háng cuối cùng ở đây tôi đếm từng tuần rồi từng ngày. Nhưng khi cái ngày cuối cùng ở đây sắp hết, tôi bỗng nản quá chừng chừng. Những trò gì nữa đây sẽ diễn ra ở cái tỉnh tôi sắp về, ở những thành phố miền miền Trung, miền Đông, miền Tây tôi dự định sẽ đến. Tôi sẽ thui cái đầu bù của tôi vào đống lửa sách vở hay lại rong chơi tha thẩn một mình như một tên du thủ. Cái sắc của ông anh kế cho đầy nghẹt những sách, giấy, áo quần và những vật lẩm cẩm tôi nhặt được ở đây. Nó nặng đến nỗi tôi nghĩ rằng có lẽ dọc đường mình nên moi ra tình cờ từng cái gì đó quẳng bớt ra khung xe.
Đã thế ông anh còn đưa thêm một gói Cẩm Lệ khá lớn nhờ tôi mang đến một địa chỉ lạ ở một phố núi không nằm trên đường về của tôi nhưng có một người chị của tôi trên đó. “Em cũng nên lên thăm Cúc Lâm một chút”. Tôi đùa cợt một chút: “Nhưng ai là cái người hân hạnh được em mang quà đến đây?”. “Mẹ của một người vừa chết trên tay anh. Có lẽ em sẽ là người đầu tiên báo cho bà ta biết cái tin đó”. Tôi liệng lớp giấy và lá chuối bọc ngoài, trút mớ thuốc nâu sang một cái bao nylon dày. Xấp giấy quyến để vấn thuốc thấm một chút máu đã sẫm quánh màu nâu. Tôi ra trước quầy đổi lấy xấp giấy khác. Ở đây cũng bán thứ này. Tờ giấy bao đã vất mang nhãn hiệu “Bà Cửu Ới” ở đây. Thỉnh thoảng tôi cũng có ngồi trông hàng hộ O nhưng ít chú ý đến người mua. Biết đâu, gói thuốc kia lại chẳng do chính tay tôi bán.
Đà Lạt, chẳng phải là nơi tôi đến lần đầu, nhưng con đường đó đối với tôi hoàn toàn lạ hoắc. Phải hỏi thăm đến cả chục người mới có người biết. Cúc Lâm đã nhanh chân về nhà trước tôi. Rồi sẽ có lúc bạn thấy yêu những con đường hẹp, bụi nhớp, đá lục cục ở những vùng biển nghèo có những đứa con nít vỗ tay lốp bốp vào mông bạn như ở P.t., P.yà hoặc xứ núi như Pl., thay vì con nít sẽ là những anh lính hết sức vui vẻ và hồn nhiên. Cũng may là vừa rồi tôi tìm thấy ông anh kế bạt mạng của tôi ở đó. Chúng tôi cặp kè nhau qua những phố tối nên những anh lính khác chỉ nhìn cười chứ không tỏ tình thân thiện bằng cách vỗ chào. Nhưng mà sẽ có lúc bạn thấy những người đó hết sức dễ thương nếu bạn đi trên một con đường vắng như tôi bây giờ. Đường không bằng, dốc lên rồi dốc xuống như một đường biểu diễn hình sin. Những ngôi nhà ở đây đúng là biệt thự, chúng nằm tít trong kia, ẩn sau những cây thông cao ngất. Cơ hồ mỗi nhà chiếm một đỉnh đồi và đứng hú gọi nhau không nghe thấy, trước mỗi cổng vào thường có những gian gỗ nhỏ như là phần của người gác dan.
Tôi nhìn phải, nhìn trái, những khung cửa khép im lìm. Đường lại nhẵn, không một viên đá hay một cái lon gì đó để tôi có thể vừa đi vừa đá lóc bóc hầu bớt đi cảm giác mình là người độc nhất ở đây. Cũng chẳng biết bây giờ là mấy giờ nhưng trời tối sẩm dần và tôi phải khó nhọc lắm mới đọc được số và tên trên những tấm bảng đồng gắn một bên trụ cổng. Khi tìm ra số nhà 23 mà lúc khởi đi từ số 1, tôi tưởng chừng như mình vừa lê chân qua năm cây số đường bộ. Bóng đã mờ nhòa, cây cối chập choạng và tôi cũng tính từ lúc hụt gặp Cúc Lâm là mình sẽ qua đêm ở đây. Đó là một sự liều mạng, tôi biết. Thời buổi này ít người đầy ắp một cái bụng tốt để có thể cho một kẻ ngủ nhờ dù biết kỹ nhau huống hồ gì mới biết như tôi. Họ cũng có lý của họ, ai lại chẳng lo thân mình trước.
Nhiều tên bạn trai của tôi thường xách xe hai bánh rong chơi từ tỉnh này sang tỉnh nọ. Tới đất lạ là kiếm ngay một cái chùa nào đó. Nhưng ngày nay những cửa thiền cũng không còn mở rộng như xưa vì sợ mang tiếng chứa chấp người trốn lính. Đã có một tên bạn lâm vào trường hợp tôi bây giờ, hắn xông đại vào một nhà thờ. Vị Linh Mục dịu dàng: “Con đọc kinh cho cha nghe?”. Hắn thuộc loại con chiên không ngoan đạo, tội lỗi ngút đầu chưa một lần đi xưng tội, nói chi đến chuyện thuộc kinh. Đoạn kết hắn không kể nhưng chắc cũng chẳng vui vẻ gì. Hắn đã chặn trước: “Thôi bồ đừng bắt tôi phải kể tiếp. Nói không được đâu, thảm lắm!”.  
Nhưng mà trắc trở gì nữa đây. Nhà 23 cổng khóa bên ngoài, nhà 27 lối vào mở hoác, gọi khản cổ không ai ra, chỉ rền rền hắt lại âm của tôi từ những vách tường xanh mềm lá rêu óng biếc. Tôi bước thụt lùi ra. Không chỉ ngôi nhà mà rõ ràng bủa thắt khắp con đường không một cây cột điện này, cái mùi lạnh lẽo hững hờ của âm khí. Thế cò nhà số 25 của tôi đâu? Hơn nữa đến đây đường đã dứt. Giữa lúc gần như tuyệt vọng thì tôi đọc lờ mờ cái tên vi-la Linh Ngàn ở nhà số 24 bên dãy số chẵn. Chàng anh Cả của tôi nhớ nhầm số chăng? Hay là cái vị tử sĩ kia chết rồi còn muốn kéo tôi cùng những tứ chi mỏi rã lê cái xác đi sục sạo thêm vài ngôi nhà cổ trong bóng tối đã đầm đìa dâng.
Cái chuông nơi cửa như là muốn hư. Từ căn nhà gỗ, tựa cổng một bà già cầm cây nến bước ra. Tôi hơi thất vọng, nghĩ đùa: "Ý chà chà! Tôi thích mẹ chồng tôi cao hơn một tí kìa”, nhưng bà ta đã lanh lẹn đưa nến cho tôi cầm rồi xốc cái xắc lên vai. À! Ra đây là một chị gác dan. Trông cái dáng bà vác đồ khổ quá. Như một cái bướu thứ hai ì ạch trên lưng. Thế cơ mà tôi phải bước vội mới theo kịp bà, hai cẳng tôi nhừ nhuyển. Bây giờ tôi chỉ thèm một ly nước, một chỗ ngả lưng. Những viên đá xanh xay nhỏ trên lối đi len lỏi vào đôi ba-ta của tôi đau điếng.
Bà cụ đang ngồi coi báo. Áo bà ba phin trắng, những đường nhỏ chi chít chạy hình hoa dài theo gấu áo, quần đen, guốc gỗ quai nhung đen và tóc búi. Lúc ngẩng lên thấy tôi, tiếng nói ngọt dịu phát ra làm tim tôi muốn rụng: “À, con đã tới. Đã ăn uống gì chưa?”. Tôi thật lòng lí nhí: “Thưa chưa!”. Bà cụ ra lịnh: “Ngồi đó đi, ngồi xuống đó đi. Bà Sanh mang cái sắc kia đến phòng của cậu rồi xuống nói O Đối nấu cho cô một gói mì”. Tôi ngồi xuống và tôi thấy rõ ngay một cái gì đó không ăn khớp giữa tôi và cái nhà này. Cái xắc lính, ba-ta bụi bặm. Quần jean đã bạc phơ phơ. Chỉ có cái pull cổ cao là tương đối nâng khuôn mặt tôi lên được một chút chứ những thứ kia lúc nào như là cũng chực lôi tôi ngồi xuống một đám cát bụi dọc đường nào đó.
Bà cụ vẫn ngọt ngào: “Mạ mới nhận được thư Nguyễn cho biết con sẽ từ Phan Rang lên chào mạ. Mạ không ngờ con đến sớm như thế nên chưa dọn phòng riêng cho con. Từ ngày nó đi đến giờ ngày nào cũng có người vào quét dọn cả. Sao con lên tối thế, Thiết Tranh?”. Như thế nghĩa là sao? Tại sao ý nghĩa đùa bỡn nào của tôi cũng được đón nhận hết như thế này. Lúc đứng nơi cổng tôi có thể nghĩ đùa rằng tôi muốn bà mẹ chồng của tôi xinh hơn kia. Thì đó, bà đã nhận tôi làm con dâu. Nguyễn là tên của chàng, Thiết Tranh là tên của nàng. Còn tôi bây giờ chỉ là một con nhỏ cù bơ lỡ độ đường nhào đến đây xin được đóng vai nàng trong một đêm một cách bất đắc dĩ.
Tô mì được bưng lên. Bà cụ giục tôi ăn thiệt tình và tôi triệt để vâng lời. Trong lúc tôi ăn bà cụ còn ngồi kể lể, vẻ mặt sung sướng trước công lao của mình: “Ăn xong con lên phòng nằm nghỉ một lát rồi tắm rửa thay áo quần, xong đi ngủ sớm cho khỏe. Ngó bộ con mệt đừ. Sáng mai mạ sẽ dắt con đi coi khoảnh đất phía sau dành để cất nhà cho hai con, mạ sẽ chỉ cho con thấy những nồi xoong chảo quánh mới toanh mạ mới sắm để sau xài. Thằng Nguyễn cho biết con còn đi học, chưa rành nấu nướng. Hè này con ở đây lâu đi, mạ sẽ tập cho con làm món ăn Huế để sau này biết nấu cho chồng ăn”. Tôi bối rối và ganh thầm với Thiết Tranh quá thể. Lâu nay chúng tôi vẫn thường le lưỡi trước những bà mẹ chồng người Huế. Tại sao lại có một bà mẹ chồng dễ thương sống ẩn giữa núi đồi khuất lấp như thế này. Hình như xa xứ, những người xứ đó được pha trộn bớt cá tính độc đoán, kiêu ngạo, yêu mình thái quá, bớt cái mặc cảm tự tôn đôi khi mù quáng của mình đi. Và khi đó, họ sẽ dễ thương hơn ai hết.
Khi bước vào phòng Nguyễn, tôi tạ ơn trời khi thấy cách bài trí căn phòng gợi một niềm thân mật, gần gũi nào đó. Nhưng mà mọi thứ chờ đó, tôi dám thức cả đêm để xem anh chàng đọc những sách gì, chơi những món chi. Bây giờ tôi phải chờ nước đẩy thốc đi những bụi đất đường xa. Nước nóng làm tôi tươi lại như một cái nụ hoa bị chế nước sôi hâm hẩm ép nở. Đầu tiên, giống tôi, Nguyễn là một anh chàng hơi lười. Kệ sách được đóng dọc theo chỗ ngủ, nghĩa là nằm một chỗ bạn có thể sử dụng cả tứ chi để rút sách. Nhìn những mẫu tự đứng chen chúc bên nhau đó tôi ớn tới cổ rồi. Mắt lại muốn díp lại. Tôi buông màn và trước khi tắt đèn, cảm thấy như ai nhìn mình, tôi quay phắt lại. Tấm hình to treo chúc xéo gần trần chỉ có thể là anh. Có tiếng dội ngân trong tim khi tôi chạm phải đôi mắt mở to mà không chú mục vào chỗ nào hết. Bàn tay cầm điếu thuốc với những cọng khói lãng đãng che gần khuất cả khuôn mặt chỉ chừa đôi mắt ấy. Những ngón tay thon thon cong dài có vẻ như sinh ra không phải cầm súng. Và đóm thuốc cơ hồ lập lòe rực lên khi tôi trườn lên ấn nút điện. Gió lướt qua lay động những màn trắng ở khung cửa sổ rộng phía đối diện. Lấn lướt chen theo dấu chân của gió, bóng tối òa theo trở về.
Tôi duỗi thẳng tay chân. Ông bác sĩ dạy tôi bảo phải như thế hy vọng gặp nhiều mộng đẹp hơn vì những người gặp ác mộng thường là những người áp tim sang tay trái. Tôi không cầu mộng đẹp, chỉ mong thầm chủ nhân chiếc giường này chậm chân một tí, về đến nhà sau khi tôi dời đi. Chưa bao giờ tôi ngủ ngon đến thế. Chim rừng từng lúc hót gọi nhau, âm cao, có vẻ ngạo đời, phách tấu. Ô, mà không, có lẽ chúng chế nhạo mỗi mình tôi, kẻ đã nhặt hạnh phúc rơi sẩy sang từ những khe hở của thiên hạ. Đã có người rải cuộc đời của họ qua suốt mười tám năm cửa ngục để tìm hạnh phúc, tại sao tôi không? Đâu thể buộc tôi dậm chân tại chỗ, bưng miệng nhợn nhạo vì những ngôn ngữ lập lòe ấu trĩ phun rơi bừa bãi của bọn giả hình đã được nhai dập trong miệng họ cái luận điệu huênh hoang của những chú ễnh ương nhìn trời cao qua một vòng tròn.
Bà mẹ chồng của tôi đã tới. Thôi dẹp những chàng cóc tía chàng hiu lên những cái bục tự xây trong lòng giếng của họ. Tôi mở cửa và nhanh nhẩu hỏi trước: “Thưa bác ngủ ngon không ạ!”. Bà cụ cười hiền: “Mạ hơn mất ngủ, nhưng đó là cái bịnh kinh niên. Chỉ sợ con nhà lạ không ngủ được”. Một cô nhỏ bưng vào phòng thức ăn sáng. Bà ra dấu bảo tôi dùng đi và lui ra khép cửa. Tôi chậm rãi ăn. Ánh nắng xiên xiên bên ngoài khiến tôi chú ý đến vị thế đặc biệt của căn phòng này. Nó không phải là một căn nhà hầm nhưng có một vách áp sườn vách của đồi, một vách áp phòng bên, hành lang dài có cầu thang dẫn lên phòng khách. Hai vách còn lại có cửa sổ và cửa lớn mở ra một mặt phẳng thấp sâu hơn mặt phẳng từ căn phòng khách bước ra. Từ đó, dốc thoai thoải xuống và cuối thung lũng là màu vàng rực rỡ của thứ hoa cúc quỳ dại đang thì nở rộ. Giá không có bà cụ đợi, tôi hẳn sẽ chạy ào xuống dưới ấy, chìm ngút trong sóng vàng xanh lô xô của rừng hoa dại, tranh ăn những tua nhị vàng ươm đăng đắng với bọn nai rừng dù tôi biết trông thế chứ thực sự khoảng cách giữa bể hoa với tôi là một khoảng dài xa tít tít.
Buổi sáng hôm đó dĩ nhiên tôi dành hết cho bà cụ. Như đã hứa, tôi được dẫn đi khắp vườn nhà và từng phòng ngăn biệt. Quả tình tôi nghẹn ngào khi thấy những vật dụng để nấu ăn bóng nhoáng treo riêng ở một nơi. Thiết Tranh, cô là ai mà may mắn và bất hạnh đến thế? Bà cụ bỗng kéo khăn và thấm nước mắt: “Dạo nó bị bắt mạ cứ cầm bằng như nó đã chết, khóc đêm khóc ngày đến sưng cả mắt. Mấy chị nó đi lấy chồng mà phải mang cháu lên đây ở với mạ cho vui. Hôm thả nó về mạ đang ốm nặng không đi được, nghe kể lại có con ra tận đó đón nó nên chưa biết mặt con, mạ đã thương rồi”. Tôi nắm tay bà cụ. Ơi trời, cái hạnh phúc này tôi chỉ còn được cầm trong vài giờ nữa thôi.
Buổi cơm trưa, bà cụ gắp thức ăn tràn chén cho tôi. Tôi cứ phải luôn miệng: “Bác để mặc cháu”. Tôi không dám gọi xưng con như bà cụ vẫn ngọt ngào xưng hô. Sau đó trong căn phòng của Nguyễn tôi không thể nằm nghỉ, tôi chỉ còn một chút xíu thời gian phù du để tìm hiểu thêm về anh. Gói Cẩm Lệ đã trao cho bà cụ nhưng tôi không nói thêm gì hết về di vật đó. Ngày mai, ngày mốt tôi đi rồi chắc cũng sẽ được báo tin. Trong những ô kéo tôi đã tìm thấy những gì? Một hột tào cáo, cái móng cọp, bàn cờ tướng, miếng vỏ thông hình trái tim méo mó như nến chảy nhiễu; cái bản đồ Việt Nam ghi dấu gần hết những tỉnh Nguyễn đã đi qua (hay mộng sẽ đến?); những mẫu nến thừa hình xoắn màu đỏ, trắng, vàng à Ồ lá! Trời ơi, cái anh chàng này làm thơ hay viết cái quỷ gì đó đầy nghịt trên những phiến lá huỳnh đàn. Tôi rút đại một phiến tương đối còn nguyên vẹn và có thể đọc được, còn số còn lại kia phần lớn đã bị rã thịt trơ gân. Và những cuốn sách, những trang giấy mềm mại còn phất hương một thứ cỏ lạ nào đó. Như là Nguyễn đã từng nằm đọc chúng trên một nệm cỏ hay dưới một tàn cây đâu đây. Tôi chỉ có thể đọc những cái tít và đôi khi một vài chữ gẫy nét của Nguyễn trên những trang đầu của sách. Có những cuốn tôi đã đọc, có những cuốn tôi chỉ nghe nói bây giờ mới được thấy. Những cái bìa bóng láng đẹp đẽ, thường là những bức tranh. Tôi xếp tất cả vào chỗ cũ ngay ngắn với một nỗi đau đớn dịu dàng.
Nỗi đau đớn dịu dàng ấy như một lớp mỡ vướng quanh tim khiến tôi hơi khó thở trong suốt thời gian sau đó. Bà cụ ngạc nhiên và tỏ vẻ buồn bã khi tôi từ giã: “Mạ cứ ngỡ con ở lâu hơn kia chứ. Con có thể ở đây suốt mùa hè. Cứ coi như đây là nhà của con”. Bà còn bảo để bác tài xế đưa xuống bến, nhưng tôi nhất quyết xin được đi một mình. Những trái bơ xanh lạnh ngắt được bỏ vào bao nylon: “Gởi biếu ba mạ con, còn cái này của con”. Của tôi là những nụ hồng được cắt từ vườn nhà. Trời ơi, trái tim tôi nặng thế này làm sao tôi về nổi. Bà cụ căn dặn mãi về lần viếng thăm thứ hai. Tôi xúc động thật tình và thấy có một chút hối hận, nhưng mọi thứ không thể xoay chuyển. Cho đến giờ phút này tôi vẫn chưa làm tròn bổn phận anh tôi giao phó. Có bao giờ tôi hoàn tất nổi cái gì đâu!?
Cũng người gác dan gù vác cái xắc cho tôi bước trước. Bà cụ đứng trông theo nơi bực thềm. Căn nhà trắng toát đã úa theo màu vàng của nắng quái. Những bức màn đỏ sững sờ sau khung kính rộng. Những cụm hồng vàng. Từng chùm hoa Hạnh phúc Thủy tinh phớt xanh rời lìa như ngọc vỡ. Giàn dưa tây tím ngắt. Mọi thứ tôi sẽ nhớ đời vì chắc chắn sẽ không bao giờ trở lại. Tôi ngoắc một chiếc xe Trại Hầm chạy ngang, ngồi chen chúc giữa những người bạn hàng mang mận xuống chợ bán, nâng niu kỹ những nụ hồng vàng. Lát sau xe rời thành phố. Trong một tư thế thoải mái hơn, tôi rút chiếc lá trong túi áo ra và nhẩm đọc:
“Rồi đá xanh trên mộ sẽ thổ ra từng tràng cười đơn độc”. Đúng không, tôi bỗng nghẹn thở và hẫng rớt trôi phiêu như thế này.
Đến Phan Rang tôi nảy ý đến tìm Thiết Tranh theo địa chỉ trong sổ tay của Nguyễn. Ngôi nhà nẳm trong một dãy cư xá. Thiết Tranh tóc bum-bê, mắt to đen, da trắng, nói tiếng Bắc, có vẻ rất búp-bê. Cô ta tỉnh táo bảo rằng đã biết tin Nguyễn chết. Tôi kể lại rành rọt chuyến đi vừa rồi. Câu cuối cùng tôi mong Tranh có dịp nên ghé thăm má Nguyễn. Thiết Tranh lắc đầu: “Chắc không bao giờ đâu. Chị không biết tôi yêu Nguyễn đến độ nào. Ảnh lạ lùng lắm. Nhưng tháng tới này đám cưới tôi rồi. Đám hỏi vừa xong khi sáng. Tôi muốn đứa con của Nguyễn sẽ không buồn vì mặc cảm không cha khi sinh ra. Đó là ý muốn của Nguyễn khi còn sống. Nguyễn như tiên đoán được mọi sự. Đám cưới của tôi nếu tiện chị ra nhé!”. Tôi hứa sẽ cố gắng dự. Khi đi về ngang những tiếng reo hò trong trò chơi thiên đàng địa ngục của bọn em xinh như kẹo của Thiết Tranh, chào bố của chị tóc bạc phếu đang đẩy chiếc Gobel tiến qua sân cát, tôi nghĩ Thiết Tranh thật xứng đáng là người yêu của Nguyễn. Những bơ xanh, hoa vàng tôi trao cả cho Tranh và mắt nhìn như một biểu đồng tình tán thành những quyết định của chị.
1974.

Xem Tiếp: ----