Chương 5
CON NGỰA DƯỚI ĐÁY BIỂN

    
iển ấm áp, trong vắt uể oải xô động những làn sóng màu lam pha sắc lục rực rỡ lạ thường. Đa-rơ Vê-te thong thả đầm mình trong nước ngập đến cổ và dang rộng hai tay, cố đứng vững trên cái đáy dốc nghiêng. Anh phóng tầm mắt qua những làn sóng thoai thoải, nhìn nhìn về khoảng xa sáng lấp lánh, và lại cảm thấy mình hòa tan trong biển, cảm thấy mình trở thành một bộ phận của thiên nhiên bao la. Anh mang đến đây, đến biển này, một nỗi buồn lâu nay bị kìm giữ trong lòng. Nỗi buồn phải chia ly với sự hùng vĩ hấp dẫn của vũ trụ, với đại dương mênh mông của nhận thức và tư tưởng, với trạng thái tập trung nghiêm nghị của mỗi ngày sống trên đời. Bây giờ cuộc sống của anh hoàn toàn khác. Tình yêu ngày càng mãnh liệt với Vê-đa đã tô điểm cho cuộc sống của anh trong những ngày mà anh phải làm một công việc không quen thuộc và bộ não đã được rèn luyện kỹ càng của anh vẩn vơ với những suy nghĩ lông bông. Hào hứng như một người học trò, anh mải mê nghiên cứu lịch sử. Con sông thời gian được phản ánh vào trí tuệ anh đã giúp anh quen được với sự đổi thay trong cuộc sống. Anh biết ơn Vê-đa Công vì với tính tế nhị xứng đáng với chị, chị đã tổ chức du hành bằng tàu lượn đến cái xứ xở mà lao động của con người đã làm cho biến đổi hẳn. Giống như khi ta đứng trước biển cả bao la, những đau buồn cá nhân trở nên nhỏ mọn trước sự hùng vĩ của công việc làm thay đổi mặt đất, Đa-rơ Vê-te đã yên lòng cam chịu cái tổn thất không thể bù đắp lại được, điều mà con người bao giờ cũng khó chịu nhất...
Một giọng dịu dàng, gần như trẻ con gọi anh. Anh nhận ra Mi-i-cô và vung hai tay nằm ngửa ra, chờ cô gái nhỏ nhắn. Cô lao xuống biển. Mái tóc cứng đen nhánh của cô nhỏ xuống những giọt nước lớn, và dưới lớp nước mỏng, tấm thân với nước da bánh mật, hơi vàng của cô nhuộm màu lá mạ. Họ bơi cạnh nhau, nhằm hướng mặt trời, bơi đến một hòn đảo nhỏ hoang vắng, cô độc, nhô lên như cái gò màu đen ở cách bờ chừng một ki-lô-mét. Tất cả trẻ em kỷ nguyên Vành-khuyên đều được nuôi dạy bên bờ bển, lớn lên các em trở thành những người bơi lội tuyệt giỏi, còn Đa-rơ Vê-te thì có năng khiếu bẩm sinh. Thoạt tiên anh bơi thong thả, sợ Mi-i-cô mệt, nhưng cô gái lướt đi bên cạnh anh một cách nhẹ nhàng và vô tư lự. Đa-rơ Vê-te bơi gấp, hơi sửng sốt về nghệ thuật bơi của Mi-i-cô. Nhưng ngay cả khi anh đã gắng hết sức, Mi-i-cô vẫn không thua kém. Khuôn mặt xinh xắn dễ thương của cô vẫn bình tĩnh như trước. Có tiếng sóng vỗ trầm lặng ở mé bên kia đảo. Đa-rơ Vê-te lật ngửa người lên, còn cô gái thuận đà lướt về phía trước, bơi vòng lại chỗ anh.
- Mi-i-cô, chị bơi giỏi quá! - Đa-rơ Vê-te thốt lên với vẻ khâm phục, và anh hít không khí vào đầy lồng ngực rồi nén thở.
- Tôi bơi xoàng hơn lặn - Cô gái thú nhận làm Đa-rơ Vê-te lại ngạc nhiên.
- Tổ tiên tôi là người Nhật - Mi-i-cô nói tiếp - Hồi xưa họ là một bộ lạc mà tất cả phụ nữ đều là thợ lặn: mò ngọc trai, tìm những thứ rong ăn được. Công việc đó truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, một nghìn năm sau họ đã đạt tới một trình độ siêu việt. Bây giờ nghệ thuật ấy ngẫu nhiên bộc lộ ra ở tôi.
- Tôi không ngờ...
- Không ngờ rằng con cháu xa xôi của những người đàn bà thợ lặn lại trở thành nhà sử học phải không? Trong dòng họ tôi có lưu lại một truyền thuyết. Hơn một nghìn năm trước, có một họa sĩ Nhật là I-a-na-ghi-kha-ra Ây-gô-rô.
- Ây-gô-rô? Tên chị cũng thế ư?
- Một trường hợp hiếm hoi trong thời đại chúng ta, thời đại mà người ta muốn đặt tên thế nào cũng được, miễn sao nghe hay thì thôi. Tuy nhiên mọi người đều cố chọn những hợp âm hay những từ lấy trong ngôn ngữ các dân tộc mà họ xuất thân từ đó ra. Nếu tôi nhớ không nhầm, tên anh gốc tiếng Nga phải không?
- Hoàn toàn đúng! Thậm chí không phải lấy gốc từ, mà lấy cả từ nguyên vẹn. Đa-rơ là món quà tặng, Ve-te là cơn gió, cơn lốc...
- Tôi không hiểu rõ nghĩa tên tôi. Nhưng có một họa sĩ có tên như thế thật đấy. Cụ tôi đã tìm được một bức tranh của ông trong kho lưu trữ. Một bức tranh lớn, anh có thể xem ở nhà tôi, nó là vật lý thú đối với các nhà sử học. Cuộc sống nghiệt ngã và can trường, cảnh nghèo khổ và tính tình dễ dãi của dân tộc được miêu tả rất rực rỡ... Ta bơi ra xa chứ?
- Khoan đã, Mi-i-cô! Còn những người đàn bà thợ lặn thì thế nào?
- Họa sĩ yêu một cô thợ lặn và đến ở hẳn với bộ lạc. Các con gái ông cũng làm thợ lặn, cũng suốt đời kiếm sống ở biển. Anh xem, hòn đảo kỳ lạ chưa: giống cái thùng tròn hay ngọn tháp để sản xuất đường.
- Đường! - Đa-rơ Vê-te bất giác phì cười - Thuở nhỏ, những hòn đảo hoang vu như thế này là mồi cám dỗ tôi. Chúng đứng trơ trọi ngoài biển, các vách đá hay các khoảng rừng của chúng che giấu những điều bí mật kỳ lạ: có thể gặp ở đây bất cứ cái gì mà ta mơ ước.
Tiếng cười giòn tan của Mi-i-cô là phần thưởng cho anh. Cô gái vốn trầm lặng và bao giờ cũng hơi buồn, giờ đây đổi khác đến mức không nhận ra được. Cô vui vẻ và mạnh bạo băng về phía trước, hướng tới những làn sóng nặng nề đang đổ ào ào. Nhưng cô vẫn là cánh cửa đóng kín đối với Vê-te, hoàn toàn không như Vê-đa. Vê-đa có tâm hồn trong suốt như pha lê, và tính gan dạ của chị là sự cả tin tuyệt diệu hơn là sự gan lỳ thực sự.
Giữa những khối đá lớn sát gần bờ, có những hành lang ngầm sâu được ánh sáng mặt trời rọi tới. Đáy hành lang mấp mô những gò bọt biển thẫm màu, mép có rêu rủ xuống như tua viền. Chúng dẫn tới phía Đông đảo, nơi có những khoảng sâu và tối chưa từng biết đến. Đa-rơ Vê-te lấy làm tiếc rằng anh không mượn Vê-đa tấm bản đồ chính xác vùng ven biển. Những chiếc mảng của đoàn khảo sát biển lấp lánh dưới ánh Mặt trời ở gần doi đất, phía Đông, cách đây mấy ki-lô-mét. Có thể nhìn thấy bãi tắm. Lúc này, Vê-đa cùng các bạn đang ở đấy. Hôm nay người ta thay ắc-quy trong các máy và cả đoàn được nghỉ. Còn Vê-te theo đuổi niềm ham thích từ nhỏ là nghiên cứu các đảo hoang.
Một vách đá an-đê-dít[1] đáng sợ lơ lửng phía trên hai người đang bơi. Những chỗ nứt vỡ của các khối đá nom còn mới. Trận động đất mới xảy ra mới đây đã làm sụp phần bờ biển yếu ớt. Một luồng sóng mạnh từ ngoài khơi xa dồn đến. Mi-i-cô và Đa-rơ Vê-te bơi một lúc lâu trên làn nước tối thẫm ở bờ phía Đông, cho đến khi tìm được một khối đá phẳng nhô ra, và Đa-rơ Vê-te đẩy cho Mi-i-cô leo lên.
Những con hải âu hoảng sợ bay đi bay lại. Sức va đập của sóng truyền qua các khối đá, làm rung chuyển khối an-đê-dít. Không có gì hết, ngoài đá trơ trụi và những bụi cây cứng, không có lấy mảy may vết tích của thú vật hay người.
Hai người lên chỗ cao nhất trên đảo, đứng một lát nhìn những con sóng lồng lộn ở phía dưới, rồi quay trở lại. Một mùi chát tỏa ra từ những bụi cây đâm lên ở ở các kẽ nứt. Đa-rơ Vê-te nằm duỗi dài trên tảng đá ấm, uể oải nhìn xuống nước ở mé Nam mũi đá nhô ra.
 

 
Mi-i-cô ngồi xổm ngay ở rìa khối đá và cố nhìn cái gì ở bên dưới. Ở đây không có những bãi cát ngầm ven bờ hay những tảng đá chồng chất. Một vách đá lơ lửng phía trên những làn nước đen thẫm, sánh như dầu. Mặt trời viền một đường sáng chói lên các mép đá. Ở đấy, chỗ ánh sáng chiếu thẳng góc xuống làn nước trong suốt, đáy biển cát màu nhạt hiện lên mờ mờ, lấp lánh, phẳng lì.
- Chị thấy gì ở đây Mi-i-cô?
Cô gái mải nghĩ, không quay lại ngay.
- Chẳng có gì cả. Anh ham thích các đảo hoang, còn tôi thì mê các biển. Tôi có cảm giác rằng ở đấy bao giờ cũng có thể tìm ra một cái gì thú vị, bao giờ cũng có thể khám phá ra một điều gì.
- Vậy tại sao chị lại làm việc trong thảo nguyên?
- Điều đó không đơn giản. Đối với tôi, biển là nguồn vui sướng quá lớn, đến nỗi tôi không thể luôn luôn ở cạnh nó. Không thể lúc nào cũng nghe bản nhạc yêu thích, tôi đối với biển cũng thế. Nhưng những cuộc gặp gỡ với biển thì thực là quý giá...
Đa-rơ Vê-te gật đầu đồng ý.
- Ta có thể lặn xuống đáy chứ? - Anh chỉ cái ánh trắng lấp lánh dưới sâu.
Mi-i-cô nhướn cao đôi lông mày vốn đã rất cao của cô.
- Anh cũng biết lặn ư? Chỗ nào sâu hai mươi nhăm mét trở lên thì người lặn giỏi mới xuống được...
- Ta thử xem, thế còn chị?
Thay cho câu trả lời, Mi-i-cô đứng lên nhìn quanh, chọn một tảng đá lớn và bê đến rìa vách đá.
- Để tôi thử trước đã. Dùng đá là trái với phép tắc của tôi. Nhưng tôi e là có nước chảy, đáy ở đây sạch quá...
Cô gái giơ hai tay lên, khom mình, rồi vươn thẳng người, nhả về phía sau. Đa-rơ Vê-te theo dõi các động tác thở của cô để bắt chước. Mi-i-cô không thốt thêm lời nào nữa. Sau mấy động tác tập, cô bê tảng đá và lao xuống xoáy nước đen ngòm như đâm xuống vực thẳm.
Đa-rơ Vê-te cảm thấy một nỗi lo ngại mơ hồ, vì đã hơn một phút mà không thấy tăm hơi cô gái gan dạ. Đến lượt mình, anh tìm một tảng đá, tự nhủ rằng mình cần lấy tảng đá to hơn nhiều. Anh vừa nâng tảng đá an-đê-dít nặng bốn mươi ki-lô-gam lên thì Mi-i-cô xuất hiện. Cô gái thở nặng nhọc và dường như rất mệt.
- Ở đấy... ở đấy... có con ngựa - cô thốt lên một cách khó nhọc.
- Cái gì thế? Ngựa nào?
- Bức tượng một con ngựa khổng lồ... ở dưới ấy, trong một hõm đá thiên nhiên. Tôi sẽ xem xét kỹ ngay bây giờ.
- Mi-i-cô, chuyện đó khó đấy, chúng ta sẽ bơi trở về, lấy máy lặn và thuyền.
- Ồ không. Tôi muốn đích thân xuống xem ngay bây giờ! Đấy sẽ là thắng lợi của tôi chứ không phải là của khí cụ. Rồi sau ta sẽ gọi mọi người
- Nhưng tôi sẽ xuống cùng với chị! - Vê-te bê tảng đá của mình.
Mi-i-cô mỉm cười.
- Lấy tảng đá nhỏ hơn kia kìa. Còn việc lấy hơi thì thế nào?
Đa-rơ Vê-te ngoan ngoãn làm theo những động tác chuẩn bị và hai tay ôm lấy tảng đá, nhào xuống biển. Nước đập vào mặt anh, xoay lưng anh về phía Mi-i-cô, ép chặt lấy ngực anh, gây lên cảm giác nhức nhối trong tai. Anh nén đau, vận dụng hết cơ bắp, nghiến chặt quai hàm.
Cảnh sắc lờ mờ màu xám lạnh dày đặc lại ở phía dưới, ánh mặt trời tươi vui ban ngày nhanh chóng nhợt đi. Sức mạnh lạnh lẽo và thù địch của nước sâu áp chế họ, đầu óc họ mụ đi, mắt cay sè. Bỗng nhiên, bàn tay cứng cáp của Mi-i-cô chạm vào vai anh và anh quờ chân, chạm vào lớp cát rắn chắc, loáng ánh bạc mờ mờ. Anh phải cố gắng lắm mới quay được cổ về phía Mi-i-cô trỏ, nhưng anh lạng người đi, và vì bất ngờ anh buông tảng đá. Lập tức anh bị đẩy trồi lên. Anh không nhớ là mình đã lên mặt nước như thế nào, vì không nhìn thấy gì trong đám sương mù đỏ quạch. Anh hít vào, thở ra rối rít... Lát sau, hậu quả của áp lực nước biến mất, và cái vật đã nhìn thấy hiện ra trong trí nhớ. Chỉ trong khoảnh khắc mà mắt đã kịp nhận thấy bao nhiêu chi tiết và não đã ghi nhớ cả!
Những khối đá thẫm màu chụm lại ở phía trên thành một vòm rộng, dưới đó là một con ngựa khổng lồ. Không một sợi rong hay một mảnh vỏ ốc bám vào bề mặt nhẵn lỳ của pho tượng. Nhà điêu khắc trước hết muốn thể hiện sức mạnh! Ông đã tăng kích thước phần trước thân, làm cho ngực con vật rộng ra một cách kỳ quặc, cái cổ thì vươn cao, hơi cong lại. Chân bên trái co lên, chĩa thẳng cái khớp tròn về phía người xem, cái móng đồ sộ gần như chạm vào ngực. Ba chân kia ráng sức đạp xuống đất, vì vậy con ngựa con ngựa khổng lồ lơ lửng phía trên người xem, như đè bẹp người ta bằng sức mạnh hoang đường của nó. Trên cái cổ cong vươn cao, bờm là một cái mào nhiều khía, đầu gần chạm ngực, còn dưới vầng trán cúi xuống, đôi mắt lộ vẻ hung hăng đáng sợ. Vẻ hung hăng ấy cũng biểu lộ cả trong đôi tai nhỏ dựng đứng của con quái vật bằng đá.
Mi-i-cô đã yên tâm về Vê-te, cô để anh nằm xoài trên phiến đá phẳng và lại lặn xuống. Cuối cùng, cô gái mệt nhoài vì lặn lâu và cũng đã ngắm nghía thỏa thích cái kỳ quan vừa tìm được. Cô ngồi xuống cạnh Vê-te và im lặng hồi lâu, cho đến khi lấy lại được hơi thở bình thường.
- Không biết bức tượng đó chừng bao nhiêu tuổi nhỉ - Mi-i-cô tự hỏi, vẻ trầm ngâm.
Đa-rơ Vê-te nhún vai, nhớ đến điều làm anh ngạc nhiên hơn hết.
- Tại sao bức tượng hoàn toàn không bị rong hay vỏ ốc bám vào?
Mi-i-cô quay phắt về phía anh.
- Phải, phải. Tôi biết những vật thể như thế. Chúng được phủ một chất đặc biệt, không cho các sinh vật bám vào. Đó là vào hồi gần cuối thế kỷ chót của kỷ nguyên CR.
Ngoài biển, khoảng giữa bờ và đảo, có một người đang bơi. Khi đến gần, anh nhướn mình lên khỏi mặt nước, niềm nở vẫy hai tay. Đa-rơ Vê-te nhận ra đôi vai rộng và nước da thẫm màu loáng bóng của Mơ-ven Ma-xơ. Lát sau, người da đen cao lớn đã leo lên tảng đá, và nở nụ cười đầy vẻ hồn nhiên ngời sáng trên gương mặt ướt của ông chủ nhiệm mới phụ trách các Trạm ngoại vi. Anh cúi nhanh xuống chào Mi-i-cô và chào Đa-rơ Vê-te bằng một cử chỉ phóng khoáng thoải mái.
- Tôi cùng với Ren Bô-dơ đến đây xin ý kiến anh về một việc.
- Ren Bô-dơ?
- Một nhà Vật lý ở Viện hàn lâm Giới hạn của kiến thức...
- Tôi có biết sơ sơ về anh ấy. Anh ấy nghiên cứu những vấn đề tương quan không gian-trường. Anh ấy ở đâu?
- Trên bờ. Anh ấy không bơi được như anh, dù sao thì...
Tiếng động nước ngắt lời Mơ-ven Ma-xơ.
- Tôi sẽ bơi vào bờ tìm Vê-đa! - Mi-i-cô từ dưới nước nói vọng lên.
Đa-rơ Vê-te dịu dàng mỉm cười với cô gái.
- Cô ấy vừa khám phá được một điều, bây giờ bơi về báo tin đấy! Anh giải thích với Mơ-ven Ma-xơ và kể lại việc tìm thấy con ngựa dưới nước.
Anh chàng người châu Phi nghe không lấy gì làm hứng thú. Những ngón tay dài của anh động đậy, sờ nắn cằm. Trong luồng mắt của anh, Đa-rơ Vê-te dọc thấy vẻ lo ngại và hy vọng.
- Có điều gì nghiêm trọng làm anh lo ngại ư? Thế sao còn chần chừ?
Mơ-ven Ma-xơ không đợi mời lần thứ hai. Ngồi lên rìa tảng đá phía trên cái vực biển che giấu con ngựa bí ẩn, anh kể lại những băn khoăn do dự dày vò anh. Cuộc gặp gỡ của anh với Ren Bô-dơ không phải là ngẫu nhiên. Cảnh tượng một thế giới mỹ lệ của sao Đỗ-quyên ép-xi-lon không lúc nào rời bỏ anh. Từ đêm ấy, một mơ ước đã xuất hiện: bằng bất cứ cách nào, khắc phục khoảng không gian ngăn cách để đến gần thế giới ấy. Làm thế nào tránh được cái thời hạn sáu trăm năm giữa lúc phát và thu tín hiệu hay ảnh, vì thời hạn ấy quá dài đối với một đời người. Anh muốn cảm thấy nhịp đập của cuộc sống tuyệt đẹp và rất đỗi gần gũi với chúng ta, muốn bắt tay những người anh em qua cái vực thẳm của vũ trụ. Mơ-ven Ma-xơ tập trung vào việc tìm hiểu những vấn đề chưa được giải quyết và những thí nghiệm dở dang đã được tiến hành từ hàng nghìn năm trước trong việc nghiên cứu không gian như một chức năng của vật chất. Đấy là vấn đề mà Vê-đa Công từng mơ ước trong đêm chị ra mắt vũ trụ lần đầu tiên qua Vành-khuyên vĩ đại...
Trong viện Hàn lâm Giới hạn của kiến thức, những công trình nghiên cứu như vậy do Ren Bô-dơ lãnh đạo, anh là một nhà Vật lý-Toán trẻ tuổi. Cuộc gặp gỡ của anh với Mơ-ven Ma-xơ và tình bạn tiếp sau đó giữa hai người đã được định đoạt sẵn bởi những ước vọng chung của họ.
Bây giờ Ren Bô-dơ cho rằng vấn đề đã được nghiên cứu kỹ đến mức có thể chuyển sang làm thực nghiệm. Cũng như tất cả mọi cái có quy mô vũ trụ, thí nghiệm này không thể tiến hành theo phương pháp phòng thí nghiệm. Quy mô to lớn của vấn đề đòi hỏi công cuộc thực nghiệm lớn lao. Ren Bô-dơ thấy rằng cần thiết phải làm thí nghiệm qua Trạm ngoại vi, bằng cách sử dụng toàn bộ năng lượng của Trái đất, kể cả Trạm dự trữ Q ở lục địa Nam cực.
Đa-rơ Vê-te có cảm giác về mối nguy hiểm đang tới gần khi anh chăm chú nhìn cặp mắt cháy rực và hai cánh mũi rung rung của Mơ-ven Ma-xơ.
- Anh muốn biết là ở địa vị anh, tôi sẽ làm thế nào chứ gì? - Giọng bình tĩnh, Vê-te đưa ra câu hỏi quyết định.
Mơ-ven Ma-xơ gật đầu và đưa lưỡi liếm cặp môi khô.
- Tôi sẽ không làm thí nghiệm - Đa-rơ Vê-te nói rành từng tiếng, không quan tâm đến vẻ đau xót trên mặt chàng trai châu Phi, vẻ đau xót thoáng hiện và biến mất nhanh đến nỗi người khác không chú ý sẽ không nhận thấy.
- Tôi cũng nghĩ như thế! Mơ-ven Ma-xơ buột miệng thốt lên.
- Thế thì sao anh lại còn phải hỏi ý kiến tôi?
- Tôi cho rằng chúng tôi có thể thuyết phục được anh.
- Thì cứ thử xem. Ta bơi về gặp các bạn đi. Chắc họ đang chuẩn bị dụng cụ lặn để xuống xem con ngựa.
Vê-đa đang hát, và hai giọng nữ không quen biết hát theo.
Thấy hai người đang bơi, chị làm hiệu gọi, gập những ngón tay vào lòng bàn tay kiểu như trẻ con. Tiếng hát ngừng bặt. Đa-rơ Vê-te nhận ra một người phụ nữ là Ép-đa Nan. Lần đầu tiên anh thấy chị không mặc áo áo choàng trắng của thầy thuốc. Thân cao, mềm mại của chị nổi bật hẳn lên giữa những người khác nhờ nước da trắng chưa bắt nắng. Có lẽ thời gian gần đây, chị bác sỹ thần kinh này rất bận. Mái tóc đen nhánh của chị rẽ ngôi, đường ngôi thẳng, còn ở hai bên thái dương cao bồng lên. Đôi gò má cao phía trên cặp má hóp làm nổi bật thêm đường vệt dài của cặp mắt đen chăm chú. Khuôn mặt khiến ta tự dưng liên tưởng tới con x-phanh cổ Ai-cập mà từ thuở rất xa xưa đến giờ, vẫn đứng sừng sững ở rìa sa mạc, bên những Kim-tự-tháp được xây dựng làm lăng tẩm cho các ông vua của những quốc gia cổ nhất trên Trái đất. Giờ đây, hai mươi thế kỷ sau, sa mạc đã biến mất, những cánh rừng tươi tốt rì rào trên cát, còn chính những con x-phanh được đậy dưới những cái chụp thủy tinh có tác dụng bảo vệ nó, nhưng không che lấp những chỗ lõm do thời gian ăn mòn.
Đa-rơ Vê-te nhớ ra rằng Ép-đa Nan gốc người Pê-ru hay người Chi-lê. Anh chào chị theo phong tục những người thờ thần Mặt trời ở Nam Mỹ.
- Thời gian làm việc với các nhà sử học đã có lợi cho anh - Ép-đa Nan nói - Hãy cảm ơn Vê-đa...
Đa-rơ Vê-te vội quay về phía người bạn đáng yêu, nhưng Vê-đa cầm tay anh dẫn tới một người thiếu phụ hoàn toàn không quen biết.
- Đây là Tsa-ra Nan-đi! Tất cả chúng ta ở đây là khách của chị và của họa sĩ Cac-tơ Xan, vì hai người ở trên bờ biển này đã một tháng nay. Xưởng lưu động của họ ở cuối vịnh.
Đa-rơ Vê-te chìa tay cho thiếu phụ đang nhìn anh bằng đôi mắt xanh rất to. Hơi thở của anh tắc lại trong giây lát: ở người đàn bà này có cái gì khác thường. Chị đứng giữa Vê-đa Công và Ép-đa Nan là những người mà sắc đẹp đã đạt tới độ hoàn mỹ nhờ ảnh hưởng của trí tuệ minh mẫn và nhờ kỷ luật của công tác nghiên cứu lâu dài, vậy mà sắc đẹp của họ vẫn bị lu mờ đi trước vẻ đẹp phi thường của chị.
- Tên chị có phần nào giống tên tôi - Đa-rơ Vê-te thốt lên.
Hai bên mép cái miệng nhỏ nhắn của người phụ nữ lạ mặt rung lên trong nụ cười cố kìm lại.
- Cũng giống như anh giống tôi ấy mà.
Đa-rơ Vê-te nhìn qua phía trên mái tóc đen dày rậm loáng bóng, hơi lượn sóng của chị và nhoẻn miệng cười với Vê-đa.
- Vê-te, anh không khéo nói với phụ nữ - Vê-đa nghiêng đầu, thốt lên một cách ranh mãnh.
- Ở thời đại chúng ta, không còn phải lừa dối nhau nữa mà vẫn cần thế ư?
- Cần chứ - Ép-đa Nan nói xen vào - Và cần mãi mãi là khác.
- Tôi sẽ rất vui mừng nếu được nghe giải thích - Đa-rơ Vê-te hơi cau mày.
- Một tháng nữa, tôi sẽ đọc bài diễn văn Mùa thu ở "Viện hàn lâm về Những nỗi buồn và Những niềm vui sướng", trong đó tôi sẽ nói nhiều đến ý nghĩa của những cảm xúc trực tiếp... - Ép-đa Nan gật đầu chào Mơ-ven Ma-xơ đang đến gần.
Chàng trai người châu Phi bước đều và êm nhẹ như thường lệ. Đa-rơ Vê-te nhận thấy dôi má rám nắng của Tsa-ra đỏ rực lên, tưởng như ánh Mặt trời nhập vào cơ thể chị bỗng lộ ra qua làn da bánh mật. Mơ-ven Ma-xơ cúi chào với vẻ thờ ơ.
- Tôi đưa Ren Bô-dơ đến. Anh ấy ngồi kia, trên tảng đá.
- Ta đến gặp anh ấy đi - Vê-đa rủ - và đón Mi-i-cô. Cô ấy chạy đi lấy máy móc. Tsa-ra Nan-đi, chị đi với chúng tôi chứ?
Cô gái lắc đầu.
- Ông chủ của tôi đang đến kìa. Mặt trời đã lặn, công việc sắp bắt đầu rồi...
- Làm mẫu vẽ chắc khó chịu lắm nhỉ? - Vê-đa hỏi - Đấy thật sự là một chiến công. Tôi thì đến chịu thôi.
- Tôi cũng tưởng là mình không thể làm nổi. Nhưng nếu ý tưởng của họa sĩ lôi cuốn ta thì chính ta sẽ tham gia vào việc sáng tác. Ta tìm cách thể hiện hình tượng trong chính bản thân ta... Mỗi cử động, mỗi đường nét có hàng nghìn sắc thái!... Phải tóm bắt chúng như tóm bắt những âm thanh đang bay vụt đi của bản nhạc...
- Tsa-ra, chị là một báu vật mà họa sĩ tìm được!
- Một báu vật đã tìm được! - Một giọng trầm vang ngắt lời Vê-đa - Tôi đã làm cách nào tìm được chị ấy! Thật không thể tưởng tượng nổi - họa sĩ Các-tơ Xan khua nắm tay to khỏe giơ cao. Mái tóc màu sáng của anh bị gió xoa bù, khuôn mặt sạm màu nắng gió của anh đỏ ửng lên.
- Nếu anh không bận thì tiễn chân chúng tôi một quãng và kể chuyện cho chúng tôi nghe với - Vê-đa yêu cầu.
- Tôi kể chuyện xoàng lắm. Những câu chuyện dù sao cũng thú vị. Tôi vẫn quan tâm đến việc họa lại những kiểu chủng tộc khác nhau từ thời cổ cho đến kỷ nguyên CR. Sau khi bức tranh "Cô gái Gôn-đơ-van-na" của tôi thành công, tôi nóng lòng muốn họa lại một kiểu chủng tộc khác. Màu đỏ của thân thể là biểu hiện tốt đẹp nhất của chủng tộc qua những thế hệ sống lành mạnh, trong sạch. Mỗi chủng tộc thời cổ đều có lý tưởng, tiêu chuẩn của mình về cái đẹp, tiêu chuẩn đó đã được xây dựng nên ngay ngay trong trong hoàn cảnh dã man. Bọn nghệ sĩ chúng tôi hiểu như thế đấy, chúng tôi là những kẻ thường bị coi là lạc hậu so với những đỉnh cao của văn hóa... Xưa nay người ta vẫn nhận định về chúng tôi như thế. Nhận định ấy hẳn là đã có từ thời kỳ đồ đá. Ôi thôi, tôi đã nói lạc đề rồi... Tôi đã nghiền ngẫm những ý tưởng sáng tác bức tranh "Con gái của Tê-tít", hay gọi cách khác là "Con gái của Địa-trung-hải". Trong các truyện Thần thoại Hy-lạp, Cơ-rét, Mê-đô-pô-ta-mi, Mỹ, Pô-li-nê-đi thời cổ, điều làm tôi ngạc nhiên hơn cả là các thần đều do biển sinh ra. Còn cái gì tuyệt hơn câu chuyện Thần thoại Hy-lạp về A-phơ-rô-đít, nữ thần sắc đẹp và tình yêu của người cổ Hy-lạp. Ngay cái tên A-phơ-rô-đít A-na-đi-ô-men cũng có nghĩa là do bọt biển sinh ra, từ biển nổi lên... Một nữ thần sinh ra từ bọt biển được thụ thai nhờ ánh sáng sao trên biển cả ban đêm, có dân tộc nào nghĩ ra được điều gì thơ mộng hơn nữa kia chứ!...
- Sinh ra từ ánh sáng sao và bọt biển - Vê-đa Công nghe thấy tiếng thì thào của Tsa-ra và đưa mắt nhìn trộm cô gái.
Khuôn mặt trông nghiêng rắn rỏi, như khắc bằng gỗ hay đẽo bằng đá của Tsa-ra gợi cho người ta nhớ đến các dân tộc cổ xưa. Cái mũi nhỏ, thẳng, hơi tròn, vầng trán hơi hớt ngược về phía sau, cái cằm khỏe, và chủ yếu là khoảng cách từ mũi đến tai khá xa, tất cả những đặc điểm ấy của các dân tộc vùng Địa-trung-hải thời cổ được phản ánh trên gương mặt Tsa-ra.
Vê-đa ngắm nhìn Tsa-ra từ đầu đến chân một cách kín đáo, và nghĩ ở chị ta, mọi cái đều hơi "thái quá". Da quá mịn, eo quá thanh, hông quá rộng... Và chị ta lại cố ý vươn người thật thẳng, vì thế cặp vú rắn chắc nổi rõ lồ lộ. Có lẽ họa sĩ cần chính những đường nét được biểu lộ mạnh mẽ như thế chăng?
Một dãy đá tảng chắn ngang đường, và Vê-đa phải thay đổi quan niệm vừa hình thành. Tsa-ra Nan-đi nhảy từ tảng đá này sang tảng đá kia một cách nhẹ nhàng lạ thường như nhảy múa.
"Chắc chị ấy mang trong mình huyết thống của người da đỏ - Vê-đa tự nhủ - Rồi ta sẽ hỏi xem...".
Họa sĩ nói tiếp:
- Để sáng tác bức tranh "Người con gái của Tê-tít", tôi cần ở gần biển, làm thân với biển, vì cô gái Cơ-rét của tôi phải xuất thân từ biển, cũng như An-phơ-rô-đít. Nhưng phải làm sao cho bất cứ ai cũng hiểu điều đó. Khi tôi dự định vẽ "Con gái của Gôn-đơ-van-na", tôi đã làm việc ba năm ở một Trạm lâm nghiệp tại châu Phi xích đạo. Sáng tác xong bức tranh, tôi làm thợ cơ khí trên tàu trượt nước bưu vụ, và hai năm trời, tôi chở bưu phẩm trên Đại-tây-dương đến phân phát cho tất cả các nhà máy đánh cá, nhà máy an-bu-min và làm muối. Các anh các chị biết đấy, đó là những nhà máy nổi trên những bè khổng lồ bằng kim loại.
Có lần, vào buổi chiều, tôi lái tàu của tôi đi vào trung tâm Đại-tây-dương, tiến về phía Tây A-xo-rơ, nơi dòng nước ngược gặp dòng biển phía Bắc. Ở đấy bao giờ cũng có sóng lớn dựng lên như bức tường thành, đợt nọ tiếp đợt kia. Tàu trượt của tôi khi thì bay vút lên gần những đám mây thấp, khi thì bổ nhào xuống khoảng trũng giữa các dải sóng. Chân vịt rú lên, tôi đứng trên cái cầu tàu cao, cạnh tay lái. Và bỗng nhiên, tôi không bao giờ quên được cảnh này.
Các bạn tưởng tượng ra một luồng sóng cao hơn tất cả các luồng sóng khác đang vùn vụt lao về phía tôi. Đứng trên ngọn con sóng khổng lồ ấy, ngay dưới những đám mây thấp dày đặc màu hồng ngọc, là cô gái có nước da màu đồng đỏ. Làn sóng dồn tới không có tiếng động, và cô gái bay theo sóng, kiêu hãnh vô cùng trong sự đơn độc của mình giữa đại dương mênh mông. Tàu trượt của tôi bay vọt lên, và chúng tôi băng qua gần cô gái đang niềm nở vẫy chào chúng tôi. Ngay lúc đó, tôi để ý thấy cô ta đứng trên la-ta, các bạn biết chứ, đó là tấm ván có gắn ắc-quy và động cơ điều khiển bằng chân.
- Tôi biết - Đa-rơ Vê-te đáp - cái đó chính là để lướt trên sóng.
- Điều làm tôi xúc động nhất là xung quang không có gì hết: những đám mây thấp, đại dương bao la hoang vắng, ánh sáng chiều hôm và cô gái lướt trên ngọn sóng đồ sộ. Cô gái ấy...
- Là Tsa-ra Nan-đi! - Ép-đa Nan nói - Điều đó dễ hiểu thôi. Chị ấy từ đâu đến?
- Hoàn toàn không phải là do bọt biển và ánh sáng Mặt trời sinh ra! - Tsa-ra phá lên cười, tiếng cười giòn giã đột nhiên cao vút lên - Lúc ấy tôi vừa từ rời khỏi chiếc bè của nhà máy an-bu-min. Dạo ấy chúng tôi đậu trên bờ Xác-gát[2], nơi nuôi các cơ-lo-ren-la[3], còn tôi là cán bộ sinh vật học.
- Cho là thế đi - Các-tơ Xan đành công nhận - Nhưng từ lúc ấy, đối với tôi, chị đã trở thành người con gái của Địa-trung-hải, do bọt biển sinh ra. Chị là hình mẫu hết sức cần thiết cho bức tranh sắp tới của tôi. Tôi đã mong chờ suốt một năm.
- Có thể đến xem các tác phẩm của anh được không? - Vê-đa Công hỏi.
- Xin mời, nhưng đừng đến trong giờ làm việc, tốt hơn hết là đến vào buổi chiều. Tôi làm việc rất chậm và bất cứ ai có mặt trong lúc ấy đều khiến tôi không thể làm việc được.
- Anh vẽ bằng màu à?
- Công việc của chúng tôi không thay đổi mấy qua hàng ngàn năm tồn tại của hội họa. Các quy luật quang học và mắt người vẫn như thế. Sự cảm thụ một số sắc thái đã trở nên sắc sảo hơn, người ta đã nghĩ ra những màu cơ-rôm-ca-tốp-ti-ríc[4] mới lạ, có sự phản xạ bên trong lớp màu, đã tìm ra những cách mới trong việc hòa màu sắc. Nhưng nói chung, người họa sĩ thời thượng cổ vẫn làm việc như tôi đang làm bây giờ. Mà về một số mặt, họ còn làm giỏi hơn tôi là đằng khác... Tin tưởng, kiên nhẫn là những đức tính mà chúng ta còn thiếu, chúng ta đã trở nên quá nóng nảy và thiếu tin tưởng vào lẽ phải của mình. Mà đối với nghệ thuật thì đôi khi sự ngây thơ lại tốt hơn... Tôi lại nói lan man rồi... Ta đi đi, Tsa-ra.
Tất cả dừng lại, nhìn theo họa sĩ và người mẫu vẽ của anh.
- Bây giờ tôi biết anh ấy là ai rồi - Vê-đa thốt lên - Tôi đã xem bức họa "Con gái của Gôn-đơ-van-na".
- Tôi cũng thế - Ép-đa Nan và Mơ-ven Ma-xơ đồng thanh lên tiếng.
- Giôn-đơ-van-na là xứ Gôn-đơ ở Ấn-độ phải không? - Đa-rơ Vê-te hỏi.
- Không. Đấy là tên gọi chung các lục địa phương Nam. Đại để là xứ sở của chủng tộc da đen thời cổ.
- Thế bức tranh "Con gái chủng tộc da đen" ấy như thế nào?
- Bức tranh giản dị thôi: Một cô gái da đen đang đi về phía trước một bình sơn nguyên của thảo nguyên, trong ánh sáng Mặt trời chói lọi, ở rìa một khu rừng nhiệt đới đáng sợ. Nửa mặt và nửa thân được chiếu sáng rực rỡ. Tấm thân rắn chắc như đúc bằng kim loại, khiến người xem có cảm giác như sờ mó được. Nửa kia ở trong khoảng sáng lờ mờ, trong suốt, sâu thăm thẳm. Một chuỗi răng thú trắng nhởn xâu vào dây quàng quanh cái cổ cao, mái tóc ngắn búi ngược trên đỉnh đầu, viền một vòng hoa đỏ rực như lửa. Tay phải cô gái giơ cao quá đầu, gạt cái cành cây cuối cùng chắn trên đường, tay trái đẩy một thân cây có gai ra xa đầu gối. Cái cử động bị dừng lại của cơ thể, hơi thở thoải mái, đà vung mạnh mẽ, tất cả toát ra vẻ vô tư lự của sức trẻ trung hòa với thiên nhiên không ngừng biến đổi như dòng nước. Sự thống nhất đó được xem như là công thức, như một sự quan niệm trực giác về thế giới... Cặp mắt thẫm màu nhìn đăm đăm về phương xa, qua cái biển cỏ màu xanh da trời, hướng về những dãy núi mờ mờ khiến ta cảm thấy hết sức rõ vẻ lo ngại, vẻ chờ đợi những thử thách vĩ đại trong một thế giới mới lạ vừa được khám phá ra!
Ép-đa Nan im bặt.
- Nhưng Các-tơ Xan làm thế nào diễn tả được điều đó? - Vê-đa Công hỏi - Có lẽ bằng đôi lông mày mảnh nhíu lại, cái cổ hơi vươn ra phía trước, cái gáy lộ trần không có gì che chở. Đôi mắt tuyệt diệu, đầy vẻ tinh khôn man rợ của thiên nhiên thời cổ... Và lạ nhất là cảm giác đồng thời về sức mạnh về sức mạnh vô tư lự đang nhảy nhót và sự hiểu biết hồi hộp.
- Tiếc rằng tôi chưa được xem! - Đa-rơ Vê-te thở dài. Tôi nhìn thấy màu sắc của bức tranh nhưng không tưởng tượng được tư thế của cô gái.
- Tư thế ư? - Ép-đa Nan đứng dừng lại - "Con gái của Gôn-đơ-va-na" như thế này đây...- Chị hất bỏ tấm khăn trên vai, giơ cao cánh tay phải cong cong, hơi ngả người về phía sau, đứng xoay nửa người về phía Đa-rơ Vê-te. Cái chân dài hơi nhấc lên để bước một bước ngắn, nhưng chưa bước đã dừng lại, những ngón chân chạm đất. Lập tức, tấm thân mềm mại của chị tươi nở như một bông hoa.
Mọi người dừng lại, không giấu vẻ thán phục.
Ép-đa, tôi thật không ngờ! - Đa-rơ Vê-te kêu lên - Chị nguy hiểm như một lưỡi dao găm rút ra nửa chừng.
- Vê-te, lại những lời khen vụng về rồi! - Vê-đa phá lên cười - Sao lại "nửa chừng" mà không là "hoàn toàn".
- Anh nói hoàn toàn đúng - Ép-đa Nan mỉm cười, và trở lại bình thường như trước - Quả là chưa tuốt hết. Người quen mới của chúng ta, cô Tsa-ra Nan-đi đẹp mê hồn mới là lưỡi dao găm tuốt trần, sáng loáng, nói theo ngôn ngữ hùng tráng của Đa-rơ Vê-te.
- Tôi không thể tin rằng có người nào sánh nổi với chị - một giọng nói khàn khàn vang lên sau tảng đá.
Ép-đa Nan là người đầu tiên nhìn thấy mái tóc hung cắt ngắn và cặp mắt xanh nhợt nhìn chị với vẻ thán phục mà chị chưa từng thấy trên mặt bất cứ ai.
- Tôi là Ren Bô-dơ! - người tóc hung nói với vẻ bẽn lẽn, từ sau khối đá lớn đi ra. Thân hình anh thấp bé, vai hẹp.
- Chính anh là người chúng tôi đang tìm - Vê-đa cầm tay nhà vật lý - Đây là Đa-rơ Vê-te.
Ren Bô-dơ đỏ mặt, vì thấy mọi người thấy rõ những vết tàn hương chi chít trên mặt và cả trên cổ anh.
- Tôi lần chần mãi ở trên ấy - Ren Bô-dơ chỉ cái sườn dốc đá - Ở đấy có một ngôi mộ cổ.
- Mộ một nhà thơ nổi tiếng rất xa xưa - Vê-đa nói.
- Ở đấy có bài văn khắc trên đá, đây này - nhà vật lý mở một tờ kim loại, đưa một cái thước ngắn lướt trên tờ kim loại ấy, và trên cái bề mặt bóng mờ hiện lên bốn hàng chữ màu xanh lơ.
- Ô, đấy là chữ châu Âu, thứ chữ được dùng cho đến khi bộ chữ cái tuyến tính được sử dụng trên toàn thế giới! Hình dạng kỳ quái của chúng là do thừa hưởng từ thời xa xưa hơn nữa. Nhưng tôi biết thứ chữ này.
- Thế thì đọc đi, Vê-đa!
- Yên lặng một lát nhé! - chị yêu cầu, và mọi người nghe lời, ngồi xuống những tảng đá.
Vê-đa Công bắt đầu đọc:
"Những tư tưởng, những biến cố, những mơ ước, những con tàu... tan biến trong thời gian và chìm nghỉm trong không gian. Còn tôi, trong cuộc du hành phiêu lãng của mình, tôi sẽ mang theo điều kỳ diệu nhất trong những ảo tưởng của Trái đất".
- Tuyệt quá! - Ép-đa Nan quỳ nhỏm lên - Nhà thơ thời nay có lẽ cũng không diễn tả hay hơn về uy lực của thời gian. Tôi muốn biết nhà thơ coi ảo tưởng nào của Trái đất là ảo tưởng đẹp nhất mà ông ấp ủ trong những ý nghĩ trước khi từ giã cõi đời.
Một chiếc thuyền bằng chất dẻo trong suốt hiện ra ở đằng xa, trên có hai người.
- Đấy là Mi-i-cô với Séc Lít, một trong những thợ cơ khí ở đây. Ồ không - Vê-đa chữa lại đấy chính là Phơ-rít Đôn, trưởng đoàn khảo sát biển! Vê-te, ba anh ở lại với nhau cho đến chiều, còn tôi đưa Ép-đa Nan đi với tôi.
Hai người đàn bà chạy tới chỗ sóng vỗ nhẹ nhàng và cùng nhau nhảy xuống nước, bơi về phía đảo. Chiếc thuyền quay về phía họ, nhưng Vê-đa xua tay, ra hiệu bảo thuyền đi trước. Ren Bô-dơ không nhúc nhích, nhìn theo những người đang bơi.
- Tỉnh lại đi, Ren, ta bàn việc thôi! - Mơ-ven Ma-xơ gọi anh, và nhà vật lý mỉm cười bối rối, rụt rè.
Bãi cát rắn chắc giữa hai bờ đá đã trở thành một giảng đường khoa học. Ren Bô-dơ dùng một mảnh vỏ ốc vẽ và viết, hăm hở nằm úp sấp xuống, lấy thân mình xóa những chữ cái đã viết, rồi lại vẽ. Mơ-ven Ma-xơ thốt lên những tiếng kêu nhát gừng, tỏ vẻ đồng ý và khích lệ nhà vật lý. Đa-rơ Vê-te chống hai khuỷu tau lên đầu gối, gạt mồ hôi trên trán: anh phải vận dụng trí tuệ đến cao độ để hiểu những điều nhà vật lý đang nói. Cuối cùng, nhà vật lý tóc hung im tiếng, ngồi bệt xuống cát.
- Đúng, Ren Bô-dơ ạ - Đa-rơ Vê-te thốt lên sau một lúc im lặng kéo dài - anh đã có một phát minh xuất sắc!
- Đâu chỉ một mình tôi?... Hơn mười thế kỷ trước, nhà vật lý thời cổ là Hay-xen-béc đã đề ra nguyên lý bất định: nguyên lý về việc không thể xác định chính xác vị trí các hạt nhỏ. Thực ra, cái không thể làm được đã biến thành cái có thể làm được nhờ hiểu biết mối quan hệ chuyển biến lẫn nhau, nghĩa là nhờ phép tính rê-pa-gu-le[5]. Cũng vào khoảng thời gian ấy, người ta đã khám phá ra đám mây mê-dôn hình vành khuyên của nhân nguyên tử và trạng thái chuyển biến giữa các nu-clê-ôn[6] và vành khuyên đó, nghĩa là đã đi sát đến khái niệm phản hấp dẫn.
- Cho là thế đi. Tôi không thông thạo toán học lưỡng cực[7], nhất là phần về phép tính rê-pa-gu-le nghiên cứu những trở ngại của sự chuyển biến. Nhưng điều mà anh đã làm được về các hàm số bóng tối là điều mới về nguyên tắc, tuy nó còn khó hiểu với chúng tôi, những người bình thường không có nhãn quang thấu suốt về toán học. Nhưng chúng tôi có thể đã hiểu được tầm vĩ đại của phát minh. Có điều là... - Đa-rơ Vê-te ngập ngừng.
- Sao, cái gì kia? - Mơ-ven Ma-xơ lo ngại.
- Làm thế nào chuyển sang thí nghiệm được? Tôi cho rằng chúng ta không có khả năng tạo nên trường điện từ có cường độ như thế. Để cân bằng trường hấp dẫn và tạo được trạng thái chuyển biến ư? - Ren Bô-dơ hỏi.
- Chính thế. Nhưng khi đó, không gian ở ngoài giới hạn của hệ thống sẽ vẫn nằm ngoài phạm vi tác động của chúng ta như trước.
- Đúng vậy. Nhưng, vẫn đúng theo phép biện chứng, cần có lối thoát trong mặt đối lập. Nếu có được bóng tối phản hấp dẫn không phải bằng phương pháp gián đoạn, mà bằng phương pháp véc-tơ...
- Ồ!... Nhưng làm cách nào mới được chứ?
Ren Bô-dơ vạch nhanh ba đường thẳng, một hình quạt hẹp và vẽ một cung có bán kính lớn cắt ngang tất cả những hình ấy.
- Ngay từ trước khi có toán học lưỡng cực, người ta đã biết đến điều đó. Ngót một nghìn năm trước, vấn đề ấy được gọi là bài toán bốn chiều. Hồi ấy, những quan niệm về tính nhiều chiều của không gian còn được truyền bá rộng rãi: vì không biết những tính chất tối của sự hấp dẫn, người ta tìm cách so sánh với các trường điện từ và tưởng rằng các điểm bất thường[8] có nghĩa là vật chất biến mất hay biến thành một cái gì không thể giải thích được. Hiểu bản chất của hiện tượng như thế thì làm thế nào hình dung được không gian? Nhưng tổ tiên ta đã đoán ra được, các bạn biết đấy, họ đã hiểu được rằng nếu khoảng cách từ mọi ngôi sao A đến trung tâm Trái đất, tính theo đường OA này, là hai mươi tỉ tỉ ki-lô-mét thì khoảng cách đến vẫn ngôi sao ấy, tính theo véc-tơ OB, sẽ bằng không... Thực tế thì không phải bằng không, mà là một đại lượng tiến tới không. Họ nói rằng thời gian biến thành không nếu tốc độ chuyển động bằng tốc độ ánh sáng. Những phép tính cô-cơ-lê-a[9] cũng chỉ mới được phát minh gần đây thôi chứ gì!
- Chuyển động xoáy ốc đã được biết đến từ hàng nghìn năm trước - Mơ-ven Ma-xơ nói xen vào một cách thận trọng.
Ren Bô-dơ tỏ vẻ coi thường.
- Chuyển động, nhưng không phải là các quy luật của nó. Thế này nhé, nếu trường hấp dẫn và trường điện từ là hai mặt của cùng một tính chất của vật chất, nếu không gian là hàm số của sự hấp dẫn, thì hàm số của trường điện từ là phản không gian. Sự chuyển biến giữa chúng cho ta một hàm véc-tơ tối của không gian - không, mà ngôn ngữ thông thường gọi là tốc độ ánh sáng. Tôi cho rằng có thể có không gian - không theo bất cứ hướng nào. Mơ-ven Ma-xơ muốn hướng về Đỗ-quyên ép-xi-lon, nhưng đối với tôi thì đằng nào cũng thế, miễn là được làm thí nghiệm. Miễn là được làm thí nghiệm! - Nhà vật lý nhắc lại, và cặp lông mày ngắn trắng nhợt của anh hạ xuống với vẻ mệt mỏi.
- Để thí nghiệm, chẳng những cần các Trạm ngoại vi và năng lượng của Trái đất như Mơ-ven Ma-xơ nói mà còn cần một thiết bị đặc biệt. Chắc gì nó đã đơn giản và dễ thực hiện.
- Về việc này thì chúng tôi gặp may. Có thể dùng thiết bị của Co-rơ I-un ở ngay cạnh đài quan sát Tây-tạng. Một trăm bảy mươi năm trước, ở đấy đã tiến hành những thí nghiệm nghiên cứu không gian. Sẽ phải sửa đổi chút ít cách bố trí, nhưng bất cứ lúc nào tôi cũng có năm, mười, hai mươi ngàn người tình nguyện. Chỉ cần gọi một tiếng là họ sẽ bắt tay vào làm.
- Quả là các anh đã dự liệu trước tất cả mọi việc. Chỉ có một điều, nhưng là điều quan trọng nhất: sự nguy hiểm của thí nghiệm. Có thể xảy ra những kết quả hết sức bất ngờ: vì theo định luật số lớn, chúng ta không thể tiến hành thí nghiệm với quy mô nhỏ. Ngay từ đầu, phải làm nó với quy mô vượt ra khỏi phạm vi Trái đất...
- Có nhà bác học nào lại sợ sự mạo hiểm kia chứ? - Ren Bô-dơ nhún vai.
- Tôi không nói về số phận cá nhân của mình. Tôi biết -, hễ cần khởi công làm một việc gì nguy hiểm chưa từng biết là hàng ngàn người sẽ đến. Nhưng, thí nghiệm sẽ lôi cuốn các Trạm ngoại vi, các đài quan sát, tức là toàn bộ máy móc mà nhân loại đã đổ bao công sức phi thường mới có được. Những máy móc ấy đã mở cho ta cánh cửa sổ nhìn vào vũ trụ, đã làm cho nhân loại tiếp xúc được với đời sống, với các hoạt động sáng tạo và kiến thức các thế giới khác có người ở. Cánh cửa sổ ấy là thành tựu vĩ đại của loài người và anh hoặc tôi, hoặc bất cứ người nào, bất cứ nhóm nào có quyền liều lĩnh đóng cái cửa ấy lại hay không, dù chỉ một thời gian thôi? Tôi muốn biết rõ anh có ý thức về cái quyền đó không và đặt nó trên cơ sở nào?
- Tôi cho rằng tôi có cái quyền ấy - Mơ-ven Ma-xơ đứng lên - nó dựa trên cơ sở... Chẳng lẽ hàng tỷ bộ xương vô danh trong những nấm mồ vô danh không cầu khẩn, đòi hỏi, trách móc chúng ta sao? Tôi tưởng chừng nhìn thấy hàng tỷ cuộc đời con người đã đi vào dĩ vãng; tuổi trẻ, vẻ đẹp và niềm vui cuộc sống của những cuộc đời ấy vụt tan biến như cát lọt qua kẽ tay, và chúng đòi hỏi ta phải khám phá ra những điều bí ẩn vĩ đại của thời gian, đấu tranh với thời gian. Chiến thắng không gian cũng là chiến thắng thời gian, vì thế tôi tin chắc ở sự đúng đắn của mình và tin vào sự vĩ đại của công việc định làm!
- Tình cảm của tôi lại khác - Ren Bô-dơ lên tiếng - Nhưng đấy lại là mặt khác của một vấn đề. Vẫn như trước, không gian là cái không thể khắc phục trong vũ trụ, nó ngăn cách các thế giới, ngăn cản chúng ta tìm ra những hành tinh giống chúng ta về mặt dân cư, để hòa hợp với họ thành một gia đình duy nhất vô cùng sung sướng và hùng mạnh. Đó là biến đổi vĩ đại nhất sau kỷ nguyên Thế giới đại đồng, kể từ khi nhân loại chấm dứt tình trạng tách biệt vô lý của các dân tộc và hòa hợp thành một khối, nhờ đó mà nhảy vọt lên một trình độ mới trong việc chinh phục thiên nhiên. Mỗi bước trên con đường mới ấy đều quan trọng hơn tất cả những bước khác, quan trọng hơn tất cả những công trình nghiên cứu và nhận thức khác.
Ren Bô-dơ vừa ngừng lời, Mơ-ven Ma-xơ lại lên tiếng:
- Tôi không còn một lý do riêng nữa, hoàn toàn có tính chất cá nhân. Thời thanh niên, tôi đã tình cờ được đọc một tập những tiểu thuyết thời cổ. Trong đó có một truyện về tổ tiên của anh, Đa-rơ Vê-te ạ. Hồi ấy, đất nước họ bị một kẻ chinh phục vĩ đại đến xâm lăng. Đấy là một trong những tên hung ác quen tàn sát, mà những kẻ như thế không thiếu gì trong lịch sử loài người vào thời kỳ xã hội còn ở trong trình độ thấp kém. Tác phẩm kể câu chuyện về một chàng trai dũng cảm, tha thiết yêu một cô gái. Cô bị giặc bắt đem đi, hồi ấy người ta gọi là "bị lùa đi". Các bạn thử tưởng tượng xem, những người đàn bà và đàn ông bị trói, bị lùa đi như súc vật, bị đưa về nước của kẻ chinh phục. Hồi ấy không ai biết địa lý Trái đất, phương tiện di chuyển duy nhất là súc vật cưỡi và tải đồ. Thế giới hồi ấy bí hiểm hơn, mênh mông hơn, nguy hiểm hơn và khó vượt qua hơn là vũ trụ đối với chúng ta bây giờ. Nhân vật trẻ tuổi tìm mơ ước của mình, lang thang hết năm này qua năm khác trên những nẻo đường vô cùng nguy hiểm, cho đến khi tìm được người yêu trong một vùng núi sâu ở châu Á. Khó mà diễn tả được cái cảm tưởng thời thanh niên, nhưng cho đến giờ tôi vẫn có cảm giác rằng tôi có thể vượt qua mọi trở ngại của vũ trụ để đạt được mục đích thiết tha của mình!
Đa-rơ Vê-te mỉm cười yếu ớt:
- Tôi hiểu những cảm giác của anh, nhưng tôi không thấy rõ cơ sở lô-gích liên hệ câu chuyện Nga và những khát vọng chinh phục vũ trụ của anh. Lý lẽ của Ren Bô-dơ đối với tôi dễ hiểu hơn. Nhưng anh cũng nói trước rằng đấy là cảm nghĩ riêng của anh...
Đa-rơ Vê-te ngừng lời. Anh im lặng lâu đến nỗi Mơ-ven Ma-xơ nhấp nhổm với vẻ lo ngại.
Đa-rơ Vê-te lại nói:
- Bây giờ thì tôi hiểu tại sao trước kia người ta hút thuốc, uống rượu, dùng ma túy để kích thích mình trong những giờ phút do dự, lo âu, cô đơn. Giờ đây, tôi cũng cô độc và do dự: tôi biết nói gì với các anh được? Tôi là ai mà có thể cấm các anh làm một thí nghiệm vĩ đại, nhưng tôi có quyền cho phép các anh làm thí nghiệm ấy không? Các anh phải hỏi ý kiến Hội đồng, khi ấy...
- Không, không phải thế! - Mơ-ven Ma-xơ đứng lên, và thân hình đồ sộ của anh gân gổ như sắp phải đối phó với một mối nguy hiểm chết người - Anh hãy trả lời chúng tôi: ở địa vị anh, anh có làm thí nghiệm ấy không? Với tư cách chủ nhiệm các Trạm ngoại vi. Không phải như Ren Bô-dơ... Với Ren Bô-dơ thì lại là chuyện khác!
- Không! - Đa-rơ Vê-te trả lời dứt khoát - Tôi sẽ chờ...
- Chờ cái gì?
- Chờ thiết lập một cơ sở thí nghiệm trên Mặt trăng!
- Thế còn năng lượng?
- Sức hút của Mặt trăng nhỏ hơn, vì thế quy mô thí nghiệm sẽ nhỏ hơn, chỉ cần mấy Trạm năng lượng Q là đủ.
- Đằng nào cũng thế, như vậy sẽ phải mất một trăm năm, và tôi sẽ không bao giờ được trông thấy!
- Anh thì không. Nhưng đối với nhân loại thì ngay bây giờ hay một thế hệ sau cũng không quan trọng cho lắm.
- Nhưng đối với tôi thế là hết, hết mọi ước mơ! Và đối với Ren Bô-dơ...
- Đối với tôi thì như thế là không thể dùng thí nghiệm để kiểm tra lý luận, tức là không thể hoàn chỉnh và tiếp tục công việc.
- Ý kiến của một người không đáng kể! Hãy xin ý kiến của Hội đồng.
- Hội đồng đã quyết định rồi: ý kiến và lời lẽ cũng như anh vừa nói. Chúng tôi không còn trông mong gì ở Hội đồng nữa - Mơ-ven Ma-xơ khẽ nói.
- Anh nói đúng. Hội đồng sẽ từ chối.
- Tôi sẽ không hỏi gì anh nữa. Tôi cảm thấy tôi có lỗi: tôi với Ren đã trút lên anh một gánh nặng là buộc anh phải đưa ra một quyết định.
- Đấy là nhiệm vụ của tôi, người có kinh nghiệm hơn. Không phải lỗi tự anh, nếu như nhiệm vụ vừa hết sức vĩ đại vừa cực kỳ nguy hiểm. Vì thế, tôi buồn và hết sức đau lòng...
Ren Bô-dơ đề nghị trở lại khu nhà ở tạm thời của đoàn khảo sát. Ba người buồn nản lê bước trên cát, mỗi người có một nỗi đau xót riêng vì phải từ bỏ ý định làm một thí nghiệm chưa từng thấy. Đa-rơ Vê-te liếc nhìn hai người bạn đường và nghĩ rằng anh là người khổ tâm hơn hết. Bản chất anh vốn táo bạo đến liều lĩnh, suốt đời anh đã phải đấu tranh với cái tính ấy. Anh có cái gì hơi giống những tên tướng cướp ngày xưa: tại sao anh cảm thấy vui thích đến thế trong cuộc đùa bỡn nguy hiểm với con bò rừng... Và trong thâm tâm, anh phẫn nộ với cái quyết định khôn ngoan nhưng thiếu dũng cảm của mình.
 
 
Chú thích:
[1] Đá núi lửa có tính chất dung nham.
[2] Miền biển ở bên trong vòng luân chuyển của các dòng biển, ở đó có rong mọc kín mít.
[3] Loại rong biển giàu an-bu-min, trồng theo phương pháp nhân tạo, dùng làm thức ăn có an-bu-min (tưởng tượng).
[4] Những màu có sức phản xạ mạnh ở bên trong (tưởng tượng)
[5] Toán học lưỡng cực, đây là các phép tính để tìm các hướng trong những thời điểm chuyển biến từ trạng thái này sang trạng thái kia, từ dấu này sang dấu khác (tưởng tượng).
[6] Nu-clê-ôn: "nhân" trung tâm của vành mê-dôn trong hạt nhân nguyên tử.
[7] Ngành toán dựa trên logic biện chứng, với phép phân tích và cách giải hai chiều (tưởng tượng).
[8]  Điểm nút của sự chuyển những biến đổi số lượng thành những biến đổi chất lượng.
[9]  Phần toán học lưỡng cực chuyên phân tích chuyển động tịnh tiến theo đường xoáy ốc (tưởng tượng).