PHẦN MỘT
CHƯƠNG 1

    
rời trắng đục nhả mưa không ngớt. Làn nước tuôn xuống bị gió bấc cuốn tròn lại thành những chiếc chiếu bạc dựng đứng, vặn lưng nghiêng ngả, nối nhau lướt qua xóm.
Mỗi lần một cột mưa như thế giẫm ngàn chân ràn rạt trên mái nhà bếp, má Bảy lại ngửng đầu xem nó đi đâu. Nó múa tròn trên cái sân nhão ngập một lớp nước rỗ hoa, hất nhào lộn những tàu lá chuối rách, túm lấy tấm bảng khẩu hiệu bằng tôn đã long đinh mà đập thình thình vào cái cổng chào gỗ. Nó quét đuôi qua rặng tre cuối vườn, chạy hun hút về phía dãy đồi hoang ven sông Nhỡn. Hình như mưa gió cố ý tuôn về phía ấy.
Má Bảy thở nhẹ một cái, bồn chồn và thoáng mừng. Rồi má cúi xuống cạy nốt những hạt dầu lai đã đập nứt vỏ. Dưới mũi dao xoi, lớp nhân màu ngà rã vụn, rơi xuống đĩa. Một cột mưa khác kéo qua, má lại nhìn, và những cảm giác đã mòn lại đến rồi đi.
Một bóng người mang tơi đội nón tùm hụp bước vào ngõ, đầu chúi tới trước như húc mưa, hai tay túm giữ chùm dây treo của đôi bầu 1 lủng lẳng đầu đòn gánh. Chị
Đa hàng xóm đi tỉnh về. Chồng chị bị gọi đi tái đăng quân dịch, mới gửi cho chị cái ngân phiếu ba trăm bạc cáchươi hôm.
Chị bước lên thềm, lật nón. Mặt chị hàng ngày vàng bủng bây giờ xám lại. Mấy ngón tay tê lóng ngóng mãi mới cởi được sợi dây buộc tơi lá ở cổ. Má Bảy chậm chạp cầm ống thổi lửa, thổi đống trấu rấm cho lửa bén chập chờn trên mặt trấu, đẩy mấy khúc củi tàn vào bếp. Trong cử chỉ của má có cái vẻ gì vừa ân cần vừa dè dặt. Chị Đa cúi mặt xuống gần lửa, còn hơ nóng hai bàn tay rồi xát chung quanh miệng. Hồi lâu chị mới bật ra nói, hổn hển vì nín thở:
- Chết... ông trời làm tội...
Má Bảy đặt ngửa cái vung đất trên ba ông táo, bỏ nắm dầu lai vụn vào rang quèn quẹt. Người ta bảo ăn muối dầu lai nhiều thì mất máu, rụng răng rụng tóc. Rụng cũng phải ăn. Trong nhà má lâu nay vắng thịt cá, đến chút dầu chút mắm cũng hết sạch. Ban tố cộng cấm các gia đình loại A và B không được ra khỏi thôn trong chiến dịch "toàn dân sát cộng". Chị Đa thuộc loại C "thiện chí quốc gia" được đi chợ, nhưng má cũng không có đồng nào gửi chị mua mắm về ăn.
Chị Đa bớt cóng. Chị nói hồ hởi:
- Qua miếu âm hồn, tôi mệt quá muốn nằm lăn ra gốc đa, sau khấn âm hồn mấy câu mới khỏe lại, về tới nơi đó bác. Cái miếu rách mà linh hết sức!
Má Bảy khẽ nhếch miệng, nửa đùa nửa thật:
- Thờ Chúa sao lại khấn ma?
Chị cười xòa:
- Ối, sẵn đâu xâu đó. Vô nhà thờ cầu Chúa, qua chùa khấn Phật, tới miếu vái âm hồn, trúng cửa nào tôi nhờ cửa nấy... Con tôi khóc hung không bác?
- Khóc chán rồi ngủ lăn ra kia nè.
Chị Đa đến cạnh chõng. Hai đứa con chị ôm nhau ngủ. Con mắt người mẹ nhận ngay ra cái chăn xếp đôi đắp trên mình con được tém góc thật gọn, mẻ than hồng đặt dưới chõng còn bốc hơi ấm, cặp áo quần con Thừa giặt sạch hong khô xếp trên đầu giường. Chị vuốt tóc con, nghẹn ngào. Chị biết ơn.
Thằng Túc quẫy mình, thúc đầu gối vào chân em. Con Thừa bật khóc, kêu: "Bà, bà ơi!". Chị Đa vội xốc con lên: "Má đây con". Con Thừa áp mặt vào cổ chị, hỏi ngay: "Bà âu?". Nó vẫn đòi bà. Con chưa lên hai đã gần quên hơi mẹ. Hôm nào hai đứa cũng dắt nhau sang bà, không gặp bà thì chơi với cô Út. Hễ nhà bà vắng cả, chúng nhẩn nha xếp đình xếp chùa ngoài sân bà chứ không chịu về.
Cảnh chị tay bồng tay dắt, quanh năm chạy ăn tất tưởi như nợ đuổi sau lưng, đã buộc chị nhiều lần nhờ vả má Bảy. Chị cần cái gì má giúp nấy, từ một buổi cấy đến một ngày trông con, nhưng má luôn luôn giữ cái vẻ không muốn làm thân. Má lạnh mặt với chị như bà mẹ chồng với nàng dâu muốn đi bước nữa, không bằng lòng mà chẳng tiện nói ra. Chị biết má túng thiếu. Hôm nay chị mua một chai nước mắm ngon còn để trong bầu kia, nhưng chưa dám lấy ra biếu má vì sợ vấp một câu đau lòng: "Tôi có giữ con thuê cho chị đâu". Má sợ mang tiếng cầu cạnh kẻ có tiền, hay má không ưa gia đình kẻ đi lính, lại vào công giáo chẳng thờ ông bà? Chưa lần nào chị dám hỏi thẳng má.
Chị Đa vốn bộc tuệch, dễ quên. Chị nghĩ bấy nhiêu đã thấy rối óc. Chị ôm con sà vào bếp, rất mừng khi má Bảy bắt bâng quơ:
- Cả xã kéo đi xăm hầm trên gò Chà Là, được gì không mà chưa thấy con tôi về...
- Được nước với bùn như trâu lăn chớ được gì đâu bác. Tôi gặp anh dân vệ dưới chợ nói vậy đó. Có mấy ông bà già lạnh rút gân, nằm lăn giữa đất mà ông Phổ cấm không cho khiêng về, nói giả bộ chớ hồi nào đi tiếp tế Việt cộng sao không sợ lạnh... À, dưới quận chộn rộn lắm bác ơi. Đám lính quen tôi, họ kể lu bù những chuyện động núi, cọp về, nghe dựng tóc gáy.
Má Bảy vẫn giã cối muối dầu lai, đủng đỉnh:
- Dưới đó núi non đâu mà sợ cọp?
- Người ta nói cộng sản chớ. Cộng sản làm lễ ly sơn rồi, kéo lần lần xuống đồng bằng. Họ ít quân mà đánh dữ lắm. Ông cảnh sát trưởng Kỳ Sơn bị cộng giết hôm kia, bác biết chưa? Nói cho công bằng, ổng chết cũng đáng đời. Chẳng kể cộng hay dân, hễ ổng muốn giành vợ giựt ruộng của ai thì người đó không chết cũng tù...
Thấy má Bảy chịu chuyện, chị Đa xoay nồi cơm vần cạnh bếp, kể tiếp:
- Bà con Kỳ Sơn thấy một chị cộng nữ đẹp như tiên, đeo bốn súng lục, hút điếu thuốc rồi ném lên trời, rút súng bắn theo đứt đôi điếu thuốc. Y như trong tuồng xilama 2 vậy đó. Tôi nghe một hồi loạn óc, chân tay bắt run, vậy mà cứ muốn nghe hoài. Người ta nói ông Dõng chết rồi... Chà, mưa dữ ác!
Má Bảy quay ắt lại. Chị Đa đang bồng con đến bên giường, không trông thấy. Chị đặt con Thừa nằm như cũ:
- Bác cho gởi một lát nữa nghe bác. Tôi về nấu cơm, ngớt mưa tôi qua ẵm.
- Cứ để đó. Chị nói anh Dõng biệt kích quận chết hả?
- Anh Sáu Dõng con bà Tài dưới Đồng Trầu chớ. Việt cộng nằm vùng, gan hết chỗ gan. Hội đồng xã nói ảnh trúng phục kích trên Kỳ Sơn.
- Lấy được xác không?
- Không. Lạy trời lạy Chúa, đừng làm cái trò phơi xác giữa chợ như năm xưa nữa, nhớ lại còn ớn lạnh...
Chị len lén lấy chai nước mắm ra khỏi bầu, để nép vào góc cột. Mang tơi đội nón và quẩy gánh lên vai xong, chị mới nói vội:
- Gặp nước mắm rẻ mà ăn được, tôi mua phần bác một chai đó.
Chị đi ngay để tránh bị hỏi vặn, còn mừng khi không nghe má Bảy gọi lại trả quà. Từ nhà xuống tỉnh lãnh ngân phiếu, tính cả tiền vé xe, tiền diêm thuốc cho xã cho quận để lấy giấy, hai ngày công chầu chực năn nỉ hết cửa này đến bàn khác, chị đã mất hơn trăm rưởi bạc. Chung quy hai đấm cũng bằng một đạp. Cái nhà chị vẫn xiêu vẹo, trống hoác giữa mùa đông, khiến hai đứa con chị chỉ muốn lẩn quẩn sang nhà má Bảy.
Má Bảy ngồi nhìn mãi cái cối sành đựng dầu lai mà không trông thấy nó.
Suốt ngày nay, má thương hai con bị bắt đi xăm hầm dưới mưa to, nhưng mưa càng to má càng mừng. Má biết chỉ có vài thằng ác ôn thua bạc cố sục hầm kiếm thưởng, chứ bọn lính quèn nhất định căng lều ngồi co ro, còn đồng bào lại được dịp kêu ầm ĩ đòi về. Kiểu đó làm gì tìm được anh em mình... Má yên bụng một đằng, lại đâm lo phía khác khi nghe tin anh Dõng bị phục kích. Đã đành trước đây chúng nó kêu giết được anh Dõng hai lần rồi, nhưng biết đâu...
Ngoài trời, mưa dịu dần lại. Tiếng còi sừng trâu giục chó săn trên đổi đã tắt khá lâu, giờ lại nổi lên "hút hooo, hút hooo". Chúng nó bắt phường săn gánh lưới gọi chó theo "ráp cộng". Má áng chừng lúc này mới ba giờ chiều. Bọn thằng Phổ còn đẩy lính, lính còn đẩy đồng bào đi mãi đến tối. Tám trăm người dàn hàng ngang, vừa đi vừa chọc cây thuốn sắt thình thịch. Chỉ cần một tiếng "cộc"... Nhưng má sốt ruột không lâu. Ông trời rùng mình một cái, trút nước xuống ào ào. Gió túm từng bó hạt mưa quất xuống trắng xóa, và những cột mưa lại quằn quại nối nhau chạy ra gò Chà Là.

*

Mãi sau khi chuyến xe lửa lúc sáu giờ qua ga Đồng Mè rít một hồi còi the thé và chị Đa đã trở lại ẵm con về nhà mình, Út Sâm mới lóp ngóp từ trong mưa ngoi ra. Má ngạc nhiên khi thấy Sâm quấn tấm choàng nhựa kín người đến gối nhưng lại phơi đầu dưới mưa, cái mũ bê rê bánh ếch của "thanh niên cộng hòa" dán trên tóc. Má rùng mình, vội rút củi chụm thêm vào bếp.
- Sao không trùm đầu hả con?
Sâm há mồm định nưng hai hàm răng va luôn vào nhau một hồi lốp cốp. Khi Sâm vất cây súng gỗ tập trận và giật tung tấm choàng ra, má Bảy mới hiểu. Ban tố cộng bắt thanh niên cộng hòa mặc "đồng phục biểu diễn" để chụp ảnh. Sâm phải mặc bộ áo quần ni lông trắng, góp hai trăm tám cho xã mua dạo mùa hè. Áo không tay hở nách, hở ngực đến chấn thủy, lại ngắn cũn cỡn để lộ một khoanh bụng trắng như cái thắt lưng to của lính. Quần chật bó đùi bó mông. Vải mỏng dính, đếm được từng cái nốt ruồi trên người. Suốt ngày dầm mưa, áo quần bết vào da, các cô gái đã lạnh thấu xương lại phải phơi thân thể gần như lõa lồ để cho bọn lính du côn nhìn hau háu như cú dòm nhà bệnh, ghẹo tục tĩu.
Sâm hất đầu mạnh. Cái mũ bê rê rơi xuống đất. Hai tay ôm ngực, Sâm đi thẳng lên nhà trên. Đôi giày vải nhả bùn òng ọc trên mỗi dấu chân. Má Bảy cúi lượm tấm choàng và cái mũ, chép miệng:
- Tội nghiệp con tôi!
Tư Sỏi cũng về đến nơi. Sỏi nhường tấm choàng cho em, chịu ngấm mưa suốt ngày nay. Sỏi dựng cây súng săn một nòng vào phên, sà ngay vào bếp, hơ hai bàn tay nổi da gà với những ngón trắng nhợt, nhăn nhúm. Má giục:
- Thay đồ đi con, cảm bây giờ.
Giọng Sỏi khao khao và méo mó vì miệng còn tê:
- Tối nay... phải đi nữa...
Trông Sỏi rũ rượi như con gà vớt trong chum ra. Nước chảy thành vũng to chung quanh đòn ngồi. Bộ đồng phục vải chéo xanh nhả khói trắng mỗi lúc một đặc. Sỏi móc túi lấy gói thuốc rê ướt nhoẹt ra hong, rồi trút trong bao đạn ra mười viên đạn calíp 12 gói trong mảnh nhựa. Má Bảy chợt nhận thấy một điều khác thường: mọi hôm đi phục kích hay "ráp cộng" xong Sỏi phải trả súng cho xã và về tay không, tối nay Sỏi mang súng về nhà. Má chưa hỏi ngay, chỉ thổi lửa to cho con sưởi, rồi quay ra dọn cơm.
Lũ chó con đang dúi đầu vào bụng nhau nằm ấm trong góc bếp, nghe soạn chén đĩa vội chạy ra, chực sà vào mâm cơm giữa đất ăn hỗn. Má lấy cái giỏ to lừa lừa úp chúng nhốt lại. Nồi cơm nhà má bao giờ cũng một phần cơm, ba bốn phần khoai. Má hớt lớp khoai sém trên cùng cho bầy chó ủng oẳng, xới chén đầu toàn khoai phần mình, chén nhì cho út Sâm, chén ba nhiều cơm hơn để cạnh bếp cho Sỏi vừa ăn vừa sưởi.
Út Sâm từ nhà trên xuống, trùm đầu kín mít bằng cái khăn vuông của má. Bộ bà ba đen may năm ngoái đã chật và ngắn. Sâm lớn nhanh quá. Con gái mười tám có khác. Mới đánh đàn mồm đấy, bây giờ Sâm lại tỉnh như thường, má ưng ửng và môi đỏ tươi. Sâm thò đũa khều muối dầu lai, cười:
- Muối dài lâu với khoai trường kỳ, để tiền đóng thuế cử tri cho nhiều. Ông trên mặc sức ăn tiêu...
Ấy là một trong những bài vè truyền miệng không biết từ đâu ra. Má cắt ngang:
- Im, miệng với mồm! Người ta rình rập hoài tao ngán lắm.
Sâm vẫn cười. Nuốt vội miếng cơm, Sâm kể tíu tít:
- Con xung phong ở tù mà... Hồi sáng họ bắt con trai đi xăm hầm trước, con gái xếp hàng trên gò đón quận trưởng má à. Tụi con kêu lạnh, đòi về thay quần áo. Lão Phổ giơ roi dọa đánh. Tụi con làm rầm rầm, lão lại xuống nước năn nỉ: "Chịu khó đợi ông quận trưởng tới, ổng ngó một cái, chụ sơ một tấm hình là xong thôi mà!". Lão bắt cô nào đẹp đứng ra trước. Tụi con đẩy chị Ba Thống lên đầu. Ai lại chị Ba có chửa bảy tháng mà xã không cho ở nhà. Chị nổi khùng, cứ mặc bộ đồng phục để lòi rốn với một gang bụng vầy nè, vác cái trống chầu đi nghễu nghện, người ta cười lăn ra. Vậy mà lão Phổ đuổi về, chị không chịu về má à. Chị nói: "Để tôi chụp hình với ông tỉnh ông quận đã!".
Sâm cười rũ một hồi. Má Bảy cũng cười lặng lẽ. Những cái lố lăng ngang ngược của địch, Sâm mới lớn lên chưa gặp bao nhiêu, chứ má phải thấy quá nhiều rồi.
Út Sâm tránh né mãi, đến giữa năm nay mới bị bắt vào thanh niên cộng hòa. Sâm thường đá móc bọn xã đoàn nhiều câu rất đau, nhưng chúng khó trị vì chị em xúm bênh, cũng vì thằng Rân con lão phó đại diện mê Sâm lăn lóc, gửi thư và quà về luôn.
Đầu năm ngoái Sâm còn là một con bé gầy gò, da nâu và tóc sém nắng. Mới ăn ba mùa lúa Sâm đã lớn vụt lên mặc vừa áo má, thành con gái lúc nào không kịp thấy, da trắng hồng và dáng đi ong óng, mỗi bên má đã lúm một đồng tiền tròn xoay ở giữa lại còn thêm một đồng tiền hình dấu phẩy ở khóe môi khi cười.
Đám con trai ăn chơi, bọn lính, cả mấy tên sĩ quan nữa kiếm cớ lân la đến nhà má ngày càng nhiều. Hễ chúng buông câu chọc ghẹo là bị ngay "cú đá hậu" của Sâm. Nhiều lần má phải can Sâm đừng quá lời mà chúng nó thù. Sâm nhịn được vài hôm rồi đâu lại vào đấy. Càng lớn lên Sâm càng xinh, lanh lợi, chịu khó, nhưng càng chửi địch bạo mồm. Mối lo của má cũng lớn theo con. Thời buổi này để con gái trong nhà như treo mìn trên giàn bếp. Gặp nhà tử tế đến hỏi, má dỗ Sâm nhận trầu cau phứt đi để đỡ bị dòm ngó, nhưng Sâm không chịu, dọa nếu bị ép thì cạo đầu đi tu ngay như mấy cô ở chợ Đồng Trầu
Suốt bữa cơm Tư Sỏi cứ lì lì. Sỏi và ba miếng hết chén cơm, chống đũa đánh rốp xuống mâm gỗ, đưa chén má xới. Đến chén thứ tư má mới hỏi:
- Bây giờ họ bắt mang súng về nhà hả con?
Sỏi ngừng nhai, ngửng đầu. Ngọn đèn treo trên cột soi chéo xuống bộ mặt gầy và nhọn, đen như than. Đôi lông mày cau lại che hai hố mắt tối sầm. Mái tóc chừa dài kiểu đít vịt đổ một chùm tóc trớt xuống gò má. Sỏi đáp, vẫn với giọng khàn khàn:
- Tôi nhận súng rồi.
- Sao?
- Tôi vô dân vệ.
Má sững người:
- Cái thằng... Sao mày nói với tao mày không dại gì lãnh súng?
Sỏi ăn hết chén cơm, ném đũa. Uống cạn bát nước Sỏi mới nói đủng đỉnh:
- Không vô dân vệ thì đi quân dịch mãn đời. Hai đằng phải lựa một.
- Mới lãnh tạm hay lãnh luôn?
- Ký giấy rồi. Tuyên thệ hồi sáng ở xã.
Út Sâm đang ngó anh chăm chăm, bỗng bật nói gay gắ
- Đó rồi anh Cả xách súng về, anh với em bắn lộn nhau cho coi.
- Hừ, anh Cả nào?
- Anh Tùy chớ ai. Lâu nay bọn quận bọn xã kêu om sòm là bộ đội ngoài Bắc kéo về mấy chục ngàn, anh còn nhớ gì đâu. Chín trăm bạc lương, to ghê!
Tính Sỏi ít nói mà hay khùng. Tuy thương em, nhưng hễ Sâm cãi một lát là Sỏi thò tay lên mái nhà rút roi cày, quất luôn. Má dòm chừng Sỏi, sợ nó nổi hung lên Sâm chạy không kịp. Nhưng Sỏi chỉ thắt nịt đạn vào người, quờ tay lấy súng, ngắt cái cộng lá dừa trên mái xỉa răng. Giọng Sỏi dịu xuống:
- Thôi, nói chi chuyện đâu đâu. Má để sẵn dây khoai, ngớt mưa tôi về trồng. Trồng đất ướt sùng ăn hết.
- Ở nhà ngủ một giấc đã...
- Bỏ trực một đêm gác bù ba đêm. Để sẩy cộng ở tù thay cộng. Mất súng đền mười ngàn đồng, tù năm năm. Vác súng theo cộng thì tử hình vắng mặt, tịch thu tài sản, cả nhà đi di dân. Họ bắt học thuộc lòng rồi thề vậy đó. Sướng chưa? Hì!
Sỏi cười một tiếng khô khốc, đẩy cửa bước ra sân. Một búng gió thốc vào, cũng lạnh buốt gần như tiếng Sỏi cười gằn. Má rùng mình, vơ tấm choàng nhựa chạy theo đưa cho con trùm ngoài quần áo ướt.
Má ngồi xuống bưng chén cơm, nhưng không ăn được. Út Sâm ngước mắt nhìn má:
- Bây giờ làm sá?
- Sao là sao?
Môi Sâm bật run:
- Cái hôm ảnh thi bắn được giải nhất hai trăm, con đã nghi nghi, không chừng rồi ảnh ham tiền chạy theo cây súng đó. Ẳnh ký giấy, tuyên thệ mà giấu cả nhà, thiệt hết chỗ nói. Bây giờ ảnh mặc sức đi phục kích, giết cán bộ lấy thưởng, theo lão Phổ mà mổ bụng ăn gan...
- Út!
Má giật mình kêu hơi to, như một mũi dao vừa khía vào bụng má. Đôi đũa trên tay má rơi tuột xuống. Má đặt chén, nhìn Sâm trừng trừng. Nó vừa nói gì vậy? Chao ôi, thằng con trai má có thể... đến thế hay sao?
Sâm dọn mâm xong, má mới ngập ngừng:.
- Cái thế buộc nó phải lãnh súng, chớ thằng Tư đâu phải đứa ham tiền. Nó cũng nát ruột nát gan...
Sâm nói rất đanh:
- Không đi quân dịch, không vô dân vệ, chịu ở tù như hai anh dưới Đồng Mè cũng được chớ. Mới bữa trước, ảnh còn nói mang súng là mang cái chết trong mình, má nhớ không? Để đó má coi, có ngày anh Tùy với ảnh đụng nhau...
- Thôi Út!
Má nói khẽ, van con đừng gở miệng.
Má đón bát nước Sâm bưng tới, uống một hơi, lập cập đến ngồi cạnh bếp ăn trầu. Sâm rửa chén xong lúc nào má không để ý. Khi quay lại không thấy con, má mới nhớ có nghe Sâm nói qua nhà Hai Ngọ, cô bạn thân.
Trong căn bếp vắng, khối đêm đen trộn tiếng dế khóc ri rỉ tỏa ra bao kín lấy má. Gió bấc luồn theo cái bóng co ro đến bò trên lưng má. Má thổi lửa, đón hơi ấm tỏa vào mặt, và chợt thấy mừng lạ lùng khi nghe tiếng trẻ con khóc to bên nhà chị Đa, một tiếng sống dội lên giữa không khí chết lặng. Nhưng rồi đứa trẻ thôi khóc. Trong cái xóm bị giới nghiêm, chỉ còn những bóng thù địch cầm súng đi rình bên ngoài các nhà tranh nín thở nhắm mắt.
- Cắc... kè!
Trên ngọn dừa cao nhất sau nhà, con cắc kè bắt đầu đếm tuổi. Đêm nào cũng vậy, nó đợi đến khi trong nhà thật im mới cất giọng, và giọng nó nặng, sâu, ngạt thở, rè rè như xé rách họng mà ra. Nó kêu sáu tiếng rời, rồi kéo một tràng "kè kè kè" nhỏ dần như bị bóp cổ. Người ta nói nó lên sáu tuổi. Sinh vào năm ta đi địch tới, nằm trên ngọn dừa ấy, nó đã thấy bao nhiêu người đi xuống mả mà tiếng nó biến thành tiếng nấc?
Ánh đèn đang lụn soi nghiêng trên tóc má Bảy, làm chìm những sợi còn đen và nổi trắng hẳn phần tóc hoa râm. Mái tóc má ngả trắng như bông. Má buồn đến bạc tóc.

1

2
Một loại bồ nhỏ quang dầu.
Chiếu bóng.