Dịch giả: Trần Văn Nuôi
Phần thứ nhất - 1 -
Con Mồi

     àn hải âu tung cánh trên bầu trời Douvres như những búp tơ từ sương mù bong ra. Con tàu tiến chầm chậm trong buổi chiều thu lạnh lẽo.
Quày rượu trong khoang hạng ba đông đặc người: một toán cầu thủ bóng ném trở về sau cuộc thi đấu, những thanh niên thắt cà vạt kẻ sọc xô đẩy nhau lấy rượu. D không nghe rõ họ gào những gì, có lẽ đó là tiếng lóng hay tiếng địa phương. Chắc phải một thời gian nữa, anh mới nghe lại được tiếng Anh. Ngày trước anh nói thứ tiếng này rất thạo, nhưng bây giờ anh chỉ còn giữ lại được kiểu nói sách vở.
Đây là một người đàn ông đã đứng tuổi, rậm râu, cằm có một vết sẹo, vầng trán hằn nếp lo âu. Anh tìm chỗ đứng một mình, nhưng trong cái quày rượu này, chẳng làm thế nào được. Một cùi chỏ thúc vào mạng sườn anh, và một hơi thở sặc mùi bia phả vào mặt anh.
Những người này làm anh ngạc nhiên. Trông họ yêu đời, họ phì phèo thuốc lá thế kia, ai nghĩ được rằng hiện giờ đang có một cuộc chiến tranh nó không diễn ra trên đất nước anh mà diễn ra tại nơi cách cầu cảng Douvres chỉ nửa dặm. Anh mang chiến tranh theo trong người. Ở bất cứ nơi nào anh có mặt là có chiến tranh. Anh lấy làm lạ tại sao thiên hạ không nhận ra điều đó.
- Đem bia ra đây! Đem bia ra đây!
Một cầu thủ hét gọi người bán bar và có ai đó giằng lấy cốc bia đang uống dở trên tay anh. Hắn kêu to:
- Việt vị!
- Lấy bóng lại! Lấy bóng lại! Mấy gã kia hét theo.
- Xin phép các ông! Xin phép các ông! D nói và anh tìm cách lánh ra. Anh kéo cao cổ áo khoác, bước ra ngoài boong tàu đang chìm trong sương mù lạnh giá.
Đàn hải âu bay vào bờ kêu thảm thiết phía trên đầu, anh bắt đầu đi bách bộ, men theo lan can cho ấm, đầu cúi xuống. Trên sàn tàu, mắt anh lại nhìn thấy tấm bản đồ ngang dọc chiến hào, những vị trí khó phòng thủ, những vọng tiêu và xác chết… Những chiếc máy bay oanh tạc cất cánh từ một điểm giữa đôi mắt anh và trong đầu anh vang lên tiếng bom làm rung chuyển núi đồi.
Đi bách bộ trên con tàu nước Anh đang sẽ sàng cập bến này cũng chẳng có chút an toàn nào. Nỗi hiểm nguy nằm ngay trong con người anh. Nó đâu phải là một cái áo khoác mà ta vứt lại trong xó nhà được, nó là thịt của chính ta, nó là tấm da của ta. Ta chết với tấm da ấy: Khi nào xương thịt rữa nát dưới mồ, ta mới thoát được tấm da ấy. Con người duy nhất có thể tin cậy được chỉ là bản thân ta.
Anh đi lại trên boong tàu hạng ba này, đếm bước cho tới chỗ tấm bảng “Dành cho khách hạng nhất”. Đã có một thời, anh coi sự phân biệt đẳng cấp như một câu chửi, nhưng bây giờ, đẳng cấp xã hội chia đi chia lại nhiều lần quá nên nó chẳng còn nghĩa lý gì nữa. Anh nhìn lên boong hạng nhất. Trên ấy cũng có một người đứng trong giá rét; ông ta đứng ở mũi tàu, nhìn về phía cảng Douvres, cổ áo khoác kéo cao.
D quay gót, đi về phía sau và theo nhịp chân anh bước toán máy bay oanh tạc lại cất cánh. Ta chỉ có thể tin chắc được ở nơi ta; mà rồi cũng có lúc ta tự hỏi như thế đã chắc chưa. Bọn chúng thì chẳng bao giờ tin ở ta, mà thế là có lý. D nghĩ: ngay lúc này, anh đang bị theo dõi cũng nên. Anh nghĩ chúng canh chừng anh cũng phải thôi… Kẻ kia, kẻ đang có vẻ tảng lờ trên boong hạng nhất…
Trong cái túi áo trong, trên ngực, anh mang hồ sơ ủy nhiệm - ủy nhiệm đồng nghĩa với tín nhiệm chăng? Anh không chắc lắm.
Bên trong quày rượu, một giọng đàn bà the thé: “Cho tôi chai nữa! Một chai nữa!” Có tiếng ly cốc vỡ ở trong đó. Có ai khóc đằng sau chiếc phao cấp cứu. Anh bước tới: một thằng bé ngồi thu lu trong đó. Anh đứng nhìn hồi lâu như nhìn một cái gì hư ảo, như nhìn một nét cổ tự mờ nhòe không đọc được. Anh tự hỏi bây giờ anh có còn chia sẻ được niềm cảm xúc của ai đó không. Anh ngọt ngào mà hờ hững hỏi thằng bé:
- Cháu làm sao thế?
- Cháu bị va đầu vào lan can.
- Cháu đi có một mình ư?
- Bố bắt cháu ngồi vào đây.
- Thế là cháu bị va đầu vào lan can?
- Bố nói chả có chuyện gì mà phải khóc to thế.
Thằng bé thôi không khóc nữa. Sương mù làm cho nó ho sặc sụa, D cảm thấy có người đang nhìn mình bên kia tấm bảng “Dành cho hành khách hạng nhất”. Anh nghĩ đáng lẽ mình không nên ra đây. Kẻ kia liếc nhanh về phía anh. Anh giật mình nhớ ra hắn. Họ từng gặp nhau trong một cái hành lang ở đâu đó nhiều năm trước, một lần trên sân bay, nhiều lần ở ke ga. D không nhớ nổi tên hắn. Hắn quay gót, bước về phía mũi tàu: người to cao, gầy như cái que trong tấm áo khoác bằng nỉ dầy. D đoán hắn ở phe kia. Trước cách mạng, hắn có tước vị. Hầu tước hay bá tước gì đó. Làm sao mà lại gặp nhau trên chiếc tàu này nhỉ, ngăn cách bởi một tấm bảng phân chia đẳng cấp. Hay hắn cũng làm một công việc gì cho phe kia, hắn cũng mang ủy nhiệm thư trong người, hắn sẽ gặp các huân tước, các bộ trưởng nước Anh? …
Tiếng còi tàu ré lên và bỗng nhiên cảnh vật từ trong màn sương nhô ra như những khuôn mặt người sau cửa sổ: những con tàu trên bến, những dẫy cột đèn, một tam giác cầu cảng. Con tàu ngừng máy. D nghe rõ tiếng sóng ì oạp vỗ vào bên mạn. Tiếng một người nào đó vang lên như thoát ra từ dưới mặt biển. Con tàu tắp ngang vào bến. Đến nơi rồi.
Hành khách bước lên cầu tàu, tay xách va ly dán đầy nhãn khách sạn Thụy sĩ nhãn nhà trọ gia đình vùng Biarritz. D chờ cho họ đi vợi. Hành lý của anh vẻn vẹn chỉ có chiếc xắc da nhỏ đựng một cái lược, một cái bàn chải, vài thứ lặt vặt; anh đã mất thói quen đem theo đồ ngủ. Đem làm gì khi phải nhảy ra khỏi chỗ nằm mỗi đêm vài bận vì bom nổ quanh người.
Hành khách được chia làm hai toán: khách nước ngoài và công dân Anh. Khách nước ngoài không nhiều. Cách D mấy bước, ông khách trên boong hạng nhất đang run khe khẽ trong tấm áo khoác lót lông thú; dáng người thanh mảnh, nước da mai mái, ông ta không quen kiểu gió lùa từ phía trong cái khoang trống trải này. Người ta chỉ liếc qua hộ chiếu, và ông bước đi ngay. Chắc con người ông là một tấm thẻ chứng chỉ “đây là hàng thứ thiệt”, cũng giống như trên một tác phẩm nghệ thuật cổ. D nghĩ bụng hắn đúng là một hiện vật bảo tàng. Mọi người bên này bờ biển, đối với D, đều giống như những hiện vật ở bảo tàng. Đời họ trải qua trong những ngôi nhà to mà lạnh lẽo như những gian triển lãm mở cho khách vào xem.
D bị chặn lại. Một người có ria mép nâu từ tốn nói với anh:
- Ông có khẳng định đây là ảnh của ông không?
- Vâng, tất nhiên. D trả lời và nhìn tấm ảnh. Từ lâu lắm rồi anh không có thói quen xem kỹ hộ chiếu. Anh nhận ra gương mặt một người lạ, trẻ hơn anh nhiều và hiển nhiên là hạnh phúc hơn anh nhiều, bức ảnh đang mỉm cười. Anh nói: “Đây là một tấm ảnh cũ”.
Ảnh chụp trước lúc anh bị cầm tù, trước khi vợ anh bị xử bắn trước trận ném bom ngày 23 tháng Chạp, trước Nôen. Trận ấy anh bị vùi năm mươi sáu giờ liền trong một cái hầm rượu. Nhưng làm sao nói như vậy được với anh nhân viên này?
- Cũ là bao nhiêu năm?
- Có lẽ hai năm rồi.
- Thế mà tóc ông bây giờ đã điểm bạc.
- Thật vậy ư?
- Mời ông đứng dịch ra một chút, nhường cho các vị hành khách khác.
Anh ta nói năng lễ phép, không vội vã. Bởi xứ sở này là một hòn đảo, D nghĩ. Ở bên nước anh chắc người ta đã gọi quân cảnh tới rồi và cuộc thẩm vấn sẽ dồn dập, kéo dài, to tiếng lắm. Một lúc sau, người kia lại vời anh tới.
“Mời ông vui lòng vào đây”. Anh ta nói và đẩy một cánh cửa.
D bước vào. Một cái bàn, hai cái ghế; trên vách, ảnh vua Edouard VII đứng bên cái đầu máy xe lửa có tên là Alexandra. Quanh đức vua, các nhân vật đương thời, mặc áo cổ cồn trắng cắt rất cao, tươi cười. Bác tài xế xe lửa đội chiếc mũ mềm quả dưa. Nhân viên hải quan nói:
“Rất tiếc, hộ chiếu hợp lệ, nhưng còn bức ảnh này… Mời ông cứ nhìn vào gương mà xem, ông sẽ thấy…”
D nhìn vào tấm gương duy nhất trên vách. Hai gương mặt khác hẳn nhau. Anh nhân viên lặng lẽ quan sát.
- Tôi không dè, tôi đã thay đổi đến thế này!
Đúng D ngày xưa đây mà, chỉ có hai năm trời. Ngày ấy anh bốn mươi, nhưng nom người còn trẻ hơn nhiều. Hai vợ chồng chuẩn bị đi chơi xa, họ đã xin phép Viện đại học. Cuộc bạo loạn nổ ra ba ngày sau đó. Anh bị bọn phát xít giam sáu tháng, vợ anh bị xử  bắn. Họ nhầm thôi.
- Chiến tranh làm con người thay đổi ghê quá. Bên nước tôi đang có chiến tranh, anh biết đấy…
Anh nói với người kia. Bức ảnh mỉm cười. Lúc đó vợ anh nói đùa về chuyện gì đó, chuyện một quả dứa… Họ bận bịu công tác giảng dạy, nhiều năm rồi chưa nghỉ hè… Họ lấy nhau đã mười lăm năm… Anh không thể nhớ chi tiết gương mặt vợ. Anh quá yêu vợ và một khi nàng chết, anh không tài nào gợi lại nổi cảm xúc.
- Ông có giấy tờ gì khác không? - Anh nhân viên hỏi - Ông có quen biết ai ở Luân Đôn không? Đại sứ quán nước ông?...
- Không. Tôi chỉ là thường dân.
- Ông đi du lịch?
- Không, tôi có mấy tờ giấy giới thiệu mua bán không quan trọng lắm. D mỉm cười. Mà cũng không chắc là giấy tờ thật.
Anh thấy lòng trống rỗng. Bộ râu lởm chởm, những nếp hằn quanh miệng - những cái này là mới - vết sẹo mới dưới cằm. Anh đưa tay sở vết sẹo.
- Chiến tranh, ông ạ! Anh không muốn nói là mình bị tra tấn.
- Ông nên nói rõ. Hộ chiếu hoàn toàn hợp lệ. Hay ông cho tôi biết ông tới nhà ai ở Luân Đôn…
- Tôi cũng chưa biết nữa.
- Cho tôi một cái địa chỉ nào đó.
Anh nhân viên nói và liếc nhanh người hành khách. D nghĩ lẽ ra anh ta phải nhìn mình rất chăm chú.
- Ồ, vậy thì… có một khách sạn ở Luân Đôn tên là Ritz phải không?
- Có, nhưng ở địa vị ông, tôi chọn một khách sạn khác rẻ tiền hơn.
- Bristol vậy.
- Ở Luân Đôn không có Bristol.
- Vậy, đối với một người như tôi thì nên chọn khách sạn nào?
- Strand Palace.
- Vậy thì Strand Palace đi!
Anh nhân viên trả lại D tấm hộ chiếu:
- Thời buổi này phải hết sức cảnh giác. Xin ông miễn thứ. Ông hãy nhanh lên thì mới kịp tàu về Luân Đôn.
Cảnh giác. D nghĩ, họ gọi như thế là “cảnh giác”, ở cái hòn đảo này. Anh thấy thèm thái độ an toàn của họ.
Do chuyện lôi thôi này, D gần như đứng ở đằng đuôi khi xếp hàng trước trạm thuế quan. Đám thanh niên ồn ào chắc đã ra ga, tàu sắp chạy. Còn người đồng hương của D thì chắc ông ta chả phải đợi. Một giọng con gái rất đanh đá trả lời phía đằng trước: - Ồ. Tôi thiếu gì hàng đóng thuế!
Giọng cô gái gào rượu dưới tàu. Anh nhìn cô một cách dửng dưng. Anh đã đến cái tuổi mà khi động đến đàn bà thì người ta hoặc là mất nhân cách hoặc là dửng dưng. Cô này tính khí trẻ con quá. - Tôi có một chai rượu Brandy uống dở. Cô gái nói.
D nghĩ cô không nên uống nhiều thế. Cô ăn mặc sang trọng nhưng quá quắt, như một con nộm chào hàng mẫu. Cô lại nói: “Có một chai Calvados, nhưng cũng uống dở”. D thấy nản. Lẽ ra nên để cho cô đi. Cô gái trẻ, tóc nâu, hách dịch một cách vô lý. Cô giống một con bé không biết mình thích thứ gì nên đòi mọi thứ dù mình thích hay không thích.
- Ồ, đúng, đấy cũng là một chai Brandy. Ông có để cho tôi kịp nói đâu. Chai ấy cũng uống dở.
- Xin lỗi cô - nhân viên hải quan nói - cô đem trong người nhiều rượu quá, buộc lòng chúng tôi phải bắt đóng thuế…
Một nhân viên khác khám qua chiếc xắc rồi để anh đi. Anh hỏi:
- Tàu đi Luân Đôn đã chạy chưa ạ?
- Chạy rồi. Ông phải đợi chuyến bảy giờ mười thôi. Bây giờ mới là sáu giờ kém mười lăm.
- Bố tôi là Huân tước Benditch đấy, nói để ông biết.
- Cũng vậy thôi, thưa cô. Thuế hình thức thôi mà, hai mươi bảy hào sáu xu, đánh vào rượu.
Vậy ra cô này là con gái Huân tước Benditch! D dừng lại chờ. Anh nghĩ không biết khi gặp Huân tước, anh có bị làm khó dễ như Hải quan đối với cô gái này không! Bao nhiêu chuyện phải trông vào Huân tước. Nếu ông ta thuận bán than với giá phải chăng, cách mạng còn có thể cầm cự được vài năm; nếu không, chắc chắn chiến cuộc sẽ chấm dứt trước mùa xuân tới đây.
Dường như cô gái được miễn thuế (điềm tốt chăng?). Cô bước ra cửa, oai phong như người vừa mới chinh phục được toàn cầu. Cô khuất dạng trong sương mù. Buổi tối tới sớm: Một ngọn đèn chiếu sáng trên quày báo, một chiếc xe tay đẩy hàng dựa bên tường, một tờ quảng cáo của hãng Horlicks. Sương mù dày làm cho khu ga rộng lớn này biến thành một cái ga xép.
- Chán chưa! Tàu chạy mất rồi! Cô gái nói.
- Còn một chuyến nữa cô ạ - D nói - nhưng phải chờ một tiếng đồng hồ nữa.
Nói mấy câu như vậy rồi, anh thấy tiếng Anh đã trở lại quen thuộc. Tiếng nói của xứ sở này ngầm vào anh cùng với sương mù và mùi khói; không còn thứ ngôn ngữ nào thích hợp hơn.
- Họ nói thế thôi. Mù dầy như vậy, thế nào tàu cũng bị chậm cho coi. Cô gái nói.
- Đêm nay tôi phải tới Luân Đôn.
- Đâu phải mình ông!
Có thể đi sâu vào đất liền, trời đỡ mù hơn.
Cô gái đã bỏ anh đứng đấy, đi thẳng tới ke ga. Cô mất hút đằng sau quày báo một chốc rồi quay lại, mồm nhai một mẩu bánh mì kẹp thịt. Cô chìa cho anh một ổ như thể người ta cho một con thú trong lồng sắt.
- … Ăn một miếng?
- Cám ơn. Anh trân trọng cầm ổ bánh, cắn ăn. Đây hẳn là cách tiếp đón ân cần của người Ănglê.
- Tôi sẽ tìm một chiếc xe. Chờ một tiếng đồng hồ trong cái hốc này chán chết. Đi sâu vào trong kia chắc đỡ mù hơn (như vậy là cô gái có nghe anh nói). Cô thẳng tay ném khúc bánh ăn dở theo đường ray như người làm xiếc; “Có bánh! Không có bánh!”. Rồi cô nói:
“Tôi sẽ cho ông đi cùng”. Và khi thấy anh lưỡng lự, cô thêm: “Tôi hết say rồi!”
- Cám ơn cô, tôi không nghĩ vậy. Nhưng ai lái nhanh hơn, cô hay tôi?
- Tôi chứ còn ai.
- Vậy thì cám ơn, xin theo cô!
Bỗng dưng một khuôn mặt xuất hiện ngang tầm chân họ. Té ra đây là một cái hầm khám máy. Một giọng cáu kỉnh:
- Này, madam! Đây đâu phải là sở thú!
Cô gái cúi xuống, không chút ngạc nhiên.
- Tôi đâu có nói đây là sở thú!
- Nhưng cô không được ném bánh vô mặt thiên hạ như vậy.
- Ồ, đừng nói nhảm.
- Vi phạm thân thể. Tôi phải gọi cảnh sát. Một mảnh bom đấy thưa bà.
- Có gì đâu. Một mẩu bánh thôi mà!
- Chẳng có gì lạ. Tất cả những người tôi gặp đều là khách hàng mua bán của ba tôi.
Cô lái chầm chậm về hướng mà cô cho là Luânđôn. Chiếc xe xóc nảy lên khi chạy qua ray.
“Cứ đi theo hướng tàu là không lạc được” Cô nói.
- Cô thường đi tàu bà vé hạng ba à?
- Tôi thích chọn bạn đường theo ý muốn. Đi hạng ba ít phải gặp khách khứa của ba tôi.
- Tôi là loại khách ấy đấy.
- Chúa ơi, chạy ra cảng đây này! Cô kêu lên, lùi xe và rẽ ngoaact một phát rất bạo. Sương mù âm vang tiếng phanh rít, tiêng càu nhàu. Họ tìm đường quay lại. Xe bắt đầu leo lên dốc.
Lên đến đỉnh đồi, sương mù bớt đặc? Anh nhìn thấy những mảnh trời xám lạnh buổi hoàng hôn, những mảnh rào gỗ trống cứng như thép. Im lặng đìu hiu, một ánh lữa thấp thoáng đằng xa. Hòa bình là thế đấy!
- Người Anh chắc là hạnh phúc lắm trong xứ sở này.D nói.
- Hạnh phúc? tại sao? Cô gái hỏi.
- An toàn như thế này… D nhớ lại anh nhân viên hải quan nháy mắt than mật với mình và nói:”thời buổi này phải cảnh giác, ông ạ…”
- Ờ nhỉ! Cô gái nhúng vai nói bằng cái giọng ngây thơ của một đứa bé mất dạy.
- ở bên nước chúng tôi, chiến tranh đã hai năm. Khi đi học một con đường thế này, tôi có thói quen đi chậm, sẳn sang nằm sấp xuống khi nghe tiếng máy bay trên đầu.
- À, nhưng các anh đánh nhau cũng phải vì lý do gì chứ nhỉ, hay chả vì cái gì cả?
- Cũng có lý do đấy. Cho nên lúc đầu người ta dễ xúc động lắm. Dần dà rồi... chuyện giết chóc nó giết luôn cảm xúc trong con người. Cho tới bây giờ, dường như tôi chẳng còn cảm xúc gì nữa ngoài cái sợ. Cô thấy đấy, trẻ con ít ra đời ở bên nước chúng tôi...
- Và chiến tranh vẫn cứ tiếp tục, ghê thật!
- Tiếp tục vì sợ. Bao giờ hết biết sợ nữa thì thôi, chẳng còn gì. Bọn chúng tôi rồi đây chẳng ai còn hưởng được hòa bình nữa, mất hết cảm xúc rồi.
- Cứ gì phải chiến tranh mới thế. Tiền nhiều quá, bố mẹ nuông chiều quá, cũng đi đến kết quả đó thôi.
D buồn rầu nói:
- Dù sao, cô cũng còn trẻ quá... Và cô đẹp quá.
- Lạy chúa! Ông bắt đầu tán tỉnh đó ư? Ông đoán nhầm tuổi đấy. Tôi không còn trẻ như ông tưởng đâu!
- Không đâu cô. Tôi vừa nói đấy, tôi đã trơ như đá rồi. Với lại tôi cũng già rồi...
Một tiếng nổ to, cái xe chúi nghiêng sang một bên D đưa hai tay lên ôm đầu. Xe dừng.
- Chúng nó cho mình một cái lốp nát. Cô gái nói.
- Xin lỗi cô. D bỏ tay xuống, bàn tay còn run. Đấy, vẫn là cái sợ đấy!
- Ở xứ này, ông không phải sợ gì cả.
- Không chắc đâu. Tôi đi tới đâu là có chuyện tới đó.
D nghĩ mình đem theo chiến tranh trong con tim. Dần dà rồi mình làm ô nhiễm tất cả mọi thứ. Mình phải đeo trên người một cái lục lạc, như người mắc bệnh hủi thời xưa ấy.
- Đừng diễn trò lâm ly, cô nói, tôi ghét những vở lâm ly. Cô rồ ga, cái xe vọt tới nhảy chồm chồm. Bây giờ ta đi tìm một cái quán bên đường, hay một cái gara. Thay bánh ở đây lạnh chết.
- Chạy thế này có việc gì không?
- Ông đừng sợ.
- Bởi vì tôi có vài việc cần bàn, cô ạ...
Cô quay về phía anh, gương mặt trẻ trung nhưng chán chường. Trông cô giống như một bé gái đang chán không muốn chơi với lũ bạn nữa.
- Chắc cô chưa tới hăm nhăm.
Cô nhìn ông và nói:
- Ông khéo vẽ ra những trò kỳ lạ. Ông tìm cách ve vãn tôi chăng?
- Không đâu cô.
- Trò ấy cũ quá rồi ông ơi.
- Có nhiều người làm cái trò đó với cô lắm sao?
- Nhiều không kể xiết.
Anh thấy buồn vô hạn. Một cô gái trẻ thế mà đã chán sự đời đến thế. Có thể, vì anh đã đứng tuổi. Anh nghĩ rằng tuổi trẻ phải có một mùa... lạy Chúa, ta nói là mùa hy vọng đi. Anh nhẹ nhàng nói:
- Không có gì kỳ lạ đâu. Tôi là một người làm ăn buôn bán.
- Ông có nhiều tiền chứ?
- Ồ không. Tôi là đại diện của một hãng buôn nghèo.
Cô bỗng nở một nụ cười. Anh thản nhiên nghĩ: Ta có thể nói với cô là cô đẹp.
- Ông đã có vợ?
- Có và không.
- Ông muốn nói là đã xa nhau?
- Vâng. Nàng đã chết.
Trước mặt họ, sương mù đẫm màu hồng ngát. Xe đi chậm lại, khập khiễng tiến vào một vùng có tiếng người, đèn hậu ô tô nhấp nháy.
Một dãy dài cửa sổ lắp kính. Tiếng nhạc êm dịu, một giọng trầm và rỗng hát:
Anh biết, chỉ khi nào em bị bỏ rơi...
Chỉ khi nào em sống lẽ loi...
Thì em mới đến sống với anh...
- Trở về với văn minh! Cô gái bĩu môi nói.
- Ta cho thay bánh ở đây chứ.
- Tôi nghĩ thế.
Cô mở cửa, bước ra và lập tức cô lẫn trong sương mù, trong quầng sáng, trong đám đông. Anh ngồi lại một mình trong chiếc xe. Bây giờ, khi đã tắt máy, anh thấy lạnh tê tái. Anh thử nghĩ tới công việc. Đầu tiên là tới một căn nhà trọ số bao nhiêu đó, đường Blomsbury. Căn nhà chắc được chọn để cho người của ta dễ liên lạc. Đến trưa ngày kia thì tìm cách gặp Huân tước Benditch. Người của ta có vàng, họ có thể trả giá cao để mua than, kèm theo những điều kiện ưu tiên buôn bán một khi chiến tranh chấm dứt. Ở công ty của Benditch, nhiều mẻ đã bị đóng cửa không bán được than. Lợi cả đôi đàng. Có thể nhờ một nước thứ ba làm trung gian chuyển vận...
D đã được chỉ thị phải cảnh giác với Sứ quán tại Anh, ở bên nhà cho rằng viên đại sứ không đáng tin cậy, các tùy viên cũng thế. Viên thư ký thì có thể tin. Nhưng, D nghĩ, trong hoàn cảnh rất hỗn loạn hiện nay, có khi viên thư ký lại làm việc cho bọn phản động.
Gì thì gì, cuộc thương lượng phải tiến hành bí mật. Ở nhà không ai có thể tiên đoán được diễn biến bên này. Có thể bị từ chối, phái viên bị lộ, bị ám sát... Vậy là ta đang ở trên đường tiếp cận mục tiêu, trong sương mù giá rét.
D bỗng chột dạ, tắt đèn pha. Ngồi trong bóng đêm anh rút hồ sơ ủy nhiệm ở túi trong ra, cầm trên tay, lưỡng lự một chút. Rồi anh đút vào trong chiếc tất ở chân phải.
Cánh cửa xe xịt mở và cô gái gắt toáng lên:
- Tại làm sao ông lại tắt đèn đi thế? Tôi tìm cái xe muốn phát khùng. Cô bật đèn trở lại và nói - Bây giờ chưa có thợ... họ đang đi tìm.
- Tôi phải đợi đây sao?
- Tôi đang đói.
D thận trọng bước xuống xe, nghĩ bụng không biết có nên mời cô gái dùng bữa không, tiền đường không còn nhiều.
- Ta có thể dùng bữa chứ? Anh hỏi.
- Tất nhiên. Ông có đủ tiền không? Tôi đã dốc túi trong vụ sửa xe rồi.
- Vâng, vâng. Tôi mời cô.
- Được!
Anh bước theo cô tới nhà hàng, hay khách sạn gì đó không biết mà thời anh còn là sinh viên ở British Museum thì cửa hàng này chưa có.
Một ngôi nhà cổ phong cách Tudor - anh thấy rõ, Tudor thứ thiệt - đầy ghế bành và tràng kỷ với một quầy rượu ở nơi ngày xưa có lẽ là tủ sách. Một người đàn ông đeo kiếng một mắt vớ lấy tay cô gái, bàn tay trái, rồi xiết chặt:
- Rose, đúng là Rose đây này! Cô thứ lỗi, hình như Menty đang tới kia kìa...
Ông ta nói và vội vã bước ra hiên.
- Cô biết ông ta?
- Ông chủ quán này? Tôi không nghĩ là ông ta ở đây. Ông ta có một khách sạn ở Đại lộ Western - Và cô bĩu môi - Hay đấy nhỉ! Mà sao ông không quay về với cuộc chiến tranh của ông đi? Chẳng cần phải vậy, anh nghĩ. Anh đem chiến tranh theo trong người. Mùi thối đã bắt đầu bốc. Ở căn phòng tiền sảnh, cạnh cái bàn đầu tiên, người đồng hương đã ngồi thù lù trên ghế, quay lưng lại phía anh. Bàn tay anh run bần bật, đúng như nó từng run trước một vụ oanh tạc. Làm sao khác được khi anh đã nằm tù sáu tháng trời, ngày nào cũng chờ bị lôi đi xử bắn. Khi thoát khỏi nơi ấy, anh khắc phải đau tim thôi.
- Hay ta tìm nơi khác dùng bữa cô ạ, ở đây đông quá.
Sợ như vậy, kể cũng vô lý. Nhưng ngồi trong nhà hàng này, nhìn cái tấm lưng dài sọc, còng còng kia, anh thấy cũng nhói tim như khi đứng tựa lưng vào tường, trước những họng súng tử hình.
Cô gái ngờ vực nhìn anh:
- Không còn chỗ nào ăn đâu. Ông chê chuyện gì. Đông quá ư? Ồ, tôi không nghĩ là ông đã bắt đầu đòi...
- Không, không. Không phải vậy. Nhưng tôi thấy dường như...
- Tôi đi rửa mặt cái đã. Rồi tôi quay lại.
- Được cô cứ đi.
- Một phút thôi.
Khi cô đi rồi, anh dụi mắt tìm buồng vệ sinh. Anh cần nước lạnh và một chút thì giờ để suy nghĩ. Thần kinh anh không còn vững lắm, một tiếng lốp ô tô nổ cũng làm anh phát hoảng. Anh đảo mắt tìm lão chủ quán: cửa hàng này đông khách, mặc dù hay có lẽ nhờ sương mù dày đặc. Xe hơi từ Luân đôn, từ cảng Douvres tới, kèn bóp inh ỏi, để làm gì nhỉ! Anh thấy lão chủ đang nói chuyện với một bà già tóc trắng:
- Cao thế này này! Tôi có ảnh của nó. Tôi nghĩ ngay tới ông nhà...
Lão vừa nói vừa quay nhìn nơi này, nơi khác, chẳng để ý mấy tới câu chuyện. Gương mặt gầy đen, kiểu nhà binh nửa mùa, trơ trẽn như một cái đầu heo hay đầu cừu bày bán trong tủ kính.
- Xin lỗi ông một phút - D nói với lão.
- Tất nhiên tôi không muốn bán nó - Lão tiếp tục nói với bà già - À, tôi vừa mở một quán ăn ở cảng Swansea cách đây mười dặm. Hôm nào có dịp xin mời bà và ông nhà...
Hắn quay gót, treo trên môi một nụ cười như người ta xòe một que diêm. Tay hắn cầm bức ảnh một con cho fox.
- Tôi muốn hỏi ông... D nói.
- Xin lỗi. Kìa Tony tới.
Lão nói và lập tức bỏ đi.
Bà già nói với D.
- Chắc ông muốn hỏi buồng vệ sinh chứ gì? Ở dưới hầm...
Thời Tudor chắc chưa có căn buồng vệ sinh này: nó được lát toàn bằng cẩm thạch đen và kính. Anh cởi áo khoát ngoài móc lê giá. Chỉ có mình anh ở đây. Anh mở vòi, nước chảy đầy lavabô. Anh dầm đầu trong nước giá. Đấy gân cốt đang cần cái đó: nước giá tác động vào gáy như một luồng điện. Có một người vừa mới bước vào, có vẻ như một tài xế của một cái xe nào đó. D lại dầm đầu xuống nước và ngóc lên, nước tuôn dầm dề qua tóc. Anh quờ tay tìm cái khăn lông, chấm mắt. Anh thoáng thấy người kia đang nắn túi cái áo treo trên móc, anh quay lại:
- Sao anh lại nắn cái túi áo tôi?
- Tôi ấy ư? Ông làm sao thế? Tôi treo cái áo của tôi ấy chứ. Ông muốn gây sự ư?
- Tôi thấy dường như ông vừa mò trong túi áo tôi.
- Vậy thì hãy đi kêu cảnh sát.
- Thôi, tôi chỉ nói vậy thôi.
- Hãy đi kêu cảnh sát hoặc là phải xin lỗi tôi! - Tên tài xế này to cao, đến một mét tám mươi là ít. Hắn tiến tới - Tôi thèm đánh vỡ mặt ông quá! Một thắng ngoại quốc khốn kiếp, tới ăn chực cơm nước Anh, mà lại còn muốn...
- Có lẽ tôi nhầm - D nhẹ nhàng nói, nghĩ bụng thằng này hẳn là dân móc túi chuyên nghiệp.
- Có lẽ ông nhầm. Có lẽ tôi sẽ đấm vỡ cái mõm khỉ của ông. Ông xin lỗi như vậy sao?
- Tôi sẽ xin lỗi như ông muốn.
- Ông không có gan đánh nhau sao?
- Đánh nhau làm gì. Anh khỏe hơn, ít tuổi hơn tôi...
- Tôi có thể đánh vỡ mặt cả một bầy khỉ đột ngu ngốc như ông...
- Tôi tin như thế.
- Ông coi thường tôi hả? Một con mắt của hắn liếc xéo như thể để lưu ý người xem... mà có khi cũng có người xem ở đâu đây...
- Nếu ông nghĩ vậy thì tôi lại xin lỗi ông lần nữa.
- Tôi có thể bắt ông liếm giày tôi.
- Tôi không ngạc nhiên chút nào.
Thằng này say rượu hay sao. D nghĩ, anh tựa lưng vào lavabô.
Anh thấy buồn nôn, anh không chịu được cảnh đánh đấm. Bắn một người hay xơi một viên đạn, chuyện đó được, còn những cú đấm lại là chuyện khác. Những cú đấm làm nhục con người. Bị đánh tức là bị đặt vào một vị trí thấp so với kẻ đánh. Anh ghét cảnh ấy cũng như cảnh chung chạ giữa đàn ông. Anh sợ nữa.
-...Anh cóc cần tôi hả?
- Tôi không có ý định ấy.
Kiểu nói tiếng Anh văn vẻ như vậy làm cho tên tài xế nổi khùng.
- Hãy nói bằng tiếng Anh. Không thì dập bả trầu đấy!
- Tôi là người ngoại quốc.
- Ngoại quốc hả? Chờ đấy.
Hắn xốc tới, hai nắm tay buông thõng như hai tảng thịt khô. Hắn cố tìm một cơn giận dữ giả dối.
- Nào, hắn nói. Khởi động đi. Tay để đâu? Hèn thế à.
- Vâng, hèn. Tôi không muốn đánh nhau với ông... Có một phu nhân đang chờ tôi trên kia. Phu nhân sẽ hưởng cái gì còn lại sau khi tôi làm việc với ông. Tôi sẽ dạy ông cách gọi một người tử tế là kẻ cắp.
Dường như hắn thuận tay trái. Hắn vung nắm đấm bên trái.
D nép người vào lavabô. Chuyện không hay sắp xảy ra, anh đang đứng trong sân trại tù. Tên cai ngục đang tiến tới, tay cầm dùi cui. Giờ này mà có súng, anh sẽ nổ súng ngay, sẵn sàng giết người để tránh sự va chạm giữa hai người đàn ông. anh nhắm mắt, dựa lưng vào tấm kính. Anh không hề biết sử dụng nắm đấm.
Anh nghe tiếng lão chủ quán:
- Thế nào ông bạn? Không được khỏe hả?
D đứng thẳng người lên. Tên tài xế lùi một bước ra vẻ nghiêm chỉnh. D nhìn hắn, ngọt ngào trả lời lão chủ quán:
- Tôi vừa mới bị... tiếng Anh nói thế nào nhỉ... bị chóng mặt!
- Tiểu thư Cullen nhờ tôi đi tìm ông. Hay tôi tìm thầy thuốc cho ông nhé?
- Không sao. Không việc gì.
Ra khỏi buồng vệ sinh, D hỏi lão chủ quán:
- Ông có biết tên người tài xế vừa rồi?
- Chưa bao giờ gặp. Làm sao nhớ hết được khách hàng ở đây, ông bạn. Có việc gì?
- Hắn lén lục túi tôi.