Phần 1

    
hu Hằng gần đi tới hàng hiên dẫn vào lớp học sinh ngữ « Tây Bán Nhà » ( Espagnol, Spanish ) bỗng nghe ai gọi to:
- Ê Quyền, cậu làm gì mà thập thò ở đây như 007 vậy? Rình em nào hả?
Thu Hằng suýt bật cười về câu đùa ấy, nhưng phải lờ đi làm như không nghe thấy, nếu không sẽ khổ với mấy « ông mãnh » này. Làm bộ tỉnh bơ, Thu Hằng vẫn đi tới phía hiên có Quyền và người bạn đang đứng, nếu lảng ra chỗ khác cũng có thể không thoát bị trêu ghẹo, thà cứ hiên ngang lại... may ra không sao cả.
Quả thật nàng thấy Quyền hay đứng dưới hiên, bên cạnh cái cột, lần nào cũng gần như... nấp ở đấy, như đợi ai đó.
Quyền đỏ mặt, ấp úng, vội vã đi ra chỗ khác. Có ý dắt người bạn ra xa, tránh không cho bạn biết anh đang đợi Thu Hằng là người đang đi đến và đồng thời cũng không muốn cho nàng biết anh đang đợi nàng.
Nhác thấy Thu Hằng bước lên hiên, anh bạn kia đang đi với Quyền bỗng quay đầu lại, gân cổ lên hát một câu trong bài « Tà Áo Tím » của Hoàng Nguyên « Màu áo tím sao luyến thương, màu áo tím sao vấn vương », mặc dù đang bị Quyền kéo đi, anh ta vẫn láu lỉnh đưa bàn tay lắc lắc trong không khí như ra dấu giã từ khi Thu Hằng bước hẳn vào lớp. Ấy là nàng đã làm bộ tỉnh bơ rồi mà vẫn chẳng thoát trêu trọc. Đã đi khuất vào trong lớp rồi, Thu Hằng mới dám kín đáo mỉm cười, thầm nghĩ kể cũng lạ, cái anh chàng này lém lỉnh như thế mà lại là bạn của anh chàng nhút nhát kia.
Bây giờ thì Thu Hằng biết tên anh chàng ấy rồi, ghi tên học Pháp văn ở lớp gần đó. Anh ta học Dược, mà trường Dược toàn dậy bằng tiếng Pháp, sách vở cũng in tiếng Pháp, một số sinh viên trường Việt Nam phải tu bổ thêm Pháp văn ở trường Sinh Ngữ, vào buổi tối, bên cạnh trường Đại Học Sư Phạm, gần trường Bác Ái, phía quận Năm Sài Gòn. Thật sự Quyền có cần trau dồi thêm Pháp văn hay không, hay chỉ là cái cớ để, cũng mỗi tuần ba tối, lảng vảng ở hàng hiên trường Sinh Ngữ, ngơ ngẩn mong đợi, dụt dè, không dám làm quen với Thu Hằng, học sinh ngữ Espagnol, ở lớp gần đó. Quyền cứ đứng nhìn bóng nàng thấp thoáng hay lắng nghe tiếng nàng nói cười với bạn bè, mà chưa có can đảm tìm cách làm quen.
Có lẽ cũng đã hơn hai tháng rồi. Lúc đầu Thu Hằng không để ý. Sau dần dần cảm thấy có người « theo dõi ». Sau đó phát giác ra đôi mắt sáng long lanh đầy ánh trìu mến lấp ló dưới hàng hiên, gần bực thềm, sau cái cột. Đoán thế thì biết thế thôi, nàng không để tâm cho lắm. Tuy nhiên, Thu Hằng nhận thấy anh chàng này cũng... có vẻ dễ mến, nhất là không làm nàng bực mình như một số chàng trai khác tự tin quá đáng, hoá ra lộp chộp, sỗ sàng, nhiều khi cứ nhắng lên thấy mà ghét. Nhưng cùng lúc cũng nhận thấy anh chàng này lại quá nhút nhát. Như thế này thì đến đời nào mới làm quen được với tôi chứ? Thu Hằng bật cười khi chợt nghĩ như thế, khi đôi ba lần thấy anh giả bộ lảng xa chỗ khác, nhưng mắt vẫn hướng về phía nàng, hay là anh bối rối nhìn đi nơi khác, nếu không kịp lảng xa, khi nàng nhìn về phía anh hoặc vô tình đi gần sát vào bực thềm hoặc bước lên hiên, ngay chỗ anh đang đứng. Biết vậy, nhưng Thu Hằng không trêu trọc anh ta như đa số cô gái khác, « làm tình làm tội » người ái mộ mình mà lại quá nhút nhát. Nhưng nàng cũng chẳng thương hại hay tội nghiệp gì anh ta cả. Cũng có khi nàng nghĩ, nếu có thêm một người bạn như anh ta, có thể sẽ vui thêm, nhưng chỉ là bạn mà thôi, không hơn không kém. Tuy nghĩ thế Thu Hằng cũng không tạo dịp cho anh ta làm quen. Nàng không thấy có « bổn phận » phải giúp anh tí nào. Cũng chẳng thấy có « nhu cầu » có bạn trai vào lúc này. Đang thoải mái, tự nhiên tự toại, việc gì mà phải vội vàng mua lấy chuyện rắc rối. Còn duyên số ư, nếu có duyên có nợ với nhau, thì sẽ tự nhiên đến, khi đó có giẫy ra cũng chẳng được. Nàng nghe lóm mấy bà cô bà bác nói như thế về chuyện duyên duyên phận phận gì gì đó qua câu « hữu duyên thiên lý năng tương ngộ, vô duyên đối diện bất tương phùng ».
Một buổi học khác, Thu Hằng vừa bước lên thềm, vẫn vô tình đi gần sát vào cây cột chỗ Quyền hay đứng thì anh ta lúng túng quay ngoắt đi.
Cũng đúng lúc đó thì Đán ở đâu sáp tới. Đán láu táu:
- Thu Hằng, Thu Hằng, anh có cái này hay lắm. Để anh đưa cho xem.
Thu Hằng hơi nhíu mày, không thích cách ăn nói thân mật của Đán. Mặc dù không ghét Đán. Tuy nhiên không « sửa sai » anh ta. Đối với Thu Hằng, Đán thuộc vào hàng anh mình thật. Đán hơn nàng tới bốn, năm tuổi gì đó. Anh ta làm quen với Thu Hằng qua một người bà con. Vì thế anh ta tự cho phép mình xưng anh và thân mật như « anh em trong nhà ». Cũng vì thế Thu Hằng không dám cự nự hẳn hoi, chỉ thấy khó chịu, vì mơ hồ hiểu rằng Đán không xem nàng như em út trong nhà, nếu không đã chẳng hay đến đây, tuy rằng để nói vài câu vô thưởng vô phạt với nàng. Đán cũng chỉ mới quen nàng đây thôi. Thâm tâm nàng không thích lắm cách ăn nói thân mật này, nàng sợ Đán hiểu sai rằng im lặng tức là... đồng ý, ngầm cho Đán hiểu, nàng có thể là « cái gì của Đán ». Chẳng qua là « kính lão đắc thọ » mà thôi. Nhưng vẫn không dám ra mặt khó chịu về cách xưng hô thân mật của anh. Vả lại Thu Hằng không có anh, nếu nay có người anh lo che chở cô em thì cũng vui vui thôi. Hơn nữa ngoài cách xưng hô anh em thật ra đương nhiên đó, Đán cũng khá dễ thương, cho đến nay, có làm gì khiến nàng bực mình đâu.
Thu Hằng nhận thấy, ở Đán, việc làm quen với phái nữ có vẻ dễ dàng. Ở Đán, việc này thông suốt dễ dàng bao nhiêu thì ở Quyền, nó khó khăn bấy nhiêu. Có lẽ vì là giáo sư cho nên thêm tự tin. Đán vừa ra trường Đại Học Sư Phạm, đang dậy trên Đà Lạt, nhưng gia đình thì ở Sài Gòn, là con trưởng, có hai em, một trai một gái. Thu Hằng biết như thế cũng nhờ người bà con. Biết Thu Hằng học Espagnol mỗi tuần ba tối ở đây, nên Đán lâu lâu, có dịp về Sài Gòn thăm gia đình, thì tạt qua nói chuyện chơi. Nói là lâu lâu, nhưng có lẽ mỗi tháng mỗi về nên mỗi tháng lại gập Đán. Có lần anh đến tận nhà, tặng Thu Hằng bó hoa hồng nhiều mầu, mang từ Đà Lạt về.
Anh láu lỉnh:
- Nếu chỉ một mầu đỏ không thôi thì ý nghĩa bó hoa sẽ khác.
Thu Hằng vui vẻ nhận, nhưng thầm nghĩ, nếu anh tặng toàn hoa đỏ, chưa chắc nàng đã nhận, sợ anh hiểu lầm, vì chính anh đã nói hoa hồng đỏ mang ý nghĩa khác cơ mà.
Dù không phải toàn hoa mầu đỏ, tuy nhiên nàng cũng rất cảm động. Bó hoa thật tươi thắm. Nó phải được Đán giữ gìn thật cẩn thận, sau gần nửa ngày đường chạy xe đò Minh Trung về. Xe này nổi tiếng chạy nhanh đường Sài Gòn-Đà Lạt. Đán lại cũng chắc chắn phải chạy ngay đến nhà tặng nàng trước khi về nhà thăm cha mẹ và các em. Chắc chắn như thế, nếu không thì bị lộ « bí mật » rồi còn gì. Hơn nữa cô em của Đán đã chắc gì để cho ông anh được yên thân khi thấy ôm khư khư bó hoa. Thể nào mà Đán chẳng bị tra khảo. Nếu có chuyện bí mật chăng, thì bí mật là của Đán đối với gia đình anh ta thôi, chứ Thu Hằng chỉ luôn cho mình là hàng đàn em, không hơn. Nhất là chẳng có gì phải « khai ra » với gia đình mình hết.
Hôm nay, Đán muốn khoe cái gì đó nên nhanh nhẹn rảo bước ra tới chỗ đậu xe vespa. Anh lúi húi lục trong hộc xe rút ra một tờ báo. Thu Hằng đến gần. Mắt hơi nhíu nhíu lại. Trong lòng đã sẵn hơi bực vì cái tính quá tự nhiên của Đán. Trong khi đó thì Đán vui rạng rỡ, không nhận thấy sự khó chịu nơi người con gái. Anh hấp tấp đi về phía Thu Hằng cũng đang tiến đến gần. Đán hí hửng, sung sướng như một đứa trẻ, tay cầm tờ báo lật qua trang Hai, ngón tay gõ gõ vào một mục có tít lớn, viết đậm nét và chiếm ba cột báo khá dài. Theo ngón tay Đán, Thu Hằng thấy tên mình được ghi vào nơi tên tác giả.
- Tên em, thấy không, anh lấy tên em làm tên tác giả, mà bài thì anh viết.
Nét mặt Đán sáng rỡ. Rõ ràng Đán rất thích thú và cho đây là một cơ hội tốt đẹp để làm Thu Hằng vui thích như mình và để gián tiếp bầy tỏ tình cảm mình.
- Tại sao anh lấy tên Thu Hằng? Anh không có quyền làm thế. Anh không hỏi xem Thu Hằng có bằng lòng hay không đã.
Đán đỏ mặt lên, bị cụt hứng và xấu hổ. Thu Hằng vùng vằng, tàn nhẫn. Đán ngỡ ngàng nhìn trân vào khuôn mặt đang đỏ bừng lên của Thu Hằng. Sự việc xẩy ra ngoài sức tưởng tượng của Đán.
- Anh... tưởng, anh nghĩ... em sẽ vui.
- Thu Hằng vui? Có gì dính dấp đến Thu Hằng mà vui? Hơn nữa, Thu Hằng không bằng lòng anh cứ anh anh em em với Thu Hằng như thế.
Thế là mọi sự bực bội xưa nay đã bị huỵch toẹt nói ra mất rồi. Nàng giận Đán, giận cái kiểu thân mật quá đáng thì đúng hơn. Chắc chắn anh ta phải nghĩ nàng là cái gì của anh ta rồi. Điều này khiến Thu Hằng càng vừa giận mình, càng vừa giận Đán, nhiều hơn là chuyện tên tác giả. Xưa nay đã thầm bực bội, đã thầm giận mình không có can đảm nói lên cái bực dọc đó, Thu Hằng cũng không ngờ và rất ngạc nhiên về phản ứng vũ bão và có hơi bất lịch sự của chính mình.
Dù chơi với nhiền bạn bè, có cả bạn trai, nàng không muốn và chưa muốn thân thiện hẳn với ai. Chơi với nhau, nàng không phân biệt trai gái. Và không muốn các bạn phân biệt, vì hễ phân biệt thì khó lòng giữ tình cảm trong vòng tình bạn, vì rồi sẽ phải... giữ kẽ, rồi đâm ra xa cách nhau, mất cả tự nhiên. Tất nhiên chuyện cần giữ ý giữ tứ, không lơi lả của một người con gái và không lợi dụng, không sỗ sàng của người con trai, thì vẫn là điều đương nhiên cả hai bên cần giữ gìn. Thu Hằng không thích đóng kịch, làm bộ làm tịch với bạn trai, nàng sống thật hồn nhiên, thẳng thắn, minh bạch, thoải mái và mong các bạn trai cũng đối xử hồn nhiên như thế với mình. Nàng không ưa những kẻ thường tình, cứ thấy con trai con gái đi với nhau, cho dù đi lấy cours, đi thư viện, là vội vã gán ghép, là cho rằng phải có tình ý với nhau. Họ không thể nghĩ rằng giữa con trai con gái với nhau cũng có khi chỉ ngưng ở tình bạn. Hễ thấy anh chàng nào hiểu lầm thì Thu Hằng tách ra ngay. Thà ngay từ ban đầu xa cách để họ không hiểu lầm. Như thế dễ sống.
Riêng với Đán. Anh quen biết với người trong họ của nàng, anh lại lớn tuổi hơn và đã ra đời, Thu Hằng nghĩ thôi thì tất nhiên phải để anh xưng anh, gọi em. Nhưng hôm nay Thu Hằng ân hận đã để cho Đán hiểu lầm tình cảm của mình. Nàng đâm ra giận mình nhiều hơn giận Đán. Vì giận dỗi chính mình, Thu Hằng quây quả bước đi.
Cơn bực tức làm nàng quên cả vào lớp, cứ bước theo rặng cây trồng ven lối đi rẽ sang dẫy lớp khác, mặc Đán đứng ngượng ngùng đến tội nghiệp, trong tay tờ báo còn mở ra ở trang Hai.
Ánh nắng còn sót lại của một buổi trưa gay gắt nóng, xuyên qua cành lá, vương trên tóc, trên mặt Thu Hằng, khiến khuôn mặt nàng có vẻ hồng thêm nữa.
Quyền vẫn đứng bên bực thềm, hơi xa nơi hai người, lặng lẽ theo dõi. Anh không rõ chuyện gì xẩy ra, chỉ đoán Thu Hằng đang giận dỗi. Quyền ngây ngất ngắm khuôn mặt giận dữ của Thu Hằng. Càng thấy nàng đẹp quá. Nhưng cùng lúc thấy nàng xa vời vợi. Không bao giờ anh có thể đến gần được. Mối tình dành cho nàng chẳng bao giờ anh dám thổ lộ. Thu Hằng như đoá hoa tươi thắm, rực rỡ huy hoàng, trong mắt anh, trong tim anh. Biết bao lần anh tự khuyến khích phải can đảm hơn. Chỉ cần một câu nói nào đó, giản dị thôi thì nghĩ rằng anh có thể làm quen với nàng. Chỉ cần được là bạn nàng cũng đủ là một hạnh phúc cho anh. Mà sao bao tháng ngày đã trôi qua, anh vẫn đứng cô đơn bên thềm lớp học này, lặng lẽ trong vô vọng. Đã bao lần Thu Hằng đi qua sát gần bên anh, tà áo tím của nàng bay quấn quít gần ngay bên anh, mùi hương tóc nàng quện vương thật lâu bao phủ lên anh. Có lần cái hoa pensée bằng vải cũng mầu tím cài tóc của nàng đã rơi gần ngay nơi anh đứng. Anh chỉ cần cúi xuống, nhặt lên đưa trả cho nàng. Nhưng anh đã để lỡ cơ hội. Thu Hằng đã cúi nhặt, dừng lại bên anh, cài lại cái hoa lên tóc, cử chỉ thật hồn nhiên, hoàn toàn không cố tình để hoa rơi, để rồi nhân dịp trêu trọc, hay khiêu khích hoặc khuyến khích anh làm quen. Thế mà anh vẫn không có can đảm lên tiếng làm quen. Hơn nữa, anh nhận thấy, Thu Hằng không phải loại con gái hay làm bộ làm tịch hoặc kênh kiệu. Quyền biết rõ như thế. Anh nghĩ có thể nếu anh chỉ cần cất tiếng làm quen thì nàng sẽ vui vẻ chơi với anh ngay. Quyền thấy bao nhiêu quyết tâm hăng hái của mình đều tiêu tán như bọt nước mỗi khi anh thoáng thấy Thu Hằng từ xa. Cứ thế mỗi tuần ba chiều, Quyền lại đứng đó, ở nơi cố định đó, nuôi mối tình thầm lặng vô vọng ấy. Quyền thấy Đán có bao nhiêu là may mắn, được quen với Thu Hằng, được cả anh anh em em với nàng, thế mà anh ta vụng về đến ngốc nghếch làm cho nàng giận. Nếu là Quyền thì chẳng bao giờ làm nàng phải cau có như thế kia.
Riêng Đán như bị tạt gáo nước lạnh. Xấu hổ, tê tái, anh giận mình vụng về. Bao nhiêu đêm miệt mài viết lách, vì mộng làm báo. Bài xã luận này rất chỉnh. Anh hãnh diện vì bài được nhận đăng ngay, chạy tít lớn đàng hoàng. Gửi cả vào việc đánh bạo ký tên Thu Hằng. Gửi cả vào câu nói anh cho là hàm chứa biết bao tình cảm... « bài anh viết, nhưng tên tác giả là em ». Bao nhiêu tình cảm anh gửi gấm vào tất cả những lần vội vã ra xe hàng mau mau chạy về Sài Gòn, kịp trước giờ Thu Hằng vào lớp. Gửi cả vào bó hoa hồng đủ mầu, mà cho dù tự tin đến đâu, anh cũng chưa dám tặng nàng toàn hoa mầu đỏ, như lòng mong ước. Đán đau khổ vò nát tờ báo vất vào thùng xe, ngồi ghếch lên yên xe, thẫn thờ giây lát, mắt nhìn theo tà áo tím khuất sau rặng cây.
Thời gian như đọng lại. Bỗng nhiên Đán bật dậy. Rảo bước, rồi... chạy đi tìm Thu Hằng. Nhưng nàng đã biến đâu mất. Đán đi lòng vòng vài đường nhỏ ngang tắt, qua mấy dẫy lớp khác. Vẫn không thấy đâu. Anh trở lại lớp Espagnol, không thấy. Thu Hằng đã bỏ giờ học tối nay. Đán giận mình. Mơ hồ đoán biết một điều gì mà anh chưa có can đảm trực diện chấp nhận. « Hằng không muốn anh cứ anh anh em em ». Điều mơ hồ này khiến anh choáng váng. Anh trở ra xe. Rồ máy chạy.
Cả tuần qua, Quyền chăm chỉ đứng đợi ở thềm lớp học. Nhưng Thu Hằng vẫn vắng mặt. Ba buổi qua, anh đã đợi đến người chót vào lớp của nàng, rồi mới vào lớp mình. Tuần trước, khi thấy Đán sáp tới anh anh em em thân mật với Thu Hằng, Quyền như bị ngộp thở. Tức mình vì tính nhút nhát của mình. Lòng ghen hờn làm anh chỉ muốn đi ra chỗ khác cho khuất mắt. Nhưng hình ảnh Thu Hằng như ghìm chân Quyền ở lại. Đến khi Thu Hằng vùng vằng bỏ đi, đẹp dữ dội như một nữ thần trong ánh sáng vàng ối của buổi xế chiều hôm ấy, Quyền lại thấy lòng nở rộ lên niềm hy vọng trộn lẫn nỗi xa cách vời vợi của sự vô vọng.
Có ai vỗ vai thật mạnh làm Quyền giật thót. Hoá ra vẫn anh bạn hôm trước. Anh này toe toét:
- Nguy rồi, nguy to rồi. Thế này thì hỏng, hỏng thật rồi. Mê em nào mà cậu cứ vơ vơ vẩn vẩn tối ngày ở đây thế? Trong lớp Pháp văn của cậu, tôi thấy có một em được đấy. Cái em cận thị ngồi gần cửa sổ ấy. Thấy khá chứ phải không? Hôm nào trước khi đi khỏi Sài Gòn hoa lệ, tôi thử một màn làm quen xem sao. Ở tiền đồn mà có thư của em gái hậu phương thật sự tất nhiên « sáng giá » hơn là em tưởng tượng phải không nào? Còn cậu chấm em nào rồi? Thôi đừng dấu ông ơi. Hay là cậu sợ em khoái tôi hơn? Giữa cậu với tôi, tôi sẽ không chơi xấu đâu. Tôi người đàng hoàng lắm, đâu vào đấy. Nếu em cận thị đó là của cậu, thì cứ nói một tiếng, tôi sẽ để em yên thân.
Quyền mừng thầm rằng anh bạn chưa... truy ra người anh mơ. Người bạn giáng cả cánh tay lên lưng Quyền mà đập lia lịa. Ngả cổ cười vui ồn ĩ. Có mấy cô sinh viên đi qua. Người bạn làm bộ xuýt xoa, trầm trồ. Mấy cô tủm tỉm, một cô đanh đá nhún vai, bĩu môi.
Người bạn kêu ầm lên:
- Ui chu choa, môi tôi bị ong chích hay sao mà sao tự nhiên vều ra thế này?
Cô sinh viên đỏ mặt, ngúng ngẩy đi mau. Người bạn lại cười to thêm. Khoái trá ra mặt vì trêu được cô ta.
- Ê, mình ra ngoài này uống nước đi. Còn sớm mà. Ngồi với cậu một lát, tôi phải dọt. Trả cậu về với chuyện « thường tình nhi nữ » của cậu. Làm trai cho đáng nên trai, xuống Đông Đông tĩnh, lên Đoài Đoài tan. Cậu hiểu không? Nhưng mà, thành thật mà nói, cậu ráng học, ra trường, thành dược sĩ, các em mới yên tâm lấy cậu, chẳng em nào dại « lấy chồng chiến binh, mấy người trở lại... ». Nói chuyện em này em kia cho vui chứ ba cái chuyện các cô tôi dẹp hết « Tôi là lính, xa nhà đi trấn sơn khê. Hai mùa mưa, mây mù che nẻo đường về. Khi vào lính nhận nếp sống đơn sơ. Với đằng sau nhiều hẹn hò. Cho đời lính một niềm mơ ».
Anh nghêu ngao hát. Tay khoác lên vai Quyền. Kéo đi.
Chiến tranh chờn vờn khắp nơi. Thanh niên bị áp lực tứ phía, nào phải ráng học lấy cái mảnh bằng để tương lai tương đối vững vàng, nào thấp thỏm không biết ngày nào phải đi lính, có khi đang học dở dang... mới nguy. Mặc dù trong thâm tâm, ai cũng biết đó là bổn phận người dân, nhất là con trai, trong thời chiến tranh. Nhưng chính họ đâu có muốn gây chiến tranh. Họ chỉ vì vấn đề tự vệ và bảo vệ. Những kẻ háo sát, chuyên viên gây rối, bất ổn, không phải là họ. Họ chỉ mong yên thân lớn lên trong một đất nước mới phôi thai, sau nhiều thế kỷ nô lệ, nhục nhằn, sau khi một nửa phía Bắc của đất nước bị trao cho Cộng Sản. Họ chỉ muốn yên thân học hành, yên thân xây dựng tương lai đồng thời xây dựng lại một nửa phía Nam còn lại may mắn được tự do. Trong tình hình đất nước luôn bấp bênh và sôi động như thế, Quyền thấy mình còn quá nhiều may mắn so với nhiều thanh niên khác. Riêng người bạn rất thân này, thì khác. Anh ta học rất giỏi, đã học xong đại học, đáng lẽ có thể đi làm, rồi chừng nào bị kêu lính mới đi, như đa số thanh niên khác trong thời chiến, nhưng không, anh ta tình nguyện đi lính tác chiến. Bị thương, về chữa trị ở Sài Gòn và được vài ngày phép trước khi trở ra đơn vị ở mặt trận. Quyền rất quý trọng người bạn này, đồng thời hiểu rằng cái may mắn của mình, còn được cắp sách đến trường, còn được mơ mộng đứng chờ người yêu vụng nhớ thầm. Ưu tiên này chỉ là những sợi tơ rất mong manh, nhưng đó là đời sống mà anh có quyền nắm bắt. Ít ra Quyền đã không như một số thanh niên mất định hướng, tìm mọi cách trốn lính, tệ hơn nữa vung phí cuộc đời trong quán nhạc đêm về, trong phòng trà tối ảo, với điếu thuốc hay ly rượu mạnh, hoặc vài ba nhân vật tự cho mình là triết gia, chỉ mở mồm ta thán, oán trách hay mỉa mai xã hội với giọng lưỡi phản chiến hoặc vài ba kẻ « tưởng bở » trốn ra bưng, vùng bị Cộng Sản kiểm soát, để cam tâm ăn cơm quốc gia thờ ma Cộng Sản, mà tự cho là anh hùng cứu quốc.
Vừa ngồi xuống cái ghế xếp gần xe nước mía bên kia đường, đối diện cửa trường, Quyền nhác thấy Thu Hằng đi vào trường. Quyền chỉ muốn bỏ chạy theo, nhưng lại sợ anh bạn biết được mối tình thầm kín của anh và biết được người anh yêu là ai. Quyền đành ngồi lại. Lòng bồn chồn, bứt rứt chỉ muốn nhìn xem Thu Hằng thế nào sau một tuần vắng bóng. Nàng đau ốm hay kẹt chuyện gì mà không đến lớp được.
Thu Hằng mải nghĩ về chuyện gay gắt Đán tuần qua, nên không để ý chuyện Quyền không có mặt bên thềm như mọi khi. Thu Hằng ân hận, thấy mình quả có nóng giận quá đáng. Tội nghiệp Đán. Đang hí hửng muốn khoe bài báo đầu tiên thì bị cụt hứng. Nhất là bài báo này là bài đầu tiên của anh được nhận đăng sau khi đã gửi khá nhiều bài khác. Anh vẫn mơ với nàng về giấc mộng làm báo chí.
Thu Hằng thầm cảm ơn những người nàng biết có cảm tình với mình, nhưng hiện tại nàng chưa muốn thân thiện với ai. Vì thế mà khi thấy Đán vượt xa hơn một tình quen biết thì nàng khó chịu. Nàng vẫn nghe các bạn gái kể chuyện « hành hạ » người ái mộ ra sao. Nàng thấy họ quá tai ác. Nhưng lại nghĩ, con trai cũng lắm khi bẻm mép, táo tợn, kỹ sư đào mỏ nổi tiếng, chứ không vừa. Vỏ quýt dầy cũng cần có móng tay nhọn. Thật cuộc đời sao mà rắc rối thế.
Thu Hằng đi qua chỗ tuần trước gay gắt Đán, trước khi đi về phía lớp học của mình. Thầm nghĩ, nếu gặp lại Đán, nàng sẽ xin lỗi. Sẽ nói anh cho đọc bài báo. Sẽ cho ý kiến nếu anh hỏi đến. Nhưng Đán đâu có ở đây.
Rồi buổi học qua đi chậm chạp. Mọi người rần rần ồn ào ra về. Thu Hằng cũng vội vã theo chân hai cô bạn cùng lớp ra về. Mấy người con gái vui nhộn đi trên lối sỏi dẫn ra cổng.
Thu Hằng ngạc nhiên thấy Quyền. Lần đầu tiên nàng quan tâm đến anh chàng này. Cũng là lần đầu tiên nàng thấy Quyền khi tan lớp. Mọi khi chỉ thấy anh ta trước khi vào học. Khi về, anh ta đi lúc nào, nàng không để ý. Hôm nay đặc biệt Quyền dắt xe đạp đi phía xa. Rõ ràng là Quyền có ý đi theo ai đó trong nhóm mấy cô con gái này. Nếu không anh ta đã lên xe đạp đi rồi. Bỗng Thu Hằng hiểu rằng anh ta đi theo nàng. Nàng hơi ngượng thầm. Anh ta dắt xe tuốt phía sau, cốt ý không cho ai biết anh đi theo ai. Nhóm con gái lóng nhóng chờ xe lam. Anh ta cũng lóng ngóng gần đó. Xe lam tới, mọi người tíu tít lên xe. Trời đã khuya, những người đi làm, đi học, dùng xe lam hàng ngày, đa số đã về nhà, nên trong xe chỉ có mấy người bạn gái với nhau. Xe lam rồ máy chạy. Bỗng không thấy Quyền đâu nữa. Nàng tưởng anh ta đã bỏ đi. Nhưng không, từ xa, trong bóng đêm, dưới ánh đèn đường mờ tỏ, Quyền đang gò lưng đạp. Cố theo xe lam. Gặp đường rộng vắng vẻ, xe lam xả hết tốc lực. Hai cô bạn vô tình nhìn về phía sau xe.
Một cô hô to lên, giọng thích thú:
- Ơ, cái ông gì học bên lớp Pháp văn kìa. Bộ ông ấy tính chạy đua với xe mình sao chứ? Trông thư sinh trói gà không chặt thế kia ai ngờ là tay cua rơ, đừng tưởng chơi nghe mấy bạn.
Hai cô cười rộ lên, nhao nhao:
- Ráng lên, ráng lên! Nhưng ông thua là cái chắc rồi ông ơi. Kỳ tới gặp ông ấy, bọn mình phải tổ chức lễ gắn huy chương cho ông ấy mới được. Hạng an ủi về đèn đỏ, hi hi!
Bác tài xe lam ngoái cổ lại cùng cười vui với mấy cô học trò. Rồi làm như để về hùa với các cô gái, bác ta cho xe chạy nhanh hơn. Xe lam càng lúc càng xa. Bỏ Quyền lại tít phía sau. Rồi mất hút luôn. Thu Hằng tội nghiệp Quyền. Nàng sợ các bạn biết anh ta để ý nàng thì càng bị trêu thêm. Và rồi mình cũng sẽ bị trêu lây nữa, lại khổ thân, vì sẽ phải thanh minh thanh nga này nọ.
Tưởng hai cô bạn nói gắn huy chương cho vui rồi quên đi. Ai ngờ đến ngày có giờ học, từ xa Thu Hằng đã thấy mấy cô lảng vảng gần cái cột chỗ có Quyền thường đứng. Hai cô nói cười om xòm, trong khi Quyền mặt mũi đỏ tía. Lóng ngóng như muốn tìm đường tháo chạy.
Một cô nói:
- Này anh, tối hôm nọ có phải anh tập chạy đua không? Bọn tôi thấy anh gò lưng đạp theo xe lam chở tụi tôi. Bộ anh tính dự giải đua xe đạp toàn quốc hay sao thế? Ngồi trên xe lam, hai đứa tôi với Thu Hằng là ba, cô chỉ vào ngực mình và chỉ về hướng Thu Hằng đang tiến gần, kia kìa, ba đứa tôi cứ cá với nhau xem xe lam thắng hay anh thắng.
Cô kia bịa chuyện để trêu ghẹo Quyền, chứ đâu có chuyện này.
- Khỏi cần nói tụi tôi dại gì cá anh thắng. Chỉ có Thu Hằng nó cứ nhất định là anh sẽ ăn. Nhưng cuối cùng tụi tôi chẳng thấy anh đâu, một là bỏ cuộc hai là bị « bỏ rơi ». Thu Hằng ơi, bồ tặng anh này giải an ủi đi. Hôm nay tụi tôi đề nghị thế đấy. Anh chịu không?
Cô khác bồi thêm:
- Bạn còn phải hỏi, được Thu Hằng an ủi, đâu phải chuyện dễ, lại chẳng chịu.
Hai cô trêu, kẻ tung người hứng xong, cười ầm ĩ, rồi kéo nhau đi. Thu Hằng cũng vội vã theo chân bạn. Quyền cứ đứng trơ đó, mặt mũi đỏ tía. Lóng nga lóng ngóng, không biết nói gì. Anh tưởng họ biết hết về mối tình thầm kín của anh dành cho Thu Hằng rồi nên mới nói nàng an ủi. Ý nghĩ này càng làm Quyền vừa vui vừa lo, vừa xấu hổ đến muốn trốn mau.
Những buổi học sau đó, tự nhiên không thấy Quyền nữa. Anh không còn đứng bên cái cột. Anh bỏ học vì lý do gì đó? Chẳng ai hay biết. Anh bặt tăm luôn.
Vài lần các bạn nhắc đến anh ta, hỏi nhau có phải anh ta bị kêu lính nên biến mất, rất có thể lắm, thời buổi chiến tranh mà, thanh niên luôn luôn bị vấn đề lính tráng gây áp lực trong khi còn đi học. Học bết quá, hay gia cảnh không cho phép học cao hơn, đến tuổi lính thì ra Hạ Sĩ Quan, học khá hay giỏi, thì ra Sĩ Quan. Tương lai khác nhau xa. Nhưng cả hai loại tương lai đều, rất có thể, tuy không phải đa số, nhận được cái quan tài, vòng hoa tang, có khi « anh lên lon giữa hai hàng nến chong », cái lon mới làm phần thưởng, thường khi vài vết thương và đôi khi vài huy chương. Kẻ thù đâu có nương tay. Ngày đêm chúng đánh phá, đặt mìn, rót đại bác vào trường học, bệnh viện, làng xóm, đường xá, chẳng mìn nổ nơi này cũng bắn xẻ nơi khác, hay xẻ rãnh đắp mô. Người già người trẻ, ai cũng có thể một sớm một chiều là nạn nhân của những vụ bắt cóc, thanh toán của chúng. Đêm Sài Gòn lâu lâu lại được soi sáng bằng những ánh mắt hoả châu, rờn rợn hình ảnh kẻ thù không thấy mặt, một kẻ thù hèn nhát và tàn nhẫn, lẫn vào hình ảnh lạnh lùng của thần chết lơ lửng trên bầu trời đêm của những trái hoả châu, nhặt khoan tiếng súng, tiếng đại bác, từ đâu xa ầm ì vọng đến Sài Gòn say ngủ. Tuy tình hình bi đát như thế, nhưng thanh niên miền Nam đa số hãnh diện về sự can đảm và ý thức cao về bổn phận người công dân, cần giữ gìn, bảo vệ đất nước, gia đình và chính bản thân mình trước kẻ thù luôn luôn mang mộng xâm chiếm mảnh đất tự do cuối cùng của giải đất hình chữ S này.
Cuộc đời cứ thế chẩy đi, các bạn và Thu Hằng vài lần nhắc đến Quyền, nhưng rồi cũng mau quên.
... « Nếu có thể, buổi học Thứ Sáu sắp tới, xin Thu Hằng đến sớm nửa giờ. Anh rất cần gặp Thu Hằng »... Thu Hằng lấy tờ giấy vỏn vẹn một giòng đọc lại. Nét chữ bay bướm của Đán vừa được gửi đến ngày hôm qua.
Thu Hằng băn khoăn không biết Đán có việc gì quan trọng mà cần gặp nàng đặc biệt như thế. Nàng y hẹn đến sớm, ngồi một mình trong lớp học vắng. Định bụng khi gặp Đán sẽ xin lỗi ngay về thái độ nóng nẩy rất trẻ con của mình trước đây. Sẽ xin đọc bài báo và sẽ cho ý kiến, như nàng đã tự nhủ ngay sau hôm giận lẫy và bỏ học ra về.
Lớp vắng tanh. Chỉ có tiếng cánh chim đập nhẹ vào tường. Mấy con chim sẻ bay vào bay ra, đậu trên lỗ tường hoa, chui ra chui vào như đang chơi đùa và chiêm chiếp gọi nhau về tổ. Thu Hằng tha thẩn nhìn ngắm lũ chim ríu rít.
Chợt có tiếng động, nàng quay ra, tưởng Đán đến. Hoá ra Quân, người bạn cùng lớp Espagnol. Quân thò đầu nhìn vào lớp. Thu Hằng vội kín đáo cất thơ của Đán vào cặp. Thầm nghĩ, không hiểu sao hôm nay anh chàng này lại đến sớm thế. Xưa nay chuyên môn sát giờ mới thấy anh ta vội vội vàng vàng ở đâu chạy xộc vào lớp. Anh ta cũng ngạc nhiên khi thấy Thu Hằng ngồi một mình trong lớp học tranh tối tranh sáng và vắng lặng. Do dự giây lát rồi anh ta bước vào hẳn trong lớp, chào nàng và vui vẻ xà ngay xuống ngồi bên cạnh:
- Chào chị, sao hôm nay... chị đến sớm thế? Chắc ở sở ra sớm rồi chẳng biết đi đâu?
Thu Hằng chào lại rồi ậm ừ chưa biết phải bắt chuyện thế nào. Xưa nay tuy học chung lớp nhưng chẳng bao giờ nói chuyện với nhau. Cũng vì thế, Quân gọi nàng bằng... chị một cách lịch sự, Thu Hằng hiểu như thế.
Chẳng để Thu Hằng trả lời, Quân mau mắn:
- Hôm nay tự nhiên xếp tôi cho ra sớm. Chắc ông ấy có hẹn. Bèn đuổi mình đi, như thế lương tâm ông ấy được yên ổn hơn. Chẳng sao, có điều ra sớm, đi đâu thì lại sợ trễ giờ học, tôi nghĩ thôi đến sớm cũng được. Vả lại tôi cũng thích những giây phút ngồi một mình trong vắng lặng thế này. Không khí học đường hay chứ nhỉ. Không khí này tôi bỏ xa rồi, nay có dịp được hưởng càng vui. Hoá ra chị cũng đến sớm.
Quân vừa cười vừa nói. Cái cười thật hiền hậu và có duyên. Qua câu chuyện, Thu Hằng biết Quân tốt nghiệp trường Luật, đã đi làm về ngành ngoại giao, rất thích sinh ngữ nên hễ có dịp thì ghi tên học. Nhưng môn nào cũng thích, sau đắn đo, chọn Espagnol. Vả lại, Anh và Đức ngữ, anh cũng biết rồi. Ở Quân người ta có thể thấy một anh công chức cần mẫn. Một người hiền lành. Quân hỏi han Thu Hằng loanh quanh những chuyện không đâu rồi hỏi nàng còn đi học hay đã đi làm như anh. Lúc nãy anh hỏi có phải vì ra sở sớm mà đến đây sớm là vì anh nghĩ lớp học đêm phần lớn dành cho người đã đi làm, chứ thật tình không biết nàng còn đi học hay đã đi làm. Vài sinh viên ban ngày học môn khác, ban tối học thêm sinh ngữ, mới có mặt. Cho nên không khí dù sao cũng ít hồn nhiên hơn là không khí trường học phổ thông. Mới đầu câu chuyện có vẻ miễn cưỡng. Xưa nay tuy học cùng lớp, nhưng không có thì giờ chuyện vãn như thế này. Tuy câu chuyện rất tầm thường, nhưng Thu Hằng nhận thấy Quân biết nói chuyện và có duyên, nên câu chuyện không nhạt nhẽo.
Bỗng Quân nêu ý kiến:
- Mình học espagnol, thì nhân dịp này, mình nói chuyện với nhau bằng tiếng espagnol xem có nổi không nhé. Chị bằng lòng không? Phải thực tập chứ đợi đến bao giờ mới được áp dụng? Đợi khi sang được Espagne hay các nước dùng thứ ngôn ngữ này mới lôi ra « trổ tài » thì tôi e rằng chữ nghĩa đã rỉ sét hết, chữ thầy lại trả cho thầy rồi, phải không chị nhỉ!
Thu Hằng thấy ý kiến độc đáo nên quên hẳn nỗi băn khoăn ban nãy mà gật đầu ngay:
- Hay đấy, chúng mình thử xem sao, anh đầu têu thì anh bắt đầu trước đi.
Đúng lúc cả hai có thể nói vung nói vít và cười hồn nhiên thì Đán xuất hiện. Đán đến trễ. Vì thế anh ta hấp tấp vào lớp. Bỗng thấy Thu Hằng ngồi bên một người bạn trai. Cả hai đang cười nói vui vẻ, có vẻ thân tình, Đán đứng xững ngay lại, ngay gần cửa lớp, không tiến vào nữa. Có lẽ Đán cho rằng Thu Hằng còn giận anh về việc « anh anh em em » với nàng, nên nhân buổi hẹn, đã ngầm giới thiệu bạn trai nên mới rủ anh này đến ngồi đây và xem ra họ thân nhau, chẳng thế mà đang cười cười nói nói. Chẳng hiểu họ ngồi đây với nhau từ khi nào. Ít ra cũng từ khá lâu, vì Đán bị trễ giờ.
Thu Hằng hơi bối rối đưa tay về phía Đán giới thiệu:
- Anh Đán, và chỉ qua người bạn cùng lớp, đây là anh Quân.
Đán bất đắc dĩ phải lại gần. Lạnh nhạt bắt tay Quân. Quân lịch sự đứng lên bắt tay Đán. Rồi vẫn đứng, không ngồi xuống nữa. Đán hơi đỏ mặt lên, nói nhanh, giọng hơi lí nhí:
- Xin lỗi Thu Hằng, tôi bị hỏng xe, nên đến trễ. Xin lỗi nhé.
Đán nhìn nhanh cả hai người một lượt, có vẻ cố nén cái gì, rồi tiếp:
- Thật ra không có gì cần nữa, nhưng vì không kịp thông tin với Thu Hằng nên xin xem như huỷ bỏ cuộc nói chuyện đã hẹn. Làm Thu Hằng mất công đến sớm. Tôi xin lỗi lần nữa. Thôi, xin chào, tôi... phải đi ngay đây.
Đán quay đi như bỏ chạy. Thu Hằng và Quân ngẩn người ra. Qua cái nhìn của Đán, cả hai cùng ý thức rằng Đán hiểu lầm. Thu Hằng bối rối rõ rệt. Nhưng vì thật sự Đán cũng chẳng là « cái gì » của nàng cả, chẳng lẽ phải chạy theo Đán để cắt nghĩa? Cắt nghĩa cái gì mới được chứ? Còn Quân cũng thật ngỡ ngàng. Thấy rõ là vì mình mà Đán hiểu lầm. Vì mình mà Đán bỏ đi. Vì mình mà có thể hai người giận nhau. Quân thì lại tưởng Đán và Thu Hằng yêu nhau, đang có chuyện quan trọng cần giải quyết. Có thể đang giận nhau và hôm nay có thể gặp nhau để giảng giải gì đây, làm lành chẳng hạn hay chuyện quan trọng hơn nữa. Quân cứ ngẩn ra và nhấp nhổm như có ý chạy theo kêu Đán trở lại. Nhưng xe của Đán đã vút qua cửa lớp đi mất rồi. Hơn nữa đã lục tục có người đến học. Quân có vẻ áy náy, nhưng cũng phải dời chỗ, về ghế của mình xưa nay. Riêng Thu Hằng cảm thấy bực bội hết sức. Đán thật là nóng tính. Chẳng kém gì nàng. Hôm trước thì là nàng, hôm nay lại là Đán. Hỏng hết cả. Bực mình không chịu được. Thế nhưng Thu Hằng càng hiểu rằng Đán phải yêu mình nhiều mới ghen như thế. Nàng cũng nhận thấy Đán không dám xưng anh gọi em với nàng nữa, mà xưng tôi và gọi tên nàng. Thật là khổ. Đã là cái gì của nhau đâu mà ghen cơ chứ. Anh chàng này thật là... hồ đồ, nhưng cũng thật... dễ thương, nhưng cũng thật... lẩm cẩm nữa. Bực quá. Tự nhiên thì... đang vui vẻ... cứ nhắng lên làm đổ vỡ hết cả. Thu Hằng cũng tiếc và tự trách mình khi giới thiệu Quân với Đán, nàng đã không nói rõ « anh Quân, bạn học cùng lớp ». Nếu rõ như thế thì chắc chắn Đán đã không bỏ đi như vậy và mọi chuyện không... đổ bể như thế này.
Từ sau buổi nói chuyện hụt đó, Thu Hằng đã sẵn thắc mắc lại càng thắc mắc, chẳng thể biết nếu không có Quân, không có hiểu lầm, thì Đán sẽ nói chuyện gì với mình. Nhưng Đán mất tăm mất tích luôn. Thế là tự nhiên mất bạn. Nào Quyền mất tích, bây giờ thì Đán. Cái số mình sao lại kỳ khôi thế chứ? Chưa là bạn cũng đã mất rồi. Thật chán mấy anh đàn ông con trai này. Dễ hờn, dễ lẫy, còn hơn đàn bà con gái. Nhưng mà thôi, chẳng lẽ phải đi tìm năn nỉ mấy anh? Anh không thích chơi với tôi nữa thì thôi.
Cuối niên học, tự nhiên Thu Hằng nhận được một lá thư đóng dấu bưu điện trung ương Sài Gòn. Không có tên người gửi. Hoàn toàn không thể biết ai gửi. Ai đây? Viết gì ở trong? Tò mò mở ra. Thu Hằng bỗng cảm động thật. Đây là thư của một người ái mộ mình. Nét chữ lạ. Không phải chữ của Đán.
Chiều hôm nay Chủ Nhật, trời mưa như trút. Sấm đùng đùng. Những tia chớp nhấp nhoáng dằn dịt nền trời mây đen vần vũ. Ông trời đang giáng cơn thịnh nộ xuống lũ người loi ngoi dưới trần gian này. Cành cây kêu răng rắc, gẫy rớt. Có cành còn máng trên giây điện, cứ đong đưa như sắp cứa đứt cái giây điện đã cũ. Thật là nguy hiểm. Lá cây cuốn theo chiều gió lốc. Từng vòng cuộn lên hụp xuống rồi tả tơi bay đi. Lệt xệt trên vỉa hè, trên mặt đường lướt thướt. Những lúc mưa to như thế này Thu Hằng bỗng thấy sợ đấng Thượng Đế hơn. Kinh khủng thật. Ông trời ra oai, kinh khiếp quá. Nếu đang đi ngoài đường chắc chắn nàng sẽ phải núp đâu đó, vào quán nước hay hàng hiên cửa tiệm, nếu có rạp ciné thì nhất. Cứ ở đó nhìn mấy tấm quảng cáo đợi trời hết giận mới dám ra đường.
Nhưng bây giờ, trời đang mưa thì Thu Hằng đang mở thư ra đọc. Đang nằm trên giường êm ấm. Thu mình trong chăn. Trời tối xầm nên dù đang xế trưa, vẫn phải bật đèn bên đầu giường. Ánh sáng ấm áp toả ra tăng thêm vẻ thơ mộng cho căn phòng con gái của nàng. Lời thư tha thiết. Phải nói là lãng mạn đến thống thiết mới đúng. Anh ví anh như Trương Chi và mối tình của anh chỉ còn cách theo anh xuống tuyền đài như trong truyện truyền thuyết đó. Lá thư dài hai trang giấy. Mầu xanh nhạt. Góc trái phía trên được gắn trong miếng thiếc bạc. Trông thật lịch sự. Càng đọc, Thu Hằng càng cảm động và càng tội nghiệp tác giả. Đọc đi đọc lại vẫn thấy cảm động và vô cùng tiếc cho tác giả. Nàng thầm nói lời cảm tạ người viết thơ ẩn danh, rồi cẩn thận cất lá thơ vào trong cái hộp sắt. Đã có vài lá thư trong đó. Cũng như có cái thư ngắn gọn của Đán. Cùng vài cánh hoa khô lấy từ bó hoa của Đán tặng. Thu Hằng nằm trên giường êm ấm mà lòng hơi se thắt, ngẩn ngơ suy nghĩ mông lung.
Hiện giờ Thu Hằng chưa thấy yêu ai. Nàng cũng đôi khi tự hỏi khi yêu mình sẽ thấy sao. Nhiều lần nàng cũng có nghĩ đến vài khuôn mặt nào đó. Nhưng nghĩ đến đấy rồi quên ngay đấy. Thu Hằng cảm thấy hiện tại mình thoải mái sống đời một người con gái mới ra trường, mới bước vào đời. Mặc dù không tin hoàn toàn nơi số phận, nhưng Thu Hằng cũng không thích cảnh gán ghép, mai mối, gia đình này với gia đình khác. Nên khi các bà bà con trong đại gia đình đòi giới thiệu, Thu Hằng kiếm cách chuồn. Nàng mong được chính mình quyết định đời mình và cam nhận chịu hậu quả. Mặc dù không dám chê những nơi được giới thiệu. Nhưng mà thấy nó... sao sao ấy.
* * *
Ở nơi làm việc, hầu như ở bất cứ tập thể nào cũng thế, những lính mới tò te làm quen với nhau dễ dàng hơn và dễ tụ họp thành một nhóm. Đấy là bản năng hợp quần gây sức mạnh, tránh cảnh ma cũ bắt nạt ma mới. Tuy nhiên không có nghĩa là hãng của nàng có nhiều người... hắc ám... Có thể nói không khí khá dễ thở và đôi khi còn khá thoải mái là khác. Nhưng những ma mới vẫn túm tụm với nhau dễ hơn và tự nhiên từ đấy cái nhóm này thành hình và có những sinh hoạt riêng sau giờ làm việc.
Bát phố, ăn uống, chứ không ăn nhậu. Nhiều khi cả ngày làm việc trong một hãng rồi mà có khi vào ngày cuối tuần cũng dắt nhau đi bát phố, lượn lên lượn xuống ở các lề đường ngập sách cũ bầy la liệt hay là ngập hàng hoá, quần áo, đồ dùng linh tinh. Nhiều khi chẳng mua bán gì. Nhiều khi chỉ một người mua, cả bọn... cho ý kiến. Phá phách thật vui nhộn. Còn ăn thì khỏi nói. Con trai trong nhóm cũng ăn hàng chẳng kém con gái. Chỗ nào cũng vào ăn thử. Chỗ chê không ngon, nơi chê đắt. Rồi tổ chức cả tại nhà. Mỗi người mang đến một món. Tuy nhiên hơi khó chịu vì đa số nhà chật chội, phần thì cha mẹ, anh, chị rồi lũ em đầy cả đấy. Đùa rỡn gì được đâu, không vui bằng ăn chơi ở ngoài. Thế là cuối cùng cử một « chuyên viên » đi ăn thử. Nơi nào « được », có nghĩa là vừa rẻ vừa ngon, thì báo cáo và cả nhóm kéo đến.
Thỉnh thoảng, gặp ngày lễ, cả bọn tổ chức đi hồ bơi, đi du ngoạn. Vài lần đi cả Vũng Tầu tắm biển hay đi Thủ Đầu Một ăn trái cây ngay tại vườn nữa. Ăn xong một bụng lại còn mua về cho gia đình. Các cô mê đi Thủ Đầu Một hơn vì ăn trái cây thả dàn. Măng cụt tươi nguyên, ngọt như đường cát mát như đường phèn. Vú sữa thơm ngọt. Sau đó mắc võng, vì có mang theo võng, các cô bắt hai cậu trai treo võng lên để các cô nghỉ trưa, nằm mơ màng hay đấu láo tiếp dưới tàn cây. Có khi bắt các cậu đẩy võng mỏi tay. Các cậu thì khoái đi Vũng Tầu hay đi hồ bơi hơn. Vừa được ngắm các cô bạn vừa ngắm luôn các cô con gái khác nữa. Hơn nữa, đi với bốn cô, đến đâu được nghe trầm trồ, xít xoa đến đấy, các cậu thấy hãnh diện... lây. Được là bạn của bốn người đẹp này không phải dễ. Nhóm mang tên Lục Tào Xá. Có hai trự con trai là Lộc và Khánh, còn lại bốn cô trong đó có Thu Hằng. Tên của nhóm do các cô đặt, hai anh con trai chẳng thấy nhóm cần có tên, nhưng mà các cô đã muốn thì... đàn bà muốn là trời muốn.
Trong thời chiến tranh mà nhóm bạn còn được rong chơi thì quả thật đó là may mắn hiếm có. Chẳng qua Lộc và Khánh sau khi thi tuyển và được hãng cấp học bổng cho đi du học thì về nước phục vụ, thuộc vào loại chuyên viên tối cần thiết, cho nên đến nay không phải đi lính, chỉ học quân sự vài tuần rồi trở lại nơi làm việc. Trong hãng này, hai anh chàng làm quen được với nhóm Thu Hằng.
Ở cái thời chiến tranh rình rập đêm ngày thế này, có người được gia đình cho đi du học để ở lại ngoại quốc, không về nước nữa, vì sợ con trai bị đi lính, nhất là con trai duy nhất trong gia đình, mặc dù hiến pháp cho phép người con trai duy nhất hay cuối cùng của một gia đình được miễn dịch, nhưng các bậc cha mẹ vẫn... cẩn thận gửi con đi xa, nếu họ có khả năng tài chính. Có người không chủ đích ở lại ngoại quốc, nhưng không về nước tuỳ theo tình hình chính sự trong nước và đôi khi tuỳ theo sự việc họ bị lung lạc ít hay nhiều bởi những tin tức bóp méo do bọn thiên cộng tung ra ở Hải Ngoại. Đa số học thành tài, nhưng cũng có người chỉ lo ăn chơi, lượm được cái bằng nhẩy đầm, các bậc cha mẹ hàng tháng, hàng năm cứ è cổ ra gửi tiền sang cho... cậu quý tử rong chơi, nên các cụ chỉ còn biết thở ngắn với than dài. Trong nước thì có thanh niên chạy chọt để trốn lính, hay đi lính kiểng, làm việc ở văn phòng, hoặc xoay sở để biệt phái vào nơi cho là an toàn. Và ngược lại vẫn có đa số thanh niên... bình thản, bình tĩnh học hành, chờ ngày... đi lính nếu đất nước cần tới mình. Lại có những thanh niên vui vẻ nhận quân đội là gia đình, nên tình nguyện đi lính. Đặc biệt, cũng có chuyên viên thực sự cần thiết nên vẫn là dân sự. Đó là một may mắn hiếm có.
Cái xã hội dân chủ non trẻ ấy cứ lớn dần lên. Người thờ ơ, người nhởn nhơ, thì cứ thờ ơ, cứ rong chơi. Ai xây dựng, ai đóng góp cứ việc, đừng bắt tôi săn tay áo làm là được. Cứ mặc tôi « tự do » ngồi hằng giờ trong bóng đêm của phòng trà hay quán bar nhan nhản mọc lên như nấm, đấu láo, phì phèo thuốc lá hay hít cần sa, ma tuý là xong. Ai muốn đi lính bảo vệ gia đình, bảo toàn đất nước, thì cứ việc đi. Chuyện đất nước hay dân tộc ư, người trốn lính chẳng biết gì ráo, ai chết mặc ai, không phải tôi là được. Nhạc lãng mạn tiền chiến, nhạc hùng, nhạc chiến trường, nhạc tình lính và hậu phương, nhạc kêu đường, nhạc phản chiến, cứ tự do thẩm thấu vào tai người dân. Báo chí, cả vài chục tờ ra hàng ngày, hàng tháng. Tờ được cho là đàng hoàng, tờ bị gán mác ba xu, rẻ tiền, tờ thì bênh, tờ thì chửi, tờ thì đẩy cây, tờ chuyên đăng tin cán chó. Tiểu thuyết, khảo cứu, tập san, đua nhau ra mắt độc giả. Nhà sách lớn nhỏ ngập những tác phẩm in ấn ở trong nước chen chân với những sách báo ngoại quốc. Người dân, nhất là ở Sài Gòn tha hồ đọc.
Trường học từ cấp nhỏ lên cấp lớn, từ thủ đô đến làng xã xa xôi, hẻo lánh, hoàn toàn miễn phí, người dân tha hồ học. Ngay cả đến con cái những người tập kết theo Cộng Sản cũng không bị phân biệt lý lịch, họ cũng tha hồ học và nhiều người trở nên phần tử ưu tú. Ấy thế mà nhiều người vẫn cho rằng không đủ tự do. Làm sao một đất nước non trẻ như VNCH có thể dân chủ, tự do, y như những nước đã hưởng những tiến bộ đó lâu rồi, như các nước tây phương chẳng hạn. Một số người sốt ruột và đã vì thế trở thành miếng mồi ngon trước sự dụ dỗ, đâm bị thóc chọc bị gạo, của bọn ma đầu CSVN. Thế là biểu tình đòi cái này hạch cái nọ, ra cái điều tranh đấu. Dân chủ mà! Tổng Thống, chính phủ, hết đánh xuôi lại thổi ngược. Tự do mà! Lôi thôi « dân » quy tội độc tài thì khốn, mất mạng. Riết rồi người dân hiền lành, chân chỉ, chiếm đa số nhưng hoá ra bơ vơ, chẳng biết trông cậy vào ai, vào đâu. Và bọn hoạt đầu, cơ hội hay phản bội cứ như rươi. Việt cộng nhân cơ hội len lỏi, cài người, luồn lách, nằm vùng, lũng đoạn, rủ rê, đánh phá, không nương tay.
Vấn đề di chuyển trong nước, cũng được tự do. Ai muốn đi đâu, cứ việc đi. Từ thủ đô đến tận làng xã xa xôi, chẳng phải xin phép xin tắc, cũng chẳng ai truy hỏi, theo dõi. Chỉ có điều, xe hàng đi về các vùng hẻo lánh thường bị VC phá hoại, đường xá hay bị đặt mìn, xẻ rãnh, đắp mô, mà vì thế hành khách e ngại, vấn đề di chuyển có phần nào bị thu hẹp thôi. Việt cộng chận xe hàng đòi tiền mãi lộ hay lùa khách vào rừng tuyên truyền rồi cho đi tiếp. Đôi khi bắt cóc một hai người dằn mặt. Người dân ta thán, một mặt chửi VC tàn ác, mặt khác chê chính quyền yếu kém, không giữ được an ninh cho dân. Thế nhưng ít người tự nhủ rằng bổn phận người dân cũng là phải giúp chính quyền tiêu diệt kẻ nội thù hoặc tự trách mình sống thờ ơ, sống ích kỷ trước sự ngả nghiêng của Tổ Quốc. Họ làm như việc giữ nước, xây dựng nước không phải của họ, mà thuộc về chuyện của chính quyền mà thôi. Thành thử một đất nước bị chia đôi, bên ngoài thế giới kẻ thiên cộng khua chiêng gõ trống hùa nhau bôi xấu chính quyền miền Nam, bên trong hàng ngày bị nội thù đánh phá không nương tay, vẫn có người nuôi dưỡng kẻ thù ngay trong nhà họ, hoặc lén lút tiếp tế thường xuyên vũ khí, thực phẩm, thuốc men cho kẻ thù, khổ nỗi, không ai xa lạ, lại chính là... chồng, cha, anh, con em của họ. Bởi thế xã hội Việt Nam lúc nào cũng chằng chịt tình nọ, nghĩa kia, rối beng một mớ bòng bong, chẳng phân biệt nổi ai là kẻ nội thù, ai là người giúp nước. Đất nước như thế, xã hội như thế, lòng dạ người dân như thế, dễ gì điều hành?
Vừa có một tin và tin này đi nhanh... hơn cả tia chớp. Các cô đã xầm xì với nhau rồi. Lộc vừa cho biết sẽ có một anh chàng cùng du học với Khánh và Lộc, sẽ được cử đến đây làm việc. Ba người đã là bạn từ hồi ở ngoại quốc. Lộc và Khánh tốt nghiệp xong về nước ngay, trong khi Tuấn, tên anh lính mới, còn ở lại vài tuần thăm gia đình bà cô ruột lập nghiệp nơi xa từ lâu. Bà lấy chồng ngoại quốc và theo chồng về xứ. Vì thế, anh ta về nước sau, làm việc tại ngành khác mặc dù cùng hãng. Nhưng bây giờ sẽ về làm cùng một nơi. Hãng cũng chỉ mới thành lập không lâu lắm, đang đợi ba đợt duy nhất chuyên viên tối cần thiết về nước làm việc. Cho nên sẽ ồ ạt nhân viên mới có mặt. Trong một thời gian thật ngắn, nhóm Lục Tào Xá bỗng trở thành ma cũ.
Chưa gì hết Lộc đã rào trước:
- Mấy cô không được ăn hiếp bạn tôi đấy nhé.
Câu dặn dò này khiến đám con gái nhao nhao lên. Thuý Vân cho ý kiến, giọng mỉa mai:
- Ứ ừ, có vẻ là tay chơi đấy nhé. Không về « phục vụ quê hương đất nước » ngay mà còn lo vi vút ở Paris với đào mà láu cá nói là còn phải thăm gia đình cho có vẻ « vì chữ hiếu ».
Ái Trinh thêm:
- Anh chàng này có vẻ đại lãn, chơi trước làm sau, mấy bồ ạ. Mai mốt chúng mình phải « sai vặt » cho thật nhiều, cho bớt tính ham vui đi.
Bích Thuỷ sặc cười khi nghe Ái Trinh đe doạ:
- Khiếp, làm gì mà kinh thế? Chưa biết con người ta ra sao mà đã đe nẹt rồi, bà này ác quá.
Ái Trinh quắc mắt lên:
- Dậy « con... nít từ thuở còn thơ. Huấn luyện... anh chàng đó từ thuở bơ vơ mới về » là đúng quá rồi. Không cho vào khuôn vào phép ngay rồi thì lộng, rồi làm sao đây? Bạn các ông Lộc ông Khánh chứ bộ. Đâu phải người ngoài. Chẳng lẽ lúc có chuyện gì thì « xịt ra » khỏi chơi hay sao?
Thuý Vân lại nói:
- Hữu lý, hữu lý. Cứ để cho Ái Trinh nó dợt cho vài đường lăng ba vi bộ cho đâu vào đấy, thế mà yên thân. Vui vẻ cả làng, phải không?
Lộc và Khánh không dám hó hé nói câu nào. Các anh đã bị « dợt », đóng khuôn kỹ quá rồi. Tuy nhiên được phục vụ các cô bạn này là một điều thú vị. Các cô chỉ ào ào thế thôi mà thật ra rất thẳng thắn, rất cởi mở, rất tiến bộ. Chơi với các cô, Lộc và Khánh thật thoải mái, y như chơi với bạn trai. Các cô có hay... sai bảo thật, nhưng cũng không quá đáng bao giờ. Đó là những điều Lộc và Khánh thích nhất. Nay mai có thêm Tuấn, hẳn là sẽ vui thêm nhiều, vì Tuấn cũng rất hợp tính tình.
Thấy Thu Hằng chỉ cười phụ hoạ, không nói năng gì, các cô nhao nhao:
- Này Thu Hằng, đã biết mặt ngang mũi dọc của người ta chưa mà đã có vẻ mơ mộng rồi thế?
Thu Hằng quơ tay đập nhẹ lên vai Thuý Vân:
- Khỉ, ai mơ mộng bao giờ, chỉ bịa chuyện.
Ái Trinh bồi thêm:
- Thôi đi, chưa gì hết, mặt bồ đã nghệt ra.
Thu Hằng giẫy nẩy:
- Ơ hay, lạ nhỉ? Không đùa dai như thế đâu đấy! Xưa nay đã cấm đùa dai như thế cơ mà.
- Ờ nhỉ, phải hỏi ông Lộc xem anh chàng Tuấn thế nào chứ. Lỡ như Quasimodo thì bỏ xừ, mất công Thu Hằng nó mơ.
Bích Thuỷ có vẻ hoà hoãn nhất. Cả bọn cười phá lên. Nói là để hỏi Lộc nhưng trong lúc vui các cô quên luôn. Nhưng óc tưởng tượng phong phú của các cô lại hoạt động ngay tức thì. Mỗi cô tranh nhau tả mỗi kiểu. Diện mạo Tuấn tự nhiên bị đem ra mổ xẻ. Có khi răng hô mũi tẹt, có khi mắt lé lại rỗ rằn rỗ rịt, có khi gù lưng thọt chân như anh gù nhà thờ Đức Bà thật sự. Các cô cứ cười xiêu vẹo cả người. Chẩy cả nước mắt nước mũi ra vì các hình dáng dị hợm, thảm hại đó. Mặc dù thâm tâm các cô không khinh rẻ chê cười những người tàn tật, nhưng trong lúc vui đùa, các cô cứ tha hồ tả chân rồi cười thật vui nhộn. Bỗng Thu Hằng nói:
- Nãy giờ tụi mình toàn là tả xấu cái ông Tuấn đó không à. Đã chắc gì ông ta như thế. Sao không nghĩ ông ta đẹp trai?
- Ừ nhỉ, có lý đấy nhé. Nhưng mà khiếp, chưa thấy mặt mà đã bênh, làm như đã là phe ta rồi.
Thế là cả bọn lại thi nhau tả các tài tử ciné thường được ưu chuộng. Tuấn lại được đem ví với James Dean, cái đẹp yểu tử. Cũng lại Thu Hằng la lên:
- Thôi không thể là James Dean đâu, không nên so sánh với người đã chết. Ghê quá đi.
Ba cô kia lại nhao nhao đồng ý.
- Ừ, thôi, bỏ James Dean. Thế thì là Rock Hudson, to cao, đẹp trai nhất nước Mỹ, còn ai bằng nữa. Nhưng mà, mấy bồ nhận thấy không, lại vẫn Thu Hằng che chở phe ta đấy nhé.
- Hai lần cô ta bênh rồi, lại chẳng thấy.
- Không, Gregory Peck, vừa đẹp vừa có vẻ thông minh.
- Hay là John Wayne?
- Thôi thôi ông này cao bồi già như chú mình rồi còn gì. Này này, đừng gọi chú bằng anh nhé.
Như nghĩ ra điều gì, Ái Trinh bỗng bật dậy khỏi võng. Vừa chạy đi vừa nói với lại:
- Để đi tìm ông Lộc hỏi mới được. Tội gì mà đoán mò mãi.
Cả bọn đang cắm trại tại vườn cây. Đang nằm ngủ say sưa dưới tàn vú sữa, Lộc bị đá một cái mạnh vào chân. Anh chồm dậy, hoảng hốt:
- Cái gì thế?
Tiếng hét của Lộc làm Khánh cũng tỉnh dậy. Ái Trinh đứng chống nạnh, cười toe toét, bịa chuyện:
- Đến đây tìm yên tĩnh mà hai ông ngủ gì mà ngủ say thế? Cứ gầm lên như hai ông mãnh thế này. Tụi này ở xa tít đằng kia mà còn nghe thấy. Thôi dậy đi, ngủ nhiều quá, lú lẫn hết bây giờ. Ra đây tụi này có chuyện muốn hỏi.
Đang ngon giấc, bị đánh thức, Lộc và Khánh cùng hộc lên một tiếng, rồi Lộc nói:
- Ối trời ơi, thế này thì có khổ không? Ngủ thì phải ngáy chứ? Cái bà chằng lửa này lạ nhỉ? Chui vào xó này rồi mà bà cũng không để chúng tôi yên thân. Lại rủ đi đâu nữa đây? Thôi nhé, hôm nay anh em chúng tôi phục vụ các bà đủ rồi, hết mình rồi. Nào trèo cây hái trái, nào mắc võng, nào đưa võng què cả tay ra rồi. Vừa ngả lưng ngủ được một tí, xạc lại bình. Còn kêu réo đi đâu nữa đây?
Ái Trinh cứ toét miệng. Nhìn hai cái đầu bù xù và hai cái mặt ngái ngủ cau có thì tức cười quá, nên cứ đứng cười ngặt nghẽo. Lộc dịu giọng:
- Này bà chằng, cười mãi thế? Có chuyện gì đâu?
- Không sai bảo nữa đâu mà sợ. Lại đằng kia, tụi tôi muốn hỏi ông vài chuyện.
- Hỏi thì lại đây mà hỏi, còn bắt con người ta đi ra đấy.
- Khiếp làm bộ vừa thôi nhé. Đàn ông con trai gì mà có mấy bước, mấy thước đường, mà cũng ngại. Cho đi lính là hết than thở. Đi, lại đằng kia với tụi này nói chuyện.
Giọng Ái Trinh bỗng dịu hẳn lại. Miệng tuy lầu bầu, Lộc vẫn lồm cồm bò dậy. Khánh nằm xuống lim dim. Thấy Ái Trinh không kêu mình thì tính ngủ thêm. Lộc kéo lê cái chiếu đi theo đến gần lũ con gái. Vừa trải chiếu xong thì lại thấy Khánh cũng kéo chiếu về gần. Cả bọn con gái lao xao cười vì thấy hai khuôn mặt thèm ngủ. Các cô vẫn ngồi võng. Hai anh trải chiếu gần đó. Dựa vào gốc cây. Mắt hấp him vì nắng trên cao đang nhẩy múa xuyên qua cành lá.
Buổi trưa trong vườn cây thật đẹp. Yên tĩnh quá. Tiếng chim líu lo trong lá. Những con chim nho nhỏ rúc rích, nhẩy qua nhẩy lại. Chuyền cành nọ sang cành kia. Có con đột nhiên xòe cánh bay thẳng sang cây khác. Đường bay thẳng băng. Con khác bắt chước theo. Làm như chúng đang chơi trò dượt đuổi. Rồi chúng chí chóe nhau. Tiếng chim ríu rít. Tiếng người dưới các gốc cây, trên võng cũng rộn ràng. Tàn lá vú sữa mầu nâu tím bóng loáng rợp che. Bao nhiêu trái còn đong đưa trên cành. Buổi du ngoạn thật vui và dễ chịu. Thuý Vân dịu dàng nhắc:
- Vuốt tóc lại đi hai ông. Trông như hai cái ổ rơm ấy.
- Cám ơn lời khen của bà. Khánh nói.
Lộc và Khánh cùng vùi hai bàn tay vào mớ tóc, vuốt lại. Thuý Vân liếc một cái thật dài. Đuôi mắt dừng lại trên khuôn mặt Khánh giây lát.
- Đâu, chuyện gì mà mấy bà kêu réo tụi này thế? Ngủ cũng chẳng yên. Lộc hỏi.
Ái Trinh lại nhanh nhảu:
- Tụi này đang muốn biết dung nhan của ông Tuấn, bạn ông đây.
Lộc trợn mắt lên hét:
- Trời đất ơi, có thế mà bà cũng đến đánh thức người ta rồi còn đạp người ta gần gẫy giò nữa. Ác đâu mà ác thế cơ chứ?
Cả bọn con gái cười ào ào. Bỗng nhiên, Lộc sửa lại bộ tướng, ngồi ngay ngắn lên, hắng giọng, lấy vẻ trịnh trọng tiếp:
- Ai muốn biết mặt già Tuấn giơ tay lên?
Bốn cô không ngờ có câu hỏi đó, lại bị tật tò mò kính thích, đồng loạt nhẩy nhổm lên và giơ cao tay, miệng nhao nhao. Lộc láu lỉnh, một tay giơ lên ngang mặt thủ thế sẵn, một tay chỉ vào má mình, nói:
- Muốn biết phải không? Ai muốn biết thì phải hôn vào đây một cái.
Bốn tiếng thét cùng đồng loạt phát lên một lượt. Các cô cùng nhẩy ra đập vào lưng Lộc đồm độp:
- Còn lâu, còn lâu. Tu thêm vài kiếp nữa.
Lộc còng lưng xuống chịu trận, cười nhăn nhở:
- Úi da, đã quá, đã quá, đang mỏi lưng thì có một bầy tiên nữ xuống đấm bóp cho. Nhưng còn lâu hả, thế thì thôi, đây không tả mặt mũi già Tuấn nữa.
Lộc buông thõng. Bọn con gái vừa cười vừa quát nạt, Lộc vẫn tỉnh bơ. Xong đâu đấy, khi các cô phụng phịu ngồi yên, sợ các cô dỗi hờn thật, Lộc lại giả bộ lẩm bẩm hơi lớn tiếng:
- Nói thật chứ, trên đời này còn ai đẹp trai bằng Nguyễn Tiến Lộc này nữa cơ chứ. May ra có Trần Huy Khánh ngồi bên cạnh đây thôi, tìm kiếm làm chi?
Bốn cô lại hú lên rồi cười hinh hích. Riêng đuôi mắt Thuý Vân dừng lại trên khuôn mặt Khánh lần nữa. Cô thầm nghĩ, Lộc nói đúng, nhưng khuôn mặt Khánh hợp với ý thích của cô hơn. Ái Trinh đanh đá:
- Chu choa, ghê nhỉ? Người đâu mà tự phụ thế cơ chứ? Chẳng thấm gót Robert Taylor mà làm tàng.
Lộc đốp liền:
- Mấy anh kép hát ấy nhằm nhò cái gì. Người bằng xương bằng thịt đây không mê, đi mê kép ciné.
Ái Trinh đỏ mặt lên xấu hổ, nhưng vẫn cố cãi:
- Ai mê? Người ta nói thế thôi chứ bộ.
- Có thật người ta chỉ nói thế thôi không?
- Thật chứ bộ. Giọng Ái Trinh nũng nịu.
Tuy láu lỉnh thế mà cô vẫn bị Lộc gài. Đến khi kịp nhận ra là mình đang « thú tội » trước mặt mọi người thì cô đỏ tía lên và vội nín bặt. Lộc được thể cười ha hả sung sướng. Tuy nhiên sợ Ái Trinh thẹn quá hoá giận, Lộc khôn khéo tiếp luôn:
- Già Tuấn ấy à, nếu các bà bằng lòng, hôm nào tôi giới thiệu cho. Nhưng phải cho anh em tôi một chầu ăn uống cái gì chứ giới thiệu xuông thì « ai can dzu, ai xin dzu », không được đâu, thấy nhạt nhẽo quá. Phải không Khánh?
Thuý Vân mau miệng:
- Gì chứ ăn uống, Bích Thuỷ là một cây nấu ăn ngon. Ai cũng biết tiếng. Tụi này phụ một tay là có ăn ngay.
- Ơ lạ nhỉ? Mấy người muốn biết mặt ông Tuấn nào đó mà tự dưng bắt tôi nấu nướng.
- Thì lúc nãy bà chẳng giơ tay muốn biết mặt già Tuấn là gì? Khánh nói.
Bích Thuỷ cười cười:
- Ờ thì cũng được. Hẹn ngày đi rồi có ăn ngay.
Buổi du ngoạn thật vui nhộn. Ai cũng vui tươi, hớn hở. Đặc biệt hôm nay Lộc và Ái Trinh vui hơn mọi lần. Mặc dù chẳng ai nói, chẳng ai làm gì rõ ràng. Nhưng cả hai người nhận thấy có cái gì thật mơ hồ, thật bàng bạc, một chút cảm tình đặc biệt dành cho nhau. Nhưng chưa ai có thể đặt tên cho thứ tình cảm ấm cúng vừa bộc hiện này.
Nhóm Lục Tào Xá, đúng ra là bốn cô gái, dài cổ ra đợi cả tháng trời sau mới lại có tin về Tuấn. Ái Trinh báo động:
- Ông Lộc bảo là nếu Chủ Nhật sắp tới trời xấu không đi pique-nique như dự trù được thì tụi mình họp nhau ở nhà ông ấy. Tất nhiên có ông Tuấn nữa, vai chính mà.
Đã hai mươi hai, hai mươi ba tuổi cả rồi, đã đi làm, nhưng cả bọn vẫn như con nít. Tất cả háo hức đợi.
Lộc mồ côi mẹ từ khi mới mười một tuổi. Bà bị ung thư sau vài năm chữa trị trong vô vọng thì mất. Cha Lộc tục huyền sau một năm ở vậy. Lộc có một em trai và một em gái cùng cha khác mẹ. Tuy không có xích mích gì, Lộc cũng ở riêng. Ngay từ trước khi mười sáu tuổi, Lộc đã ở chung với một người bạn vong niên cũng mồ côi. Sau khi đậu tú tài thật sớm. Anh thi học bổng rồi du học. Lộc về nước, thuê một căn hai phòng ở lầu ba trong một cao ốc gần sông Sài Gòn. Phòng có lan can nhìn ra sông. Ở Pháp, Lộc gặp Khánh và Tuấn. Ba người thành một nhóm Tướng Sĩ Tượng, như các bạn Việt Nam vẫn thường gọi hay là Les Trois Mousquetaires, tên này do bọn bạn Tây đặt cho.
Khánh là con một, gia đình khá giả. Nhưng anh không có vẻ « cậu » như một số con nhà giầu và được cưng chiều vì hiếm hoi. Khánh luôn luôn biết giúp đỡ bạn nghèo khó, biết lắng nghe tâm sự của kẻ cô đơn thiếu thốn. Khánh trầm mặc, ít nói và khi nào cũng sẵn sàng. Trái hẳn lại tính tình của loại con nhà giầu thường hay bắng nhắng, kiêu căng tự phụ.
Tuấn là anh cả trong một gia đình ba anh em. Cha của Tuấn gốc miền Bắc, nhưng ngay từ thời các cụ cố đã di cư vào Đà Lạt. Ông lập gia đình với mẹ của Tuấn gốc người Đà Lạt rồi lập nghiệp luôn ở đây. Ông giúp người anh vợ lo đồn điền cà phê ở Bảo Lộc, bà mẹ ở nhà lo việc gia đình. Sau thời gian rất dài ở Đà Lạt, việc đồn điền bớt hơn, các con trưởng thành, gia đình dọn về Sài Gòn ở Thị Nghè, tiện cho các con học đại học. Ông bố thỉnh thoảng phải vắng nhà, trở lên Bảo Lộc.
Ba người bạn, mỗi người một hoàn cảnh. Nhưng lại thân nhau. Tuy không nói ra, người nào cũng thầm đặt tương lai đất nước lên trên hết. Người nào cũng thấy đương nhiên cần tiếp tay xây dựng quê hương vì đã trải qua nhiều thế kỷ nhục nhằn nghèo khó. Cho nên khi tốt nghiệp xong cả ba trở về không chút do dự. Không ở lại ngoại quốc như một số du học sinh khác. Đất nước thật sự cần nhiều bàn tay đóng góp tài sức và điều đương nhiên là trở về.
Thời gian nô lệ Tầu quá dài. Thời gian nô lệ Tây tuy ngắn hơn, nhưng hệ luỵ sâu đậm hơn. Với kiến thức khoa học, người phương Tây biết nghiên cứu những nhược điểm của người Việt Nam và họ bỏ nhiều công sức để khai thác nhược điểm đó để dễ bề cai trị. Họ gia ơn cho người này, họ ức hiếp kẻ khác. Họ đâm bị thóc, họ chọc bị gạo, làm sao cho người bắc ghét kẻ nam, làm sao cho đất nước phải sống nhờ vào họ để dễ bề sai khiến. Rồi một ngày, đất nước Việt Nam bị họ đem ra chia cắt với sự đồng loã của một bọn cũng là người Việt Nam nhưng tráo trở, ma đầu, hèn hạ, vong bản, nô lệ ngoại bang. Một đất nước xinh tươi như thế, bất cứ ai du lịch qua đều giữ lại những hình ảnh đẹp về một miền đất gấm hoa, nơi có người dân thật sự hiền hoà và chăm chỉ.
Sau cuộc thi tuyển được gửi đi du học, ba người bạn gặp nhau nơi xứ lạ, đều cùng học một nghề, đều có cùng một ước mơ, được đóng góp tài sức nhỏ bé của mình vào việc xây dựng lại quê hương. Cho nên, mặc dù, tương lai không sáng lạn bằng nếu như ở lại ngoại quốc, mặc dù đời sống tại quê nhà sẽ hết sức khó khăn, nhất là chiến tranh đe doạ mỗi ngày một lớn rộng và hung hãn, ba người bạn đã trở nên bạn thân trong ý thức này và họ đều vui vẻ trở về. Trong lòng, chưa hề hối tiếc quyết định đó. Dù cho đất nước người ta lớn rộng thế kia, thanh bình thế kia. Biết bao phong cảnh đẹp hùng vĩ hoặc thơ mộng chẳng kém quê nhà. Cuộc sống bừng bừng vui nhộn thế kia. Những người con gái cũng mặn mòi, dễ thương làm sao. Tuy không có những mái tóc đen huyền thả dài bay bay trong gió, nhưng mái tóc của họ cũng mang vẻ đẹp hết sức quyến rũ của mầu lúa chín, đậm mùi hương đồng nội. Lùa bàn tay vào vùng lúa chín đó cũng gây những cảm xúc dạt dào say mê. Thế nhưng, có cái gìì trong thâm sâu tâm khảm vẫn réo gọi... trở về... trở về. Và rồi ba người bạn bỏ lại tất cả để nghe theo tiếng gọi quê hương, của con tim và của cả lý trí.
Như Lộc dự đoán, cả tuần nay trời mưa. Cứ từ ba giờ trưa là trời mưa như trút. Nhiều đường bị ngập trông mênh mông như một con sông uốn khúc vòng vèo qua những dẫy nhà biến thành những cô đảo. Cả Sài Gòn sũng nước. Người đi kẻ lại co ro, chùm áo tơi, nón xùm xụp. Những chiếc xích lô che kín hai bên cánh gà, buông bạt phía trước, trông như cái hộp dị hình di động. Hai bánh xe ngập trong nước. Bác phu xe ướt như chuột, quần áo dính hết cả vào thân người gầy tong teo, tóc rũ rượi, gò lưng đạp trong gió lộng. Khách bên trong ngồi co chân lên nệm, sợ nước bắn lên từ dưới lòng xe chỗ để chân. Đôi khi mái xe còn có chỗ dột. Những chiếc tắc xi trông như những con cóc, tiến tới ào ào bất kể khách bộ hành. Nước rẽ ra như giòng thác bị đá chặn. Dềnh lên hè đường. Nước liếm vào gấu quần của khách đi trên vỉa hè. Có người cẩn thận xắn cả quần lên để lội bì bõm. Sài Gòn thật đặc biệt. Sài Gòn hỗn tạp, nhưng đấy là Sài Gòn. Thật thân thiết và đồng thời cũng thật xa lạ. Có những khuôn mặt của Sài Gòn mà những người chân chỉ làm ăn không bao giờ biết đến được. Có những khu nhà sang trọng, vườn cây bao quanh, kín cổng cao tường. Nhưng chưa chắc đã là những nơi thâm nghiêm. Có những khu nhà ổ chuột, quanh co qua nhiều cây cầu chênh vênh, èo uột, được gọi là cầu khỉ, nhưng chưa chắc đã chứa kẻ bất lương. Những căn nhà, thì cứ phải gọi là nhà, nơi con người nghèo khó chui ra chui vào hàng ngày trú nắng đụt mưa, được xây cất trên mấy cây kèo, cây cột khẳng khiu lâu năm gần mục, một đầu xiêu vẹo chống đỡ những cái hộp dị hình đó, một đầu đâm sâu vào vũng bùn đen đặc quánh, mà mặt nước đen lờ nhờ đầy rác rến lềnh bềnh. Những rác vướng vào chân cột đọng lại thành mảng to nhỏ dật dờ theo mặt nước dềnh lên khi nước lên, thụt sâu xuống trải trên mặt bùn nhớp nhúa, khi nước xuống. Những người sống trong những hộp dị hình dị dạng đó đa số là những người từ vùng quê chạy loạn lên thủ đô lánh nạn việt cộng và kiếm sống qua ngày. Chính quyền còn phải lo toan nhiều việc hệ trọng hơn, nên đành để họ ở đó, không nỡ đuổi đi, nếu chưa có nơi chốn ăn ở tạm thoải mái cho người ta. Sài Gòn có những... tiến bộ... nguy hiểm trầm trọng và có những giá trị lâu đời cần phải lưu giữ. Sài Gòn là một nơi chưá nhiều mâu thuẫn. Sài Gòn tưng bừng, náo nhiệt, che khuất khuôn mặt của một Sài Gòn âu lo, trong những bước chân vội vã trở về mái ấm trước gìờ giới nghiêm, nghe ngóng tiếng súng đạn lâu lâu vọng về, tưởng như tiếng sấm gầm nơi xa. Sài Gòn với xe tuần cảnh vụt chạy trong đêm, lùng bắt bọn buôn ma tuý, vũ khí, đồ lậu từ các vùng biên giới về... và bọn nằm vùng, đặc công CS. Sài Gòn là như thế. Nhưng là đất nước, là quê hương. Nơi đây có cái gì níu giữ lòng người mặc dù đôi khi người lại mong đi xa Sài Gòn. Đi xa ra một chút để thở. Nhưng xa rồi thì lại nhớ Sài Gòn.
Bốn người con gái lao xao bàn tán về ngày Chủ Nhật thật gần. Sắp đến nhà Lộc. Chẳng những sẽ biết mặt Tuấn, các cô còn thoả tính tò mò cố hữu về nơi ăn chốn ở của Lộc. Chưa ai đến nhà anh bao giờ, ngoài Khánh. Riêng Ái Trinh, hơn ai hết, ngoài sự tò mò còn thấp thỏm một điều gì. Có lẽ nàng đã yêu Lộc ngay từ ngày đầu quen biết. Theo cảm nhận, Ái Trinh cũng thấy rằng Lộc không thờ ơ. Có lẽ cũng yêu nàng. Cả hai vẫn cùng kín đáo tỏ lộ tình cảm mình mà không cần nói ra, trong những buổi đi chơi chung, trong những lần trêu ghẹo nhau. Có lẽ bạn bè cũng đoán biết phần nào. Nhưng vì tôn trọng sự mong manh như tơ trời nơi tình yêu mới chớm, tất cả đều giữ đúng nền nếp, không trêu ghẹo cợt nhả, không gán ghép công khai, không xô đẩy trơ trẽn lộ liễu.
Khi cơn mưa lũ qua đi, chỉ còn những hạt nhỏ, có thể gần tạnh, thì các cô đã lao xao ngoài cửa. Lộc nhanh nhẹn ra mở ngay. Làm như anh cũng đã chỉ đợi giờ phút này. Các cô xếp dù bỏ vào một bình lớn dựng ngay góc nhà, gần cửa ra vào. Các cô vừa cười vừa nói. Chưa gì đã thấy vui. Căn nhà rộn ràng. Tuy cùng tiếp các bạn một lượt, nhưng Lộc vẫn nhìn Ái Trinh rất nhanh. Lộc ngây ngất, thầm khen nàng đẹp quá. Nhất là lúc này. Vài sợi tóc ướt dính vào đôi má nàng đỏ hồng vì vừa leo ba từng lầu. Mặt Ái Trinh như đoá hoa đượm sương buổi sớm. Ái Trinh bắt gặp đôi mắt trìu mến ấy, nên nàng đỏ mặt thêm.
Bản tính nhanh nhẹn Ái Trinh chữa thẹn bằng cách khen to:
- Ơ, nhà ông Lộc đẹp quá bà con nhỉ? gắn cái gương lớn chiếm cả một bên tường này có lý quá? Nó làm cho phòng rộng hẳn lên, lại sáng nữa. Nhưng mà coi chừng, tưởng nhà rộng rồi đường ta ta cứ đi, có ngày tông vào gương u đầu xứt trán đấy nhé.
Các bạn đồng cười rộ lên phụ hoạ mỗi người một câu. Ái Trinh thấy sung sướng hơn bao giờ hết. Lộc cũng vui và thấy ấm cúng như chưa từng bao giờ được.
Khánh khệ nệ bưng phụ các cô giỏ thức ăn do Bích Thuỷ trổ tài và có sự đóng góp của mỗi cô. Chỉ trong một loáng, tất cả mọi thứ được trình bầy thật bắt mắt trên cái bàn tròn kê gần cửa sổ lớn trông ra sông. Chợt Bích Thuỷ nhớ ra hỏi:
- Ủa, thế vai chính đâu?
Ai cũng biết vai chính bữa tiệc ngày hôm nay là ai. Cả bọn con gái sực nhớ tới ùa ra hỏi Lộc và Khánh.
- Ừ nhỉ, cái ông vai chính Tuấn, đâu rồi? Mải ngắm, mải khen nhà ông Lộc chưa kịp hỏi coi ông ấy đâu đấy.
- Từ từ, làm gì mà cuống cà kê lên thế? Thế bọn tôi đây là đồ bỏ rồi à? Lòng người thật là... có mới nới cũ. Nó có cái gì đặc biệt hơn hai thằng tôi đâu mà mấy bà mấy cô cứ quýnh lên thế này. Bất quá đẹp trai cỡ tụi tôi là cùng chứ gì, phải không Khánh?
- Bà cụ nó bị mệt từ hôm qua. Nó có điện thoại cho tôi sáng nay, nói là xin lỗi quý vị đồng bào, sẽ đến trễ vì còn đưa bà cụ đi bác sĩ đã.
Khánh chậm rãi nói:
- Tưởng là ông ấy lại xin lỗi lấy cớ chuồn luôn không đến ấy chứ. Ai đó nói.
Trời lại bỗng nổi cơn mưa trở lại. Khánh lại nói:
- Lại mưa lớn, điệu này già Tuấn lãnh đủ.
Vài phút sau thì có tiếng gõ cửa.
Lộc lại đùa:
- Đấy, người trong mộng của các bà đến đấy. Các bà muốn nhìn mặt thì được như ý rồi nhé. Nguyễn Tiến Lộc này chiều các bà đến thế là cùng. Đâu nào, có kính chiếu yêu chưa? Mục kỉnh đã đeo cẩn thận chưa? Coi chừng mắt nổ đom đóm đấy nhé. Sau này mắt mũi có sao, đừng trách kẻ hèn này đấy.
Đám con gái bụm miệng cười. Bích Thuỷ tự nhiên buột miệng:
- Chỉ có Thu Hằng chiếu kính, chứ tụi này chỉ đến để ủng hộ thôi.
Thu Hằng chỉ kịp nói:
- Ơ hay, Bích Thuỷ nói gì kỳ quá vậy. Đã bảo không được đùa dai...
Thì cửa đã mở ra. Một thanh niên khá cao, hơi gầy xương xương, đang đứng ở ngưỡng cửa. Một tay điềm tĩnh thọc túi quần, một tay đang vuốt ngược lên mái tóc ướt nước mưa. Thấy Lộc, anh tươi cười vòng hai tay ôm chặt lấy bạn, vỗ vỗ vào lưng Lộc.
- Xin lỗi, đến hơi trễ. Lâu quá, lâu quá, có lẽ gần nửa năm mới lại gặp... già.
- Vào đây, vào đây, không sao, ướt chút xíu nhằm nhò gì.
Lộc mời khi thấy Tuấn ngập ngừng không dám bước vào vì ướt. Tóc cũng còn sũng nước, nhỏ giọt xuống vai áo.
- Mưa to quá, tôi lại quên cái dù, vì vội quá. Xe đậu hơi xa, tìm mãi không thấy chỗ nào gần cả. Xin lỗi bà con đã phải đợi tôi nghe. Xin lỗi chủ nhà, tôi làm dơ quá đây này.
- Thôi thôi vào đi, chỗ bà con cả mà. Vào đi tôi còn giới thiệu chứ. Mấy bà chằng lửa này chờ đợi nhìn thấy dung nhan của... già từ kiếp trước rồi, nên cứ quýnh cà kê lên đây này.
Mấy cô con gái chỉ muốn lấy băng keo dán bịt miệng Lộc. Tuấn có lẽ chẳng hiểu rõ chuyện, vẫn dậm dậm chân tại chỗ vài lần rồi mới bước vào, lại reo lên:
- Ô Khánh, già khoẻ chứ?
Lại vòng tay ôm bạn thật nồng nhiệt. Nụ cười của anh thật ấm áp. Thu Hằng nghe như có một luồng điện vừa chạy suốt trong thân thể. Thu Hằng rùng mình. Chỉ trong một tích tắc, rồi luồng điện biến mất. Những câu đùa, gán ghép, của các bạn bỗng như mang vẻ điềm báo. Xưa nay chẳng ai đùa rỡn như thế. Nàng nhìn lén bóng Tuấn phản chiếu trong tấm gương lớn bên tường và phảng phất cảm thấy một điều gì vừa xuất hiện trong lòng nàng. Một điều gì mơ hồ lắm, chưa thể bắt giữ được.
- Đây, mấy bà chằng lửa đã làm khổ hai thằng tôi đây. Lại đây tôi giới thiệu với... già.
Lộc lần lượt giới thiệu. Tuấn do dự:
- Chào... chị.
- Già cứ gọi tên đi, tụi này gọi nhau như vậy hết.
Lộc nhanh nhẩu:
- Có thêm già, tụi tôi may ra đỡ bị sai bảo, hành hạ. Này các bà, bây giờ các bà phải thay đổi mục tiêu đi nhé. Chàng này to cao chắc hẳn các bà sẽ không nhắm xẩy đâu.
Các cô con gái tự nhiên im lặng hết. Làm như ngượng ngập. Không khí hơi lắng xuống một tí xíu sau phần giới thiệu. Nhưng ngay sau đó lại vui nhộn khi Khánh lên tiếng:
- Già biết không, cả tháng nay tụi tôi thật là khổ vì mấy bà này. Cứ nằng nặc đòi xem mặt già. Làm như tụi tôi là đồ bỏ ấy.
Các cô không ngờ bị Khánh lật tẩy nên nhao nhao lên:
- Ông này phản bội quá. Lộ hết cả.
Thuý Vân trách móc:
- Ai nằng nặc bao giờ, nếu có cũng không... Nàng định nói không phải tôi. Nhưng thấy bất lịch sự vội ngưng lại, đổi sang... không đến nỗi hành hạ các ông ghê gớm như ông Khánh tả oán đâu nhé.
Cô kèm theo một cái liếc thật dài. Trong lòng cô thầm nghĩ. Tại sao anh lại nói thế? Có bao giờ anh nhận thấy rằng lúc nào em cũng đối xử tốt với anh không?
Bất ngờ, rất tự nhiên, Tuấn ra đứng giữa phòng, dang rộng hai cánh tay, xoay người một vòng và nói:
- Thật vậy sao? Thế thì đây, xin trình diện, con người của tôi đây, các cô muốn mổ xẻ ra sao xin cứ việc.
Xưa nay bọn con gái cũng đã thích cách gọi nhau đặc biệt của Lộc và Khánh. Họ gọi nhau là... già, do dịch chữ... vieux của Pháp ( mon vieux ). Hôm nay bọn con gái lại ngẩn cả mặt ra vì ngạc nhiên lẫn thích thú vì thái độ rất tự nhiên của Tuấn. Anh vừa nói vừa cười thật cởi mở. Lại thêm giọng nói của anh nghe lạ tai. Chẳng phải Nam, không phải Trung, cũng không ra giọng Bắc. Mặc dù anh dùng nhiều từ ngữ Bắc. Cái giọng đặc biệt này cũng làm bọn con gái nghệt ra thêm. Ánh mắt các cô lộ vẻ thú vị hẳn hòi. Chắc chắn các cô thích thú vì có thêm một người bạn tính tình vui nhộn, xem ra dễ sống. Thu Hằng có dịp nhìn kỹ Tuấn hơn. Tóc đen xanh và cắt chải gọn gàng. Anh mặc áo trắng dài tay, quần xanh biển xẫm gần như đen. Trông giản dị và đứng đắn. Điều nổi bật ở khuôn mặt là đôi mắt sâu rất sáng, tít lại khi anh cười. Nhìn Tuấn tự nhiên, Thu Hằng bỗng cảm thấy như có niềm ấm cúng lẫn tin tưởng. Nơi anh có sự vững chãi, sự chín chắn. Ngoài ra Thu Hằng công nhận là anh có duyên nữa. Bốn cô gái rất vui khi thấy Tuấn cởi mở, tự nhiên, biết đùa, biết rỡn như Lộc, đồng thời tiết ra một nét đứng đắn vững vàng của người anh cả.
Trời vẫn mưa thật to. Giọt mưa lớn và nặng theo gió mạnh quất vào cửa kính rầm rầm. Cả bọn bị trận mưa lớn lôi kéo. Cứ đứng nhìn ra giòng sông mờ mịt nước mưa. Những con đò chòng chành dưới màn nước và gió. Sóng hơi dữ. Bên kia bờ xa, xóm nhà sàn dúm dó dưới những tấm bạt đủ mầu đủ kiểu cũ kỹ, rách nát, cố che nước hắt. Chiếc cầu khỉ xiêu vẹo. Vài bóng người chạy qua chạy lại đang kéo những tấm bạt che thêm chỗ này, đắp điếm chỗ nọ.
Tuấn chợt lên tiếng:
- Tuy chỉ có hơn ba năm ở Pháp, ở Sài Gòn cũng chỉ vài năm, gần cả đời tôi ở Đà Lạt, chẳng hiểu mấy già thế nào, chứ mỗi khi nhớ nhà, chẳng hiểu vì sao tôi cứ tưởng tượng sống cái cảnh hôm nay, cảnh thuyền nan trên sông rộng, dưới cơn mưa, chẳng còn gì đẹp bằng, cũng chẳng có gì buồn hơn, vì cứ mường tượng tình cảnh quê hương mình chao đảo, sóng gió bấp bênh như thế... mà đa số cứ đứng nhìn, như bọn mình hôm nay, băn khoăn chưa tìm ra cách giải quyết thích đáng.
Tuấn như nhận ra câu nói của mình làm cho không khí trầm xuống, bỗng đổi hướng:
- Nhưng hôm nay đặc biệt lại may mắn được các cô cho ăn bún bò giò heo nóng hổi nữa, thì còn gì tuyệt diệu hơn. Các cô biết không, Lộc giỏi nấu ăn lắm đấy nghe. Hồi đó không có ông ấy thì không có phở bắc ăn đâu. Tụi này phải gọi là Phở Lộc cơ mà.
Bọn con gái nghệt mặt ra, không ngờ Tuấn dễ làm quen đến thế. Mới gặp nhau đã thân thiện được ngay. Hay hơn nữa, mới gặp nhau, Tuấn đã cởi mở đến thế. Lộc cũng kể tiếp những kỷ niệm thời còn du học. Khi cả bọn mua chung một cái xe hơi cũ rích. Lái đi chơi xa vào những dịp lễ lớn.
- Già còn nhớ lần cuối cùng tụi mình lái ở Champs Elysées không? Đang đi phom phom cái xe tự nhiên bốc khói um cả lên. Suýt nữa thì cháy. Năm thằng mít lóp ngóp chui ra. Tếu không chịu được. Già còn nhớ chứ?
- Nhớ chứ. Ngay giữa phố lớn mà xe cháy lại chẳng nhớ.
Khánh cười tiếp:
- Quê không tưởng được. Mấy bà biết không?
- Thế mà ông Lộc chẳng bao giờ trổ tài nấu phở cho tụi này cả. Ông dấu tài thế?
- Nhằm nhò gì mà tài với cán, đâu phải tôi dấu. Hồi đó tôi không làm liều thì có gì mà ăn? Mấy thằng mít ở xứ Pháp, chết thèm, cái gì chẳng ngon. Bây giờ các bà cứ ra tiệm là có phở ngon, cần gì tôi nấu.
Cả bọn ngồi ăn, nói chuyện rào rào, trong không khí thật cởi mở, lẫn ấm cúng và thơm ngát mùi thức ăn và cà phê. Buổi giới thiệu gặp mặt thật là thành công.
Trời mưa nên mau tối. Nếu không tối xầm xuống thì chưa chắc đã có ai nhớ chuyện ra về. Các cô lo dọn dẹp. Các anh lăng xăng phụ giúp.
Tuấn bảo:
- Hồi còn du học, Lộc nấu ăn, chúng tôi giữ chân rửa bát. Nhưng nếu hôm nay các cô tha cho thì tụi tôi xin chân lau bát thôi.
Bốn cô gái cười vang.
- Ông Tuấn khéo trốn việc chưa? Đúng là... đại lãn.
- Tôi thành thật xin chân lau bát rồi chẳng lẽ các cô còn bắt cả rửa bát nữa thì ác quá.
- Đấy, tôi đã nói với già là mấy bà này kinh lắm. Chỉ chực hành hạ anh em mình thôi. Hôm nay mới gặp già lần đầu, có mặt già mà còn ghê thế đấy, thì già phải hiểu trước đây tụi tôi khốn đốn ra sao. Đùa thế chứ dẫu sao cái màn nấu ăn rồi dọn dẹp các bà ấy chẳng nỡ để tụi mình lo đâu. Nói không đúng sự thật, các bà ấy nổi xùng lên thì hỏng kiểu hết.
Bọn con gái rất vui thích vì không khí cởi mở, vì mấy anh con trai khéo nói, vì toàn thể bỗng cảm thấy thương yêu nhau hơn. Căn phòng chẳng mấy chốc đã gọn gàng.
Trời vẫn mưa và bóng tối đã thật sự bao phủ bên ngoài. Mọi người hỏi nhau. Lộc nhìn Ái Trinh hỏi:
- Lúc nãy mấy bà đến chung bằng tắc xi đấy à?
- Dạ, ba đứa tụi này đến nhà Bích Thuỷ, rồi từ đó đến đây bằng tắc xi. Nhà Bích Thuỷ ở gần đây nhất mà.
Tuấn nói:
- Tôi xin sắp xếp như thế này nhé, các cô cho phép tôi đưa về. Hôm nay tôi mượn xe hơi của ông cụ tôi. Lúc trưa phải đưa bà cụ tôi đi bác sĩ nên nhân tiện tôi giữ xe luôn. Các cô cho biết địa chỉ đi rồi mình xem ai ở gần đây nhất thì đưa về trước, lần lượt như vậy. Các cô bằng lòng chứ?
Tuấn nhìn bốn cô chờ đợi. Không như Lộc và Khánh gọi bốn cô bằng tiếng « bà » một cách bè bạn thân mật. Tuấn gọi bằng cô, nghe có vẻ đàn anh. Nhưng ai cũng mặc nhiên thông cảm vì cho rằng anh đã quen là anh cả trong gia đình rồi. Khánh lên tiếng:
- Nhà Thu Hằng gần phía nhà tôi. Nếu không mưa lớn, tôi đưa về được rồi. Bớt cho Tuấn một người. Nhưng bây giờ mưa lớn quá tôi lại đi vespa, thành thử càng không đưa về được. Tôi ướt thì chẳng sao.
- Thôi Thuý Vân đi xích lô về được mà. Khỏi phiền anh Tuấn.
Thuý Vân nói giọng hơi lẫy sau khi nghe Khánh nói. Cô chợt thấy buồn thắt trong lồng ngực. Nhưng chẳng có ai, nhất là Khánh không nhận ra điều đó. Tuấn vẫn vô tình mời. Lộc bảo giọng gửi gấm:
- Phải đấy, già đưa hộ tôi mấy bà này về. Tối rồi, lại mưa to. Đi một mình không nên đâu. Thuý Vân, bà để Tuấn đưa về luôn đi.
Thuý Vân chớp mắt, nhìn Khánh rất nhanh như có ý đợi một câu nói. Nhưng Khánh không nói thêm gì nữa. Cuối cùng bốn cô gái bằng lòng để Tuấn đưa về. Các cô líu ríu lấy dù, lục tục xuống cầu thang. Lộc tần ngần đứng ở đầu cầu thang, rồi bất giác cũng bước xuống theo nhóm bạn. Lộc muốn nói gì đó với Ái Trinh, nhưng lại thôi. Cái gì đó có lẽ là mấy lời dặn dò vẩn vơ, có thể là lời hẹn gặp lại, cũng có thể Lộc muốn nói rằng... » lòng bùi ngùi nhìn theo chân em chìm trong màn xanh, anh ước mơ một chiều thêu nắng, em đến chơi quên niềm cay đắng, và... quên đường về ».
Khánh xuống cầu thang cùng với Tuấn và bốn cô gái.
Khi các cô vào xe rồi, Khánh chào mọi người rồi chẳng cần mặc áo mưa, cứ thế đội mưa mà phóng đi.
Theo lẽ đương nhiên, những người ở gần ngồi băng sau, người ở xa nhất ngồi bên cạnh người lái, tránh phải chui ra chui vào khi có người xuống. Người đó là Thu Hằng.
Sau ba lần xuống xe che dù cho ba cô vào nhà thì Tuấn ướt hết. Vào xe anh lấy khăn ra lau tóc, lau mặt rồi nói:
- Mưa to kinh khủng. Nước mát làm tôi nhớ lại hồi còn bé vẫn ra tắm mưa. Ở Đà Lạt mọi người kêu lạnh chứ bọn nhóc tụi tôi thì chẳng thấy thấm vào đâu, cho nên mấy anh em chúng bạn cứ ra chỗ máng xối lủng tranh nhau đưa thân ra hứng nước. Vui dễ sợ. Ở Việt Nam mình, trong những xóm bình dân có cái cảnh đó hay chứ nhỉ?
Anh quay sang nhìn Thu Hằng. Tay vẫn xoa xoa trên tóc, trên mặt. Tự nhiên Thu Hằng thấy nhút nhát khi các bạn đã đi hết. Nàng chỉ dạ một tiếng nhỏ rồi lại ngồi im. Tuấn lại vô tình hồn nhiên nói tiếp:
- Các cô con gái đâu có cái thú tắm mưa như tụi tôi. Cả bầy cứ lông nhông chạy rông khắp xóm, tìm chỗ nào nhiều nước nhất thì đưa đầu vào hứng. Bây giờ nghĩ lại vẫn còn thấy vui. Việt Nam mình nghèo mà vui.
Nụ cười của Tuấn rạng rỡ. Thu Hằng nhận thấy nơi anh vẫn còn nét trẻ thơ không như cảm tưởng người bên ngoài nhận thấy. Nàng ngồi im tưởng tượng cảnh chú bé với đám con trai trong xóm, chỉ mặc có cái quần xà lỏn, có đứa ở truồng luôn, chạy lăng xăng, vui nhộn, tìm ống máng xối nhiều nước ở các xóm bình dân. Nàng hơi tủm tỉm cười với hình ảnh đó. Nhưng không dám để cho Tuấn biết.
Bên ngoài mưa lớn mịt mùng. Tiếng mưa xối trên mui xe rầm rầm. Hơi nước trong xe bốc lên mờ mịt. Các cửa kính mờ không thấy nổi vật gì ở bên ngoài. Không khí trong xe hơi lạnh. Thu Hằng bất giác rùng mình, hắt hơi.
- Chết chưa, Thu Hằng lạnh rồi đấy. Có cái mền đằng ghế sau, Thu Hằng lấy để lên đùi cho ấm đi.
- Thôi không sao đâu. Thu Hằng hay có tật hắt hơi thế thôi.
Thu Hằng chống chế vơ vẩn, nàng quả thật hơi bị lạnh. Nàng hơi thẹn khi thấy Tuấn lưu tâm đến mình như thế. Bất giác Thu Hằng chợt nhận ra là Tuấn gọi mình bằng tên, không gọi bằng cô như trước, nhưng hình như anh không để ý đến điều này, anh đã cho xe chạy. Tuy nói không sao, nhưng Thu Hằng vẫn ngoan ngoãn quay xuống với lấy cái mền, đặt lên đùi. Cái mền chắc là để mẹ Tuấn dùng. Tuấn cẩn thận lái thật chậm. Lâu lâu lấy miếng giẻ lau kính phía trước cho bớt hơi nước. Thấy anh lau mấy lần, cứ phải chồm người lên vừa lo lái vừa làm, Thu Hằng dành lau. Tuấn để cho nàng làm. Hai người thỉnh thoảng trao đổi đôi ba câu. Tuấn hỏi Thu Hằng tên họ ra sao, anh chị em được mấy người. Lan man vài chuyện thông thường về gia cảnh, việc học, việc làm. Giọng nói của Tuấn nghe lạ tai. Vừa nói chuyện Thu Hằng vừa tự hỏi anh người miền nào mà có giọng đặc biệt như thế.
Không nhịn được nàng buột miệng, thẳng thắn:
- Anh tên họ là gì? Người miền nào mà giọng nói lạ thế?
Tuấn quay sang nhìn nàng, hơi ngạc nhiên. Rồi hai mắt anh không cười nhưng long lanh, óng ánh một nụ cười láu lỉnh. Anh nói rõ từng tiếng:
- Tôi người Đà Lạt. Tôi cũng họ Trần như Thu Hằng.
Tự nhiên Thu Hằng cũng cười theo nụ cười trong mắt anh.
Đèn xe quẹt những vệt ánh sáng vàng vọt trên mặt đường phố về đêm trong cơn mưa lớn. Những giọt nước vỡ tung ra như những đoá hoa khi chạm mặt nhựa loáng đen. Những đoá hoa lung linh mang mầu vàng của ánh sáng đèn xe trông thật đẹp. Đường vắng. Mãi một chập sau mới về tới nhà Thu Hằng. Tuấn lại che dù cho nàng rồi đội mưa về xe. Dưới mái dù chật hẹp hai cái đầu chụm vào nhau. Thu Hằng bỗng nghe lòng mình rộn ràng. Nàng bỗng thèm được đi như thế. Nàng đang tự hỏi Tuấn có cùng ý nghĩ như nàng hay không thì cánh cửa nhà đã ở ngay trước mắt. Phải chia tay thôi. Hình như Tuấn cũng có vẻ nuối tiếc phải chia tay.
Chẳng lẽ...
Vì vừa nhận việc, Tuấn không mấy rảnh. Hơn nữa, bà cụ mẹ anh ốm khá nặng, nên mấy lần nhóm Lục Tào Xá đi chơi đều không có anh. Những lần đi chơi từ sau khi quen biết Tuấn, nhưng không có Tuấn, bỗng làm như có gì thiêu thiếu. Có lẽ chỉ với riêng Thu Hằng. Vì mọi người cũng có nhắc đến Tuấn như nhắc một người bạn thế thôi rồi ai cũng vui như xưa. Riêng nàng thấy cuộc đi chơi tự nhiên tẻ nhạt hẳn đi. Cái giọng đặc biệt của Tuấn như có một hấp lực nào rồi. Cái dáng cao gầy nhưng vững chãi của Tuấn như đã làm lu mờ dáng sốt sắng của Lộc và Khánh.
* * *
Bẵng đi ba bốn tháng, bỗng một hôm Thu Hằng gặp Tuấn trước cửa một bệnh viện. Tuấn đang tất tả đi ra. Gặp nàng, Tuấn vui ra mặt. Anh cứ tíu tít. Nhưng cũng vội vã xin lỗi vì phải về nhà gấp lấy quần áo cho bà mẹ. Bà lại trở bệnh và lại phải vào nằm bệnh viện.
Một lần nữa hai người gặp nhau trên đường Nguyễn Huệ. Chỉ đi với nhau một quãng ngắn, rồi anh cũng xin lỗi phải đi ngay. Cũng chuyện nhà và chuyện bà mẹ đau yếu. Thu Hằng thấy Tuấn là người con chí hiếu. Nhưng nàng hơi thắc mắc rằng các em anh đâu cả. Có vẻ là anh cáng đáng hết mọi việc trong ngoài của gia đình. Lần này, Tuấn bịn rịn thấy rõ khi phải chia tay nàng ở góc phố đông vui. Lúc nãy, ánh mắt sáng lên vui vẻ khi nhìn thấy nàng trong đám đông.
Tuấn rạng rỡ, nói:
- Hữu duyên thiên lý năng tương ngộ, Thu Hằng thấy không? Nhà Thu Hằng cách nhà tôi rất xa mà bọn mình lại hay gặp nhau, Thu Hằng có nhận thấy thế không?
Chính nàng cũng rất vui khi gặp Tuấn. Nàng cũng thầm nghĩ quả thật như thế. Ngoài những dịp bát phố với nhóm bạn, chẳng gặp ai bao giờ khi đi phố một mình, nhưng lại hay gặp Tuấn. Lạ thế.
Lần thứ ba gặp nhau trước Quốc Hội. Chẳng hiểu có việc gì Thu Hằng băng ngang đường Tự Do, ngay trước Quốc Hội. Gặp nhau, Tuấn vui vẻ rủ nàng vào La Pagode uống nước. Tuấn hồn nhiên:
- Bọn mình gặp nhau lần này là lần thứ ba đây. Tôi rất vui. Lâu quá, không gặp nhau, cứ như thiếu cái gì ấy. Tôi nghe Lộc và Khánh nói các bạn vẫn đi du ngoạn với nhau phải không? Rất tiếc là tôi mắc lo bà cụ tôi đau liên miên. Nếu không tôi cũng đi chơi với các bạn rồi. Nhớ các bạn ghê đi. Nhớ Thu Hằng nhiều nhất. Thật đấy. Không đùa đâu.
Thu Hằng đỏ mặt lên. Làm như nhìn ra chỗ khác. Sao Tuấn nói một cách tự nhiên như thế? Hay tình cảm đó chỉ là tình bạn, vì thế mà được phát biểu một cách dễ dàng? Chắc hẳn chẳng có ẩn ý gì trong đó.
- Tôi nhớ mãi lần được làm quen tất cả mọi người rồi được đưa Thu Hằng về, buổi tối, trời mưa to. Hôm đó bão chứ chẳng phải mưa đâu nhỉ? Bão ngoài trời và bão trong tim, ai biết phân biệt được nhỉ?
Thu Hằng cứ muốn nghĩ rằng mình nghe nhầm, nhưng vẫn suy nghĩ về câu nói... lạ lùng của Tuấn.
Sau khi uống nước, Tuấn lại nói:
- Hôm nay đặc biệt tôi có chút thì giờ. Thu Hằng đi bộ với tôi một quãng không? Mình đi loanh quanh ra bờ sông được chứ? Tôi thích ngắm cảnh sông nước. Thu Hằng có thích như thế không?
Hai người tản bộ, lang thang, loanh quanh. Những chuyến phà đông người qua lại. Bên Thủ Thiêm, ánh trời chiều vàng ối. Sóng nước cũng vương một mầu vàng.
- Thu Hằng này, tôi có chuyện cần muốn nói với Thu Hằng. Thu Hằng có thể dành cho tôi tối Thứ Bảy sắp tới không? Đáng lẽ tôi định điện thoại mời Thu Hằng, nhưng hôm nay may mắn được gặp thì xin mời tận người cho đúng phép.
Tuấn bỗng nói khi hai người đứng bên bờ nước. Tim Thu Hằng rộn rã. Trong mắt Tuấn có cái gì đã nói dù chưa phải tối Thứ Bảy. Khuôn mặt Tuấn trịnh trọng, thật chân thành. Ánh mắt Tuấn rất vui khi nói mời nàng. Ánh mắt ấy cũng mang nhiều hy vọng đến với Thu Hằng. Nhưng Tuấn vẫn chỉ xưng tôi.