“Vẳng nghe chim vịt kêu chiều
Bâng khuâng nhớ mẹ chín chiều ruột đau”
(Ca dao)
Gió thổi dịu êm.
Nắng vàng loang loáng.
Hàng đế mọc bên kia bờ sông nghiêng đầu xào xạc.
Chiều quê đìu hiu…
Tôi buộc dây xuồng vào cây cọc trê cắm cạnh đầu cầu rồi bước lên bờ ngồi tựa lưng vào thân mù u kề Thắm. Hai đứa cùng hướng xuống dòng sông. Con nước chiều đang lớn.
- Anh bơi xuồng cũng giỏi quá! - Thắm quay sang nhìn tôi khẽ nói.
- Em không ngờ phải không?
- Ừ… a!
Tôi bật cười và chợt nhớ đến vẻ mặt của thầy Quang dạy môn Giải phẫu học của khoa. Mỗi lần đồng ý với sinh viên điều gì thầy chỉ gật đầu “ừa” một tiếng ngắn ngủi làm cho cả lớp cười rần. Giờ đây nhìn cái miệng hay giận dỗi của Thắm chúm chím cố bắt chước chữ “ừa” của thầy sao thấy thương ghê!
Em lại nhìn tôi phụng phịu:
- Giống hông?
- Giống!
- Giống ai?
- Giống anh!
Mắt Thắm cụp xuống đẩy sang tôi một cái nguýt dài ngoẳng kế đến là cái nhéo vào vai đau điếng:
- Quỷ yêu!
- Quỷ mà được yêu cũng sướng! – Tôi nhìn em giễu cợt.
- Hổng dám đâu!
Thắm xoay lưng vè phía tôi. Tôi biết đó là dấu hiệu ngầm bảo rằng “nghỉ chơi luôn. Ðừng hòng năn nỉ” mà em thường đem ra dọa tôi mỗi khi thua cuộc.
Tôi khẽ liếc nhìn em: Em đang mải mê theo dõi con chuồn chuồn ớt lúc bay lúc đậu một cách thích thú dường như không chú ý đến sự hiện diện của tôi ở bên cạnh. Kệ, để vậy luôn coi ai làm lành trước. Con gái mau giận mau quên mà!
Thả lòng mình mênh mang theo con nước. Tôi ngồi suy nghĩ vẩn vơ…
Cứ cách hai ba tuần Thắm từ nhà trọ lại vào ký túc xá rủ tôi về đây chơi. Tôi đèo em trên chiếc xe đạp cà tàng cót két xuôi vê Cái Răng – Vùng ngoại ô quê ngoại Thắm.
Thời gian vẫn chậm chạp trôi trong sự yên lặng của hai đứa. Con nước lớn đã lên mấp mé đầu cầu. Mấy dề lục bình ngẩn ngơ trôi lang thang như bầy gà con lạc mẹ. Chắc hồi trưa này những người đi xúc lục bình đã tách chúng ra khỏi đám. Nắng vàng mỗi lúc một nhợt nhạt hơn. Có tiếng chim kêu trong chiều khắc khoải.
Thắm qua sang bê khều tôi (Em làm lành rồi đó):
- Ðố anh con gì kêu?
Tôi cười:
- Con chim vịt chứ gì.
Thắm tròn mắt:
- Anh cũng biết nó nữa ư?
Tôi gật đầu:
- Nó có màu lông hơi sậm. Mỏ giống tựa mỏ vịt. Ðúng không?
Thắm nhìn tôi thán phục
- Ðúng rồi! Anh tài thật.
Tôi trầm ngâm lặng lẽ trước lời khen của Thắm. Nỗi buồn từ đâu nhẹ đến len lén đi vào tim tôi – đau nhói. Thắm nào hiểu được! Tôi cũng có một vùng quê để thương để nhớ giống như em. Nơi ấy cũng có dòng sông bên bồi bên lở. Cũng có con chim vịt kêu trong chiều hoang vắng…
Ôi tiếng con chim vịt. Một thời tôi ghét đắng ghét cay sao giờ đây nghe bồi hồi…
… Căn nhà lá nghèo nằm giữa đồng không hiu quạnh. Người mẹ bị liệt hai chân không đi đâu được. Người cha ngày ngày dầm dãi nắng mưa chăn vịt trên đồng. Út Lượm là đứa con duy nhất trong gia đình ấy. Cái tên Lượm mà cha mẹ đặt cho nó khiến bọn trẻ trong xóm thường xuyên chọc ghẹo:
- Hồi đó má mày “lụm” mày ở đống “gác” đó. Nên bây giờ mày có tên là “Lụm”. Ê, lêu lêu. Mắc cỡ!
Út Lượm bặm môi nhìn bọn trẻ. Cuối cùng chịu không nổi nó chạy về nhà:
- Má ơi, bộ hồi đó má “lụm” con ở đống “gác” hả?
Bà mẹ cười:
- Ðâu có. Con là do ba má đẻ ra chứ lượm hồi nào.
Út Lượm vẫn chưa tin.
- Sao tụi nó nói…
- Tại con ở dơ nên tụi nó mới chọc đó!
Trưa hôm đó Út Lượm lấy xơ dừa ngồi kỳ cọ hàng giờ. Rồi nó ăn mặc sạch sẽ đi tìm bọn trẻ dõng dạc tuyên bố?
- Má “tau” nói: “Tau là con của má “tau” do má “tau” đẻ ra chứ không “lụm” ở đống “gác” nào hết!
Bọn trẻ nhìn nó ngạc nhiên rồi khúc khích cười. Chúng rủ nhau lấy tay thấm nước miếng quẹt lên mặt Lượm. Út Lượm thấy ghê ghê cứ lấy nước chùi chỗ ấy mãi. Nhưng nó chưa chùi sạch chỗ này thì bọn trẻ tinh quái lại quẹt sang chỗ khác. Cuối cùng Út Lượm chỉ còn biết giận dỗi bỏ chạy về nhà sà vào lòng mẹ mếu máo.
- Tụi nó chọc con.
Người mẹ ôm con xoa đầu dỗ dành:
- Nín đi con đừng khóc. Con má sạch sẽ “mơi” mốt lớn lên sẽ làm bác sĩ cho coi.
Út Lượm mở to mắt nhìn mẹ:
- Làm bác sĩ là sao má?
- Ờ… ờ là người ta bị bệnh con chích một mũi thuốc là hết liền.
Nghe mẹ nói Út Lượm khoái lắm. Nó chạy đi khắp xóm khoe với bọn trẻ:
- Nữa lớn lên “tau” làm bác sĩ. Ðứa nào bệnh “tau” chích một mũi thuốc là hết liền.
Bọn trẻ xì xầm với nhau rồi từ đó gọi nó là: “bác sĩ Lụm”. Út Lượm không biết bọn trẻ gọi như thế là giễu cợt hay thán phục nhưng nó thấy “oai lắm”.
Lớn lên một chút ngoài thời gian đi học Út Lượm còn giúp cha chăn vịt.
Có một buổi chiều khi lùa vịt về Út Lượm đếm thấy thiếu mất mấy con. Nó lặn lội đi tìm. Giữa đồng xanh vắng lặng. Út Lượm lắng tai nghe có tiếng vịt kêu xa xa. Nó nhắm hướng lội tới vậy mà gọi khan cổ, tìm mỏi cả mắt vẫn không thấy con vịt nào. Trời chạng vạng. Út Lượm sợ ma nó trở về nhà khóc mò. Bà mẹ lại an ủi:
- Thôi con ạ, bỏ đi. Chắc là bị lươn “gúc” mất “gồi”!
Út Lượm ấm ức cãi lại:
- Lươn đâu có “gúc”. Con nghe tiếng chúng “kiêu” mà tìm hoài không có gặp?
- Chắc là con nghe lầm tiếng vịt “gồi”.
Út Lượm chưng hửng!
Hôm sau chăn vịt, Út Lượm ngồi rình hàng giờ mới tìm thấy con chim lạ đó. Té ra con chim vịt chỉ có bằng nắm tay không có vẻ gì hung ác cả. Út Lượm chỉ ghét tiếng kêu của nó mà thôi.
Cứ vậy Út Lượm lớn lên giữa vùng sông nước thân yêu. Những sáng đến trường, những chiều ra ruộng, những trưa chơi với trên đọt bần canh vịt, cái mộng bác sĩ vẫn đeo đuổi nó hoài. Nhưng rồi kỳ thi đại học đến, Út Lượm thi rớt. Hôm nhận được kết quả nó ra bờ ruộng ngồi một mình buồn bã: Hóa ra thi đại học khó hơn tìm vịt lạc gấp mấy lần! Bà mẹ thương con:
- Thôi con à. Thi “gớt” thì thi lại. Mấy có ai thi đều đậu cả đâu? Ba má sẽ cho con lên Cần Thơ luyện thi.
Út Lượm tần ngần nhìn là da sạm nắng của cha. Nó chẳng muốn đi. Mắt nó chợt nhìn xuống đôi chân của mẹ. Không, nó phải làm bác sĩ mới được…
- Bộ còn giận hả? - Tiếng Thắm vang lên bên tai kéo tôi trở về thực tại.
- Ðâu có!
- Chớ anh làm gì buồn so vậy?
- À, anh đang nghĩ về… con chim vịt!
- Nó có gì đâu mà anh phải nghĩ? - Thắm ngúng nguẩy giận dỗi.
Tôi lảng tránh cái nhìn của em:
- Thôi mình vào xin phép ngoại về “ngoài” đi. Trời sắp tối rồi đó.
Thắm lẳng lặng gật đầu.
Quảy giỏ đệm đầy trái cây trên vai, tôi cùng em rảo bước trên con đường quê chạy dọc theo sông ra lộ. Con nước lớn đã khựng lại không còn trôi nữa. Mấy dề lục bình lơ ngơ đứng ở giữa dòng. Bên kia sông đồng lúa trải dài xanh ngút mắt. Sương đã buôn thành một lớp màn mờ xa xa. Tiếng chim vịt đâu đó vẫn khắc khoải vang lên nghe thương – nghe nhớ - nghe buồn. Tuổi thơ của tôi đã trôi êm như dòng sông này vậy. Mẹ tôi đã mất rồi! Mất khi tôi chưa kịp thành bác sĩ – Chưa kịp chữa trị cho đôi chân mẹ đi lại bình thường…
- Vịt… vịt… vịt…! Vịt… vịt… vịt…!
Con chim vịt vẫn vô tình kêu từng tràng não ruột. Mắt tôi tự dưng cảm thấy cay sè. Tôi bùi ngùi nắm lấy tay Thắm như muốn nói cùng em.
- Thắm ơi, chỉ có những người không còn mẹ như anh mới hiểu được tiếng chim vịt kêu chiều…

Nguyễn Tấn Phong 


Xem Tiếp: ----