âu rồi tôi cứ hứa với lòng là sẽ có một ngày tôi quên đi những nhọc nhằn để về thăm quê hương một chuyến thật lâu, như ba bốn tháng gì đó. Tôi ước mơ sẽ được đặt chân trên khắp nẽo đường quê hương từ Nam ra Bắc, để được nhìn và thấy quê hương trong hơi thở và nhịp sống. Nhưng cũng bao lâu rồi mà tôi vẫn chưa thực hiện được giấc mơ đó, nên mãi ngậm ngùi mỗi lần nghe nhỏ Mỹ Tâm hát bài Làng Tôi. Khi tiếng nhạc và lời ca đã chìm sâu, tôi vẫn còn mơ và lời ca:
Quê tôi chìm chân trời mờ sương
Quê tôi là bao nguồn yêu thương
Quê tôi là bao nhớ nhung se buồn
Là bao vấn vương tâm hồn … người bốn phương
vẫn còn ngân vang trong đầu tôi. Năm 1992 tôi nghe và xem chương trình ca nhạc “Mùa Xuân Nào Ta Về” của Paris By Night vừa phát hành. Qua lời thuyết minh của nhà văn Duyên Anh, giọng đọc trầm buồn của người thiếu nữ như giăng sâu vào tim gan với những bản tình ca, hình ảnh những chiếc cầu, ruộng đồng, sông nước, và những mái lá nghèo nàn nằm bên hàng dừa nước của làng quê Việt Nam. Đã làm tôi rơi lệ! Duyên Anh đã trải lòng nỗi nhớ và trăng trở với quê hương thật thống thiết qua lời nói, nếu tôi không lầm thì là: “làng tôi, làng anh, làng Việt Nam chúng ta nó đang xoay chiều và càng lúc càng nhanh lên rồi đó.” Như ông đã viết để hỏi: “Mùa Xuân Nào Ta Về?”
Có lẽ tôi cũng nhớ nhà như Duyên Anh, nhưng tôi không chịu nổi sự đợi chờ khi thời gian càng ngày càng trôi qua nhanh. Và có một Mùa Xuân tôi đã về.
Ngày tôi rời xa quê cũ không rượu, không trà, không có đuôi mắt dài nhìn theo bước chân tôi đi, không lễ tiễn đưa, không hồi còi tàu, không bịn rịn, và tôi cũng không biết tôi sẽ đi về đâu! Vì ngày ấy tôi chỉ là đứa bé ham vui bắt chim bắt cá trên đồng Sa Băng, thì bom đạn đổ xuống quê tôi. Thế mà Mùa Xuân đó tôi về, tóc đã hoa râm!
Đường dài mỏi cánh chim bay mãi rồi cũng đến lúc máy bay đáp xuống thành phố Sài Gòn. Tôi vẫn thương và muôn đời chỉ gọi là thành phố Sài Gòn mặc dù nó đã bị đổi tên! Anh tôi bảo lấy máy bay bay ra Đà Nẵng rồi lấy xe quanh ngược vào Quảng Ngãi cho lẹ và khỏe. Nhưng tôi quyết định đi bằng xe đò, vì tôi muốn được nhìn quang cảnh bên đường. Một con đường dài từ Sài Gòn về Quảng Ngãi, tôi tha hồ nhìn ngắm và ghi lại hình ảnh, vì có bao giờ tôi lại có được dịp may như ngày hôm nay. Và để đổi lấy những giây phút ngắm nhìn hình ảnh quê hương mà tôi hằng mong ước là thân tôi rả rời. Vì con đường dài và xấu. Nhưng nếu có lần thứ hai tôi vẫn không ngần ngại chọn con đường rả rời thân thể nầy!
Rả rời, bầm dập rồi cũng đến, và tôi đang đứng trên con đường đất đi vào chợ Thi Phổ một buổi sáng cuối Xuân. Tôi theo anh vào chợ mua ít nhang đèn để thắp cho mộ Cha và Bà Nội. Từ đây tôi nói anh chở tôi đi lại con đường xưa. Trong đời người có biết bao “con đường xưa”, những con đường xưa thường mang nhiều kỷ niệm đẹp, nhưng cũng có “con đường xưa” chỉ ghi dấu sự buồn phiền. Và con đường xưa hôm nay tôi đi lại là con đường mà ngày đó tôi chạy trốn!
Ra khỏi chợ Thi Phổ anh đèo tôi sau chiếc xe gắn máy anh mang theo từ Sài Gòn. Xe chạy về hướng thị xã Quảng Ngãi một chặp thì đến ngã ba Quán Lát, anh quẹo trái để về Hành Thịnh. Con đường đất đỏ ngoằn ngoèo đưa hai anh em tôi về xã Đức Thạch. Hai bên đường lúa xanh phơi phới và bên bờ mương tôi thấy chiếc xe đạp nước cổ kính của ngày xưa nằm phơi mình bên bờ ruộng. Tôi mừng quá, nói anh dừng xe lại. Tôi bước đến chiếc xe đạp nước đang được phủ kín bởi một tấm ni-lông bạc màu, tôi loay hoay nhìn kỷ như tìm kiếm một bảo vật, nhưng với tôi nó thật sự là một bảo vật. Thấy tôi như một đứa bé đang mân mê món đồ chơi, người chủ chiếc xe từ trong nhà bước ra. Tôi hỏi ông có thể cho tôi gỡ bỏ lớp áo ni-lông cũ kỷ để tôi chụp vài tấm hình, ông đồng ý, và hình ảnh chiếc xe đạp nước ngày xưa lại được theo tôi đi tận phương trời!
Tại đây anh tôi quẹo trái về Núi Đồi để chúng tôi thắp nhang cho Cha và Bà Nội, xong anh quanh xe lại chạy theo “con đường xưa tôi đi.” Một hồi sau chúng tôi đến chợ Vam. Đến đây tôi nói anh ngừng xe lại, tự dưng lòng tôi chùn xuống!
Nơi đây hơn bốn mươi năm về trước, năm 1965, gia đình tôi lừa bầy trâu chạy giặc từ xã Nghĩa Thành (nay là Hành Thịnh), chiều về Cha tôi cột bầy trâu ngoài chợ Vam trong khi cả nhà tạm cư trong nhà bà xã Thủ ở Đức Thạch. Tối xuống đàn trâu tự bức đức dây rồi một mình dẫn nhau trở về nhà. Sáng hôm sau Cha tôi lại đem gia đình trở về với bầy trâu. Ngày còn nhỏ có đôi lần tôi theo Mẹ xuống chợ Vam, nhưng lâu quá tôi không còn nhớ nhiều về ngôi chợ này. Chỉ nhớ đó là một ngôi chợ lớn có nhiều cá biển ngon như cá mòi, cá ngừ, cá chuồn, cá thu, cá hố, cá rựa, vân vân…, có bán đá cục, cà rem, quần áo đẹp, và có những đôi giày sơn-đanh (sandal) mà tụi con nít chúng tôi ngày ấy mơ có được một đôi để khoe trong ba ngày Tết. Mẹ tôi lâu lâu mới đi chợ Vam một lần, và mỗi lần được theo Mẹ đi xuống chợ Vam tôi mừng lắm.
Nhưng bãi đất và hàng cột ngày xưa Cha tôi cột đàn trâu nay không còn thấy nữa.
Tôi đứng trầm ngâm nhìn lại cảnh xưa một hồi, rồi nói anh tôi chở đi.
Một lát sau chúng tôi đến khu gò mã. Gò mã nầy ngày xưa có nhiều hàng Dương Liễu. Từ lối đi giữa mồ mã, tẻ ra một con đường mòn nhỏ để vào nhà bà xã Thủ ở Đức Thạch. Tôi lại nói anh ngừng xe lại. Nhìn những bụi xấp xôi và hàng cây bời lời hai bên đường tôi nhớ đến một buổi chiều.
Một buổi chiều cuối mùa Xuân năm 1965, khi tiếng súng tạm ngưng tôi dẫn đứa em trai, vai mang túi chanh tươi và mấy cục đường cát trắng, từ xã Nghĩa Thành xuống thăm người chị theo chồng đi lính, đang đóng quân ở quận Mộ Đức. Lúc đó xã Nghĩa Thành đã nằm dưới quyền kiểm soát của “quân giải phóng”. Việc đầu tiên “quân giải phóng” làm khi họ chiếm ngôi làng là đốn những bụi tre già nằm hai bên con đường chính trong làng, cho nằm ngỗn ngang bít lối đi chính. Tôi dẫn đứa em len lỏi trong vườn tược nhà người ta, nhìn đâu đâu cũng thấy đổ nát. Xóm làng lúc nầy nhiều người đã bỏ đi nên rất vắng lạnh. Thỉnh thoảng tôi bắt gặp vài người du kích mang AK đi trong vườn cũng đủ sợ đứng tim. Tôi đi trên đoạn đường ngắn từ thôn Ba Bình đến đập Bến Thóc mà dường như dài vô tận, tinh thần căng thẳng như đi trong vùng tử địa! Tôi rất sợ bị du kích bắt gặp, dường như ngày đó họ có một ma lực khiến cả những đứa bé như tôi cũng khiếp sợ, và dường như họ có toàn quyền sinh sát những thành phần thuộc gia đình khá dã mà họ cho là giai cấp tư bản. Khi đến sông Thoa, bên kia bờ là xã Đức Thạch quận Mộ Đức thuộc vùng kiểm soát của Quốc Gia.
Anh em tôi run và sợ, hồi hộp bước lên cầu đập Bến Thóc, cây cầu làm bằng gỗ bắc qua sông Thoa để rời khỏi vùng Cọng Sản kiểm soát. Qua bên kia sông Thoa không còn thấy hình bóng người du kích nữa. Nhưng con đường cũng không có ai đi, vắng, lạnh, và mang một màu tang thương như bãi chiến trường vừa trãi qua cơn binh biến! Đi thêm một khúc tôi đến Gò Rộng là một bãi cỏ dùng làm sân vận động, xung quanh có nhiều cây Dương Liễu. Những ngọn gió thổi xuyên qua rừng Dương tạo thành những âm thanh rì rào nghe đến não nùng!
Tại Gò Rộng nầy những ngày thanh bình tôi theo mấy người anh lớn từ xã Hành Thịnh xuống đây đá banh và đua xe đạp. Bình thường khi nghĩ tới đua xe là tôi liên tưởng đến những tay cua-rơ cắm đầu cắm cổ chạy như chạy chết. Nhưng trong cuộc đua này người thắng cuộc không phải là người chạy nhanh nhất, mà ngược lại! Anh nào chạy chậm nhất, và tất nhiên không được ngã xuống đất, cộng thêm vào đó các anh phải giữ thăng bằng và cuối người xuống đất lượm cho được chiếc mũ nĩ thì thắng cuộc. Ngày đó các anh lớn quê tôi bày những trò chơi thể thao ngược đời!
Hôm đó Gò Rộng bao trùm tử khí. Qua khỏi Gò Rộng là đến khu gò mã, lối vào nhà bà xã Thủ. Không khí nơi đây còn rùng rợn hơn, không bóng người đi, chỉ có tiếng gió rì rào của rừng Dương, và những mảnh giấy vụn gió thổi lăn lóc trên những nắm mồ. Anh em tôi bước đi trong sợ hãi. Bất chợt có tiếng la lên: “Đứng lại. Đi đâu đó.” Và liền sau tiếng la là vài ba người ôm súng phóng ra từ bựi rậm đè đầu hai anh em tôi xuống đất. Họ lục xét trong túi vải tôi mang theo rồi hỏi lại một lần nữa: “Mang ba thứ nầy đi đâu?” Tôi sợ tái mặt và run run nói: “Em mang đường và chanh xuống thăm người chị dưới quận Mộ Đức.” Họ xem xét một hồi không thấy có gì khả nghi nên thả hai anh em tôi đi. Thì ra các ông là những người lính Dân Vệ đang rình mấy ông du kích. Vậy là anh em tôi thoát khỏi cửa ải tử thần, tôi mừng vì đã thật sự đặt chân vào vùng Quốc Gia an toàn. Và hai anh em tôi đi như bay xuống ngôi làng nhỏ nằm sau Quốc Lộ 1, đối diện quận lỵ Mộ Đức.
Qua khỏi “con đường xưa tôi đi” tức từ chợ Vam đến gò mã nhà bà xã Thủ, qua Gò Rộng, đến đập Bến Thóc, thôn An Ba, Mỹ Hưng, Đồng Xuân là đến thôn Ba Bình. Tôi vui mừng như ngày mới lớn theo Mẹ đi chợ. Tôi đã về nhà! Về lại mái nhà xưa, nơi chôn nhau cắt rún!
Lâu lắm rồi tôi mới trở lại, tôi lức láo nhìn xung quanh cố tìm một vết tích quen thuộc của ngày xưa. Cổng ngọ môn vào làng bắt choàng qua đường Cái Quan nay đã mất. Dãy nhà “xóm đồng” ngày xưa vào ngày mùa lũ trẻ chúng tôi mang lúa “mót” đến đổi bánh chén bà Tài Phú giờ sao thấy xa lạ. Góc nhà anh Tạ Phi Long và bên kia là nhà ông Lộng, người thợ rèn duy nhất chuyên rèn rìu rựa cuốc xẻn cho dân làng, là con đường vào xóm nhà tôi, nay cũng không nhìn ra được! Cây cối, vết tích, nhà cửa và con đường ngày xưa nay đã khác, khác nhiều đến nỗi khó nhận ra. Tôi như người lạc đường.
Tôi nhìn vào núi, xác định Gò Đồn Gò Rú và núi Đuôi Chuột, những ngọn đồi nầy không dễ gì bị thay đổi, rồi tự kẻ trong đầu những con đường tưởng tượng nối ba đỉnh đồi trên thành khu tam giác. Tam giác này bao trùm một vùng, vùng đó là đồng Sa Băng, cánh đồng nằm ngay trước mặt làng tôi. Từ giữa cánh đồng tôi kẻ một con đường giáp chân núi Đình Cương về phía Đông, đó là con đường đi xuyên qua làng tôi, và chính xác hơn nó là con đường đi ngang qua khu nhà tôi! Từ đường Cái Quan tôi theo con đường tưởng tượng đi vào một phần ba làng, là tọa độ ngày xưa tôi u oa chào đời.
Nhưng nhà đâu?
Tôi bước chân tìm khắp nơi nhưng chẳng thấy. Lòng bồi hồi tôi nhìn người xa lạ trên mảnh đất xưa. Thấy tôi như người từ đâu mới đến, em bước lại. Tôi lượm cành cây khô, lấy tay khỏa lớp bụi đường trên mặt đất, em nhìn tôi ghi nỗi lòng lên lớp bụi đường.
Tôi theo con đường làng ra bờ sông Ba Bình. Cũng không còn như xưa. Con đường làng ngày nay nhỏ lại, bãi cát rộng lớn ngày xưa nay bị xoi mòn! Tôi đứng nhìn và hồi tưởng lại một thời nơi đây là bờ xe nước, chỗ kia là chòi xe mà nhiều đêm tôi theo Cha ra ngủ dưới đêm Hè nóng bức. Xa xa ngoài giòng sông là bờ độn xe nước chạy dài qua An Chỉ, và chỗ tôi đứng là con dốc lớn, trãi dài xuống bờ sông. Sau lưng từng là dàn máng nước chứa đầy nước sông chảy rốc rách mang vô ruộng đồng. Nơi đây những buổi trưa Hè đoàn người lớn bé và trâu bò thường ra vào: trẻ con đi tắm, người thôn nữ quay tơ trên cát, bà mẹ gìa cặm cụi cày đôi bàn chân trên những lát khoai lang khoai mì trên bãi cát nóng bỏng. Nhưng tất cả bây giờ chỉ còn lại là giòng nước ăn sâu vào bờ lởm chởm cỏ xanh. Nhìn qua bên kia bờ sông Vệ là con dốc xuống bến đò ông Đàn, ngày xưa sớm chiều chở người sang sông đi chợ chiều An Chỉ, nay đã thành cỗ tích.
Tôi quay vô làng, hầu hết những con đường ngày xưa nay đều nhỏ lại và lệch đi. Tôi nhớ ngày xưa nhà nào cũng có sân trước sân sau. Những ngày lụt lội lúa ngập chìm trong nước, người ta huy động bà con ra gặt tháo gặt để, nếu không lúa sẽ mọc thành mộng, coi như bỏ. Lúa bị ngập lụt người ta chỉ cắt ngọn lúa, bó lại thành từng bó bỏ lên ghe chở vào bờ, rồi dùng đòn xóc đâm hai đầu hai bó lúa gánh về trải đều trên sân. Sau đó dùng trâu (hay bò) cột thành chùm ba bốn con rồi một người theo sau đánh cho nó đi thành vòng tròn, dẫm lên lúa. Người đánh trâu (bò) phải cầm cái thúng để mỗi khi trâu (bò) ngõng đuôi lên là đặt cái thúng sau đít nó để hứng! Người ta dùng cây xỉa lật ngọn lúa nằm phía dưới lên cho trâu đạp, đến khi hột lúa rụng hết thì cũng dùng cây xỉa xốc rạ bỏ qua một bên và phần còn lại trên sân là hột lúa. Lúa lẫn lộn với rạ nên phải dê nhiều lần lúa mới sạch.
Cái sân ở nhà quê có nhiều công dụng như dùng để phơi lúa, phơi củ lang củ mì, đường cục, đậu, bắp, vân vân… Nói chung là dùng để phơi lúa thóc và ngũ cốc thu gặt từ ruộng đồng. Và cái sân cũng là nơi bà con giòng họ tụ tập vui chơi trong ngày giỗ, Tết nhứt. Nhưng đối với trẻ con thì cái sân và con đường làng là nơi bắn bi đánh đáo vui chơi. Và cũng nơi đây tình cảm và kỷ niệm về làng quê sẽ đi vào ký ức sau nầy. Nhưng ngày nay bước xuống cái hè là đụng đám củ mì củ lang. Có tuổi trẻ nào không gắn liền với cái sân nhà. Nhưng ngày nay mấy nhà còn có cái sân!?
Tôi trở lại thăm nhà thằng bạn cũ, ngày xưa có năm sáu thằng bạn nhưng bây giờ chỉ còn lại đây một thằng! Nó bảo
“Bao nhiêu năm rồi mầy mới trở lại, mầy muốn ăn cái gì tao sẽ đãi.”
Nhìn xung quanh cảnh nhà nó, tôi nói:
“Thôi, không cần cầu kỳ gì đâu. Mầy có món quê hương nào hông, mang ra đây nhậu chơi. Lâu rồi tao muốn ăn món đặc sản của quê mình lắm.”
“Vậy thì chuột đồng trộn mít non, mầy thấy sao?” Nó đề nghị.
Tôi liếm môi nuốt nước miếng cái ực, và trả lời nó một chữ ngắn gọn:
“Tuyệt.”
“Vậy thì tao đi hái vài trái mít non đem luột rồi xét mỏng ra, rang ít hột đậu phụng, hái ít rau răm và lá lốt là xong.”
“Còn chuột đâu, ai đi bắt?” Tôi hỏi.
“Mầy khỏi lo.” Nó quay vào nhà trong và gọi:
“Út đâu ra đây nhờ chút coi.”
“Dạ.” Cô gái miệng nhai nhỏm nhẻm đứng bên cửa nhà bếp nói ra.
“Em ra đồng bắt cho anh mấy con chuột mang về đây.”
Cô gái không trả lời, đi thẳng ra sau nhà lấy cây gậy, xong nhìn tôi cô nhoẻn miệng cười một cái, cô bước xuống hè và búng hai ngón tay ngoắt con chó chạy theo. Xéo một phút cô gái và con chó đã đi hút ngoài xa.
Tôi nói thằng bạn:
“Chỉ một mình em mầy mà là con gái mà bắt được chuột à?”
“Nghề của nó đó, mầy đừng coi thường con gái ngày nay.”
“Hay để tao đi bắt chuột với em mầy nhe, lâu rồi tao cũng muốn đi bắt chuột như ngày xưa cho vui.”
Không đợi thằng bạn trả lời, tồi liền phóng chân bước theo cô gái.
“Ông ra đây làm gì?”
“Phụ bắt chuột với em.”
“Làm sao ông bắt được chuột?”
Nhìn lại trên tay tôi không có vật gì để bắt chuột, mà chuột lại hay cắn mỗi khi bắt nó. Tôi chưng hửng đứng nhìn cô gái, hóa ra tôi chỉ theo làm bận chân cô.
“Chắc em bắt chuột giỏi lắm hả, em tên gì?”
“Mi.”
“Mi là mèo đó hả, mà mèo thì bắt chuột giỏi là đúng rồi.”
“Ông sai rồi, mèo lười bắt chuột lắm. Nó chỉ bắt khi nào thấy đói, còn không thì nó nằm yên một chỗ liếm lông thôi, nên ông không thấy em mang con mèo mà em mang con chó theo đó. Nhưng tên em là Mi như nốt thứ ba trên khung nhạc đó, anh kế em tên là Rê.”
Cô gái dẫn con chó ra mé ruộng sâu đồng Sa Băng. Cô bắt đầu đi tìm trên bờ ruộng, những nơi nào có hang là cô cuối xuống nhìn. Cô biết hang nào không có “dân cư” trong đó và cô cũng biết hang nào của rắn và hang nào của chuột. Cô giải thích:
“Cửa hang nào có dấu chấm lốm đốm là hang chuột, còn cửa hang nào trông bóng láng là hang rắn.”
“Có khi nào em đào lộn hang rắn không?”
“Ông sợ rắn lắm phải hông? Cũng có nhưng chỉ khi nào rắn vào bắt chuột trước mình và còn nằm lại trong đó.”
“Lạy Trời chuyện đó không xảy ra hôm nay.” Tôi nguyện cầu.
“Ông đừng lạy Trời mà ông nên lạy em đây nề.”
“Là sao?”
“Là chỉ có em mới cứu ông khỏi bị rắn cắn thôi. Mà sao ông về đây chỉ có một mình và khi nào ông lại ra đi?”
“Anh về đây với người anh.”
“Ý em hỏi không phải như vậy.”
“À, thì anh chỉ có một mình nên chỉ đi một mình.”
“Nói chứ em biết ông rồi. Ông về đây thấy buồn hơn vui phải hông?”
“Sao em biết?”
“Thì ông đề bài thơ nỗi lòng của ông còn trên bụi đường đó. Thôi để em bắt chuột mang về cho anh em đãi ông. Ông nhớ nếu gặp rắn thì đứng yên một chỗ đừng nhúc nhích. Ông muốn xua nó đi thì đưa mu bàn tay ra, ểnh ểnh mu lên rồi hất hất mấy ngón tay về phía trước. Còn ông muốn cầu cứu em thì cũng đưa mua bàn tay ra, ểnh ểnh mu cong lên rồi ngoắt ngoắt mấy ngón tay lại, đừng gây tiếng động rắn nó tấn công.”
“Ừ, anh sẽ nhớ.”
Cô quơ lấy một mớ cỏ, khô có ướt có, rồi nhúm lửa đốt trước miệng hang chuột. Cô lấy nón lá quạt khói cho bay vào hang, ở ngách hang khác cô cho con chó đứng chờ. Lửa càng lớn khói càng nhiều và khói chun vào mọi hang cùng ngõ hẻm nhà chuột. Chịu không nổi chuột chạy ra, một phần bị chó chụp, một phần cô gái dùng gậy phan. Cô phan rất giỏi, không con chuột nào thoát khỏi tay cô, chỉ một nhát thôi là con chuột nằm ngay đơ. Một con chuột chạy ra ở ngách khác, tôi liền nhảy đến chụp. Bị con chuột nó cắn một nhát, đau quá tôi buông ra. Cô gái nhảy đến đập nó một cái, nó chưa chết và đứng đó. Cô gái bảo tôi bắt nó bỏ vô đụt, tôi nhảy đến chụp, lại hụt, con chuột bò đi. Thấy con chuột bỏ đi, cô gái nhìn con chó rồi chỉ tay về phía tôi, quát lớn:
“Ngốc, ngốc, chạy lẹ đi bắt nó.”
Tôi bỏ cô gái ở lại một mình. Tôi đi về. Tôi giận lắm.
Hôm đó tôi nhậu chuột đồng trộn mít non với thằng bạn lâu ngày không gặp. Món nhậu ngon, rượu ngọt, tôi uống say mềm và muốn quên đi tất cả. Trong cơn say ngà ngà tôi hỏi thằng bạn:
“Em gái mi coi bộ ngông quá hả?”
“Ừ, nó ngông lắm. Mầy mà nghe nó đặt tên mấy con mèo của nó mầy cũng phải ớn, như Mai Thanh Tặc, Chu Như Tố, vân vân... Tính nó ngông và cứng rắn lắm, nhưng hông phải lúc nào cũng vậy đâu. Những chuyện đụng đến con tim là nó mít ướt.”
“Mấy tên trên đây mang ý nghĩa gì?”
“Tao đâu có biết, nghe nó giải thích đại khái như heo mèo dê là ba con hợp nhau tức là tam hạp đó, mà con mèo nào suốt ngày ngồi vuốt bộ lông làm đẹp thì nó đặt tên là Chu Như Tố, Chu là họ nhà Trương Bát Giới đó.”
“Còn Mai Thanh Tặc là gì?”
“Ừ, thì nó nói Mai là mộc mà mèo hay mão thuộc hành mộc, còn Tắc là ba cái ngũ cốc nó đựng trong phòng nó. Con mèo nào chuyên môn leo trèo lên tủ lục lội phá phách đồ ăn của nó là nó đặt tên Mai Thanh Tặc, Tặc là giọng Huế của Tắc đó.”
“Tao nghe hay chứ có gì đâu mà ớn.”
“Ðó là chuyện của mèo, còn chó thì khác nhe mậy.”
Sáng hôm sau tôi đến từ giả thằng bạn. Khi bước ra khỏi ngõ, tôi quay đầu nhìn lại thì thấy Mi đưa tay lên vẫy tôi lại. Tôi trở lại.
“Em kêu tôi lại để nói gì tôi nữa?”
“Không có, em vẫy tay chào ông đi khỏe mạnh chứ có kêu ông lại đâu.”
“Sao tôi thấy em đưa mu bàn tay ra, ểnh ểnh mấy cái rồi ngoắt ngoắt lại.”
“Không có, cái đó là em kêu con Ngốc lại cho nó ăn. Ngốc là tên con chó em mang ra đồng Sa Băng bắt chuột cho ông hôm qua đó. Thôi, ông đi lẹ đi, không em khóc bây giờ.”
Tôi bước đi mà lòng ấm lại!
____________
Đồng Sa Băng

Xem Tiếp: ----