rời mưa rả rích. Cơn mưa dầm kéo dài từ hồi chiều tới giờ vẫn chưa tạnh và có thể kéo dài suốt đêm. Căn phòng ngủ của Ngoại tối mờ mờ nhờ ánh đèn dầu lửa leo lét đặt trên bàn thờ. Sáu ngửi được mùi nhang thơm trong không khí sền sệt hơi nước và ẩm mục. Kéo mền tận cổ, nó rút sát vào lưng Ngoại đang nằm nghiêng.
- Ngoại con lạnh…
- Con đắp thêm mền cho ấm…
- Dạ… Ngoại kể chuyện đời xưa cho con nghe đi Ngoại…
Sáu ôm Ngoại sát hơn như thúc giục và cũng để năn nỉ.
- Ngoại kể chút xíu là con ngủ liền hà…
Sáu nghe có tiếng Ngoại cười rồi giọng nói của bà cất lên. Ngoại hổng có học bao nhiêu, song hổng cần phải học cao, đậu bằng cấp này bằng cấp nọ mới kể chuyện hay. Nằm nhắm mắt, Sáu nghe giọng nói trầm bổng, dịu êm, dồn dập, cao vút, la đà xuống thấp của Ngoại hoà tan vào âm thanh của mưa rơi và gió lùa hàng cây dừa xiêm bên hông nhà làm cho nó chừng như đi lạc vào thuở đời nào xa xưa đối với nó lạ quắc lạ quơ và xa lắc xa lơ rồi hình bóng của người thân thoáng hiện về trong cơn mơ màng thức ngủ…
- Con hổng biết ông sáu… Ổng là em ruột của ông Ngoại và là đứa con út của ông cố…
Dù không thấy mặt nhưng Sáu biết ông cố của mình có biệt danh Hương Cả Cọp, con cháu của Lê Văn Khôi từ xứ khác trôi dạt về Châu Bình mai danh ẩn tích để tránh sự truy lùng của dòng họ Nguyễn Ánh đã trở thành một huyền thoại nổi tiếng đất Ba Châu vì tài tay không đánh chết cọp. Trong những người ông của dòng họ thì Sáu khoái nghe Ngoại kể về Ông Sáu nhất. Nó thứ sáu trong nhà mà cũng tên Sáu trong khi ông Sáu cũng đứng thứ sáu vì vậy mà nó hãnh diện về người ông này lắm.
- … Ông cố có ba trai và hai gái. Ông Ngoại thứ hai rồi tới ông ba, bà tư, bà năm rồi ông sáu là con út trong gia đình. Đêm nay Ngoại kể cho con nghe về ông Sáu với một câu chuyện mà cho tới bây giờ vẫn còn có nhiều điều huyền bí và khó hiểu…
 
- Ừ chuyện ma… chuyện đời xưa… hổng xưa lắm mà…
Rằm tháng 7. Trăng sáng vằng vặc. Gió thổi hiu hiu. Con đường nối liền tổng Bảo Hựu với Châu Bình vắng ngắt không người đi lại. Chỉ có kẻ điên khùng mới đi lại vào lúc canh ba này. Vậy mà có người đi mới lạ. Mặc bà ba trắng, mang giày làm bằng da heo rừng, chân đá bên này chân đá bên kia, cậu thanh niên trẻ tuổi ước chừng hai mươi vừa đi vừa nghêu ngao ca hát trên con đường vắng. Phải là kẻ bạo gan, không sợ ma nhát, cọp rình hay ăn cướp cạn thì cậu ta mới dám đi một mình. Làng Châu Bình và luôn cả bốn làng khác của tổng Bảo Hựu, lúc đó thuộc quận Ba Tri, vào những năm đầu thế kỹ 19 còn đầy rừng rú hoang vu lắm nên cọp, heo rừng, sấu và rắn độc sống khắp nơi và còn nhiều hơn người ta. Thường muốn đi đâu dân làng chỉ đi vào lúc ban ngày và phải đi thành tốp, đoàn năm bảy người. Ban đêm có việc gì khẩn cấp như rước thầy thuốc hoặc bà mụ đỡ đẻ thì họ cũng phải đốt đèn đuốc sáng trưng, đánh trống kèn om xòm và phải có người biết võ thủ giáo mác đi theo chống lại với ông ba mươi. Còn thanh niên này đi một mình, lại còn nghêu ngao ca hát như đi dạo mát ban đêm, dám coi thường cọp beo đang rình mò. Cậu ta chân bước tới bước lui, ngã bên này nghiêng bên kia chứng tỏ y say rượu. Phải rồi, chỉ có người say mới hổng sợ ma quỉ và thú dữ.
Đi tới lùm cây sao rậm rạp, cỏ mây cao mất đầu mọc hai bên đường, thanh niên dừng lại nghỉ mệt. Từ trong bóng tối có giọng nói dịu dàng rền rỉ vọng ra thoạt nghe như gần mà như hoá lại xa.
- Cậu sáu ơi… cậu mệt vào đây uống nước trà cho khỏe rồi đi tiếp cậu sáu… Tụi em chờ cậu sáu lâu rồi…
Nghe có tiếng người từ trong rừng sao vọng ra, thanh niên được gọi là cậu sáu bật cười sằng sặc.
- Vậy hả… Cám ơn lòng tốt của em nghen… Qua hỏi em là ma hay người vậy em?
- Dạ ma…
- Nếu em là ma thì ma cái hay ma đực vậy em…?
Con ma chưa kịp trả lời, có lẽ say rượu dữ lắm chẳng sợ trời đất may ma quỉ gì hết, cậu sáu bèn cười ha hả diễu một câu.
- Qua thì qua chỉ thích ma con gái thôi… mà ma con gái phải đẹp à nghen, tóc phải dài chấm lưng, phải mặc áo lụa trắng, phải có tướng đi yểu điệu và dịu dàng như thục nữ nghen em… chớ còn ma đàn ông hay ma bà già thì đi chỗ khác chơi… Sáu Phụng này hổng có muốn dợt võ với con ma xấu xí đâu…
Nghe thanh niên xưng danh tánh, mấy con ma biết đụng phải tay cứng cựa bèn im luôn chẳng thèm nói nữa. Cười hà hà, cởi áo vắt vai, Sáu Phụng tiếp tục bước đi. Làng Châu Bình, hay nói xa hơn trong năm tổng Bảo Hựu, Bảo Trị, Bảo An, Bảo Thuận, Bảo Lộc hay 26 làng của quận Ba Tri hoặc xa hơn chút nữa là cù lao Bảo, dân có võ hổng ai lạ gì về Sáu Phụng, cậu con trai út của Hương Cả Cọp. Có thể nói Sáu Phụng còn nổi tiếng hơn cha già qua chiến tích lẫy lừng đâm chết con heo rừng sống lâu trăm tuổi mà dân làng gọi là heo độc chiếc. Heo rừng thường sống thành bầy đông đúc có khi tới hai ba chục con. Vốn là thứ hoang thú hay phá phách song heo rừng không có hung dữ trừ những con heo sống lẻ loi một mình. Ở cái tuổi nào đó, chắc tuổi trưởng thành, tự tín và thích đơn độc, heo rừng tách ra khỏi bầy để sống lẻ loi một mình. Càng sống lâu tính tình nó càng hung dữ khi bị tấn công hoặc khi gặp mặt các con thú khác. Cọp beo đều phải lánh xa nó. Với lớp da dày cộm, cặp răng nanh dài ba bốn tấc tây, nặng hơn bao gạo chỉ xanh, khi nó ra đòn thì chẳng khác gì trời giáng, bởi vậy các tay thợ săn ít khi dám chọi với heo độc chiếc trừ trường hợp bị bắt buộc. Thế mà Sáu Phụng lại chơi bảnh dám một mình một mác chọi tay đôi với con heo độc chiếc. Trong một lần dẫn đầy tớ theo dấu con cọp bị thương, cậu sáu nhà họ Lê vô tình đi lạc vào giang sơn của con heo độc chiếc. Cả thú và người, vì niềm kiêu hãnh thầm kín đã không ai chịu nhường bước ai bèn mở ra một trường long tranh hổ đấu. Cuộc tử chiến xảy ra từ sáng tới xế chiều mới dứt. Theo lời đầy tớ kể lại thì nhiều lần cậu Sáu xém chết vì cú húc độc địa của con heo. Trúng một đòn húc với cặp nanh dài của con heo độc chiếc là đổ ruột như chơi và còn bị nó cày nát thây nữa. Nhờ giỏi võ và gan dạ, cuối cùng cậu giết được con heo độc chiếc bằng cách đâm trúng vào chỗ nghiệt của nó. Chiến tích lẫy lừng này được minh chứng bằng cặp nanh dài hơn ba tấc tây treo trong nhà. Nhiều thầy bùa tìm tới coi và bằng lòng mua cái nanh con heo với số tiền lớn mà ông hương cả không chịu bán. Sau vụ hạ con heo độc chiếc, tên tuổi của Sáu Phụng lan truyền khắp cù lao Bảo và lan qua tới cù lao Minh nữa.
Hồi sáng này cậu Sáu đi ra quận để thăm một người quen. Nhậu sỉn quắc cần câu, cậu nổi hứng đi về nhà vào lúc đêm khuya mà không ngại ma nhát, cọp vồ hay ăn cướp chận đường. Nói trắng ra thì còn ai dám chận đường cậu thanh niên vừa giỏi võ, gan dạ, liều lĩnh và có tánh rắn mắt. Hồi còn tre trẻ, chừng mười bốn mười lăm, hễ nghe đồn chỗ nào có ma hiện hình nhát người ta, nơi nào có quỉ chận đường le lưỡi hù thiên hạ, cậu Sáu nhất định mò tới để coi mặt những con ma nhát người này có phải là ma thật hay ma giả. Ma thật hay ma giả thì hổng có ai tường, chỉ biết gặp Sáu Phụng thì ma thật hay giả cũng đều chạy tét luôn. Dân làng bảo cậu sáu có vía nặng nên ma quỉ cũng phải sợ hay là cậu sinh nhằm giờ gì gì đó nên được thần linh che chở.
Đi hết khúc quanh thì tới một khu rừng tre rộng chừng trăm mẫu. Nghe tiếng à om của ông ba mươi trong rừng tre, Sáu Phụng hơi lơi bước rồi chắt lưỡi.
- Kệ ổng… Mình hổng đụng ổng thì thôi… đường ai nấy bước mà…
Con đường tới đây không còn thấy ánh trăng vằng vặc mà sáng mờ mờ vì hai bên đường hàng tre cao ngất phủ hai bên. Vừa đi cậu sáu vừa liếc chừng phải trái và đằng sau lưng đề phòng ông ba mươi nhảy ra. Cậu biết dù có võ mà bị đánh lén thì cũng khó đỡ đòn lắm. Đột nhiên cậu thoáng thấy một bóng người khi ẩn khi hiện trong rừng tre dày đặc.
- Hổng lẽ chỗ này có ma hay ăn cướp… Mình đi ngang qua đây hoài mà đâu có thấy ai đâu… Lạ à nghen… Mình thử vào coi mặt con ma đẹp hay xấu…
Lầm bầm câu nói Sáu Phụng nổi tính tò mò và rắn mắt bèn len lỏi trong rừng tre theo sát bóng trắng đang chạy nhảy tựa bóng ma ở đằng trước mặt của mình. Vào sâu hơn nữa thì bóng trắng bỗng biến mất dạng. Đi lanh quanh kiếm một lát cũng không thấy, cậu sáu vừa mệt, vừa thấm rượu bèn dựa vào thân cây tre già ngồi nhắm mắt thiu thiu ngủ. Đang mơ mơ màng màng, nghe tiếng động cậu mở mắt ra nhìn thấy một cô gái mặc áo trắng, tóc đen dài chấm lưng, đang ngồi kế bên mỉm cười nhìn mình.
- Cô là ma hay người?
Bị thấm rượu, chắc thần trí không được tỉnh táo lắm nên Sáu Phụng mới hỏi một câu như vậy. Làm gì có người, nhất là một cô gái ở giữa rừng tre hoang vu vào ban đêm. Cô gái mặc áo trắng, tóc đen dài chấm lưng, mặt xanh như người bị mất máu thêm lờ mờ như có sương phủ thì chém chết cũng là ma, yêu tinh quỉ quái gì gì đó.
-  '' Qua thì qua chỉ thích ma con gái thôi… mà ma con gái phải đẹp à nghen, tóc phải dài chấm lưng, phải mặc áo lụa trắng, phải có tướng đi yểu điệu và dịu dàng như thục nữ nghen em…''. Phải cậu sáu đã nói như vậy không?
Sáu Phụng bật cười khi nghe cô ma nhái lại giọng nói của mình lúc nãy. Cô gái cũng mỉm cười thỏ thẻ lên tiếng.
- Em là ma con gái… Cậu sáu nhìn xem em có đẹp không?
Không nín được Sáu Phụng lại bật cười. Cậu không hiểu tại sao đang ngồi nói chuyện với ma mà không thấy sợ hãi gì hết. Có lẽ vì cô ma con gái nầy không có khuôn mặt xấu xí, hai mắt sâu hoắm và lưỡi dài tới rún mà mặt mặt mày sáng láng thêm tiếng nói lại êm dịu, cử chỉ rất đàng hoàng và lễ độ. Chắc người khác gặp là ma bà già hay ma đực nên xấu xí và dữ dằn. Còn cậu nhờ may mắn nên gặp được ma con gái hiền hậu và dịu dàng.
- Tôi là người, cô là ma, theo lẽ thường thì âm dương không hợp với nhau thì cô tìm tôi có chuyện chi?
Cô gái tự xưng là ma con gái nở nụ cười cất giọng thanh tao.
- Chắc say rượu nên cậu sáu quên mất cái lẽ âm dương trong trời đất. Có âm thì mới có dương, có dương thì mới có âm; hay nói cách khác thì trong âm đã có sẵn cái mầm dương, trong dương đã ẩn cái mầm âm rồi thì tại sao cậu lại nói âm dương không hợp…
Vốn là con nhà võ, từng được nghe cha già giảng giải về cái lý âm dương, ngũ hành trong võ thuật, do đó Sáu Phụng như sực tỉnh lại ngồi ngay ngắn lại khi nghe cô gái nói chuyện.
- Bấy lâu nay em theo sát cậu, tìm hiểu cậu…
- Cô theo sát tôi để làm gì?
Cô ma cất tiếng cười. Thiên hạ đồn ma cười nghe the thé, nghe sằng sặc và rờn rợn, song Sáu Phụng lại cảm thấy tiếng cười của cô ma con gái này lại ngọt ngào và dịu dàng lắm. Có lẽ ma cái cười khác ma đực.
- Cậu sáu có biết lý do gì mà bấy lâu nay ma sợ cậu, ma không làm hại được cậu không?
Sáu Phụng làm thinh không trả lời được. Đó cũng chính là thắc mắc của cậu lúc còn nhỏ. Sau này lớn hơn chút nữa, nghe người quen nói mình có thần linh che chở nên cậu cũng tin như vậy và thôi thắc mắc về chuyện mình không sợ ma mà ma lại sợ mình. Cô ma con gái cười chúm chiếm.
- Sở dĩ ma sợ cậu sáu vì cậu được em bí mật bảo vệ. Em luôn luôn ở bên mình cậu vì vậy cậu đi tới đâu ma phải chạy tới đó…
- Cô muốn nói là ma sợ cô chứ ma hổng sợ tôi… Phải vậy không?
Cô ma bật lên tiếng cười trong trẻo như là cách trả lời câu hỏi của Sáu Phụng xong từ từ lên tiếng.
- Đúng ra thì ma cũng có sợ cậu sáu chút chút… Cậu là người tốt, người lương thiện. Ở đời theo lẽ thường thì cái tốt thắng cái xấu, cái ác phải sợ cái thiện…
Sáu Phụng gục gặt đầu như tỏ ý hiểu được lời giảng giải tuy ngắn gọn song rất đúng của cô ma con gái. Hơi cau mày suy nghĩ cậu lại hỏi.
- Cô gặp tôi để làm gì?
Trầm ngâm giây lát cô ma mới thỏ thẻ.
- Người có người xấu người tốt thì ma cũng có ma xấu ma tốt…
Sáu Phụng gật đầu cười.
- Cô nói hạp ý tôi… Cô là con ma tốt… Tuy mới gặp cô lần đầu nhưng tôi có cái cảm nhận cô tốt…
Cô ma con gái mỉm cười như cám ơn về lời nói rất thật của Sáu Phụng. Nhìn cậu bằng ánh mắt ôn nhu, cô thong thả thốt.
- Bấy lâu nay nhờ kề cận bên cậu sáu mà em được hưởng chút phúc thừa của cậu cũng như lây được cái tính tốt của cậu. Noi gương cậu em đã làm được nhiều điều tốt. Cũng vì vậy mà trời cho phép em được siêu thoát. Trước khi rời cõi âm để về trời em muốn tặng cho cậu hai món quà gọi là đáp tình người tri kỹ…
Dứt lời cô ma con gái khẽ đưa bàn tay trắng muốt ra đặt vào lòng bàn tay của Sáu Phụng một vật. Lúc đó trăng bị mây che nên cậu không nhận ra hình dáng của vật mà cô ma đặt vào lòng bàn tay mình. Cậu chỉ có cảm giác bàn tay của cô ma âm ấm chứ không có lạnh tanh.
- Tôi còn gặp lại cô nữa không?
Bóng cô ma con gái mờ mờ dần cũng như giọng nói thoạt gần thoạt xa.
- Nếu có duyên thì chúng ta sẽ gặp lại…
Sáu Phụng ngồi im. Cậu không biết có nên tin chuyện vừa xảy ra hay không vì nhìn quanh chỉ thấy rừng tre sáng mờ mờ, thân cây tre cọ vào nhau kêu kẽo kẹt và gió ru lá tre rì rào. Tuy nhiên di vật của cô ma như một chứng tích hiển nhiên cho cậu biết chuyện vừa xảy ra có thật. Lát sau thấm rượu cậu chìm vào giấc ngủ giữa khu rừng tre.
Tiếng chim hót làm cho Sáu Phụng thức giấc. Lúc đó cậu mới biết mình đang ở giữa khu rừng tre ngút ngàn. Thấy vật gì cồm cộm trong lòng bàn tay cậu bèn mở ra mới biết đó là chiếc trâm mà các cô gái thời đó thường dùng để cài tóc. Cậu cũng biết chuyện con gái trao chiếc trâm là dấu hiệu của sự đính ước với người con trai mà họ để ý. Dù có nhiều thắc mắc chưa giải đáp được, nhưng cậu lắc đầu bỏ chiếc trâm cài vào túi rồi len lỏi tìm đường ra lộ lớn. Đang bước cậu chúi nhủi vì vấp phải khúc cây nằm trên đường. Cúi xuống lượm khúc cây lên cậu mới nhận ra đó là khúc tre già dài non sải tay. Ngắm nghía giây lát cậu ném nó ra xa rồi bước đi tiếp. Tới khúc quanh cậu lại chúi nhủi vì bị cái gì ngáng chân mình. Nhìn xuống lại thấy khúc cây tre nằm trên đất. Lầm bầm mấy tiếng cậu lại quẳng khúc cây tre ra xa rồi tiếp tục bước đi. Tre càng lúc càng thưa vì dân làng hay vào bìa rừng để đốn tre về cất nhà, làm nò hoặc đan rổ thúng. Lần thứ ba cậu lại bị vật gì ngáng chân thiếu điều té chúi nhủi. Cúi xuống nhìn cậu lại thấy khúc tre già. Lấy làm lạ cậu lượm khúc tre lên quan sát mới nhận ra đó là khúc tre mình đã ném đi hồi nãy.
- Ủa mà sao nó lại nằm đây…
Từ chỗ cậu ném lúc nãy tới chỗ này xa hơn trăm bước, hổng lẽ khúc tre già này lại có chân đi. Phúc động tâm linh, Sáu Phụng nhớ lại câu chuyện gặp cô ma con gái đêm hôm qua và có nói sẽ tặng cho cậu hai vật làm kỹ niệm. Chắc khúc tre già này là kỹ vật thứ nhì của cô ma. Cầm khúc tre đưa lên cao Sáu Phụng cười nói lớn.
- Cám ơn cô ma con gái…
Dường như có tiếng cười hòa lẫn vào tiếng rì rào của lá tre. Ra tới bìa rừng, ngồi bệt xuống đất, Sáu Phụng mới bắt đầu quan sát khúc tre già màu vàng óng ánh có tám lóng và chín mắt. Khúc tre đặc ruột, tròn lớn cỡ ngón chân cái, không biết bao nhiêu tuổi già mà nằng nặng, xuông đuột và cứng bẻ không cong được. Ướm ướm khúc tre già trong tay, quất một cái mạnh vào không khí Sáu Phụng cười hà hà.
- Cô ma này biết ý của mình… Tặng cây roi tre già đẹp mà vừa tay quá…
Về tới nhà, ăn cơm xong trong lúc ngồi uống trà với cha và hai anh, Sáu Phụng kể đầu đuôi chuyện mình gặp ma đêm hôm qua. Hương Cả Cọp và hai người con trai lớn tỏ vẻ không tin vì nghĩ cậu sáu say rượu, thần trí hổng tỉnh táo nên trông gà hóa cuốc. Tới chừng cậu đem chiếc trâm cài tóc và khúc roi tre ra thì ba người mới tin cậu gặp ma. Mân mê khúc tre già tám lóng trong tay, ông hương cả trầm ngâm nghĩ ngợi rồi lát sau mới lên tiếng.
- Chuyện thần linh ma quỉ thì khó mà giải thích được. Tuy nhiên nếu con có duyên gặp được ma mà không bị hãm hại lại còn được tặng báu vật thì âu đó cũng là phúc phận của con. Người cũng có người xấu người tốt, ma cũng có ma xấu ma tốt; theo ta thì cô ma mà con gặp là ma tốt, đã giúp đỡ và phù hộ con, lại còn muốn đính ước hôn nhân thì chuyện lành dữ ta khó mà đoán trước được. Tuy nhiên cô ma có lòng thành tặng con khúc tre để làm khí giới thì con nên giữ gìn cẩn thận để khỏi phụ lòng người ta…
Được cha già giảng giải xong còn cho phép mình cất giữ vật kỹ niệm, Sáu Phụng an lòng bỏ chiếc trâm cài đầu của cô ma con gái vào trong cái túi vải điều mà cậu thường hay mang theo mỗi khi đi xa. Còn khúc roi tre thì cậu dùng làm khí giới để dợt võ mỗi ngày. Không biết vì lý do gì mà càng ngày cậu càng thêm quyến luyến và tưng tiu khúc roi tre tám lóng. Có lẽ nhờ được cậu đụng chạm hoài nên khúc roi tre càng trở nên bóng loáng và màu vàng càng thêm tươi thắm hơn. Một hôm vừa tập võ xong ngồi nghỉ mệt cậu cầm khúc roi tre lên ngắm nghía. Đột nhiên cậu dụi mắt nhìn trân trân. Trong màu vàng tươi thắm trên thân tre như mơ hồ thoáng hiện lên khuôn mặt của cô ma con gái. Tuy nhiên khuôn mặt đó chỉ hiện lên thật nhanh rồi biến mất làm cho cậu nghĩ mình quáng mắt nên nhìn lầm. Lát sau vuốt ve khúc roi tre cậu lẩm bẩm.
- Nếu còn quan hoài và thương tưởng thì xin em hãy cho ta thấy mặt em…
Lạ lùng thay trong màu vàng tươi thắm từ từ hiện ra khuôn mặt của cô ma con gái. Sáu Phụng dường như nghe được tiếng thỏ thẻ bên tai mình.
- Ngày hội ngộ của chúng ta sắp tới rồi. Nếu muốn gặp em, chàng hãy kíp từ giã cha mẹ lên đường. Mười Tám Thôn Vườn Trầu chàng ơi…
Dù không hiểu trọn ý nghĩa của câu nói song dường như bị điều gì kỳ bí xui khiến, Sáu Phụng bèn đem sự việc trình với cha già và xin phép từ biệt để lên đường tới điểm hẹn với cô ma con gái. Biết không thể cản ngăn, Hương Cả Cọp ưng thuận. Lạy cha mẹ, từ giã anh chị em, lận lưng mớ tiền làm lộ phí, mang theo chiếc trâm cài đầu và khúc roi tre tám lóng, Sáu Phụng hỏi thăm đường tới Mười Tám Thôn Vườn Trầu. Trên đường đi cậu mới biết mình quên không hỏi cô ma con gái về thân thế của cô ta lúc còn sống thì biết đâu mà tìm kiếm. Tìm một người đã chết mà mình không tường tên họ, chẳng rành mặt mũi, không biết nơi cư ngụ thì quả là chuyện hoang đường. Tuy nhiên đã lỡ rồi thì cậu cũng phải theo luôn. Với lại cậu tin tưởng vào lời nói của cô ma. Hơn một tháng ngày đi đêm nghỉ, dầm mưa dãi nắng, Sáu Phụng mới đặt chân tới Thuận Kiều, một thôn trong Mười Tám Thôn Vườn Trầu vào buổi chạng vạng tối. Ghé vào một cái chòi tranh cất cạnh nghĩa địa, cậu gõ cửa xin ngủ nhờ một đêm. Thoạt đầu chủ nhà là cặp vợ chồng già từ chối, nhưng sau khi nghe cậu nói ở tận Bến Tre lên đây tìm người quen thì họ mới miễn cưỡng cho cậu trú ngụ qua đêm.
Sau khi cơm nước xong xuôi, trong lúc ngồi uống trà, Sáu Phụng mới hỏi dò.
- Tôi nghe đồn Mười Tám Thôn Vườn Trầu dân cư đông đúc lắm mà sao bây giờ có hơi vắng vẻ vậy hai bác?
Ông chồng già chắt lưỡi thở dài thốt.
- Vùng này ngày xưa đông đúc và giàu có lắm chú em. Sau cái vụ khởi nghĩa chống tây của ông Quản Hớn thì trở nên tiêu điều hơn trước. Giặc tây kéo dô đây hoài, bắt bớ đàn ông con trai, hãm hiếp đàn bà con gái nên dân chúng chịu không nỗi phải bỏ đi xứ khác…
Hớp ngụm nước trà nóng, ông già thong thả kể lại cho Sáu Phụng nghe chuyện Quản Hớn nổi lên giết chết đốc phủ sứ Trần Tử Ca là tên tay sai cho tây mà vô cùng độc ác với dân làng của Mười Tám Thôn Vườn Trầu rồi kéo nghĩa binh về Gia Định để đánh tây. Tuy nhiên với vũ khí thô sơ Quản Hớn và nghĩa binh không chống lại được với giặc xâm lăng và bị chúng đánh bại. Không bắt được Quản Hớn, giặc tây bèn bắt vợ con của ông và các dân làng để buộc ông phải ra đầu thú. Bắt được ông, chúng đem ra chém đầu tại chợ Bình Long. Lũ giặc xâm lăng quả thật tàn nhẫn và vô lương tâm vì chúng hứa nếu ông chịu ra đầu hàng thì sẽ thả vợ con ông ra. Nhưng khi bắt được Quản Hớn rồi thì chúng lại đem vợ con của ông ra xử trảm luôn. Hai vợ chồng  thương gia đình chủ vì nước quên mình bèn đứng ra chôn cất và lập mộ bia cho gia đình của chũ… Chuyện này xảy ra gần mấy chục năm rồi…
Kể tới đó ông già mới hỏi Sáu Phụng lý do nào khiến cho cậu ở tận Bến Tre mà lặn lội lên tận đây tìm kiếm người quen. Không đắn đo cậu sáu kể hết đầu đuôi câu chuyện mình gặp ma cho cặp vợ chồng già nghe. Hai vợ chồng già nhìn nhau rồi ông chồng cười thốt.
- Lạ à nghen… Tui bảy mươi ngoài rồi mới nghe được câu chuyện ma kỳ lạ và quá đổi hoang đường. Cậu lên đây tìm người quen mà hổng biết mặt mũi, tên họ, quê quán thì khó tìm lắm đa…
Sáu Phụng làm thinh suy nghĩ. Bỗng nhiên cậu cảm thấy có cái gì động đậy nơi túi áo trên của mình. À lên tiếng mừng rỡ cậu lấy ra cái túi vải màu đỏ rồi cười nói.
- Khi từ giã cô ma có tặng cho tôi vật này để làm tin. Hai bác xem thử coi may ra biết nó thuộc về ai?
Dứt lời cậu trao cho chủ nhà cái túi vải màu đỏ. Khi mở ra tự dưng ông già đổi sắc liền rồi kêu lớn.
- Bà ơi… bà ra coi cái này nè bà… ngộ quá trời…
Vừa nhìn thấy chiếc trâm cài đầu mà cô ma đã trao cho Sáu Phụng, bà già bật khóc nức nở.
- Cô ơi… Cô Loan ơi… Thật là trời cao có mắt…
Vừa sụt sùi ông già vừa kể cho Sáu Phụng nghe về thân thế của cô ma mà cậu đã gặp. Cô ta tên là Phan Thị Phương Loan, con gái của ông Quản Hớn, bị tây chém đầu lúc mới có 17 tuổi. Hai vợ chồng già này là đầy tớ của Quản Hớn, bà vợ từng bế bồng và nuôi nấng Phương Loan nên nhận ra chiếc trâm cài đầu của cô liền. Có lẽ vì chết oan nên hồn của cô vất vơ vất vưởng cho tới khi gặp Sáu Phụng. Trước khi về trời để tạ lòng người tri kỹ Phương Loan mới tặng cho cậu cái trâm cài đầu. Cũng nhờ chiếc trâm này mà bậy giờ cậu mới biết được lai lịch của cô. Nghe xong chuyện Phương Loan bị giặc tây giết chết, cậu bùi ngùi thương cảm bèn cầm lấy khúc roi tre tám lóng ra ngắm nghía. Tự nhiên trong màu vàng óng ánh hiện lên khuôn mặt của Phương Loan với nụ cười đằm thắm chứa đựng biết bao ý tình không nói được. Hai vợ chồng chủ nhà nhìn thấy mà rưng rưng nước mắt.
Sáng hôm sau đứng trước mộ của Phương Loan, Sáu Phụng buồn rầu thốt.
- Dù âm dương cách trở song anh nghĩ mình có duyên nợ với nhau. Nếu em có linh thiêng thì cho phép anh bốc mộ em đem về Châu Bình để chúng mình được kề cận nhau suốt đời…
Nói xong, nhìn vào khúc roi tre tám lóng cậu thấy Phương Loan mỉm cười gật đầu. Cả mừng, cậu mướn người đào mồ Phương Loan lấy hài cốt đem về Châu Bình chôn cất đàng hoàng. Mỗi ngày cậu sáu đều ra thăm viếng, có khi ngồi im lặng ngắm nhìn bức hình của Phương Loan khắc trên mộ bia. Từ đó cách sống của cậu cũng dần dà thay đổi. Cậu không còn cười nói vui vẻ nữa mà lại trầm ngâm và suy tư. Cậu thôi nhậu nhẹt, cặp bè cặp bạn và cũng không đi chơi xa nữa. Suốt ngày cậu ra mộ Phương Loan để tập múa roi. Cậu càng tập múa roi nhiều chừng nào thì khuôn mặt của Phương Loan trên khúc roi tre tám lóng càng hiện lên rõ ràng và thường xuyên hơn. Hận giặc xâm lăng đã giết chết Phương Loan nên cậu đặt tên cho đường roi mà mình đang khổ luyện là đường roi Khỏ Đầu Giặc Xâm Lăng.
Rằm tháng bảy. Trăng vời vợi buông những tia sáng màu trắng như sữa xuống trần gian vào lúc nửa khuya làm cho cảnh vật nhuộm nét lung linh và huyền bí. Sáu Phụng ngồi im trước mộ của Phương Loan. Cậu nhớ lại cũng ngày nầy, ba năm về trước, cậu đã gặp Phương Loan, lúc đó còn là con ma con gái. Bây giờ ba năm đã qua mà cô Loan vẫn biệt mù âm tín. '' Nếu có duyên chúng ta sẽ gặp lại…''. Cậu còn nhớ câu nói đó. Thế mà ba năm dài mỏi mòn chờ trông mà cô Loan vẫn ở đâu đâu. Chữ duyên sao nghe chừng hoang đường và mộng tưởng. Gió ru lá dừa xào xạc. Sáu Phụng mãi mê ngắm nhìn khuôn mặt của Loan hiện ra trên thân cây roi tre. Ánh trăng dọi xuống khiến cho nụ cười như rạng rỡ, ánh mắt nhìn long lanh nửa thật nửa hư.
- Phụng ơi… Chàng ơi…Em đã về đây…
Sáu Phụng dụi mắt. Áo màu nguyệt bạch. Mái tóc huyền dài chấm lưng. Hai cánh tay trần trắng muốt như sương đọng trên lá dừa vào buổi sáng tinh mơ. Cô ma con gái tên Phương Loan bước tới bên người tri kỹ đã mòn mỏi chờ đợi nàng ba năm qua.
- Em… Phương Loan… Ta đợi nàng lâu lắm…
Sáu Phụng mở rộng vòng tay đón lấy người thương. Hai kẻ thương nhau ngồi dưới ánh trăng tâm tình. Phụng buồn buồn kể cho người thương hết nỗi lòng của mình. Nghe xong Phương Loan cười nói.
- Nằm trong ngôi mộ kia em đã nghe hết những lời tâm sự của chàng. Em trông từng bước chàng đi… Em nhìn từng đường roi tre của chàng. Em thấy mà em đành phải để chàng ôm mối tình chung…
Nghe người thương thố lộ, Sáu Phụng mừng mừng tủi tủi vòng tay ôm nàng vào lòng. Tuy thân hình nhẹ như khói sương song cậu cảm thấy ấm áp tình trong đó.
- Mối tình chung của chàng đã vươn tới trời, động lòng của đất nên em mới được về đây…
Đôi tình nhân, một người một ma, ngồi cạnh nhau thủ thỉ biết bao chuyện cho tới khi gà cất tiếng gáy đầu tiên thì Phương Loan mới đứng lên.
- Em phải đi…
Rưng nước mắt Sáu Phụng hỏi.
- Chúng ta còn gặp nhau…
Phương Loan mỉm cười thỏ thẻ.
- Trời đất vì cảm động mối tình chung thủy của hai ta nên cho phép em gặp lại chàng với một điều kiện…
Phương Loan ngừng nói. Ánh mắt cô nhìn người thương vô vàn âu yếm song giọng nói cất lên có chiều nghiêm nghị.
- Trăm họ đang điêu linh lầm than dưới gót giày của kẻ xâm lăng. Thêm vào đó kẻ bán nước, thằng phản quốc lại hùa với giặc tàn hại sanh linh, phá tan tành sông núi mà tổ tiên đã khổ công xây đắp. Đêm nay em về gặp chàng là vâng theo lời của trời đất giao truyền cho chàng một sứ mạng…
Cô Loan ngừng lời. Sáu Phụng nắm lấy bàn tay của người thương. Cậu cảm thấy tay cô ấm êm mà mềm mại như tay người.
- Sao tay em không còn lạnh như ngày xưa hả Loan?
Tươi cười cô Loan giải thích.
- Ba năm qua nhờ chàng luôn kề cận bên em mà em được truyền thêm chút dương khí của chàng. Nhờ chút dương khí đó nên em mới có thể hiện thành hình người…
Nghe nói như vậy Sáu Phụng mừng rỡ. Cậu tự hứa sẽ ngày đêm kề cận bên người thương để cho cô Loan sớm đoàn tụ với mình. Như đọc được ý nghĩ của cậu, cô Loan cười thốt.
- Nếu muốn đoàn tụ với em chàng phải hoàn thành sứ mạng…
- Sứ mạng gì?
Sáu Phụng sắm nắm hỏi.
- Khỏ đầu giặc chàng ơi… Hãy đem sức mạnh của đường roi Khỏ Đầu Giặc Xâm Lăng để diệt kẻ bán nước và lũ giặc xâm lăng đang tàn hại đất nước… Chừng nào chàng khỏ đủ một trăm đầu tên giặc của nước thì ngày đó chúng mình sẽ đoàn tụ… Tạm biệt chàng…
Hình bóng cô Loan mờ dần dần. Vai ướt đẫm sương đêm, Sáu Phụng thẩn thờ lẩm bẩm.
- Khỏ đầu giặc xâm lăng… đó là phần thưởng để được Phương Loan…
Văn Lịnh, cai tổng của tổng Bảo Hựu thong thả đi trên con lộ đất từ làng Châu Bình về tổng Bảo Hựu. Mặc dù đang giữa trưa trời nắng chang chang mà con lộ thật vắng vẻ nhất là tới đoạn nằm trong rừng tre. Dù là tay gan mật, từng giết người mà hắn cũng cảm thấy rờn rợn khi đi gần tới khu rừng tre bí hiểm. Vốn tay giỏi võ lại thêm có súng nên đi đâu hắn cũng đi một mình. Làm cai tổng cho tây coi năm làng bảy tám năm rồi mà có ai dám rớ tới sợi lông chân của hắn chứ đừng nói chuyện giết chết hắn. Lần này đi ăn giỗ ở nhà người quen trở về hắn cảm thấy mệt và buồn ngủ vì thấm rượu. Tới giữa khu rừng tre cành lá rườm rà che kín ánh nắng cộng thêm gió thôi hiu hiu biến con đường mát rợi. Hít hơi dài không khí lành lạnh, Văn Lịnh lẩm bẩm.
- Chỗ này mà căng võng làm một giấc thì đã biết mấy…
Há miệng ngáp dài hắn đưa mắt nhìn vào khu rừng tre mênh mông. Tuy giữa ban ngày mà hắn cảm thấy lạnh sống lưng vì dường như trong tiếng tre cọ nhau kêu kẽo kẹt có tiếng thì thầm nho nhỏ bên tai hắn.
- Văn Lịnh ơi… Hôm nay mày tới số rồi… Trả mạng cho tao…
Sờ sợ hắn đặt tay vào báng của khẩu súng mút cơ tông. Đột nhiên có tiếng tằng hắng vang lên sau lưng khiến cho hắn giật mình quay phắt lại.
- Ủa cậu sáu… mà tôi tưởng ai. Cậu đi đâu vậy?
Sáu Phụng nhếch môi cười nhẹ.
- Tự nãy giờ tôi đi theo sau chú…
- Cậu theo sau có chuyện gì?
Hỏi xong Văn Lịnh hơi giật mình khi thấy ánh mắt của Sáu Phụng. Đó là ánh mắt của con cọp nhìn con mồi trước khi vồ.
- Giết chú…
- Tôi làm gì mà chú đòi giết tôi?
- Làm tôi mọi cho lũ người xâm lược chứ làm gì. Mấy năm nay tay của chú mày dính máu của dân lành vô tội nhiều lắm. Chú mày ráng mà đỡ đường roi Khõ đầu giặc của ta…
Khúc roi tre tám lóng của cậu sáu quất một đòn vào mặt Văn Lịnh làm cho hắn biết chuyện Sáu Phụng đòi giết mình không phải là chuyện giỡn chơi. Trước khi trở thành cai tổng, Văn Lịnh từng là võ sĩ có hạng trong vùng. Hắn cũng nghe tiếng tăm của Sáu Phụng. Vì vậy vừa mới thấy đối thủ ra đòn hắn tháo mồ hôi hột liền. Hắn chưa kịp tránh né hay phản đòn thì khúc roi tre vàng hực chợt trôi vùn vụt xuống bả vai. Bốp… Văn Lịnh lảo đảo lùi lại. Tay vừa đặt vào báng súng hắn nghe gió rít vù vù. Chát… Buột miệng la ối, tên chó săn của tây lùi bước vài định nâng khẩu súng trường lên.
- Chết…
Sáu Phụng hét lớn. Khúc roi tre như được ma dẫn đường quỉ đưa lối bắt từ trên cao xẹt xuống đỉnh đầu của Văn Lịnh. Bốp… Máu bắn tung toé. Bị cú khõ đầu khủng khiếp, tên cai  tổng từng hét ra lửa gục chết không kêu được tiếng nào. Nhặt lấy khẩu súng trường, Sáu Phụng bay mình vào rừng tre mất dạng.
Dân chúng thuộc năm làng trong tổng Bảo Hựu và luôn cả các làng lân cận đều xôn xao bàn tán vì sự kiện lạ lùng xảy ra. Văn Lịnh, cai tổng của tổng Bảo Hựu, quận Ba Tri, tên chó săn trung thành với giặc tây, từng giết hại biết bao nhiêu dân lành vộ tội, trên đường đi ăn tiệc ở Châu Bình trở về nhà đã bị một kẻ bịt mặt dùng thứ khí giới kỳ lạ khỏ bể đầu nằm chết gục ở khu rừng tre. Nửa tháng sau, Biền, tên cai tổng Bảo Trị cũng bị khỏ bể đầu chết tại nhà mà vợ con và đầy tớ không hay biết gì hết. Rồi tiếp theo cai tổng Minh của tổng Bảo Lộc, cai tổng Vàng của tổng Bảo An và cai tổng Tiền của tổng Bảo Thuận trước sau đều chết giống y chang như Văn Lịnh. Liên tiếp trong vòng nửa năm, kẻ lạ mặt đã lần lượt khỏ bể đầu năm tên cai tổng gian ác trong quận Ba Tri cùng tên điền chủ bất nhân ở Giồng Trường là  Hamet Toussaint. Riêng hai tên cường hào ác bá Thérèse Phạm Túy Anh, Phạm Văn Chánh ở Hưng Nhượng, Sơn Đốc thì bị đập bể đầu chết ở sau mương vườn. Tên điền chủ Pilet từng chiếm 200 mẫu ruộng và vườn của dân làng Mỹ Chánh thuộc tổng Bảo Thuận bị kẻ lạ đột nhập vào nhà giết hắn và hai tên bộ hạ thân tín. Kẻ giết người còn lấy vô số vàng bạc trước khi bỏ đi. Dân nghèo thì mừng còn lính làng, lính tổng thì sợ hãi. Tên đại úy Francois, chủ quận Ba Tri của giặc tây tức tối dẫn lính Lê Dương mở cuộc ruồng bố song cũng không tìm ra kẻ giết người vì đâu có ai thấy mặt mày, vóc dáng của hắn đâu. Chẳng lẽ bắt hết mấy chục ngàn dân trong quận. Không khí ngạt thở bao trùm 26 làng của quận Ba Tri và dân chúng hồi hộp chờ đợi việc lạ lùng xảy ra.
Trời chập choạng tối song trong khu mồ mã của nhà Hương Cả Cọp lại tối và âm u vì được cây cối che phủ. Gió rì rào mát rợi. Sáu Phụng ngồi trên nền mộ Phương Loan mân mê và ngắm nghía khúc roi tre tám lóng. Điều khiến cho cậu thắc mắc là cứ mỗi lần cậu khỏ bể đầu một kẻ gian ác trên khúc roi tre lại xuất hiện một vòng tròn đỏ rực màu của máu rồi sau đó thì màu vàng trên thân tre không còn óng ánh nữa mà đổi sang màu đỏ tươi như màu máu. Cậu mong được gặp lại Phương Loan để hỏi vì biết chỉ có nàng mới trả lời được thắc mắc của mình. Bóng tối chụp xuống. Côn trùng rỉ rả. Trăng thượng tuần hiện ra. Ánh trăng trắng mờ bàng bạc không gian.
- Phụng ơi…
Mơ hồ nghe tiếng người gọi tên mình, Sáu Phụng ngước lên thấy một bóng trắng từ trong ngôi mộ của Phương Loan bước ra.
- Phương Loan… Ta nhớ em từng phút từng giây…
Sáu Phụng ứa nước mắt nhìn người thương. Mái tóc huyền mềm mại buông trên bờ vai nuột nà khói sương lãng đãng phủ nửa mặt. Ánh mắt nàng long lanh ngời tình tự. Nụ cười phảng phất ánh trăng mùng mười bàng bạc dọi trên lá dừa. Tay nàng ấm như nắng sớm mùa hè. Hình hài người mơ nửa tợ khói sương, nửa tợ thịt da mềm như lụa. Ngã vào vòng tay của Sáu Phụng, Phương Loan thì thầm.
- Chàng chờ em lâu không?
Hít thở hương tóc thanh tân dịu dàng, Sáu Phụng mỉm cười.
- Lâu chứ nhưng ta vẫn chờ em, mãi mãi chờ em dù biết mình không bao giờ có ngày tương phùng…
Phương Loan ứa nước mắt thỏ thẻ.
- Dẫu không tương phùng thì tình yêu của chúng ta cũng bất diệt, sống mãi với thời gian… Trời đất đã thấu lòng thành của chàng. Năm mươi lần khỏ đầu giặc nữa chàng sẽ được gặp em…
Thấy Sáu Phụng mấp máy môi, như đã biết trước Phương Loan thỏ thẻ.
- Em biết chàng định hỏi về những vòng tròn máu và khúc roi tre chuyển màu vàng thành ra màu đỏ của máu song thiên cơ bất khả lậu… Đêm sắp tàn và em lạnh lắm chàng ơi…
Dứt câu nói, Phương Loan vòng tay ôm lấy cổ người thương. Môi nàng ngọt như quít chín mùi. Hơi thở nàng thơm mùi hoa bưởi hoa dừa đang thầm lặng nở trong đêm trăng. Thân nàng mềm ấm như tà áo trắng trinh nguyên quấn lấy thân thể đang hừng hực ý tình. Sáu Phụng lịm người mà mê đi. Khi ánh thái dương chiếu vào mặt cậu mới giật mình thức dậy. Bàng hoàng cậu không biết thực hay mơ, chỉ cảm thấy hương thừa của Phương Loan như lẩn quẩn bên mình. Từ đó trong hai quận Châu Thành và Ba Tri của cù lao Bảo, hai quận Mỏ Cày và Thạnh Phú của cù lao Minh; các tên sĩ quan của giặc xâm lăng và bọn tay sai của chúng cũng như đám cường hào ác bá liên tiếp bị một kẻ bí mật khỏ bể đầu. Những tên điền chủ của giặc  nổi tiếng ác độc là Oudin, Guyot và Blanc ở Phú Ngãi; Brondeau Thạnh Phú, Giovansili tại Giao Thạnh; Mariani ở Bình Khương; Prédiani ở An Nhơn; Baudson và Raymond Gelet ở Bình Đại; René Théophile Leroy ở khu vực Đê Đông; Avémei Di Mesah ở xã Phú Long; Sounassoudiane Chetli (Ấn kiều) ở Rạch Sấu, Rạch Cừ thuộc Thạnh Phú; Elisabeth Quang thuộc Mỹ Hưng, xã Quới Điền; Roger Nguyễn Võ Hiền ở An Hiệp thuộc quận Châu Thành; Philippe Nguyễn Văn Phụng ở Sơn Phú, Phú Hưng và còn vô số kẻ gian ác mang tội giết người, cướp đất, hiếp dâm phụ nữ đều lần lượt bị khỏ bể đầu chết mà quan quân và đám lính kín của tây đều không tìm ra được thủ phạm. Tình hình vừa yên yên thì dân chúng lại xôn xao vì tin năm tên cai tổng của các tổng Bảo Thành, Bảo Khánh, Bảo Hựu, Bảo Ngải và Bảo Đức trong quận Châu Thành hay còn gọi là Sóc Sải đều bị kẻ lạ mặt giết chết tại nhà. Vài tháng sau, tới phiên hai tên cai tổng của Minh Phú và Minh Trị thuộc quận Thạnh Phú rồi lần lượt bảy tên cai tổng của 7 tổng thuộc quận Mỏ Cày là Minh Đạo, Minh Đạt, Minh Huệ, Minh Lý, Minh Quới, Minh Thiện và Minh Thuận cũng bị hạ sát. Quân Pháp mở cuộc ruồng bố, bắt bớ, bắn giết dân lành mà cũng không tìm ra được kẻ giết người.
Sáu Phụng và thằng Tranh, đứa đầy tớ trung thành bước xuống xe ngựa vừa ngừng lại tại chợ Ba Tri. Chiều cuối năm hàng quán đóng cửa sớm nên chợ vắng người. Chủ và tớ tìm tới phòng trọ ngụ qua đêm để tối mai sẽ tham dự cuộc đã lôi đài do ông hội đồng Quý, một điền chủ giàu có trong quận Ba Tri tổ chức. Hội đồng Quý đã cho người cầm thơ tới tận Châu Bình mời ông Hương Cả Cọp dự kiến cuộc đã lôi đài lớn nhất của Tết Giáp Dần vì các võ sĩ của bốn quận Ba Tri, Sóc Sải, Thạnh Phú và Mỏ Cày đều có mặt. Tuy nhiên vì tuổi đã già lại thêm bịnh hoạn, còn hai ông hai Lân và ba Qui thì đã có gia đình nên chẳng ai muốn đi xa vào dịp tết Giáp Dần, ông Hương Cả Cọp bèn phái cậu Sáu Phụng, đại diện cho dòng họ Lê đi Ba Tri tranh tài cũng thiên hạ. Không muốn xa cô Phương Loan trong ba ngày tết song vì lệnh cha, Sáu Phụng bắt buộc phải cùng đầy tớ trung thành lên đường đi Ba Tri đấu võ đài.
Chưa tới giờ khai mạc mà người ngồi chật ních hết bốn khán đài bao quanh võ đài. Đuốc tẩm dầu gắn trên bốn cây trụ của võ đài cháy bập bùng trong đêm mồng một tết. Cuộc tranh tài đêm mở đầu càng thêm phần hấp dẫn và hào hứng vì sự có mặt của viên thiếu tá nhà nước Phú lang Sa đồng thời cũng là chủ quận Ba Tri. Ông ta đã treo giải thưởng hai trăm đồng bạc Đông Dương cho bất cứ ai đoạt giải nhất. Thiên hạ xì xầm bàn tán khi nghe ban tổ chức xướng danh các võ sĩ đăng đài. Ông hội đồng Quí, mặc áo dài may bằng gấm, đội khăn đống, mang giày hàm ếch thong thả bước lên khán đài. Vái chào bốn hướng xong ông ta cao giọng.
- Kính thưa quan tư chủ quận… Kính thưa quí vị… Tôi rất hân hạnh và cám ơn mọi người không ngại vượt đường xa tới đây tham dự cuộc đã lôi đài do tôi đại diện cho quận Ba Tri tổ chức. Sau đây tôi xin xướng danh các võ sĩ đã ghi tên tham võ sĩ tham dự…
Người ta thấy có 8 người ghi tên tham dự. Theo thể lệ thì tám người này sẽ chia làm bốn cặp đấu với nhau. Ai thua sẽ bị loại ra và cuối cùng sẽ còn lại hai người tử đấu để giành lấy danh vị võ sĩ vô địch của tỉnh Bến Tre. Nghe nói vị võ sĩ vô địch này sẽ đại diện cho tỉnh nhà để dự đấu trong cuộc tranh tài với các tỉnh của Nam Kỳ.
- Để mở màn cho cuộc đã lôi đài tôi kính mời hai võ sĩ Nguyễn Đăng Tướng và võ sĩ Lê Phụng của làng Châu Bình thượng đài…
Thiên hạ xì xầm to nhỏ khi nghe xướng danh Lê Phụng. Một người hỏi lớn.
- Lê Phụng nào vậy. Có phải Sáu Phụng, con trai út Hương Cả Cọp hông?
- Còn ai vô đây nữa. Y nổi danh sau lần tử chiến với con heo độc chiếc đó mà…
- Ái chà… Ó Trảo đụng Hổ Quyền bà con ơi…
Sáu Phụng thong thả lên đài trước. Đứng trên khán đài cậu vòng tay bái tổ rồi khom người chào khắp bốn khán đài. Thiên hạ, đa số là dân Ba Tri nên vỗ tay hoan hô gà nhà. Khác với đối thủ, Nguyễn Đăng Tướng thượng đài với tư thế ngoạn mục hơn. Đứng dưới đài y vỗ mạnh hai tay vào đùi thành tiếng bốp thật lớn đoạn lắc mình bay lên không rồi hai cánh tay dang ra thẳng băng, thân hình y chao nhẹ xong đáp xuống sàn đài êm rơ. Đó là thế Đại bàng triển xí của lò võ Bạch Ưng của quận Sóc Sải. Hai đối thủ chào khán giả với trọng tài rồi thi lễ với nhau xong xuôi thì trận đấu bắt đầu. Sáu Phụng xoạc chân đứng tấn. Hai cánh tay gấp lại như hình thước thợ. Tay mặt đưa ra, tay trái hơi trầm xuống một chút án tại đơn điền, vị võ sĩ đại diện cho dòng họ Lê ở Châu Bình triển một thế hổ quyền dung dị và giản đơn.
Một ông lão vuốt râu gật gù lên tiếng.
- Danh sư xuất hảo đồ đệ. Ta nghe đồn Hương Cả Cọp là hậu duệ của Bế Khôi, một tay chọc trời khuấy nước và lừng danh ba xứ Việt Miên Lào về chuyện tay không đánh chết cọp. Bây giờ thấy Sáu Phụng trổ ngón nghề riêng, ta phải chịu là giỏi… Mấy chú biết y xử ngón nghề gì không?
Mọi người im lặng không trả lời được thì ông lão vuốt râu cười khà.
- Đó là một đòn trong Triệt Hổ Cước của họ Lê. Ta dám cá với mấy chú là Nguyễn Đăng Tướng không qua nổi năm hiệp đâu…
Ông lão vừa dứt lời thì rét… rét… rét… Sáu Phụng đã tấn công trước và tấn công bằng thứ cước dữ dằn, lanh lẹ khiến cho đối thủ chỉ còn nước đỡ đòn trối chết. Hai chân cậu giở lên hạ xuống như chày giả gạo.
- Trúng… trúng rồi…
Ông lão hò la cùng với tiếng bịch bịch vang lên. Nguyễn Đăng Tướng lảo đảo mấy bước rồi ngã lăn ra sàn đài. Ban tổ chức cho người lên khiêng y xuống. Sáu Phụng cũng trở về chỗ ngồi của mình nghỉ ngơi chờ đấu trận tiếp theo. Ban tổ chức xướng danh hai võ sĩ kế tiếp là Văn Đỉnh của quận Mỏ Cày và Văn Ngạc thuộc quận Thạnh Phú. Sau mươi phút giao tranh, Văn Đỉnh của quận Mõ Cày đánh bại đối thủ để được ghi tên vào vòng tứ kết. Rồi tiếp theo Trần Võ của quận Sóc Sải đánh bại đối thủ. Cuối cùng là Đỗ Thành Chuyển, cháu nội đích tôn của hội đồng Quí cũng lọt vào danh sách của 4 võ sĩ tranh tài. Ban tổ chức mời bốn võ sĩ bắt thăm để biết ai sẽ đấu với ai. Sau khi bắt thăm thì Lê Phụng sẽ đấu với Văn Đỉnh, còn Đỗ Thành Chuyển sẽ đấu với Trần Võ. Thấy đã gần tới canh ba nên ban tổ chức tuyên bố tạm ngưng tới sáng mai.
Tuy đã sang canh tư mà Sáu Phụng vẫn còn trằn trọc chưa ngủ được. Không biết vì sao mà cậu cảm thấy người bứt rứt khó chịu và lòng nóng như lửa đốt. Có chuyện gì xảy ra ở Châu Bình? Cha mẹ già lâm trọng bịnh? Hay là Phương Loan bị cái gì? Nghĩ ngợi lan man cho tới khi gà gáy đợt đầu tiên cậu mới chợp mắt được. Trong giấc ngủ cậu thấy mình máu me đỏ lòm, đang vung cây roi tre tám lóng tả xung hữu đột đánh nhau với mấy chục người cầm vũ khí.
- Cậu sáu… dậy… cậu sáu… sáng rồi…
Sáu Phụng giật mình đổ mồ hôi như tắm vì bị thằng Tranh gọi.
- Cậu tắm rửa xong rồi ăn sáng xong nghỉ một chút. Cũng sắp bắt đầu đánh võ rồi cậu…
Uể oải ngồi dậy, Sáu Phụng tắm rửa thay võ phục xong mới cảm thấy dễ chịu. Đang ngồi ăn sáng cậu lại cảm thấy người bứt rứt khó chịu và trong lòng nóng tợ lửa đốt. Phải thật lâu cảm giác kỳ lạ đó mới hết.
Người người ngồi đứng chật bốn khán đài. Ai cũng biết hôm nay là ngày quyết định. Bốn tuyển thủ đại diện cho dòng họ hay các lò võ đều là những kẻ xứng đáng chức vô địch. Đúng 9 giờ sáng, ban tổ chức tuyên bố cuộc tranh tài bắt đầu bằng hai đối thủ là Lê Phụng và Văn Đỉnh. Đúng như khán giả đồn đoán, sau mười mấy hiệp giao đấu, vị đại diện cho dòng họ Lê ở Châu Bình đã đánh bại Văn Đỉnh để vào vòng chung kết. Kế tiếp là trận đấu giữa Đỗ Thành Chuyển và Trần Võ. Là cháu đích tôn của hội đồng Quí, một võ sĩ kỳ cựu đồng vai vế với Hương Cả Cọp, dĩ nhiên Thành Chuyển phải được chân truyền của ông nội. Dù trẻ hơn Lê Phụng tám tuổi song có thể hắn là thứ tài không cần đợi tuổi. Điều đó sẽ được chứng thực trong cuộc so tài ngày hôm nay.
Trái với lời đồn đại vị đại diện cho dòng họ Lê ở Châu Bình có vóc dáng nho nhã, phong thái trầm lặng, cử chỉ đường hoàng và nụ cười dễ thân thiện. Bộ võ phục màu trắng với đôi giày da làm bằng da con heo độc chiếc, dây thắt ngang lưng cũng màu trắng, Lê Phụng lên đài bằng tư thế vô cùng ngoạn mục mà bất kỳ ai trông thấy cũng đều vỗ tay hoan hô. Đạp nhẹ chân xuống đất lấy đà, cậu như bóng trắng vọt chênh chếch lên trời cao rồi chỉ với cái chao mình, hai cánh tay áo rộng xoè ra như cánh phụng cậu tà tà đáp xuống sàn đài.
- Sáu Phụng xử chiêu Bình Sa Lạc Phụng này tôi chịu quá… Nó lả lướt, nhẹ nhàng và tao nhã…
Trái với tư thế văn nhã và đẹp mắt của đối thủ, Đỗ Thành Chuyển quăng mình lên đài chẳng khác gì cọp vồ mồi. Đứng sừng sửng giữa đài hắn trợn mắt hằm hè nhìn Sáu Phụng. Sau tiếng hô của trọng tài, cuộc đấu bắt đầu. Chân mặt làm trụ, chân trái co lên ép sát vào chân mặt, hai cánh tay dang ra thẳng băng, hai bàn tay chụm lại nhọn hoắt như mỏ con chim phụng, vị đại diện của dòng họ Lê triển chiêu Bạch Phụng Giương Cánh để đối đầu với đối thủ cũng có võ gia truyền như mình. Gia truyền, sư truyền hay bất cứ loại võ thuật nào cũng đều có chung một tính chất đặc thù là bí truyền. Tuy nhiên tính chất bí truyền được thấy rõ rệt nhất trong võ gia truyền. Nhiều gia đình, nhà hoặc dòng họ, chỉ truyền thụ các ngón đòn hiểm hóc và độc địa nhất cho con trai mà không truyền cho con gái vì sợ con gái khi về nhà chồng sẽ truyền lại cho chồng của mình. Hoặc giả có nhiều nhà 1 công phu nào đó thì chỉ truyền cho con trai trưởng, hoặc người con nào được coi là có đức độ nhất.
Không khí lặng trang dù mấy trăm người ngồi đứng để chứng kiến cuộc so tài hiếm có. Tuổi trẻ hơn, công phu trầm tịnh kém hơn, do đó Đỗ Thành Chuyển ra đòn trước. Nạt tiếng lớn hắn đạp bộ nửa bước cùng với tay quyền đấm thẳng vào ngực còn quyền bên trái khép lại thẳng băng chém tới bả vai đối thủ. Đã nghe danh biết tiếng lại thấy Lê Phụng lọt vào vòng tranh tuyển cuối cùng, do vậy hắn phải trổ hết tài nghệ may ra mới thắng được. Đỗ Thành Chuyển là hậu duệ của Đỗ Thành Nhân, nhân vật đứng đầu của phái võ Đông Sơn, từng theo phò Nguyễn Ánh đánh nhau với Tây Sơn. Võ nghệ và tài chỉ huy của Đỗ Thành Nhân còn khiến ba anh em Tây Sơn phải nể phục. Sau khi Nguyễn Ánh nghe lời dèm pha giết chết Đỗ Thành Nhân thì phái võ Đông Sơn thôi không ủng hộ Nguyễn Ánh chống lại Tây Sơn. Cũng vì vậy mà sau khi lên làm vua, với tính tiểu nhân, Nguyễn Ánh đã ra lệnh truy nã và tàn sát phái Đông Sơn. Bị binh lính Nguyễn triều truy nã, con cháu Đỗ Thành Nhân và phái Đông Sơn phải tẩu tán khắp nơi cho tới khi giặc Pháp làm chủ Nam Kỳ thì họ mới từ từ lộ diện và tìm cách hưng phục lại phe phái của mình. Đỗ Thành Quí, nhờ vào võ nghệ cao cường thêm giàu có với lại hợp tác với giặc Pháp vì vậy được chúng cho làm tới chức hội đồng. Dọn đường tiến thân cho cháu nội đích tôn, hội đồng Quí bỏ tiền ra tổ chức đánh võ đài với ý định đoạt chức võ sĩ vô địch tỉnh Bến Tre. Nhưng dự tính của hội đồng Quí đang bị cản trở bởi truyền nhân của Bế Khôi.
Đòn của đối thủ ra được nửa đường mà Lê Phụng vẫn an nhiên bất động. Điều đó khiến cho Đỗ Thành Chuyển phải chận tay lại để đổi đòn. Tuổi trẻ ít khi giao đấu nên y thiếu kinh nghiệm ở chỗ đó. Ngay lúc y vừa định đổi đòn thì hai cánh tay trong thế Bạch Phụng Giang Cánh bắt từ ngoài kéo ập vào với hai bàn tay chụm lại nhọn hoắt như mỏ chim phụng mổ một đòn lanh lẹ và dữ dằn vào ngay thái dương đối thủ. Thái dương là yếu huyệt, nếu bị đánh trúng thì không chết cũng khó nuôi do đó Đỗ Thành Chuyển bắt buộc phải giải đòn mà phải giải nhanh mới kịp. Nạt tiếng trong trẻo hắn xô người tới trước cùng với hai cánh tay cất lên. Trước khi hắn xô người thì chân phải của Lê Phụng đang co lên chợt bung ra theo thế đá tạt vào đầu gối bên mặt cùng lúc hai bàn tay trong một thế Phụng Trảo trôi vùn vụt xuống bấu vào khuỷu tay. Cậu biến đòn lanh khủng khiếp khiến cho Đỗ Thành Chuyển vì thiếu kinh nghiệm nên bị đối thủ đoạt tiên cơ. Không còn cách nào hơn hắn phải thoái bộ thật nhanh. Không tấn công tiếp, Lê Phụng mỉm cười cất tiếng nói với Đỗ Thành Chuyển.
- Chú em quả có tài bộ hơn người…
Da mặt đỏ ửng vì bị thua một đòn họ Đỗ làm thinh. Thiên hạ vỗ tay hoan hô tinh thần thượng võ của Lê Phụng. Nếu cậu mà ra tay tấn công dồn dập thì có thể đánh ngã hoặc nếu không cũng đánh bị thương Đỗ Thành Chuyển để có hi vọng đoạt chức võ sĩ vô địch tỉnh Bến Tre. Tuy nhiên cậu lại đứng yên không tấn công có lẽ vì tự tin và cũng muốn nhân dịp này phô tài cho thiên hạ thấy.
- Đỡ…
Nạt tiếng nhỏ Đỗ Thành Chuyển tấn công bằng hai đòn trong thuật múa quyền bí truyền của dòng họ Đỗ. Cánh tay mặt giơ cao lên đánh vào đỉnh đầu còn tay phải đánh ập vào hông. Lần nữa hắn lại mắc phải lỗi lầm và lỗi lầm đó được một võ sĩ lịch lãm giang hồ và giàu kinh nghiệm giao tranh như Lê Phụng khai thác triệt để. Cái hay của cậu là nhìn ra lỗi lầm của đối phương trước nhất để rồi nương theo đó mà ra đòn để đánh bại. Khi giơ cao tay mặt để đánh vào đỉnh đầu, Đỗ Thành Chuyển để lộ ra sơ hở là nách và bên hông. Cậu chỉ cần sử dụng phụng chỉ hay phụng trảo đánh vào hai yếu điểm đó là có thể bức đối thủ phải lùi lại. Hội đồng Quí lắc đầu thở dài. Ông ta có thừa kinh nghiệm và kiến thức để biết là tài bộ của Lê Phụng vượt trội cháu nội của mình. Tuy nhiên trận đấu còn kéo dài chưa biết ai hơn ai thì không lẽ ông ta lại nhìn nhận thua một cách vội vàng thì mất mặt quá. Nổi giận vì bị đối phương bức mình phải lùi lại hai lần, Đỗ Thành Chuyển lao vào sát đối thủ tấn công tới tấp. Đôi bên đấu với nhau được chừng chục hiệp, mọi người nghe Lê Phụng hét lớn tiếng '' trúng '' rồi bay người ra khỏi vòng đấu. Đỗ Thành Chuyển té nằm dài trên sàn đài. Trọng tài tuyên bố Lê Phụng thắng cuộc và trở thành võ sĩ vô địch của tỉnh Bến Tre. Chiều hôm đó hội đồng Quí mở tiệc đãi mọi người ăn uống tới tối mới tan để nghỉ ngơi chờ sáng mai sẽ trở về nhà.
Đang ngủ ngon thằng Tranh bị chủ dựng dậy vào lúc nửa đêm để lên đường trở lại Châu Bình. Mắt nhắm mắt mở nó đeo gói hành lý lên vai rồi lặng lẽ theo cậu sáu ra khỏi nhà của hội đồng Quí. Sáu Phụng cắm đầu đi nhanh mà không nói tiếng nào. Sau khi quẹo vào con đường cái cậu mới quay qua nói nhỏ với thằng Tranh.
- Đây là gói thức ăn mà tao lấy được ở nhà hội đồng Quí. Mày ăn cho no rồi băng đường tắt để về Châu Bình…
Lấy làm ra về lời nói của chủ, thằng Tranh vội hỏi.
- Sao cậu lại biểu tôi dìa trước làm chi vậy. Tôi đi với cậu cũng được mà…
Sáu Phụng cười lắc đầu.
- Mày ráng chạy về nhà thưa với ông là tao bị trúng độc…
Thằng Tranh hớt hải kêu.
- Trúng độc… cậu… cậu… có sao hông cậu?
- Bây giờ thì chưa vì tao có uống thuốc chận độc rồi. Nhưng chất độc này mạnh lắm…
- Ai cho cậu uống thuốc độc cậu biết hông?
Sáu Phụng lắc đầu cất giọng nhẹ.
- Tao không biết… Mày ráng chạy về nhà báo tin cho ông biết may ra còn kịp…
Nghe giọng nói thều thào như hết hơi mòn sức của cậu chủ, thằng Tranh biết chuyện vô cùng nguy ngập nên không kịp chào chủ cắm đầu chạy theo đường tắt về Châu Bình báo tin dữ.
Trời trưa nắng gắt. Đưa tay vuốt mồ hôi trán chảy dầm dề trên mặt mình, Sáu Phụng đưa mắt nhìn con đường làng vắng ngắt không bóng người đi. Nhìn thấy cây sao cao ngất cậu mừng thầm vì biết còn không bao xa nữa sẽ tới khu rừng tre. Đó là chỗ cậu có thể dừng lại nghỉ ngơi giây lát rồi sẽ về tới nhà trước khi chiều xuống. Tới một ngã ba cậu nghe tiếng cười hằng hặc rồi từ trong rặng trâm bầu mấy chục người nhảy ra. Cậu Sáu thấy trong đó có Đỗ Thành Chuyển, Văn Đỉnh, Văn Ngạc, Trần Võ và nhiều võ sĩ tham dự cuộc tranh tài mà cậu không nhớ tên.
Tạt bộ ra giữa lộ chắn bước kẻ đã đánh bại mình, Đỗ Thành Chuyển cười hà hà.
- Tứ độc sà tán vang danh hai cù lao Bảo và cù lao Minh mà vẫn không giết được ngươi thì ngươi đúng là võ sĩ vô địch…
Tuy ngoài mặt không lộ vẻ gì song trong lòng cậu sáu lại lo âu. Tứ độc sà tán là tên của một loại thuốc độc được chế bởi tay bắt và nuôi rắn nổi tiếng tên Dũng Khùng. Không một ai biết rõ gốc gác của hắn. Người ta chỉ biết Dũng khùng qua một kiệt tác được hắn đặt tên Tứ độc sà Tán, lấy từ nọc của bốn thứ rắn độc nhất là mai gầm, hổ mang, đẻn cườm và rắn lục cườm. Điều hơi khó hiểu là nọc rắn truyền theo đường máu chứ không truyền theo đường tiêu hóa thì lở ăn vào bụng thì cũng không có hại gì thì tại sao Sáu Phụng lại bị trúng độc. Muốn cho kẻ thù bị trúng độc thì Dũng Khùng phải trộn nọc rắn với một chất gì đó rồi khi chất này vào trong dạ dày sẽ làm cho dạ dày chảy máu để nọc rắn theo đó mà vào trong máu của nạn nhân. Một điều nữa khiến cho Tứ độc sà tán khó chữa trị vì nó là một thứ độc hổn hợp của bốn loại nọc rắn mà mỗi thứ lại có độc tính khác nhau.
Liếc một vòng người cầm gậy gộc giáo mác bao quanh mình, Sáu Phụng bật cười sang sảng nhìn Đỗ Thành Chuyển.
- Hóa ra ngươi chính là kẻ đã bỏ thuốc độc vào thức ăn của ta. May mà trời cao có mắt nên ta biết nên uống thuốc trừ trước…
Câu nói của Sáu Phụng khiến cho Đỗ Thành Chuyển và toán võ sĩ theo hắn đều sợ hãi. Họ biết nếu hôm nay Sáu Phụng không chết thì bọn chúng sẽ dòng họ Lê báo thù. Bây giờ Đỗ Thành Chuyển mới biết lời ông nội nói đúng. Thuốc độc khó mà giết được Lê Phụng. Vì vậy mà hắn phải dẫn thủ hạ hợp cùng số võ sĩ tham tiền rượt theo Lê Phụng để lấy mạng cậu đồng thời chiếm lấy hai trăm đồng tiền thưởng.
- Đánh…
Nạt tiếng lớn, Đỗ Thành Chuyển vung thước đánh ập xuống đầu Sáu Phụng. Biết mình bị trúng độc nọc rắn lại bị vây đánh với các võ sĩ tài ba, cậu sáu đành phải rút khí giới ra chống đỡ. Khúc roi tre tám lóng rít gió vù vù đánh những đòn dữ dội dễ mở đường máu chạy về khu rừng tre. Đỗ Thành Chuyển cùng đồng bọn rượt theo. Cuộc tử chiến càng lúc càng trở nên ác liệt. Thây người chết nằm rải rác dọc theo con lộ. Cuối cùng còn lại hai đối thủ ghìm nhau để nghỉ ngơi trước khi mở cuộc tử đấu. Quần áo xốc xếch, đẫm máu bầm, Sáu Phụng chống khúc roi tre xuống đất để làm điểm tựa mới đủ sức đứng vững được. Đối diện với cậu, Đỗ Thành Chuyển, kẻ kế thừa của danh tướng Đỗ Thành Nhân chống cây thước sắt xuống đất và thở hào hển vì cạn lực. Bằng tất cả sức lực Sáu Phụng nâng khúc roi tre tám lóng lên. Thân tre đỏ rực màu máu. Vù… Đầu ngọn roi trong thế khỏ đầu giặc xẹt ra. Đỗ Thành Chuyển nấc tiếng nhỏ ngã úp mặt xuống đất. Sáu Phụng thở ra hơi dài nặng nhọc cầm khúc roi tre tám lóng lên ngắm nghía. Màu đỏ của máu nhạt dần dần để chuyển sang màu vàng óng ánh cùng với khuôn mặt của Phương Loan hiện ra. Cậu sáu lẩm bẩm.
- Phương Loan… Ta đành lỗi hẹn với nàng…
Trong ánh sáng mờ ảo của khu rừng tre, cậu sáu thấy Phương Loan từ cõi hư vô bước ra nắm tay mình. Bàn tay nàng mềm và ấm hơi người. Cậu sáu mỉm cười lẩm bẩm.
- Phương Loan… Đợi ta với…
Giọng của Ngoại nhỏ dần. Sáu nghe được tiếng thở dài của bà rồi lát sau giọng nói khàn khàn, già nua lất lây trong căn phòng tối mờ.
- Sau khi chôn cất con trai của mình xong xuôi, Hương Cả Cọp đem giấu kín khúc roi tre tám lóng vào một nơi chỉ có mình ông biết. Bẳng đi thời gian, trước khi mất ông có trối lại với ông Ngoại của con nơi cất giữ khúc roi tre của ông Sáu. Tuy nhiên khi ông Ngoại cho người đào lên thì trong lòng chiếc tráp trống không. Mọi người đều tin rằng khúc roi tre tám lóng đã theo ông Sáu và cô Phương Loan đi vào cõi vô cùng. Ban đêm vào những ngày có trăng, người ta thấy nơi mộ của cậu Sáu Phụng và cô Phương Loan như có bóng người hiện lên, đi đứng nói cười và tiếng hò hét của ông Sáu lúc đang luyện võ. Có người bạo gan tới gần xem xét kể lại rằng họ thấy ông Sáu cầm khúc roi tre múa võ nữa. Tựu trung chẳng ai biết chuyện đó thật hay giả. Chỉ biết trong gia phả ghi lại rằng ông Sáu Phụng không bao giờ lập gia đình và chết lúc còn trẻ vì bị đầu độc sau khi giật được chức võ sĩ vô địch…
chu sa lan
 

Xem Tiếp: ----