Dường như nước Nga xa xôi đã được đặt vào trong cái góc mờ nhạt nhất của ký ức.
Chỉ có đôi lúc, giữa mùa nắng lửa miền Trung, Hiên lại mơ thấy mình mặc áo khoác dày cộp đi dưới một trời mịt mù tuyết bay, những hàng cột đèn đường với những đốm sáng vàng vọt và cái lạnh như nắm lấy được, sự cô đơn giá lạnh làm Hiên như ngạt thở...
Năm ấy, chừng hai tháng trước khi về Việt Nam, Hiên và Lương đến ở nhờ Châu - một anh bạn lớn tuổi cùng làm xí nghiệp giày với Lương hồi mới sang Nga. Châu thuộc dạng anh chị làm ăn có tiếng một thời ở vùng Viễn Đông. Sau mấy vụ mất mát gần như sạch tay, anh quay lại K. thuê một quầy hàng ở chợ trung tâm để bán áo da. Căn hộ Châu thuê chỉ có một buồng rộng chừng 30m2, còn lại là phòng bếp, buồng tắm... Hiên và Lương kê một chiếc giường trong góc phòng, căng một chiếc riđô, nhưng ban ngày thường được vén lên gọn ghẽ. Châu nằm trên chiếc giường ở góc kia của căn phòng.
Hiên thường thích ra bếp, kê chiếc ghế đẩu ngồi một mình trong khung cảnh ấm áp và tì má nhìn qua cửa sổ. Thành phố tỉnh lẻ buồn tới não ruột. Nhưng có đâu là vui, ở cái nơi xứ người này, mùa tuyết chỉ tụ họp trong từng căn hộ những thân phận ly hương. Đàn ông đánh bài giải khuây, rồi đến đàn bà cũng tụ tập đánh không khác gì đàn ông. Chẳng còn trò vui gì khác. Xem tivi, tiếng nước ngoài không hiểu, nhanh chán, bật lên, lại tắt.
Lương có đêm ngồi đánh bài đến sáng, tan cuộc đỏ đen vào rửa mặt rồi đi chợ luôn. Ra chợ vào kho lấy hàng, sắp xếp cho bà già người Nga bán hàng thuê ngồi bán rồi bắt taxi về nhà ngủ vùi. Có hôm dậy được thì gần tan buổi chợ, đi taxi ra xếp hàng vào kho, ghi sổ với bà người Nga, còn hôm nào không dậy được thì cứ mặc bà ta gọi cửu vạn chở hàng vào kho, tính toán mọi thứ chi tiêu trong ngày cũng như kiểm hàng. Cái cách làm ăn kiểu ấy bên này dân đi chợ chỉ có lắc đầu lè lưỡi.
Song chị em quen biết Hiên khuyên cô không nên nản, đàn ông vốn ham chơi nhưng một lúc nào đó sẽ tu tỉnh, lấy nhau có đứa con rồi mọi chuyện sẽ khác. Vả lại về Việt Nam cô có còn ai thân thích đâu. Bố mất lâu rồi, mẹ thì lấy chồng tận miền Nam, cũng vì vậy mà cô có mặt ở nước Nga này. Ngày ấy đi xuất khẩu lao động ưu tiên chọn con em liệt sĩ, cả làng cô chỉ có hai người. Cái Lanh cùng đi đã về cách đây 4 năm khi vừa hết hợp đồng lao động. Còn cô thì yêu Lương rồi nấn ná ở lại mãi đến giờ. Sống với nhau rồi mới hiểu tính nết. Nhiều thứ biết ra thì đã muộn. Lương thường hay hứa sẽ cố gắng thay đổi nhưng Hiên cũng thừa hiểu là anh chẳng làm được điều gì ngoài những món nợ ngày càng chồng chất do thua bạc.
Công việc thường ngày vẫn như vậy đối với Hiên. Nấu nướng, đi chợ rồi đợi. Để rồi chỉ có Châu về. Còn Lương vẫn cứ hàng đêm không có mặt, hoặc 2 - 3 h sáng mới về, không hề để ý đến tình cảnh khó xử của Hiên khi để cô lại một mình trong căn hộ với Châu. Có hôm Hiên xuống nơi anh thường tụ tập đánh bài tìm thì bị anh đuổi về. Máu cờ bạc làm Lương như mê mụ đi. Anh không còn để tâm đến sự tuyệt vọng cũng như tình cảm của cô nữa. Tiền đã cạn, mà mùa đông mới chỉ bắt đầu. Thậm chí nếu Hiên muốn về nước bây giờ cô cũng không thể xoay nổi khoản tiền mua vé nữa. Kể cả có đủ tiền vé để về, Hiên cũng chưa hình dung ra mình sẽ làm gì sau khi về nước. Vả lại còn Lương, tình yêu chẳng hiểu là còn hết thế nào, nhưng vẫn có một sợi dây vô hình ràng buộc. Thôi thì cũng cố gắng cho qua mùa đông...
Tuyết đầu mùa lặng lẽ rơi trên những rặng cây ngoài cửa sổ. Nhiệt độ trong phòng cũng hạ xuống, mặc dù hệ thống lò sưởi đã bắt đầu làm việc. Hiên mua về mấy cuộn bông rồi tỉ mẩn nhét vào những khe cửa kính. Sau khi đã nhét kín, cô cắt giấy báo ra thành những mảnh dài và bắt đầu dán chúng lên những khe cửa. Tay đã tê cóng mà mới xong một ô cửa sổ, cô tạm hoãn công việc của mình và đi nấu cơm.
Vừa nấu xong cơm thì Châu tan chợ về. Anh hớn hở khoe một xâu tôm sông đã luộc đỏ rọi. Hai người dọn hết đồ ăn ra bàn rồi mà Lương vẫn chưa về. Trong lúc chờ, Châu giúp Hiên dán nốt hai ô cửa kính còn lại. Căn phòng ấm áp hẳn lên. Bữa cơm có hai người nhưng cũng vui vì Châu kể cho Hiên nghe đủ thứ chuyện xảy ra ở ngoài chợ hôm nay. Dân Việt Nam mình ở đây gặp nhau ai cũng chỉ chào nhau một câu cửa miệng: "Dạo này chợ búa thế nào?". Khách ở thành phố khác đến muốn tìm người thân thì cứ ra chợ, nơi người Việt Nam bán hàng mà hỏi là nhanh nhất. Đến cả trai chưa vợ gái chưa chồng tìm hiểu nhau cũng cứ ra chợ là gặp.
Hiên đi ngủ trước. Cô kéo chiếc riđô che giường và thấy sao mà giận Lương đến thế. Anh đẩy cô vào cái tình cảnh chẳng hay ho này không chỉ một lần.
Người đàn ông đi vào buồng tắm và ở trong đó rất lâu. Tiếng nước xối ào ào làm Hiên không thể nào chợp mắt. Châu bước vào phòng sau khi tắt điện buồng tắm, trong phòng chỉ còn ánh sáng hắt từ chiếc tivi mở hình nhưng tắt tiếng. Anh bấm lung tung vài chương trình rồi ngáp. ánh sáng từ màn hình phụt tắt. Thường những đêm Lương không về hoặc về muộn thế này, Hiên rất sợ, và bao giờ cũng phải chờ cho tới khi nghe thấy tiếng ngáy say sưa như kéo gỗ của Châu rồi mới dám chợp mắt. Nhưng đêm hôm ấy, đèn đã tắt rất lâu rồi mà không thấy tiếng ngáy như thường lệ. Hiên chờ, chờ mãi, rồi người cô cứng lại vì sợ. Sự lặng lẽ trong căn phòng thật khủng khiếp với Hiên. Cô như nghe rõ cả hơi thở phập phồng của mình, tiếng tích tắc của chiếc đồng hồ báo thức đặt trên tivi, và cả tiếng ì ầm rất nhỏ mỗi khi xe ôtô chạy qua đại lộ ngoài xa. Chợt có tiếng húng hắng ho của Châu. Anh trở mình huỳnh huỵch trên chiếc giường lòxo, rồi Hiên nghe rõ tiếng anh trở dậy, và tiếng chân của Châu nặng nề đến gần giường cô. Hiên nín thở. Cô gắng lấy giọng bình thường, hỏi: "Anh Châu không ngủ được à?".
Câu trả lời nặng nề: "Ừ, chẳng hiểu sao".
Câu chuyện của người đàn ông kể bột phát không đầu không cuối trong đêm khuya. Quê anh ở Hưng Yên. Nhà có tới 6 anh chị em, anh là cả, tới nay mọi người trưởng thành có gia đình hết, mình anh lang thang bên này, 38 tuổi vẫn chưa vợ. Cũng vài lần yêu nhưng không thành, rồi mải mê làm ăn... Gần ba chục tuổi sang Nga theo diện xuất khẩu lao động đến bây giờ đã là 11 năm, chưa một lần về phép.
- Cái số anh nó không may, cuối năm 1991 nhà máy cho về phép thì trúng cái đợt sao mà dân việt Nam mình về đông thế. Anh mang 45kg hành lý ra sân bay đúng 8 lần, có lần đã qua cửa soi người rồi, vậy mà vẫn không lên được máy bay. Ăn mấy dùi cui của cảnh sát Nga, hành lý thì mất gần hết, lần cuối bực quá, quăng hết hành lý đi, ôm mỗi con búp bê đầu bẹp rúm với quyển hộ chiếu và vé máy bay, hy vọng mỗi người không thì đi lọt, vậy mà đành ngậm ngùi quay về K. Sau đấy có đến mấy năm liền cứ nghĩ đến chuyện về phép mà sợ. Gặp thằng bạn rủ xuống Viễn Đông đánh hàng, thư từ liên lạc với gia đình cũng đứt đoạn luôn. Mãi đến năm 1996, có thằng bạn người cùng huyện về mới gửi cho bố mẹ mấy trăm đô và ít thuốc bổ...
Thế mà các cụ cũng có được dùng, được tiêu đâu...
Giọng Châu nghẹn đi, dần thành từng tiếng nấc:
- Bố anh mất hồi đầu năm 1995, năm sau cụ bà cũng đi theo cụ ông. Hồi sang trả phép, thằng bạn cứ giấu mãi mới cho anh biết. Đợt ấy định bổ về thì hộ chiếu lại hết hạn, phải chờ đổi hộ chiếu mới. Bây giờ có hộ chiếu thì làm ăn lẹt đẹt quá. Anh cũng chỉ cố đến hết vụ áo da này, có nhiều tiền anh sẽ về xây cho mỗi cụ một ngôi mộ thật to, thật đẹp...
Hiên sửng sốt. Cô định cất tiếng nói một câu gì đó để an ủi Châu, nhưng cổ họng cứ như tê cứng. Cô muốn bật điện lên, đến bên người đàn ông to béo có khuôn mặt thật thà, đã không còn trẻ, đang khóc hu hu như một đứa trẻ ấy ở giường bên kia. Nhưng không thể. Sau rất lâu, có thể là chính sự im lặng của Hiên đã làm cho Châu bình tĩnh lại. Anh vùng dậy, mặc quần áo rồi mở cửa ra bếp ngồi hút thuốc. Thật đáng thương, Châu thật đáng thương. Nhưng lúc ấy Hiên không còn nghĩ tới Châu nữa. Những điều Châu vừa kể làm cô sợ đến nhũn người. Thật hãi hùng, cái cuộc đời hữu hạn này, thế mà trong những lúc tối tăm, u mê, không chỉ cô, Châu, Lương mà còn bao người khác cứ nghĩ là nó vô hạn. Mà thời gian thì cứ thăm thẳm trôi đi không trở lại. Mình phải làm gì? Làm gì đây? Mắt khô khốc, cô nhìn, mà chỉ thấy bóng đen thẫm màu trong phòng do rèm cửa kéo rất kín. Sau tấm kính cửa phòng bếp thi thoảng lập loè đốm lửa thuốc đang hút của Châu. Cô muốn dậy bật điện lên, hay lên tiếng gọi Châu bật điện hộ mà không hiểu sao lại cứ nằm chết lặng. Thấy tức thở, như hồi nhỏ đi chăn trâu tắm sông bị hụt chân uống no nước vậy. Và như cái lần nhận tin bố hy sinh ở biên giới năm cô 9 tuổi, Hiên không khóc được, nấc khan và thấy người bủn rủn, khiếp nhược trong một nỗi sợ hãi vô bờ.
Mọi chuyện sau đó diễn ra rất nhanh. Số tiền hơn 100 đô cô dành được và 300 đô nữa do Châu nhận mua giúp chiếc tivi - tài sản quý giá cuối cùng của cô - vừa đủ để mua vé máy bay và làm visa. Quyết định của cô thật nhanh chóng và cương quyết. Khi đã cầm vé máy bay trên tay rồi, Hiên mới đi tìm Lương và nói tất cả. Gọi là nói tất cả chứ thực ra cũng không có gì nhiều để mà nói. Chỉ toàn là nước mắt. Vả lại Lương cũng chẳng còn gì, ngoài nước mắt để tiễn Hiên. Cũng chẳng giữ một lời. Và giữ thế nào được, vé đã mua rồi, lòng người đã quyết. Làm ăn lúi xùi mãi, là người không có chí, sinh lười, sinh mê muội cờ bạc, Lương không trách ai được nữa, chỉ biết nguyền rủa chính mình. Thật nhục nhã, chẳng lo nổi cuộc sống cho người ta, làm khổ người ta, cũng không lo liệu được đồng nào cho người ta về đỡ tủi, mình là thằng bất nghĩa thật rồi. Đưa Hiên ra ga đi tàu lên Mátxcơva để bay về nước, Lương thấy đời mình đã bỏ đi.
Khi Hiên đến chào mấy anh chị đồng hương làm cùng nhà máy trước kia, ai cũng ngạc nhiên, khuyên cô nghĩ lại. Họ bị ám ảnh bởi cái nghèo, cái cực nơi quê nhà khi cất bước ra đi. ở đây dù thế nào chăng nữa cũng sướng bằng vạn ở Việt Nam. Mà về bây giờ vốn liếng không, bằng cấp không, có mà chết đói... Chính Hiên cũng chẳng hình dung sẽ gây dựng cuộc sống cho mình ở Việt Nam như thế nào, nhưng cô cảm tưởng nếu không về nhanh, thì cuộc đời của cô sẽ bỏ lỡ hết, sẽ chỉ là "ngôi mộ thật to" như lời Châu nói về bố mẹ anh. Thế mà cô còn trẻ, còn muốn sống, còn khát khao được sống. Cô cũng chẳng còn nghĩ được đến Lương nữa. Chỉ lúc ở sân ga, khi Lương đưa hành lý của cô vào trong khoang rồi cầm tay cô nước mắt giàn giụa, cô mới lặng đi, hiểu rằng họ chia tay nhau mãi mãi. Nỗi đau chia xa, mối tình đầu tiên với người đàn ông đầu tiên gắn bó, làm cô thổn thức...
Hình ảnh cuối cùng Hiên ghi nhận về nước Nga là sân bay Sheremenchevơ II, những chiếc xe cào tuyết trên đường băng, vòm trời xám, cái lạnh tới âm 21oC, tuyết bay mù mịt. Và dáng to lớn của Châu thoáng hiện giữa biển người đưa tiễn...

Xem Tiếp: ----