Mẹ và em

    
hi bắt tay giã từ, ông quản lý an ủi Lưu:
- Anh nên vui vẻ. Mỗi tuần anh chỉ phải lên đây có hai buổi. Đi mười cây số thì có nghĩa gì? Đường tráng nhựa tốt…
Lưu chỉ bắt tay mà không nói. Không phải vì buồn mà vì anh đang bâng khuâng, đang bỡ ngỡ, đang xúc động. Khung cảnh trước mặt anh liệu có phải là một cảnh thực không? Hay đó là một cảnh mà anh đã sống trong quá khứ do một bàn tay huyền diệu nào làm hiển hiện lại trước mắt anh, giờ này? Một bãi cỏ thật rộng. Một dãy cây bàng chạy dọc theo con đường đi, lá non mới nhú trông như những bàn tay chụm lại chổng ngón lên trời. Bên tay mặt: vườn cam mít của nhà ai. Giữa sân rộng nằm bơ vơ một ngôi nhà mái ngói hai gian, diềm và cửa không sơn. Tường màu vàng cũ mang nhiều vết lở loang lổ. Những cửa sổ quá nhỏ. Trông như một ngôi truờng làng hay một kho chứa thuốc lá, chứa bông của Hợp tác xã. Rồi một rặng tre quằn quại trong gió. Một đọt cây măng vòi cong vòng xuống dưới sức nặng của một con chim chèo bẻo. Dãy núi trầm mặc. Bầu trời…
Lưu quên rằng anh đang đứng trước nhiệm sở mới của anh, với những công việc mới đang chờ đợi. Anh bàng hoàng tưởng như tâm hồn mình đang chập chờn bay về một chặng nào của dĩ vãng. Bác Cai cầm xâu chìa khóa im lặng đứng cạnh, trong khi anh trầm ngâm nhìn ra một góc vại nước nhà bác, khám phá một cuộc sống trầm lặng diễn ra nơi đó. Một dây mùng tơi lá dày xanh mướt bò theo một cành tre khô cắm sát rào. Những lá to ở gần gốc bị ngắt đứt còn trơ cuống. Cạnh đó, hai cây ớt đang ra trái. Vài rãnh rau muống, một cây đu đủ, mấy bụi tía tô… tất cả cái khu lá xanh này dự vào cuộc sống của người chủ nhà một cách mật thiết vô cùng. Mươi chiếc lá mùng tơi góp phần với một nắm rau má, mã đề đủ để làm bữa canh rau. Bụi tía tô dùng làm lá nêm lại vừa làm thuốc ho, thuốc cảm. Còn mấy cây ớt thì được thăm viếng hàng ngày, có khi ngay giữa bữa ăn. Cuộc sống thanh đạm ít phiền lo…
Lưu chợt quay lại và bác Cai lên tiếng mời anh đi theo bác. Bác tra chìa khóa lọc cọc vào ổ khóa. Tiếng gỉ sét rên lên và cánh cửa hé mở nặng nhọc. Cái bàn giấy dành cho anh phủ một lớp bụi dày. Anh vội vàng lại mở cửa sổ. Anh cần khoảng xanh ở ngoài kia hơn vì bụi mốc và mùi ẩm thì anh đã quen thuộc quá rồi, quen đến độ anh sợ sệt.
Bác Cai mở tủ lấy từng chồng sổ sách. Lưu biết những việc anh sẽ phải làm nên vội vàng cảm ơn bác. Anh không muốn sự hiện diện của một người nào ở cạnh anh hết. Cho anh trơ trọi với màu xanh kia mà anh bị bắt buộc phải xa cách không biết tự bao nhiêu năm tháng rồi. Dĩ vãng nào của anh cũng được đặt vào một khung cảnh có cây cối làm nền. Anh dễ tưởng tượng lại một khuôn mặt thân yêu, dễ sống lại một tâm trạng êm đềm hay xót xa khi mắt anh bắt gặp một khung cảnh quen thuộc. Một bờ ao. Một ngôi chùa. Một hàng dậu có dây bìm leo nở hoa hình chuông. Một dòng sông. Ký ức của anh, trái lại, rất ít bén nhạŠy khi anh nhìn một dãy phố, một công thự, một kiểu ô tô… Có lẽ vì văn minh không lặp lại còn thiên nhiên thì không đổi thay. Cho anh đẫm tâm hồn vào sự trầm lặng lớn lao kia để cho vơi bớt đi những ưu tư phiền muộn đã từng dày vò khối óc muốn vỡ tung của anh. Người mẹ màu xanh, thiên nhiên trầm tĩnh dịu dàng, anh biết chỉ ở giữa thiên nhiên anh mới cởi bỏ được những xáo trộn của tâm tư mà hòa lòng mình theo nhịp sống thanh thản vô tư của cây cỏ.
Bảy, tám năm hơn rồi, anh đã xa rời đồng quê để sống ở đô thị. Mắt anh trở nên khô khan vì mãi nhìn những hiên nhà gần giống nhau, những mái lợp ngói hay lợp tôn, những dãy hàng rào thản nhiên, ích kỷ. Đô thị giả dối. Chỉ có thể nhìn bề mặt của nó mà thôi. Dãy nhà đồ sộ đường Tự Do, đường Lê Lợi chỉ thanh lịch mỹ miều ở phía trước mặt. Nơi sân giữa, sân sau thì bẩn thỉu, luộm thuộm. Mái nhà chỗ thì thò ra, chỗ thì thụt vào, vá víu từng tấm tôn tấm thiếc, từng mảng xi măng bất ổn. Giây thép giăng mắc chằng chịt, áo quần, giẻ lau treo phơi ngổn ngang. Những bộ mặt xấu xí thỉnh thoảng chìa ra ở một khung cửa sổ, chới với trên chiều cao nơi những con chim én bay liệng. Thật khác xa với những người ở trước mặt nhà, những người đàn ông tóc chải mượt, giày đen bóng và thắt ca vát, những người đàn bà trang điểm lộng lẫy kéo từng luồng nước hoa trong không khí sau bước chân của họ.
Nhưng lại cũng có bao nhiêu giả dối trên vẻ đẹp lộng lẫy đó, trên bước đi có vẻ chắc chắn đó, trong tiếng nói nụ cười có vẻ tin tưởng yêu đời đó. Mỗi lần sát cánh đi giữa họ là anh cảm nghe như ai cũng mang nặng thù hằn. Con người tranh sống thái quá như đã vô tình bóp chết mọi tình cảm êm đềm mà chỉ còn giữ lại niềm thù hận. Ai cũng coi người khác là kẻ thù của họ. “Nếu không có mi hiện ra trên bước đường của ta!… Hãy biến mất đi!…” Con người nuôi dưỡng quá nhiều thù hằn và họ tưởng đã khéo che giấu nó được dưới một lớp kính xã giao quá mỏng và trong suốt.
Lưu mỏi mệt trong cái không khí nóng bỏng những giằn vặt, tranh giành, thù hận đó. Thời đại anh đang sống như quá dễ dãi trong sự chiếm đoạt. Một cô đào chiếu bóng ở truồng dễ nổi danh và do đó dễ làm giàu hơn một nhà bác học. Ngôi nhà đồ sộ, chiếc xe lộng lẫy, bộ quần áo sang trọng không nhất thiết dành cho người có tài trí hơn người mà nhiều khi cho những kẻ gian manh, nhiều thủ đoạn. Nhiều giá trị bị hạ thấp xuống, đảo lộn đi khiến người ta nghi kỵ nhau, khinh thường nhau. Người nào cũng tìm thấy những cớ để cho mình ấm ức. Người ta dễ thù ghét nhau vì đó. Người làm cùng nghề, người sinh cùng lứa tuổi, người ở cùng phố càng thù hằn nhau nặng hơn, tranh giành nhau bẩn thỉu hơn, điều ấy dễ hiểu. Nhưng có những trường hợp người ta gầm gừ nhau một cách vô lý.
Lưu nhớ đến những tối la cà ở các phòng trà. Có lần sân khấu bị choán bởi một nam ca sĩ. Người anh ta ngốt đi trong bộ com-lê màu đen và ca-vat đen. Anh ta hát những bản man rợ của miền Nam Mỹ với nhiều tiếng rống, tiếng hú và tay anh, chân anh, lưng anh, mông anh, toàn thân anh lắc lư như một người bị động kinh. Cái miệng há rộng gào không nghỉ. Giá bịt tai lại cho khỏi nghe tiếng nhạc và giọng hát, người ta sẽ có cảm tưởng đang nhìn một con cá thu bị bắt đứng trên cạn, ngáp liên hồi và bị khô nước sắp chết. Lưu chú ý nhìn vào đôi mắt của anh ta, đôi mắt chứa đầy cam chịu và tủi nhục khi nhìn xuống từng bàn thính giả anh ta thấy họ đang mê mải bàn chuyện làm ăn với nhau hoặc tán tỉnh ái tình với nhau. Nhưng nếu anh ta hát sai nhịp hay lạc giọng, đứt hơi thì anh biết chắc bầy sói đó sẽ nhao nhao lên huýt sáo sỉ vả anh. Hình như những người thính giả phòng trà thích chứng kiến những sự thất bại như vậy để mà họ hò hét la ó.
Nữ ca sĩ được chiều đãi hơn vì người thính giả tầm thường nhũn nhặn nhất cũng cứ có thể nghĩ rằng mình được các nàng lưu ý cảm mến. Tia mắt và nụ cười đó chính là dành cho mình dù nàng không hề biết rõ mình là ai. Tuy nhiên, nếu biết nàng đang yêu một người nào trong đám thính giả ấy thì lập tức mọi người khác sẽ nghiêm khắc với nàng ngay. Con người ích kỷ và hẹp hòi. Lưu chán nản khi phải đụng chạm hàng ngày với những khuôn mặt dò xét, nghi kỵ và phản bội đó. Ai cũng làm ra người lịch sự, cũng thích trao đổi nụ cười nhưng khi một tí quyền lợi bị đụng chạm là người ta chuyển sang thù ghét dễ dàng. Dây thần kinh của con người đô thị như bị lột trần. Một chút va chạm nhỏ cũng có thể làm họ mất bình tĩnh. Thế mà đô thị thì quá hẹp bởi con người quá đông. Họ chạm mặt nhau hàng ngày khiến vết thương không kịp lành. Mỗi khuôn mặt gặp đều khơi động một tâm sự, một mặc cảm, một điều ẩn ức, một nỗi buồn riêng.
Lưu gọi thầm:
- Ngô ơi!
Ngô là tên một cô bạn. Người con gái ấy đi chập chờn vào tâm hồn anh bằng những bước rụt rè. Bởi đôi chân nàng hơi gầy, một bờ vai mỏng, cái ngực kín đáo. Nhưng tâm hồn xao xuyến những xúc cảm và tư tưởng. Nàng nói:
- Ông Lưu ơi, ông có sốt ruột vì cuộc sống quá nhàm không?
Anh trả lời:
- Thế nghĩa là hiện giờ cô không có người yêu?
- Chưa chắc.
- Chắc chắn lắm chớ. Khi đang yêu, cô không thấy cuộc đời nhàm nữa.
- Để tôi thí nghiệm lại xem. Chỉ biết hiện giờ tôi thấy chán quá. Cứ nghĩ rằng tôi bị ngăn cách với ngày mai bằng một bữa ăn tối có quanh quẩn những món ăn quen thuộc, bằng một giấc ngủ không thú vị gì hết. Rồi phải đánh răng rửa mặt vội vã sáng hôm sau, phải nhìn mặt mình trong gương, phải ngồi trước bàn giấy… Cuộc đời của tôi bị cắt ngắn đi một cách vô vị như thế mà tôi cứ phải âm thầm cam chịu.
- Cô đang cần một người yêu.
Giọng Lưu quả quyết như giọng một ông bác sĩ có tuổi, hà tiện lời nói. Vẻ mặt Ngô đăm chiêu:
- Tôi cũng có nhiều suy nghĩ đến một người yêu. Tôi cùng người ấy đi thật xa, thật xa vào trong một khu rừng nào rậm rạp, xa hẳn mọi người. Chúng tôi sẽ căng lều mà ở, bắt thú vật và hái quả mà ăn…
- Nhưng tôi xin phép nhắc chừng là cô phải chọn kỹ càng người mà cô tưởng đã yêu. Vì nguy nhất cho cô là khi đã đi sâu vào rừng già rồi cô mới chợt thấy rằng người ấy không đúng là người yêu lý tưởng của cô. Lúc bấy giờ phải mang nặng lều vải trở về đô thị thật không gì chán bằng.
Câu chuyện trao đổi vụn vặt ấy đã hé mở cho Lưu thấy một cạnh góc của tâm hồn Ngô. Lưu đã yêu cái tâm hồn khao khát tình yêu lý tưởng ấy. Ngô có một đời sống nội tâm thật, nên những câu nói của nàng không khô khan vô vị như của hầu hết những cô bạn khác. Một hôm Ngô hỏi:
- Ông Lưu ơi, ông không dám sống sao?
Câu hỏi bất ngờ làm anh lặng im một phút suy nghĩ. Cuối cùng anh nói:
- Tôi cũng dám sống lắm. Nhưng chỉ khi nào người đàn bà cho phép, vì tôi không muốn mang tiếng là ích kỷ. Bởi tôi là… đàn ông… Thế con cô, cô có dám sống không?
Ngô chỉ mỉm cười mà không đáp.
Mối tình kín đáo nhẹ nhàng ấy lớn lên một cách chậm chạp. Lưu nghĩ đến nàng một cách thường xuyên hơn và trong những hồi mơ mộng tưởng tượng, người đàn bà mà anh ôm trong tay nhiều khi là Ngô. Anh cảm nghe ngực nàng dán chặt vào ngực mình, cái cổ mảnh chuyền sang một hơi nóng bỏng, mùi thơm nồng nồng tỏa nơi mái tóc và xương vai xương sườn của nàng nhún xuống, cong lại như sắp gãy trong vòng tay siết mạnh của anh.
Người yêu trong tâm tưởng ấy, một chiều, Lưu thấy ngồi sau xe Vespa của một người đàn ông. Nàng nheo mắt cười như mọi người đàn bà vào trường hợp đó. Lưu buồn một đêm, ngồi thầm trong bóng tối. Vài ngôi sao xa ứa những giọt lệ long lanh. Sáng hôm sau, anh nhận lời đi Diên Khánh.
Tình yêu, đau khổ tranh chấp, thù hằn chạy dài theo đường phố, đóng khung giữa hai dãy nhà cao, len lỏi vào các cửa tiệm, rạp hát, hiệu ăn… Lưu bỏ lui chúng lại đằng sau một khi xe anh vượt quá Cầu Dứa chạy bon bon trên đường Phú Vinh, con đường rải nhựa đen bóng loáng có bóng cây im mát. Hai bên đường, làng xóm kế tiếp với ruộng lúa. Từng chặng, một cái quán nghèo nàn ngồi thu hình dưới một tàn cây. Vườn cam bưởi, vườn mía, vườn chuối nối nhau chạy dọc theo những con mương nước. Một hồ sen hiện ra, hoa màu hồng nở lác đác điểm giữa màu lá xanh tối. Ruộng lúa nằm nép thấp xuống làm con đường thêm cao. Tháng tám lúa chín vàng, đó đây có từng đám ruộng đang gặt. Ngồi trên xe, Lưu nhìn những dáng người vạm vỡ cúi xuống quơ vòng hái, đứng dậy vặn bó lúa, đưa lưỡi liềm cắt ngọt một nhát, tất cả những động tác uyển chuyển nhịp nhàng và dễ dàng như một trò biểu diễn nhẹ. Làm việc cần mẫn, nhu cầu rút hẹp, chính những người nông dân ấy nuôi dưỡng mình mà không hề tự phụ. Lòng Lưu thấy phần khởi vui vẻ. Anh thấy tin tưởng ở sức mạnh cần lao và lòng thiện, trái với khi nhìn những con người ở phố bám víu vào cuộc sống bằng thủ đoạn và sự lười biếng.
Vòng bánh xe càng lăn sâu vào con đường thiên lý, thành phố ồn ào bụi bặm càng bị bỏ lui đàng sau xa hơn thì tâm hồn anh càng thấy bình tĩnh êm ả hơn. Anh cho xe mình chạy đua với những chiếc xe Lambretta ba bánh, cả với những chiếc xe buýt đầy nhóc khách. Sự đuổi bắt thú vị khi ngồi ở sau xe là một người đàn bà có sắc đẹp. Chàng và họ nhìn nhau rồi xa nhau rồi gặp nhau trở lại, liên tiếp trên con đường dài. Sở dĩ có trò vui đó là vì xe ba bánh chạy mau hơn xe anh, nhưng cứ từng chặng nó phải dừng lại để bỏ khách xuống hoặc đón khách lên.
Nhiều buổi sáng anh đi sớm quá, lên đến Diên Khánh mới bảy giờ. Lúc bấy giờ anh có cái thú chứng kiến sự thức dậy của một quận lỵ nhỏ. Trung tâm sinh hoạt là cái chợ. Vài hàng xôi cháo, vài sạp bánh mì cung cấp quà sáng cho mấy người dậy sớm. Đường phố xóc đá lởm chởm và vương vải rác, lá cây.
Có những buổi chiều xong việc sớm anh không muốn dong xe về vội mà cho xe chạy chầm chậm theo hai con đường phố chính. Những tiệm buôn đều nhỏ, hàng hóa xếp lộn xộn. Không có một cô bán hàng trẻ đẹp nào mặc dù anh đã phải đưa mắt tìm ở các sạp vải ngang hông chợ. Cái gì ở đây cũng khiêm tốn, cả ngay sắc đẹp của con người. Khách hàng qua lại đa số là những người nhà quê mặc áo vải đen. Áo phủ trước ngực những người đàn bà có tuổi, nhô ra như những cái mái ngắn. Ở đây các bà còn mặc áo ngắn có túi dưới lớp áo dài (túi đựng tiền, trầu thuốc và đủ mọi món lẩm cẩm) nên thiếu cái eo nơi thắt lưng áo. Không khí quanh chợ thành ra nghiêm trang khắc khổ.
Những hiệu sách trống trải vắng vẻ khiến người đứng bán mang một vẻ gượng gạo mỏi mệt. Phải rồi, ở đây sự buôn bán không làm nên sức mạnh. Sức mạnh tản mác về các ốc đảo màu xanh trên cánh đồng kia, tiềm tàng dưới mái rạ, sau những đụn rơm.
Xe anh đi theo con đường Trịnh Minh Thế lở lói vá víu. Trước một ngôi nhà thấp bốn mái phủ rêu đen có tấm bảng ghi “Ty Bưu Điện”. Nếu từ trong ngôi nhà già nua ấy bước ra một ông quan đại thần đội mũ cánh chuồn, mặc áo bào vàng, mang hia cầm cốt, anh sẽ không ngạc nhiên vì ngôi nhà gần gũi với không khí phong kiến âm u hơn là khoa học sáng của nhanh nhẹn.
Các công sở đều nhỏ, gọn, sạch sẽ. Chúng cho anh cái cảm tưởng đang nhìn những cô gái tỉnh nhỏ làm đỏm, cạo lông mày quá kỹ hay bôi phấn quá nhiều. Người lính đứng canh ở trước công sở biểu lộ một nét nghiêm trang quan trọng. Chắc ít khi có người qua đây để đưa mắt trầm trồ nhìn anh. Nơi đây là cây xanh nhiều hơn mặt người.
Đi vào cửa Đông của thành Diên Khánh, Lưu có cảm tưởng mình đang đi vào dĩ vãng. Bờ tường dày đến bốn thước khiến cái cửa sâu hun hút. Không khí mát lạnh so với sức nóng ngoài kia. Chiếc vọng lâu ở trên đầu cửa điểm một nét điêu tàn cho cảnh. Vẻ điêu tàn còn bàng bạc nơi những hàng cây gòn đứng xoe từng tàn cây mỏng dọc theo bức tường thành. Không khí của những triều Minh Mạng, Tự Đức lảng vảng đâu đây.
Một hôm trên đường về Lưu gặp một chiếc Vélosolex chạy trước mặt do một thiếu nữ cầm lái và chở ở đằng sau một thiếu nữ khác. Người ngồi sau mặc một chiếc áo dài màu hạt dẻ. Qua đầu cầu đông đảo xe cộ, anh thả ga cho xe mình chạy vụt lên, vượt qua xe kia nhưng khỏi cầu anh lại để xe mình chạy chậm lại cho xe kia vượt lên. Từ đó, anh giữ cho xe mình chạy sau với khoảng cách năm thước. Cái lưng thon và màu áo hạt dẻ cứ chập chờn rung rinh trước mắt anh, anh thấy đẹp như một hy vọng không bao giờ nắm được trong tay. Như cái bóng dáng hạnh phúc để cho anh luôn luôn ao ước.
Về đến ngã tư cây xăng, có bốn con đường để xe của hai nàng tự do chọn một: Gia Long, yersin, Độc Lập, Phường Củi. Lưu không ngờ xe trước lầm lũi chạy theo con đường Gia Long, đúng vào con đường của anh. Đến ngã sáu Nhà Thờ lại một lần hồi hộp nữa. Nhưng lại một lần nữa chiếc xe lại lầm lũi chạy theo hành trình của anh: Phước Hải… Huỳnh Thúc Kháng. Cuối cùng xe kia rẽ sang đường Nguyễn Trãi còn anh tách chạy thẳng về con đường Hồng Bàng của anh, không tò mò tìm xem xe hai người kia về đúng nơi đâu.
Chừng nửa tháng sau anh gặp lại lại màu áo hạt dẻ ở trong một trường Tiểu học. Mùa này là mùa nhập học, cứ mỗi buổi sáng xe anh gặp hàng đàn học sinh đi dọc bờ đường, đều đặn thẳng tắp như một hàng rào thấp. Suốt con đường lên Diên Khánh cứ cách vài cây số là có một trường Tiểu học nằm sát bên đường: trường Vĩnh Điềm, Vĩnh Châu, Phú Vinh, Võ Tánh, Diên Khánh. Người học sinh Tiểu học ở vùng quê, ngây thơ rụt rè, áo mũ nghèo nàn là một hình ảnh đáng yêu. Lưu thấy lòng mình cũng trẻ lại, vô tư hồn nhiên khi nhìn mấy em nhỏ ôm sách vở một cách khó khăn, môi mím chặt, hai mắt nghiêm trang ngó trước mặt để tỏ rằng mình là người lớn. Trên cánh đồng lại có từng dãy học sinh năm bảy đứa đi chầm chậm trên con đường ruộng chênh vênh, rón rén tránh những thân lúa nằm mọp đầu gối lên bờ. Có đứa thấy anh chễm chệ ngồi trên xe liền giở nón chào. Có đứa, ngược lại, vẫy tay chỉ chỏ vừa cười nham nhở.
Từ khi biết chắc màu áo hạt dẻ là một cô giáo rồi thì mỗi lần đi về anh đều để ý đến giờ khắc hơn. Anh tính cho xe mình chạy đến Bình Cang kịp giờ bãi trường. Nhưng đã hai lần xe anh vừa đến thì thấy ở tít đằng xa trước mặt chiếc VéloSolex chở nàng áo màu hạt dẻ đang vun vút bỏ chạy. Anh mê mải đuổi theo, bất chấp cả xe vận tải, xe nhà binh, bất chấp cả phong cảnh hai bên đường. Nhưng vẫn không đuổi kịp. Anh thất vọng kết luận: Muốn chinh phục một người đàn bà thì ít nhất phương tiện giao thông của mình phải: hơn họ.
Mùa thu hay có mưa giông, anh đi bằng Lambretta hàng. Ngồi chen chúc với những người hành khách bình dân khác, anh thấy cái thú của sự chung đụng. Người ngồi cạnh anh có khi là những bà bán cá, những chị bán rau, những người xách giỏ đi chợ. Họ gợi chuyện một cách dễ dàng, thẳng thắn. Không cần xã giao, không cần lịch sự, họ vung đòn gánh trúng chân anh mà không cần “xin lỗi”, họ bước ngang trước mặt anh mà không cần khép nép giữ gìn. Hai người xa lạ xưng hô với nhau bằng anh chị như đã quen thân với nhau lâu. Dường như họ không quan tâm tìm đoán xuất xứ của người đang đối diện với họ. Người thị thành đa nghi hơn và cũng khéo biết lợi dụng người đối diện của họ hơn.
Được khuyến khích bởi tính ăn nói hồn nhiên của họ, Lưu cũng góp chuyện một cách cởi mở. Anh thấy rằng lối sống của mình xưa nay nhiễm nặng tính chất ích kỷ. Đi trên cái xe riêng của mình, tới sở ngồi vào cái ghế của mình, về nhà nằm trên cái giường của mình… tất cả mọi thứ nhu cầu đều riêng biệt không để cho ai được động chạm đến.
Một hôm chiếc Lambretta chở anh chạy đến Bình Cang thì dừng lại. Người đón xe chính là cô áo màu hạt dẻ cùng đi với một cô khác. Hai cô nhìn vào trong xe thấy khách ngồi đông nên không chịu lên. Họ đón xe khác. Cùng đi với hai cô có một người đàn ông trẻ mà lúc nãy anh không để ý. Người đàn ông mặc quần màu tối nên khi đi với đàn bà họ bị màu áo dài của đàn bà làm lu mờ đi. Cả ba cùng ôm cặp. Chắc họ là đồng nghiệp với nhau. Người đàn ông lăng xăng giữa hai cô bạn. Anh nhọc nhằn trong một hoàn cảnh may mắn cao quá tầm anh vì hai cô đều xinh. Chỉ một cô thôi tưởng cũng đủ cho anh nhọc rồi. Vẻ mặt láu lỉnh ấy, đôi tay đôi chân phong phú cử động ấy dường như sinh ra để phụng sự đàn bà. Anh lái xe lầm bầm vì bị mất ba người khách. Lưu cũng mơ hồ cảm thấy rằng mình vừa mất một cái gì khi xe vụt chạy anh nhìn ra sau thấy cô áo màu hạt dẻ cười vui vẻ với anh bạn đồng hành.
Tuy vậy, chừng một tháng sau thì Lưu quen cô áo hạt dẻ. Hai tháng sau anh yêu cô áo hạt dẻ. Từ đó cảnh vật hai bên đường không còn quyến rũ tâm hồn anh nhiều như trước nữa. Hai người đợi nhau cùng đi một chuyến xe nên anh hóa thành con người bận rộn. Buổi sáng đi lên sợ trễ giờ đến sở. Buổi trưa đi về sợ trễ giờ nàng đợi. Anh không còn biết mùa này hoa sen có còn nở đỏ trên mặt hồ nữa không, ruộng lúa đang vụ cày hay vụ cấy. Anh chỉ còn để ý đến con đường nhựa đen bị ngốn đi khi anh nhìn ra trước xe, kéo dài ra không dứt khi anh nhìn ra sau xe. Khi có nàng ngồi bên thì anh mê mải nói hay nuốt say sưa những lời nói của nàng. Thỉnh thoảng anh cũng có đưa mắt nhìn ra cảnh vật nhưng mà cái nhìn lơ đãng làm sao! Cảnh vật hiện ra với anh như một người bạn dễ dãi, không thân lắm nhưng sẵn sàng cười với anh một tiếng, khen tặng anh một câu.
Một hôm Lý, - tên cô áo màu hạt dẻ, - nói:
- Trước đây em thấy anh ngồi trên xe mà mắt cứ nhìn ở đâu đâu trông bộ lơ đãng dễ ghét lạ.
- A, tại vì anh mê mải nhìn cảnh vật trên con đường đi. Cảnh vật, thiên nhiên, anh cho rằng đó là người mẹ bảo bọc mình, an ủi mình. Đó là thứ thuốc dấu linh nghiệm để rịt vào những vết thương do loài người gây ra trong lòng mình.
- Loài người…?
- … là xã hội, là người quen biết và không quen biết, là bạn mình, là người yêu của mình.
- Em?
- Có thể lắm. Nhưng dù biết vậy, anh vẫn yêu em, vẫn làm việc, vẫn hy vọng. Bởi vì chúng ta chưa già và vì thiên nhiên lúc nào cũng còn đó, sẵn sàng để bảo bọc và an ủi người thất bại.