ạn có không? những cảm giác chạy dài trên từng miền da thịt, sự xúc động mãnh liệt làm lỗi đi chừng một nhịp đập của trái tim. Chỉ một nhịp thôi cũng sẽ đưa chúng ta đến cái chết. Cái chết trong nỗi hạnh phúc quá lớn lao. Phải, tôi đã ngồi lặng yên, mắt mở trừng bất động nhìn tấm hình đang hiện ra thật rõ, từng góc cạnh, từng nét chấm phá, của bầu trời màu xanh, của từng làn mây trắng.Từng cột đèn đường, từng chùm dây điện dọc ngang đến rối mắt. Con đường, phải con đường của tuổi thơ tôi, sao ngày đó nó rộng lớn quá, khi mỗi bước chân nhỏ bé của tôi qua lại mỗi ngày, với đôi mắt cẩn thận nhìn chừng xe cộ. Họa hoằn, hiếm hoi lắm trên con đường đó mới có bóng dáng của một chiếc xe hơi băng qua. Con đường cũng thưa thớt bóng người, bởi có ai rảnh rang đâu ở mảnh đất cày lên sỏi đá, với hai mùa mưa nắng khắc nghiệt, để dìu nhau đi trên con đường Trần Hưng Đạo, gần như là đại lộ chính của thành phố Quảng Trị.

Tấm hình cho tôi thấy một ngả ba, con đường rẽ về tay phải khi nhìn vào bức hình, là con đường đất nhỏ sẽ đi vào căn nhà của tôi, thuộc phường đệ nhị thị xã Quảng Trị. Trước khi rẽ vào con đường đất nhỏ đó, thì trước mắt sẽ nhìn thấy cái cửa sổ của căn nhà phía trước mặt đường, có 4 cây cột được xây bằng gạch thẳng đứng sát kề bên nhau, được quét vôi màu vàng cùng với màu tường của căn nhà. Nước mắt tôi bắt đầu dần ứa ra, không tuôn rơi như mưa, nước mắt đoanh lại trong khóe mắt để rồi dâng lên, sóng sánh những hình ảnh của quá khứ, nhấp nhô lúc mờ lúc hiện với những dòng nhớ nhung quay quắt. Tôi thấy trong làn nước mắt là hình dáng bà cố của tôi, mỗi ngày đều ngồi nơi đó, bà cố tôi già lắm và khi mà tôi biết ghi nhận được những hình ảnh để cất giử vào trong ngăn ký ức, thì bà đã thọ trên 100 tuổi. Giá như người chụp tấm ảnh này lấy thêm một tí nữa về bên tay phải.Thì tôi sẽ thấy được cây khế ngọt có những cành cây cao vút nằm rạp lên trên mái nhà. Kế đó là cánh cửa đi vào ngõ sau nhà ông nội và bà cố của tôi cư ngụ.
Quảng Trị, tiếng gọi yêu thương mỗi khi ai hỏi tới, tôi sẽ nói huyên thuyên bằng tiếng của địa phương của tôi. Tiếng Quảng Trị phát âm nặng hơn tiếng Huế, nơi mạ tôi sinh ra. Nhưng tôi lại có giọng nói nhẹ, để hài hòa giữa tiếng của mạ và của ba, ông là dân cư Quảng Trị 100/100.Trong con đường đất nhỏ mang tên Quang Trung, tôi hồn nhiên lớn lên, cắp sách đi học trường Nữ Tiểu Học Quảng Trị. Con đường tới trường nếu đi thẳng theo hướng làn gió mát thổi lên từ mặt sông, chỉ cần băng qua thêm một con đường dài là sẽ đưa tới phía mặt đằng sau chợ Quảng Trị.
Chỉ cần bước vài bước chân qua con đường chiều ngang, đủ hai cho hai chiếc xe ngược chiều nhau,thì sẽ tới ngay trên bờ sông Thạch Hãn. Tuổi thơ tôi cũng luôn gắn liền với dòng sông, khi mỗi ngày chị nuôi tôi xuống sông để gánh nước về dùng trong gia đình. Chị hơn tôi chỉ 4 tuổi, là con nhà nghèo nên đã biết lao động chân tay từ nhỏ, chị nuôi tôi có sức khỏe thất tốt. Chị là con người bạn của ba tôi, khi bác ấy qua đời, mạ của chị con đông quá không đủ khả năng về kinh tế, nên mang chị cho gia đình tôi làm con nuôi. Mặc dầu mạ tôi đâu có hiếm muộn về con cái.
Trong nhà chị thương tôi nhất, đi đâu cũng rũ rê tôi theo, được thể tôi đì chị, bắt cõng tôi trên lưng đi khắp thành phố Quảng Trị. Tôi sinh ra và lớn lên được tắm gội bởi dòng sông Thạch Hãn. Nên dòng máu đang chảy êm đềm trong tâm hồn tôi chính là dòng sông Thạch Hãn với những trưa hè nước xanh trong vắt. Với những mùa lũ lụt về, tràn bờ nước dâng lên lai láng những con đường trong thành phố, cho trong đôi mắt tuổi thơ to rộng mênh mông.Những ngày giông bão đi qua đó tôi trùm áo mưa, mang đôi giày cao su ống cao, lội nước bì bõm trước mái hiên nhà để nghịch ngợm, với những nhánh cây thầu đâu gãy cành tìm trái chơi bán hàng, tìm xác những chú chim se sẻ không chạy trốn thoát được những cơn bão thịnh nộ, mang từng cơn gió hung hãn tạt ngang qua đây.
Bên căn nhà của bà cố và ông nội tôi là căn nhà của chú, em trai út của ba tôi. Căn nhà có lầu cao thấy rõ cả sân thượng. Căn nhà đó đã mang lại cho tuổi thơ tôi thật ấm áp tình thương. Chú thường thay ba tôi, âm thầm quan tâm và lo lắng cho gia đình tôi, bởi cơ ngơi của chú tôi có tiếng giàu có nhất nhì ở tỉnh Quảng Trị. Thuở bé tôi thực sự giống như một cô công chúa trong biết bao vòng tay thương yêu chăm sóc.
Quảng Trị còn có những gánh hàng rong, tiếng rao hàng vang xa trong mỗi sáng mai thức giấc tờ mờ hơi sương, mỗi trưa trong sự yên lặng oi nồng hơi nắng cháy khét nung trời và mỗi đêm khuya, vẫn nghe đâu đó tiếng rao buồn bã âm thanh, bởi gánh hàng chưa bán hết, hiu hắt dưới ánh đèn vàng trên đường đi không thấy bóng người. Chợ Quảng Trị có những mùa hè trái dâu chín đỏ, mang ra dằm đá đường ăn đã miệng thèm. Có những mùa trái sim chín mọng đựng đầy trong những chiếc thúng bày bán quanh chợ, họ đong đo cái lon bằng thiếc sau khi đã dùng hết sửa đặc đựng trong đó. Đồ đựng trái sim là những tấm lá chuối tươi hoặc đã héo khô. Chỉ trên con đường trở về nhà, thì tôi đã ngốn gần hết bằng đó những quả sim đang cầm trên tay.
Tấm hình sáng nay tôi tìm thấy trên net, tôi chắc chắn người có tấm hình này phải là người của Quảng Trị. Một người tôi chưa từng biết, từng quen, nhưng sao tôi lại thấy quá gần gủi. Phải chăng giữa chúng ta đã có những niềm thương nhớ về một Quảng Trị của ngày xưa. Phải chăng chúng ta đã cùng uống chung một dòng nước của con sông Thạch Hãn? Và những con đường của ngày xưa đâu thể thiếu đi những bước chân bé nhỏ một thời...
Mầu Hoa Khế
Aug-2012
 

Xem Tiếp: ----