au bửa ăn tối, anh Năm nhâm nhi ly rượu thuốc, mắt mơ màng kể:
-“Vài năm sau, vào chạn vạn tối chúng tôi thường nghe tiếng la hò và than khóc của một đoàn người bên bìa rừng.”
-“Họ là ai vậy anh?” Cậu Mười hỏi anh Năm.
-“Cũng không rõ, nhưng họ đi thành từng đoàn, quần áo trắng tinh, họ khua trống, chiêng và nghe cả tiếng khóc than chen lẫn tiếng ca hát nữa.”
-“Họ đi đâu?”
-“Không đi đâu hết. Họ chỉ tụ tập dưới chân Gò Mít, than khóc như oán trách một điều gì xong biến mất khi màng đêm buông xuống.”
-“Sao giống như hồn ma vậy anh?”
-“Đúng. Họ là những bóng ma vất vưỡn sau ngày chiến tranh chấm dứt. Những bóng trắng chập chờn, mang trên người ba-lô, súng đạn than khóc thảm thiết thường hiện về dưới chân đồi khi trời tối. Họ dường như mở tiệc ăn mừng một điều gì và cũng hình như oán trách một điều gì. Sau này người dân làng mình phải lập miếu, cúng vái nhiều lần họ mới không trở về nữa.”
-“Còn Thằng Câm, bà Hướng và chú Bốn Bền còn sống không, và bây giờ ở đâu?”
-“Sau trận đánh cuối cùng ở làng mình, không biết chú Bốn Bền thất lạc nơi đâu. Còn Thằng Câm và bà Hướng thì…cậu làm một ly đi, từ từ tôi sẽ kể cho nghe.”
Anh Năm bước đến cái đi-vân, tôi ngồi trên bàn ăn nhìn ra ngoài trời, bóng tối đang về và tôi lại nhớ đến ba người trong làng tôi ngày ấy.
Khi tôi lên sáu thì ông ấy đã gần tuổi Cha tôi. Mặc dù ông ấy đã lớn tuổi và rất đàn hoàng, nhưng không hiểu tại sao ngay cả những đứa con nít trong làng cũng gọi ông ấy là “Thằng Câm”. Ai ai cũng gọi ông ấy là “Thằng Câm.” Có phải vì ông ấy không nói được nên mất đi một phần kính trọng! Nhưng ngay cả đứa con nít gọi ông là “Thằng Câm” ông cũng dững dưng, không một chút buồn phiền! Vì không những câm mà ông ấy còn bị điếc, nên, ông có nghe được gì đâu. Ông sống trong một thế giới thật đặc biệt: không tiếng nói, tiếng cười, không ồn ào náo nhiệt, không tiếng bom đạn, không pháo nổ, và không một người tình!
Lẽ ra ông phải yên vui, nhưng sao vẫn thấy ông hay quạu và tức tối, tức tối đến độ muốn la hét cho nổ tung lên. Nhưng tiếng nói bị chận trong cổ họng, nên chỉ thấy từng sợi dây gân to như chiếc đủa con nổi trên cổ mỗi lần ông quạu và muốn phát biểu một điều gì! Có lẽ vì đôi mắt vẫn còn sáng, còn nhìn thấy nên còn biết đau thương giận dữ. Ông đến ngôi làng này cùng chung số phận với hai người bất hạnh khác: một người điên và một người mù. Nhưng người điên và người mù kia còn có tên, là, bà Hướng và chú Bốn Bền. Nhưng ông ấy chỉ được mỗi một cái tên là “Thằng Câm.”
Thằng Câm, bà Hướng và chú Bốn Bền không phải sinh ra trong ngôi làng này, mà họ được dân làng đi làm ăn nơi xa cưu mang về nuôi nấng đùm bọc.
Thằng Câm có thân hình to lớn nở nang như một lực sĩ, vì hằng ngày phải làm những việc nặng nhọc, những việc không ai chịu làm như xẻ núi đào sông, như trục gốc tre già, phá rẫy phá rừng, đốt than, vác cây to từ rừng về làng, vân vân… để đổi lấy miếng ăn và mảnh vải che thân. Bất cứ ai trong làng cần người giúp những việc nặng nhọc thì tìm đến Thằng Câm!
Phải làm những việc to lớn, nhưng công lao của Thằng Câm được trả bằng bửa ăn, vài ang lúa và vài ba manh áo cũ! Chính vì làm việc nặng nhọc mà Thằng Câm mới có được thân hình vạm vỡ. Thằng Câm có gương mặt không vui mà cũng không buồn. Lúc nào cũng làm việc quần quật suốt ngày, có khi người ta bắt gặp Thằng Câm cặm cụi lăn những tảng đá to trong rẫy rừng. Có khi đào gốc tranh, đốn tre, chẻ lạt. Có lúc Thằng Câm trầm mình tắm trong suối giữa trưa hè nóng cháy, để lộ một thân hình cường tráng làm mê những người thiếu nữ vô tình bắt gặp.
Thằng Câm tuy không nghe không nói nhưng tánh tình cộc cằn nên đám con nít trong làng rất sợ. Nhất là những lúc ai làm Thằng Câm giận, hay không bằng lòng điều gì với người chủ là Thằng Câm phùng mang trân gân trân cổ, tay chỉ trỏ, miệng la ú a ú ớ phát ra những âm thanh giận dữ làm ai thấy cũng sợ. Thông điệp của Thằng Câm cho mọi người là những dấu hiệu bằng tay. Đôi khi Thằng Câm chỉ vào rừng, xong dùng tay ra ni ôm súng bắn đùng đùng rồi đưa ngón tay lên cứa ngang cổ lắc đầu lia lịa. Nhưng cũng có lắm lúc Thằng Câm rất hiền ngồi dưới gốc cây mơ mơ màng màng về một thế giới nào đó, chẳng ai biết.
Khi một ngày làm việc vất vã đã qua, Thằng Câm trở về căn nhà tranh vách đất sống với một gia đình nghèo nàn đạm bạc.
Ngược lại tính nóng nảy la ó của Thằng Câm là tính trầm trầm ít nói, và lúc nào cũng nở nụ cười trên khuôn mặt đầy đặn với đôi mắt mù của chú Bốn Bền.
Chú Bốn Bền rất hiền, hiền đến nổi không có gì đặc biệt để nói về chú. Cũng như Thằng Câm, chú Bốn Bền sống độc thân nhờ bà con trong làng cưu mang qua ngày. Chú Bốn Bền hay đến nhà người này người kia xay lúa và lượm thóc. Người ta nói có tật có tài là không ngoa. Chú Bốn Bền mù hai con mắt nhưng một mình tự xúc lúa đổ vào cối xay để xay mà không rơi một hột, và đặc biệt mặc dầu mắt không thấy đường nhưng chú lượm thóc rất sạch! Chú chỉ đưa bàn tay rà trên mâm gạo mà phân biệt được đâu là thóc và đâu là sạn! Người tật nguyền và hiền lành như chú Bốn Bền nên chẳng bao giờ thấy chú buồn phiền. Cuộc sống của chú rất đơn giản: ngày ngày đến nhà nào đó trong làng xay lúa, giả gạo, đêm về mang theo năm ba lon gạo người ta trả công một ngày làm cho chú, và trở lại căn nhà rách nát sống cùng gia đình cưu mang.
Nhưng người ồn ào và gây sự chú ý nhiều nhất cho mọi người trong làng, nhất là đám con nít, là, bà Hướng. Có lẽ những người lớn hàng cha chú sẽ hiểu nhiều hơn về sự xuất xứ của bà Hướng, Thằng Câm và chú Bốn Bền. Nhưng với tôi, sự có mặt của họ trong ngôi làng này hoàn toàn là điều huyền bí!
Bà Hướng trạc ba mươi tuổi, tóc dài, mặt mày đầy đặn tương xứng với dáng vóc nảy nở của bà. Bà Hướng mắc phải bệnh điên và sự trầm trọng của căn bệnh lớn dần theo số tuổi của bà. Vì điên nên không ai giao việc gì cho bà Hướng làm, vì giao việc cho bà chỉ mong chuốt lấy sự đổ bể! Nên hằng ngày bà Hướng la cà trong sân trong vườn, nói đúng hơn là người ta nhốt lỏng bà. Nhưng bà Hướng lại thích đi ra đường. Bà Hướng ăn nói đàn hoàng và ai cũng thương hại, lo lắng cho bà được bình an. Nhưng khi ra đường thì bà Hướng gặp ngay cái đám con nít trong làng, và như thế chiến tranh giữa bà Hướng và đám con nít thế nào cũng xảy ra! Chỉ cần một đứa con nít nhảy đến quẹt vào người là bà Hướng nổi cơn điên lên. Bà sẽ la ó vang trời, rượt bắt đám con nít để hành hạ chúng. Nhưng bà Hướng làm gì đuổi kịp đám con nít! Nên phần thua luôn luôn về tay bà Hướng. Và mỗi lần cơn điên phát lên là bà Hướng trút hết xiêm y rồi đướng giữa đường vỗ phành phạch vào của quý! Vậy là đám con nít lấy làm thích thú đứng ngắm nhìn như chưa bao giờ được thấy! Nhưng bà Hướng đôi khi cũng rất bạo động nên đám con ít trong làng cũng sợ không dám chọc ghẹo quá đáng.
Thế giới của bà Hướng là chuỗi ngày bất ổn.
Có hôm Thằng Câm đi làm trong làng, thấy cảnh con nít chọc ghẹo bà Hướng. Thằng Câm tức giận phùng mang la hét đuổi đám con nít đi. Rồi Thằng Câm nắm tay bà Hướng dìu đến gốc cây ngồi ân cần chăm sóc như một người tình. Thằng Câm miệng ú ớ nói không ra tiếng ngồi vuốt tóc bà Hướng ngay thẳng, sửa lại quần áo chỉnh tề. Những cử chỉ vụng về nhưng cũng đủ làm bà Hướng hạ cơn điên vì đám con nít. Rồi Thằng Câm dìu bà Hướng mang trả lại chủ nhà, trở ra với gương mặt hớn hỡ như đã làm được một việc vĩ đại.
Dường như chỉ có Thằng Câm mới hiểu và thương bà Hướng thật sự!
Câu chuyện buồn thời chiến tranh của anh Năm cũng đến đoạn cuối, tôi hớp ngụm ruợu còn sót trong đáy ly, xong nằm dài trên chiếc salon, mắt nhắm lim dim nghĩ về những chuyện của thời binh lửa. Mỗi lần nhắm mắt lại là hình ảnh hai chiếc Skyraider (Khu trục cơ) hiện ra trong đầu tôi.
Một buổi chiều khi số phận của làng tôi coi như “gạo đã nấu thành cơm”, những gia đình dính dáng với chính quyền địa phương đã tản cư đi nơi khác. Tôi theo Mẹ ra cánh đồng. Mẹ tôi đang cặm cụi làm cỏ trên đám lúa, và tôi đang tung tăng chạy trên bờ ruộng bắt mấy con châu chấu cào cào cho con chim sẻ, thì, hai chiếc Skyraider từ đâu ào ào bay đến. Tôi dừng chân say sưa đứng ngắm hai chiếc Skyraider hào hùng làm chủ khu rừng quê tôi.
Từ trên cao hai chiếc máy bay bay song song lao mình trong gió, chúc đầu chỉa xuống khu rừng rậm, nửa đường nhả ra bốn trái bom khỏi bụng rồi ngóc đầu bay vút lên cao. Bốn quả bom to bằng bắp vế vun vút lao mình găm vào khu rừng Cấm Ông Thi, những tiếng nổ vang rền làm rung chuyển núi đồi! Và những cột khói đen cuồn cuộn bốc lên giữa những ngọn cây xanh cổ thụ! Trong khi cụm khói đen chưa tan biến thì hai chiếc Skyraider quanh đầu lại tiếp tục lao minh xuống khu rừng rậm, và những quả bôm lại bay vun vút găm xuống Cấm Ông Thi. Có những quả bom vướn vào ngọn cây cổ thụ và nổ tung trên ngọn. Và hết vòng này đến vòng khác hai chiếc Skyraider thi nhau thả bom xuống khu rừng rậm.
Nghe tiếng máy bay gầm thét, rồi tiếng bom nổ, tôi liền núp xuống bờ ruộng ngóc đầu lên nhìn hai chiếc Skyraider dội bom. Những trái bom chưa kịp đụng đất đã nổ tung trên ngọn cây, và hết trái này lại đến trái khác. Khi bom đã hết, hai chiếc Skyraider đổi hướng bay trên gò Đồn và nả đạn đại liên 50 cày tung đất bụi bay mù mịt thành những hàng dài trên những đám rẫy khô cằn sỏi đá.
Hôm đó tôi sợ hãi nhưng vẫn ngóc đầu lên nhìn chứng kiến cảnh bom rơi đạn phá Cấm Ông Thi và gò Đồn, tôi nằm chỉ cách nơi bom nổ chừng 500 met. Có lẽ tuổi thơ nên ý thức sự nguy hiểm của chiến tranh cũng không qua nỗi sự háo hức nhìn thấy sự tàn phá của chính nó! Và không hiểu tại sao những tiếng bom nổ vang rền trời đất đã không làm tôi run sợ, mà ngược lại tôi cảm thấy hồi hộp thích thú như mỗi lần nghe pháo nổ!
Khi hai chiếc Skyraider rời bỏ khu rừng bay đi, Mẹ tôi đứng dậy nắm tay tôi vội vàng rời bỏ cánh đồng trở vào làng.
Bước chân tôi chạy theo Mẹ, nhưng thỉnh thoảng vẫn quay đầu nhìn vào những cụm khói bốc lên từ Cấm Ông Thi, mà lòng không hối tiếc đã chứng kiến tận mắt cảnh tàn phá kinh hoàng của bom đạn! Và như chính tôi đang tham gia ở chiến trường đầy bom đạn trong những cuốn phim thời Đệ Nhất Đệ Nhị thế chiến!
Hôm đó ngoài cánh đồng chỉ có năm ba người làm việc đồng án, còn lại ai cũng nằm nhà vì sợ bom đạn và không khí chiến tranh đang chực chờ bùng nổ!
Sáng ngày hôm sau, khi mặt trời chưa ló dạng thì tiếng súng đã nổ vang rền trên cánh đồng. Những bóng người đầu chít khăn đỏ lù lù tiến ra từ khu rừng rậm và Cấm Ông Thi. Những quả pháo 155 ly từ đồn Cộng Hòa cân xuống, những tiếng đại liên 50 từ trong làng bắn ra nổ nghe chát chúa. Nhưng tiếng súng AK47 vẫn nổ ròn, và những đám ruộng lúa lúc nhúc đầu chít khăn đỏ lần mò bò vô hàng rào vi. Trên cánh đồng và ở bìa làng bây giờ đầy đủ các loại tiếng súng, tiếng la xung phong, đạn pháo cối 80 ly, lựu đạn mãn cầu, lựu đạn chày, … và xác người đổ xuống bên cạnh những mái tranh đang bốc cháy. Những tiếng súng vẫn nổ vang rền và càng lúc chiến trường càng quyết liệt hơn. Từ cánh đồng nhìn lên bìa rừng Gò Mít người ta thấy lúc nhúc một đoàn người bịt khăn đỏ trên đầu đang bò ra khỏi bìa rừng hướng về ngôi làng dưới chân núi. Ngay sau đó hai chiếc Skyraider từ đâu lù lù xuất hiện từ phía bên kia ngọn đồi, bay vun vút cắm xuống đoàn người chít khăn đỏ, rồi bom rơi, đạn nổ, khỏi lửa bốc lên cuồn cuộn. Và đoàn người chít khăn đỏ không còn di động!
Chiến trường đến hồi kết thúc. Xác người nằm ngỗng ngang bên cạnh khói lửa điêu tàn, những ba-lô, những súng, mũ, nón, những đôi giày, dép cao su, và những vệt máu loang trên mặt đường. Hình ảnh người chạy trên xác người, trong lửa đạn như trong phim Cuốn Theo Chiều Gió bấy giờ được lập lại!
Giữa cảnh điêu tàn mù mịt khói lửa vài người lính chạy vào ngôi làng dưới chân Gò Mít. Xóm làng vắng bóng người như bãi tha ma. Mọi người đã bỏ ra đi, hoặc trốn trong nhà, chỉ còn lại hai người lảng vảng trong cảnh lửa đạn. Người lính liền mang họ vào bìa rừng dưới chân Gò Mít. Rồi dưới chân Gò Mít người ta thấy một nam một nữ tóc rối lu bù khiêng, kéo, và vác những xác người chạy trên xác người, trong lửa khói. Những xác người còn rất trẻ, trẻ như vừa tới tuổi biết yêu, cháy cong queo bên bìa rừng được hai người nam và nữ mang về để chung một chỗ dưới chân Gò Mít.
Người nữ lục lội trong ví người lính đã chết thấy tấm hình mang đến khoe với người nam. Họ nhìn nhau ú ớ trầm trộ rồi nắm tay nhau bỏ đi.
Người lính ôm súng trên tay bảo quay trở lại, nhưng hai người nam nữ như không nghe biết và mặt vui tươi chân vẫn bước đi. Đến một lúc cây súng lên đạn ken két, và lời đe dọa từ người lính lại vang lên nhưng chỉ lạc lỏng bay vào không gian mà không một lời đáp lại, và bốn bước chân vẫn bước đều. Rồi: Cắt bùm, tiếng súng nổ chát chúa. Xác người nam nằm xuống. Người thiếu nữ cầm tấm hình nhìn xác người nam rồi cười ngất! Người lính đến nắm tay lôi người nữ đi xành xạch vào bìa rừng, miệng nói: “Con điên, mầy cười cái gì?”
Mấy hôm sau, tiếng bom đạn đã yên người ta đi chôn cất những người đã chết. Dưới chân Gò Mít xác Thằng Câm nằm úp mặt xuống đất. Và nơi bìa rừng thân xác bà Hướng nằm chết lõa thể, tay nắm cứng bức hình đôi tình nhân đang hôn nhau có ghi hàng chữ: “Hà Nội ngày về bên em …” Và sau này những buổi tiệc ma thường hiện về trên Gò Mít khi hoàng hôn xuống!
Đồng Sa Băng

Xem Tiếp: ----