"Lời ru buồn nghe mênh mang mênh mang
Sau lũy tre làng, khiến lòng tôi xốn xang..."
Làng nhỏ của tôi nằm cạnh con sông cái đục ngầu mùa nước lũ. Mỗi lần nước sông dâng cao, nước tràn qua bờ đê nhỏ vào trong ruộng, cánh đồng trũng chỉ còn là một bể nước mênh mông. Tôi nhớ như in những ngày thơ bé, tôi thường rủ Nhàn và bọn trẻ con gần đó ra lội ruộng, bì bõm cả ngày. Nhàn kém tôi hai tuổi, bé choắt như suy dinh dưỡng, nhưng lại rất gan dạ và đặc biệt bơi lội rất giỏi, không thua gì lũ con trai bọn tôi. Nhàn như một con rái cá, thoăn thoắt bơi trong nước, dám lặn ngụp đến cả những vùng nước sâu mà khi đó lũ con trai chúng tôi còn sợ không dám đến.
Chúng tôi vẫn thường cùng nhau đến trường, cùng nhau đi chăn trâu ở bờ đê phía bên kia sông, cùng bì bõm lội bắt hến, trai mùa nước cạn, cùng nhau đi cất vó tép mỗi trưa hè nắng gắt. Đến mãi sau này mỗi lần nhớ lại, tôi vẫn còn như ngửi thấy mùi thơm nức mũi của cám rang đâu đó. Hồi ấy, Nhàn rang cám khéo lắm, lại khéo luôn việc chọn chỗ đặt vó nên lúc nào cũng được rất nhiều tôm tép. Đến mùa gặt thì chúng tôi cùng nhau đi mót lúa, bắt châu chấu đồng. Tôi bắt châu chấu và mót thóc rơi về cho gà, nhưng Nhàn thì nhặt cẩn thận từng bông lúa còn sót lại, bắt thật nhiều châu chấu, vì đó là thức ăn của hai mẹ con Nhàn. Tôi thường nhường cho Nhàn những bông lúa bằng cách giả vờ không trông thấy chúng. Mỗi lần thấy Nhàn reo lên vồ lấy những bông lúa đó, tôi thấy vui vui trong lòng.
Có lần Nhàn hỏi tôi:
-Anh Long, anh biết lá diêu bông không?
-Lá diêu bông là lá gì? Có nghe bài hát nhưng không biết.
Nhàn không nói gì nữa, nhưng tôi chạy về hỏi mẹ ngay. Mẹ nói không hề có lá diêu bông, đó chỉ là trí tưởng tượng trong thơ ca. Khi tôi nói lại với Nhàn điều đó, Nhàn dẩu môi cãi lại:
-Có… mẹ em bảo là có… Anh chả biết gì…
Nào lúc đó tôi đã biết gì. Thằng nhóc 13 tuổi đầu vẫn còn cởi truồng tắm sông, vẫn còn vô tư chơi trò cô dâu chú rể với bọn bạn trong xóm thì làm sao có thể hiểu được Lá Diêu bông là gì và có ý nghĩa gì?
 
Nhàn 14, tôi 16, em không còn chạy nhông nhông ngoài đường bêu nắng cả ngày với chúng tôi nữa. Nếu không đi học thì Nhàn ở nhà giúp mẹ, em ra dáng thiếu nữ hơn trong mắt đám trai làng chúng tôi.
Người làng này ai cũng biết câu chuyện của mẹ con Nhàn. Mẹ Nhàn xuất thân bên kia sông, cũng xuất thân nông dân. Mẹ Nhàn thời thiếu nữ rất đẹp, làm nức lòng bao nhiêu trai làng vì giọng hát rất hay. Nhàn nói mẹ hát hay nhất bài “Lá Diêu Bông” nên từ nhỏ Nhàn đã thuộc bài đó, thỉnh thoảng em còn hát cho tôi nghe.
18 tuổi, mẹ Nhàn đem lòng yêu con trai một người làm nghề chài lưới trên sông này. Nhà của họ dột nát, xiêu vẹo trước mỗi mùa nước lũ. Người con trai đó sống cùng người cha suốt ngày say rượu, và một bà mẹ kế ngoa ngoắt. Vợ trước của ông ta vì không chịu nổi cảnh bạo hành của chồng mà bỏ đi xa xứ, để lại đứa con nhỏ dại.
Mẹ Nhàn yêu người thanh niên ấy lắm nên hai người thề sẽ sống trọn đời bên nhau, mặc cho nghèo khổ cỡ nào. Rồi một đêm mưa gió bão bùng, trong điếm canh bỏ hoang của làng, người đó đã từ biệt mẹ Nhàn để ra đi. Ông nhận được thư của mẹ đẻ mình ở bên kia biên giới gửi về, và ông muốn vượt biên sang tìm mẹ.
-Tôi van em, tôi lạy em… Mẹ tôi chẳng còn sống được bao lâu nữa. Bà không về được, bà chỉ muốn nhìn mặt tôi lần cuối… Em thương tôi em để tôi đi, rồi tôi sẽ về, sẽ cưới em, cả gia đình ta sẽ đoàn tụ.
Đêm ấy, ông đã quỳ xuống chân mẹ Nhàn, khóc ướt đẫm cả một vạt áo của bà để xin bà cho mình được đi tìm mẹ, coi như là đi gặp mặt lần cuối.
Và ông đi, để lại mẹ Nhàn cùng giọt máu của mình trong bụng bà.
Năm tháng, rồi mười tháng, ngày Nhàn ra đời, chỉ có tiếng khóc của mẹ, tiếng chì chiết của ông bà ngoại, lời bàn ra tán vào của làng xóm… Mẹ Nhàn mang con sang bên này sông, được một bà cụ không con cháu cưu mang bao bọc và nhận mẹ Nhàn làm con nuôi. Căn nhà nhỏ của ba người ở cuối xóm tôi, luôn bập bùng ánh lửa và tiếng nói cười ấm áp.
Năm Nhàn 10 tuổi thì bà ngoại em mất. Chỉ còn lại hai mẹ con côi cút nương tựa nhau mà sống. Mẹ Nhàn đi cấy, đi gặt thuê cho người trong làng. Những ngày không phải ngày mùa, mẹ Nhàn lại tranh thủ mò mẫm ở khúc sông trước cửa, nhặt nhạnh từng con trai, con hến, cái tôm cái tép rồi đem bán vội phiên chợ chiều.
Nhàn 17 tuổi, em nghỉ học ở nhà giúp mẹ những công việc đồng áng. Tôi đi học trên thành phố, dăm bữa nửa tháng mới về một lần, mỗi lần về tôi lại đến tìm em. Chúng tôi lang thang ngoài bờ sông, tôi kể cho em nghe những điều mới lạ trên thành phố, và em nghe bằng một sự thích thú khiến tôi cũng vui lây.
Nhàn 18 tuổi, tôi ngỏ lời yêu em trước sự phản đối từ phía gia đình tôi. Mẹ tôi nói rằng em không phải là người vợ lý tưởng cho một kĩ sư tương lai như tôi. Nhưng tôi không quan tâm điều đó. Chúng tôi yêu nhau, và trao nhau nụ hôn đầu run run dưới một cơn mưa chiều tầm tã.
Tôi vẫn đi học xa, vẫn đều đặn về thăm em, lén lút gửi thư cho em.
Rồi tôi nhận được tin mẹ em qua đời vào năm cuối tôi học đại học. Những khó nhọc của cuộc đời đã cướp đi mẹ của em ở tuổi bốn mươi. Cái tin dữ đó làm tôi bàng hoàng đến sững sờ, tôi vội lao ra xe về quê, tôi cần phải ở bên em lúc này.
Tôi ra trường, mẹ tôi giới thiệu cho vài cô gái làm giáo viên gần nhà, nhưng trong lòng tôi chỉ có Nhàn. Em vẫn sống trong ngôi nhà nhỏ đó. Em nói em phải nghe lời mẹ em, ở lại đây đợi cha em trở về. Tôi ngỏ lời muốn cưới em và đưa em lên thành phố sống cùng tôi.
Tôi trở lại thành phố làm việc được ít ngày thì mẹ tôi đến nhà em làm ầm lên. Tôi không biết mẹ đã nói gì với em, nhưng một tháng sau, tôi nhận được tin em sẽ lấy chồng. Em lấy một người ở làng bên, làm nghề công nhân trên thành phố.
Sau cả một đêm dài thức trắng và đốt thuốc liên tục, tôi nghỉ việc, vội vã ra xe về quê sáng sớm ngày người ta định đến dạm hỏi em. Trên chuyến xe đó, tôi gặp một người đàn ông giàu có. Ông là người làng bên kia sông, tha hương xứ người đã hai mươi năm và giờ mới có cơ hội trở lại. Tôi kể cho ông nghe chuyện về em- về người con gái tôi yêu. Ông đã lắc nhẹ vai tôi và nói trước khi chúng tôi chia tay:
-Về già như tôi, cậu sẽ thấy hối tiếc nhiều chuyện mà lúc trẻ cậu không làm được, hoặc không có dũng cảm để làm… Tôi nghĩ cậu nên quyết định dứt khoát với tình cảm…
Tôi cám ơn ông và vội trở về làng. Tôi không về nhà mà đi thẳng đến nhà em. Ngôi nhà vẫn như thế, không rèm hoa giấy đỏ, không người thân họ hàng, chỉ có một mình em, sững sờ nhìn tôi khi tôi bước qua ngưỡng cửa. Ánh mắt em hoang mang và đầy thương tổn, còn tôi đau như xát muối khi ôm em vào lòng, khi tôi hôn và nuốt trọn những giọt nước mắt mặn chát trên môi em. Vào khoảnh khắc đó, tôi muốn rũ bỏ tất cả, và mang người con gái tôi yêu đi thật xa.
Người đàn ông giàu có ấy là cha em, người cha đã bỏ lại mẹ con em hơn 20 năm trời. Ông đã có một gia đình khác ở bên kia biên giới, nhưng ông vẫn muốn nhận em và đưa em đi cùng. Hai mươi năm trước, ông tìm được mẹ đẻ của mình, rồi bị mẹ ép hứa hôn với con gái một gia đình giàu có, và cha em chẳng còn cơ hội quay lại tìm mẹ con em nữa. Nhưng mối tình đầu ấy vẫn day dứt trong tâm can ông bao nhiêu năm qua, để bây giờ, ông quyết tâm tìm về quê hương, và vui mừng khi biết đến sự tồn tại của đứa con gái này.
Em đã có một thân phận mới. Ông thay mặt em từ chối sính lễ của gia đình bên kia sông. Mẹ tôi ngọt ngào hơn với em. Còn với tôi, em vẫn là cô bé Nhàn ngày nào, vẫn bé dại và hồn nhiên bên tôi.
Nhìn ngôi mộ của mẹ với tấm bia mà cha mình mới lập, em siết lấy tay tôi thầm thì:
-Anh có tin có lá diêu bông không?
-Ừ, có, anh tin…

(Viết tặng cho sông quê, đò chiều, và những ngày thơ bé!)

Xem Tiếp: ----