ha mất khi Khanh mới 6 tuổi. Ấy là năm cải cách. Người ta quy nhà Khanh địa chủ. Nhà cửa, đồ đạc, ruộng đất bị tịch thu chia cho cố nông. Cha dựng cái lều trên nền đất cũ. Rồi cũng từ cái lều rách nát ấy, cha ra đi không một lời trăng trối, sau nửa năm trời ốm lay lắt. Cũng may, mấy chị em Khanh còn có mẹ và bà con thân thuộc lối xóm chở che.
Mẹ Khanh cố gượng dậy, lầm lũi nuôi dạy chị em Khanh. Bà quyết nuôi chúng nên người. Chẳng hiểu trời phú, hay cha nó phù hộ mà Khanh lớn phổng phao, học giỏi, chăm ngoan?
Chiến tranh ập đến. Hết cấp ba, Khanh như kẻ bị giam lỏng. Bạn bè, đứa nhập ngũ, đứa học tiếp lên đại học. Còn Khanh, với tấm lí lịch “Con địa chủ” ghi đậm nét mực đen như chàm vào cuộc đời, tưởng khó bề tẩy xóa. Làng xóm những năm ấy chỉ còn rặt người già, con nít. Thanh niên trai tráng như Khanh mà phải sống trong tù túng, o bế không chịu thấu.
Bao nhiêu đêm không ngủ, trằn trọc. Không thể sống lầm lũi mãi thế này. Phải ra đi! Đi đâu? Chưa biết đến đâu, nhưng duy chỉ một con đường Khanh đã chọn. Vào Nam! Quyết một phen “Chết xanh cỏ, sống đỏ ngực”. Khăn gói đâu đó rồi, Khanh viết mảnh giấy vẻn vẹn mấy chữ để lại cho mẹ “Con đã vào Nam. Xin mẹ yên lòng. Rồi con sẽ về!”. Đọc mảnh giấy, mẹ chết lặng vì thương con. Cái thời nó vậy. Thôi thì con cứ đi đi. Gắng sức bằng anh, bằng em. Đừng làm điều trái đạo, đau thêm đời mẹ. Bà nghĩ vậy, an ủi phận đời ngang trái.
Gian nan thay những chặng đường! Bộ đội, thanh niên xung phong ào ạt đổ vào Nam. Họ đi có đoàn, có đội, có cơm ăn, nước uống. Còn Khanh như kẻ lang thang, ngửa tay xin ăn từng bữa. Để như có tính hợp pháp cho chuyến đi, Khanh phịa ra một bức thư của anh trai gửi em, “Đơn vị anh là Z.327 còn ở xã X. Quảng Trị. Một tháng nữa sẽ vào Nam. Em xin phép mẹ vào với anh mấy ngày.... Nhớ mẹ, nhớ em quá, Khanh ơi!”. Mấy dòng ấy là cái giấy thông hành, là chiếc cần câu cơm để Khanh lần mò trên con đường Nam tiến.
Khanh lẽo đẽo sau đuôi một đơn vị bộ binh. Ở một binh trạm miền tây Quảng Bình, nắng như đổ lửa. Bầu trời không lúc nào ngớt tiếng quần đảo của lũ giặc trời. Mịt mù khói bom đạn ở các trọng điểm. Ngày nghỉ, đêm hành quân. Đoàn quân ấy đang trường chinh vào nơi cũng đang ngút trời bom đạn.
Có tiếng thét như đanh trong đêm chập chờn, nhạt nhòe pháo sáng:
- Tản ra! Tìm nơi ẩn nấp! B52 tập kích.
Khanh bíu lấy ba lô của một anh bộ đội, chúi chụi vào khúc giao thông hào. Những loạt bom trời giáng dội xuống đội hình hành quân. Ba loạt bom, cả đoàn quân tan tác. Khanh ôm chặt người lính. Máu đâu đó từ người anh, túa ra hôi hổi.
- Cậu ơ...i, tớ bị thư....ơng, nặng lắm...
Khanh sờ soạng. Một mảnh bom phạt vào bụng người lính, máu xối xả, ướt đầm cả hai người.
- T...ớ không qua kh...ỏi đâ...u. Cậu mang ba... lô tớ mà đi. Hãy viết...tiếp những bứ..c thư... Còn sống...trở về, tìm Tr...ang và thương yêu cô ấy...- Chưa hết câu trăng trối, anh xuội xuống trong vòng tay Khanh.
Vẫn nằm bất động bên xác anh bộ đội, Khanh lắng tai nghe. Trên kia đang chộn rộn tiếng la hét gọi nhau. Ai đó nghẹn lại trong câu nấc, chết gần hết rồi! Còn mấy đứa nữa đâu.
Đêm đó, Khanh cõng thi hài người lính vào thật sâu trong bản người Vân Kiều. Dưới ánh đèn dầu tù mù, Khanh kiểm tra nhanh chiếc ba lô. Hai bộ quần áo, chiếc võng, cái màn...đầy đủ tư trang của lính. Mở cái túi có dây kéo thắt miệng. Một cuốn nhật kí dày dặn, những bức thư của người thân gửi vào - nhiều nhất là thư đề tên Trang, những chiếc phong bì còn mới, chưa ghi địa chỉ... Anh nhờ mấy già bản chôn cất người lính. Khanh cuộn thật nhỏ mấy bức thư của Trang nhét vào chiếc bi đông, vặn chặt nắp, chôn theo thi hài. Xong việc, Khanh kịp lột bỏ áo quần dính đầy máu, khoác vào mình bộ đồ lính lấy ra từ chiếc ba lô.
Vứt hết giấy tờ có trong mình, Khanh bắt đầu với cái tên mới - Nguyễn Văn Quang. Trở lại nơi đơn vị bộ đội bị tập kích. Chẳng còn ai. Lần mò, biết tin đơn vị của Quang chỉ còn hơn chục người sống sót. Người ta xé lẻ, bổ sung vào một tiểu đoàn mới. Đơn vị đã hành quân sau một ngày nghỉ lại. Như có ai đó tiếp sức, Khanh hăm hở đi tiếp. Hơi ấm Quang đang hiện hữu trong bộ quân phục trên người Khanh. Ba ngày sau, Khanh đuổi kịp đoàn quân. Chẳng chút nghi ngờ, sau mấy câu lục vấn, kiểm tra giấy tờ, quân trang người ta biên chế anh vào một đơn vị mới.
Lá thư Trang nhận được khi Khanh đã vào đến binh trạm số 10. Suốt đêm ấy, cô khóc tưởng đã cạn nước mắt. Trời ơi! Sao người lính khổ đến vậy? Liệu rồi cánh tay của Quang có bị tàn tật không? Không sao đâu, rồi anh sẽ bình phục mà. Dẫu Quang đã viết vậy, nhưng cô vẫn thấy lo và thương cho anh quá. Những nét chữ viết bằng tay trái nghệch ngoạc, ngắn ngủi chỉ mấy dòng thôi nhưng đã làm nhói thắt lòng Trang.
Chỉ có mấy dòng gửi Trang, nhưng trước đó là cả một cuộc đấu tranh quật quả trong Khanh. Và cuối cùng chắt lưỡi, âu đấy cũng là để thực hiện lời trăng trối của người đã khuất. Khổ sở lắm Khanh mới viết được lá thư ấy. Và cũng quyết đoán lắm, anh mới đưa gửi giao liên trên đường ra Bắc.
Ba tháng, bức thư gửi đi. Thấp thỏm chờ. Liệu Trang có phát hiện ra bức thư giả của Khanh? Lỡ ai đó nhắn tin ra, biết Quang đã hi sinh, Trang sẽ cư xử với mình sao đây? Lỡ leo lên lưng cọp rồi, lấn tới chớ biết sao đây. Và rồi, thư Trang đã tới. Khanh thở phào trước những giòng âu yếm, yêu thương của Trang. Không mảy may chút hồ nghi.
Suốt trên chặng đường hành quân, Khanh phải làm một công việc mà chắc cả trăm ngàn người lính kia chẳng ai làm: phải giả danh thật thuần thục người yêu của Trang. Anh đã đọc thuộc lòng từng trang nhật kí, từng lá thư Quang chưa gửi, từng lời âu yếm của Trang. Thằng Trung cao kều nhập ngũ ngày nào, hiện đơn vị đang ở đâu; thằng Minh mập vào Thanh niên xung phong, đang vận chuyển trên cung đường nào. Rồi bố mẹ, các em Trang và gia đình Quang...Khanh đã nhớ chẳng sai một chi tiết. Tuy cùng tỉnh, nhưng quê Trang, anh chưa một lần đặt chân tới. Không có một bức ảnh nào của Trang, nhưng Khanh cứ mường tượng cô ấy đẹp lắm. Nước da ngần trắng, mái tóc dài, mượt đen là chắc chắn rồi. Thì trong nhật kí Quang đã ghi nắn nót từng chữ đấy thôi.
Những bức thư Khanh viết cho Trang cứ dài thêm - nó dài theo các cung đường hành quân, khi anh đã viết bằng tay trái thuần thục. Trang có hỏi, nhưng anh bảo, viết quen rồi. Vả lại cũng thấy hay hay. Khoảng cách chiến trường và hậu phương cứ xa dần, xa dần. Những lá thư vào ra rồi cũng thưa dần, nhưng vẫn đầy ắp yêu thương. Thư ra nhiều lá đã dính máu, thấm đẫm mồ hôi của người lính. Thư vào, chát mặn nước mắt của người ở lại...
Tôi quen biết Khanh ở Đại hội đại biểu Cựu chiến binh của tỉnh năm năm trước. Lính với nhau cả, nhưng chúng tôi vẫn bị cuốn hút bởi câu chuyện tình của họ. Cứ nôn nóng muốn biết, vợ anh có phải là Trang ngày ấy hay không.
- Thì cứ từ từ, để tôi kể - Khanh tì tay lên thành chiếc ghế đá, đặt chiếc nạng và ngồi xuống ghế, lại tiếp. Những bức thư tôi viết cho Trang, ban đầu nghĩ là để an lòng cô ấy. Dần dà, giữa nơi trận mạc ấy, những lá thư cô ấy đã tiếp sức cho tôi. Và, tôi đã yêu Trang.
Tưởng êm xui, nào ngờ. Cái ngày tôi viết bức thư cuối cùng gửi Trang tại trại an dưỡng. Là bức thư duy nhất, tôi viết bằng tay phải để gửi Trang. Một bức thư thật dài, tôi đã nói rõ mọi chuyện. Trang đến thăm tôi. Cô ấy trả lại toàn bộ những bức thư tôi gửi về. Nhìn cái chân cụt, nhìn tấm thân ốm o như ma dại của tôi, Trang khóc nhưng vẫn không kìm nén nỗi giận hờn. Tôi muốn nói thật nhiều để Trang hiểu. Nhưng câu cuối cùng cô ấy nói với tôi khi ra về, trong đôi mắt đẫm lệ: “Anh lừa tôi thế là đủ rồi đấy”...
Khi tôi gõ những dòng này thì mấy năm qua, vợ chồng Khanh đã làm xong nhiều việc lớn. Mộ bố mẹ Khanh đã xây xong. Hài cốt Quang đã được đưa về nghĩa trang của tỉnh. Tấm huân chương “Anh hùng lực lượng vũ trang” lấp lánh trên ngực Khanh ngày “Hội ngộ những người lính trung đoàn”, làm tôi nhớ đến lời kể về lời thề ngày anh ra đi: “Chết xanh cỏ, sống đỏ ngực”. Anh không chết. Anh đã làm trọn bổn phận của một người lính. Anh đã thực hiện trọn lời trăng trối của người ngã xuống.
Hà Tĩnh, những ngày cuối tháng 7/2012
 

Xem Tiếp: ----