1. Cứ nghĩ đến anh Q. thương thì rất thương nhưng vẫn giận. Thật ra thì thương nhiều hơn giận. Chúng tôi quen biết nhau từ năm 1947. Anh là trung đội trưởng, tôi là chiến sĩ trung đội tự vệ chiến đấu thị xã Hưng Yên. Năm ấy, anh vừa tròn hai mươi tuổi, hăng hái, thông minh, học lực cũng hơn người. Lại là những năm đầu của cách mạng, nhân tài còn hiếm, công việc rất nhiều. Với một người có chí cao xa thì không thiếu gì cơ hội để bay nhảy, để đạt tới cái sở nguyện của mình. Mà anh Q. lại là người rất có chí. Anh vẫn thường nói với bọn tôi rằng, anh muốn trở thành một người chỉ huy quân sự xuất sắc như Nã Phá Luân, hoặc ít ra cũng là một nhà văn có tên tuổi như trong nhóm Tự Lực văn đoàn. Đại khái là muốn trở thành một người có tiếng tăm, một nhân vật được xã hội tôn trọng hơn cả mọi người. Tôi chưa bao giờ tin anh Q. có thể trở thành một nhà chỉ huy quân sự xuất sắc nhưng tôi tin anh có thể trở thành một người viết văn. Vì anh có một tấm lòng, có học vấn và cũng từng trải hơn bọn chúng tôi. Năm ấy, sách báo có ít lại khó kiếm nhưng anh vẫn đọc nhiều, anh đọc sách tiếng Pháp mượn được hoặc xin của những gia đình trong thị xã. Và anh viết. Đêm nào anh cũng ngồi bên cây đèn hí hoáy viết rất khuya. Anh ghi nhật ký, anh viết các mẩu chuyện, đôi lúc anh cũng có đọc cho chúng tôi nghe. Tất nhiên là rất hay rồi. Đó là chuyện của chúng tôi được thuật lại bằng những câu văn hết sức bóng bẩy. Rồi trung đội tôi cũng có một tờ báo tường. Tôi là người nhận bài của anh em và trình bày lại trên một tờ giấy khổ rộng. Anh Q. là người hướng dẫn đề tài, dạy cách viết các thể văn và duyệt chữa các bài báo đó. Nhưng anh không viết. Anh khuyến khích chúng tôi viết nhưng chưa bao giờ anh viết cho tờ báo của trung đội. Ngay đến tòa soạn của tờ báo trên tỉnh đội yêu cầu anh viết bài, anh cũng từ chối. Anh còn đang viết dở một cuốn tiểu thuyết miêu tả những hoạt động bí mật của nhóm thanh niên cứu quốc trước ngày khởi nghĩa.
Một cuốn tiểu thuyết dày khoảng hai trăm trang, anh nói thế. Giấy trắng chúng tôi thu được trong các hòm tủ của nhà đoan(°) tỉnh phải xếp nửa gian nhà, nhiệm vụ của trung đội là bảo vệ một thị xã đã tiêu thổ kháng chiến, không thể nói là khó nhọc, lại có vốn sống, lại biết cách viết, viết mãi cũng được chứ nói gì chỉ viết có hai trăm trang. Dẫu rằng những quan niệm của anh ngày ấy về một cuốn tiểu thuyết hay vừa non nớt vừa buồn cười. Nhưng tước bỏ những cái non nớt và buồn cười đó thì vẫn còn lại một ý định rất tốt đẹp: muốn làm một việc quan trọng mình chưa từng làm, muốn vươn tới một cái đích cao hơn, xa hơn tầm tay khi ấy. Không có một ý định táo bạo, lãng mạn, con người ta khó mà bắt đầu một công việc nào có ý nghĩa quyết định đối với đời mình.
2. Cuối năm 1947, tôi đi học lớp y tá rồi về công tác tại phòng thuốc của tỉnh đội. Anh Q. cũng được điều động về một đại đội khác (°) Tá thương chánh thời Pháp hoạt động trong mấy huyện bám theo quốc lộ 5. Mỗi lần anh về tỉnh họp đều có sang chơi với tôi bên phòng thuốc. Anh phải bỏ dở cuốn tiểu thuyết đang viết vì không có thời giờ, nhưng vẫn ghi chép rất đều đặn. Còn tôi đã là chủ bút của một tờ nội san, mỗi tháng ra một kỳ, chuyền tay cho các bệnh nhân đọc. Anh em chữa bệnh tuy có tham gia viết bài nhưng rất ít. Muốn đảm bảo số báo ra được đều kỳ tôi phải viết gần như hầu hết với các tên ký khác nhau. Từ bài giải đáp và các hướng dẫn cách điều trị các loại bệnh thông thường, cách sơ cứu các vết thương đến truyện ngắn chiến đấu (do anh em bệnh nhân kể lại), mẩu chuyện sinh hoạt và cả mục vui cười. Đại loại trên báo Vui Sống có những mục gì, cách viết ra sao, tôi đều sao chép lại, tất nhiên là có thay đổi ít nhiều cho phù hợp với nội dung và khuôn khổ tờ báo của chúng tôi. Rồi tôi viết bài cho tờ báo của tỉnh đội, cho báo của Tá Thông tin, thoạt đầu là tin tức, sau là các mẩu chuyện ngắn hoặc dài. Cũng có bài được đăng nhưng nhiều bài gửi đi đến thư của toà soạn trả lời cũng không có. Nhưng tôi không nản, không xấu hổ mà cũng chẳng thất vọng. Vì tôi chưa từng đặt ra cho mình một dự định to tát nào.
Có lần anh Q. vừa gặp tôi đã hỏi bài ấy bài nọ có phải do tôi viết không. Khi biết là do tôi viết thật, anh rất ngạc nhiên: "Cậu viết như thế mà người ta cũng in cho nhỉ?" Theo sự nhận xét của anh, bài viết của tôi chưa thể gọi là văn chương được, đọc thì vui nhưng còn đơn giản quá. Rồi anh kết luận: "Kể ra đăng báo thì cũng được, chứ viết thành sách còn phải tốn công phu lắm".
Năm 1949 tôi rời ngành y chuyển về Ban Chính trị của tỉnh đội làm báo. Tôi đã được cấp trên và anh em trong tòa soạn công nhận là người có khả năng viết, dẫu còn non nớt nhưng rồi ra vẫn có thể viết được. Giữa năm đồng chí thư ký toà soạn và cũng là người viết chủ chốt xin ra ngoài để tiếp tục học văn hoá. Thế là tôi trở thành một cây bút quan trọng, tung hoành ngang dọc quá nửa số trang. Cuối năm tôi lại viết được ba truyện ngắn, in thành một tập, dẫu là in đá, nhưng vẫn được in một tập riêng, có tên tôi ở ngoài bìa. Khi anh Q. gặp tôi, anh nói đùa ngay: "Thế là mày đã trở thành nhà văn rồi!" Tôi trả lời ngượng nghịu: "Nhà văn phải là anh chứ, tôi bì sao được". Anh cười rất hồn nhiên: "Còn thời gian, hả? Đời còn dài, hả? Rồi thì..." Năm ấy anh Q. mới hai mươi tuổi.
3. Năm 1952, tình cờ thế nào anh Q. và tôi lại là học viên một khoá học chính trị do trường của Liên khu mở. Chúng tôi đều là cán bộ cấp đại đội, anh cũ tôi mới nhưng vẫn là cùng một cấp. Cán bộ quân sự ở dưới đơn vị chiến đấu mà ba năm chưa lên được một cấp là chậm, là không được xuất sắc, là bình thường, tôi nghĩ thế. Anh Q. vẫn rất trẻ, vẫn hăng hái, khi trò chuyện cùng nhau anh càng không khác trước là mấy. Chúng tôi lại nói chuyện văn chương. Năm nay có khác những năm trước, sách vở, báo chí của Trung ương, của Liên khu in ra rất nhiều. Anh Q. đọc cũng nhiều nhưng anh vẫn chê. Anh chê văn chương kém cỏi, không lôi cuốn người đọc như hồi trước cách mạng. Tất nhiên tôi không thể đồng ý với anh dễ dàng như xưa nữa. Tôi đã trưởng thành còn anh thì vẫn thơ ngây, vẫn nông nổi như ngày nào tôi mới gặp. Nói chuyện quân sự thì tôi chịu, biết là anh nói không đúng nhưng tôi không thể cãi. Còn bàn chuyện văn chương thì khác, tôi có thể tranh luận với anh đến cùng. Đến ngày chia tay, tôi có mời anh viết bài cho tờ báo của Liên khu. Anh ậm ừ chẳng ra nhận chẳng ra không, rồi anh bảo thẳng: "Các cậu viết lách bây giờ theo một kiểu cách khác, mình lại theo một kiểu cách khác, sợ rằng các cậu..." Tôi vội vàng nói để anh yên tâm: "Tôi vẫn biết thưởng thức văn của anh, tôi sẽ biết đánh giá đúng". Cách vài tháng, một cán bộ ở trung đoàn anh Q. lên họp, đưa tận tay tôi một phong bì lớn, nói là của anh Q. gửi. Tôi mừng rỡ bóc vội ra xem. Anh Q. đã giữ lời hứa, anh gửi cho chúng tôi một truyện vừa. Bản thảo viết trên giấy vở học trò, viết một mặt trang, chữ rất đều và rõ, đánh số đến trang bốn mươi sáu. Tôi đem truyện của anh đến ngồi nhờ một gian chùa rất tĩnh mịch, đốt một điếu thuốc, muốn tận hưởng một áng văn của một người bạn tôi vốn tin, tôi vẫn tin có một tài văn chắc cũng hơn người.
Tôi đọc trang đầu, trang thứ hai, rồi trang thứ mười, rồi trang ba mươi, đọc liền một mạch đến tận dòng cuối của trang bốn mươi sáu. Sau đó tôi ngồi im lặng, ngồi rất lâu, đọc lại một lần nữa, đọc thật chậm, nhiều đoạn đọc đến hai ba lượt. Tôi muốn kêu một tiếng thật to, nhưng cuống họng đã nghẹn thắt vì bực dọc, vì đau đớn, vì xấu hổ, vì những gì gì nữa mà tôi chưa thể hiểu hết. Một hy vọng đã tan vỡ, một hình ảnh đã tan vỡ, một tình bạn đã tan vỡ. Rút lại anh Q. chỉ là một anh chàng rất cũ kỹ và tầm thường. Đọc văn anh tôi biết anh đã viết bằng tất cả những gì anh có thể có, chỉ vì những cái anh có vốn rất tầm thường nên hoá ra một áng văn chương quá tầm thường. Anh thuật lại một trận đánh của một đại đội với bao nhiêu tình tiết hồi hộp, rắc rối. Một trận đánh, dầu đọc cho kỹ cũng không thấy bóng dáng người cầm súng dưới tiểu đội, bởi người viết đã dồn hết tâm sức và chữ nghĩa vào sự miêu tả mối tình của một cặp trai gái. Trai là chàng đại đội trưởng. Gái là cô du kích nhưng cũng là em gái tên quận trưởng.
Bên tình nhà, bên nợ nước. Rồi lại bên hiếu bên tình. Cuối trận đánh cô du kích chết. Chàng đại đội trưởng bế xác "nàng" chạy thẳng lên một ngọn đồi trồng đầy thông (xin nói thêm, cả tỉnh tôi không có một ngọn đồi nào, lại càng không thể có một quả đồi trồng đầy thông!) Hoàng hôn! Vẳng xa có tiếng chuông chiều! Chàng quỳ xuống bên xác "nàng", đặt đầu "nàng" vào lòng mình, ngước mắt nhìn một bầu trời còn đầy khói lửa và lâm râm cầu nguyện. Đành rằng là một câu chuyện được viết vào thời này, có bộ đội và du kích, có người yêu nước và kẻ bán nước, có súng bắn, có người chết nhưng sao mà giống hệt một cuốn tiểu thuyết nào đó của một thời xa xưa nào đó. Giống ở giọng văn, giống ở dáng dấp nhân vật, giống cả đến cách nghĩ, cách khóc, cách cười. Anh xa cách chúng tôi nhiều quá, anh Q. ơi! Anh là người cùng thời với bọn tôi mà sao anh đã xa xôi là vậy! Chỉ trong phạm vi văn chương mà nói, chỉ riêng trong cái phạm vi nhỏ hẹp đó thôi, cái thuở ban đầu của anh đã kéo quá dài, sự thơ ngây, sự lầm lẫn trong anh đã kéo dài. Bởi vì anh không hành động! Anh chỉ mơ mộng mà không chuẩn bị. Lại không chịu chuẩn bị từ những cái vặt vãnh, nhỏ nhoi và rất dễ buồn cười. Anh ôm ấp một giấc mộng quá lớn, lớn hơn anh nhiều nhưng lại không chịu lớn lên theo trong quá trình tập dượt. Nói cho đúng, anh vẫn chưa ý thức được rằng: dầu một việc dễ như là viết văn cũng vẫn cần có sự tập dượt.
4. Sau cuộc kháng chiến chống Pháp tôi không được gặp anh Q. nữa. Anh đi đâu, làm gì tôi cũng không được biết. Có điều chắc chắn là anh đã từ giã cái mộng văn chương. Bởi nếu anh viết thì tôi đã được đọc. Năm 1973 tôi về công tác tại tỉnh N., đang đạp xe giữa phố bất chợt nghe có tiếng gọi: "K.!" Tôi xuống xe quay mặt lại, một người nào đó đứng sững ở hè đường chăm chú nhìn tôi. Có phải người này vừa gọi tôi không? ông ta là ai? Tôi dắt xe bước lại thong thả, trong bụng càng hồ nghi, rồi bất chợt tôi hét lên: "Anh Q.!" Lúc ấy người kia mới nhếch mép cười. Đúng là nét mặt của anh Q. Anh Q. nắm lấy bàn tay tôi, nói nhỏ: "Tao nghĩ mày phải quên tao rồi". Tóc anh đã bạc cả, nhưng dáng dấp anh còn già hơn cả mớ tóc bạc. Phải hơn năm mươi rồi, tôi thoáng nghĩ. Làm gì đến! Làm gì đến! Anh hơn tôi có ba tuổi, năm nay mới có bốn mươi sáu. Chao ôi! Mới bốn mươi sáu tuổi mà sao đã hom hem, mệt mỏi làm vậy? Tối hôm ấy anh kéo tôi về nhà ăn cơm với vợ chồng anh. Anh chị lấy nhau từ năm 55, đều công tác trong nhà máy, có ba cháu, cô con gái lớn đã mười bảy. Tôi rất mê gian buồng nhỏ mà vợ con dành riêng cho anh đọc sách và làm việc. Trang nhã quá, thoáng mát quá, đến là dễ khêu gợi sự viết lách. Có khi anh vẫn đang viết một cái gì đó cũng nên? Trong bữa cơm, nhân anh Q. giới thiệu tôi với các cháu, cô con gái lớn liền bảo tôi:
-Thế thì chú phải giúp bố cháu với. Bố cháu viết rất nhiều nhưng chưa bao giờ được in cả. Tôi nhìn anh Q. cười:
-Nhưng bố cháu có chịu đưa ai đọc đâu. Anh Q. cũng cười:
-Văn của tao khác, văn của chú mày khác. Chú mày không thích văn tao. Tôi chỉ cười rồi hỏi lảng sang chuyện khác:
-Trong ba cháu có cháu nào thích theo đuổi sự nghiệp văn chương không? Anh Q. phàn nàn ngay:
-Chúng nó thì có biết nghĩ ngợi chuyện gì cho đúng đắn! Ham thích tất cả mà hoá ra chẳng ham thích một cái gì. Bà mẹ bênh con:
-Chuyện! Mới có tí tuổi đầu! Anh Q. nói rất to:
-Tôi thì sao? Mới lên chín lên mười tôi đã có cái chí của tôi rồi. Cô con gái quay sang chất vấn bố:
-Thì bố đã làm được gì nào? Bà mẹ quát con gái: -Mày không được nói hỗn! Sau bữa cơm, anh Q. ngồi bần thần như bực tức chuyện gì đó. Chị Q. liền phân trần với tôi:
-Anh ấy cứ bảo chúng nó là quân vô dụng, lớn lên rồi chẳng làm được trò nghề gì. Lớn lên thì chưa biết thế nào thật, nhưng trong cái nhà này không việc gì khỏi tay mấy đứa cả. Chú tính, giá sách, bàn học, chạn bát, ghế ngồi ăn cơm, một tay thằng thứ hai đóng lấy hết. Nó chỉ nhìn người ta làm có vài lượt là nó làm theo được ngay. Chẳng đẹp được bằng thợ đóng nhưng được cái không mất tiền mua. Thế cũng là sáng dạ khéo tay lắm, phải không chú? Còn con chị, cơm nước, giặt giũ, khâu vá, việc này việc kia một mình nó quán xuyến cả. Tôi thì theo ca kíp trong nhà máy. Anh ấy tuy làm việc theo giờ hành chính nhưng về nhà có mó tay vào một việc gì! Đến bảo con cũng không biết đằng bảo. Nói chuyện trong nhà chú đừng cười, chứ đâu lại có người vụng đến thế. Làm gì hỏng nấy, mó đâu đổ vỡ đấy, chỉ được cái chịu khó đọc sách, chịu khó viết. Viết những gì chẳng biết, viết từ cái thuở mới lấy nhau cho đến tận hôm nay vẫn chửa xong. Anh Q. nhìn tôi cười ngượng nghịu:
-Bây giờ đến vợ con cũng chê mình là đần là vụng. Thế là hết cách rồi đấy! Đời anh thế mà sướng, anh Q. ạ! Người khác làm còn anh thì đứng ngoài chê trách. Họ không vì sự chê trách của anh mà không làm. Còn anh không vì biết chê nguời mà làm được hay hơn. Bây giờ anh đã ngót năm chục tuổi đầu rồi, nói một cách bi quan thì đã một chân trong mồ rồi, mà vẫn chưa làm được một việc nào để người khác khen. Vì anh vẫn vụng dại, vẫn ngây thơ như ngày còn non trẻ. Anh có định làm lại cuộc đời anh không? Tôi tin rằng anh không thể làm lại. Bởi muốn làm lại thời phải biết bắt đầu từ những việc làm tầm thường nhất. Phải dám để mọi người cười mình một chút. Thì sự khởi đầu nào mà không gian truân, không khổ ải? Không! Anh không thể làm lại! Anh không có gan phơi bày những chỗ yếu kém, non nớt của mình. Anh không chịu được sự chỉ trích. Thế thì anh cứ tiếp tục mơ mộng đi, anh Q. ạ. Bởi một người mơ mộng vẫn có quyền báo thù thiên hạ bằng sự tự hứa: "Ta mà ra tay thì phải biết! Phải biết!"

1974.

Xem Tiếp: ----