Lê Chu Cầu dịch
Giới thiệu

    
ói thảo nguyên là cuốn tiểu thuyết nổi tiếng của nhà văn Hermann Hesse - một nhà văn, nhà thơ và hoạ sĩ người Đức, đã từng đoạt giải Nobel văn học năm 1946.
Sa chân lạc bước giữa hai thời đại, mang bản chất của sói hoang dã nguyên thủy và con người trí tuệ luôn xung đột cực độ trong dòng máu – Harry Haller thuộc những kẻ vướng nghiệp phải trải nghiệm mọi vấn nạn đời người bằng nỗi thống khổ của riêng mình ở địa ngục trần gian...  Cuộc khủng hoảng tâm thần ấy không của cá biệt một người, mà là căn bệnh thời đại, là chứng loạn thần kinh của cả thế hệ trong đó có Haller, và dường như không chỉ những cá nhân yếu đuối, thấp kém mới mắc phải, mà chính ở những con người giàu thể lực, trí lực nhất, tài ba nhất…
Đặc biệt mang màu sắc tự truyện và là tác phẩm nổi tiếng nhất của Hermann Hesse, Sói Thảo Nguyên (1927) hòa quyện tuyệt vời tư tưởng Á Đông huyền bí siêu linh với nền văn minh châu Âu. Trong khi khắc họa sâu sắc và xúc động hành trình của một tâm hồn đi đến giải thoát, Sói Thảo Nguyên đồng thời là bức tranh thấm đẫm hương vị tình yêu hoan lạc, thể hiện đầy ám ảnh cuộc xung đột tinh thần diễn ra giữa bản chất sói và người trong một tài năng xuất chúng bị mắc kẹt giữa hai thời đại đang nung nấu chiến tranh.
Không kém Ulysses [James Joyce] và Bọn làm bạc giả [André Gide] về thử nghiệm viết táo bạo, Sói Thảo Nguyên cũng là cuốn tiểu thuyết đầy thách thức, gây xáo trộn tâm trí, là phần thưởng quý giá cho những độc giả đang nỗ lực tiếp cận một nước Đức tri thức thời cận đại.

Hermann Hesse sinh ngày 2.7.1877 ở Calw vùng Wũrttemberg (Đức) và mất ngày 9.8.1962 ở  Montagnola  (Thụy Sĩ). Cha của ông đã sống ba năm ở Ấn Độ với tư cách là nhà truyền giáo, mẹ ông là con gái của nhà truyền giáo, nhà Ấn Độ học, tiến sĩ Hermann Gundert- một người có học vấn uyên thâm  về Ấn Độ và có riêng một thư viện lớn.Năm 1890, Hermann Hesse học Trường Latinh. 1891, ông học thần học. Ông bỏ học do thấy mình không thích hợp với nghề làm giáo sĩ, rồi 1892 ông học nghề buôn bán sách.  1899-1904, ông sống ở Bael (Thụy Sĩ) và mở hiệu sách cũ. Từ 1904, ông sống ở Gaienhofen bên bờ hồ đẹp như mộng là  Bodensee (bên này hồ thì thuộc về Đức, bên kia hồ thuộc Thụy Sĩ) và chuyển sang viết văn chuyên nghiệp. Cũng năm 1904 ông xuất hiện trên văn đàn với tác phẩm  Peter Camenzind.  Đây là một tiểu thuyết giáo dục  (Bildungsroman) rất hấp dẫn bạn đọc đương thời. 1911, ngán cảnh náo nhiệt của thời cuộc nên năm 1912, Hermann Hesse sang Thụy Sĩ và nhập quốc tịch nước này.
Các tác phẩm chính:
- Unterm Rad (Bị chà đạp – 1906)
- Peter Camenzind (1904)
- Kurgast (Khách dưỡng bệnh – 1925)
- Die Nurnberger Reise (Chuyến đi Nurnberg – 1927)
- Der Steppenwolf (Sói Thảo Nguyên – 1927)
- Die Morgenlandfahrt (Hành trình về phương Đông – 1932)
- Das Glasperlenspiel (Trò chơi hạt ngọc thủy tinh – 1943)

Lời người dịch
“Tôi sinh ra vào gần cuối Kỷ nguyên mới, không lâu trước thời Trung Cổ rục rịch quay trở lại”.
Năm 1925, Hermann Hesse (1877 – 1962) đã mở đầu bán Sơ yếu lý lịch (Kurzgefasster Lebenslauf) khá dài của mình như thế.
Giới sử học phương Tây định nghĩa Kỷ nguyên mới (Neuzeit) bắt đầu từ năm 1500 cho tới ngày nay và vẫn đang tiếp tục, còn thời Trung Cổ ở Châu Âu đã chấm dứt vào năm 1499.
Nghĩa là, dưới cái nhìn của Hesse, ông chào đời vào buổi giao thời có lẽ kỳ lạ nhất trong lịch sử loài người, vì theo ông, thời Trung Cổ đen tối – đã cacso chung ở Châu Âu từ mấy thế kỷ trước, nhường chỗ cho những thời kỳ Phục Hưng và Khai Sáng – đang như một bóng ma rục rịch quay trở lại lục địa này.
Và Hesse quan niệm “Đời người chỉ thật sự thống khổ, thật sự biến thành địa ngục, khi hai thời đại (…) chồng chéo lên nhau (…) Có những thời kỳ mà cả một thế hệ lạc loài vào giữa hay thời đại, giữa hai phong cách sống như thế, khiến nó mất đi mọi khả năng thấy mình đương nhiên được quyền hiện hữu, mấy đi mọi tập tục, cảm tưởng được bảo bọc và mất đi tính hồn nhiên vô tư”. (Sói Thảo Nguyên).
Những ý tưởng cô đơn, yếm thế này đã đến với Hesse từ rất sớm. Năm 1892 – chưa đầy mười lăm tuổi – cậu học trò Hesse nhạt cảm đã toan tự tử bằng súng lục, vì muốn “lìa đời như ráng đỏ hoàng hôn” khiến cha mẹ cậu phải đưa cậu vào bệnh viện tâm thần.
Trước khi bắt đầu sáng tác Sói Thảo Nguyên  vào mùa đông 1924, Hesse từng phải hứng chịu nhiều bất hạnh: năm 1916 cha ông chết, bà vợ đầu tiên mắc chứng tâm thần phân liệt phải nằm bệnh viện, con trái út lâm bệnh nặng… khiến ông cũng bị khủng hoảng, phải điều trị về tâm lý một thời gian khá dài, năm 1919 ly thân, rồi ly dị năm 1923. Cuộc hôn nhân với bà vợ thứ hai một năm sau đó dường như cũng không hạnh phúc ngay từ đầu, nên đã nhanh chóng tan vỡ vào năm 1927.
Sói Thảo Nguyên, sáng tác trong hoàn cảnh ấy, là câu chuyện của một kẻ cảm thấy mình nửa người, nửa sói, phải hứng chịu nhiều khốn khổ cho đến khi phát hiện ra hai phương cách hầu thoát khỏi tình trạng như thế: hoặc tự sát, hoặc tìm đến với sự hài hước.
Qua đôi nét nói trên (và một số chi tiết được chú thích trong bản này) về cuộc đời cùng cảnh ngộ của tác giả, bạn đọc dễ dàng nhận ra nhân vật Harry Haller trong Sói Thảo Nguyên là hình tượng tiểu thuyết hóa của chính Hermann Hesse (cùng hai chữ H.H.) và những dằn vặt của con người luống tuổi cô đơn, bệnh hoạn này không phải là huyễn tưởng.
Các quán rượu, khách sạn, vũ hội trong truyện đều có thật – được tác giả giữ nguyên tên hoăc thay đổi – là những nơi Hesse thường lui tới trong thời gian sáng tác Sói Thảo Nguyên ở Basel và Zurich (Thụy Sĩ).
Yếu tố “tự truyện” trong Sói Thảo Nguyên  đậm nét hơn hẳn trong những tác phẩm trước và sau đó của ông như Unterm Rad (Bị hủy hoại), Demian, Narziss und Goldmund (Narziss và Goldmund).
Năm 1946, Hermann Hesse được trao tặng giải Nobel Văn chương cho sự nghiệp văn học của ông; Viện Hàn lâm Thụy Điển đánh giá Sói Thảo Nguyên là “đặc sắc” trong số những tác phẩm chịu ảnh hưởng phân tâm học của Freud vào mấy thập niên đầu thế kỷ 20.
Tuy nhiên, khi Sói Thảo Nguyên xuất bản lần đầu vào năm 1927, giới phê bình văn học ở Đức tỏ ra lạnh nhạt, thậm chí thù địch! Có lẽ vì nhiều người trong giới ấy chưa thể quên Hesse đã kịch liệt lên án Thế Chiến I mà “Tổ quốc của họ” – và của ông – phải chịu trách nhiệm, đã đăng báo một tiểu luận kêu gọi giới trí thức Đức thoát ra khỏi chủ nghĩa dân tộc và yêu nước hẹp hòi; đặc biệt họ cố tình bưng tai, bịt mắt trước lời cảnh báo của tác giả về một cuộc chiến tranh mới, được đất nước Đức của họ và của ông chuẩn bị ráo riết lúc bấy giờ - mười hai năm trước khi Thế chiến II bùng nổ.
Thậm chí Sói Thảo Nguyên còn bị quy chụp là nguyên nhân đã có độc giả tự sát – bệnh cạnh những “hiểu nhầm” khác, nên năm 1942 ông phải viết “Lời Bạt” minh định “quyển sách tuy kể về những đau khổ và cùng quẫn, nhưng hoàn toàn không phải là sách của một kẻ tuyệt vọng, mà của một người tin tưởng”.
Song, qua Sói Thảo Nguyên, Hesse không chỉ nói lên nỗi cô đơn của con người trong xã hội cùng sự giằng xé giữa “nhân tính” và “thú tính” của cá nhân, mà còn kêu gọi hoàn bình, và thật đáng ngạc nhiên: ngay từ những năm 1920 ông cũng đã đồng thời cảnh báo, dù chỉ thoáng qua, về xung đột giữa con người và kỹ thuật, về sự hủy hoại Trái Đất bởi những tập đoàn tài chính lòng tham vô tận – những nguy cơ luôn rất thời sự trên thế giới!
Thơ văn của Hernamm Hesse đã được dịch ra rất nhiều thứ tiếng. Độc giả Nhật Bản đặc biệt ái mộ ông. Ở Hoa Kỳ, Hesse rất được ưa chuộng trong những thập niên đất nước này ồ ạt can thiệp quân sự vào Việt Nam; độc giả Mỹ coi ông là đại biểu cho lập trường phản chiến và không khuất phục trước uy quyền.
“Mong mỗi người [khi đọc Sói Thảo Nguyênư rút ra được từ đó những điều tương ứng và lợi lạc với mình” – như Hesse viết trong “Lời Bạt”.

Lê Chu Cầu

Lời Bạt viết năm 1942 cho Sói Thảo Nguyên (1)
Người ta có thể hiểu và hiểu nhầm thơ văn theo nhiều cách. Trong phần lớn các trường hợp, tác giả không phải là cơ quan có chức năng quyết định bạn đọc hiểu được tới đâu trong tác phẩm, rồi sau đó bắt đầu sự hiểu nhầm. Nhiều tác giả được bạn đọc thấy tác phẩm của họ rành mạch hơn là chính họ. Dẫu sao, trong hoàn cảnh nào đó những hiểu nhầm vẫn có thể bổ ích.
Vả chăng, theo tôi thấy thì dường như Sói Thảo Nguyên  bị hiểu nhầm ghê gớm hơn bất kỳ tác phẩm nào khác trong các trước tác của tôi và thường là ở chính những bạn đọc tán thành, thậm chí nồng nhiệt hoan nghênh, chứ không phải ở những kẻ bài bác, những kẻ đã nhận định về quyển sách này theo kiểu khiến tôi phải kinh dị. Nguyên nhân thường đưa đến những trường hợp ấy phần vì, nhưng chỉ phần nào thôi, quyển sách này do một người năm mươi tuổi viết ra và nói về những vấn đề của chính lứa tuổi đó, nhưng nó lại rất thường rơi vào tay các bạn đọc quá trẻ.
Nhưng tôi cũng thường thấy trong số các bạn đọc cùng lứa tuổi với tôi những người tuy có ấn tượng về quyển sách này, song lạ lùng sao họ chỉ thấu hiểu được một nửa nội dung của nó. Những bạn đọc ấy, dường như là vậy, đã tìm lại được chính mình trong Sói Thảo Nguyên, đã đồng nhất với hắn, đã cùng đau khổ những nỗi đau và cũng mơ những giấc mơ của hắn mà quên bẵng khác hơn là về Harry Haller cùng những khó khăn của hắn, rằng có một thế giới thứ hai cao cả hơn, bất diệt, vượt lên trên Sói Thảo Nguyên cùng cuộc đời đầy rẫy vấn đề của hắn, rằng tập Luận thuyết cùng hết thảy những đoạn bàn về tinh thần, nghệ thuật và “những người bất tử” trong quyển sách đã đối nghịch với cái thế giới đau khổ của Sói Thảo Nguyên bằng một thế giới của niềm tin tích cực, vui tươi, vượt khỏi phạm vi cá nhân và phi thời gian, rằng quyển sách tuy kể về những đau khổ và cùng quẫn nhưng hoàn toàn không phải là sách của một kẻ tuyệt vọng, mà của một người tin tưởng.
Tất nhiên tôi không thể và không muốn quy định độc giả phải hiển cuốn tiểu thuyết của tôi theo cách nào. Mong mỗi người rút ra được từ nó những điều tương ứng và lợi lạc với mình! Nhưng tôi sẽ thích thú nếu nhiều người trong số đó nhận ra được rằng câu chuyện của Sói Thảo Nguyên tuy diễn tả một thứ bệnh và sự khủng hoảng, song không phải thứ bệnh đưa tới cái chết, không phải một sự diệt vong, mà ngược lại: một sự chữa lành.

Hermann Hesse

Chú thích

(1) Nachwort Zum Steppenwolf (Volker Michels, Materialien zu Hermann Hesse “Der Steppenwolf” – Tư liệu về Sói Thảo Nguyên của Hermann Hesse – Suhrkamp Verlag, Frankfurt a.M., 1972) – Mọi chú thích trong sách đều là của người dịch - LCC