Chương 1
Khúc quàng của dòng sông

Ô - tô từ Hà Nội đến quãng đầu tĩnh Bắc Ninh thì có một con đường đá rẽ về tay phải: dường 21. Đi sâu vào con đường đó - đi chân, đi xe đạp, đi xích lô hay đi xe hàng nhỏ nhỉnh hơn xe tắc xi một chút - chừng mười hai cây số thì gặp con sông Đuống nước đỏ ửng có bến phà.
Làng Thiệu được bà Ba giao cho trọng trách trông nom "em Yến" khi đi, khi ở trường, và khi về.
Khi đi khi về, Thiệu làm đầy đủ bổn phận; nhưng khi ở trường - nghĩa là trong giờ ra chơi - thì không bao giờ Thiệu nhớ đến Yến. Thiệu ham chơi lắm, còn mải đánh khăng, đánh bi, đánh đáo hay đá bóng.
Con sông Đuống mùa nước cạn trông thật chán phè - Thiệu nghĩ như vậy - nhưng Thiệu cũng không quên rằng nhờ có mùa cạn này Thiệu mới dám xuống nước để tập bơi một mình. năm lên bảy, một hôm Thày đưa Thiệu ra sông tắm, thấy Thiệu bơi mà ngạc nhiên.
Khi về Thày nói với Mẹ:
- Nó bơi giỏi như con nhà thuyền chài ấy mẹ nó ạ.
Vào mùa nước, Thiệu thích đi dọc theo con đê làng ngắm cảnh sông nước mênh mông. Mỗi khi ngắm như vậy Thiệu thấy quên hết những thứ mà Thiệu vẫn thích: đánh bi, đánh khăng, đánh đáo, đá bóng. Thiệu thấy hình như mình buồn rầu thì phải, nhất là khi ngắm khúc quành của con sông ở tít phía xa, trước khi cả dòng sông mất húy sau một lũy tre mờ mờ, có một cây đa vươn lên cũng mờ mờ. Về nhà hỏi Mẹ, Thiệu mới biết đó là làng Thái Lung - Thượng. Khi nghe Mẹ kể chuyện Thạch Sanh thì Thiệu đồ rằng có lẽ cây đa làng Thái Lung -Thượng là cây đa của Thạch Sanh ngày xưa. Đến khi nghe chuyện Phạm Công Cúc Hoa, Thiệu lại đồ rằng tại bãi tha ma bên kia bến phà hẳn là đêm đêm vẫn có những cảnh mẹ hiện hồn lên cho con bú như Cúc Hoa đã hiện hồn với hai con.
Thiệu nghĩ bụng: giá sau này Mẹ có chết, rồi chôn ở ngoài đồng, đêm đến Thiệu ra ngồi bên mả khóc thì thế nào Mẹ cũng hiện lên, Mẹ cũng ôm Thiệu, vuốt tóc Thiệu và lúc trời sắp sáng thế nào mà Mẹ chẳng đánh lừa: "Con hãy cúi xuống để Mẹ bắt chất cho con!" Thiệu sẽ không cúi xuống mà nắm lấy vạt áo Mẹ. Không hiểu làm thế Mẹ có sống lại không nhưng nhất định là Mẹ không biến vào mồ được rồi.
Yến đi học cùng Thiệu được hai tháng thì một buổi sáng chủ nhật kia Yến theo Thiệu ra đê ngắm sông.
Thiệu lại nói với Yến:
- Sông mùa cạn trông chán phèo!
Khúc quành đằng xa nhỏ hẳn đi, Thiệu chỉ cho Yến thấy lũy tre cùng cây đa và bảo: "Đấy là làng Thái Lung-Thượng." Thiệu lõm bõm kể cho Yên nghe chuyện Thạch Sanh và kết luận: "Dưới gốc đa làng Thái Lung-Thượng cố nhiên là ngày xưa có Thạch Sanh."
Yến hỏi:
- Thế làng mình cũng có cây đa, sao ngày xưa Thạch Sanh lại không ở?
Thiệu gạt đi:
- Mình có phải là người cùng làng với Thạch Sanh đâu. Thạch Sanh ở làng khác chứ, càng xa càng hay, mà làng Thái Lung - Thượng xa nhất lại cách sông nữa thì Thạch Sanh phải ở đấy chứ.
Lúc bấy giờ Yến mới gật đầu cho là phải. Buổi chiều, Thiệu dạy Yến bơi ở gần bến phà. Thiệu buộc túm hai ống quần và cạp quần để khi dìm xuống nước, cả cái quần phồng lên như bong bóng, Yến nắm lấy quần, úp mặt xuống, hai chân đập tầm phòng trên mặt nước. Một tuần sau Yến đã võ vẽ bơi một mình được.
Thiệu, Yến chỉ tắm khoả thân trong mùa nước cạn năm đó.
Hai năm sau, Thiệu, Yến vẫn cùng đi học trường làng. Thiệu học lớp Nhì, mà yến thì theo lớp Ba, cuối năm thi "Sơ học yếu lược." Sáng hôm đó Thiệu mặc quần đùi thâm và chiếc áo trúc bâu mới, lên đê ngắm dòng sông đang mùa nước. Lẽ ra theo ý Thày, Thiệu không được mặc áo mới đi chơi, nhưng Mẹ bảo: "Ông cứ để nó mặc cho nhàu hồ đi rồi tôi giặt."
Xuống đến bến phà, Thiệu gặp Yến. Yến đương đứng trên cầu nổi, tay cầm que tinh nghịch cời những hoa, những quả, những cành củi trôi lướt theo dòng sát bên cầu nổi. Lúc đó phà đã sang bên kia sông và ở bên này chưa có ai tới đợi.
Yến hỏi:
- Thiệu đi đâu đấy?
Thiệu thò tay vào túi áo trúc bâu mới, vây vo:
- Đi lên đê ngắm sông.
Chỉ một thân chuối lớn đương lững thững từ xa trôi lại, Thiệu hỏi:
- Đố Yến thân chuối kia có trôi vào khoảng hoắm của bến này không nào?
Yến nghiêng đầu ngắm rồi đáp:
- Chắc là có, nếu không Yến lấy que cời vào.
Vừa lúc đó có quả gì như quả bưởi lướt qua gần bên ngoài.
Yến reo:
- Để Yến cời quả này vào đã!
Yến hơi kiễng chân vươn người về phía trước và khom lưng để gạt quả bưởi, bất chợt mất thăng bằng ngã tòm xuống nước. Yến chỉ kịp kêu lên một tiếng rồi bị cuốn theo dòng ngược chiều chảy sát bờ, chân đạp cuống quít trên mặt nước cố cho thân nổi lên.
Trong một thoáng rất nhanh, Thiệu nhớ ra rằng khi mức sông lên cao, khoảng hoắm này nước vẫn chảy thành vòng tròn. Nhưng ủa, không thể nghĩ lan man hơn được, Yến đang bơi vụng dại theo dòng sát bờ. Thiệu nhảy phăng xuống đón ngay cây chuối vừa giạt vào, đẩy ngay cây chuối ngược chiều nước men bên dòng chính, phía ngoài cùng.
Phải bơi nhanh, phải đẩy mạnh, mình là đàn ông mà - Thiệu nghĩ - để khi Yến theo dòng bên trong quành ra tới dòng ngoài thì đã có cái víu. A lê hấp, veo! Cây chuối đã được đẩy tới lần thứ năm và lao ra trước Yến đúng một sải tay. Khi Yến víu được cây chuối, Thiệu cũng vừa bơi tới. Thiệu phải bơi sát cây chuối và luôn luôn ẩn cây chuối vào để Yến khỏi lạng ra dòng ngoài. Khi cả hai đều đã leo lên cầu nổi, Yến nhìn Thiệu nhoẻn miệng cười, không biết nói cám ơn.
Thiệu đưa mắt nhìn dòng sông bên ngoài màu nước đỏ hung dữ như mặt người say rượu có chút máu điên, rất nhiều chỗ ngầu bọt trắng như màu nước dãi phòi ở mép bác cu Tý trong làng mỗi khi bác lên cơn ngất, tay chân giãy đành đạch (mãi về sau này Thiệu mới biết rằng bác Tý mắc bệnh động kinh).
Làm vẻ rất nghiêm trọng. Thiệu hất hàm hỏi mà không nhìn yến:
- Yến có trông thấy dòng sông bên ngoài không? Giá không nhanh tay đầy cây chuối kịp, Yến mà lạng người ra ngoài kia thì có thánh cũng không cưú được.
Không thấy Yến trả lời, Thiệu nhìn lại thấy vẻ mặt Yến lo lắng. Yến chỉ vào quần áo ướt sũng của mình:
- Làm thế nào về nhà được? Mẹ đánh chết!
Lúc bấy giờ Thiệu mới sực nhớ mình cũng sũng nước. Ôi thôi, chiếc áo trúc bâu mới may nay thành màu hồng xỉn, lại thêm mấy khoảng hoen ố lớn do nhựa chuối quệt vào. Nhưng chuyện mình hãy gác đấy, còn tính sao cho Yến đã chứ.
Thiệu bảo:
- Yến hãy theo Thiệu lên đê, sắp có người lại đợi phà rồi đó.
Thiệu bước ra khỏi cầu nổi leo nhanh lên khoảng vệ đê có mấy cây nhãn cao và mấy cây duối dại thấp. Yến cũng thoăn thoắt lên theo.
Thiệu hỏi:
- Thế bây giờ Yến bảo phải làm thế nào?
Yến nói:
- Sáng nay mẹ Yến phơi bộ quần áo thay của Yến ở giây thép ngoài vườn.
Thiệu cam kết:
- Để Thiệu về lấy cho.
Thiệu cởi phăng chiếc áo trúc bâu hung hung đỏ treo lên một cành duối. Thế là Thiệu cởi trần chỉ còn mặc chiếc quần đùi ướt sũng và nói:
- Thiệu sẽ chui vào vườn lấy trộm quần áo mang đây cho Yến.
Yến giao hẹn:
- Thiệu nhớ là quần đen, áo tím nhạt kẻ vuông.
Thiệu đã sắp sửa chạy về trổ tài, Yến còn hỏi:
- Thế nhưng Thiệu vào vườn nhà Yến bằng lối nào?
Thiệu để ngón tay trỏ lên miệng, bí mật:
- Có một lối Thiệu vẫn chui vào để nhặt những quả mận quả ổi rơi.
Thiệu nói là " nhặt những quả rơi" cho lịch sự kỳ thực chính Thiệu leo lên, tuốt vội từng chùm quả, bỏ vội vào túi, rồi tuột vội xuống, lủi ra.
Cũng may mà đi suốt trên đường từ bến cho tới khi vào vườn Thiệu không gặp Thày, Mẹ hoặc các anh chị. Thiệu vừa chui lọt vào hàng rào dâu bụt, chưa kịp đứng thẳng người, đã có tiếng quát, tiếng của bà Ba:
- A... a! Ông tướng Thiệu! Có phải ông chui vào định ăn trộm ổi của nhà tôi để tôi chạy sang nhà mách nào!
Rất nhanh trí - Thiệu cũng không hiểu sao lúc đó mình nhanh trí đến thế - Thiệu đáp:
- Thưa bác, cháu tìm con quay của cháu văng vào đây.
Rồi Thiệu làm vẻ vạch cỏ hàng rào chăm chú tìm. Khi bà Ba vào, Thiệu đưa mắt nhận ngay ra chiếc quần và chiếc áo tím kẻ ô của Yến. Chỉ một loáng, Thiệu đã lướt tới quơ được cả hai và lủi ra khỏi hàng rào. Qua cổng nhà mình Thiệu thấy bóng chị Hoa, Thiệu nhảy vội xuống vệ đường khom lưng lại. Chị Hoa không thấy Thiệu. Ra tới bờ sông khi đã đưa quần áo cho Yến thay, Thiệu cũng biết quay đi. Thiệu đã lên mười, Yến lên tám rồi còn gì.
Yến về, Thiệu cởi nốt quần đùi phơi lên bụi duối rồi nằm lẩn trong một bụi cây chờ cho quần áo khô. Thiệu len lén vào ngõ, chị Hoa trông thấy trước, giơ cả hai tay lên giời:
- Thôi thế là tong đời cái áo mới rồi, ông mãnh!
Nhưng nước mắt chị bỗng chảy quanh vì chị thấy Thày quắc mắt rồi nhìn quanh, ý tìm roi. Thiệu không lên nhà trên sợ gần nhà Yến quá. Thiệu lảng thẳng xuống bếp, chỉ vừa kịp đến đứng sau cối xay lúa, Thày đã tới và quất ngang đít Thiệu ba roi cật lực. Thiệu đã nghiến răng mà tuy vậy mỗi roi nhận được vẫn còn phải thốt ra câu:
- "Con lạy Thày!" - Nhưng rất khẽ.
Anh Tín - anh trưởng - còn hùn thêm:
- Thày cứ đánh nữa cho từ sau nó chừa. Đúng là ngã xuống bến phà đây...
May sao Mẹ đã xuống, Mẹ vừa thay quần áo khác cho vừa nói:
- Còn ham chơi, còn chết đòn con ạ. Làm sao mà khổ thế, thân lừa ưa nặng!
Mọi người đã vào mâm cơm trưa. Thiệu hoàn toàn yên lòng: cha, mẹ, anh, chị mắng thế là xong. may là Thiệu tinh ý xuống ngay bếp. Từ bếp cách một khoảng nhà trên, cách một cái vườn rồi mới đến nhà Yến, chắc yến không nghe thấy. Thiệu cho việc này giữ kín đáo như thế là phải, không nên để Yến thắc mắc điều gì.
Buổi chiều hôm đó, chú Hai ở Hà Nội về chơi mua quà riêng cho Thiệu một bánh sô cô la lớn gồm nhiều thỏi nhỏ bọc giấy thiếc. Thiệu lấy ra một thỏi và tìm Yến, bẻ đưa cho Yến một nửa. cả hai cùng ăn ngon lành lắm. Khi ăn xong, Thiệu thấy bên mép Yến có một vệt sô cô La màu nâu xẫm. Thiệu thích vệt đó lắm, thành thử cứ mỗi lần lấy ra một thỏi sô cô la khác, Thiệu phải đi tìm Yến bằng được, bẻ cho Yến một nửa - nhiều khi quá nửa - để được thấy lại vệt sô cô la đọng bên mép Yến.