Lớp 5A của tôi hồi ấy thật lý tưởng. Trước cửa lớp, một gốc phượng to, tán lá xoè như cái lộng, mát rười rượi. Hai ô cửa sổ là khoảng trời xanh thẳm, có hôm bồng bềnh mây trắng.
Giờ từ ngữ. Cô tôi kiểm tra bài cũ. Bên ngoài lớp, nắng vàng chanh diu dịu, ông mặt trời sắp ngã bóng chếch chếch về tây. Gió hiu hiu lùa qua cửa sổ, làm thằng Vì ngồi kế tôi nghẻo một giấc. Thấy nó híp mắt nãy giờ, tôi thấy tội nên không kêu. Nó ngủ thật ngon lành, tôi lấy cái đuôi của bím tóc ngoáy vô mũi nó... vậy mà nó vẫn ngủ. Hèn nào mà nó chẳng phúng phính. Tôi nghe người lớn nói “ngủ gục là một liều thuốc bổ vô giá. Ta hãy cứ ngủ gà ngủ gật cho dù chỉ một phút thôi”. Thằng Vi chuyên môn ngủ gục, nhất là những giờ học nào có liên quan đến môn tiếng Việt. Cứ nghe cô tôi mở đầu giới thiệu bài học mới thì nó limdim mắt “ngỗng” rồi.
- Thái Vi!
Chết thằng Vi, tôi thì thuộc bài làu làu mà nghe cô gọi nó, tự dưng tôi cũng giật thót mình mẩy. Tôi “phết” vô hông nó một cái. Thằng Vi nhương nhướng hai con mắt, lè nhè:
- Thằng nào quýnh tao vậy?
Tôi nổi sùng nhéo nó thêm một nhát:
- Cô gọi mày trả bài kìa!
Nó tỉnh ngủ hẳn, đứng phắt dậy, tay dụi mắt, tay sửa sửa cái bâu áo, rồi cầm tập từ ngữ thủng thỉnh đi lên bàn cô. Nó vừa tới nới, cô tôi hỏi:
- Em thuộc bài không?
- Nó nhanh miệng:
- Dạ thuộc.
Cô xem tập nó, xoay qua bảo:
- Em đọc cho cô nghe một câu tục ngữ nói về thời tiết đi.
Thằng Vi ngước mắt nhìn lên trần nhà, làm như câu tục ngữ nằm trên đó không bằng. Nó mấp máy đôi môi rồi đọc một hơi thiệt lẹ:
- “Chuồn chuồn bay thấp thì cao. Bay cao thì nắng bay vừa thì mưa”.
Cả lớp cười nghe cái ì. Tôi nhìn mặt anh chàng đang tỉnh bơ mà rủa thầm: “Thằng xạo gì đâu, hông thuộc bài thì nói thiệt với cô đi còn bày đặt”. Cô tôi mím chặt môi để tiếng cười không bật ra, cô bảo nó:
- Cô cho em một câu khác.
Thằng Vi gãi cái đầu sắp chôm bôm lên, hai con mắt trợn lên, trợn xuống. Cô tôi nhắc:
- Cái gì... táp, cái gì... sa? Em điền thêm hai từ đi.
Thằng Vi không ngần ngại vọt miệng:
- Thưa cô, chó táp đường xa!
Thánh thần ngó xuống mà coi cái ông Vi lười biếng. Cả lớp tôi được dịp cười nôn hết ruột gan. Cô tôi lúc này không cười nữa, cô nổi giận thật sự:
- Cả lớp trật tự! Thái Vi, em về chép phạt cho cô hai mươi lần hai câu tục ngữ vừa rồi thật chính xác. Sai một chữ, cô phạt gấp ba!
Thằng Vi tiu nghỉu về chỗ ngồi, mặt nó lúc này như quả gấc. Tới chỗ ngồi, nó lầm bầm với tôi:
- Sao mày hổng nhắc tao gì hết trơn!
- Câu dễ ợt vậy mà nhắc nổi gì. Hổng cần học cũng nhớ nữa là... Mày đúng là con ngỗng, Vi ạ, đáng đời mày. Cứ hổng thuộc bài, ngủ gục hoài đi thi đừng hòng chơi với tao nữa – Tôi hăm he nó. Thằng Vi xuống nước nhỏ:
- Thôi, để tao ráng, mày đừng la tao nữa!
Tôi lườm nó, lên giọng:
- La cái gì. Thôi, nghe giảng bài kìa.

*

Qua bao mùa me thay lá. Con đường tuyệt vời nhất của lũ học sinh chúng tôi ngày hai bận đi về xôn xao trắng ngợp. Mấy mùa phượng, hoa tàn rồi lại nở. Chúng tôi rời bỏ tuổi thơ đầy ấp bao kỷ niệm dấu yêu. Và trong một đỗi quá tình cờ, tôi gặp lại Thái Vi ngay ở chính lớp 12B này. Một sự trùng hợp, lớp 5A, lớp cuối cấp I, lớp 12B cũng là lớp sau cùng.
Một Thái Vi phúng phính ngày xưa bởi được tẩm bổ bằng những cơn ngủ gà ngủ gật và luôn bị điểm ngỗng môn Tiếng Việt. Lớp đặt cho cái tên “Vi ngỗng” chết danh, tôi mãi vẫn nhớ hoài, làm sao quên được cơ chứ.
Thái Vi bây giờ trông đĩnh đạc, ra vẻ húi cua, mày râu nhẵn nhụi đường hoàng lắm rồi. Duy có đôi mắt, coi bộ của ấy nhường cho tôi thì hợp hơn, con trai gì mà mắt ươn ướt, lông mi cong vút, lúng liếng. Mấy con mắt như vậy ớn lạnh sống lưng lắm chứ.
Dương Thái Vi, nhan sắc hắn, đám tóc dài lớp tôi đang liệt hắn vào hạn có tầm cỡ nhất người mẫu, thua “siêu” một bậc. Cháu trai mấy chục đời của... Dương Quý Phi. Chao ơi, hắn bây giờ được nâng bi như vậy đó, mà học bài hết “ngỗng”, khá hơn hồi đó nhiều lắm. Hôm đầu năm học, gặp lại tôi ở trước lớp, mắt hắn trợn tròn, miệng ú ớ không ra lời:
- Ê... nhỏ, sao mất tiêu vậy? Mà giờ lại ở đây?
Nghe hắn hỏi, tự ái, tôi không thèm trả lời. Hắn lại lí nhí:
- Bộ... Thuyền hổng nhớ Vi sao?
Tôi chẳng buồn ngó tới hắn:
- Cái mặt của Vi ai mà quên. Tôi tưởng kêu xe lôi xe kéo chứ.
- Thôi cho Vi xin lỗi vậy!
Tôi nguýt hắn:
- Rõ, ngỗng bây giờ lịch sự chán. Ừ, thôi tạm miễn lễ cho đó!
Hắn xịu xuống:
- Gì thì gì chớ hết ngỗng rồi bạn ơi. Ðừng kêu vậy quê độ lắm à nghen. Nhỏ lạc hậu tình hình rồi. Hì... hì.
Tôi cứ tỉnh bơ:
- Hổng “ngỗng” vẫn cứ “ngỗng”.
Hắn không vừa:
- Thôi được... không “ngỗng” của ai hết, mà là “ngỗng” của riêng nhỏ Thuyền đủ rồi!
Tôi đưa tay định nhéo hắn một phát cho biết thân, nhưng chợt khựng lại, tôi nghe hai má mình nong nóng:
- Nói bá láp mà nghe được. Không thèm dòm mặt Vi nữa đâu!
Hắn thôi cười:
- Tật cũ vẫn không chừa, tối ngày cứ đòi nghĩ chơi chung. “Thôi để tao ráng, mày đừng la tao nữa...” Hắn léo nhéo giọng con gái.
Không kềm được nữa, tôi nhìn Vi, hai đứa cùng bật cười. Mấy đứa bạn đứng gần nghe chuyện, tụi nó cũng tủm tỉm cười theo.
Rồi từng buổi học say mê, lý thú với bao gương mặt bạn bè thật dễ thương đi qua. Tôi đâm sợ thời gian trôi nhanh, nó sẽ xóa đi những gì tôi đang ấp ủ chắt chiu. Tôi cố sức kéo cho nó chậm lại, nhưng bóng câu vẫn vùn vụt qua ô cửa. Kỷ niệm êm đềm cứ lùi dần theo tờ lịch mong manh. Tôi ngốn ngấu ghi lại từng dòng, từng dòng trong nhật ký những điều tôi nhớ về thuở xa xưa.
Trưa nay đi học, vừa trờ tới cổng trường, Vi dúi nhanh vào cặp tôi một gói nhỏ bằng nắm tay. Tôi không dám mở ra xem coi cái gì trong gói. Vẫn để y nó trong cặp, tôi bước nhanh vào lớp khi trống trường vang vang một hồi dài giục giã.
Giờ chơi, mấy nhỏ ngồi gần bên tôi cùng cả lớp kéo nhau ra hành lang râm ran. Ði ngang chỗ tôi, Vi nói vừa đủ để tôi nghe:
- Ăn đi, táo Tàu ngon lắm. Nhớ ăn một mình thôi!
Tôi ngạc nhiên, hổng biết cái trò gì đây. Chưa kịp hỏi tại sao, hắn đã đi một lèo mất tăm. Tôi len lén kéo nhẹ cặp, lấy cái gói mở ra. Trong gói, mấy quả táo uớp thuốc bắc nâu đen, da nhăn nhúm cộng với một tờ giấy nhỏ xíu gấp làm tư. Có vấn đề gì đây, tên Vi này bắt đầu nhiều chuyện vẽ vời thấy sợ. Tôi vừa bốc một quả táo bỏ vào miệng, liếc mắt vào tờ giấy: “Thuyền! Chiều này tan học, về chậm chậm, đợi Vi hỏi bài một chút”. Lại xạo sự. Lúc này, hắn học hơn hẳn tôi, đáng gờm lắm mà hỏi cái nỗi gì cà?
Chiều. Tan học, tôi đi thật chậm có ý chờ xem coi Vi hỏi cái gì. Mải lơ mơ ngó mông lung lên mấy tán lá me xanh mượt, Vi đi bên tôi hồi nào chẳng rõ. Vi hỏi nhỏ:
- Thuyền có nhớ trường cũ của mình hồi bé hôn?
- Nhớ chứ! Trường lớn của thị xã mình mà.
- Biết rồi... Nhưng còn nhớ gì nữa hôn?
- Nhớ, nhớ lớp 5A, có thằng Vi phúng phính hay ngủ gục, hổng thuộc bài, bị điểm “ngỗng” liên tu. Nhớ...
- Thôi, đừng nhớ nữa. Nhiêu đó đủ quê rồi!
Tôi xoay qua lườm Vi:
- Vậy chớ hỏi làm chi? Ghét!
Tiếng Vi trầm ấm:
- Nhà Thuyền dời đi hồi nào, ở đâu, Vi kiếm không gặp vậy? Thêm một điều hai đứa lại học khác buổi nhau. Ờ, mà sao hồi đó mình khờ quá, hổng xin học cùng buổi há? Nhưng sao Thuyền hổng lại nhà Vi chơi?
Nghe Vi hỏi thiếu điều tôi muốn hụt hơi:
- Con gái ai lại đi tìm con trai. Bộ muốn tui chăn “ngỗng” hoài sao. Hơn nữa, nhà của Vi một bầy chó, sợ nó cắn muốn chết!
- Con Ky, con Na già, ngủm hết rồi nhỏ ơi!
- Như chằn, chết là phải!
- Trời đất!
- Thôi, Thuyền sắp tới nhà rồi. Vi vòng lại về đi!
- Ở đâu?
Tôi trỏ tay chỉ ngôi nhà cổ, rêu bám đầy mái, nằm cạnh giáo đường:
- Ðó, nhà đó đó. Nhà của ông cậu cho nên ba Thuyền bán nhà kia rồi.
Vi dừng lại, nghiêng nghiêng cái đầu:
- Ôi chao, rào sắt uy nghi quá! Một lâu đài của công chúa. Có chó dữ hôn?
Tôi vừa trả lời vừa đưa tay nhéo Vi một cái thật mạnh:
- Hổng có chó dữ mà có người chằn lắm, được hông?
- Ui da! Thuyền hả? A... vậy thì hổng sợ. Chủ nhật này tới học nhóm nghen, nghéo tay đi!
Tôi không thèm đưa tay cho Vi, chạy nhanh vào sân, khép kín cổng rào lại:
- Về đi... “ngỗng” ơi! Chủ Nhật!
Vi đứng lặng nhìn tôi. Mái tóc bồng bềnh, đôi mắt ươn ướt, long lanh, rồi quay gót...

Phạm Nghi Dung


Xem Tiếp: ----