Dịch giả: Đài Lan
Phần 1

    
in giới thiệu Tiểu thuyết Cành hoa điểm tuyết của Nhà Văn Đặng Trần Phất ( Nhà xuất Bản Bùi Xuân Học- Hà Nội, in năm 1921 ). Đây là một trong những tiểu thuyết bằng chữ quôc ngữ đầu tiên ở VN, do đó cách dùng từ ngữ cổ xưa khác xa với ngày nay ta đang dùng. Cách viết đậm lối văn chương cổ ( ảnh hưởng cách phát âm xưa, lối văn biền ngẫu, nhiều điển tích, dùng nhiều từ gốc Hán,câu dài, nhiều cảm thán....).
Về tác giả, các bạn có thể xem trong Mục Giới thiệu Tác giả Người Việt ở Diễn đàn này. 
Tôi sẽ đăng làm 4 phần như sau:
 
Đoạn thứ nhất
Ngày 16 tháng chạp năm ngoái, ký giả còn nhớ hôm ấy có về chơi Hà Nội,nhân lúc rảnh rang công việc,buổi chiều gần tối,đi thăm người bà con ở ngõ Phủ Doãn.Lúc bấy giờ giời đông rét mướt,gió bấc lạnh lẽo,mưa dầm hiu hắt,nên khi bước ra cửa đi, thì chân tay run rẩy,mình mẩy lạnh buốt như đá.Trong mình tuy có mặc nhiều áo,lại thêm ngoài khoác cái ba-đờ-suy (pardessus) mà vưỡn rét.Nhìm mấy dẫy phố phường chung quanh, thì mấy nhà đã đóng cửa ngay từ lúc sế tối,còn vài nhà tuy mở cửa,mà trông vào trong,ngọnđèn leo lét,thỉnh thoảng nghe tiếng nói cười,còn một vài nhà khác,thì chỉ thấy im lìm,tiếng nói cười lúc ban ngày,có nhẽ đêm đông đã hầu như tan hết cả vào mảnh chăn ấm áp.Ngoài đường kẻ đi người lại cũng ít,một vài ông bận quần áo tây đi bước một trên hè,cổ ba-đờ-suy dựng lên đến gáy,tay đeo găng (bít tất tay)thọc sâu vào tận đáy túi,một vài người kéo xe đi thong thả trên đường, đêm đông cùng nhau than thở nỗi cơ hàn,cảnh ấy tình đây thêm chán ngán…Liền gọi một cái xe cao su đến, mắc cả xong lên ngồi, lúc bấy giờ mới nghe trong mình hơi đỡ lạnh. Còn người xe ra sức chạy,xe chạy êm như ru, ngồi trên xe lòng khoan khoái vô cùng,trông người xe kéo mình đương chạy mà lại ngậm ngùi thương, nghĩ mình sung sướng mặc dầu, mà kẻ kia phải khổ, vì nỗi đời bó buộc, phải đem thân giãi gió dầm mưa, kiếm manh áo bát cơm về cho lũ thê nhi ở nhà, nhưng nghĩ cái cảnh cơ hàn của ngưới kéo xe này mà trong lòng lại ngậm ngùi thương.
Cũng trong một giờ này, kẻ thì sung sướng trong chốn lầu son gác tía, chăn gấm đệm bông ấm áp, vợ con quây quần chung quanh, vui vẻ biết bao, nhưng còn kẻ Tử Phần xa xôi bạn bè cách trở, chốn lữ thứ giang hồ khổ sở, lại những kẻ cô thân đất khách, vì thời vận hẩm hiu, mà nỗi lầm than, tình khốn khổ như những đêm đông này thì ảo não bao nhiêu, khiến cái cảm tình của ký giả cũng vì tình đồng loại mà như chan như chứa, những nghĩ về cái cảnh ngộ của người phu xe này mà buồn.
Những nghĩ như thế, mà không ngờ người kéo xe nhanh chân đã kéo quá một phố kia, hẹo hòi trông bằng nửa đường nhớn ở các phố to, nhà ngói nhà gianh lơ thơ dăm ba chiếc thấp lụp sụp trông rất tiều tụy. Cả phố ấy, nhà đều đóng cửa cả rồi, duy còn một nhà, trông vào trong vẫn còn thấy thắp đèn, cửa mở rộng,bên cạnh có kê một cái chõng to vừa bằng nửa cái sập gụ của ta, nằm trên chõng có một người đàn bà đang ẵm một đứa bé con. Người đàn bà ấy trông người mảnh dẻ, mắt trái soan, da trắng trẻo, mình chỉ mặc một chiếc áo cánh bông cũ, cái quần lĩnh thâm đã bạc trông xa chỉ thấy hơi đen đen, còn thằng bé con ẵm thì co quắp nằm bẹt trong lòng, cái tã con che đậy mình mẩy nó ngắn mà rách, nên da thịt thằng bé hở cả ra ngoài. Thảm thay! đêm đông giời rét, mà mẹ con người này như thế!...
Vừa nghĩ vừa nhìn hai mẹ con, lại nhìn vào trong nhà thì thấy một cái phản kê giữa nhà, bên cạnh một cái hòm đã cũ, một vài cái thúng đựng quần áo mụn giẻ, tường đen vàng úa, mạng dện chằng, dưới đất trông ẩm thấp bẩn thỉu lắm.
Ấy cái đời của hai mẹ con người này khổ đến thế, nào ai là khách qua đường mà không ngậm ngùi thay cho nỗi cơ hàn mẫu – tử đôi người đây.
Người ấy tuy không ăn mặc gì đẹp, nhưng dung mạo trông rất thanh nhã, hai con mắt trông tối hữu tình. Tôi vừa liếc mặt nhìn thì thấy người kéo xe hỏi:
-Này thầy, thầy có biết chuyện người đàn bà này không? Thật là một câu chuyện éo le về nhân tình đời nay.
Người xe vừa thuật đến đấy thì im, mặt đỏ bầng lên. Tôi vội vàng giục:” Đầu đuôi thế nào xin anh kể rõ tôi nghe, tôi muốn biết chuyện người này để làm một quyển tiểu thuyết, làm gương cho đời!”.   
“ Thôi được, nếu thày có nhiệt tâm mà muốn nghe rõ chuyện người này thì tôi xin kể. Vậy thày hãy tạm ra chỗ bán hàng nước đầu phố đây để tôi hút điếu thuốc, rồi tôi thong thả kể hết thày nghe …”. Tôi gật đầu, rồi theo người xe…Ra đó, ngồi một lúc, người xe ấy mới bắt đầu thuật chuyện.
II
Nguyên người này vốn dòng dõi con nhà tử tế. Người cha khi trước có làm giáo thụ tỉnh B.N. Bà mẹ cũng là con nhà sang trọng, người hiền hậu, phúc đức. Hai ông bà sinh được có mỗi mình cô ta là gái mà thôi. Quan Giáo vốn là người tài cao học rộng, bụng dạ ngay thẳng lương thiện, nên trong trường ngài dạy dọc cũng đông, học trò nhớn nhỏ được hơn một trăm người, ai ai cũng có bụng mến ngài. Thường nhiều nhà phú-gia-điền-chủ có con học ngài, tết nhất vẫn khiến con đem lễ vật đến biếu ngài rất hậu, nhưng ngài không hề lấy của ai. Nhất thiết từ chối hết cả, dẫu một bao chè, một đồng bạc ngài cũng không nhận. Học trò nhiều người mến ngài quá, muốn cho ngài lễ vật, thì lại vào to nhỏ với phu nhân, nhưng phu nhân cũng là người bụng dạ giỏi, tiếng là đàn bà mà cũng không có bụng dạ tham lam gì đến của hối lộ bằng tiền bạc cả. Quan giáo dạy các học trò rất chuyên cần, ngài tin ở cái đạo truyền-bá-học- thuật-tư-tưởng và giáo-dục luân lý vậy. Ngài thường nói với các học trò:
“ Tôi bình sinh dậy các anh chỉ lấy sự chuyên-cần chân-dốc làm gốc, tôi mong cho các anh nên người có đức hạnh, có tài năng. Cái nghĩa vụ tôi là rèn tập dậy bảo các anh nên người khá giả mai sau, làm vẻ vang cho nhà họ, cho tôi mà thôi. Các anh có bụng yêu tôi, thì xin đừng lấy tiền-bạc lễ-vật mà cho tôi; tôi vốn ưa thanh liêm, không ưa hối lộ. Ví dù tôi có làm quan to tát, thì tôi cũng không bao giờ quên cái nghĩa-vụ của tôi đối với dân,với nước. Các anh nên biết cho như thế, mới phải!”.
Nhời quan Giáo nói làm các học trò đều cảm động, tin phục vô cùng. Từ đấy, tiếng thanh-liêm đồn đại xa gần; nhiều người được cảm ơn đức ngài lắm.
Ở tỉnh ngài dạy học có quan Án người rẽ ngang được làm quan, nên cách giao thiệp hách dịch lắm; các quan phủ, huyện đều chạy mặt.Tết nhất ai cũng phải đem lễ vật đến đưa người, kẻ ít người nhiều, không ai là không có, duy chỉ có quan Giáo nhà thanh-bạch cho nên không bao giờ đưa lên được. Lắm khi có việc vào quan tỉnh, thì lại bị mấy cậu lính ra vòi tiền, ngài không có, thì chúng nó lại không cho vào. Ngài nghĩ rằng không có lễ vật đưa lên các quan tỉnh ngày tết nhất thì thật không hợp cách, nên đã không có, thì phải vào hầu nịnh nọt qua loa, may ra có được yên chăng? Ấy bởi ngài nghĩ như thế, nên ngài phải lên tỉnh, mà mỗi lần lên, thì lại mỗi lần về không. Từ đấy ngài lấy làm lo sợ lắm, vì sợ quan trên không bằng lòng thì chắc là làm khó cho ngài, có nhẽ không được làm quan nữa. Mà quả thế thực. Quan Án tỉnh này vốn ghét ngài là bẩn, là kiệt, lại nữa khi ngài mới đẻ cô con gái này (tên là cô Bạch Thủy) thì quan Án có mượn người hỏi xin ngay ngài cho cậu con người, chờ đến khi nhớn sẽ cưới. Nhưng quan Giáo vốn người cương trực, giòng nho gia, nên không chịu nhận nhời quan Án, bởi thế quan Án từ đó đem lòng hờn giận hoài, hằng lo mưu hãm hại…
Quan Giáo nghĩ cách ở đời như thế mà ngài đem bụng chán ngán rầu rĩ, vì ngài nghĩ lại “ ở bầu thì tròn” thời nào theo thời ấy ; nay ngài đã không theo được, thời sao được? Nên ngài thường than thở với phu nhân ( lúc đó cô Bạch Thủy đã lên mười). Phu nhân thấy ngài lo rầu thái quá, thường can ngăn khuyên giải luôn luôn:
“ Ông ơi,dẫu sao ông cũng phải nhịn nhục cho qua  ngày tháng. Nếu có điều gì chẳng may ra nữa thì vợ chồng ta sẽ về quê mà lo bề cày cấy. Nhà mình cũng được năm sáu chục mẫu ruộng, tưởng làm ăn cũng đủ được no ấm. Lo chi?”. Quan Giáo thấy phu nhân khuyên lơn chiều chuộng hết lòng, nên cũng vui mà quên dần đi.
Lần hồi ngày tháng thoi đưa, năm ấy nhằm ngày tết mùng 5 tháng 5, quan Giáo và phu nhân cùng cô Bạch Thủy đang ăn cơm, thì nhận được tờ tư ở tòa sứ tỉnh đưa về.
Tờ tư rằng:
“ Nay quan tỉnh xét quan Giáo làm việc quan không chuyên cần, hay ăn tiền của học trò, không lo dậy học, thì từ hôm nay phải triệt hồi, hẹn phải chở gia quyến về quê hương ngay, để nhà nước bổ người khác đến thay! “.
Tin đâu sét đánh bên tai. Quan Giáo xem xong tờ tư, mặt mày biến sắc, chân tay run rẩy, nín lặng hồi lâu, rồi mới toan nói, nhưng chưa nói được thì khí oan uất lên tận cổ, rồi ngài té siêu xuống đất mà bất-tỉnh-nhân-sự.Phu nhân sợ hãi, vội vực ngài vào trong giường, đặt nằm đâu đấy ; lúc đó ngài mới mở mắt mà nhìn chung quanh, chỉ thấy phu nhân và cô Bạch Thủy thì ngài buồn bã, mà khóc ròng. Ngài bèn gọi phu nhân lại gần, rồi dặn phu nhân rằng:
“Tôi liệu trong mình, biết là khó sống được mà bầu bạn với phu nhân và chăm nuôi dậy bảo con. Ấy vậy, sau khi tôi chết thì phu nhân phải thu xếp cửa nhà, rồi mẹ con cầy cuốc làm ăn nuôi lấy nhau. Phu nhân phải chăm nom mà dậy bảo lấy con, cho nên được đứa nết na hiền hậu, mai sau nó khôn lớn rồi, thì liệu xem có chỗ nào tử tế, con nhà nào nết na học khá, thì gả nó cho người ta. Tôi chắc con nó là đứa biết nghĩ tình mẹ con, không bao giờ quên phu nhân đâu. Sao nó cũng phụng dưỡng phu nhân cho trọn đạo. Còn tôi với phu nhân vợ chồng mấy mươi năm xum họp, cũng tưởng là ở với nhau đến trăm năm, ngờ đâu giời xui  tôi phải chết trrước phu nhân, tưởng cũng là số phận tôi có ngần ấy mà thôi. Vậy xin phu nhân, mẹ con khuyên nhủ nuôi nứng lấy nhau, chớ thương xót tôi làm gì lắm mà hao tổn tinh thần!”.
Xong, ngài lại gọi cô Bạch Thủy lại gần bên giường mà dậy bảo ân cần. Cô Bạch Thủy lúc này thấy cha thế, không dừng không khóc được, nên hai hàng nước mắt chảy giòng giòng, trông  rất thương. Quan Giáo ẳm cô ngồi bên cạnh, khóc mà dặn rằng:
”Con! Bây giờ con còn bé, dẫu có nói con nghe thì chắc con cũng không biết được, nhưng trước khi cha không được trông thấy con, con không được trông thấy cha nữa, thì cha phải giối lại vài lời với mẹ con và con.
Cha tưởng như cha làm quan giữ một bụng thanh liêm cần mẫn mà vận hạn ngày nay chẳng ra gì, thì đủ biết muôn sự cũng tự lòng giời bắt sao phải chịu vậy.
Phận gái như con, mới bằng ngần này mà đã bồ côi sớm, thì cũng là khổ lắm đó. Nay còn hai mẹ con con ở lại, thì phải hết bụng yêu thương nhau, con nên khuyên giải và phụng dưỡng mẹ con cho phải đạo làm gái hiền, con thảo. Bao giờ con khôn lớn biết làm lụng đỡ đần mẹ con thì con phải lo săn sóc trông nom cày cấy làm ruộng, giồng lúa, giồng khoai.Khi nào xem cách buôn bán có dễ, thì nói với mẹ con cho con ít vốn ra Hà Nội lập một cửa hàng nho nhỏ mà buôn bán. Cố mà tập tành lấy tính toán sổ sách, giữ gìn lấy nết na đứng đắn, chứ đừng có bắt chước con nhà khác theo thói giăng hoa, chỉ ưu son phấn điểm trang. Con phải biết chỗ tỉnh thành đô-hội là nơi  đàng điếm ăn chơi, những phường công tử sỏ xiên bạc bẽo, ve vãn láu lỉnh không thiếu chi, những hạng các cô phấn son thừa thõi, giang hồ du đãng không phải ít, nên tránh những những thứ người ấy cho xa, vì những phường trên bộc trong dâu, thời ai có cầu làm chi.Chớ thấy của mà tham, chớ thấy làm nên mà đã trọng, bởi vì cha thấy chán nhà giầu có, có con làm nên danh giá mà cũng hư hỏng, tính hạnh cốc láo chơi bời phóng túng càn dỡ, những người chồng mà như thế, thì vợ dẫu có được nhờ vả nhưng cũng khổ.
Cha chỉ cầu cho con lấy được người chồng hiền lành nết na, biết lo làm ăn, dẫu chẳng làm nên gì, nhưng mà nó biết yêu thương con, quý trọng mẹ con thì còn  hơn.
Ấy cha dậy bảo con có mấy điều đó, con nên nghĩ mà ghi nhớ vào lòng!”.
Quan Giáo nói xong gắng gượng ngồi dậy tìm hết sổ sách văn tự giao cả cho phu nhân. Xong đâu đấy, thì ngài lại nằm xuống giường, hai mắt lim dim, hơi thở còn hoi hóp, đủ biết bệnh thế ngài nguy lắm rồi. Ngài tự liệu cũng chẳng còn mấy chốc mà nhắm mắt, nên nghĩ đến vợ con thì thương xót lắm, chỉ nhìn phu nhân và cô Bạch Thủy rồi lắc đầu mà thôi.
Từ đó căn bệnh ngài trầm trọng,thốc thang điều trị nhiều nhưng càng ngày càng nặng. Một hôm cả nhà đang ngồi xúm chung quanh ngài, ngài rên la ầm ĩ hốt nhiên kêu to một tiếng rồi tắt hơi. Cả nhà khóc lóc phu nhân và cô Bạch Thủy lo tống táng ngài xong bèn thu xếp đồ đạc về quê nhà ở huyện Thanh Trì, tỉnh Hà Đông.
 
III
Thấm thoắt đã được sáu năm.
Làng quan Giáo ở vốn là một làng nghèo, số đinh ít, ruộng thì xấu, đất cũng không được tốt. Quan Giáo vốn cũng cầy cấy được ngót sáu mươi mẫu,nhưng hoa lợi một năm cũng không thu được bao nhiêu.Nên phu nhân lại bán một phần nửa đi, lấy tiền mà làm một cái nhà con, cùng mua một cái vườn con giồng giọt các thứ hoa quả để chi dụng ăn uống, hoặc đem bán. Cái nhà phu nhân mới làm đây rộng hẹp được độ ba gian, đằng sau có ao, trước mặt có vườn nhỏ.Hai mẹ con phu nhân ở đấy lần hồi cầy cấy cũng đủ ăn; vì nhà ít người ăn tiêu, nên lâu dần cũng để ra được ít nhiều tiền bạc. Lúc này cô Bạch Thủy đã được 16 tuổi, người trông nhỏ nhắn thanh nhã, mặt trái xoan trắng trẻo, mắt sắc, tay chân mềm mại, lại thêm đức hạnh ôn hòa, thảo thuận, nên ai cũng khen. Phu nhân thấy con gái thế, bụng cũng mừng thầm.
Bèn nghĩ muốn cho cô một ít vốn ra Hà Nội buôn bán, sau nữa để cho cô nhân dịp này mà kén chồng tài giỏi, nương gửi tấm thân mai sau. Nên một hôm gọi cô mà bảo rằng:” Nay mẹ để ra được ba bốn trăm bạc, muốn cho con ra Hà Nội để học buôn bán và tìm chút rể xứng đáng, không biết con có bằng lòng chăng? Nếu con bằng lòng thì nhân tiện mẹ có quen bà Đồ T. ở phố Hàng Bút cũng buôn bán có cửa hàng, để mẹ nói với bà ta cho con dọn hàng chung váo đấy, bây giờ hẵng buôn bút, giấy, son, mực xoàng  rồi sau có nhiều vốn sẽ mở luôn cửa hàng buôn to bán nhớn cũng chẳng muộn chì? “.
Cô Bạch Thủy nghe phu nhân nói liền mủi lòng rơi lụy: “Mẹ muốn vậy, nhẽ nào con không vâng nhời mẹ. Xong bây giờ cha con đã mất, còn có hai mẹ con ta thì con chỉ muốn oở với mẹ trọn đời mà thôi, con không muốn đi đâu sất! “.
-Con nói dở lắm, con là con gái thì phải lấy chồng, mẹ thì già cả, sống nay chết mai, có nhẽ đâu sống mãi mà ở với con. Con có bụng hiếu hạnh với mẹ,thì mẹ cũng đẹp dạ,nhưng con phải nghe theo nhời mẹ như thế, thì mẹ mới khỏi buồn về con…Con cứ yên lòng ra Hà Nội buôn bán,rồi thỉnh thoảng mẹ ở nhà quê ra thăm con, như thế cũng gặp nhau luôn, lọ là phải ở chung chạ với nhau sao?.
Phu nhân vừa nói vừa vuốt ve cô, càng thấy con càng thương càng yêu. Cái tình mẹ ấy, con ấy lúc này có khác chi mẹ con người Giới Tử Thôi đời Chiến Quốc không?
Cô Bạch Thủy thấy mẹ nói hết lời, nên cũng thương mẹ mà bằng lòng ngay: “ Thôi thì mẹ đã muốn vậy, con cũng xin vâng “. Phu nhân cả mừng bèn sắm sửa quàn áo đồ đạc và đổi bạc đổi tiền cho cô 400£ ( piastre: đồng bạc thời Pháp thuộc) ra buôn bán ở Hà Nội.
 
IV
Thế là từ đó cô dọn hàng buôn bán ở nhà bà Đồ T. là người bà con quen biết với phu nhân. Bà Đồ T. là người đảm đang sắc sảo nên buôn bán cũng giỏi,cô Bạch Thủy nhờ ở đó bà ta dậy bảo cách thức, nên chẳng bao lâu cách mua hàng, bán hàng cũng thạo. Lại thêm cô là người có tư chất thông minh,ăn nói dịu dàng lanh lợi nên hàng họ tuy có ít mà ngày nào bán cũng chạy.Khách mua hàng nhà quê kẻ chợ thấy cách cô chào mời tử tế, nên đều mên cô mà đổ xô vào mua cả hàng của cô,chưa được vài tháng thì vốn liếng cô cũng được kha khá,có thể đem ra mà buôn to tát được.
Nhưng cô là người kiên nhẫn bụng dạ giỏi,dẫu chắc ở cái tài mình buôn bán được lờ được lãi,mà cũng không hề đem lòng nghĩ ngợi đến cách ăn mặc xa hoa, chơi bời đua ganh với các chị em. Chỉ ngày ngày ngồi cửa hàng,đến tối lại lui vào trong nhà xem xét,tính toán sổ sách mà thôi.Đất phồn hoa cũng lắm bọn thoa quần thường lui tới chuyện vãn với cô, lắm khi muốn rủ rê cô đi xem hát, đi chơi chỗ nọ chỗ kia, nhưng cô không chịu,một niềm từ chối.Vì cô hồi tưởng lại những lời quan Giáo thân sinh ra cô, lúc quy tiên dặn lại, thì cô lấy làm lo sợ,lắm lúc chiều mát đứng cửa, khách ong bướm thường qua lại dập dìu, trai anh tuấn lắm phen lui tới, mà mắt xanh vẫn cúi,cặp lông mày dửng dưng,chưa  với ai, chỉ này qua tháng lại, gót sen lui tới trong nhà, trong phòng loan một mình một bóng mà thôi.
Có lúc rảnh rang một mình buồn, đêm khuy canh tàn, mà giấc hòe chưa nhắp, thì lại giở chuyện Kiều ra ngâm nhời nhẽ bi thảm, cho hay cái cảnh “Tự-cổ-hồng-nhan-đà-bạc-mệnh” của cổ nhân đã đặt ra mà ví vào  cô Kiều cũng sâm si mường tượng đến cảnh cô, mai sau thân bồ liễu biết là về ai? Hay lại đem mình ngọc cho ngâu vầy, mà phó mặc tấm thân này cho các gã Tràng Khanh, Tống Ngọc? Hay Phan An chửa gặp mà má hồng lần lữa, rồi lại về tay anh trọc phú, chú công tử bột, gã Sở Khanh nào?
Huống chi đất phồn hoa, những phường đểu giả bạc nghĩa không ít, nữa lại bị chúng làm nhục, nào có biết thương chút phận thuyền quyên, hay cũng lại như ai để lưu danh thiên cổ mà mang danh tài-sắc Thập Nương (1)? Hay rồi lấy chú Lý Sinh (2) bất nghĩa? Hay rồi không gặp kẻ thương hoa tiếc ngọc như Tần Lang (3)? …Cô ơi! ký giả với cô vốn không quen biết, nhưng nghĩ chuyện của cô, thật vì thương bạn hồng-quần như cô, mà phải liều viết giải mấy nhời thành thực đây với cô, cũng muôn rằng cô am hiểu nhân tình thế thái ngày nay mà lấy mắt xanh chọn đá thử vàng!...
Từ ngày cô Bạch Thủy ở Hà nội buôn bán,thấm thoắt đã được hai năm giời. Lúc đó cô đã 18 tuổi nhan sắc trông tuyệt đẹp, xa gần đều nức tiếng; nhiều chỗ mượn người đến hỏi, mà cô lắc đầu không thuận đâu cả. Bởi thế chuyện nhân duyên từ ấy bẵng hẳn đi. Cô cũng không nghĩ ngợi gì đến,chỉ chăm chút về cái cửa hàng mà thôi, vì cô đinh ninh rằng người tài tử phong nhã sẽ gặp cô ngay, không nhẽ hoa thơm mà đến nỗi phải sa phải vũng bùn lầy…Sớm trưa,cái lòng hy vọng cô tất được mãn nguyện. Lo chi? Người tài sắc?
 
V
Trước cửa hàng cô có nhà quan phủ Nguyễn, nhà rộng ngoài cho người thuê bán hàng. Quan phủ này là người khoa mục xuất thân, vốn giòng thế phiệt: cái nhà này nguyên của cụ cố đẻ ra ngài để lại, bây giờ ngài phải đi trấn nhậm ở phủ Đ. thuộc tỉnh P.Y. nên nên chỉ có phu nhân ở đó trông nom cho cậu con cả ngài đi học mà thôi. Công tử tên Liễu Oanh, tuổi mới 19, mặt mũi khôi ngô,giáng người phong nhã, cặp mắt sáng như gương, lại thêm đi đứng khoan thai, ăn nói lễ phép, nên quan phủ ngài yêu thương, phu nhân thì quý lắm, chiều chuộng hết sức, muốn sao được vậy. Cậu là người thông minh học rộng, nên lúc đó tuổi chưa cao, mà tài hoa nổi tiếng con giòng, năm xe kinh sử làu thông,,người như thế, ai chả khen, ai chả phục.Bởi thế mà chưa hỏi vợ, đã có người muốn gả con; nào người thì làm mối cho cậu lấy con gái quan Thượng Mỗ, nào người thì đánh tiếng gọi gả con cho cậu, nhưng cậu chưa bằng lòng đâu, vì cậu nghĩ muốn cho đại đăng khoa đã rồi sẽ tiểu đăng khoa cũng chẳng vội chi!
Thường cứ ngày ngày hai buổi cậu đi học. Cậu chăm lắm, mới sáng sớm đã thấy cắp sách đi học, đi lối con đường phố Kiến, rẽ ra hàng Buồm là trường của quan Đốc Phan mở ra dậy học trò. Học trò cũng đông, nhưng không có ai học bằng cậu; kỳ bình văn nào cậu cũng được giải,kể kinh nghĩa, văn sách cùng phú lục, thì cậu lại có phần giỏi lắm. Quan Đốc Phan chấm bài cậu không bài nào là không khuyên tít. Ngài khen cậu lắm, lại thấy cậu người đẹp, thêm nết na, nên thường hay chỉ cậu mà bảo học trò:”Cậu cũng như Phan-An-Nhân ngày xưa, người như cậu, con nhà đại-gia-thế-phiệt lại thêm bác-học-kỳ-tài, lo gì chả đắt vợ. Vậy cậu chớ lo chi chuyện ấy, sớm trưa cậu sẽ gặp người quốc-sắc?”.
Người quốc sắc? Cậu vẫn mơ tưởng tìm tòi lắm, nhưng nàng Ban, ả Tạ có mấy ai? Kể như các con nhà hàng phố, thì được của hỏng người, mà phần nhiều chỉ giầu lỏi, chứ nào có ra con nhà khuê các nết na, chẳng qua chỉ biết soi hương đánh phấn, vẽ mày bôi môi mà thôi, chứ được mấy người xứng đáng hiền thê nội trợ. Cậu tuy ở chốn đô thị phồn hoa đông đúc, các tiểu thư có thiếu chi, nhưng vì cậu nghĩ như thế, nên mắt xanh chưa để ai vào, tỉnh thành biết bao người, nhưng trước mắt cậu đã hầu như am một chốn thanh cảnh vắng, ngoài con đường học vấn, dễ thường bè bạn chẳng có ai?
Nên cậu tuy vẫn chăm học, mà lắm lúc nghĩ cũng buồn. Lạ gì cái thói con giai lớn đến tuổi lấy vợ,thì cũng hơi khó chịu một tý, huống chi cậu lại là một người văn sĩ, cái cảm giác về tình nó run rẩy rất lạ, nó cảm sâu vào tận lòng thơ, mà làm cho vì ái tình mà ngây, vì má phấn mà si, vì cặp lông mày, đôi môi son mà ngơ ngẩn, mà ngơ ngẩn vì…
Bạch Thủy tiểu thơ lúc này đối với Liễu Oanh công tử có một oai quyền rất lạ. Những khi chiều mát, độ vào khoảng năm giờ, hàng họ dọn dẹp xong rồi thì tiểu thơ rửa mặt, rồi vấn đầu vấn tóc, xong ra đứng cửa. Đường phố xe đi xe lại rậm rịch, khách đi về tướp nượp giữa đường cát bụi tối tăm, ầm ầm tiếng xe, rộn rộn tiếng người.Trông xa trông gần, trai tài tử chen chân nối gót nhau mà đi đầy đường chật phố.
Tiểu thơ đứng ngoài cửa lúc này, tựa như ngành dương liễu đứng im, mỗi lúc động đậy mình mẩy, thì như ngọn gió hiu hiu khẽ lay cành lá, cái đuôi ga pháp phới, cái khăn bằng ca-sơ-mia nâu, cái áo trắng dài vải dầm, cái quần lĩnh thâm cạp điều đen nháy, cái mũi giày tròn nhọn, mỗi lúc trông thấy lại ngắm đến cặp mắt khi cúi khi lên, khi bên phải khi bên trái, hàm răng đen nháy khi miếng giầu, khi hơi cười, cười nụ, khi hơi nói, nói gượng, đôi má phấn lúc thường thì trắng như ngà, lúc có khách qua, thì lại hơi đỏ.
Cô đẹp lắm thật, cho nên nhan sắc cô thường khi Liễu Oanh công tử phải để mắt vào, má ngắm nghía nhìn không mỏi mắt. Cửa đối cửa, mặt đối mặt, giai tài gài sắc cùng nhìn cùng no, nhưng cái no này là no ốm, no đau, cho nên mỗi lúc Liễu oanh nhìn cô từ trong bức mành mành mà trông sang bên hàng, thì trong bụng như bị một cái ma lực nó sắp đưa đi chơi chốn vực sây thăm thẳm. Người đó là người nào mà khiến cho ta càng nhìn càng ưa, càng ưa càng chết trong lòng? Nào duyên nợ ba sinh? Biết cùng ai gắn bó? Từ đấy công tử đem lòng mơ tưởng hoài, ra vào không yên, mỗi lúc nhìn tiểu thơ thì thấy cái khổ vô hình, nó ngấm ngầm trong lòng, nhìn mà muốn ôm chặt vào lòng, mà muốn hỏi:” Cô biết cho?”.
Ngày đêm thổn thức, một bóng một mình, chỉ một mình trên gác kín,chồng sáhc chập chồng, cấu đối liễn treo từng hàng trên vách,hết nằm lại ngồi, hết đi lại đứng, mỗi lúc nhắc mình, mỗi lúc cựa mình, mỗi lúc mở mắt, mỗi lúc nhắm mắt,lúc nào cũng thấy khó chịu trong người, ai hay cái sắc nó dễ làm say lòng người? Ai hay câu thơ “ Nhân-diện-bất-chi-hà-xứ-khứ” nó tưới sầu tưới thảm vào gan, mà gợi bao nỗi thương tâm trong dạ?
Lúc này công tử cầm quyển sách như người còn mê ngủ chưa tỉnh, gật gật gù gù, say say tỉnh tỉnh, mắt nhắm mắt mở, mặt mũi buồn so, dễ thường trong bụng công tử lúc nào cũng nghĩ đến bốn chữ: “ Cô có biết cho?”.
 
VI
Cách hai hôm sau thì Liễu Oanh nhuốm bệnh sốt rét; mình mẩy lạnh ngắt, nằm bệt giường thiêm thiếp chẳng cựa quậy chi cả. Thằng bé con hầu cậu, thấy bỗng dưng cậu ốm, không hiểu làm sao, vội vàng xuống nói với phu nhân.Phu nhân cả kinh, không biết hung dữ thế nào vội vàng chạy lên gác, trông thấy cậu đương nằm trên giường thì ôm lấy cậu mà khóc giòng:
“ Căn bệnh con làm sao nói cho mẹ biết?”
Công tử nghe tiếng mẹ nói, vội vàng mở mắt,rồi nhắm nghiền lại, song lắc đầu một cái …Phu nhân thì ôm chặt lấy con, coi bộ lo rầu sợ hãi lắm, người tuổi già tóc bạc, cũng vì con mà hạt lệ đầm đìa thì đủ biết cái lòng mẹ ở với con yêu dấu biết bao?.
Chết! Ôi chết! Bỗng dưng mà lại chết, con đi mẹ ở sao đành? Nay phút chốc vì ai nên nỗi? Lúc này cái ái tình của người mỹ nhân mạnh bằng mấy cái ái tình của mẹ với con. Phu nhân nước mắt chạy quanh, hơi thở hồi hộp, tay chân run rẩy, ngồi cạnh cậu mà săn sóc trông nom, bụng nghĩ, bụng cảm để cả vào cậu, cậu thì nằm im lìm, mắt nhắm nào có hay mẹ vì thương con mà ngồi bên cạnh, chỉ lăn hết bên nọ, lăn hết hết bên kia mà đem tinh thần mộng du bên trước cửa. Tiếng phu nhân gọi:” Con ơi!” thì tiếng công tử khẽ gọi:” Cô ơi!”. Mà cô đâu?
Phu nhân cùng kế không biết làm sao, Mời hết các thày thuốc đến, mà các thày thuốc cũng vô-kế-khả-thi.
Đau ruột, xót lòng phu nhân bèn khóc mà bảo cậu rằng:
“Nay mẹ được có một mình con là giai,nếu con có điều gì, thì mẹ biết làm sao? Hay con có ước muốn gì thì cứ nói với mẹ, mẹ sẽ liệu phương tìm kế cho con được vừa lòng!”. 
Làm cho con được vừa lòng, công tử nghe câu ấy mà tỉnh ngay người ra. Liền cười mà sẽ nói với phu nhân rằng:
“Nay mẹ đã hỏi, con xin thú thật,con đây chẳng phải đau ốm thật, chẳng qua trông thấy cô con gái bán hàng trước cửa, nên đem bụng yêu mến, muốn lấy được cô ấy mà thôi. Vậy xin mẹ nói với cha hộ con,nếu cha bằng lòng thì từ nay con xin hết sức chăm học để trọn hiếu với mẹ cha”
Phu nhân nghe công tử nói liền thuận ngay.Từ đó công tử lành mạnh như xưa. Còn phu nhân thì nhất-diện viết giấy lên phủ cho quan ông nói về việc ấy, nhất-diện mượn người quen mời bà Đồ T. sang nói chuyện.Khi nghe bà Đồ này nói cô ta là người tài sắc nết na, thì phu nhân mừng lắm, bèn nhờ ngay bà ta đánh tiếng làm mối dùm cho cậu, khi nào xong sẽ hậu tạ bà.
Bà Đồ T. thấy vậy cũng bằng lòng ngay, vì liệu môn đăng hộ đối, hai trẻ cũng tốt đôi nên vui lòng nhận lời. Được vài hôm, thì có giấy quan phủ viết về cho phu nhân rằng bằng lòng hỏi cô Bạch Thủy cho cậu, cách ít lâu sau bà Đồ cũng đem tin lại rằng bà Giáo thân mẫu cô ta cũng thuận gả. Tin viu đã đến, nỗi buồn hết ngay công tử lúc này mặt mũi nở nang. Phu nhân thương trẻ nên muốn cưới dâu ngay,liền lại đánh giấy cho quan Phủ xin phép về lo cưới cho cậu. Quan Phủ nhận được giấy liền xin phép về ngay.
Xong đâu đấy, thấm thoắt đến ngày cưới; cô Bạch Thủy trước có buôn bán nên khi về nhà chồng, vốn liếng, cũng được ngót một nghìn, lại thêm củ bên nhà chồng cho thêm một nghìn nữa thành ra hai nghìn.
Hai nghìn! Con gái mới về nhà chồng mà có ngay hai nghìn thế là cũng nhiều vốn đấy.
Từ ngày cô lấy cậu, cậu lấy cô, thì vợ chồng cả ngày cứ bám chặt vào nhau, không rời nhau ra một bước, cậu mê cô, cô yêu cậu, trong vợ chồng trẻ xưa nay ai chả thế?
Phu nhân thì lo nghĩ dọn cho cô một cửa hàng ngay ngoài nhà mình để khỏi phải thuê  cửa hàng khác tốn tiền. Liền không cho thuê ở ngoài nữa, rồi bảo cô dọn ra đấy buôn bán để mình trông nom và bảo ban cho nhân thể, sau nữa để hầu hạ cậu khi khuya sớm cho cậu khỏi buồn đi chơi nhảm. Còn bà Giáo là mẹ cô thì vẫn ở nhà quê cày cấy  thỉnh thoảng cũng ra Hà Nội thăm rể và con gái. Kể từ lúc cậu mợ lấy nhau đến giờ tóinh được ngót một tháng,vợ chồng yêu quý nhau rất mực, cậu coi mợ như vàng, mợ coi cậu như ngọc, mợ dỗi một cái là cậu đủ hết hồn, cậu giận một tí là cậu đủ kinh tâm. Cái cười của mợ là cái quý của cậu, cái học của cậu là bụng ước của mợ, nhưng mợ muốn thế, nào có được thế,cậu vưỡn không học hco, cậu chỉ theo mợ thôi,mợ ngồi hàng, cậu cũng sán bên cạnh.Lắm lúc mợ tức mình gắt,cậu sợ nể,chạy lên gác, rồi chốc lại thấy xuống. Ô hay! Mợ thấy tình hình cậu như thế,thì lấy làm buồn vì muốn rằng cậu sẽ chuyên cần sách vở để còn lập công danh cho mình nương tựa mai sau, chớ cứ thế này mãi thì bao giờ gặp ngày thái lai? Lắm phen mợ hết lòng khuyên giải cậu, thì cậu lại nhăn nhở không buồn nghe. Cùng chẳng đã, mợ phải thưa lại với phu nhân,phu nhân thương dâu nên la mắng rầy mỏ cậu thì cậu cãi lại. Phu nhân chẳng biết làm sao, đành phải chịu, mợ thì chỉ nghĩ về buôn bán mà thôi, cậu thì vẫn đâu vào đấy, sách một nơi,bụng một chỗ, ngồi gần sách, nhưng sách là mợ,ngồi gần mợ tức cũng là học sách. Mợ là quyển sách bùa mê của cậu.cậu mê mợ quá lắm rồi. Mợ cũng biết cậu mê mợ lắm, nhưng biết làm sao? Vẫn muốn cậu chuyên cần học hành, nhưng cậu không học thì làm thế nào được? Lấy chồng ai chẳng muốn chồng hay,nhưng nay hương mầu thế thì chắc gì mai sau có làm nên được? Thôi thì số kiếp con người, phải sao chịu vậy; bây giờ chỉ mong vào cái cửa hàng buôn bán để nuôi thân mà thôi. Mong chi cậu làm nên nữa.
 
VII
 
Ngày tháng vùn vụt, phút chốc đã hai thu.Mợ cả có mang đến tháng sinh ra một cậu con giai. Ông bà được một chút cháu lấy làm mừng lắm. Còn mợ cả từ ngày có con,thì lại có phần thêm lo lắng hơn nữa, phần lo rầu chồng, phần lo rầu con thơ. Mẹ con này rồi sau không biết ra làm sao, chớ mẫu chồng ấy,mẫu bố ấy thì làm chò chống gì được? Còn cậu Ấm thì vẫn cứ thế, tiếng rằng không chơi bời gì với ai,chỉ quanh quất ở trong nhà thôi,nhưng lúc nào cũng bám vào vợ,chả học hành gì sốt.Đàn ông mà như cậu cả này trên đời không phải là ít, nhưng cứ thế mãi thì phỏng có làm nên danh vọng gì không? Hay lại ngồi không mà nhờ vợ? Ý cậu cả có nhẽ cũng muốn thế đó,cho nên lần lữa ngày qua tháng lại cậu nhất quyết không mó đến quyển sách nữa.  Có lẽ cậu chắc ở lưng mợ rồi, còn mợ thì có chắc làm ăn được mà nuôi cậu không? Ấy cái cảnh cậu cả nhà này như thế nghĩ mà chán thay!
Một hôm cậu cả nhận được thư quan phủ viết về bảo là đã lo cho được làm Thông Phán ở dinh quan Thượng tỉnh N.Đ., thì phải thu xếp mà đi làm ngay,không được lần lữa, mà chậm thì nhà nước bổ người khác.Cậu xem thư xong, buồn lắm.Phút chốc xa vợ con mà đi một mình một chỗ còn khổ gì bằng,nữa lại vợ chồng mới lấy nhau được mấy năm. Nhưng không thể cưỡng lời bố được, vì quan Phủ đã nhất quyết bắt cậu phải đi,không đi không được. Ngài là người nghiêm khắc lắm, cưỡng thế nào được? Cậu cả nghĩ thế, nên mặt mày buồn so.Liền đưa thư cho vợ xem xong rồi bảo rằng:
Mợ cả nghe chồng nói,hai hàng nước mắt rưng rưng. Tuy mợ cũng muốn cho chồng lập chút công danh với đời, và không muốn cậu ở nhà,nhưng nay thấy cậu phải đi xa,vợ chồn gđương âu yếm biết bao nay phải cách nhau, cảnh ly biệt này có nhẽ buồn lắm! Từ nay lấy ai là người bầu bạn đêm hôm? Chăn thúy-vũ cùng ai đắp lạnh.
Mợ nghĩ thế nên ngậm ngùi cũng rơi lụy, liền ôm cậu mà thỏ thẻ rằng:” Cậu đi thế bao giờ cậu về với mẹ con tôi?”
Vợ chồng tình tự với nhau giòng giã mấy hôm. Đâu đấy xong, mợ cả liền thu xếp hòm xiểng, va li quần áo cho cậu,nào may thêm áo mới, nào vá áo rách, nào mua đồ ăn thức uống. Đồ hành lý xếp đặt đâu vào đấy, cậu liền từ giã bà con thân thích, xong lại dặn dò mợ kỹ càng. Lúc này cậu cả ruột đau như cắt,nhìn vợ mà nước mắt rưng rưng. Còn mợ cả thấy chồng sắp đi,nên ẵm con ra cho cậu bế. Lúc này thằng bé con thấy cậu, cứ nằm bệt trong lòng cậu mà khóc mùi, dỗ mãi không nín tựa hồ nó cũng biết nhớ cậu.
Cậu cả thấy vợ thế, con thế, vợ thì mặt hoa mày liễu, trong khóe mặt đầm thấm hạt mưa xuân, một giọt rơi xuống má là một cái đau đớn cho cậu, còn con thì nước mắt giàn dụa, hết ho lại sịt, oe oe chẳng dứt, khiến cậu mối tình vấn vương…Nhưng cậu đã vì lời cha mà đi,cái trách nhiệm mang trong mình không phải là nhỏ, nên phải nhất quyết mà ra đi.
Ra ga lấy vé, lên tàu, xong đâu đấy, còi tàu mấy tiếng, tàu bắt đầu chạy, chở cậu cả xuống tỉnh N.Đ. là tỉnh cậu được bổ làm việc quan.