Chiếc tàu vừa qua khỏi hầm Trạm Hành, khói than ùn vào trong toa nghẹt thở. Người con gái mặc áo len xanh, tóc bồng lên, đưa khăn tay bịt mũi, đôi mắt nhắm nghiền tưởng chừng con tàu không bao giờ ra khỏi hầm núi. Trong toa chỉ có bảy người, ông công chức già bận cặp đồ lớn luộm thuộm mua ở chợ trời, sát bên cô gái áo len xám. Một bà bán lê ghim thu mình trong góc với hai thúng sú và xà lách, hai anh lính nước da rám đen đang đứng tựa cửa nhìn núi buổi chiều. Bên cạnh tôi còn một cô gái mà mọi người đều như muốn tránh xa, thoạt nhìn ai cũng có cùng một ý nghĩ nàng ở đâu và làm việc gì. Nàng không ngồi trên băng như mọi người mà ngồi trên bao bột bắp, ngay khung cửa. Tóc nàng vàng hoe, uốn quăn tít, che khuôn mặt nước da bánh mật, phấn rửa màu. Đôi mắt trắng dã quá lớn với khuôn mặt, con ngươi nhỏ làm cho đôi mắt thất thần, lúc nào cũng ngơ ngác như kẻ tìm đường chạy trốn. Phấn son lòe loẹt, quê kệch làm cho mấy người trong toa nhìn bĩu môi. Chiếc quần chẽn bó chặt cặp đùi lẳn, đôi mông no tròn; nàng như con lật đật lúc nào cũng có thể quay lốc dễ dàng.
Sáng mai đã đưa ông táo về trời, còn 8 ngày nữa là đến Tết. Cách đây một giờ tôi còn ở ga Đalat, thành phố về chiều sương xuống thấp, buồn thê thiết quá. Hơn một năm nay nhà ga vắng khách, con tàu luôn luôn uể oải kéo lê lếch trên đường sắt răng cưa với vài hành khách nghèo nàn. Con tàu phì phò thở, răng nghiến trèo trẹo như ông già tự dày vò trong cô đơn. Chỉ cần một tiếng nổ, tàu có thể bị hất tung bất cứ lúc nào, đầu máy vô tri dò dẫm, khách hàng thờ ơ từ giã ga không lưu luyến. Mấy ngôi quán vây quanh ga không còn nữa, ông bán vé mệt mỏi trông đợi từng người, cặp đồng phục hỏa xa được ung dung thay bằng cặp đồ ngủ, điếu thuốc lệch trên môi. Tôi mua vé bỏ vào tờ báo xuân vừa mua dưới phố, hỏi ông già:
- Đường bình yên không cụ?
- Một may một rủi. Ông già uể oải trả lời.
Tôi thờ thẫn bước vào sân ga, mấy giỏ hoa ủ khói đen nhờ nhờ u ám làm sao. Tiếng đầu máy thở phì phò, tới lui móc nối với các toa, chen lẫn tiếng nói của hai ông soát vé đang ngồi chồm hổm chuyện trò mặc ai lên, ai xuống, như người vô sự. Tôi bước lên toa tàu như đi vào khoảng đìu hiu về mộ địa. Hai anh lính, ông công chức già, bà bán hàng rau  là tất cả trên toa tàu trống lạnh. Tôi đang tần ngần muốn trở bước thì tiếng nàng – người con gái áo len xám – tíu tít từ giã bạn:
- Thôi, đi nghe tụi bay, hôm nào lên sẽ mang quà. Gút –bai!
Vừa bước lên cửa nàng nhìn tôi ngỡ ngàng, nụ cười tươi mới ùa đến đà tắt ngấm trong toa tàu u ám buồn. Nàng bối rối nhờ tôi kéo hộ chiếc hoa ly, hai giỏ hoa cải và lúng búng trong miệng tiếng cảm ơn. Mắt nàng đen láy mở rộng ngỡ ngàng, mái tóc uốn bồng lên kiêu sa, ngổ ngáo. Tôi lặng im nhìn qua cửa, nắng chiều ủ trên núi Bà, mây tóc rối cuộn tròn dưới chân núi xa. Tôi miên man nghĩ đến cuộc sống cô đơn xa vắng, cuộc sống cứ lăn, khắc khoải. Sao mình không trở lại thành phố đang ủ trong sương mờ kia, giờ này lang thang quanh phố, rã rời, chắng biết chờ đợi ai và mong đợi gì. Có tiếng la oai oải ngoài sân ga, tôi chồm đầu ra nhìn. Bốn cô gái lòe loẹt phấn son, áo quần hở hang đang đi đến.
- Thôi, bọn mày ở lại tao đi, vài bữa nữa tao lên. Con nào có chồng thì tao bóp cổ đó nghe mậy. Cô đi đầu toe toét cười nói.
 - Về quê có lấy chồng nhớ đánh giây chuối về cho bọn tau hay với nghe.
- Thôi cô nương ơi, thân em như tấm lụa đào, hơi nào mong. Cả bọn phá lên cười, vừa đi vừa nhảy tơn tơn.
- Mày là lụa rách, cái con khỉ! Thôi bọn tao về, nhớ về nghe Bạch - lùn không bọn tao mong đợi ứa gan dàng đó.
Ba cô ùa lại phát vào cô gái mang tên Bạch - lùn rồi chạy ùa ra ngoài. Cô Bạch nhìn theo bạn cho đến khi chiếc xe lam nổ máy mới lủi thủi lên toa. Sau lớp phấn trắng mốc, mùi nước hoa rẻ tiền nồng nặc, nỗi buồn chợt trở về với nàng. Nàng cắn môi, mắt chớp nhanh, ngồi đại trên bao bố bột bắp bên cửa vào. Một tay xách hoa ly nhỏ mới tinh, một tay xách hai búp sú xâu trong dây lạt và một chùm hoa nhựa đỏ vàng sặc sỡ cột chung với một bó hương.
Bảy người im lặng, tàu hú thét lên rời sân ga không một bàn tay vẫy đưa. Tôi đốt thuốc lá ngó mông lung ngoài khung cửa, khói tàu nặng nề ủ thấp dưới hàng thông xanh. Sương chiều trải dài dưới thung lũng mấy đồi trà Đa Thọ, hơi lạnh bám sát toa tàu trống.
Bảy người vẫn ngồi ngó nhau im lặng. Cô gái áo len xám đang lần dở mấy trang báo xuân in ro-nê-ô kiểu học trò, mỉm cười vu vơ. Nàng cắn hạt dưa, năm ngón tay trắng nuột làm duyên trên đôi môi hồng. Tôi gợi chuyện làm quen:
- Tết này trường cô ra mấy tờ báo xuân?
- Dạ, hai tờ. Một của Đệ nhị, một của Đệ nhất. Nàng nhanh nhảu trả lời.
Tôi định nói tiếp câu chuyện, nhưng cảm thấy nản, im lặng đốt thuốc. Cô Bạch ngồi trên bao bột bắp đưa tay đập vào chân tôi hỏi tự nhiên:
- Mấy giờ thì tới Tháp Chàm, anh Hai?
- Đến mười một giờ khuya, cô Bạch.
- Ủa, sao anh Hai biết tên em? Ngó quen rồi à?
- Không, tôi nghe mấy cô bạn nói lúc ở ga.
Nàng cười lên rũ rượi, tay đập vào đùi tôi lắc đầu. Nàng tự nhiên vịn tay vào đầu gối tôi, cười nghiêng ngả, thoải mái.
- Chời ơi! Hơi đâu mà anh hai nghe lũ quỷ đó. Nó thấy nước da em đen, em lùn, nó đặt tên em là Bạch -lùn chơi vậy mà.
Hành vi thân mật hơi lố  của nàng làm mấy người cùng toa nhìn nàng quay đi. Tôi cố lùi xa tầm với tay của nàng, cảm thấy ngượng khi bàn tay nàng đập vào da thịt mình. Nàng ngơ ngác nhìn, như lạc lõng với thế giới chung quanh. Tôi xích hơi xa nàng và quay về bắt chuyện với cô nữ sinh:
- Cô về ăn Tết gia đình?
- Dạ.
Con tàu sình sịch đứng lại ga Trạm Hành. Hai người lính và bà bán rau xuống ga, trên toa chỉ còn bốn người. Cô Bạch đứng lên ưỡn người ngáp:
- Chời ơi, xuống hết buồn thấy mồ.
Dưới sân ga vài thằng bé cầm mấy nhánh đào nhìn lên toa tàu ngóng đợi người mua. Một con bé bán bắp nấu hấp tấp chạy đến rao ơi ới. Bạch quay vào toa đếm lẩm nhẩm rồi kêu con nhỏ mua bốn trái. Còi tàu tú lên, tàu chạy, nàng quay vào cười:
- Ăn bắp ông, cô, anh Hai. Bắp nếp ngon lắm. Chời ơi, ngoài quê tui dễ gì trồng được trái bắp bự thế này,xíu xiu mà lép hạt không hà.
Cả ba người đều từ chối, nàng trố mắt ngạc nhiên vì sự hờ hững của mọi người với trái bắp bự mà nàng đã khen. Đôi mắt nàng trắng dã, mở choàng, con ngươi đen nhỏ lạc lõng giữa rèm mi làm tôi thấy e sợ. Cô nàng ngồi bên cửa, đôi môi mấp máy khi tay tỉa từng hạt bắp. Hạt bắp trắng ngần, nàng thản nhiên gặm, nhai ngon lành. Đôi môi đánh son không khéo toét ra hai bên mép, uốn tròn như đôi giun bò trên trái bắp.
Con tràu nặng nề luồn lỏi qua rừng núi, đến Dran xuyên vào hầm đá, tàu tiến về Sông Pha. Bóng đen phủ khắp nơi, toa tàu rùng mình ớn lạnh. Ông công chức già đã ngủ tự bao giờ. Chỉ có bốn hành khách, xếp tàu không buồn cho đèn sáng. Tôi và cô nữ sinh bắt đầu nói chuyện; tên nàng là Lan, nàng có tật hay lắc đầu, ánh sáng bên ngoài bầu trời xanh nhạt tạt vào, đôi mắt long lanh, nàng nói về cái Tết quê nàng.
- Tôi ăn tết ở Ninh Chữ. Chắc ông biết Ninh Chữ chứ? Gia đình tôi ở đó, biển nơi đó nước không xanh lắm nhưng ít sóng biển và mùa này gió rất mát. Nhà tôi có thuyền cho người ta thuê đánh cá.
-  Tại sao cô không học ở Phan Rang cho gần?
- Nhà cậu tôi ở Dalat, năm nay thi bán phần đỗ tôi sẽ xin về Saigon học. Dù sao ở Saigon cũng vui hơn ông nhỉ?
- Tuỳ quan niệm mỗi người. Khi một cô gái tỉnh xa về Saigon, tôi cảm thấy như “hương đồng gió nội” bay đi ít nhiều!
- Sao vậy ông?
- Chẳng sao cả, nó luôn là như thế.
- Tết này, ông ăn Tết ở đâu?
- Tôi cũng không biết nữa. Tùy hứng.
Cô gái lắc đầu cười buồn. Nàng se se bóp mấy ngón tay kêu khan.
- Ông không về ăn tết gia đình sao?
- Không. Tôi muốn để tuổi thơ yên ngủ, đánh thức nó dậy làm gì.
Bên triền núi mấy ánh lửa nhà ai đìu hiu quá, tôi nhớ đến quê hương, đến đêm nấu bánh chưng dưới bóng dừa, đến ánh lửa lập lòe trên sông về đêm. Cái đẹp xa vắng làm thiết tha lòng người biết mấy. Tôi châm thuốc hút, cây diêm cháy bùng cho thấy khuôn mặt nàng ủ trong hai bàn tay nuột, đôi mắt nhìn hoang vào khoảng trời xa. Con tàu dò dẫm chạy xuống đường răng cưa, toa rung rinh đưa bốn người vào giấc chập chờn. Nàng Bạch - lùn ngồi dựa vào thành cửa tàu, đôi chân bỏ thõng ra ngoài, mắt đăm đăm nhìn trời sao. Bỗng dưng nàng đập tay vào đùi:
- Chời ơi! Buồn thấy mồ!. Biết thế này đi xe hơi còn vui hơn. Anh Hai này, anh ngủ hay thức đó? Tôi cứ tưởng đi xe lửa đông lắm, nói chuyện rùm beng lên, chứ ai như nhà có tang thế này. Đèn đuốc không có, tối đen như mực, sợ thấy mồ!
- Cô ngồi coi chừng ngủ gật rớt xuống tàu đó.
- Sức mấy! Thiên lôi xuống đánh tôi cũng không rớt ra ngoài được nữa.
Qua khỏi ga Sông Pha con tàu âm thầm vào bóng đêm. Ông công chức già ho và khạc xuống sàn sau một giấc ngủ ngắn.
- Tàu chậm quá. Cô Lan nói trống không.
- Đoạn đường này nguy hiểm lắm vừa đi vừa coi chừng, ông công chức ra chiều lo lắng, mấy ổng thường ra dở đường ray, đắp mô.
Con tàu vẫn lắc lư len lỏi dưới trời sao, ong công chức lại bắt đầu ngáy đều, Lan chống cằm nhìn sao, chỉ có Bạch lại tìm cách thoát khỏi cái nỗi buồn im vắng này. Nàng cầm một que củi nhỏ gõ vào sàn và ca vọng cổ, giọng nàng như vướng cả ngàn sợi tơ chùng. Giọng hát không hay nhưng thật buồn; sau khi hát dạo mấy câu trong vở tuồng nào đó nàng ngâm: “Chim xa rừng thương cây nhớ cội. Người xa người tội lắm người ơi. Chẳng thà không biết nhau thôi. Biết nhau rồi mỗi đứa một nơi cũng buồn.”
Cô nữ sinh ngồi trước mặt tôi thở dài não nuột, ánh xanh tối các vì sao rụng,trên đôi mắt xa xăm, nàng cúi xuống bàn tay thờ thẫn nắm quai hoa ly. Giọng hát của Bạch hòa vào tiếng rên xiết bánh sắt trên đường rây, nấc lên ai oán ru tôi vào khoảng tăm tối ngột ngạt. Con tàu này đi đến bao giờ dừng lại, hơi thở phì phò hấp hối kia đưa tôi vào thế giới nào? Lời ca vướng víu khắc khoải cố trườn lên trong biền biệt cô đơn. Bạch như muốn hòa loãng trong ánh sáng xanh xao mòn mỏi của tinh tú, tôi không ngăn được tiếng nói xa lạ với chính mình;
- Cô Bạch ca buồn quá.
- Chời ơi! anh hai khen làm em rầu thấy mồ.
Nàng im lặng. Con tàu vẫn ì ạch luồn vào khoảng tăm tối điều hiu. Nàng đập cành cây xuống sàn tàu rồi tiếp tục chuyển giọng theo điệu than hát bộ:
“ Em ra đi mần ri đây … ư … ư … Thân gái ứ … ư dặm trường … Gió mưa ư … ư mà đất khách ứ … ư ai thương cho nỗi … sầu …”
Tiếng “sầu” chìm xuống, tiếng cây que đánh nhịp dứt đoạn, rã rời, tôi tưởng như cô gái trước mặt không ca mà đang não nề tâm sự thân phận mình. Tóc nàng rũ xuống, cây que bỏ trơ trên sàn, tay nàng ôm lấy cổ. Im lặng. Có lẽ Bạch đang khóc, cô nữ sinh trước mặt đang buồn. Tôi chìm mất trong mênh mông thổn thức. Tôi miên man nghĩ đến những đêm hát bộ trong làng, mẹ tôi sụt sịt khóc khi cô đào chuyển giọng ai oán khúc biệt ly sầu; khi nàng Chiêu Quân phải từ giã Hán Võ Đế: “ Bi thảm ơi là bi thảm … ơ. ơ.. ơ … dứt đoạn.. aa… a can tràng. Gió lay hiu hắt ớ ơ … lệ tràn chứa ứ ư … chan.” Mẹ tôi đã khóc thật tình trong niềm đau đớn của cô đào hát, trong hình ảnh dứt đoạn của một tình yêu dang dở. Tôi muốn mình nhỏ lại ôm sát nách mẹ và Bạch là cô đào hát đóng vai Chiêu Quân để được nghe tiếng sụt sịt của mẹ già. Tôi không còn nghĩ đến Bạch là cô gái ăn bận lố lăng, quần jin bó chặc đôi đùi lẳn, khuôn mặt trát phấn thừa thải, đôi môi son toe toét, cử chỉ và lời nói sỗ sàng – vì méo mó nghề nghiệp. Tôi chối bỏ tất cả những sự thật đó. Tôi bước vào thế giới hoang vắng, hắt hiu của giọng ca nàng. Nàng ngồi bó gối trên sàn tàu, tóc xoắn rũ xuống khuôn mặt bánh mật. Con tàu vẫn đong đưa xình xịch dò dẫm  trong đêm đen.
Đến ga Tháp Chàm, tôi đang tần ngần nhìn dãy đèn néon xanh quanh nhà ga rộng vắng người thì Lan đến nhờ tôi khuân hộ giỏ rau cải và hoa ly xuống tàu. Tôi nhờ nàng cầm tờ báo xuân, rồi mang tất cả ra xe ngựa ngoài sân ga cho nàng, Lan lặng lẽ ngồi trên xe chờ bác xà ích tìm thêm khách về Phan Rang. Tàu chuyển khách tại ga này, chờ tàu Sai –gon ra đi tiếp.
Tôi hỏi nàng tờ báo? – Tôi để lại trên toa, nàng trả lời. Tôi vội quay lại tìm không thấy đâu cả. Tôi ra gặp Lan.
- Cô nhớ cô bỏ đâu không? Tôi tìm trên toa không thấy.
- Tôi bỏ trên ấy.
- Tôi đã tìm khắp cả. Tất cả tiền bạc và vé xe tôi kẹp trong tờ báo ấy cả.
- Thế à.
Bác xà ích sắp sửa ra roi. Tôi gạn hỏi:
- Cô nhớ xem thử vứt nơi đâu?
Chiếc xe lọc cọc lăn bánh, nàng lơ đãng trả lời:
- Chắc chỗ nào đó trên tàu, thôi chào ông.
Nụ cười kiểu cách, bàn tay ve vẫy thông lệ, nàng chẳng thấy mình trách nhiệm gì với sự bối rối của tôi. Bàn tay ấy, nụ cười ấy, làm tôi liên tưởng đến chiếc đuôi ngựa vung vẫy trước khi phi nước kiệu. Tôi quay lại tàu tìm kiếm nhưng vô ích. Một vé tàu mấy trăm bạc lẻ đã đi đong, trong túi chỉ còn hơn trăm bạc lẻ, tôi lững thững lại quán nước tìm cách bán đồng hồ để mua vé về Quảng Ngãi. Ga Tháp Chàm vắng tanh, trong quán lưa thưa độ mười người khách chờ tàu. Tôi nhớ đến ga này những ngày bình yên, nhất là vào quãng cuối năm, khách tấp nập chờ tàu từ trong ra. Cũng quán này, món bánh bao về khuya nổi tiếng lắm, chủ quán chuyên cho thuê ghế bố, nhưng bây giờ quán vắng, ông ta ngồi chẻ lạt gói bánh chưng ở gần quầy.
- Kìa, anh Hai, chời ơi, anh đi đâu nãy giờ? – Em ngồi đây một mình buồn thấy mồ. Em bao anh một ly cà phê đá. Ngồi đây đi, anh Hai.
Lại là cô Bạch lùn, nàng ngồi nơi bàn chỗ gốc cây dừa xiêm. Chiếc hoa ly còn để dưới đất gần hai búp su, bó hoa nhựa để trên bàn, Bạch nhanh nhảu như đây là quán của mình. Cô gái với lời ca oán than không còn nữa, nàng trỗi dậy hẳn dưới ánh đèn. Trong bóng tối và nỗi buồn làm nàng như con cá mắc cạn, và dưới ánh đèn con cá ấy đang uốn lượn trong hồ nước. Tôi ngồi bên nàng nhìn mái tóc quăn rủ xuống, khuôn mặt phấn son dưới ánh đèn néon xanh có màu nhờn nhợt tái.
- Sao anh ngó bộ buồn vậy. Cô bạn gái của anh đâu rồi?
- Cô bạn nào?
- Cô đẹp đẹp ngồi nói chuyện với anh Hai trên tàu đó.
- Á, không phải bạn tôi. Cô ấy đi rồi.
- Ngó bộ anh Hai nhớ rồi.
Nàng cuời tự nhiên và lấy chiếc gương tròn nhỏ xíu ra soi mặt chải tóc.
- Cô coi hộ tôi cái xắc xệp này chút nghe, tôi lại gặp ông chủ quán có chút việc.
- Chi vậy anh Hai?
- Bán chiếc đồng hồ này.
- Ủa, sao vậy? Ngó bộ điên à. - Nàng trố mắt nhìn tôi ngạc nhiên.
- Vé xe với tiền bỏ trong tờ báo gởi cho cô gái trên tàu, cô ấy đánh mất cả.
- Rầu chưa. - Bạch nhìn tôi ái ngại.
Lão chủ quán kỳ kèo mãi, cuối cùng chịu mua chiếc đồng hồ với giá rẻ mạt. Tôi tính tiền mua vé về Quảng Ngãi vẫn còn thiếu. Tôi trở lại bàn uống tiếp ly cá phê đá.
- Được bao nhiêu anh hai?
- Hai trăm.
 - Rầu chưa, đủ mua vé không?
- Thiếu hơn trăm. Tôi đang nghĩ cách bán hai sơmi trong xắc.
Nàng nhìn tôi không nói. Tôi lặng lẽ đốt thuốc lá ngó lung ra ga. Hàng rào xi măng đúc, hoa tigôn bò quấn chung quanh, mấy chiếc lá khô cong queo riễu xuống như mấy giọt nến. Vài thằng bé bán mía róc đang xúm nhau chơi trò ném đá, các viên đá bắn vào đường sắt tóe lửa xanh, rít lên khô khan.
- Anh Hai nè, em nói anh đừng phiền. Bây giờ em cho anh Hai vay, hồi nào trở lại Đà Lạt trả cũng được. Đường đời, rủi ro, giúp đỡ nhau chút đỉnh có sao đâu anh Hai. Thôi, anh hai giữ hai sơmi lại bận Tết, bán chi nó rầu quá.
- Tôi không muốn làm phiền cô, cô để tôi tự liệu lấy.
- Anh không nhận em rầu lắm đó.
Nàng lồng tay vào trong ngực mình lấy ra một chiếc khăn tay màu trắng gói tiền. Tôi nhìn xấp bạc độ hơn hai nghìn, gói cẩn thận trong khăn sực mùi nước hoa.
- Anh Hai cầm hai trăm đi mua vé đi.
Nàng vỗ vào vai tôi và đẩy đi. Hành vi vừa thân mật vừa sỗ sàng làm tôi cảm động lạ. Cầm tờ giấy bạc trong tay, tôi nghĩ đến Bạch – lùn, đến tờ bạc của một khách chơi nào đó. Trong cái lạnh hoang đêm vắng, gió như luồng theo đường xe hỏa phả vào mặt tôi. Một cái gì mơ hồ thảm đạm len lấn vào tâm tư, tôi nhìn lên tháp canh trên đồi đất mà ước mình có đôi cánh.
Tôi mua vé xong trở lại thấy nàng đang ngồi nhai thịt bò khô ngon lành. Nàng nhoẻn miệng cười. Bây giờ tôi mới để ý đến chiếc răng vàng gần bên răng khểnh.
- Ăn bò khô đi anh Hai, em nói anh đừng có rầu nữa, hồi nào trả cũng được mà. Thời bây giờ tiền bạc mà chi anh hai, sống cho qua ngày đoạn tháng thôi mà anh!
Sau câu bình phẩm về cuộc đời, nàng nhướn đôi mắt to nhìn lung qua hàng rào tre bên kia quán; ngọn đèn leo lắt của mấy túp lều tranh dưới dãy cây xanh đang thoi thóp thở. Người khách ngồi trên ghế bố vươn vai ngáp lớn, ông quay mặt vào hỏi ông quán:
- Anh nè, tàu sao chừ chưa ra?
- Ôi, hơi đâu mà chờ, cứ ngủ thẳng cẳng đi. Tàu đi như bà già đi chợ, hơi đâu mà chờ.
- Tàu độ rày đông hành khách không anh?
- Đếm trên đầu ngón tay, hạng nhất hạng nhì còn có người đi, chứ hạng ba thì trống không.
- Sao vậy anh?
- Trước đầu máy ba wagon trống để rủi có mìn thì đầu máy không hư; sau đầu máy hai wagon yểm trợ, tiếp nữa là hạng ba. Còn hạng nhì và hạng nhất tít đàng sau khỏi lo súng lo mìn. Đi hạng ba thì dễ chết hơn chút.
- Trời ơi! - Bạch la ông ổng. Thiệt hay giỡn vậy bác? Tụi tôi đi hạng ba đây này.
- Hơi đâu mà lo, sống chết có số mà cô. Cái số chết ở hạng nào cũng chết. Nhớ điều là rủi khi gặp mìn nổ nên nằm yên trên tàu, chạy lăn xăn hai bên bắn nhau mình chết oan vô ích. Mấy chuyến tàu trước hành khách chết như vậy là thường. Tôi làm ăn ở đây nghe nhiều chuyện thảm lắm bà con ơi, có người nghe mìn nổ sợ quá té đái trong quần rồi bất tỉnh vậy mà sống; còn mấy người khôn khéo chạy lăn xăn chết tiệt. Thời chiến mà bà con, sống chết như heo, như chó có khó khăn gì đâu.
- Chời ơi! Biết thế này đi xe hơi cho rồi.
- Cái số chết độn thổ cũng chết cô ơi. Chiến tranh chỉ khổ cho thằng dân nghèo như bọn mình thôi, đi lính cũng thằng nghèo, chết cũng bọn nghèo, bọn nhà giàu có thế thần nó sống phây phây ra đó; nó tìm mọi cách trốn lính, có đi lính cũng đi lính cậu. Bọn nhà nghèo ở nhà quê thì một cổ hai tròng, chết bom chết đạn, trốn ra thành phố thì chết đói, đi máy bay thì không có tiền, đi xe đò. đi xe lửa thì như đánh số với trời.
Ông hành khách nằm trên ghế bố nói một thôi dài, vòng tay sau ót ông nhìn lên trời hút thuốc lá. Ông chủ quán lặng lẽ tướt mấy sợi lạt cuối cùng. Gió thốc mấy cành lá dừa, biển cả sóng gầm vẳng đến trong luồng gió lạnh. Súng nổ ì ầm đầu mạn bắc, tôi thấy mình như hốc đá cố thu mình, sóng bể càng táp mạnh.
- Bác về đâu đấy bác? - Tôi hỏi ông khách nằm trên ghế bố.
- Tôi về Tuy Hòa.
- Bác đi hạng ba hả bác! - Bạch lo lắng.
- Không, tôi đi hạng nhì cô ạ, hạng ba nằm sát bên mấy ổ súng đại liên ai mà dám đi.
Cặp mắt nàng ngơ ngác dại hẳn đi. Nàng nhìn tôi lắc đầu chầm chậm, đôi mắt như lạc loài vào thề giới khủng khiếp nào. Môi dưới bĩu ra tôi tưởng như nàng đang khóc. Khuôn mặt dày dặn, lẳng lơ giờ đây như mất hết, nơi nàng chỉ còn vẻ bé dại của người con gái.
- Anh Hai à, hay em đổi vé hạnh nhì đi.
- Tùy cô. Nếu cô muốn tôi đi đổi dùm cho.
Nàng lo lắng, tay mân mê bó hoa nhựa.
- Còn anh Hai, thôi em đưa thêm tiền cho anh hai đổi luôn cho cả anh hai nữa nghe.
- Không, tôi đi hạng ba.
- Sao vậy, đi hạng nhì đi anh Hai. Hạng ba gần mấy ổ súng sợ lắm.
- Tôi thích đi hạng ba.
Nàng tần ngần nhìn tôi, vẫn đôi mắt đó lơ láo, thất thần.
- Vậy thì em cũng đi hạng ba. Em thì sống chết em đâu có sợ, anh Hai. Mấy con bạn còn gọi em là Bạch - lì nữa đó. Em nhớ có lần trong quán, mấy anh lính biệt động đi hành quân về, mấy thằng cao bồi nhóc nghênh sao không biết, mấy ông rút súng lục ra đòi bắn. Mấy con bạn sợ quá chạy hết, em ôm đại ổng lại, can ngăn hết lời. Em đâu có sợ súng anh Hai, ngặt vì bữa nay ngày hết tết đến em sợ mẹ em trông tội nghiệp.
Nàng thở dài chớp mắt nhanh. Da trời chuyển màu xanh nhạt, ông hành khách ngủ tự bao giờ, ông chủ quán thu dẹp bàn và khóa cửa tiệm. Tôi cảm thấy mỏi mệt, nếu Bạch là người yêu của tôi, tôi đã để nàng gục trên vai, vuốt tóc nàng và để nàng khóc thật nhiều, rồi sẽ ru nàng giấc ngủ yên mơ về quê mẹ. Nhưng Bạch vẫn ngồi như pho tượng trước mặt tôi, mắt buồn xa vắng.
- Tôi vô tình quá quên hỏi, cô về đâu?
- Em về Tam-Quan, anh Hai à. Xuống ga Tam Quan em phải đi xe lôi ra ngoài hơn năm cây số nữa. Làng em trên đường lộ ngó thấy, dừa nhiều lắm anh Hai ơi.
Bạch bao giờ cũng trả lời nhiều hơn điều tôi hỏi. Tôi hút thuốc ngồi nghe nàng nói về dừa Tam Quan, bánh tét nhân đậu đen, khoai môn sọ chấm đường xốp … Với nàng cái gì ở ngoài ấy cũng ngon quá chời. Nàng mân mê từng kỷ niệm nhỏ nhặt như đứa bé táy máy, nâng niu từng sợi tóc, ngón tay con búp bê của nó.
Khi tiếng gà bắt đầu gáy, con tàu dài đã trườn mình đến, tiếng hú thảng thốt khốn khổ kéo dài trong hơi lạnh về sáng. Tôi cầm hộ nàng hai búp sú, nàng chạy lạch bạch như con vịt mái. Chúng tôi lên toa hạng ba cách toa yểm trợ một toa trống. Toa tàu rộng thênh, có độ mươi hành khách ngồi rải rác trong góc, mắt thao láo đợi chờ. Người ta khuyên tôi không nên ngồi trên ghế, nên trải giấy báo xuống sàn mà nằm để khi bắn nhau đạn không xuyên ngực. Bạch nằm bên góc, gối hai búp sú trên đầu; tôi nằm dựa cạnh cửa chờ giấc ngủ. Trăng lưỡi liềm về sáng xanh nhạt, lùa vào đôi bàn chân thô của nàng. Tàu lặng lẽ chạy, tôi treo mặt trăng trước trán và chập chờn vào giấc ngủ. Tôi giật mình tỉnh giấc khi nắng mai xuyên qua cửa tàu, ủ ngang người. Tôi nằm ru trong ảo giác, đắp một chăn bông ấm trong căn phòng ở Dalat và bên ngoài mưa bụi bay. Con tàu vẫn rung rinh đều; tôi nhắm mắt tưởng tượng mình đang lượn trên các đợt sóng, biển cả mênh mông ngập dần hơi thở đều hòa, đại dương xoáy tròn và chìm biến trên mảnh trời xanh vướng tơ mây. Con thuyền đã thả neo hay ván thuyền đã tan rã trong tiếng rít khô khan … Tôi triền miên trong giấc ngủ dật dờ đó.
- Anh Hai này, dậy uống nước.
Nắng chói làm chóa mắt, con tàu đã dừng lại tự bao giờ. Bạch khệ nệ ôm hai trái dừa đi lại, tôi mỉm cười với ý nghĩ ngộ nghĩnh là ba trái dừa từ xa đang lăn dần đến phía tôi, nàng đi đỏng đảnh, đôi mắt cười tíu lại:
- Mẹ nó, anh Hai nghĩ có ức không, bọn nó khinh hạng ba không chịu mang đến bán, xúm nhau dưới hạng nhì hạng nhất; em phải lếch tuốt xuống dưới đó mua. Em mua bánh mì với chả lụa, anh Hai ăn đi kẻo đói.
- Mấy giờ rồi, cô Bạch?
Nàng nhìn vào tay tôi, rồi đưa tay vào túi quần lấy chiếc đồng hồ tí tẹo ra xem.
- Hơn mười giờ.
- Sao cô không đeo đồng hồ vào tay?
- Ôi, mấy đứa bạn em nó dặn tiền thì cất vô ngực, đồng hồ với nhẫn thì bỏ vào túi quần này là chắc nhất. Đi tàu bọn cướp dễ lấy lắm anh à.
Bạch khoa tay chỉ vào ngực, vào quần, những địa điểm “chắc nhất” rồi cười đưa chiếc răng vàng. Buổi sáng, sau giấc ngủ mệt mỏi, làn phấn rữa ra có lớp son nẻ vạch trên môi, Bạch như  vừa qua một đêm trác táng. Tôi lặng lẽ uống nước, quay đầu nhìn chỗ khác. Ga Nha Trang cuối xuống cho gai góc đơm mình, dây thép gai cuộn cứng ghi chứng tích của một mạch sống tang thương. Tôi nhớ cũng góc sân ga đó có lần mình đón một đôi mắt đen rực ngời dưới băng đô đỏ, ánh đèn đêm nhấp nháy dưới rèm mi như chú nai con lạc núi bơ vơ trước màu xanh bể cả. Kỷ niệm trở thành vết sẹo quá khứ và sân ga bây giờ trơ trơ, hóa thân thành gai và đạn. Tôi thấy như tất cả chung quanh mình nhịp nhàng trở bước trong một biến động ngấm ngầm, ăn rữa từng phút như mụt nhọt lấn sâu vào da thịt. Những vùng đất tôi đã đi qua, những con người tôi đã gặp, đang biến dạng từ từ. Đôi khi mình thấy mình lơ láo, lạc loài trong cơn lốc biến đổi kia, những kỷ niệm mình nâng niu như hương thơm đồng cỏ hôm nay đâu còn nữa. Bạch lùn của hôm qua, bàn tay ấy trong rừng dừa ngoài đồng lúa giờ đây chập chững ghì đôi vai,sát  đôi thân trong bản xìlô mới học.
Nước dừa ngọt mát lạnh tê đầu lưỡi. Tôi ngồi nhìn nàng hì hụp đập trái dừa vào đường sắt. Trái dừa lăn lông lốc mỗi khi nàng ném mạnh vào thanh sắt, nàng lạch cạch chạy lại lượm tìm cách tách đôi trái dừa. Cơm dừa trắng nuột loang loáng ánh sáng thủy tinh dưới bóng mặt trời. Bạch nhoẻn miệng cười đến ngồi bên tôi, gỡ từng miếng bỏ vào miệng ngon lành.
- Anh Hai không biết chớ chỗ em dừa ngon lắm. Cả năm rồi không ăn, nhớ thấy mồ, Tết này em về ăn trả đũa cả chục trái cho biết sức.
Hai đầu gối cặp võ dừa, nàng luồn mấy ngón tay sơn đỏ gỡ từng mảng, nhai từng miếng lớn, cặp mắt lim dim như nuốt mật ngọt.
Đón đưa hờ hững, con tàu nặng nề rời sân ga Nha Trang trong tiếng hú uể oải. Ngồi trên sàn tàu bỏ chân ra cửa, Bạch chậm rãi thưởng thức dừa non không để ý gì đến tàu chạy hay nắng hoe đổ trên những bụi gai xương xẩu. Nàng nuốt ực và nhướn mắt nhìn tôi:
- Nếu anh Hai mà ăn cháo dừa mẹ em nấu thì mê liền.
- Cháo dừa à?
- Chớ sao, bộ nói giỡn với anh à. Đến mùa cá nục tươi mẹ em mua về, hái dừa non ngoài vườn vô, nạo rồi nấu cháo. Không bỏ thêm một hạt gạo, hạt nếp nào hết trọi chỉ có cơm dừa, nước dừa và cá nục tươi. Nấu rục rồi nêm nước biển.
Anh phải biết không được nêm muối, chỉ nêm nước biển thì cháo mới ngọt nước. Chao! Cá nục tươi rục thịt, cơm dừa non rã ra, sếnh lại, ngon ác. Em ăn một hơi được  năm chén là ít.
Mắt nàng ngời sáng, kể xong nuốt nước miếng đánh ực, làm tôi cũng thèm món cháo dừa của mẹ nàng nấu. Khi kể đôi mắt to hơi quá cỡ của nàng nhìn về trước như sục sạo tìm kiếm trong dĩ vãng tất cả hương vị và hình ảnh của quê nàng. Gío biển thổi thốc vào toa, tôi cảm thấy hơi mặn nồng trong gió.
- Tàu chạy chậm thấy phát ghét, em mong cho nó chạy nhanh về, em ra sau vườn hái dừa uống nước. Mẹ em bả thương em lắm anh Hai à. Chắc khi em về gặp bà già sẽ chửi: Cha mày nghe Hai - em thứ hai mà – tao tưởng hôm này mày không về tao xé xác mày ra. Con ơi là con!
Bạch tưởng tượng bóng mẹ, lời mẹ chửi, làm bộ nghiến răng đay nghiến theo lời chửi và nàng cười.
- Sao có khi tôi nghe cô nói tiếng Nam, lúc tiếng Bình Định?
- Chẳng là mấy con bạn em nó là người Nam, em nói tiếng ngoài mình nó cười, nên em tập nói giọng Nam. Vậy chớ khi về ngoài mình phải nói tiếng ngoài quê anh à, chớ không họ cho mình làm kiêu làm phách, đổi tiếng thay lòng. Đi đâu sao cũng được chớ về làng mình phải giữ danh giá chứ anh.
Tôi mỉm cười nhìn nàng thông cảm. Con tàu lặng lẽ chuẩn bi. qua đèo cả, tiếng sóng bể bổ vào hốc đá trầm buồn. Khi đến ga Đại Lãnh, một anh lính ở toa yểm trợ nhặt viên sỏi ném vào chân Bạch và cười:
- Bé, Bé ơi! Cho anh nhìn tí đi.
Bạch nhảy xuống sân méo miệng khôi hài:
 - Nhìn đi, khéo vô duyên nhìn mà cũng xin.
Mấy anh lính cười rộ lên thò đầu ra khỏi xe:
 - Chịu chơi ta! Lên đây anh bày cách bắn súng cho em. Anh bắn bách phát bách trúng.
- Hổng thèm, nham nhở vừa thôi chớ các cha.
Bạch làm bộ vòng tay trước ngực, õng ẹo đi ra xa, rồi leo lên ngồi bên tôi. Hai anh lính chạy vồ tới:
- Đó không thèm thì đây thèm nham nhở chút tí thôi.
- Thôi mậy, chồng nó ngồi trờ ra kìa.
- Trời ơi, gái có chồng mà lông nhông như ngựa!!
Hai anh lính chạy về toa mình. Tàu bắt đầu chạy, Bạch cúi đầu cười như biểu đồng tình, nàng trề môi:
- Ngó thối mồm chưa! Kệ người ta chớ bộ.
Buổi chiều đến thật chậm, hàng hoa lau bên đường đã chuyển màu xào xạc trong gió. Bạch táy máy xé từng mảnh giấy vụn ném cho gió lùa ra sau, nàng nhìn theo chớp mắt buồn không nói. Nắng chiều luồn qua khung cửa, đổ xuống mái tóc và lưng nàng hằn những lằn thịt bị chằn dây nịt. Một vài loạt súng vu vơ bắn từ toa yểm trợ, Bạch uốn người lách vào trong toa.
- Chết mẹ rồi, coi chừng đạn lạc anh Hai.
- Không, họ bắn chơi đó mà. Ông cụ nằm trong góc toa nói.
Nàng nhớn nhác nhìn các bụi cây bên đường, tất cả bụi lá bóng tối đếu trở thành kẻ thù đáng sợ; một vệt mây hồng quét ngang dãy núi xanh, lòng tôi như sợi tơ chùng, nao nao buồn. Dưới chân Hảo Sơn, nhìn lên tượng đá vọng phu bồng con u-sầu nhìn ra biển. Núi như vết chì sậm màu đỡ tượng đá đen chọc thẳng vào trời xanh. Trong toa chỉ có ba người, ông lão cố ép sát vào góc ngồi gặm bánh mì. Chiếc mũ nỉ thụp xuống, lão ép sát mình vào góc, lão mong biến thành con chuột để tránh đạn. Bạch lò  dò ra ngồi bên cửa.
- Lạy trời phù hộ cho em về đến nhà. Tội nghiệp mẹ em mong.
- Mẹ cô ở nhà với ai? Sao cô ít nhắc đến cha cô?
Nàng thở dài im lặng quay nhìn bầu trời.
- Ông già chết hồi em còn để chỏm. Hồi trước em còn đứa em trai nữa, nó đi dân vệ chết từ năm kia. Bây giờ ở nhà còn có mình bà già thôi. Tội nghiệp bà già em, nghĩ mà rầu ghê.
- Sao cô không ở nhà với mẹ?
- Rầu quá, ở nhà khổ sống không nổi, lấy gì hai mẹ con ăn, em đi làm ăn xa mà anh Hai. Cái số long đong nó chẳng ra sao cả, làm ăn lận đận nhưng tết nhất cũng về cúng vái ông bà với mẹ, không bà tủi thân tội nghiệp. Từ ngày thằng em trai nó chết bả như người mất trí, cả ngày cứ luẩn quẩn mấy gốc dừa sau vườn nói lẩm bẩm gì trong miệng. Tội nghiệp, về sau bả mới bớt lần đó anh.
Im lặng nặng nề, khoảng tối phủ xuống mặt nàng, mấy ánh sao xanh xao nhấp nháy trên cao.
- … Hôm em đi, em trốn nhà đó anh hai à. Bà già tưởng em đi chợ còn dặn nhớ mua cho bà cái quần vải tám đen. Em thương quá em khóc, bà tưởng em khóc thằng Ba, nên la: “Thôi nó chết rồi mày có khóc nó cũng không sống lại”. Rồi em đi biệt hơn một năm rồi đó anh Hai, bữa nay về em có mua cho bà già mấy cái quần lãnh đen, chắc bà già thích lắm.
Tàu không đèn, trong bóng tối tôi nghĩ Bạch đang âm thầm khóc, tôi nói lảng:
- Hôm nay 23 Tết rồi, ông Táo về trời.
- Tối hôm nay mẹ em thường cúng chè xôi, đốt vàng bạc xong bà thường trở đũa bếp gõ lên đầu mình.
- Để làm gì vậy? Tôi ngạc nhiên hỏi.
- Bộ anh Hai không biết à? Tự phạt mình cho ông Táo thấy, khỏi tâu lên trời sai Thiên Lôi xuống đánh. Em cũng bị mẹ em kéo xuống bếp lấy đũa bếp gõ trên đầu đau điếng.
- Bây giờ cô tìm đũa bếp tôi gõ đầu cô cho Thiên Lôi khỏi đánh.
- Thôi bây giờ em sợ “súng đạn” hơn Thiên Lôi; Thiên Lôi đâu có mìn, có súng.
Tôi ngẩn người trước ý nghĩ ngộ nghĩnh của Bạch lùn, cái bộ dáng ngu ngốc đó đôi khi cũng khôn ngoan. Con tàu âm thầm chạy ánh đèn trước đầu máy quạt sáng một vùng. Vách núi đen sậm bủa vây sẵn sàng vồ vập, chôn vùi. Tôi đưa tay với mấy cành lá lau quét vào thân tàu, những chiếc lá sắc nhọn trượt qua lòng tay gây cảm giác tê buốt. Tôi nghĩ đến tình cảm con người, bao giờ cũng trượt khỏi tầm với để lại những tê dại trong lòng. Gia như với hai bàn tay rướm máu, con tàu lao vun vút vào đại dương thăm thẳm, vị mặn của nước biển sẽ làm mình rát bỏng, trong quằn quại rên xiết chắc tìm được niềm sung sướng đày ải. Những ngày nhốt mình trên cao nguyên giá rét, núi và sương mù như chiếc nôi ru trẻ thơ, tôi thấy nhớ biển nôn nao, thèm đứng trơ trên bờ biển nhìn nắng buổi chiều hậm hực nuốt vội những đợt sóng cuối cùng. Trên vùng núi non, tất cả biến thành kiêu hãnh, thấy mình to lớn quá nhưng về bể cả con người mới trưởng thành, mới thấy mình chẳng là gì cả, một hạt cát thoi thóp ngóng đợi sóng định mệnh cuốn đi.
- Thôi em vô ngủ, ngồi nhìn bầu trời buồn thấy mồ. Bạch vươn vai ngáp.
- Sao cô không ca vọng cổ?
- Thôi mà anh Hai, đừng có ngạo em. Giọng em như vịt đực ca hay ho gì. Con Thuận bạn em nó ca mùi lắm, anh Hai ơi.
- Giọng cô không hay nhưng ca cảm động lắm.
- Chời ơi! Thôi cho em xin đi anh Hai.
Nàng gối hai búp sú trên đầu, tay cầm bó hoa nhựa nằm co người dỗ giấc ngủ. Văng vẳng từ mấy toa đàng sau tiếng khóc trẻ con, tiếng ru ời ợi của bà mẹ. Sao khuya thực đơn độc xanh xao, những ngôi sao đổi ngôi băng mình trong khoảng vắng.Tiếng xình xịch đều đều trong tăm tối sao mà buồn da diết,tôi đi đâu đây,về nơi nào đây,có ai mong chờ…
Nửa khuya về sáng khi trăng lưỡi liềm chơ vơ nằm vắt ngang trên đỉnh núi, tôi nghe tiếng ngáy lớn của nàng và tiếng ho sù sụ của ông già trong góc. Con tàu vẫn ì ạch lê lếch. Bỗng dưng một tiếng nổ lớn xé toang tĩnh mịch, con tàu nhớm mình lảo đảo, những tiếng ầm ầm tiếp theo. Tôi ghì chặt tay vào thành ghế, toa tàu như con thuyền gặp bão, cơ hồ muốn rã ra thành từng mảng nhỏ. Bánh sắt rít lên quặn thắt, toa tàu đánh sầm và đứng khựng lại. Bạch bắn người lên chụp vào thành ghế bên kêu oai oải. Các toa sau, tiếng la hét lẫn tiếng trẻ con khóc tạo nên một âm thanh hỗn loạn. Súng từng loạt bên bờ núi bắn vãi vào tàu, tiếng thét tiến quân nhói lên từng hồi từ các hốc đá. Từ toa yểm trợ súng xé màn đêm nổ chát chúa. Bên ngoài khung cửa màu trăng nhạt, những tia lửa đỏ bay vù và tắt lịm trong không. Súng vẫn nổ liên hồi bên toa yểm trợ. Tôi nằm ép sát vào sàn tàu, Bạch khóc lên rưng rức cả thân hình mập tròn của nàng cuộn dưới hốc ghế. Những viên đạn xé không gian rít lên, nàng bịt hai tai lại khóc nấc.
- Anh Hai ơi, chắc chết quá. Chời ơi, mẹ ơi!!
Một quả tạc đạn nổ lớn gần toa yểm trợ, thân tàu rung lên dưới làn súng đạn. Bạch rung lên bần bật thét lớn
- Chời ơi, chết em rồi.
- Cô có sao không,cô Bạch.?
- Em sợ quá.
Từ toa sau tiếng thét của người lớn: “Nằm sát xuống không chết bỏ mẹ bây giờ” chen lẫn tiếng khóc trẻ con. Bạch chui ra khỏi gầm ghế, nàng bò đến bên tôi, khóc bù lu như trẻ con.
-Anh Hai ơi,chắc chết rồi anh ơi.
- Cô nằm yên coi chừng đạn lạc.
- Cho em núp với. - Nàng ngước mắt mếu máo van lơn. Một tiếng nổ lớn rất gần, ánh sáng tóe lên, nàng ôm chầm lấy tôi.
- Chời ơi! Em sợ quá.
Đôi vai nàng run lên, mỗi lần có tiếng nổ gần là mỗi lần nàng co rút như con tôm, nàng cố thu vén thân mình nhỏ hơn niềm lo sợ. Trong hiểm nguy một vòng tay người đàn ông, đối với đàn bà, còn kiên cố hơn lô cốt. Nàng gục đầu trên vai tôi nấc nhẹ tôi vòng tay ôm chặt vai nàng, nhìn ra khung cửa chờ đợi. Thời gian trôi qua thực chậm. Mấy tiếng thét xung phong rã dần và im bặt. Trên toa yểm trợ đạn bắn thưa bớt, tôi nghe một anh lính chửi thề:
- Đ.M,  Tết nhất đến nơi rồi còn bắn phá. Một tiếng “tắc cù” trong hốc đá trả lời, tiếp đó là mấy tràng đạn từ toa yểm trợ bắn tưới vào núi.
Tiếng súng đã ngưng mọi người im lặng ngóng chờ. Bạch ngước mặt lên hỏi:
- Liệu có còn bắn nữa không anh Hai?
- Làm sao biết được.
Ông cụ già ở góc toa, chung đầu vào hốc ghế, mông chổng lên trời, miếng lẩm bẩm khấn vái. Ánh trăng lưỡi liềm vàng như ngọn dầu lạc vắt vẻo trên đỉnh núi trong đám lau lách gần tàn. Từ xa vọng lại tiếng pháo hỏa châu, ánh sáng mơ hồ dội vào toa, rót xuống người tôi. Tôi bỡ ngỡ nhìn Bạch nằm co ro trong vòng tay, khuôn mặt son phần nhợt nhạt, hòa lẫn biến tan trong ánh lạnh nửa đêm về sáng. Mắt nàng nhắm hờ, giọt nước mắt nhòa trên má phản chiếu bóng trăng như làn sương trắng buổi chiều dưới chân núi. Trong vắng vẻ hiu hắt của đêm tàn, trong khung cảnh bi thương, Bạch hiện thân hình ảnh đứa con hoang toàng lê lếch về đất mẹ, đôi gò má phinh phính, đôi môi trề xuống, vòng lông mày kẻ lệch, ánh trăng đậu hờ hững trên vẻ thảm não đó. Tay nàng vẫn nắm chặt bó hoa nhựa sặc sỡ, cánh hoa vô tri run rẩy trong lòng tay.Tôi không nở buông vòng tay đang ôm siết nỗi sợ hãi của nàng, môi nàng run run mếu máo:
- Em thì sống chết em đâu có sợ anh Hai, tội nghiệp mẹ em mong.
Tôi thở dài không nói, tôi thương nàng vô cùng. Tôi tưởng tượng hình ảnh bà già thờ thẫn dưới gốc dừa ngóng con, tôi tưởng tượng hình ảnh Bạch tíu tít cắm mấy cành hoa nhựa trên bình gốm, trên bàn thờ gỗ nhỏ. Người mẹ già mòn mỏi năm tháng,tựa cửa ngóng con.Vỗ nhẹ vai nàng,tôi nói như tự an-ủi mình:
- An tâm, cô sẽ về ăn Tết với mẹ. Mẹ cô sẽ vui biết mấy khi thấy cô trở về vẫn mập mạnh,lại có quà Tết,mấy chiếc quần lãnh mới bà sẽ xun xoe  khoe hàng xóm là của con Hai đi làm ăn xa mua về.
Mắt chớp nhanh nàng thút thít khóc. Mùi nước hoa hăng hắc xông lên, gió lành lạnh tuôn qua triền núi đá, tôi cảm thấy bơ vơ hơn bao giờ hết. Tôi không muốn nghe gào thét chửi rủa chiến tranh, bom đạn, người chết, máu lửa trên quê hương. Có nghĩa gì đâu, cái chết có lẽ còn nhẹ nhàng hơn là làm chứng nhân cho những tàn lụn, đau lòng. Bạch thiêm thiếp ngủ trong vòng tay tôi, tôi tưởng như ôm cả quê hương dẫy dụa trồi lên tìm đất sống. Ánh trăng nhạt tắm đẫm con vật khốn khổ trong vũng nước mắt đọa đày. Bạch chìm trong giấc mơ trở về quê mẹ.
Đêm dần tàn, các toa tàu bị mìn giật hất nằm nghiêng bên vách đá, như con sâu nằm xoải dài trên chiếc lá tre xanh. Khi nắng mai đổ xuống đường sắt, mọi người thở phào tin rằng mình còn sống. Ba toa trống đi đầu bị bật tung, đầu máy nằm nghiêng trên đường sắt,mấy người lính bị thương đang chờ cứu viện. Hành khách  vội vã dắt nhau ra đường lộ cách đường xe lửa non cây số, đón xe hơi tiếp nối đoạn đường.
Xe đón dọc đường chật như nêm, con đường bị đào hố loang lổ,xe dò dẫm chạy. Làng xóm vắng tanh, vài ông lão ngồi bó gối  bên vệ đường,mắt lem nhem nhìn trời ngơ ngơ ngác ngác.. Thấy những căn nhà cháy từ lâu còn mấy cây cột đen trơ chổng lên trời,  Bạch buồn rầu.
- Không biết ngoài quê em có bị thế này không nữa, anh Hai.?
- Chắc không đâu,  quê em chắc bình an và mẹ cũng chắc đang chờ - tôi gượng gạo trả lời.
Cứ đi năm bảy cây số lại gặp trạm kiểm soát của du kích hay của quân đội. Những xóm làng vượt qua tiêu điều xơ xác,chẳng hề có chút hình ảnh nào chuẩn bị đón xuân.  Đó đây,cánh đồng cháy nắng, đất nức nẻ, trơ gốc rạ khô,  những túp lều tranh èo ộp có vài  đứa bé thập thò nơi cửa nhớn nhác nhìn.
Đến chiều xe qua Phù Mỹ. Bạch vỗ vào vai tôi cười:
- Gần đến nhà em rồi đó anh Hai. Bây giờ thì em biết chắc là đến nhà rồi đó, hú hồn. Còn hơn năm cây số nữa thôi. Đứng trên đường lộ, anh Hai nhìn xuống cũng thấy làng em, dễ ợt. Trong đám dừa xanh um bên kia đồng ruộng lúa. Dễ thấy lắm anh Hai à.Cảm ơn trời Phật,bửa mô về Dalat,em mời anh chai bia mừng thoát nạn. Chời ơi, chắc mẹ em bả vui hết biết luôn, bả la oang oang qua nhà dì Bảy hàng xóm: “Nớ coi kìa,con Hai nó dề.”. Bạch ngặt nghẽo cười giả giọng bà mẹ mình.
- Mong cô về ăn Tết thực vui, tôi nói.
- Chời ơi, chắc mẹ em bả mừng lắm đó, anh Hai.
Bạch lấy lược sửa lại mái tóc, nàng kéo hoa ly lại gần,  bó hoa nhựa vẫn nắm chặt trong tay. Nắng chiều vàng tươi trên khoảng đường vắng. Xe qua một hàng dừa xanh, tôi nghĩ đến nồi cháo dừa nàng đã tả, nhìn nàng tôi nghĩ đến vẻ háo hức khi ăn một hơi mười chén.
- Chời ơi, sao mấy xóm nhà đây vắng hoe vậy, anh Hai? Nàng lo âu hỏi. Đôi mắt mở rộng, ngác ngơ, đáng thương lạ. Tôi im lặng nhìn ra cánh đồng trải ra trong nắng chiều hiu hắt.
Bạch nắm chặt quai hoa ly, mặt nhớn nhác nhìn đường lộ:
- Còn khúc nữa là tới chỗ em xuống. Nàng nhìn tôi đôi mắt buồn muốn khóc.
- Ê, ê cho xuống, Bạch la lên.
Xe dừng lại, nàng vội bước xuống, tay xách hoa ly, tay xách hai búp bắp cải và bó hoa nhựa.
- Thôi, em về nghe anh Hai.
- Hẹn gặp lại …
- Ê, chờ lấy nước luôn anh cả ơi.
Anh lơ xe xách thùng lấy nước bên bờ ruộng. Bạch vừa đi được vài bước đã vội vã quay lại.
- Á quên. - Nàng nhét luôn vào túi tôi một tờ giấy bạc. - Anh Hai lấy tiêu, đây về Quảng Ngãi rủi đường xá trắc trở, hôm nào trả luôn cũng được.
Tôi thấy buồn rưng rưng:
- Cô nhớ về ăn thêm hai chén cháo dừa cá nục.
Bạch cười, mắt hoe đỏ, đưa tay chỉ về phía cánh đồng.
- Làng em chỗ đó đó, cuối cánh đồng. Thôi, em đi nghe anh Hai, không khéo đến nơi trời tối mất.
Nắng vàng hiu hắt rải trên cánh đồng, xóm làng nàng chỉ ở phía xa, bóng dừa xanh vẽ thành nét ngang chân trời. Nàng bước thoăn thoát trên bờ ruộng, chiếc quần bó chẽn, cánh áo hoa màu đỏ bơ vơ lắc lư trong bóng nắng. Chắc nơi xa tít xa kia có mái lá nhỏ,có bà mẹ vỡ òa trong vui mừng đón con gái trở về. Tôi mường tượng nàng như lăn lông lốc  vào vườn nhà ôm chầm lấy mẹ,nước mắt sung sướng đổ như mưa…
 Anh lơ đổ nước vào xe nhìn theo Bạch đang hấp tấp đi như chạy trên bờ ruộng lúa:
- Cô đó điên chắc, xóm dưới ấy còn có ai đâu mà về. Cách đây một tuần chỗ làng ấy đánh nhau dữ lắm,lính Đại- Hàn nó bị mấy ông du-kích trong làng bắn ra,bèn bắn  giết sạch, mấy chục căn nhà bị máy bay dội bom đốt sạch, còn chi đâu mà về!!
Tôi nghe xong, lòng như quặn thắt đau đớn, muốn chạy theo gọi Bạch lại nhưng tần ngần, tôi đành lòng để nàng về gục khóc bên đống tro tàn lạnh. Bạch vẫn thoăn thoắt vừa đi vừa chạy trên bờ ruộng úa nắng, mái tóc quăn hất tung trong gió, bó hoa nhựa đong đưa trong tay. Tôi nhớ đến giọt nước mắt đêm qua lăn trên má nàng, nhớ đến mơ ước ăn năm chén cháo cá nục nấu dừa, nhớ đến mấy quần lãnh đen biếu mẹ … Tôi nghẹn ngào,  muốn khóc.
Xe rồ máy, tôi thờ thẫn quay lên ngồi. Khốn nạn. Thực khốn nạn! Tôi buộc miệng.
- Ông nói gì cơ ạ? - Ông khách ngồi bên hỏi.
- Không, không có gì.
Xe lăn bánh, xa xa  trên cánh đồng vàng nhợt  nhạt, bóng nàng  và màu đỏ bó hoa nhựa  nhòa trong ánh nắng chiều tê tái, hắt hiu.
(1967)

Xem Tiếp: ----