chính mình. Nhưng lỗi lầm gì mà ghê gớm đến mức phải lo che giấu đi thì ngay chính nàng cũng không tài nào biết được. Dù sao đi nữa, cứ trông thấy tụi nhỏ, trái  tim nàng lại đập mạnh mặc dù nàng không thích thế. Và thế là, theo cái kiểu cách của mình, nàng lại càng cố tỏ ra dịu dàng, quan tâm đến chúng hơn nữa - như thể mình yêu thương con cái vô cùng kể. Chỉ tự nàng mới biết được rằng ngay giữa tim mình có một góc nhỏ khô cằn không hề cảm được tình yêu; phải, góc tim ấy không hề để yêu ai - bất kỳ ai. Xung quanh ai ai cũng hết lời ngợi ca: “Ồ, đúng là một bà mẹ đảm. Hãy xem cách bà ta chăm sóc lũ trẻ kìa!”. Chỉ có chính “bà mẹ đảm” ấy – cùng với lũ trẻ - là biết chắc chắn rằng không phải thế. Bọn chúng đọc thấy điều này trong mắt nhau, và trong mắt mẹ mình.
Bọn chúng đây là một chú nhóc và hai đứa em gái. Chúng sống trong một ngôi nhà thật tuyệt vời– có vườn bao quanh hẳn hoi – cùng với những người đầy tớ tin cẩn, và chúng luôn nghĩ rằng mình cao sang hơn hẳn mọi gia đình trong vùng.
Dù sống rất đàng hòang kiểu cách nhưng bọn chúng vẫn luôn cảm giác thấy một nỗi lo âu căng thẳng bao trùm lên toàn bộ ngôi nhà. Tiền chi tiêu không bao giờ đủ. Thu nhập của bà mẹ, cũng như ông bố, đều thấp, và dĩ nhiên là không thể đủ đối với cái vị trí xã hội mà họ đang cố gắng giữ gìn. Ông bố vẫn thường đi vào thành phố để đến các văn phòng việc làm, và mặc dù ông vẫn luôn có nhiều triển vọng tốt đẹp, thế nhưng những triển vọng này chưa bao giờ trở thành hiện thực vật chất. Thiếu hụt triền miên vẫn cứ là triền miên thiếu hụt, trong khi phong cách sống trưởng giả vẫn cần được duy trì.
Thế rồi sau cùng bà mẹ bèn nói: “Để xem có gì mà mình làm không được không”, dù cũng không biết phải bắt đầu từ đâu. Bà vắt óc suy nghĩ, và cố thử làm hết việc nọ đến việc kia, nhưng cũng chẳng được mấy nả. Những thất bại liên tiếp đã để lại nhiều nếp nhăn in hằn trên khuôn mặt thanh tú ngày nào. Các con đang lớn, chúng cần được đến trường. Cần có nhiều tiền hơn nữa, phải có nhiều tiền hơn nữa. Trong khi ông bố lúc nào cũng tóat vẻ thanh lịch và sành điệu nhưng xem ra không làm được gì cho nên bột nên hồ, thì bà mẹ với niềm tin sắt đá vào bản thân lại cũng chẳng thành công hơn, mà thị hiếu  tiêu xài của bà lại cũng sành điệu không kém gì chồng.
Và thế là ngôi nhà lúc nào cũng như bị ám ảnh bởi nỗi bức thiết không thốt được nên lời: Cần phải có nhiều tiền hơn! Cần phải có nhiều tiền hơn! Bọn trẻ lúc nào cũng như nghe thấy được những lời này, dù không hề có người lớn nào trong nhà nói ra điều ấy. Bọn chúng đã nghe thấy vào dịp Giáng sinh, lúc mà rất nhiều đồ chơi sang trọng đắt tiền được đưa vào chất đầy trong phòng trẻ. Từ chỗ con ngựa gỗ tân kỳ bóng lộn, và từ chỗ mấy con búp bê xinh xắn bắt đầu vọng ra những lời thì thầm quái đản: “Cần phải có nhiều tiền hơn! Cần phải có nhiều tiền hơn!”. Thế là bọn trẻ phải ngừng chơi, nghiêng đầu lắng nghe. Chúng sẽ nhìn vào mắt nhau, để xem xem mấy đứa kia có nghe thấy gì không. Và rồi từng đứa sẽ lần lượt nhìn sâu vào mắt hai đứa kia, để đoan chắc là mấy đứa kia cũng nghe được điều giống như điều mình đang nghe thấy: “Cần phải có nhiều tiền hơn! Cần phải có nhiều tiền hơn!”.
Lời thì thầm hòa quyện trong tiếng lóc cóc của ngựa gỗ khi được phi nhanh, và cả ngựa  ta với chiếc đầu gỗ cúi gập kìm nén nôn nóng cũng nghe thấy. Con búp bê lớn với đôi má ửng hồng vì hãnh diện với chiếc xe đẩy mới toanh rõ ràng cũng nghe được, và nụ cười của nó như trở nên đắc ý một cách ngốc nghếch vì đã nghe thấy được lời thì thầm nọ. Vẻ ngốc nghếch này cũng có nơi chú gấu bông-trông chú ta cũng ngớ ngẩn đến lạ chỉ vì đã nghe được lời thì thầm bí mật văng vẳng khắp cả ngôi nhà: “Cần phải có nhiều tiền hơn! Cần phải có nhiều tiền hơn!”
 
Thế nhưng thực sự thì nào ai nói ra. Tiếng thì thầm ấy có ở khắp mọi nơi trong nhà, cho nên đâu cần phải có ai nhắc đến. Cũng giống như chẳng hề có ai phải nói: “Chúng ta đang hít thở!”, mặc dù thực tế là việc hít vào thở ra vẫn cứ đang tiếp diễn mãi không thôi.
“Mẹ ơi”, một bữa nọ thằng bé Paul nói với mẹ nó, “sao nhà mình không có xe hơi riêng hả mẹ? Sao mình cứ phải đi chung xe với cậu, hoặc phải đi xe công cộng vậy hả mẹ?”
“Tại vì so với họ hàng thì mình thuộc loại nghèo”, bà mẹ trả lời.
“Nhưng tại sao lại như vậy hả mẹ?”
“Ờ, mẹ cho là…”, bà mẹ cay đắng thốt lên, “tại vì… cha con không được may mắn cho lắm”
Thằng bé im lặng trong giây lát.
“May mắn là tiền, phải không mẹ?”, nó rụt rè hỏi.
“Không phải đâu con, không hẳn như thế đâu. May mắn là những điều xui khiến cho con có tiền”.
“Ồ,” Paul nói một cách khó hiểu, “lúc cậu Oscar nói ‘của phi nghĩa’, con cứ tưởng đó là tiền chứ”.
“’Của phi nghĩa’ đúng là tiền”, bà mẹ nói, “nhưng nó là lợi, chứ không phải là lộc, không phải là may mắn”.
“Vậy thì may mắn là gì kia chứ?”, thằng bé kêu lên.
“May mắn là những điều xui khiến cho con có tiền. Nếu con có may mắn, con sẽ có tìền. Điều này giải thích tại sao những người được sinh ra với vận may thì sướng hơn người sinh ra trong gia đình giàu có. Nếu con giàu có, một ngày nào đó những của nả ấy cũng sẽ bị tiêu tán hết, nhưng nếu con may mắn, con sẽ luôn có tiền xài”.
“Ui, vậy hả mẹ? Vậy là cha con không may mắn ư?”
“Phải, rất không may. Mẹ dám nói thế”, bà mẹ chua chát.
Thằng bé chăm chú nhìn mẹ với vẻ hoài nghi.
“Nhưng, tại sao vậy?”, nó hỏi.
“Mẹ không biết. Không ai biết được tại sao có những người thường gặp may, còn những người khác lại rất không may”.
“Thế ư? Không ai biết cả ư? Không ai biết tại sao à?”
“Có lẽ Ông Trời biết, nhưng ngài chẳng bao giờ nói ra”.
“Đáng lẽ Ngài nên nói mới phải. Rồi còn mẹ thì sao, mẹ cũng không may luôn sao hả mẹ?”
“Làm sao mẹ có thể may mắn được khi đã lấy phải người không may!”
“Nhưng tự mình mẹ thì mẹ vẫn may mắn, đúng không?”
“Trước khi lấy cha con, mẹ vẫn thường nghĩ rằng mình là người có số may mắn. Còn bây giờ thì ngược lại…”
“Tại sao?”
“Thôi được rồi, Paul. Đừng bận tâm nữa. Cũng có thể không hẳn là như vậy”, bà mẹ nói.
Thằng bé chăm chú nhìn mẹ như để cố hiểu xem bà đang nới gì. Thế nhưng, nó chỉ thấy, với những đường hằn nơi khóe môi, rõ ràng mẹ nó đang cố che giấu điều gì đó.
“Thôi được, dù sao đi nữa,” nó quả quyết, “con vẫn là người may mắn”.
“Sao con biết?”, bà mẹ bật cười.
Thằng bé nhìn mẹ chằm chằm. Chính nó cũng không biết tại sao mình lại nói vậy.
“Ông Trời nói con biết”, nó buột miệng nói như đinh đóng cột.
“Ờ, mẹ cũng hy vọng vậy”, bà mẹ đáp, rồi lại bật cười-có phần hơi chua chát.
“Thiệt mà mẹ!”
“Thì càng tốt chứ sao!”, bà mẹ cố ý dùng một trong các câu nói cửa miệng của chồng.
Đứa nhỏ thấy rõ ràng mẹ không tin mình, hay nói đúng hơn là bà không mảy may để ý đến tuyên bố của nó. Điều này khiến nó cảm thấy hơi giận, và càng khiến nó muốn giành được sự chú ý của mẹ hơn.
Từ đó thằng bé - bằng niềm miệt mài con trẻ – mải miết truy tìm chiếc chìa khóa dẫn đến “may mắn”. Hoàn toàn bị cuốn hút vào đấy, không hề để tâm đến những la rầy mắng mỏ của người lớn, nó âm thầm nghiền ngẫm về vận may. Nó muốn có vận may, nó muốn được may mắn, nó phải may mắn.  Mỗi khi chơi trong phòng trẻ, lúc hai đứa em gái chơi búp bê thì nó leo lên con ngựa gỗ, phi như cuồng như dại vào khỏang không nào đấy đến nỗi hai bé gái phải liếc nhìn khó chịu. Để rồi khi chạm phải ánh mắt kỳ lạ của thằng anh đang trừng trừng nhìn mình với mái tóc đen dợn sóng rũ rượi tung tóe theo nhịp phi điên dại, bọn chúng sợ hãi, không dám nói gì.
Một khi đã kết thúc cuộc tiểu du hành man dại ấy, nó sẽ leo xuống, đứng phía trước đầu ngựa gỗ, nhìn chăm chăm vào mặt ngựa. Xem này, chiếc miệng đỏ của ngựa ta hình như đang hé rung, đôi mắt thủy tinh mở lớn, long lanh long lanh…
“Này, ngựa gỗ!”, thằng bé thì thầm ra lệnh cho con ngựa đang phấn khích, “hãy đưa ta đến nơi có may mắn! Thật nhanh, nhé!”
Và rồi nó lại bám chặt cổ ngựa, ra sức quất bằng chiếc roi nhỏ mà nó đã xin cậu Oscar mua cho. Nó biết chắc chắn ngựa ta sẽ đưa nó đến nơi có vận đỏ nếu như được phi nhanh như thế nên nó càng cố ra sức phi, dấn thân vào cuộc đua điên dại mà nó tin rằng sau cùng nó sẽ đến được tận nơi.
“Paul, em sẽ phá hỏng con ngựa mất!”, chị vú em kêu lên.
“Anh ấy chuyên môn phi ngựa như vậy đó chị! Em chỉ ước sao ảnh đi ra ngoài cho rồi!”, bé Joan em nó cất tiếng méc.
Nhưng thằng anh nó chỉ lặng thinh liếc mắt và vẫn tiếp tục phi. Chị vú chán không nói gì thêm, chị cũng chẳng muốn nói động đến thằng bé ương ngạnh.
Một ngày kia, mẹ và cậu Oscar bước vào đúng lúc cậu bé đang trong cuộc đua man dại thường lệ của nó. Nó không hề cất tiếng chào hai người.
Ông cậu nói: “Chào chú nài nhí! Liệu có về nhất không đấy?”
“Con hết tuổi chơi ngựa gỗ rồi nha, Paul! Đâu còn nhỏ nhít gì nữa, con biết rồi mà!”, bà mẹ bảo.
Nhưng Paul chỉ đáp lại bằng ánh mắt xanh lạnh lẽo: nó chỉ nói chuyện một khi đã hoàn thành cuộc đua. Bà mẹ đứng nhìn con phi ngựa, vẻ lo âu lộ rõ trên mặt.
Sau cùng thằng bé đột ngột ngừng thúc ngựa và trượt xuống.
“Rồi, con đã đến được nơi đó rồi mẹ!”, nó tuyên bố giọng chắc nịch, đôi mắt xanh lơ mở lớn, đôi chân lỏng khỏng đứng dạng ra.
Bà mẹ hỏi: “Con đến đâu?”
“Đến được nơi con muốn đến!”, nó nhìn bà không chớp mắt.
“Được đấy, cháu trai!”, cậu Oscar cất tíếng, “Đừng bao giờ bỏ cuộc khi chưa đến đích. Con ngựa chiến thắng đó tên gì?”
“Nó không có tên”, cậu bé trả lời.
“Ủa, sao vậy?”, ông cậu hỏi.
“Dạ, nó có nhiều tên lắm. Tuần trước nó có tên Sansovino”.
“Sansovino hả? Nó đã thắng con Ascot đó. Sao cháu biết cái tên này vậy?”
“Cậu ơi, ảnh hay nói chuyện đua ngựa với chú Bassett lắm đó cậu”, nhỏ Joan em nó lên tiếng.
Ông cậu có vẻ thú vị khi thấy thằng nhóc cháu mình cũng có được thông tin nóng hổi về mấy cuộc đua ngựa. Bassett là anh chàng làm vườn đã bị thương ở chân trái hồi trong chiến tranh, hồi đó anh ta giúp việc cho cậu trong quân đội, về sau cậu đã nói chị mình cho hắn ta vào làm vườn. Anh chàng này là một tay chơi cự phách trong trường đua đây mà. Hắn ta sống với các vòng đua, và giờ đây cháu trai của cậu sống với hắn! Cũng thú vị đấy chứ?!
Sau lần đó, cậu Oscar Creswell đi gặp Bassett.
“Dạ, thưa ngài, cậu Paul đến tìm và hỏi thăm, thế nên con đâu thể làm gì khác hơn được là phải nói ra”, Basset kể, vẻ mặt nghiêm trang như thể đang nói về một niềm tin tôn giáo thiêng liêng.
“Thế có bao giờ nó đặt cá cược gì đó vào con ngựa mà nó thích không?”
“Ui, con không muốn tiết lộ gì đâu – cậu ấy là một tay chơi nhỏ tuổi đấy, tinh lắm đấy. Xin ông làm ơn đi hỏi chính cậu ấy giùm con đi nhé? Cậu ấy mê trò này lắm, sợ cậu ấy lại nghĩ rằng con đã tiết lộ bí mật, xin ông đừng buồn con nhé!”
Bassett tỏ vẻ thành tâm còn hơn là đang xưng tội.
Ông cậu bèn trở về và đưa cháu đến trường đua.
“Nào, cháu trai, nói cậu nghe nào. Cháu có bao giờ đặt gì cho một con ngựa nào chưa vậy?”, ông cậu hỏi.
Thằng bé chăm chú quan sát gương mặt điển  trai của cậu.
“Sao, cậu nghĩ rằng cháu không nên à?”, nó hỏi với vẻ cảnh giác.
“Ồ, không hẳn vậy đâu cháu! Cậu chỉ nghĩ là cháu nên cho cậu đặt ké con Lincoln.”
Chiếc xe tăng tốc vào miền ngoại ô, nơi trú ngụ của gia đình cậu Oscar.
“Cậu hứa danh dự nhé?”, thằng cháu hỏi.
“Hứa danh dự chứ, cháu trai!”, ông cậu đáp.
“Tốt lắm, vậy thì cậu nên đặt cho con Daffodil”.
“Daffodil ư? Sao cậu thấy nghi quá! Còn con Mirza thì sao?”
“Cháu chỉ biết con vô địch”, thằng bé chậm rãi đáp, “ lần này là con Daffodil”.
“Daffodil à?”.
Sau đó là một khỏang lặng trầm ngâm – Daffodil là một con ngựa tầm thường, không mấy ai biết đến.
“Cậu ơi”
“Gì hả cháu?”
 “Cậu sẽ không đi quá xa nữa, nhé? Cháu đã hứa với Basset rồi.”
“Trời đánh cái thằng cha Basset này! Hắn ta định làm cái gì vậy?”
“Cháu với chú ấy công ty với nhau. Chúng cháu công ty với nhau ngay từ đầu, cậu à. Chú ấy đưa cháu những đồng 5 xu đầu tiên mà cháu đã thua mất. Rồi cháu hứa với chú ấy, cháu hứa danh dự đó chỉ là giữa cháu với chú ấy; nhưng chỉ đến khi cậu cho cháu một tờ 10 xu thì cháu lại thắng, nên cháu nghĩ rằng cậu có số hên. Cậu sẽ không đi quá xa thêm nữa, đúng không cậu?”
Thằng bé nhìn chằm chằm cậu mình với đôi mắt xanh mở lớn, đầy nôn nóng khiến chúng trông như gần nhau hơn. Ông cậu hơi bất ngờ rồi gượng cười.
“Cháu nói đúng đó, con trai! Cậu sẽ giữ bí mật chuyện này. Daffodil hả? Cháu đặt bao nhiêu cho nó vậy?”
“Cháu đặt hết, chỉ chừa lại hai mươi xu để dành”
Ông cậu nghĩ thằng bé nói đùa đến là hay.
“Cháu giữ lại hai mươi xu để dành ư, cậu bé lãng mạn? Rồi sau đó cháu cá cái gì nào?”
“Cháu đang cá ba trăm”, thằng bé nói chắc nịch. “Nhưng chỉ cậu với cháu biết thôi nhé, cậu Oscar! Hứa danh dự nhé?”
Ông cậu bật phá lên cười giòn giã.
“Chỉ là giữa cháu với cậu thôi, được thôi, thằng quỷ nhỏ ạ,” ông nói giữa tràng cười, “nhưng ba trăm của cháu đâu?”
“Basset giữ giùm cháu, tụi cháu chung một phe mà.”
“Thế a, thế a? thế Basset đặt gì cho con Daffodil?”
“Chú ấy sẽ không theo cao như cháu đâu, là cháu hy vọng như vậy. Có thể chú ấy sẽ đi một trăm rưỡi”.
“Hả, một trăm rưỡi xu đó hả?”, ông cậu vẫn tiếp tục cười.
“Trăm rưỡi bảng,” thằng bé trả lời, không khỏi ngạc nhiên nhìn cậu mình, “Basset có nhiều tiền để dành hơn cháu mà”.
Cậu Oscar im lặng, vừa nghi hoặc vừa thú vị. Cậu không muốn đẩy câu chuyện đi xa hơn, nhưng vẫn quyết định đưa thằng cháu cùng đi với mình tới trường đua Lincoln.
“Này, cháu trai”, ông cậu cất tiếng, “Cậu đang đặt hai mươi bảng cho con Mirza, và cậu sẽ đặt thêm năm bảng nữa cho bất cứ con nào mà cháu đặt. Cháu chọn con nào vậy?”
“Dạ, con Daffodil”
“Không, đừng đặt đồng 5 cho con Dafodil!”
“Nếu đó là đồng 5 của cháu thì cháu sẽ đặt cho nó”, thằng bé nói.
“Được thôi, được thôi. Đây, một đồng năm cho cậu và một đồng năm cho cháu để đặt cho con Daffoldil”.
Trước nay thằng bé chưa bao giờ được đặt chân tới trường đua ngựa như thế này, và bây giờ đôi mắt nó long lanh ngọn lửa biếc. Nó cắn chặt môi, chăm chú quan sát. Một người Pháp ngồi ngay trước mặt nó đã đặt tiền cho con Lancelot. Ông ta liên tục vẫy tay trong niềm phấn khích man dại, gào to “Lancelot! Lancelot!” bằng giọng Pháp đặc sệt.
Daffodil về nhất, Lancelot về nhì, con Mirza đứng thứ ba.
Thằng bé, với đôi mắt rực sáng trên khuôn mặt ửng hồng, chỉ lặng thinh một cách kỳ lạ. Ông cậu đưa lại cho nó bốn tờ giấy bạc năm bảng, bốn ăn một.
“Chú mày định làm gì với mấy thứ này đây hả?”, ông cậu la lớn, ve vẩy mấy tờ bạc trước mắt thằng bé.
“Cháu định sẽ nói chuyện với Basset,” thằng bé nói. “Bây giờ cháu hy vọng có một trăm rưỡi, và hai mươi bảng để dành, và hai mươi bảng này nữa”
Ông cậu điều nghiên thằng bé trong khoảnh khắc.
“Nhìn đây, nhóc!”, ông nói, “Con đã không nghiêm túc về Basset và một trăm rưỡi bảng, đúng không?”
“Phải, nhưng đó chỉ là giữa cháu với cậu thôi nhé, hứa danh dự nhé!”
“Hứa danh dự, được thôi, nhóc con! Nhưng cậu phải nói chuyện với Basset”
“Cậu à, nếu cậu muốn công ty với cháu và Basset thì tụi mình sẽ công ty với nhau. Nhưng cậu phải hứa, hứa danh dự nhé, là không để nó đi quá xa ba chúng ta. Basset và cháu đều may mắn, và cậu cũng phải là người may mắn, bởi vì cháu đã bắt đầu chơi thắng bằng đồng mười xu của cậu”
Một buổi chiều cậu Oscar đưa thằng bé và basset đến công viên Richmond, ở đó họ nói chuyện với nhau.
“Thưa tôn ông, ông thấy đó,” Cậu chủ Paul bảo tôi kể về mấy cuộc đua, tôn ông biết mà. Và cậu ấy luôn thiết tha muốn biết xem tôi đã thua hay thắng độ. Cũng cả năm nay rồi, lúc tôi đặt 5 xu cho con Blush of Dawn cho cậu ấy, rồi chúng tôi bị thua. Thế rồi vận may trở lại, nhờ đồng 10 xu mà tôn ông đã cho cậu ấy, chúng tôi đặt cho con Singhalese và thắng độ. Từ đó trở đi thì khá là ổn, mọi thứ đều ngon lành. Cậu nói sao, thưa cậu chủ Paul?”
“Lần nào chắc chắn thì tụi cháu cũng đều thắng”, Paul nói. “Còn nếu không chắc lắm thì bị thua”.
“Ôi nhưng mà những lúc đó mình chỉ cẩn thận thôi mà”, Basset nói.
“Nhưng khi nào thì ngươi dám chắc?”, ông cậu Oscar mỉm cười hỏi.
“Cái đó là ở cậu chủ đó, thưa tôn ông,” Basset thì thầm với vẻ bí mật thành kính, “Cứ như là cậu ấy nghe được từ cõi trên ấy. Như hồi đặt cho con Daffodil ở sân Lincoln đó. Cứ gọi  là chắc cú như bắp!”
“Ngươi có đặt gì cho con Daffodil không?”, cậu Oscar hỏi
“Vâng có, thưa ngài. Tôi có đặt  một ít”
“Thế còn thằng cháu ta?”
Basset im bặt, đực mặt nhìn Paul trân trối.
“Cháu đã kiếm được nghìn hai, đúng không Basset? Cháu kể với cậu là cháu đã đặt ba trăm cho con Daffodil”
“Đúng thế,” Basset gật đầu
“Thế tiền đâu cả?”, ông cậu hỏi.
“Dạ, tôi cất vào tủ khóa lại rồi, thưa ngài. Cậu chủ có thể có ngay bất cứ lúc nào cậu ấy cần”.
“Cái gì, những một nghìn rưỡi bảng à?”
“Với lại hai chục lẻ! Và thêm bốn chục nữa, đó là do cậu ấy đã kiếm được từ hai chục có trong sân”.
“Quá đã!”, ông cậu kêu lên.
“Nếu cậu chủ rủ ông công ty, thưa tôn ông, nếu tôi là tôn ông, xin tôn ông thứ lỗi cho,” Basset nói.
Cậu Oscar Cresswell đang nghĩ về điều ấy.
“Ta sẽ được nhiều tiền,” ông cậu nói.
Họ lên xe về nhà, và để đủ đoan chắc, Basset đã đến khu nhà vườn với xấp tiền một nghìn năm trăm bảng. Hai mươi bảng đề dành được để lại cho Joe Glee, trong số ký quỹ Turf Commission.
“Cậu thấy đó, một khi cháu đã chắc chắn, thì mọi chuyện ngon lành. Đến lúc mình mạnh lên rồi thì tất cả chúng ta đều giàu xụ. Phải vậy không, Basset?”
“Chắc chắn là vậy rồi, thưa cậu chủ”.
“Vậy thì khi nào cháu sẽ chắc chắn”, ông cậu vừa nói vừa cười.
“À, cũng tùy. Có khi cháu hoàn toàn chắc chắn, như với con Daffodil chẳng hạn”, thằng bé nói, “có khi cháu có một ý gì đó, nhưng cũng có khi chẳng có ý gì cả, phải vậy không Basset? Lú c đó chúng cháu sẽ phải cân nhắc dữ lắm, vì gần như là sẽ thua”
“Cháu chắc thế sao? Vậy khi cháu chắc chắn, như khi với con Daffodil, thì cái gì làm cháu tin là chắc chắn, hả cháu trai?”
“À, cái đó cháu cũng không biết nữa,” thằng bé ngập ngừng, “cháu chỉ biết là chắc chắn, vậy thôi, cậu à!”
“Cứ như là cậu chủ nhận được người trên mách bảo vậy, thưa ngài”, Basset lập lại.
“Ta đến phải cũng nói như thế mất!”, ông cậu nói.
Thế nhưng ông cậu đã trở nên người cùng hội. Rồi đến mùa giải Leger, Paul đã “chắc chắn” tin vào con Lively Spark – vốn là một con ngựa khá tầm thường, không mấy ai quan tâm. Thằng bé nhất định đặt một nghìn cho con ngựa đó, Basset đặt năm trăm, ông cậu Oscar hai trăm. Lively Spark về nhất, và với mức cá độ mười ăn một, Paul ẵm được cả mười nghìn bảng một lúc.
“Thấy chưa,” thằng bé nói, “con đã tin chắc là nó sẽ thắng mà”.
Oscar Cresswell thậm chí cũng kiếm được hai nghìn ngọt sớt.
“Nhìn nè, cháu trai,” ông cậu nói, “ kiểu chơi này làm cậu căng thẳng quá”.
“Không hẳn đâu cậu! Có khi cháu sẽ không còn chắc chắn được lâu nữa đâu”.
“Nhưng cháu định làm gì với số tiền này?”, ông cậu hỏi.
“Dĩ nhiên là,” thằng bé đáp, “ cháu sẽ đưa cho mẹ. Mẹ nói mẹ không có được vận may, tại vì ba cháu là người không may mắn,  nên cháu nghĩ là nếu cháu may mắn thì có lẽ tiếng thì thầm đó sẽ hết”.
“Có lẽ cái gì hết thì thầm?”
“Cái nhà của cháu. Cháu ghét nghe tiếng nó thì thầm”
“Nó thì thầm cái gì?”
“Tại – tại sao – thằng bé ngập ngừng, “tại sao, cháu cũng không biết nữa. Nhưng nhà cháu lúc nào cũng thiếu tiền, cậu biết mà”
“Cậu biết, cháu à, cậu có biết chuyện đó”
“Cậu cũng biết là người ta gửi cho mẹ trát hầu tòa, đúng không, hả cậu?”
“Ừ, cậu e là cậu cũng có biết điều đó”, ông cậu nói.
“Rồi khi căn nhà nó thì thầm, cứ như là mọi người ai ai cũng cười nhạo sau lưng cậu vậy. Điều đó thật dễ sợ, thật đó! Cháu nghĩ là nếu cháu có vận may…”
“Cháu có thể làm cho nó im,” ông cậu thêm.
Thằng bé nhìn cậu nó với đôi mắt xanh mở lớn, như thể đang có một ngọn lửa lạnh lẽo kỳ bí bên trong, rồi nó không nói thêm tiếng nào nữa.
“Thôi được,” ông cậu nói, “chúng ta đang làm gì đây?”
“Cháu không muốn mẹ cháu biết cháu có vận may”, thằng bé nói.
“Sao lại không, hả cháu?”
“Mẹ sẽ cản cháu”
“Cậu không nghĩ mẹ cháu sẽ làm vậy đâu”
“Ôi!”, thằng bé vặn vẹo đến lạ, ---cháu không muốn mẹ biết đâu, cậu à!”
“Thôi được rồi, cháu trai! Chúng ta sẽ có cách để cho mẹ cháu không biết gì về vụ này.”
Bọn họ thực hiện điều ấy thật dễ dàng. Thằng nhóc Paul, theo đề nghị của những người kia, sẽ gửi cho ông cậu năm ngàn bảng để ông ký quỹ cho người luật sư của gia đình; rồi vị luật sư này sẽ thông báo cho mẹ của Paul là có một người bà con đã trao cho ông ta năm ngàn bảng và dặn là sẽ chuyển chúng cho bà làm năm lần, mỗi lần một ngàn bảng, vào dịp sinh nhật hàng năm của bà.
“Như vậy mẹ cháu sẽ có được món quà sinh nhật là một nghìn bảng trong năm năm liên tiếp”, ông cậu Oscar nói, “Ta hy vọng là bà ấy sẽ không vì thế mà cảm thấy khó khăn hơn trong giai đoạn sau đó”.
Sinh nhật của mẹ Paul là vào tháng mười một. Trong những ngày này, ngôi nhà vẫn “thì thầm” tệ hại hơn nữa, và, ngay cả mặc dù có vận may, Paul vẫn thấy không sao chịu đựng nổi. Thằng bé hết sức nôn nóng chờ xem tác động của lá thư thông báo cho mẹ nó biết về món tiền cả nghìn bảng.
Dạo này, khi nhà không có khách thì Paul thường dùng bữa chung với cha mẹ nó, vì nó đã đủ lớn để không phải nhờ tới chị vú em trông nom. Còn người mẹ thì cứ đi ra tỉnh gần như mỗi ngày. Nàng vừa khám phá thấy mình có năng khiếu lạ lùng về vẽ phác thảo trên vải vóc váy sống và áo khoác lông thú; thế nên nàng đã âm thầm làm việc cho một người bạn là “nghệ nhân” chính của một tiệm vải đang ăn khách. Nàng vẽ hình các mệnh phụ khoác áo choàng lông thú, những phu nhân mặc đồ lụa và những mẫu khoen trang trí để đăng quảng cáo trên báo. Cô bạn trẻ kia kiếm được mỗi năm cả vài nghìn bảng, nhưng mẹ của Paul thì chỉ được trả có vài trăm, và thế là nàng lại thất vọng. Nàng ước ao chiếm được ngôi vị số một trong vài lĩnh vực nào đó - mà vẫn không đạt được, ngay cả với công việc vẽ phác thảo mẫu quảng cáo vaỉ vóc.
Vào buổi sáng sinh nhật của mình, mẹ thằng bé bước xuống nhà dùng điểm tâm. Thằng bé chăm chú quan sát gương mặt mẹ khi bà đang đọc thư. Nó biết lá thư nào là của ông luật sư. Khi bà đọc tới lá thư đó, mặt bà rắn đanh lại, không thể hiện bất kỳ ý gì. Rồi, một thoáng lạnh lùng, quả quyết lướt qua thật nhanh trên môi, bà giấu lá thư xuống bên dưới chồng thư, không nói một lời nào.
“Trong mớ thư từ nhân ngày sinh nhật của mẹ có gì vui không hả mẹ?”, Paul nói.
“Cũng được,” bà trả lời, sắc giọng lạnh tanh và trống rỗng.
Bà đi xuống phố mà không nói gì thêm. Nhưng tới trưa thì cậu Oscar ghé vào. Cậu nói mẹ của Paul đã nói chuyện với luật sư rất lâu về việc để cho bà nhận toàn bộ món tiền năm nghìn bảng một lúc, vì bà đang mắc nợ.
“Cậu thấy sao hả cậu?”, thằng bé hỏi.
“Tùy ý cháu thôi, cháu trai ạ!”
“Ôi, thế thì cứ để cho mẹ lãnh hết đi! Chúng ta vẫn còn có thể kiếm thêm được nữa mà cậu,” thằng bé nói.
“Nhóc ơi, một con chim trong tay vẫn hơn hai con trong bụi rậm nghe cháu!”, cậu Oscar thốt lên.
“Nhưng cháu cam đoan với cậu, cháu biết chắc chắn kết quả cho giải quốc gia, hay giải Lincolnshire, hay là giải Derby. Cháu đoan chắc là cháu biết một trong ba giải đó,” Paul nói.
Thế là cậu Oscar thuận ký vào bản hợp đồng và mẹ của Paul được cầm gọn trong tay toàn bộ số tiền năm nghìn bảng. Rồi sau đó có điều gì đó hết sức kỳ lạ xảy đến. Giọng nói trong căn nhà bỗng trở nên cuồng dại, cứ như có cả một dàn đồng ca ếch nhái đang ra sức hòa điệu trong những chiều mưa dầm. Ngôi nhà có thêm những đồ nội thất mới, và Paul cũng được có thày dạy kèm. Nó thực sự sắp được học ở trường Elton của bố nó ngày xưa vào mùa thu tới.  Vẫn còn có hoa trong mùa đông giá, và ánh hào quang xa hoa đã lại bừng sáng trên khuôn mặt bà mẹ như thuở nào. Và vẫn còn đó giọng thì thầm quái đản văng vẳng trong gian nhà, chúng lẩn khuất trong mùi hương mimosa và hạnh đào đang bung nở, và từ bên dưới những đống gối rực rỡ sắc màu, chúng không ngớt rền rỉ trong một cơn cuồng say ngầy ngật: “Phải có nhiều tiền hơn! Ôi chao, phải có nhiều tiền hơn! Ôi chao ơi, cần có ngay, phải có ngay, nhiều tiền hơn, c..ầ…n nhiều…u hơn, nhiều hơn nữa, nhiều hơn bao giờ hết!”
Chúng khiến Paul hãi sợ. Nó phải đi học thêm tiếng La tinh và tiếng Hy lạp. Nhưng chỗ thời gian còn lại nó dành hết cho Basset. Mùa giải quốc gia đã trôi tuột đi mất rồi: nó đã không “biết” được gì, và đã bị thua mất một trăm bảng. Mùa hè đang đến trong tầm tay.  Nó đang mong ngóng đến mùa giải Lincoln. Nhưng rồi ngay cả tới mùa giải Lincoln nó cũng vẫn không “biết”, nên lại mất thêm năm mươi bảng nữa. Ánh mắt nó trở nên lạc thần đến lạ lùng, cứ như thể đang có một thứ gì đang sắp bùng nổ trong nó.
“Yên trí đi, cháu! Đừng có quá lo lắng như vậy!” ông cậu khích lệ thằng bé. Nhưng có vẻ như nó thực sự chẳng nghe thấy cậu mình đang nói gì.
“Cháu sắp biết con nào sẽ thắng giải Derby! Cháu sắp biết giải Derby!”, đứa bé không ngớt lặp đi lặp lại, đôi mắt xanh biếc mở lớn lấp lánh cơn cuồng mê.
Mẹ thằng bé cũng chú ý thấy vẻ ưu tư căng thẳng của con mình.
“Mẹ nghĩ là con nên đi biển nghỉ thì hơn. Bây giờ con có muốn đi biển không, thay vì phải chờ đợi nhấp nhổm như vậy? Mẹ tin rằng nhờ vậy con sẽ thấy đỡ hơn”, bà vừa nói vừa lo lắng nhìn con, trái tim bà trĩu nặng nỗi hoang mang nghi ngại.
Nhưng thằng bé đã nhướng cao đôi mắt xanh kỳ bí:
“Con không thể đi đâu hết vào trước giải Derby được đâu mẹ!”, nó nói, “con không đi được đâu!”
“Tại sao không?”, mẹ nó hỏi, giọng bà nằng nặng vì vấp phải sự đối kháng, “tại sao lại không kia chứ? Con vẫn có thể đi biển xong rồi từ đó con đi xem giải Derby với cậu Oscar cũng được kia mà, nếu con muốn. Con đâu cần phải chờ cái giải đó ngay ở đây. Vả lại, mẹ thấy là con đã lưu tâm tới mấy cuộc đua đó nhiều quá rồi đó. Như vậy là quá tệ. Nhà ta là một kiểu gia đình bài bạc, và chỉ sau này lớn lên con mới hiểu được là chuyện ấy nguy hại như thế nào. Thế nhưng điều nguy hại ấy lại đang diễn ra. Chắc mẹ phải cho Basset đi chỗ khác, và yêu cầu cậu Oscar không được nói chuyện đua ngựa với con nữa trừ phi con chịu hứa với mẹ là sẽ đàng hoàng đúng mực hơn trong chuyện đó; đi biển nghỉ đi con, quên hết mấy thứ đó đi! Con quá sức căng thẳng vì nó rồi đó!”
“Con sẽ làm theo ý mẹ, mẹ à, miễn là mẹ đừng bắt con đi cho tới sau giải Derby,” thằng bé nói.
“Bắt con đi từ đâu? Chỉ từ căn nhà này thôi ư?”
“Dạ phải,” thằng bé đáp, nhìn mẹ mình chăm chăm.
“Tại sao vậy hả con, cái thằng nhóc kỳ cục này, cái gì làm cho con bỗng dưng để tâm quá sức tới căn nhà này như vậy chứ? Mẹ chưa hề được biết là con yêu nó đâu đấy!”
Thằng bé nhìn mẹ chằm chằm mà không nói gì. Nó có một bí mật bên trong một bí mật, một điều mà nó chưa từng hé lộ với ai, dù là với Basset hay ông cậu Oscar.
Nhưng mẹ nó, sau một lúc đứng thừ người do dự với đôi chút cau có, bà nói:
“Thôi được rồi! Không đi biển cho tới sau giải Derby, nếu như con muốn vậy. Nhưng con phải hứa với mẹ là sẽ không để bị phân tâm chia trí quá đáng nữa. Phải hứa là con sẽ không nghĩ ngợi quá nhiều về đua ngựa và mấy sự kiện ngựa nghẽo gì đó như con thường hay gọi nữa!”
“Ồ không đâu mẹ,” thằng bé thốt lên. “Con không nghĩ ngợi nhiều về nó nữa đâu mẹ. Mẹ đừng lo. Con mà là mẹ thì con cũng sẽ không lo đâu, mẹ à!”
“Nếu con là mẹ, và mẹ là con,” bà mẹ nói, “mẹ sẽ tự hỏi là chúng ta phải làm sao đây!”
“Nhưng mẹ vẫn biết là mẹ không cần phải lo lắng lắm đâu, phải không mẹ?”, thằng bé lặp lại.
“Nếu biết được như vậy chắc mẹ phải mừng lắm lắm,” bà mẹ mệt mỏi nói.
“Ơ kìa, mẹ có thể mà, mẹ biết được mà. Ý con là, mẹ nên biết là mẹ không cần phải lo lắng,” nó khẳng định.
“Mẹ nên ư? Vậy thì mẹ sẽ thấy điều đó,” bà mẹ đáp.
Điều bí mật của bí mật mà Paul đang mang là ở chính con ngựa gỗ của nó, đó là điều bí mật không tên. Kể từ khi nó thôi không còn chịu sự quản lý của chị vú nuôi nữa thì con ngựa gỗ ấy cũng được đưa lên để trong phòng của nó, ở trên tầng thượng của căn nhà.
“Mẹ cam đoan là con đã quá tuổi chơi ngựa gỗ rồi nghe!”, bà mẹ phản đối điều này.
“Mẹ ơi, mẹ biết rồi mà, cho tới khi con có thể có được một con ngựa thật, thì con cũng cứ thích có một kiểu thú nào đó”, câu trả lời muôn thuở của nó là như vậy.
“Bộ con nghĩ là nó cho con cùng chơi à?”, bà mẹ cười.
“Ồ, đúng vậy đó mẹ! Nó rất tốt, nó luôn cho con chơi cùng, mỗi khi con ở đó,” Paul nói.
Thế là con ngựa gỗ ấy, vốn dĩ cũng khá cũ kỹ rồi, được đưa vào đứng nhảy dựng bất động trong phòng của thằng bé.
Giải Derby đang tới cận kề, và thằng bé càng trở nên căng thẳng thêm lên. Nó khổ sở nghe thấy tiếng nói với riêng mình, càng trở nên gầy mướt đi, và ánh mắt càng thêm bí ẩn. Mẹ thằng bé cơ hồ cũng nhận biết được vẻ kỳ lạ khó hiểu của con. Có đôi lần, nàng thốt nhiên cảm thấy, trong khoảng nửa giờ đồng hồ, một nỗi lo âu đến thắt lòng về đứa con của mình. Nàng những muốn chạy bay tới bên con ngay lập tức, chỉ để được biết là nó vẫn bình yên.
Hai đêm trước khi giải Derby diễn ra, bà mẹ đang dự một buổi dạ tiệc ngoài tỉnh thì nỗi lo âu cuống cuồng về đứa con trai của nàng, về đứa con đầu lòng, lại chợt đến, nó bóp nghẹt quả tim khiến nàng không sao thốt được nên lời. Nàng cố gắng đấu tranh với cảm giác, bằng toàn bộ sức lực của mình, vì nàng vốn chỉ tin vào những gì hợp lý. Thế nhưng cảm giác ấy quá sức mạnh mẽ. Nó khiến nàng phải rời khỏi buổi dạ vũ và xuống tầng dưới để gọi điện về nhà. Người vú nuôi hoảng kinh khi nghe tiếng chuông điện thoại vào buổi đêm khuya khoắt.
“Bọn trẻ con vẫn ổn cả chứ, chị Wilmot?”
“Dạ, vâng, bọn chúng cũng khá ổn”
“Còn cậu Paul? Nó ổn không?”
“Dạ chắc chắn là cậu ấy đã đi ngủ rồi ạ. Thưa bà có cần con chạy lên lầu ngó chừng không ạ?”
“Thôi”, mẹ của Paul miễn cưỡng đáp, “thôi khỏi! Thôi được rồi, đừng quấy rầy nó. Chị cũng khỏi cần ngồi dậy. Bọn ta sắp về tới rồi đó”. Nàng không muốn sự riêng tư của cậu con trai bị xâm phạm.
“Dạ tốt lắm,” người vú em đáp.
Lúc ba mẹ Paul lái xe về đến nhà thì đã độ hơn một giờ khuya. Mọi thứ vẫn thế. Mẹ của Paul đi lên phòng, cởi bỏ chiếc áo lông thú màu trắng. Nàng đã nói gia nhân khỏi phải chờ nàng về. Nàng nghe tiếng chồng xuống nhà dưới, lách cách pha whisky với soda.
Rồi thì, do nỗi lo âu kỳ lạ vẫn ngự trong lòng, nàng bèn lẻn lên lầu, tới phòng cậu con trai. Nàng se sẽ bước dọc theo hành lang. Nghe như có tiếng gì lạ lắm? đó là cái gì vậy nhỉ?
Nàng đứng trân người, bên ngoài cửa phòng thằng bé, các cơ bắp căng cứng, cố sức lắng nghe. Có một thứ tiếng động nặng nề, nghe rất lạ tai, dù cũng không ồn lắm. Tim nàng như muốn ngừng đập. Đó là một thứ tiếng động không thành âm sắc, dù vẫn rất mạnh mẽ và gấp gáp. Một cái gì đó rất to lớn, đang di chuyển, lặng lẽ mà dữ dội. Là cái gì vậy? Ôi trời ơi, nó là cái gì kìa? Nàng cần được biết. Nàng cảm thấy mình biết thứ tiếng động này. Nàng biết đích thị nó là gì.
Thế nhưng nàng vẫn chưa định danh được nó. Nàng vẫn không thể nói được rằng, nó là cái gì. Và nó vẫn miệt mài đi, như một cơn cuồng mê.
Cả người như bị đóng băng trong lo âu và hãi sợ, nàng nhẹ nhàng xoay nắm cửa.
Căn phòng tối đen. Nhưng ở khu vực gần cửa sổ, nàng nghe, và thấy, một cái gì đó đang nhúc nhích tới lui.  Kinh ngạc và khiếp sợ, nàng nhìn nó chằm chằm.
Rồi bất thình lình nàng bật công tắc đèn, và nàng thấy con trai mình, mặc bộ pyjama màu lá, đang cưỡi con ngựa gỗ phi như điên như cuồng. Luồng ánh sáng vụt chói lòa lên, soi rõ thằng bé đang thúc ngựa gỗ; soi rõ cả nàng đứng đấy, ngay ngạch cửa, mái tóc vàng xõa tung trên bộ váy màu lá nhạt lấp lánh ánh pha lê.
“Paul”, nàng thét lên, “Con đang làm cái gì vậy?”
“Là con Malabar!”, thằng bé gào to bằng âm giọng kỳ bí đầy ma lực, “đó là con Malabar!”
Nó quét tia nhìn kỳ lạ trống rỗng qua phía nàng, trong khi vẫn không ngớt phi con ngựa gỗ của mình. Và rồi nó đổ ập xuống sàn, và nàng, với tất cả tình mẫu tử đầy đớn đau vừa dâng lên nhấn chìm nàng trong đó, vội vã chạy tới đỡ con dậy.
Nhưng thằng bé đã bất tỉnh, và tiếp tục mê sảng nhiều ngày sau đó, do sốt bại não. Nó cứ vật vã và nói lảm nhảm, với bà mẹ ngồi bất động như hóa đá bên cạnh.
“Malabar! Chính là con Malabar! Basset ơi, Basset, ta đã biết rồi, chính là con Malabar!”
Thế rồi thằng bé khóc, đòi ngồi dậy để được cưỡi lên con ngựa gỗ đã mang lại cho nó niềm hứng khởi vô bờ.
“Nó cứ nói Malabar hoài là ý gì?”, bà mẹ với trái tim hóa đá hỏi.
“Tôi không biết,” ông bố lạnh lùng đáp.
“Cháu nó nói Malabar là sao hả cậu?”, nàng hỏi cậu em Oscar của mình.
Câu trả lời là, “Đó là tên của một con ngựa sẽ đua trong giải Derby sắp tới”.
Và, mặc dù tự mình cũng thấy lướng vướng, ông cậu Oscar Cresswell cũng kể lại cho Basset nghe thông tin này, rồi bản thân ông cậu cũng đặt một nghìn bảng cho con Malabar với mức chung mười bốn ăn một.
Đến ngày thứ ba thì cơn bệnh thực sự nguy kịch: bọn họ trông chờ một thay đổi. Thằng bé, với những món tóc loăn xoăn đã khá dài cứ vật vã xoay trở trên gối. Nó không hề ngủ, cũng chẳng có vẻ gì là đã tỉnh, và đôi con mắt của nó giờ đây trông như hai viên đá xanh lạnh lẽo. Mẹ nó ngồi cạnh bên, tưởng như tim mình đang hóa đá.
Buổi chiều hôm đó, Oscar Cresswell không tới, nhưng Basset lại nhắn hỏi rằng, anh ta có được phép tới thăm một lúc không, chỉ một lúc thôi? Mẹ Paul lúc đầu rất giận vì sự xâm phạm này, nhưng sau một thoáng suy tính, nàng đồng ý. Thằng bé thì vẫn vậy, không có gì khả quan. Biết đâu Basset có thể làm cho nó tỉnh lại.
Gã làm vườn ấy, vốn là người thấp bé với chum ria mép màu nâu và đôi mắt nâu nhỏ tinh ranh, rón rén bước vào phòng, khẽ chạm cái mũ tưởng tượng của anh ta vào bà mẹ của Paul, rồi trườn tới bên giường thằng bé, giương đôi m ắt nhỏ híu hấp háy nhìn đứa bé đang vật vã trong cái chết dần chết mòn.
“Cậu Paul!”, hắn thì thào, “cậu Paul! Đúng là con Malabar đã về nhất rồi nghe, thắng gọn luôn. Tôi đã làm y như lời cậu dặn. Cậu đã kiếm được hơn bảy mươi nghìn bảng rồi đó, rồi cậu sẽ có được trên tám mươi nghìn bảng. Con Malabar đúng là về nhất rồi đó nghe cậu”
“Malabar! Malabar! Phải con đã nói với mẹ là con Malabar phải không mẹ? Có phải con đã nói cái tên đó đúng không? Mẹ thấy con may mắn chưa? Con đã biết là Malabar sẽ thắng mà, đúng không? Hơn tám mươi nghìn bảng! Mình gọi cái đó là may mắn, phải không mẹ? Hơn tám mươi nghìn bảng! Con đã biết đúng, phải vậy không? Malabar đúng là đã về nhất. Một khi tôi mà cưỡi con ngựa của tôi cho tới lúc tôi chắc chắn được tên con nào về nhất, rồi tôi cho ông hay đó, Basset, thì ông có thể đặt cao  tới chừng nào cũng được. Ông có theo không vậy hả Basset?”
“Có, tôi đặt một nghìn bảng cho nó đó, cậu Paul à!”
“Mẹ ơi, con chưa từng nói với mẹ, là nếu con có thể cưỡi con ngựa của con, rồi phi mãi, phi mãi, tới chỗ đó; thì con có thể đoan chắc, ôi chao, hoàn toàn chắc chắn đó mẹ! Mẹ ơi, con đã nói với mẹ chưa nhỉ, con chính là người may mắn đó!”
“Không, con chưa hề nói”, bà mẹ đáp.
Nhưng đứa bé đã qua đời ngay đêm đó.
Và khi nó đã nằm yên bất động, bà mẹ vẫn nghe thấy người em nói với mình:
“Lạy Trời, chị Hester à, một đàng thì chị có được tới tám mươi nghìn bảng, đàng khác chị lại có một đứa con bị ma ám đến tội nghiệp. Thế nhưng, tội nghiệp thằng bé bị ma ám, nó đã vĩnh viễn thoát khỏi cuộc đời này - nơi mà nó đã từng cưỡi ngựa gỗ đi tìm kẻ chiến thắng.”
       
Trần Đan Hà

Xem Tiếp: ----