Giới Thiệu

    
ập tu ở tu viện Mariabronn, Narcisse nổi bật bởi năng lực trí tuệ và văn hoá của mình. Người ta giao phó cho thầy cậu học sinh Goldmund mà thân sinh cậu ta muốn định phận làm một tu sĩ: để chuộc tội cho cuộc sống xáo động trong quá khứ của thân mẫu cậu. Narcisse kết bạn với chú em thông minh ấy. Thầy cảm nhận khuynh hướng của cậu không phải ở tu viện, và giúp cậu chọn con đường đi.
Từ ấy, Goldmund lao vào sống lang thang: trải qua các cuộc phiêu lưu tình ái, cậu tha thiết bắt gặp được tiện mạo lý tưởng của người phụ nữ “Êva vĩnh cửu”, gương mặt thần tượng có thể thay cho thân mẫu cậu đã qua đời.
Goldmund trải qua mọi nỗi gian truân, phạm nhiều lỗi lầm trong cuộc sống nay đây mai đó. Không phải Goldmund không ý thức về bản ngã, các điều đối lập nhau trong tâm hồn và xúc cảm của mình. Trong một giờ khắc suy tư tỉnh táo và sâu lắng, cậu quyết định trở thành một nhà điêu khắc: nghệ thuật là phương sách để tìm cái đẹp. Tuy vậy, cậu lại ra đi, cuốn hút theo cuộc sống lang thang… Narcisse và Goldmand kết thân với nhau; tư chất, lối sống, số phận của họ khác nhau, nhưng họ có những điểm gặp để hiểu và yêu quý nhau, để bổ sung cho nhau, khi còn trẻ cũng như về sau này.
Chính trong khung cảnh nước Đức thời trung cổ, nhà viết tiểu thuyết HERMANN HESSE đã đặt câu chuyện có tính phúng dụ về tu sĩ Narcisse và về nghệ sĩ Goldmund, mà theo ý ông, cuộc đi tìm kép ấy phản ánh các mối ưu tư của con người, giằng co giữa các đòi hỏi của tâm hồn và thể xác.

Hermann Hesse sinh ngày 2.7.1877 ở Calw vùng Wũrttemberg (Đức) và mất ngày 9.8.1962 ở  Montagnola  (Thụy Sĩ). Cha của ông đã sống ba năm ở Ấn Độ với tư cách là nhà truyền giáo, mẹ ông là con gái của nhà truyền giáo, nhà Ấn Độ học, tiến sĩ Hermann Gundert- một người có học vấn uyên thâm  về Ấn Độ và có riêng một thư viện lớn.Năm 1890, Hermann Hesse học Trường Latinh. 1891, ông học thần học. Ông bỏ học do thấy mình không thích hợp với nghề làm giáo sĩ, rồi 1892 ông học nghề buôn bán sách.  1899-1904, ông sống ở Bael (Thụy Sĩ) và mở hiệu sách cũ. Từ 1904, ông sống ở Gaienhofen bên bờ hồ đẹp như mộng là  Bodensee (bên này hồ thì thuộc về Đức, bên kia hồ thuộc Thụy Sĩ) và chuyển sang viết văn chuyên nghiệp. Cũng năm 1904 ông xuất hiện trên văn đàn với tác phẩm  Peter Camenzind.  Đây là một tiểu thuyết giáo dục  (Bildungsroman) rất hấp dẫn bạn đọc đương thời. 1911, ngán cảnh náo nhiệt của thời cuộc nên năm 1912, Hermann Hesse sang Thụy Sĩ và nhập quốc tịch nước này.
Các tác phẩm chính:
- Unterm Rad (Bị chà đạp – 1906)
- Peter Camenzind (1904)
- Kurgast (Khách dưỡng bệnh – 1925)
- Die Nurnberger Reise (Chuyến đi Nurnberg – 1927)
- Der Steppenwolf (Sói Thảo Nguyên – 1927)
- Die Morgenlandfahrt (Hành trình về phương Đông – 1932)
- Das Glasperlenspiel (Trò chơi hạt ngọc thủy tinh – 1943)