Tôi gặp Tịnh hôm thứ bảy vừa qua ở chùa Quan Âm Thiền Viện, nhìn cái mặt buồn thiu, tôi nghĩ chắc lại chuyện người mẹ ghét bỏ cô, đúng là một chuyện đáng thương cho những người con có mẹ mà không sao kêu lên được tiếng mẹ ơi. Chúng tôi quen nhau khi cùng đứng ngắm tượng Phật Bà Quan Âm giữa sân chùa. Lúc đó nhìn thấy Tịnh đứng trầm ngâm như hồn vía lạc đi đâu, ánh mắt thật buồn. Còn tôi cũng đứng lâm râm khấn nguyện, chỉ cầu xin sức khỏe được tốt để cho con cháu nương nhờ được ngày nào hay ngày ấy, như nấu cơm dùm lúc con cái đi làm quá bận rộn, coi sóc các cháu dùm khi con cái phải đi công tác xa, cùng vài ba chuyện lặt vặt không đáng kể. Tôi sắp xếp công việc của mình nên cũng có thời gian để giúp con, giúp cháu. Tôi nói " chừng nào mẹ yếu thì thôi ". Mấy đứa nhỏ nhìn tôi cười tranh nhau nói " mẹ còn lâu mới yếu, mẹ sống trên cả trăm tuổi lận ". Tôi trợn mắt đùa " vậy là để tụi con "đì" mẹ chứ gì? ".
Phải nói tôi là một "bà già" rất hiểu tâm tình tâm tư của mọi người chung quanh cuộc sống của mình, nên bỗng nhiên được mọi người trao cho mảnh bằng "nhà tâm lý học " ngang xương. Nếu ai mà hỏi sao hồi đó chị không đi học để lấy bằng cho rồi ", thì tôi bảo " shi` hụt có nửa điểm không thôi đã mở văn phòng từ lâu à nha ". Dí dõm rứa cũng khiến thiên hạ cười thật vui. Cho nên tôi được mệnh danh là " người mẹ vui vẻ ". Thật ra cũng có những lúc bực dọc, nhưng thiệt giống như lửa rơm, cháy nhanh mà dập tắt cũng lẹ. Cả cuộc đời chẳng hề giận hờn ai mà phải để trong bụng, cứ theo mình suy nghĩ, người giận mới là người thực sự đau khổ. Người làm cho mình giận thì họ đã khoái chí xong thì quên mất rồi, với lại khi giận khi nhìn vô gương thiệt là xấu xí, mười hai con giáp chả giống con nào cả, cho nên "ngu" sao mà giận hờn cho thiệt thân mình. Nói tôi vô tư, thì nhất định là sai, có lẽ dùng chữ hồn nhiên tôi thích hơn, bởi gặp bất cứ chuyện gì xảy ra thì trước tiên tôi hay tự nhủ " bình tỉnh...bình tỉnh ". Chuyện gì ai cho to lớn mà gặp tôi là hóa nhỏ liền, rồi chuyện nhỏ thì hóa không mà hình như điều này tôi học từ những người mang tư tưởng bao dung yêu chuộng hòa bình.
Ái dà tôi lại đi một vòng chi mà xa xôi vạn lý khiếp luôn, bị tôi đang nói về nhân vật tên Tịnh đó mà. Tôi quen Tịnh hơn 10 năm rồi và cũng làm nhà phân tích tâm lý tư cho cô ta cũng ngần bằng ấy năm tôi quen biết. Những ngày lễ Vu Lan, đó là ngày báo hiếu cho cha mẹ. Tôi vẫn thấy Tịnh cài trên ngực một đóa hoa màu hồng, chứng tỏ cô ta còn mẹ nhưng khi tôi hỏi về mẹ của cô thì cô cứ bị nghẹn ngào. Chừng chúng tôi có độ thân thiết, thì cô ta hỏi tôi " chị có tin vào nghiệp chướng không? ". Điều đó thì hẳn nhiên là tôi rất tin. Cô cho biết mẹ cô có rất nhiều con cái, nhưng cô là đứa con độc nhất bị ghét bỏ mà gần như là thù hằn. Nghe những câu chuyện cô kể thì tôi cũng khó hình dung sao mà có chuyện kỳ cục đến như thế?. Cô tâm sự với nụ cười gần như muốn khóc,khi nào những món ăn bị thiu không ai thèm ăn thì bà mẹ kêu Tịnh lấy về mà ăn,rất nhiều bửa tiệc trong gia đình bà mẹ luôn đưa mắt theo dõi coi Tịnh ăn cái gì,hể thấy cái nào ngon thì mang giấu đi, đồ bị chê thì kêu Tịnh ra điều vồn vã " ăn đi...ăn đi ". Làm cho mọi người nhìn vô tưởng đâu Tịnh cũng được đối xử công bằng. Mới đây, trong một dịp gặp gỡ gia đình, bà chị dâu mang đồ ăn tới quá nhiều, lúc tan tiệc kêu gọi mọi người mang về dùm. Con cái ai lấy gì cũng được, bà mẹ chỉ cần nhìn thấy Tịnh đứng lên lấy là bà nhào tới dòm ngó kiếm chuyện liền,đưa tay tém tém, túm túm làm cho Tịnh bị tổn thương, miếng ăn có đáng gì và Tịnh đâu có thiếu thốn.Tịnh cũng có phân trần, nhưng người trong gia đình cứ lấy cớ là mẹ già rồi hơi đâu mà để bụng. Người không đứng trong hoàn cảnh thì làm sao mà biết nỗi đau của người khác, nên Tịnh từ đó có chuyện gì cũng đành phải u uất để trong lòng.
Tịnh kể với tôi khi cả gia đình còn ở Việt Nam, lúc đó gia đình cũng rất khó khăn, chật vật.Nhưng Tịnh là một người rất biết tự trọng, cô bảo khi cô mang thai thì chồng bị bắt trong một chuyến vượt biên,tiền bạc bị tiêu sạch cho cuộc ra đi đó. Tịnh may mắn còn có một cô bạn rất tốt bụng thường hay giúp đỡ. Cô bạn có một sạp hàng trong chợ, sáng nào Tịnh cũng ra chợ để phụ giúp người bạn buôn bán, tới trưa sau khi ăn cơm hàng cháo chợ xong thì Tịnh về nhà để ngủ trưa,rồi chiều mới ra lại phụ bán hàng tiếp cho bạn. Sau khi dẹp hàng sạp Tịnh về luôn nhà bạn ăn cơm tối rồi mới về nhà. Có một buổi trưa Tịnh bảo,đã muốn quên đi cho đỡ buồn tủi nhưng không sao quên được, câu chuyện như một cây gai đâm trong tim, cứ mỗi lần nhớ tới thì bị mũi gai lún sâu vào làm nhói buốt cả lòng ngực. Trời Sài Gòn hôm đó đã vào mùa hè nên thật là oi bức, Tịnh mang cái bụng bầu ì ạch từ chợ trở về, vừa thấy Tịnh bước vô nhà, bà mẹ đang ngủ trưa vội vùng đứng lên thật nhanh đi vào bếp mang nồi cơm trên bếp cất vội vào tủ rồi khóa bằng cái ổ khóa thật lớn. Tịnh nhìn thấy hành động của người mẹ thì đứng chết lặng cả người, nhìn gương mặt người đàn bà đã mang nặng đẻ đau mình ra giống như một con người nào thật vô cùng xa lạ. Cái miệng với đôi môi mỏng rít chặt, mím lại giống như một sợi chỉ, ánh mắt sòng sọc lên với những tia máu đỏ trong tròng mắt. Tịnh cảm thấy chới với gần như đầu gối muốn khụy xuống,rồi run rẩy đi vào chiếc gường của mình, đưa tay tìm lấy một chiếc khăn lông tắm to trong vô thức trãi ra trên gối, Tịnh nằm nghiêng xuống để mặc cho hai hàng nước mắt cứ thế mà đổ tuôn như hai dòng suối tưởng chừng không bao giờ vơi đi.
Tôi bấy giờ nói với Tịnh " bất cứ điều gì thì mình nên tìm ra nguyên nhân của sự việc ". Tịnh kể vào lúc cô ta mới mười sáu tuổi. Ông già của Tịnh lúc đó có một cô bồ trẻ, chỉ hơn Tịnh 2 tuổi. Bỗng dưng không hiểu chuyện gì đã xảy ra, cô ta ngang nhiên tìm đến nhà. Thật xui hôm đó lại có bà già ở nhà. Người cha run sợ quýnh lên nói cô ta là bạn của Tịnh, và ông đã chận Tịnh ngay trước nhà khi cô vừa đi học về, ông nói " cứ nhận là bạn con rồi ba cho tiền đi sắm đồ ". Tuổi trẻ vô tư, không hề biết hậu quả về sau Tịnh nhận bừa để câu chuyện qua đi. Cho nên có thể đây là một nguyên nhân chăng?. Mẹ Tịnh mãi sau này mới khám phá ra cô ta là nhân tình của chồng mình, bởi thời gian đó bà đam mê bài bạc đâu thèm để ý vào những chuyện gì khác, đánh bạc nặng tay bị thua để mắc một món nợ lớn, ba Tịnh phải bán một căn nhà để trả nợ cho bà.
Thời thiếu nữ của Tịnh thiệt buồn, cha theo vợ bé, mẹ đi bài bạc. Tới khi nhà tan cửa nát, cô vợ bé nhỏ hơn tuổi con của mình lấy hết tiền của rồi đá đít ông già để cho ông thân tàn ma dại mới quay trở về gia đình. Bà mẹ bị con ma bài bạc xui khiến làm mất hết nhân cách, gặp ai cũng vay mượn để đi bài bạc cho đã cơn ghiền. Gia đình Tịnh suy sụp tới chín từng địa ngục thì sự may mắn vụt đến như một tia sáng le lói ở dưới đáy vực sâu. Người anh lớn gửi giấy tờ về bảo lãnh gia đình qua Mỹ. Lúc bấy giờ Tịnh đã về ở bên nhà chồng,thời gian đó chương trình những người con có gia đình đều bị loại ra khỏi danh sách. Mẹ Tịnh thật vui không sao che đậy được khi biết Tịnh vì có gia đình sẽ bị ở lại. Thì như một phép lạ đã xảy ra hay sự sửa đổi bộ luật vào đúng thời điểm, gia đình Tịnh được chính phủ Mỹ chấp thuận cho ra đi với hồ sơ riêng. Ngày được giấy tờ bảo lãnh, Tịnh mừng quá mang qua khoe với gia đình, thì đụng ngay gương mặt của bà mẹ cùng giọng nói rít qua hàm răng " còn lâu mới đi được ", hậm hực mỉa mai đủ điều,nói những câu không tiếc lời mạ lị như dao vạch lên da thịt của con mình, gương mặt đỏ lên vì giận dữ như thể nói thẳng với Tịnh cùng với lời nguyền rũa " mày phải ở lại với địa ngục ", rồi gương mặt biến thành xanh xám, có vẻ hăm he sẽ sẳn sàng làm bất cứ điều gì miễn Tịnh phải ở lại địa ngục để chạy cơm chạy áo, bửa đói, bửa no mởi thỏa mãn lòng oán ghét trong bụng của bà.
Tới ngày gia đình và những người con còn độc thân lên đường, bà mẹ vẫn còn căm gan và không ngớt lời nguyền rũa tiếp những gì đen tối nhất sẽ mang lại cho Tịnh. Nhưng dầu bà có muốn thì cũng không nằm trong khả năng của bà mong đợi.Hai năm sau Tịnh và chồng con được ra đi về miền đất hứa. Ngày Tịnh đến chỉ có vài người trong gia đình ra đón vì biết bà không ưa nên cũng chìu theo ý của bà. Tịnh nhớ, vẫn là gương mặt lạnh lùng đanh lại khi Tịnh và chồng con vừa đến nơi. Tịnh quả thật đã quá mệt mỏi với những thái độ ghẻ lạnh của người mẹ, nên cứ giả đò như không nhìn thấy. Chưa được một tháng sống nương nhờ thì bà mẹ nói xiêng, nói xỏ, bất cứ chuyện gì trong gia đình đều trút lên Tịnh và mấy đứa con, còn bảo con của Tịnh là đồ âm binh có nghĩa là ma quỉ. Chồng Tịnh quá đau lòng và cũng may gặp lại bạn bè đi qua trước,họ biết được hoàn cảnh cay đắng của gia đình Tịnh nên mang cả gia đình Tịnh về ở trong cái nhà chứa đồ cũng khá lớn ở phía sau vườn. Hai vợ chồng, hai đưa con chui rúc trong cái ổ chó vậy mà Tịnh cảm thấy tâm hồn nhẹ nhàng hơn khi phải đối diện người mẹ đẻ ra mình vẫn tánh nào tật nấy. Ở Mỹ vẫn tém tủm cất giấu đồ ăn không cho Tịnh và các con được ăn, chỉ cho ăn những đồ thừa dư ra.
Mấy chục năm qua, kể từ lúc bà mẹ khám phá ra sự bao che bất đắc dĩ cho người cha về chuyện cô nhân tình đến nhà bất ngờ, giữa Tịnh và bà mẹ vẫn như kẻ thù không đội trời chung. Sau này vợ chồng Tịnh có công ăn việc làm ổn định điều này cũng làm cho bà xốn mắt khó chịu hơn.Trong thâm tâm hình như bà chỉ muốn nhìn Tịnh phải nghèo khổ thì bà mới được vui. Tịnh nói có lẽ cho tới chết mới thôi.Tôi có xem một cuốn phim nói về câu chuyện tiền kiếp. Trong kiếp trước hai người phụ nữ dành một người đàn ông, trong một lúc nóng giận có một người đã bị đâm chết. Tái sinh trong kiếp hiện tại họ là hai mẹ con và đứa con bị đâm ở kiếp trước rất thù ghét người mẹ của mình. Người mẹ là người đàn bà lỡ tay đâm chết đối thủ cũng chính là đứa con của mình hôm nay. Bà mẹ đó đã yêu thương hy sinh hết lòng cho đứa con,cũng giống như Tịnh đã làm hết mình trong khả năng để chìu lòng mẹ mình. Nhưng cũng không sao làm thay đổi cái nhìn của đứa con trong phim và cái nhìn của mẹ Tịnh ở ngoài đời.
Tôi rất thương Tịnh, coi cô như em, nên có chuyện gì buồn tôi đều lắng nghe và sẽ chia cùng cô em gái này. Tịnh cũng đồng ý với tôi về chuyện oan gia nghiệp chướng. Có lẽ kiếp trước Tịnh đã gây nên một lỗi lầm nào ghê gớm lắm, để cho tới kiếp này cái nghiệp chướng đó vẫn còn đeo đẳng mãi không tha. Ngày lễ Vu Lan đối với Tịnh lại càng thấy thật tội nghiệp còn hơn những người đã không còn mẹ trên đời,vì tận đáy lòng cũng không thể nào giả dối để hát được những câu như...lòng mẹ bao la như biển thái bình rạt rào... Tịnh nói sao mà mỉa mai cho Tịnh quá. Tôi chỉ biết khuyên Tịnh hãy để mọi sự xuôi theo tự nhiên bởi những gì Tịnh làm hết sức vẫn không thay đổi được thành kiến đã quá sâu đậm ở cái nhìn nơi người mẹ.Mỗi ngày tuổi đời càng chồng chất, sự chịu đựng cũng có giới hạn. Chẳng lẽ cứ phải đối diện với nỗi đau hoài sao?. Càng nghe chuyện của Tịnh tôi chỉ biết thở dài khuyên Tịnh "thôi người mẹ đã không thương, coi mình như kẻ thù thì không nên gặp mặt nữa ". Bởi tôi cứ thấy càng ngày vết thương của Tịnh cứ bị xé toạc ra mỗi khi đối diện với người mẹ của mình. Không biết tôi khuyên như vậy có đúng không? Thật trong câu chuyện này tôi có giỏi đằng trời cũng không sao tìm ra một biện pháp nào ổn thỏa cho Tịnh...
Mầu Hoa Khế
June 2011
 

Xem Tiếp: ----