iọng người đàn bà như càng giục thêm:
- Anh hãy nghỉ tay một lát lên nhà xuất bản xem thế nào rồi về. Em ngại lắm, con nó cứ mỗi ngày một nóng,không thuyên giảm tý nào.
Hoàng hơi cau mặt, phóng bút viết vội thêm vài dòng nữa trước khi hạ cái tên ký ở dưới. Chàng hấp tấp đọc lại một lượt bài thơ phóng sự hoàn thành. Xem chừng cũng không còn gì phải sửa chữa thêm, chàng mỉm cười một mình gấp vào túi áo. Xong đến bên giường Hoàng hé cửa màn, đặt tay lên vừng trán nóng bừng của đứa con trai:
- Ừ nó sốt cao đây. Thế em ở nhà, để tôi thử lên nhà xuất bản đòi nốt số tiền bản thảo còn thiếu xem thế nào.
Tiếng người đàn bà trong màn căn dặn:
- Nếu người ta trả, anh lên phố Phúc Kiến cắt vài thang thuốc bắc cho con, dùng mãi thuốc tây, em thấy nó chẳng đỡ được tý nào. Xong anh rẽ lên chỗ bà Phán Hòe trả hộ em chỗ 500đ em mượn bà ta kỳ tháng trước giỗ cụ; và anh về qua Hàng Đào mua hộ em cái khăn quàng nhung kẻo nữa mấy hôm nay rét lắm rồi.
Hoàng vớ lấy chiếc mũ dạ bạc màu chụp lên đầu. Chàng châm điếu thuốc lên môi rồi lẳng lặng đẩy cửa ra đi.
Thằng bé đã thiu thiu ngủ. Thuyến nhẹ nhàng đặt con xuống giường âu yếm kéo chiếc chăn đắp ngang người nó. Nàng ái ngại nhìn cái thân hình còm cõi, khuôn mặt xanh xao của con. Tự nhiên ý  nghĩ chua xót đến cùng với nàng một lúc khi nàng đưa mắt ngắm qua cái khung cảnh nghèo nàn lúc ấy. Một gian buồng rộng không quá ba sải tay, trơ trọi một chiếc bàn mục nát, một cái tủ sách cũ kỹ, một chiếc giường mà bốn chân đã ọp ẹp, với lại vài ba chiếc ghế lệch lạc lỏng chỏng đặt mỗi chiếc một nơi. Trên tường, giữa những đám mạng nhện, mấy bức tranh tố nữ đang cười càng như mỉa mai bỡn cợt. Và những mẩu thuốc, những mảnh giấy vụn vo tròn,những giầy, guốc vứt bừa bãi,ngổn ngang trên nền đất ẩm. Ở một góc nhà, một con chuột nhỏ mắt đen láy đang thập thò sau chiếc chổi xể cùn. Nghe bước chân Thuyến nó vội lủi vào sau chiếc tủ sách biến mất.
Thuyến uể oải ngồi xuống bàn chỗ Hoàng vừa đứng lên. Bằng một cử chỉ không định, nàng thẫn thờ lục trong ngăn kéo, đống sách rối tung của chồng. Bỗng tay nàng lôi lên một quyển sách bìa đóng gáy hoa,bên ngoài vẽ một con bướm đậu trên cành hoa. Những hình vẽ cũng như tấm bìa đã cũ kỹ lắm rồi. Thuyến không giấu nổi một nụ cười chua chát khi lật qua vài trang đầu. Đấy là quyển nhật ký hồi còn con gái của nàng, hay đúng hơn, đấy là đoạn đường đánh dấu những câu chuyện tâm tình “mười năm trước” giữa Thuyến và Hoàng khi hai người còn đang trong thời kỳ yêu nhau mê mẩn và chưa kịp lấy nhau.  
MÙA HOA SOAN TRẮNG NGÀY 3…Thơ Hoàng nghe buồn quá.Cả văn Hoàng nghe cũng buồn. Câu chuyện ngắn Hoàng viết làm mình thổn thức mấy ngày đêm. Không hiểu nghĩ sao, Hoàng lại nỡ để cho cô gái ấy thất vọng vì tình mà chết một cách tương tâm như vậy.Theo ý mình, Hoàng nên kết cấu bằng một chuyện đẹp đẽ giữa đôi trai gái ấy mới phải. Họ đã phải chịu bao điều cay đắng trong lúc yêu nhau, phải va chạm với một mớ thành kiến hủ lậu của gia đình ngăn trở. Sự phân biệt giầu nghèo,sự chia rẽ giai cấp sang hèn đã là thủ phạm của câu chuyện tình bi thiết kia, nhưng xét ra cũng là lỗi của người con trai. Dù gia đình không thuận, nhưng một khi đã yêu, nghĩa là phải có can đảm bênh vực lập trường của mình chứ ; sao người con trai lại có thể quá nhu nhược nghe lời bố mẹ đoạn tuyệt với người tình cũ, để cô này phải tủi hờn, nhảy xuống sông tự tử. Hoàng không hiểu tâm lý độc giả ( nhất là phụ nữ) chút nào, khi xây dựng lên câu chuyện oan trái kia…
NGÀY 7…Hoàng đã tiếp được thư mình chỉ trích. Mình đọc “Hộp thư” thấy Hoàng nhắn:”Câu chuyện phải xẩy ra thương tâm,làm phật lòng bạn gái như vậy mới có tính cách “đời”.Nếu chỉ nghĩ đến kết cấu vo tròn cho có hậu, e rằng nó sẽ gò bó giả tạo.” Hoàng lại ngỏ ý muốn gặp mình ở tòa báo và ”hoan nghênh” mình đã mạnh bạo góp ý kiến trên chốn văn đàn. Lại chăng ? Không lại?
NGÀY 29…Mấy câu chuyện ngắn sau này của Hoàng xem chừng đã bị ảnh hưởng bởi lời chỉ trích của mình.Hoàng không còn tạo những cảnh chia ly đau đớn. Hoàng đã có một vài chuyện vui.Nhưng quái lạ, sao trong những cảnh vui nhất mà Hoàng vẫn có những tư tưởng buồn buồn lạ. Ai lại tả tiếng đàn của một cô gái trong đêm khuya mà Hoàng lại hạ bút viết như thế này:” Những tiếng đàn u kín trầm lắng trong bóng đêm càng như gợi nỗi hắt hiu của lũ linh hồn chết yểu, đang sờ soạng dắt díu nhau trở về cõi thế”. Và Hoàng còn tả nụ cười của gã nghệ sỹ: ”Nụ cười không nói lên một tình ý yêu đời.Nụ cười héo hắt khô cạn, cười đấy mà gã nghệ sỹ đang nghe nội tâm rạn vỡ,giãy giụa trong muôn vạn tiếng cấp cứu kêu thương”.
Sao giọng Hoàng lại chua chát như vậy? Hẳn đời Hoàng đã gặp nhiều bóng đêm ma quái.Phải rồi, những kiếp sống nghệ sỹ có vui bao giờ? Nhưng đẹp hơn cả, người nghệ sỹ vẫn vui lòng chịu đựng,vui trong nỗi hy sinh thầm lặng để cống hiến cho đời những chất mát lành nhất của tim óc mình.
MÙA LÁ ÚA, NGÀY ĐẦU THÁNG… Lá bắt đầu rơi rụng trên nền cỏ,trời đã hiu hắt gợi cái cảm giác Thu về. Bữa nay,Hoàng lại nhắn muốn gặp ta trên trang báo. Hoàng gọi ta là “con chim én của trời Thơ”. Ý Hoàng muốn ám chỉ những lá thư ta gửi Hoàng đóng dấu nhà Bưu điện chăng. Chịu thôi! Hoàng thứ lỗi cho Thuyến nhé. Gặp Hoàng,Thuyến biết nói chuyện gì? Hoàng là nhà văn mồm mép.Thuyến ấp úng chỉ lộ cái kém cỏi, Hoàng lại cười cho…
MÙA LÁ ÚA,ĐÊM TRĂNG NON- Báo kỳ này không có bài nào của Hoàng. Sao vậy, hay là Hoàng ốm.Vắng một tuần không được đọc văn của Hoàng mình thấy nhơ nhớ thiếu thốn làm sao.Chết thật,ra mình đã “nghiện” văn Hoàng rồi mà không biết. Ngồi buồn giở xem lại những bái báo cũ của Hoàng. Một điều mình nhận xét là trong những sáng tác của Hoàng, bao giờ cũng phải có hình bóng một người đàn bà.Dù trong những loại tranh đấu, xã hội, ngọn bút của Hoàng vẫn luôn luôn vướng phải sợi tóc đen mượt của mỹ nhân. Tên Hoàng nghe cũng ý nghĩa lắm. Hoàng –Quân, lãng mạn tình tứ người tình đẹp phong lưu như ông Hoàng. Chẳng trách Hoàng làm bao độc giả(trong đó có mình)phải mê mệt bên trong những giòng bay bướm là phải.
MỘT CHIỀU ĐÔNG GIÁ LẠNH…Hoàng nhắn tin nhiều quá và tha thiết quá khẩn cầu quá nên bắt buộc ta phải cho Hoàng gặp mặt. Ta đến tòa báo tìm Hoàng. Hoàng tiếp ta ở phòng khách. Hoàng lịch thiệp hết sức trong khi khẽ nghiêng mình chào và hỏi ta: “Tôi rất hân hạnh sau bao nhiêu khắc khoải chờ đợi hôm nay được đón tiếp nữ độc giả tài hoa và thanh lịch của giới Văn chương Hà Nội.Người bạn gái ở xứ ta bao giờ cũng nhũn nhặn, ít chịu đua góp trên đàn văn.Đó là nguyên nhân phần nào sự chậm tiến của nền văn nghệ nước nhà. Ước ao phái nữ lưu từ đây sẽ cùng bắt chước cô mạnh bạo góp sức đua tài cùng chúng tôi để kiến tạo tòa lâu đài văn hóa Việt Nam đang còn thời kỳ trứng nước thì làm gì chúng ta chẳng thu lượm được kết quả tốt đẹp. Chúng tôi nhận thấy có nhiều chị em bạn gái có những tư tưởng rất sâu sắc thâm trầm, những nhận xét về đời và sự vật tinh tế hơn hẳn chúng tôi …”
Giọng nói của Hoàng nhẹ nhàng đầm ấm,. Nụ cười hết sức dễ thương.Và chao ôi! Đôi mắt Hoàng,đôi mắt sâu thăm thẳm và buồn mênh mang chứa đựng cả sức quyền rũ mãnh liệt vô hình. Ta tự thấy bé nhỏ trước đôi mắt ấy.
THÁNG CỎ NON, XUÂN…
Hoàng trả lời cho ta biết là Hoàng nghèo. Hoàng chỉ giầu trong tình cảm gửi trao thiên hạ chứ rất nghèo trong thực tế. Hoàng thú nhận những nghệ sỹ không đủ thiên chức làm chủ trong gia đình. Hoàng khuyên ta nên suy nghĩ chín chắn, không nên thả lỏng cho những tư tưởng bồng bột.
Hoàng khinh ta quá. Hoàng cũng đánh giá ta như trăm ngàn cô gái khác chỉ biết tìm kiếm người tình bên cái vỏ ngoài hào nhoáng hay sao? Tình yêu theo ý ta phải xây trên sự khâm phục, trên cùng điểm cảm thông của tính tình, tư tưởng. Ta trọng Hoàng ở tâm hồn nghệ sỹ, biết cười tươi trong cảnh nghèo, biết khinh bỉ mọi cám dỗ của phù hoa và uy quyền và biết bận tâm những cảnh mà cái thế nhân tầm thường không hề bao giờ bận tâm. Nhà triệu phú có thể có bạc vàng, nhà cầm quyền có thể có danh vọng, nhưng dám chắc bạc vàng hay danh vọng cũng không thể mua nổi kho tàng châu ngọc ẩn trong tâm hồn nhà nghệ sỹ.
Anh Hoàng, anh hãy tin ở em, nguyện giữ mối tình yêu duy nhất với những tư tưởng nhân đạo của anh. Anh ngại rằng, anh nghèo. Không đâu anh ạ, anh đã giầu hon tất cả thiên hạ ở một kho tàng châu báu vị tha tháng ngày dâng tặng cho đời, dám không nghĩ gì đến sự hao hụt thiệt thòi của bản thân mình. Như thế em đủ mãn nguyện tự kiêu về anh lắm rồi…”
Quyển nhật ký chỉ ghi chép đến đây vì sau đó Thuyến và Hoàng đã lấy nhau. Từ một cô gái thượng lưu đài các, sớm mang nặng hồn thơ lãng mạn; Thuyến đã từ chối bao bàn tay quyền quý khác để vui lòng đón nhận cuộc sống với gã nghệ sỹ nghèo này. Nàng đã cười rất thản nhiên trước sự phản đối ồn ào của gia đình,cái gia đình nệ cổ không muốn chấp nhận một người rể “kiết xác kiết xơ và thất tha thất thểu” như thế.
Ở đây họ đang bắt đầu những mùa xuân của cuộc đời. Một căn gác nhỏ xinh xinh có rèm che những khi nắng gắt, có cửa sổ mở ra khung trời xanh. Và nhìn xuống dưới, có cả một khu vườn nhởn nhơ bướm trắng,bướm vàng và liu tín đủ các màu hoa. Những tuần lễ trăng mật có ánh trăng xanh rót vào gian buồng nhỏ qua khung cửa sổ, chập chờn như một dòng sữa.Thuyến yêu nhất những phút im lặng đứng sát cạnh chồng. Mầu trăng xanh tắm lên người Hoàng và Thuyến khiến cả hai có một vẻ đẹp mê hoặc. Hoàng ghé nhỏ vào tai Thuyến:
- Anh yêu em suốt đời. Em là nguồn cảm vô tận cho thi tứ của anh.
Thuyến nép đầu vào ngực Hoàng ngước đôi mắt rất tình:
- Em cũng chỉ ao ước suốt đời được hầu hạ cán bút và nghiên mực của anh thôi.
Hai cái đầu từ từ cúi sát vào nhau. Hai cánh môi tìm kiếm ân tình trong một cơn say cuồng túy...
*
Thuyến đã đem dâng cả cuộc đời trinh bạch cho chàng nghệ sỹ mà nàng trót yêu mến thơ văn một thuở.Trong cuộc chung sống, nàng đã đem hết đức tính ngoan ngoãn phục tòng của một cô gái vốn dòng nề nếp để hầu hạ chồng. Trước kia nàng vẫn nghe chị em bình phẩm khi biết nàng sớm dành cho nghệ sỹ một chỗ ngồi cao quý trong tim:” Những người nghệ sỹ khó chiều lắm”.Nàng không tin. Nàng cho đó là lỗi của những người đàn bà không biết lựa theo tính chồng. Nhất là ở người nghệ sỹ tình cảm phức tạp hơn ở người thường, cần phải tế nhị lắm mới làm vui lòng họ được.
Và nàng đã chăm chỉ lo toan cho chồng. Nàng không lấy làm lạ thuở mới biết nhau,Hoàng phong tình lễ độ duyên dáng bao nhiêu thì bây giờ chàng thành nhát gừng và im lặng. Nàng nghĩ thầm: ”Khi người ta còn là ý trung nhân của nhau và khi người ta đã biến thành vợ chồng tất nhiên phải khác”. Cũng thuở mới biết nhau, nàng tưởng tượng cuộc đời tư của nhà nghệ sỹ phải có lắm cái hay hay kích thích trí tò mò của người đời.Nhưng bây giờ nàng cảm thấy Hoàng cũng chỉ là  một người “thường”như trăm nghìn người khác, nghĩa là cũng có những phút rất không được đẹp như khi ăn, ngủ hay khi trợn trừng gắt gỏng…
Cái tính bừa bãi mà trước kia Thuyến cho là một tính tự nhiên đáng yêu trời dành riêng cho các nghệ sỹ “Đời họ còn phải dành cho nghệ thuật cao rộng chứ đâu có phải lúc nào cũng bận tâm về những cái tẹp nhẹp của cuộc sống cơm áo hàng ngày ấy được.” Tuy nghĩ thế, nhưng giờ đây sự bừa bãi quá độ của Hoàng đôi khi cũng làm nàng cảm thấy bực mình.Nàng thì ưa sự ngăn nắp mỹ thuật cho căn nhà,trái lại căn buồng lúc nào cũng ngập những giấy má, tàn thuốc, que diêm và vỏ chai. Dù nàng cố thu dọn, đâu vẫn hoàn đấy. Nàng chỉ phiền nhất là lúc mẹ nàng đến chơi và đấy là lúc để cụ lắc đầu về những “ông nhà văn, nhà báo” mà cụ vốn dĩ không ưa.
Nàng để ý thấy Hoàng như không muốn nhận một trách nhiệm gì với gia đình. Cái con người ấy xem chừng rất ơ hờ với mọi ràng buộc máu mủ mà ở cái xã hội Việt Nam này vẫn coi là trọng nhất. Một vài bận Hoàng đã làm nàng nghẹn trong nước mắt và nàng đã nhớ mãi không thể quên.
Hôm ấy bên nhà có giỗ, mẹ nàng cho người đến mời cả hai vợ chồng.Đằng họ nhà nàng đã chờ đợi đông đủ chỉ đợi hai vợ chồng nàng đến là hạ mâm cỗ. Thuyến lăng xăng sửa soạn cùng chồng để đi ;chợt mấy người bạn Hoàng đến cho chàng biết có một buổi họp văn nghệ bất chợt tổ chức chiều nay ở nhà Khai Trí Tiến Đức. Thế là Hoàng đùng đùng xách mũ theo mấy người bạn mặc Thuyến đã dùng nước mắt để nhấn mạnh vào mọi lẽ quan trọng của buổi giỗ kỵ này.
Lại một hôm khác, Hoàng có một người bác ruột mất ở quê. Thuyến đi mua đồ cúng định bụng cùng chồng về phúng viếng cho phải phép.Nhưng khi hai vợ chồng vừa bước chân lên xe lửa, thì một người bạn Hoàng hớt hơ hớt hải từ trong ga đâm bổ đến. Mặt tái xanh, anh ta cho Hoàng biết:” Vơ anh ta mới ở cữ, bị băng huyết nguy lắm, vậy nhờ Hoàng đến trông nom giúp, gọi hộ thầy thuốc thang..”Hoàng chỉ kịp dặn vợ: “ Thôi em về một mình cũng được, cáo hộ là anh ốm rồi hôm khác anh về sau”. Rồi ôm cặp cùng bạn chạy lủi vào đám đông.
Chưa hết, lại cái Tết năm nao, giữa chiều ngày 30, Hoàng đội mũ ra đi và nói là đến thăm người bạn dặn đúng Giao thừa sẽ về xông đất. Nhưng rồi suốt đêm hôm đó, nàng thức đợi cửa lắng tai nghe tiếng pháo  để đón chồng về mà chẳng thấy gì. Sáng mùng một, giữa lúc nàng bưng mâm cỗ cúng từ dưới bếp lên, thì Hoàng ở đâu lù lù đẩy cửa về,tóc tai bù xù,quần áo tơi tả, mồm sặc sụa hơi rượu. Vừa kịp ngả lưng xuống ghế chàng đã nôn thốc nôn tháo ra sàn gác và cứ thế ngủ thiếp đi hết ngày mùng một.
Nhưng tất cả những cái tính “điên điên” ấy cũng chưa làm cho Thuyến tủi bằng lần nàng ở cữ thằng Đạt,Hoàng bỏ đi biền biệt vào miền Trung, thả thuyền trên sông Hương, thăm cảnh Ngự Bình, lên Đà Lạt để tìm “thi hứng” đến gần một tháng,từ ngày Thuyến vào nhà thương, đến hôm về nhà. Hoàng thờ ơ như không biết rằng một sự cố tầy đình vừa xảy ra cho cuộc đời chàng: một đứa con ra đời.Chàng miệt mài bên cán bút, lọ mực đến nỗi quên cả một lời hoan hỷ với cái tin mới mẻ kia. Cho đến cách hai tháng sau,một buổi tối trời đổ mưa Hoàng bảo Thuyến dọn ra một cút rượu với lạc rang rồi chừng như cao hứng, chàng rung đùi ngâm mấy câu thơ vừa hoàn thành cho nàng nghe. Lúc đó vui vẻ, chàng mới chợt nhớ ra là mình có một đứa con đang nằm đỏ hỏn trên tay mẹ nó. Chàng bảo Thuyến bế lại cho chàng xem mặt “chó con”. Thuyến cảm động đến rơi nước mắt. Hoàng ngắm nghía mặt thằng bé chừng hơn một phút rồi phê một câu gọn lỏn:
-  “Ừ kể nó giống anh đấy chứ. Của này sau lớn lên lại nghệ sỹ lang thang sớm!”
Chỉ một câu ngắn ngủi ấy thôi, Hoàng nói với con kể từ khi nó lọt lòng mẹ cho tới những ngày gần đây.
Đã nhiều đêm âm thầm suy nghĩ, Thuyến thầm mong chồng bớt giá bớt đi một chút “nghệ sỹ” để nghĩ tới việc nhà thì hay hơn. Nàng vẫn cầu nguyện cho Hoàng thành công trên đường văn nghiệp,nhưng nàng lại muốn chồng phải phần nào nhớ đến trách  nhiệm của người đàn ông đối với một mái nhà, với vợ và con.
Tuy là một người giầu tư tưởng phóng khoáng nhưng giờ đây đôi khi Thuyến cũng cảm thấy cái quyền làm vợ của nàng bị xâm phạm. Ấy là những lúc Hoàng tiếp đãi các bạn gái đến chơi nhà (những nữ độc giả hâm mộ văn chàng như Thuyến dạo xưa). Tuy chàng có giới thiệu Thuyến một cách trịnh trọng với các bạn gái,nhưng Thuyến vẫn thấy hậm hực lúc chàng nói chuyện,những lúc này chàng đâm duyên dàng,lịch sự và…đáng yêu hơn những khi chàng nói với vợ con. Những cô bạn gái, nàng thấy đẹp, nhí nhảnh hơn nàng nhiều (nàng thở dài nhìn mầu da đã có chỗ xám đen, cặp môi đã bớt hồng).Thuyến đã không chịu nổi nữa những bài thơ tình tứ Hoàng tặng họ trên mặt báo (như trước kia nàng đã thuộc lòng những vần thơ Hoàng gửi tặng nàng). Những câu văn sống sượng kể lể sự tình cờ thân mật giữa họ và Hoàng. Một bận dựa vào lúc thằng Đạt đang khóc quấy dỗ thế nào cũng không nín nàng đã cau có vò nát tờ báo bảo chồng:
-  Anh viết thế này là vô ý thức lắm. Các cô ấy chưa chồng mà anh cứ tặng bừa phứa những vần thơ yêu thương như thế có ảnh hưởng không hay đến cuộc đời người ta sau này.
Hoàng mỉm cười không trả lời. Thuyến uất nhất là trước những lời kỳ kèo phản đối của nàng, Hoàng chỉ giữ một thái độ im lặng kẻ cả. Cái cười nhếch mép mới ngụ ý chế riễu coi thường nàng làm sao.
Cái căn bệnh “gửi tặng” đã làm nàng bực mình bao nhiêu thì hai tiếng “bốc đồng” lại càng khiến nàng lo ngại bấy nhiêu. Hai tiếng đó không có trong từ điển nhưng nàng đã được biết quá thấu đáo trong cuộc sống chung với người nghệ sỹ.Đó là căn bệnh “ điên điên” của những người cầm bút. Căn bệnh ấy bắt nguồn từ số lương lĩnh ở tòa báo hoặc nhà xuất bản về. Yếu tố để hoành hành dữ dội là mấy ông bạn nhà văn biết chửi đổng khinh đời đúng lúc. Chỉ cần gặp nhau là nhất định số lương đó tan ngay trong cơn điên dại của họ.
Đã nhiều lần như thế gần thành một thói quen; một ngày đẹp giời gió thu mát rượi và mây vương vấn; một chiều đông lạnh u ám mưa phùn, một vài gã bạn đàn ông, một cô bạn gái cùng ôm một cái tâm sự giận chung trời đất và loài người; họ gặp nhau đủ để làm tiêu tan những gì có trong túi áo.
Lần đầu tiên vì những chuyện ấy mà Thuyến dám có cử chỉ vô lễ với chồng. Hôm ấy, thằng Đạt lên cơn sài suốt đêm. Nàng dặn chồng lên tòa soạn lĩnh lương về thì để mua thuốc cho con. Hoàng tâm niệm ghi nhớ. Nhưng suốt đêm,nàng chờ mong cũng chỉ nghe tiếng gió gào thét bên ngoài cửa sổ. Gần sáng chàng mới về, vẻ mệt mỏi còn ghi trên khuôn mặt bơ phờ. Thuyến đưa mắt giấu một câu hỏi, Hoàng cười gượng gạo : “ Lão chủ nhiệm đưa cho hơn nghìn.Đang đi gặp tụi bạn nó lôi đi chơi, hết cả..”
Trong cơn uất ức nghẹn tắc họng, Thuyến đã lia mạnh cái khay chén xuống đất. Thằng Đạt giật mình khóc thét lên. Nàng tiện tay vớ cái ấm tích quăng mạnh vào tường vỡ nát vụn rồi gục đầu khóc rưng rức như một đứa trẻ thơ. Hoàng đứng yên sững sờ như pho tượng. Hai mắt chàng nhìn vợ buồn hối hận. Rồi chàng đến bên Thuyến ngọt ngào vuốt lên mớ tóc xô rối của nàng. Lần đầu tiên từ khi lấy nhau, chàng nói với vợ dài và tha thiết như thế:
“ Em, anh biết là em buồn lắm. Em yêu người nghệ sỹ trong thơ văn, nhưng em không ngờ đến cái cơ cực khi phải sống chung với người nghệ sỹ trong định luật vợ chồng. Tại anh đã khuyên em mãi, em không suy nghĩ chín. Những người nghệ sỹ như anh chỉ là để sống cho xã hội, cho loài người thì đúng hơn là cho một mái gia đình chật hẹp. Đời bọn anh chỉ biết dâng cho những phút hào hứng ngẫu nhiên chứ khó mà nhận nổi một trách nhiệm đều đều. Anh biết gần đây, em đã tủi hờn đến cả những dòng tư tưởng của anh gửi trên mặt báo cũng như tính khí hàng ngày của anh. Theo ý em, em chỉ muốn anh làm thơ tặng riêng anh. Nhưng những tình cảm mà anh gửi trao thiên hạ anh cũng không nhận lại được đâu, em đừng ngại. Họa hoằn chỉ riêng em ở cái xã hội đen bạc này biết đem cả tuổi xuân và cuộc đời đem dâng cho người nghệ sỹ nghèo là anh, chứ thế nhân có coi ra gì. Một vài câu khen tặng, một đôi cử chỉ hâm mộ chẳng qua cũng chỉ ừ ào trong giây phút. Thế thôi! Vĩnh viễn gì…
Cái thèm muốn của gã trọc phú, của mấy nhà chính khách mới thật tai hại, vì họ đủ đồng tiền và thế lực trong tay để thỏa mãn những ước vọng đê hèn. Chứ riêng bọn nghệ sỹ các anh yêu ôm đồm lắm,yêu cỏ cây hoa lá, yêu mắt biếc môi xinh, yêu nắng sớm mây chiều,nhưng cái yêu ở đây cốt chỉ để khơi chút rung động cho đôi dòng sáng tạo chứ không phải để làm chủ nhân ông ích kỷ. Em cứ yên tâm, những lời tình tứ lả lơi, anh nhờ cánh gió gửi  trao người này,người khác nhưng cái người nhận nhiều hơn cả vẫn chỉ có thể là..em. Trong thơ văn anh ngày nay ít nói đến em, nhưng trong tâm hồn anh thì lúc nào cũng chỉ có hình ảnh một mình em ngự trị… Còn cái tính điên điên, những bệnh bốc đồng của bọn anh, em cũng đừng nên chê trách. Người nghệ sỹ- như anh đã nói –có cung cách sống hoàn toàn khác với người đời… Cái thế nhân thì nói chuyện đi ô tô ở nhà lầu, mặc hàng len đeo vàng ngọc,và ngày nghỉ ríu rít đến các cao lâu, vũ trường là mãn nguyện lắm rồi. Riêng bọn nghệ sỹ các anh chỉ thèm những phút gặp nhau mấy kẻ, dốc cạn chén rượu đầy trong quán vắng chiều mưa để nói vung lên cho hả một cái gì ấm ức. Nói được lên sướng lắm em ạ. Cái tính điên điên của anh tiếng thế không tai hại bằng một canh mạt chược, một ván xóc đĩa hay một khát vọng bất chính của một gã trọc phú nhà giàu.
Em! Anh chỉ tiếc rằng em đã yêu anh trên một điểm nghệ thuật,nhưng em chưa hẳn đã muốn yêu một người chồng nghệ sỹ. Em muốn, anh sẽ xếp lại cán bút, ít làm thơ gửi thiên hạ, sẽ tránh những cuộc bốc đồng với bạn bè để hoàn toàn làm một người chồng, người cha ngoan ngoãn. Em muốn làm anh chết khô chết héo hẳn hay sao? Thật thế, anh thèm loài người, anh thèm xã hội, giam anh trong bốn bức tường này,bắt anh phải trông nom con thay em, anh chết mất! Yêu anh, em hãy biết hy sinh cho lẽ sống cao đẹp của Nghệ Thuật “.
Hoàng ngừng lại, ái ngại lấy khăn lau nước mắt cho vợ:
Anh biết hồi còn con gái em sướng lắm,và đáng nhẽ kết bạn với nhiều nơi khác sẽ hạnh phúc hơn thì em lại từ chối để tìm đến cái cảnh nghèo nàn này. Đấy, anh đã khuyên em từ ngày ấy. Kiếp sống nghệ sỹ chỉ lý tưởng trên trang giấy,chứ chưa hẳn đã hoàn toàn trong cuộc đời thực tế,nhất lại là cuộc đời đứng đắn vợ con. Giá mà em cứ mãi là cô “Thu Yến” yêu thơ, và anh là gã “Hoàng Quân” viết chuyện buồn để gửi tặng riêng em, có phải sẽ đẹp mãi không? Đằng này chúng ta đã ích kỷ thu hẹp cái tình yêu lý tưởng lại để ngày nay có những phút em nhận thấy anh không được hoàn toàn như ý muốn và anh cũng phần nào thấy mất đi ở em bữa nay cái dịu dàng khuê các của cô bạn gái ban đầu.
Số tiền lương nhà báo hôm qua đi với các anh ấy hết cả rồi. Nhưng em đừng ngại, anh sẽ đến vay ở nhà xuất bản khác rồi chịu khó ngồi nhà viết vài ngày là xong thôi…”
Đã nhiều lần như thế, sau một cơn bốc đồng phá đến đồng bạc cuối cùng trong túi,Hoàng trở về với sự thực  và chỉ còn một giải pháp: vay cào vay cấu ở đâu để bù đưa cho vợ, và về nhà đóng chặt cửa mấy ngày liền không đi đâu để bù đầu viết trả nợ… Được cái chàng viết cũng khá nhanh và có tín nhiệm với mấy nhà xuất bản và tòa soạn báo.
*
Mưa mới đầu còn nhẹ rồi sau mỗi lúc một nặng hạt. Gió buốt quất vào da thịt như những tên đao phủ tàn nhẫn. Ấn mạnh chiếc mũ dạ xuống trán,Hoàng rảo thêm bước. Chàng vừa đến nhà xuất bản và may mắn lĩnh được trọn số tiền 1500đ còn thiếu về bản thảo cuốn tiểu thuyết chàng vừa bán tháng qua. Chàng yên tâm ấn chặt số tiền vào túi áo trong.
Hoàng đi sát qua một hiệu ăn,mùi xào nấu thơm ngào ngạt từ trong đưa ra, khiến chàng không định tâm cũng phải ném một cái nhìn vào. Đĩa thịt bò xào khoai tây do anh bồi bàn bưng ra làm cho Hoàng sực nhớ đến từ sáng vì mải viết, anh vẫn chưa dùng gì. Nhất là lúc này ngoài trời lạnh lắm,rẽ vào ngồi nghỉ uống cút rượu với mấy con mực nướng trong cái quán ấm áp kia để nghe gió gào thét bên ngoài cũng là cái thú hay hay… Hoàng đã toan rẽ vào nhưng chợt nhớ lời dặn của Thuyến, với khuôn mặt xanh xao của thằng Đạt lại khiến anh ngần ngại rồi quay đi. Ít nhất lòng gã nghệ sỹ chuyên sống cho những phút cao hứng ngẫu nhiên bữa nay cũng cảm thấy bịn rịn  vì một vài trách nhiệm phải mang.
Hàng nhớ lời vợ định lên nhà bà Phán Hòe để trả  nốt 500đ mà Thuyến còn thiếu. Số tiền nợ này là do cái giỗ kỵ tháng trước bên nhà anh, nhưng  hôm đó vừa qua một cơn say với bạn, túi tiền cạn cả, Thuyến phải đi vay cho chàng. Cái món nợ ấy Hoàng thấy vợ đã nhiều lần đăm chiêu giục chàng đi trả, nhưng cứ lần lữa, vừa nắm được cuộn tiền trong tay chưa kịp về đến nhà đã hết ngay; thành thử món nợ tuy không to mà hơn tháng nay Hoàng vẫn chưa giả được. Lại còn cái khăn quàng nhung cho Thuyến trong những ngày rét mướt tới đây. Tội nghiệp, Hoàng thấy thương vợ quá. Từ ngày lấy nhau, bao nhiêu tư trang vòng xuyến riêng nàng đã phải đem bán hết để đắp điếm cho cái cảnh nghèo của chồng. Cả mùa rét năm ngoái,Hoàng thấy ái ngại thấy vợ húng hắng ho trong chiếc áo len đã sờn cũ không còn đủ ấm. Mấy lần cùng chồng qua Hàng Đào, nàng vẫn ao ước có được cái khăn quàng nhung bày trong cái cửa hiệu kia. Lại còn thằng Đạt, tiền thuốc men từ khi nó ốm, toàn là do Thuyến vay mượn của chị em. Nhà mẹ nàng không thiếu thứ gì nhưng Thuyến tránh tất cả mọi sự tai tiếng cho một người con gái đã bước chân đi lấy chồng. Nàng khái lắm, thà bán hết, thà vay lãi nặng, chứ nhất định không chịu lộ cái cảnh túng thiếu, không chịu nhận sự cứu giúp của mẹ đẻ hay chị em ruột. Bữa nay đây, Hoàng tha thiết được dự phần vào cảnh đăm chiêu với vợ.
Ý nghĩ ấy càng giục giã Hoàng bước mau. Chàng khép chặt cổ áo để tránh một cơn gió thổi thốc lại mấy hạt mưa buốt. Chàng bỗng nghe gọi giật đằng sau:
- Hoàng! Hoàng!
Chàng quay lại, Trụ Giang và Đỗ Hải ở đâu tiến lại, người ướt sũng như chuột lột:
-  Đi đâu mà vội thế, có rỗi không? Hai thằng đi tìm mãi. Đến nhà thấy chị bảo đến nhà xuất bản. Đến nhà xuất bản thì lão ấy bảo mày mới về. Thế nào, có cần về ngay bây giờ không? 
Hình ảnh những phút giây cao hứng gặp bạn bè còn để lại trong Hoàng những kỷ niệm không được đẹp. Chàng ngần ngừ:
- Thôi xin phép chúng mày. Tao có việc cần phải về ngay. 
Trụ Giang dậm chân:
- Thật đáng tiếc. Có một việc khốn nạn nhơ nhớp quá trong làng văn, chúng tao đi tìm mày để lên tiếng bày tỏ thái độ trước hành động hèn hạ này.
Óc tò mò bị kích động. Hoàng chăm chú:
- Việc gì đấy ?
Đỗ Hải rút trong túi ra một tờ tạp chí,lật vội qua vài trang rồi chìa cho Hoàng xem:
- Mày đọc. Tao không ngờ ngọn bút thằng Tấn Nguyên lại bị mua chuộc một cách thảm hại thế này. Trước kia, chúng mình yêu cái tư tưởng chửi đời, khinh bạc của nó bao nhiêu thì bây giờ càng thất vọng quá. Nó đã bị tiền tài và thế lực chinh phục để viết những bài làm tổn thương cả thanh danh tụi nghệ sỹ chúng mình.
Hải gấp lại tờ báo và giơ tay bắt tay Hoàng :
- Thôi , mày có việc cần về nhà. Chúng tao tìm đến thằng Nguyễn Cương, thằng Triều Mạc để xem ý kiến chúng nó đối với việc này ra sao?
Hoàng bỗng mím chặt môi,giật mạnh tay Hải:
- Khoan! Về gì vội.Một bài báo làm thương tổn thanh danh văn nghệ sỹ thế này, chúng ta không thể làm ngơ. Nhưng vào đây đã. Đứng ngoài mưa thế này sao tiện.
Hoàng ngật ngưỡng kéo tay Giang và Hải vào hiệu cao lâu trước mặt.Thế rồi chung quanh chiếc bàn con ngổn ngang vỏ chai và các món xào nấu, ba gã nghệ sỹ đã dốc cơn say trong một buổi “lên án những kẻ phá hoại văn chương “.
Hoàng đập mạnh tay xuống bàn:
- Thật là bỉ ổi. Thằng Tấn Nguyên để đổi lấy vài tờ giấy bạc,đã tự đào huyệt chôn vùi tên tuổi nó. Nhưng thế chưa đủ, chúng ta phải tìm tận mặt chửi cho nó biết viết như thế là nhục nhã,là đầu hàng. Và cần ra, bạt cho nó một cái tạt tai để cảnh cáo.
Trụ Giang cũng đã ngà ngà say, đánh đổ cả cốc rượu chảy ròng ròng xuống áo:
- Không những thằng Nguyên, còn bao nhiêu thằng khác trong cái giới văn nghệ Thủ đô này cũng đáng lên án tuốt. Mày có thấy các báo chí, tư tưởng hồi này hỗn loạn bẩn thỉu lắm không. Này mày thử lướt mắt qua một chút mà xem. Người ta đã dùng văn chương để bợ đỡ mấy thằng nhà giầu, mấy lão tai to mặt lớn, mà tầm hiểu biết không to hơn cái xó bếp nhà hắn, để đổi lấy một số tiền thưởng, một vài ân huệ con con. Người ta đã lợi dụng phê bình, tranh luận để quảng cáo cho vài cái nhà gạch, cho một số lương để rồi bới móc đời tư kêu rằng anh kia anh nọ trước làm nghề gì, họ còn đe “cà khịa” nhau trên võ đài ( đến loạn cả trường văn lên mất), có anh giá trị không đến xu rưỡi cũng lên mặt chửi càn, coi như cả chung quanh chỉ có mình tên hắn là đáng súng bái kính nể. Lại có tờ báo to không hơn cái khay nước đăng được mấy câu Đường luật của mấy”thị mẹt” giấu tên đã vội tưởng là một kỳ công quan trọng,rêu rao ầm ĩ và nhìn độc giả không bằng nửa con mắt. Báo hàng ngày thì toàn những tin chết chẹt ô tô, ăn quỵt nợ hay lạc chó Berger. Vui hơn tí nữa thì thỉnh thoảng có cô lên trình sở cẩm bị người ta đánh cắp mất chữ trinh đáng giá.Lại những sách trinh thám giết người như ngóe, những chuyện kiếm hiệp phun hào quang ra hai lỗ mũi, những quyển sách mà nhan đề đã đủ làm đỏ mặt những người có lương tâm, liêm sỉ - cũng bừa phứa in ra để đánh cắp một cách trắng trợn những trang giấy trong lành đáng lẽ phải được dùng vào các việc khác lương thiện hơn.
Đỗ Hải hai mắt đỏ ngầu, dằn mạnh chai bia xuống bàn:
- Nhưng cái chua xót hơn cả là nhà xuất bản thiếu lương tâm đã cho tái bản bừa những tác phẩm mà tác giả đau lòng đứt ruột hiện còn vắng mặt,để đến khi thất thểu hồi cư với hai bàn tay trắng, tìm đến ông chủ với hy vọng được sự giúp đỡ lúc đầu để may bộ quần áo, thì ông này phàn nàn những là “lỗ quá”,chẳng bán được, những là dại, chỉ chăm chú đến nghệ thuật mà không biết đến sở thích độc giả, vay công vay nợ lãi mười phân, bán ruộng bán nương mà in …để đến nay vẫn chửa thu về được nửa số vốn đã bỏ ra.
Hoàng say sưa nói như một người “thoát tục”:
- Chúng mày có nhận thấy không? Văn nghệ sỹ trong này thiếu hẳn một sự liên lạc mật thiết mục đích để trau dồi nghệ thuật ngày một thêm tinh vi. Ở đây, chúng nó sống rời rạc, hằn học với nhau.Thằng nào hơi có tài một chút là thành ngay cái đích cho bao sự ghét ghen tỵ nạnh. Giữa bọn mình đã chẳng thương nhau thì còn nói chi đến người ngoài, bọn chủ nhà in con buôn chỉ trông thấy cái lợi trước mắt.
Phải chấm dứt tình trạng xấu xa có hại chung đó, phải tổ chức công cuộc bảo vệ đời sống cho văn nghệ sỹ khỏi bị bóc lột. Phải quét sạch gian nhà Văn nghệ cho hết rác rưởi bẩn thỉu.Muốn đủ sức mạnh, chúng ta phải kết thành Đoàn thể.Đoàn thể những văn nghệ sỹ chân chính muốn được sống vững vàng tự trọng. Chúng ta sẽ lập quỹ tương tế giúp đỡ nhau những khi ốm đau thiếu thốn.Chúng ta sẽ tổ chức dạ hội để lấy tiền gây quỹ.Chúng ta sẽ cực lực tẩy trừ những con chiên ghẻ trong làng văn gieo rắc những sự chia rẽ, phá hoại giữa anh em; những cây bút hèn hạ hàng phục như thằng Tấn Nguyên vừa rồi. Chúng ta sẽ chấm dứt tình trạng bới móc tranh ăn giữa các bạn cùng nghề. Chúng ta sẽ chỉ rõ cho những kẻ đầu cơ biết rằng: Báo chí là một lợi khí mục đích để nâng xã hội và đời sống đến một mức cao hơn, làm cho tâm hồn con người được thanh tao trong sáng hơn và là tai mắt của quảng đại quần chúng chứ không phải là chỗ để bọn càn rỡ múa may quay cuồng …
Trong cái buổi tối “điên điên” ấy, ba gã nghệ sỹ đã trút hết uất ức văn nghệ trong những chén rượu đầy. Họ uống nhiều, họ nói cũng nhiều, chửi nhiều lắm. Chỉ biết khi cửa hiệu đã lên cửa, họ mới khật khưỡng lại quầy giả tiền. Trụ Giang nói nhỏ bên tai Hoàng:
- Này, mày có còn giúp tao một tý. Vợ tao mấy hôm nay không may bị sảy thai cần bồi dưỡng ăn uống mà không biết xoay sở vào đâu. Tụi bạn thằng nào cũng “đét” cả rồi.
Hoàng lè nhè trong hơi rượu:
- Con tao cũng đang ốm ở nhà,nhưng thôi mày cầm lấy cũng được.Đây còn nguyên số tiền tao cầm ở nhà xuất bản về chưa kịp tiêu gì cho mày cả để tao chỗ lẻ để đi xe thôi.
Mấy cái bóng lùi lũi xuống hè đường.Hoàng gọi giật một chiếc xe tay lại. trụ Giang ngần ngừ :
- Thôi tao giả mày. Con mày cũng đang ốm ở nhà…
Hoàng lắc đầu:
- À không cần. Tao sẽ đi vay chỗ khác. Năm hôm nữa, tao sẽ viết xong quyển ” Mùa tình nghệ sỹ “ là ổn cả. Tao vay thì chỗ nào cũng dễ. Mày đừng phải ngại gì. Vợ tao hiền mà tốt lắm, biết quý bạn chồng không nói gì đâu ….

Mùa phượng đỏ, Hà Nội

07-6- 1951


Xem Tiếp: ----